Với các phân bộ của Tòa Thánh

 

2005

Với chung Giáo Triều Rôma 22/12/2005

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Ủy Ban Thần Học Quốc Tế về Vấn Đề Nhân Quyền

ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ ngỏ cùng các Hàn Lâm Viện Khoa Học và Xã Hội Học

ĐTC Biển Đức XVI với Phiên Họp Thứ 10 của Các Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện về một Tân Nhân Bản

ĐTC Biển Đức XVI - Sứ Điệp Kỷ Niệm 40 Năm (28/10/1965-2005) Tuyên Ngôn “Nostra Aetate” của CĐ Vaticanô II: “Một Kỷ Nguyên Mới cho Mối Liên Hệ với Nhân Dân Do Thái

ĐTC Biển Đức XVI: Thư về Đời Sống Tận Hiến gửi Đại Hội của Thánh Bộ Dòng Tu ngày 26-27/9/2005

ĐTC GPII: Sứ Điệp gửi Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích về Phụng Vụ Thánh Thể

ĐTC GPII với Giáo Hoàng Học Viện Đặc Trách Sự Sống về đề tài “Phẩm Chất của Sự Sống và Đạo Lý về Sinh Lực”

ĐTC GPII với Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo về việc huấn luyện chủng sinh làm linh mục

ĐTC GPII với Pháp Đình Rôma về Chiều Kính Luân Lý nơi Hoạt Động của Các Vị Thẩm Phán

 ĐTC GPII với phái đoàn phần tử và cố vấn của Ủy Ban Giáo Hoàng Đặc Trách Mỹ Châu Latinh về Ngày Của Chúa

 

 

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Ủy Ban Thần Học Quốc Tế về Vấn Đề Nhân Quyền

 

Sáng Thứ Năm 1/12/2005, Đức Thánh Cha đã tiếp các phần tử của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế do ĐTGM William Joseph Levada lãnh đạo, vị tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin kiêm chủ tịch của ủy ban này. Trong bài nói của mình, ngài đã đề cập tới những chủ đề được ủy ban bàn luận trong cuộc họp thường niên, như đề tài trẻ em chết mà chưa lãnh nhận phép rửa liên quan tới dự án cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, vai trò chuyên nhất của việc Chúa Kitô làm môi giới và bản tính bí tích của Giáo Hội, và đề tài về luật luân lý tự nhiên. Đề tài cuối cùng này, theo ngài, “là đề tài đặc biệt quan trọng để hiểu được nền tảng của những thứ quyền lợi được bắt nguồn từ bản tính của con người, nhờ đó, xuất phát từ ý định của chính Thiên Chúa Hóa Công”.

 

“Trước bất cứ một luật lệ tích cực nào được Chư Quốc ban hành, thì những quyền lợi này là những quyền lợi phổ quát, bất khả vi phạm và bất khả chuyển nhượng, cần phải được mọi người nhìn nhận, nhất là các thẩm quyền dân sự là thành phần được kêu gọi để cổ võ chúng và bảo đảm việc chúng được tôn trọng. Mặc dù theo nền văn hóa tân tiến thì quan niệm về ‘bản tính con người’ dường như bị mất đi, nhưng sự thật vẫn là ở chỗ các quyền lợi của con người không thể nào hiểu được nếu không chấp nhận là con người, ở nơi chính hữu thể của mình, là kẻ mang những giá trị và những qui chuẩn cần phải được tái nhận thức và tái xác nhận, chứ không được sáng chế ra và đem áp đặt một cách chủ quan và độc đoán”.

 

“Việc đối thoại với thế giới của người giáo dân là một việc rất quan trọng. Cần phải làm thật sáng tỏ là việc phủ nhận nền tảng siêu hình về những giá trị thiết yếu của sự sống con người sẽ không thể nào thoát được việc đưa tới chủ nghĩa thực chứng và làm cho luật lệ tùy thuộc vào những chiều hướng tư tưởng làm chủ xã hội; bởi đó biến luật lệ thành dụng cụ của quyền lực, hơn là làm cho quyền lực phụ thuộc vào luật lệ”.

 

Thế rồi ngài nói đến tầm quan trọng của “vị thế” và các phương pháp của thần học Công giáo. Về vấn đề này, ngài nhấn mạnh đến sự kiện là “công việc của thần học gia cần phải được thi hành trong mối hiệp thông với và theo thẩm quyền của Huấn Quyền sống động của Giáo Hội. Coi thần học như là một thứ quan tâm riêng tư của thần học gia là hiểu sai về chính bản chất của nó. Chỉ trong cộng đồng giáo hội, trong mối hiệp thông với các vị chủ chiên hợp lệ của Giáo Hội mà công việc về thần học mới có ý nghĩa. Công việc này chắc chắn là đòi hỏi khả năng về khoa học, nhưng trên hết cũng cần phải có tinh thần đức tin và lòng khiêm nhượng của người biết rằng Vị Thiên Chúa thực sự và hằng sống, chủ thể của việc họ suy tư, là Đấng vô cùng trổi vượt khả năng của loài người”.

 

“Đến đây có thể đặt vấn đề là như thế thần học vẫn có thể được định nghĩa như là một khoa học hợp với lý trí hay chăng? Đúng thế. Lý trí, khoa học, và việc suy nghĩ trong mối hiệp thông với Giáo Hội chẳng những không loại trừ nhau mà còn bổ khuyết lẫn nhau. Thánh Linh đưa Giáo Hội đến sự toàn chân, Giáo Hội phục vụ sự thật và dẫn dắt con người bằng việc dạy sự thật”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 1/12/2005

 

TOP

 

 

ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ ngỏ cùng các Hàn Lâm Viện Khoa Học và Xã Hội Học

 

Sau đây là nguyên văn bài huấn từ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI hôm Thứ Hai 21/11/2005 ngỏ cùng phần tử của Chư Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Khoa Học và Khoa Xã Hội Học, ở Casina Pio IV trong Vườn Vatican.

 

Chư Vị Tôn Nữ và Tôn Nam,

 

Tôi muốn gửi lời chào tha thiết tới tất cả mọi người đang tham dự cuộc họp quan trọng này. Tôi đặc biệt xin cám ơn Giáo Sư Nocola Cabibbo, chủ tịch Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Các Ngành Khoa Học, và Giáo Sư Mary Ann Glendon, chủ tịch Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Các Khoa Xã Hội Học, về những lời lẽ chào mừng của nhị vị. Tôi cũng hân hoan chào Đức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ĐHY Carlo Maria Martini, và ĐHY Georges Cottier, vị luôn dấn thân cho hoạt động của các Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện này.

 

Tôi đặc biệt vui mừng là Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Các Khoa Xã Hội Học đã chọn “quan niệm về con người nơi các khoa xã hội học” làm chủ đề để khảo sát năm nay. Con người là tâm điểm của tất cả lãnh vực xã hội và vì thế là trọng tâm của ngành nghiên cứu của anh chị em. Thánh Tôma Aquinas nói con người “biểu hiệu những gì hoàn hảo nhất theo tự nhiên” (S.Th., I, 29, 3). Con người là một phần của tự nhiên nhưng lại là những chủ thể tự do, những chủ thể có các giá trị về luân lý và tâm linh, những chủ thể siêu việt trên tự nhiên. Thực tại về nhân loại học này là một nguyên tố nơi tư tưởng Kitô giáo, và là những gì trực tiếp đáp ứng đối với những nỗ lực muốn loại bỏ biên giới ngăn cách giữa các khoa học về nhân bản với các khoa học về tự nhiên, cái biên giới thường được xã hội hiện đại phác họa.

 

Hiểu một cách xác đáng thì thực tại này cống hiến một giải đáp sâu xa cho những vấn nạn ngày nay đặt ra liên quan tới vị thế của con người. Đó là một đề tài cần phải tiếp tục trở thành yếu tố trong việc đối thoại với khoa học. Giáo huấn của Giáo Hội được dựa vào sự kiện là Thiên Chúa đã dựng nên con người nam nữ theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài, và ban cho họ một phẩm vị siêu việt cùng với trách nhiệm chung đối với toàn thể thiên nhiên tạo vật (x Gen 1 và 2).

 

Theo dự án của Thiên Chúa, không thể nào tách biệt các chiều kích về thể lý, tâm lý và tâm linh của con người khỏi bản tính của họ. Cho dù văn hóa có đổi thay qua giòng thời gian, thì việc cấm cản hay coi thường bản tính này, việc họ gọi là “vun trồng”, là những gì có thể gây ra những hậu quả trầm trọng. Cũng thế, cá nhân con người chỉ được thực sự viên trọn khi họ biết chấp nhận những yếu tố của bản tính làm họ trở thành những con người.

 

Quan niệm này về con người tiếp tục mang lại một kiến thức sâu xa về đặc tính chuyên biệt và chiều kích xã hội của hết mọi con người. Điều này đặc biệt đúng nơi các cơ cấu về pháp lý và xã hội, nơi quan niệm về “con người” là những gì trọng yếu. Tuy nhiên, đôi khi, ngay cả lúc quan niệm này được nhìn nhận trong các tuyên ngôn quốc tế cũng như trong các qui định về pháp lý, một số văn hóa, nhất là lúc những nền văn hóa ấy không được thấm nhuần Phúc Âm, vẫn bị ảnh hưởng mãnh liệt bởi những ý hệ qui về phái nhóm, hay bởi cái quan niệm chủ nghĩa cá nhân và trần tục của xã hội. Giáo thuyết về xã hội của Giáo Hội, một giáo thuyết đặt con người làm tâm điểm và mạch nguồn của lãnh vực xã hội, là những gì có thể cống hiến rất nhiều cho việc quan tâm hiện nay đến các vấn đề về xã hội.

 

Thật là trùng hợp đó là chúng ta đang bàn đến đề tài về con người vì chúng ta muốn đặc biệt tôn kính vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Một cách nào đó việc ngài đóng góp không thể chối cãi cho quan niệm Kitô giáo có thể được hiểu như là một thứ suy niệm sâu xa về con người. Ngài đã làm phong phú và quảng diễn quan niệm này nơi các bức thông điệp của ngài cũng như ở các văn kiện khác. Những bản văn ấy tiêu biểu cho một gia sản cần phải được ân cần lãnh nhận, thu thập và áp dụng, đặc biệt bởi Chư Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện.

 

Bởi thế, với lòng tri ân, tôi xin lợi dụng dịp này để tháo tấm vải che bức tượng Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một pho tượng được ghi khắc bên cạnh hai câu nói đáng nhớ. Chúng nhắc nhở chúng ta về mối quan tâm đặc biệt của Người Tôi Tớ Chúa đây nơi hoạt động thuộc Chư Hàn lâm Viện của anh chị em là các cơ cấu được thành lập năm 1994. Chúng cũng nói lên việc ngài khôn ngoan sẵn sàng dấn thân thực hiện cuộc đối thoại cứu độ với thế giới khoa học và văn hóa, một ước muốn được ký thác đặc biệt cho Chư Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện này. Tôi cầu xin cho những hoạt động của anh chị em được tiếp tục mang lại một cuộc trao đổi tốt đẹp giữa giáo huấn của Giáo Hội về con người và các khoa học cùng xã hội học được anh chị em đại diện. Tôi xin muôn vàn ân phúc thần linh đổ xuống cho tất cả mọi người hiện diện trong dịp quan trọng này.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 21/11/2005

 

TOP

 

 

ĐTC Biển Đức XVI với Phiên Họp Thứ 10 của Các Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện về một Tân Nhân Bản

 

Hôm Thứ Ba 15/11/2005, một cuộc họp chung hằng năm của các giáo hoàng hàn lâm viện được tổ chức tại Sảnh Đường Tân Synod. Trong cuộc họp lần thứ 10 kể từ khi nó được Đức Gioan Phaolô II thành lập năm 1995. Chủ đề của cuộc họp năm nay là “Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, một con người trọn hảo, ‘tầm vóc nhân bản đích thực’”. Và cuộc họp được Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Thánh Tôma Aquina và Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Thần Học tổ chức.

 

Trong cuộc họp này, như mọi năm, có mục phát thưởng cho những tác phẩm xuất sắc và sáng giá, năm nay, 2005, phần thưởng được trao tặng cho một người Ý là Giovanni Catapano về tác phẩm của ông là “Quan niệm triết lý nơi các bản văn ban đầu của Thánh Âu Quốc Tinh. Một phân tách về các đoạn triết lý siêu hình từ ‘Contra Academicos’ đến ‘De vera relione’”. Đức Thánh Cha cũng trao tặng hai huy chương tòa thánh cho hai vị khác, một cho vị linh mục Tây Ban Nha về luận đề của ngài là “Mối liên hệ giữa việc tạo dựng và việc giao ước nơi thần học hiện đại”, và một cho người Ý nữa là Massimiliano Marianelli về tác phẩm của ông là “Tái nhận thức phép ẩn dụ. Cái hoang đường và biểu hiệu nơi triết lý của Simone Weil”.

 

ĐTC cũng gửi cho thành phần tham dự viên tham dự phiên họp hằng năm này một sứ điệp về đề tài làm ngài chú trọng đặc biệt, vì nó có một “tầm quan trọng chính yếu và thiết yếu cả ở những suy tư thần học lẫn nơi mỗi cảm nghiệm đức tin của Kitô hữu”.

 

“Văn hóa tân tiến mang đầy tính chất chủ quan thường dẫn tới cá nhân chủ nghĩa cực đoan hay đến tương đối chủ nghĩa, đẩy con người đến chỗ coi con người như là một thứ đo lường duy nhất để phán đoán chính họ, lạc mất những mục tiêu không tập trung vào bản thân khác, một bản thân trở thành tiêu chuẩn duy nhất để thẩm định thực tại cùng với các chọn lựa của họ.

 

“Như thế, con người có khuynh hướng ngã về bản thân mình hơn bao giờ hết, khép kín bản thân mình vào một thế giới vi mô hiện hữu thiếu khí thở, nơi không còn một chỗ nào cho những lý tưởng cao cả hướng về siêu việt thể, về Thiên Chúa.

 

“Trái lại, con người chế ngự được bản thân mình và không để cho mình bị đóng khung vào những giới hạn chật chội của cái tôi lại là thành phần có khả năng thực sự chiêm ngưỡng kẻ khác và thiên nhiên tạo vật.

 

“(Nhờ đó, con người mới ý thức được) đặc tính chính yếu tạo vật của mình trong việc liên tục, khi được kêu gọi tăng trưởng một cách hòa hợp về tất cả mọi chiều kích của họ, bắt đầu ngay từ nội tâm, càng ngày càng tiến đến chỗ hoàn toàn hiện thực dự án được Đấng Hóa Công in ấn nơi phần hữu thể sâu xa nhất của họ.

 

“Có một số trào lưu và khuynh hướng văn hóa tìm cách để cho con người ở trong tình trạng non dại của họ, trong tình trạng trẻ con hay dậy thì kéo dài. Trái lại, Lời Chúa lại dứt khoát thôi thúc chúng ta tiến đến chỗ trưởng thành và mời gọi chúng ta hết sức dấn thân tiến đến một tầm vóc cao về nhân bản.

 

“Thành phần môn đệ thực sự của Chúa Kitô, chẳng những không ở trong trạng thái con nít bị xô lấn đẩy đưa bởi mọi chiều gió chủ nghĩa, lại còn cố gắng đạt tới ‘tầm vóc thành nhân, đến tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô (x Eph 4:13).

 

“Bởi thế, Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, được Chúa Cha ban cho nhân loại để phục hồi hình ảnh bị tội lỗi làm méo mó, là một con người trọn hảo cho tầm mức nhân bản chân thực. Hết mọi con người cần phải gặp gỡ Người và đến với Người – nhờ ân sủng trợ giúp – và phải hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực của mình chăm lo hiện thực cuộc sống của mình và hoan hỉ nhiệt thành đáp ứng ơn gọi rất cao cả được in ấn nơi hữu thể của họ.

 

“(Các hàn lâm sĩ cần phải) nhiệt thành hăng say cổ võ việc xây dựng thứ tân nhân bản này, tùy theo ngành học hỏi và nghiên cứu của mình. Anh chị em có phận sự phải tái trình bày, tùy theo khả năng tương xứng của anh chị em, vẻ đẹp, sự thiện, sự thật của chân dung Chúa Kitô là Đấng hết mọi người được kêu gọi để nhận ra những đặc tính chân thực nhất và trọn vẹn nhất của họ, nhận ra một mô phạm họ cần phải bắt chước hơn bao giờ hết.

 

“Bởi thế mà công việc khổ công của anh chị em, sứ vụ cao cả của anh chị em đó là việc anh chị em trình bày Chúa Kitô cho con người ngày nay như là một tầm mức chân thực của tình trạng trưởng thành và nhân bản trọn vẹn”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit và VIS phổ biến ngày 17/11/2005

 

  

 TOP

 

 

 

ĐTC Biển Đức XVI - Sứ Điệp Kỷ Niệm 40 Năm (28/10/1965-2005) Tuyên Ngôn “Nostra Aetate” của CĐ Vaticanô II: “Một Kỷ Nguyên Mới cho Mối Liên Hệ với Nhân Dân Do Thái

 

Kính gửi Huynh Đáng Kính

Hồng Y Walter Kasper

Chủ Tịch Ủy Ban Liên Hệ Tôn Giáo với Những Người Do Thái

 

Bốn mươi năm đã qua đi từ ngày vị tiền nhiệm của tôi là Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành Tuyên Ngôn của Công Đồng Chung Vaticanô II về mối liên hệ của Giáo Hội với Các Tôn Giáo Không Phải Kitô Giáo “Nostra Aetate”, một tuyên ngôn đã mở ra một tân kỷ nguyên của mối liên hệ với nhân dân Do Thái và cống hiến một nền tảng cho việc đối thoại chân thành về thần học. Việc kỷ niệm này cho chúng ta nhiều lý do để bày tỏ lòng tri ân Thiên Chúa Toàn Năng về chứng từ của tất cả những ai, bất chấp một lịch sử phức tạp và thường đau thương, nhất là sau biến cố thảm thương Shoah, một biến cố bị ảnh hưởng bởi ý hệ duy chủng ngoại đạo, đã can đảm hoạt động để nuôi dưỡng việc hòa giải và cải tiến mối thông cảm giữa những người Kitô hữu và Do Thái.

 

Trong việc đặt nền tảng cho mối liên hệ mới mẻ giữa Nhân Dân Do Thái và Giáo Hội, Bản Tuyên Ngôn “Nostra Aetate” đã nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải thắng vượt những thành kiến, hiểu lầm, lạnh lùng cũng như ngôn từ khinh khi và hận thú của quá khứ. Bản Tuyên Ngôn này đã từng là cơ hội để hiểu biết và tôn trọng nhau hơn, để hợp tác và thường thân tình giữa những người Công giáo và Do Thái hơn. Bản Tuyên Ngôn này cũng thách đố họ trong việc nhìn nhận những nguồn gốc thiêng liêng chung của họ và cảm nhận gia sản phong phú về đức tin của họ nơi Vị Thiên Chúa Duy Nhất là Đấng tạo thành trời đất, Đấng đã thiết lập giao ước với Dân Tuyển Chọn, đã tỏ cho biết các giới răn của Ngài, và đã dạy là hãy hy vọng vào những lời hứa hẹn cứu độ mang đến niềm tin tưởng và niềm ủi an cho các cuộc chiến đấu trong cuộc đời.

 

Nhân dịp kỷ niệm này, dịp chúng ta nhìn lại 4 thập niên của những giao tiếp tốt đẹp giữa Giáo Hội và Nhân Dân Do Thái, chúng ta cần lập lại việc dấn thân của chúng ta cho những gì vẫn cần phải được thực hiện. Về vấn đề này, từ những ngày đầu tiên Giáo Triều của mình, nhất là trong cuộc tôi viếng thăm mới đây tại Hội Đường Do Thái ở Cologne, tôi đã bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ của mình trong việc bước đi theo vết chân của vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

 

Việc đối thoại giữa người Do Thái và Kitô hữu cần phải được tiếp tục để làm thăng hoa và đào sâu các mối giây thân hữu đã từng được phát triển, trong khi đó cũng cần phải thực hiện việc giảng dạy và giáo lý để bảo đảm là mối liên hệ với nhau của chúng ta được trình bày theo chiều hướng của các nguyên tắc được Công Đồng này đề ra. Nhìn đến tương lai, tôi hy vọng rằng trong cả việc đối thoại về thần học cũng như nơi các giao tiếp và hợp tác hằng ngày, Kitô hữu và người Do Thái sẽ cống hiến một chứng từ chung, có sức thu hút hơn bao giờ hết, cho Vị Thiên Chúa Duy Nhất và cho các giới luật của Ngài, cho tính cách linh thánh của sự sống, cho việc cổ võ phẩm vị con người, cho quyền lợi của gia đình và cho nhu cầu xây đắp một thế giới công lý, hòa giải và hòa bình cho các thế hệ mai hậu.

 

Nhân dịp kỷ niệm này, xin huynh tin tưởng rằng tôi nguyện cầu cho huynh và cho những ai trợ giúp huynh, cũng như cho tất cả những ai dấn thân nuôi dưỡng việc hiểu biết và cộng tác hơn giữa Kitô hữu và Do Thái hợp với tinh thần của “Nostra Aetate”. Tôi thân ái xin Chúa ban phúc lành khôn ngoan, vui mừng và an bình cho tất cả mọi người.

Tại Vatican ngày 26/10/2005

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 28/10/2005

 

TOP

 

ĐTC Biển Đức XVI: Thư về Đời Sống Tận Hiến gửi Đại Hội của Thánh Bộ Dòng Tu ngày 26-27/9/2005                                                                                                   

Gửi Huynh Đáng Kính

TGM Franc Rodé, C.M.

Tổng Trưởng Thánh Bộ

Các Dòng Tu Tận Hiến và Các Hội Sống Tông Đồ

 

Nhân dịp Đại Hội của Thánh Bộ này, tôi rất hân hoan gửi lời chào tới tất cả moị tham dự viên. Đặc biệt tôi chào huynh, vị Thư Ký và tất cả những ai làm việc trong Phân Bộ do huynh lãnh đạo.

 

Cùng với lời chào hỏi của mình, tôi cũng muốn tỏ lòng tri ân và niềm vui của tôi: tri ân vì huynh chia sẻ với tôi mối quan tâm và việc phục vụ cho thành phần tận hiến; vui vì qua huynh tôi biết rằng tôi đang ngở lời cùng thế giới của thành phần nam nữ sống đời tận hiến theo chân Chúa Giêsu trên con đường của những lời khuyên Phúc Âm, cũng như của đặc sủng chuyên biệt họ có do Thần Linh tác động.

 

Lịch sử của Giáo Hội được ghi dấu bằng những việc can thiệp của Thánh Linh, Đấng đã không những làm phong phú Giáo Hội bằng những tặng ân khôn ngoan, ngôn sứ và thánh đức của Ngài, mà còn trang bị cho Giáo Hội bằng những hình thức luôn mới của cuộc sống phúc âm, qua công việc của các vị nam nữ sáng lập là những vị đã truyền đạt đặc sủng của mình cho gia đình con cái nam nữ thiêng liêng của các vị.

 

Điều ấy có nghĩa là, hôm nay đây, nơi các đan viện và những trung tâm linh đạo, các đan sĩ, tu sĩ và những con người tận hiến có thể cống hiến cho thành phần tín hữu những thứ mầu mỡ chiêm niệm và các trường học nguyện cầu, việc giáo dục về đức tin và việc hướng dẫn về phần thiêng liêng.

 

Tuy nhiên, trên hết, thành phần tận hiền tiếp tục đại sự truyền bá phúc âm hóa và làm chứng nhân ở tất cả mọi lục địa, thậm chí ở những tuyến đầu của đức tin, bằng lòng quảng đại đến thường hy hiến mạng sống mình, cho đến chỗ tử đạo. 

 

Nhiều người trong họ hoàn toàn dấn thân cho việc giảng dạy giáo lý, cho việc giáo dục, việc giảng dạy, cho việc phát triển về văn hóa và cho thừa tác vụ truyền thông. Họ gần gũi giới trẻ và các gia đình của họ, gần gũi thành phần nghèo khổ, cao niên, bệnh nạn và cô đơn.  

 

Không có môi trường về nhân bản hay giáo hội nào họ không hiện diện, thường âm thầm nhưng luôn hiệu năng và sáng tạo, có thể nói là sự liên tục cho sự hiện hiện của Chúa Giêsu là Đấng đã đi khắp nơi để làm lành cho tất cả mọi người (x Acts 10:38).

 

Giáo Hội tri ân chứng từ trung thành và thánh đức ấy, chứng từ được xuất phát từ rất nhiều phần tử của Các Tu Hội Tận Hiến, tri ân những lời nguyện cầu chúc tụng không ngừng và chuyển cầu dâng lên bởi cộng đồng của họ, và tri ân cuộc đời họ sống phục vụ Dân Chúa.

 

Ngày nay, đời tận hiến, như các lãnh vực khác của đời sống giáo hội, thật sự là không thiếu những thử thách và khó khăn. Anh chị em đã nhắc lại khi kết thúc cuộc Đại Hội lần trước là “kho tàng cao cả của tặng ân Thiên Chúa được chứa đựng trong những bình sành (x 2Cor 4:7), và mầu nhiệm sự dữ cũng đe dọa cả những ai toàn hiến đời mình cho Chúa” (Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, "Starting Afresh from Christ," n. 11).

 

Thay vì liệt kê những thứ khó khăn đời tận hiến chạm trán ngày nay, tôi xin khẳng định với tất cả mọi con người nam nữ tận hiến về sự gần gũi, quan tâm và yêu thương được toàn thể Giáo Hội giành cho họ.

 

Vào lúc mở màn cho tân thiên kỷ này, đời tận hiến đang phải đối diện với những thách đố kinh khủng mà họ chỉ có thể đương đầu trong mối hiệp thông với toàn thể Dân Chúa, với các vị Chủ Chiên cũng như với tất cả mọi tín hữu mà thôi. Việc chú trọng của Thánh Bộ Các Dòng Tu Đời Tận Hiến và Các Hội Sống Đời Tông Đồ hợp với chiều hướng ấy ở Đại Hội của anh chị em đây, một đại hội nói đến 3 đề tài rất chính xác.

 

Đề tài thứ nhất liên quan tới việc hành sử quyền bính. 

 

Để bảo đảm một đời sống huynh đệ chân thực trong việc tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa, thì đó là một việc phục vụ cao quí và cần thiết. Thật vậy, chíùnh Chúa Phục Sinh, hiện diện một cách mới mẻ giữa anh chị em qui tụ lại nhân danh Người (x Sắc Lệnh ‘Đức Ái Trọn Hảo’, 15), là Đấng vạch vẽ con đường phải theo.

 

Chỉ khi nào chính các vị Bề Trên nam nữ sống tuân phục Chúa Kitô và thành tâm tuân giữ luật dòng thì các phần tử trong cộng đồng mới có thể rõ ràng thấy chẳng những việc họ vâng lời Bề Trên không phản lại với quyền tự do của con cái Thiên Chúa, mà nó còn dẫn họ tới chỗ trưởng thành trong việc nên giống Chúa Kitô là Đấng vâng lời Chúa Cha nữa (x ibid., 14).

 

Đề tài cho Cuộc Đại Hội này liên quan tới tiêu chuẩn để nhận thức và chuẩn nhận các hình thức mới của đời sống tận hiến.

 

“Những ai có trách nhiệm đối với Giáo Hội cần phải thẩm định theo vai trò của mình tính cách chân thực và việc sử dụng thích đáng các tặng ân ấy”, Hiến Chế Tín Lý “Ánh Sáng Muôn Dân” nhắc nhở như thế khi nói tới chung chung các thứ đặc sủng, “thực sự không được dập tắt đi Thần Linh, thế nhưng phải thử tất cả mọi sự và năm giữ lấy những gì là tốt lành” (khoản 12).

 

Và đó là những gì cả anh chị em cũng đang tìm cách thực hiện trong những ngày này đây, những đừng quên raăng anh chị em phải thi hành công việc cao quí và tinh tế của mình theo chiều hướng tạ ơn Chúa, Đấng cho tới hôm nay vẫn tiếp tục làm phong phú Giáo Hội của Ngài bằng các đặc sủng luôn mới mẻ theo sự sáng tạo và dồi dào của Thần Linh Ngài.

 

Đề tài thứ ba anh chị em bàn tới liên quan đến đời sống đan viện.

 

Bắt đầu bằng những tình trạng tình cờ ngẫu nhiên cũng đòi phải được can thiệp một cách khôn ngoan và thực sự cụ thể, anh chị em có ý quan sát cái chân trời rộng lớn của thực tại này, một thực tại đã từng và vẫn còn rất quan trọng trong lịch sử của Giáo Hội. Anh chị em tìm kiếm những đường lối thích đáng để tái bắt đầu trong ngàn năm mới cái cảm nghiệm về đan viện mà Giáo Hội ngày nay rất cần đến, vì Giáo Hội nhìn nhận nơi nó có một chứng từ hùng hồn về thượng quyền của Thiên Chúa, vị Thiên Chúa liên lỉ được chúc tụng, tôn thờ, phụng sự và kính mến bằng cả tâm can, tâm hồn và tâm trí (x Mt 22:37).

 

Sau hết, tôi lấy làm sung sướng nhận thấy rằng Đại Hội này đang diễn ra trong khung cảnh Phân Bộ này long trọng cử hành mừng kỷ niệm 40 năm Công Đồng Vaticanô ban bố Sắc Lệnh “Đức Ái Trọn Hảo” veê vấn đề canh tân đời sống tu trì.

 

Tôi hy vọng rằng những hướng dẫn nồng cốt được các Nghị Phụ Công Đồng này vào lúc bấy giờ cống hiến cho việc tiến bộ của đời tận hiến vẫn còn là nguồn hứng hôm nay đây cho tất cả những ai hiến đời mình cho việc phụng vụ Vương Quốc của Thiên Chúa.

 

Tôi đang nói đến chính yếu những gì Sắc Lệnh “Đức Ái Trọn Hảo” này diễn tả như “vitae religiosae ultima norma”, “tiêu chuẩn cuối cùng của đời sống tu trì”, tức là, “sequela Chirsti”. Việc tái nhận thức chân thực đời sống tu trì không thể nào thực hiện được nếu không tìm cách sống hoàn toàn hợp với Phúc Âm, nếu không đặt bất cứ suư gì trước Tình Yêu duy nhất, mà là tìm thấy nơi Chúa Giêsu cũng như nơi các lời của Người cái yếu tính còn sâu xa hơn cả bất cứ đặc sủng của vị Sáng lập nào.

 

Một hướng dẫn căn bản khác của Công Đồng này đó là việc hiến mình một cách quảng đại và mới mẻ cho anh chị em của mình, không bao giờ nhường bước cho khuynh hướng thu mình lại, không bao giờ thỏa mãn với việc chiếm đạt đã qua và không bao giờ ngã theo bi quan hay bạc nhược.

 

Ngọn lửa yêu thương được Thần Linh khêu lên trong lòng là một kích tố để liên lỉ tự vấn về các nhu cầu của nhân loại cũng như về việc làm sao để đáp ứng những nhu cầu ấy, biết rõ raăng chỉ có những ai nhìn nhận và yêu mến tối thượng quyền của Thiên Chúa mới có thể thực sự đáp ứng những nhu cầu thực sự của con người nam nữ được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.

 

Tôi muốn tiếp tục một hướng dẫn khác quan trọng được các vị Nghị Phụ trình bày trong Sắc Lệnh Đức Ái Trọn hảo này: đó là việc dấn thân liên lỉ của con người tận hiến trong việc vun trồng đời sống hiệp thông chân thành (x khoản 15), chẳng những ở các cộng đồng riêng mà với toàn thể Giáo Hội, vì các đặc sủng bao giờ cũng caân phải được bảo toàn, sâu xa và liên lỉ phát triển “hợp với Thân Mình Chúa Kitô liên tục trong tiến trình tăng tiển” ("Mutuae Relationes," n. 11).

 

Đây là những tư tưởng về các đề tài được cuộc Đại Hội của anh chị em bàn tới mà tôi tha thiết muốn ký thác cho anh chị em suy tư. Tôi sẽ hỗ trợ với anh chị em trong lời nguyện cầu của tôi, và để kêu cầu Chúa trở giúp và Đức Trinh Nữ Rất Thánh phù trì trên anh chị em và hoạt động của anh chị em, tôi ban Phép Lành cho mỗi một người trong anh chị em như bảo chứng tình ưu ái của tôi đối với anh chị em.
 

Tại Castel Gandolfo, 7/9/2005, Lễ Nhớ Thánh Vincentê Đệ Phaolô

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/10/2005

 

TOP

 

 

ĐTC GPII: Sứ Điệp gửi Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích về Phụng Vụ Thánh Thể

 

Nhân dịp Đại Hội của Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích, ĐTC đã gửi cho đại hội (gồm 32 vị hồng y và được kết thúc vào Thứ Sáu 4/3) này một sứ điệp, được ký tại bệnh viện hôm Thứ Năm 3/3/2005, qua ĐHY Tổng Trưởng Francis Arinze.

 

Trong sứ điệp của mình, ngoài lời cám ơn riêng vị hồng y tổng trưởng, ĐTC còn bày tỏ lòng biết ơn “thánh bộ này về việc nhanh chóng đáp ứng những ý định của Thông Điệp ‘Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể’ cũng như của Tông Thư ‘Xin Chúa Ở Với Chúng Con’, bằng việc biên soạn trước hết là Bản Hướng Dẫn ‘Redemptionis Scaramentum’ rồi tới ‘Những Gợi Ý và Dự Thảo’ cho Năm Thánh Thể. Tôi hy vọng rằng, nhờ những văn kiện ấy, cộng đồng Kitô hữu có thể mến yêu Bí Tích Chí Thánh hơn, cũng như giúp vào việc cử hành hy tế Thánh Thể một cách xứng đáng hơn, hợp với các qui tắc phụng vụ, nhất là với việc tham dự nội tâm”.

 

Về một trong những khía cạnh của đề tài đại hội lần này là “nghệ thuật cử hành phụng vụ” “ars celebrandi”, ĐTC đã nhấn mạnh là “trên hết, nơi việc cử hành Thánh Thể, một tái hiện thực sống động của Mầu Nhiệm vượt qua, Chúa Kitô hiện diện và tác động của Người được chia sẻ bằng nhiều cách thích hợp với nhân tính của chúng ta, một nhân tính rất cần đến những lời nói, dấu hiệu và nghi thức. Tính cách hiệu lực của hành động này là hoa trái của công việc Chúa Thánh Thần làm, thế nhưng cũng cần đến đáp ứng của loài người nữa”.

 

Theo ĐTC, “nghệ thuật cử hành cho thấy khả năng của các vị thừa tác viên thánh chức cũng như của toàn thể cộng đồng qui tụ lại để cử hành trong việc tác hành và sống ý nghĩa của mỗi một tác động phụng vụ”, giúp cho họ “thấm nhập sâu xa vào Mầu Nhiệm này”.

 

Một vấn đề khác cũng được bàn đến trong đại hội là việc giảng giải trong khi cử hành Thánh Thể, ĐTC cũng nói việc giảng giải “có một hình thức khác với hình thức  dạy giáo lý thông thường, và là vấn đề giảng giải bắt con người thực hiện phải thi hành một trách nhiệm lưỡng diện đối với cả Lời Chúa lẫn cộng đồng…. Không được bỏ qua việc giảng giải, nhất là khi cử hành Thánh Thể Chúa Nhật. Trong môi trường tân truyền bá phúc âm hóa thì bài giảng tiêu biểu cho một cơ hội huấn luyện quí hóa, và đối với nhiều người là một cơ hội đặc biệt”.

 

Theo ý ĐTC thì bài giảng “cần phải thiên về cuộc hội ngộ, một cách sâu xa và tác động nhất có thể, giữa Thiên Chúa là Đấng nói và cộng đồng là người nghe”.  

 

Một vấn đề khác nữa cũng được bàn đến trong đại hội đó là vấn đề huấn luyện về phụng vụ, ĐTC viết: “Các cộng đồng giáo xứ, các hội đoàn và các phong trào của hội thánh rất cần phải được huấn luyện thích hợp, để hiểu biết phụng vụ hơn nơi ngôn từ phong phú của phụng vụ, cũng như để cảm nghiệm được phụng vụ trọn vẹn hơn. Có thế, đời sống cá nhân cũng như cộng đồng mới cảm thấy được những thành quả lợi ích của phụng vụ”.

 

Việc huấn luyện về phụng vụ, theo ĐTC, chẳng những là những gì “quan trọng” đối với “việc sửa soạn cho các linh mục, phó tế, các thừa tác viên hội dòng và thành phần tu sĩ”, mà còn trở thành một “chiều kích vĩnh viễn của việc giảng dạy giáo lý cho tất cả mọi tín hữu nữa.

 

“Việc canh tân phụng vụ của Công Đồng Chung Vaticanô II đã làm phát sinh ra nhiều hoa trái quan trọng, nhưng cần phải tiến từ việc canh tân đến việc việc ý thức sâu xa hơn, nhờ đó phụng vụ có thể càng ngày càng làm nên đặc tính của đời sống cá nhân cũng như cộng đồng, biến đổi họ thành những nguồn lực thánh đức, hiệp thông và truyền giáo”.

 

ĐTC GPII với Giáo Hoàng Học Viện Đặc Trách Sự Sống về đề tài “Phẩm Chất của Sự Sống và Đạo Lý về Sinh Lực”

ĐTC GPII đã viết một sứ điệp gửi cho ĐGM Elio Sgreccia, chủ tịch Giáo Hoàng Học Viện Về Sự Sống cũng như cho thành phần tham dự viên cuộc hội nghị nghiên cứu được tổ chức ở Vatican trong thời khoảng 21-23/2/2005, về đề tài “Phẩm Chất của Sự Sống và Đạo Lý về Sinh Lực”. Sau đây là những điểm chính yếu tiêu biểu ĐTC muốn nhắn nhủ hội nghị về sự sống này.

“Trước hết, cần phải nhìn nhận phẩm chất thiết yếu làm cho mỗi một người trở thành đặc biệt ở sự kiện là họ được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như chính Đấng Hóa Công…. Tầm mức phẩm vị và phẩm chất này thuộc về lãnh vực bản thể học và là những gì làm nên con người, nó kéo dài suốt cuộc sống, từ giây phút đầu tiên được thụ thai cho đến khi tự nhiên chết đi, và nó được hoàn toàn hiện thực nơi chiều kích sự sống siêu nhiên. Bởi thế mà con người cần phải được nhìn nhận và tôn trọng ở bất cứ tình trạng sức khỏe, yếu bệnh hay tật nguyền nào.

“Bị áp đảo bởi những xã hội thịnh đạt, quan niệm về phẩm chất của sự sống vừa được yêu chuộng lại đồng thời bị suy giảm và lựa lọc, một quan niệm được thể hiện nơi khả năng hoan hưởng và cảm khoái, thậm chí nơi cả khả năng tự thức và tham gia vào sinh hoạt xã hội. Bởi thế, không có một phẩm chất của sự sống nào được giành cho con người chưa biết hay không còn khả năng bày tỏ lý trí và lòng muốn của họ, cũng như cho những người không còn khả năng hoan hưởng sự sống như là một chuỗi cảm xúc và liên hệ”.

Ở phần sau của sứ điệp, ĐGH đã đề cập đến chiều kích luân lý của quan niệm sinh lực, “một quan niệm không thể sơ xuất”. Sau khi nhắc lại tình trạng lan tràn của việc nghiện rượu, nghiện hút và hội chứng liệt kháng, ngài nói thêm:

“Có bao nhiêu năng lực của sự sống, và có bao nhiêu mạng sống của giới trẻ, có thể được cứu vớt và giữ gìn cho tình trạng khỏe mạnh nếu mỗi một cá nhân con người lãnh nhận trách nhiệm về luân lý trong việc biết cách cổ võ vấn đề ngăn ngừa tốt đẹp hơn cũng như việc bảo trì sự thiện quí hóa được chúng ta gọi là sinh lực!

“Dĩ nhiên, sinh lực không phải là một sự thiện tuyệt đối, nhất là khi nó được thấy như là một thứ phúc hạnh thể lý thuần túy, một thứ phúc hạnh được thần thoại hóa đến độ nó giới hạn hóa hay coi thường những đích điểm cao cả hơn, thậm chí đưa ra những lý do về sức khỏe để chối bỏ sự sống phôi dựng. Đó là những gì đang xẩy ra nơi thứ sinh lực được gọi là ‘sinh lực sản sinh’. Làm sao chúng ta lại không thể nhận thấy nơi vấn đề này một thứ quan niệm suy kém và lệch lạc về sinh lực chứ?”

Theo ĐTC nhấn mạnh thì sinh lực “chỉ có thể hy sinh đi cho những mục đích cao cả hơn mà thôi, như đôi khi được đòi hỏi trong việc phục vụ đối với Thiên Chúa, đối với gia đình, đối với anh chị em chúng ta hay đối với toàn thể xã hội. Sinh lực cần phải được canh giữ và chữa trị như là một thứ quân bình về tâm sinh lý và tâm thần nơi con người. Phung phí sức khỏe vì những thứ lệch lạc khác nhau, nhất là những thứ liên quan tới vấn đề bại luân nơi cá nhân, là những gì phải chịu trách nhiệm nặng nề về luân thường đạo lý và xã hội”.

 

ĐTC GPII với Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo về việc huấn luyện chủng sinh làm linh mục

 

Sau đây là huấn từ của ĐTC gửi Đại Hội Thường Niên của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo đề ngày 1/2/2005.

 

 

Huynh khả kính,

Hồng Y Zenon Grocholewski,

Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo

 

1.         Tôi rất hân hoan gửi lời chào thân ái tới huynh cũng như tới chư huynh khả kính trong hàng giáo phẩm và linh mục, cùng các phần tử thuộc Phân Bộ này, những người qui tụ lại dịp Đại Hội Thường Niên năm nay. Tôi chúc anh chị em thành đạt trong các phiên hội họp ở những ngày này, những ngày anh chị em cứu xét về một số vấn đề liên quan tới các Chủng Viện, các Ban Giảng Huấn Giáo Hội và các Đại Học Công Giáo.

 

2.         Anh chị em đang đặc biệt chú trọng tới dự án giáo dục ở các chủng viện là những gì cần phải bao gồm tính cách hỗ tương nống cốt của 4 chiều kích huấn luyện là nhân bản, kiến thức, tinh thần và mục vụ (see "Pastores Dabo Vobis," 43-59).

 

Trong hoàn cảnh của những đổi thay về xã hội và văn hóa hiện nay, có những trường hợp các nhà giáo dục cần phải sử dụng công việc của các chuyên viên có khả năng để giúp cho chủng sinh hiểu biết sâu xa hơn những nhu cầu cấp thiết của vai trò làm linh mục, khi nhận ra nơi cuộc sống độc thân tình yêu dâng hiến cho Chúa và cho anh chị em mình. Ngay khi những con người nam trẻ trung nhập chủng viện, cần phải cẩn thận kiểm xét về khả năng sống đời độc thân của họ, để, trước khi được Thụ Phong, họ được vững vàng về luân lý ở mức độ trưởng thành về cảm xúc và tình dục của họ.

 

3.         Cuộc Đại Hội của anh chị em cũng chú trọng tới các Ban Giáo Chức của Giáo Hội và các Đại Học Đường Công Giáo, những gì nói lên gia sản phong phú đối với Giáo Hội. Trong “đại mùa xuân Kitô giáo” đang được Thiên Chúa sửa soạn đây (x Thông Điệp “Sứ Vụ Của Đấng Cứu Chuộc”, 86), họ cần phải nổi bật về phẩm chất của việc giảng dạy và nghiên cứu, nhờ đó họ có khả năng đối thoại một cách trọn vẹn với những Ban Giáo Chức và Đại Học Đường khác.


Trước tốc độ phát triển về khoa học và kỹ thuật hiện nay, những cơ cấu này cũng được kêu gọi để liên tục canh tân, bằng việc tìm cách để làm sao “có thể sử dụng được những khám phá mới cho thiện ích thực sự của mỗi một người cũng như của toàn xã hội loài người” (“Ex Corde Ecclesiae”, 7). Theo chiều hướng ấy thì việc đối thoại liên ngành chắc chắc sẽ mang lại lợi ích. Việc đối thoại đặc biệt được cho thấy là hiệu quả với “một thứ triết học chú ý đến chiều kích siêu hình học đích thực” (Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí, 83), cũng như với chính Thần Học.

 

4.         Một khía cạnh chú trọng khác trong các phiên hội họp của anh chị em đó là vấn đề giáo dục Kitô giáo nơi các cơ cấu học đường. Bốn mươi năm trước đây, bản tuyên ngôn của Công Đồng Chung Vaticanô II “Gravissimum Educationis” đã đề ra theo chiều hướng này một số những nguyên tắc sau đó đã được khai triển thêm bởi Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo.
 
Trong môi trường toàn cầu hóa cũng như giao ngộ đổi thay của các dân tộc cùng các thứ văn hóa, Giáo Hội cảm thấy sứ mệnh khẩn trương cần phải rao giảng Phúc Âm và muốn sống Phúc Âm bằng động lực truyền giáo mới. Bởi thế, vấn đề giáo dục Công giáo càng cho thấy như là hoa trái của một sứ vụ “chung” cần phải thực hiện bởi các linh mục, những người sống đời tận hiến tu trì và thành phần giáo dân. Nơi chân trời này hiện lên việc phục vụ giáo hội được các thày cô dạy khoa Công giáo học ở học đưnờg. Việc giảng dạy của họ góp phần vào việc phát triển toàn diện học sinh cũng như cho việc hiểu biết của những người khác về vấn đề tương kính. Đó là lý do hết sức ước mong rằng việc giảng dạy về đạo giáo được mọi nơi nhịn nhận và đóng một vai trò xứng hợp nơi học trình của các cơ cấu học đường.

 

5.         Sau hết, tôi muốn đề cập tới hoạt động hiệu nghiệm cho ơn gọi được thực hiện bởi cơ cấu Hoạt Động Của Tòa Thánh Về Các Ơn Gọi Của Giáo Hội là cơ cấu được vị tiền nhiệm Piô XII của tôi đã thiết lập. Trước hết, cơ cấu này hỗ trợ cho Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi, một biến cố thường niên nối kết những sáng kiến và những biến cố chăm sóc mục vụ ơn gọi ở tất cả mọi giáo phận.

 

Trong việc bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với cơ cấu xứng đáng và hiệu nghiệm này, tôi muốn khuyến khích những ai cống hiến giờ giấc và nỗ lực để cổ động một tổ chức mục vụ ơn gọi trong cộng đồng giáo hội. Đối với tôi rất là thích thuận cho sáng kiến thiêng liêng về tổ chức mục vụ ơn gọi này được thực hiện bởi cơ cấu ấy trong năm giành cho Thánh Thể đây, để kiến tạo, bằng việc luân chuyển nguyện cầu ở mội một châu lục, một sợi giây liên kết thỉnh cầu làm cho các cộng đồng Kitô hữu trên toàn thế giới hiệp nhất với nhau.

 

6.         Trong chiều hướng ấy, tôi cũng muốn xác nhận rằng Thánh Thể là nguồn mạch và là dưỡng chất cho hết mọi ơn gọi linh mục và tu sĩ. Bởi thế, tôi lấy làm biết ơn tất cả những sáng kiến được móc nối với “cơ cấu” nguyện cầu cho ơn gọi này, và tôi hy vọng rằng nó sẽ bao gồm cả thế giới.

 

Xin Mẹ Maria là “người nữ Thánh Thể” coi sóc những ai hiến nghị lực của mình cho việc chăm sóc mục vụ ơn gọi.

 

Tôi hết tình ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả anh chị em và những người thân yêu của anh chị em.

 

Tại Vatican ngày 1/2/2005

 

Gioan Phaolô II

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu của Zenit ngày 1/2/2005

 

TOP

 

 

ĐTC GPII với Pháp Đình Rôma về Chiều Kính Luân Lý nơi Hoạt Động của Các Vị Thẩm Phán

 

Theo truyền thống hằng năm cách đây hai năm, ĐTC GPII gặp những vị thuộc pháp đình Rôma trong dịp khai mạc tân niên pháp đình Thứ Bảy 29/1/2005.

 

Năm nay, ĐTC chia sẻ về khía cạnh luân lý nơi hoạt động của các vị thẩm phán ở các pháp đình giáo hội, “nhất là liên quan đến nhiệm vụ của họ phải trung thành với sự thật về hôn nhân như được Giáo Hội truyền dạy”.

 

“Những khuynh hướng cá nhân và đoàn thể thực sự có thể dụ dỗ đôi bên sử dụng đến những thứ sai lạc, thậm chí bại hoại, khác nhau để đạt được một án lệnh thỏa hợp. Không có vấn đề miễn trừ nơi cái nguy cơ này, cho dù là những cuộc điều trần theo giáo luật để tìm kiếm sự thật liên quan đến sự hiện hữu hay bất thành của hôn phối”.

 

ĐTC nhấn mạnh đến sự kiện là “nhân danh một số những nhu cầu đòi hỏi của mục vụ, có những người đã nêu vấn đề có thể công bố hủy hôn cho những cuộc hôn nhân đã hoàn toàn thất bại. Để đạt được kết quả này, người ta đề nghị sử dụng những thủ đoạn bảo tồn những hình thức về phương thức bề ngoài và giấu diếm đi cái thiếu vắng của một tiến trình pháp luật thực sự. Như thế, mới có khuynh hướng áp đặt và tìm chứng cớ cho một sắc lệnh hủy hôn ngược lại với những nguyên tắc căn bản nhất nơi các qui chuẩn và Huấn Quyền của Giáo Hội.

 

“Cái nguy hiểm khách quan về pháp lý và luân lý của hành động như thế là những gì hiển nhiên, và nó hoàn toàn không tạo nên một giải quyết hiệu thành về mục vụ cho những vấn đề phát xuất từ những cuộc khủng hoảng của hôn nhân”.

 

ĐTC nhấn mạnh rằng vị thẩm phán cần phải thâm tín rằng có sự thật”, họ phải “chống lại nỗi lo sợ sự thật”, và đừng để mình bị “chi phối bởi những cảm tình cảm thương giả tạo hay bởi những chiều hướng suy nghĩ lầm lạc, dù chúng có phổ thông chăng nữa. Họ biết rằng những án lệnh bất công không bao giờ trở thành một thứ giải quyết đích thực về mục vụ, và Thiên Chúa sẽ phân xử các hành động của họ là những gì liên hệ đến số phận đời đời”.

 

Theo ĐTC, một vị thẩm phán cần phải “tuân giữ các luật lệ của giáo luật được giải thích một cách xác đáng”, mà không “phân ly các luận lệ của Giáo Hội với các giáo huấn của Giáo Hội, như thế chúng thuộc về hai lãnh vực khác nhau, trong đó, giáo luật là luật duy nhất có hiệu lực theo pháp lý, còn giáo huấn của Giáo Hội chỉ là những gì hướng dẫn và khích lệ mà thôi. Phương sách như thế cho thấy một thứ tâm thức lạc quan.

 

“Giây phút quan trọng duy nhất trong việc tìm kiếm sự thật đó là giây phút điều tra và điều trình sơ khởi”. Về vấn đề này, ĐTC đã nói thêm rằng, mặc dù những diễn tiến về pháp luật nhanh chóng là “quyền của con người, tuy nhiên, một cái nhanh giả tạo, bất chấp chân lý, thậm chí lại còn bất công một cách nghiêm trọng hơn nữa vậy”.

 

ĐTC GPII: “Những Phán Quyết Bất Chính Không Bao Giờ là Việc Giải Quyết Mục Vụ Chân Thực”

 

Ngày 29/1/2005, theo truyền thống hằng năm, ĐTC đã ban huấn từ cho các vị thuộc pháp đình Roma nhân dịp khai mở năm pháp lý của họ như sau:

 

1. …    Tôi muốn cứu xét đến khía cạnh luân lý nơi hoạt động của tất cả những ai đang làm việc tại các tòa án của giáo hội, nhất là nhiệm vụ cần phải tuân hợp với sự thật về hôn nhân như Giáo Hội dạy.

 

2.         Vấn đề về luân thường đạo lý bao giờ cũng được đặt ra rất là gay go ở bất cứ loại thủ tục pháp lý nào. Thật vậy, các thứ lợi lộc chung riêng có thể xúi giục đôi bên sử dụng những thứ lừa dối, thậm chí đút lót, để đạt được một án lệnh thuận lợi.  

 

Những thủ tục pháp lý trong giáo hội, những vụ được thực hiện để khám phá ra sự thật về việc hiệu thành của hôn nhân, cũng không tránh được cái nguy cơ ấy. Tính cách quan trọng thực sự của thủ tục pháp lý này đối với lương tâm luân lý của đôi bên trong cuộc làm giảm bớt đi những gì có thể chiều theo các thứ lợi lộc không hợp với việc tìm cầu chân lý. Tuy nhiên, có thể xẩy ra những trường hợp cái hướng chiều này được thể hiện đến nỗi làm thiệt hại đến tính cách qui củ của những thủ tục pháp lý. Giáo Luật phản ứng mãnh liệt đối với hành động như thế là những bgì quá rõ ràng (x Giáo Luật, khoản 1389, 1391, 1457, 1488, 1489).

 

3.         Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh hiện nay, còn có một thứ đe dọa nguy hiểm khác nữa. Đó là nhân danh những gì được cho là mục vụ đòi hỏi, có một số lên tiếng đề nghị công bố những cuộc hôn nhân hoàn toàn bị đổ vỡ là vô hiệu và vô giá trị. Những con người ấy đề nghị là để đạt được thành quả này cần phải sử dụng đến thủ đoạn trong việc giữ những tính chất chính yếu của thủ tục pháp lý, làm ra vẻ như có sự hiện hữu của một án lệnh pháp lý chân thực. Những con người này từng nỗ lực để nêu lên những lý do cho việc vô hiệu cũng như để chứng minh những lý do ấy bằng cách đối chiếu với những nguyên tắc sơ đẳng nhất của bộ qui tắc cũng như của Huấn Quyền Giáo Hội.

 

Tính cách nghiêm trọng về pháp lý và luân lý khách quan của hành động này là những gì rõ ràng, một hành động không thể nào tạo nên được một thứ giải quyết hiệu lực về mục vụ cho các vấn đề gây ra bởi cuộc khủng hoảng hôn nhân. Tạ ơn Thiên Chúa, vẫn không thiếu những con người trung thành không chịu để cho lương tâm của mình bị lừa dối. Hơn nữa, nhiều người trong họ, bất chấp bản thân có trải qua cuộc khủng hoảng về hôn nhân, vẫn không sẵn sàng giải quyết nó trừ phi bằng việc đi theo con đường của chân lý.

 

4.         Trong các bài Diễn Từ hằng năm ngỏ cùng Pháp Đình Rôma, có một số lần, tôi đã nói đến mối liên hệ thiết yếu giữa tiến trình pháp lý với việc tìm kiếm sự thật khách quan. Chính các vị Giám Mục, những vị thẩm phán theo luật lệ thần linh trong cộng đồng của mình, là vị phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Với tư cách của ngài mà các pháp đình hành sử công lý. Bởi thế, các vị Giám Mục được kêu gọi đích thân cứu xét đến việc bảo đảm tính cách xứng hợp của các phần tử nơi các tòa án này, thuộc địa phận hay liên địa phận, mà họ là Điều Giải Viên, cũng như đến việc chứng thực rằng các án quyết được thông qua đều hợp với tín lý chính đáng.

 

Các Vị Mục Tử linh thánh không thể cho là hoạt động của các tòa án của mình chỉ là một “vấn đề kỹ thuật” nên các vị không có dính dáng gì, hoàn toàn ký thác cho thành phần đại diện về pháp lý của mình (cf. CIC, cann. 391, 1419, 1423 1).

 

5.         Tiêu chuẩn chi phối vấn đề đạo lý học của vị thẩm phán đó là lòng mến yêu chân lý của vị ấy. Bởi thế, trước hết và trên hết, vị này cần phải xác tín rằng có sự thật. Do đó, cần phải tìm kiếm sự thật với một ước vọng chân thành trong việc muốn biết nó, bất chấp tất cả mọi bất lợi có thể xuất phát từ việc hiểu biết này. Cần phải chống lại nỗi lo âu về sự thật có thể nhiều lúc phát xuất từ nỗi lo lắng gây phiền nhiễu cho con người ta. Sự Thật, một sự thật là chính Chúa Kitô (x Jn 8:32,36), là những gì giải thoát chúng ta khỏi hết mọi hình thức hòa đồng với các thứ sai lạc vụ lợi.

 

Vị thẩm phán thực sự tác hành như là một vị thẩm phán, tức là tác hành theo công lý, không để cho mình bị hạn chế bởi những cảm tình thương hại sai lầm đối với con người ta, hay bởi những kiểu cách suy tưởng sai lầm, cho dù có thịnh hành mấy đi nữa nơi môi trường của mình. Vị ấy biết rằng các án quyết bất chính không bao giờ là một giải pháp mục vụ chân thực cả, và phán quyết của Thiên Chúa về hành động của vị ấy là những gì liên quan tới đời đời. 

 

6.         Bởi vậy vị thẩm phán cần phải gắn bó với luật lệ của giáo hội, dẫn giải một cách đúng đắn. Vì thế, vị này không bao giờ được đánh mất đi mối liên hệ nội tại của các qui tắc về pháp lý với tín lý của Giáo Hội. Thật vậy, người ta đôi khi muốn tách luật lệ Giáo Hội ra khỏi giáo huấn quyền của Giáo Hội như thể chúng thuộc về hai lãnh vực khác biệt; họ cho rằng chỉ có luật lệ của Giáo Hội với có hiệu lực về pháp lý, trong khi đó họ đánh giá tín lý của Giáo Hội chỉ là một thứ hướng dẫn hay là những gì huấn dụ mà thôi.

 

Đường lối này căn bản cho thấy một thứ tâm thức lạc quan phản lại với những gì tốt đẹp nhất nơi truyền thống pháp lý cổ thời và Kitô giáo liên quan đến luật pháp. Đúng vậy, viễn dẫn giải Lời Chúa một cách chân thực, được thi hành bởi Huấn Quyền của Giáo Hội (x Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thần Linh “Dei Verbum”, khoản số 10), có một giá trị pháp lý ở chỗ nó liên quan đến phạm vi của luật lệ, mà không cần phải có bất cứ một thủ tục chính thức nào khác nữa để trở thành hiệu lực về pháp lý và luân lý. 

 

Để có thể dẫn giải lành mạnh về pháp lý thì cần phải hiểu được toàn bộ giáo huấn của Giáo Hội, cũng như cần phải đặt hết mọi quyết định một cách hệ thống theo chiều hướng của truyền thống. Nhờ đó mới có thể tránh được hết mọi thứ dẫn giải chủ quan và méo mó cũng như bình phẩm vô ích.

 

Sau hết, việc điều tra sơ khởi cho một sự vụ là giai đoạn quan trọng trong việc tìm kiếm sự thật. Lý do chính yếu có cuộc điều tra sơ khởi này đang gặp nguy hiểm và suy thoái thành một thứ hình thức thuần túy khi chắc chắn nắm được thành quả của thủ tục pháp lý. Thật sự là quyền được hưởng công lý vào đúng thời của nó cũng thuộc về những gì cụ thể phục vụ cho sự thật và làm nên quyền lợi tư riêng. Tuy nhiên, việc mau chóng một cách sai lầm đưa đến chỗ gây thiệt hại cho chân lý lại càng là những gì bất chính trầm trọng hơn nữa…

7…

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches/2005/january/documents/hf_jp-ii_spe_20050129_roman-rota_en.html

 

TOP

 

ĐTC GPII với phái đoàn phần tử và cố vấn của Ủy Ban Giáo Hoàng Đặc Trách Mỹ Châu Latinh về Ngày Của Chúa

Sáng ngày Thứ Sáu 21/1/2005, ĐTC GPII đã tiếp phái đoàn này, một phái đoàn tham dự đại hội thường niên của mình về đề tài: “Thánh Lễ Chúa Nhật, tâm điểm của đời sống Kitô giáo ở Mỹ Châu Latinh”.

ĐTC lấy làm vui mừng vì trong Năm Thánh Thể họ đã chọn suy tư về “những sáng kiến khác nhau để tái nhận thức và trọn vẹn ‘cảm nghiệm được Chúa Nhật là ngày của Chúa và là ngày của Giáo Hội’”, như được phác họa trong Tông Thư “Mane nobiscum Domine”.

“Việc tham dự Lễ Chúa Nhật không phải chỉ là một trách nhiệm quan trọng, như Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (số 1389) đã viết rất rõ ràng, nó đặc biệt còn là một nhu cầu sâu xa của mỗi một tín hữu nữa. Không thể nào cảm nghiệm đức tin mà lại không đều đặn tham dự Lễ Chúa Nhật, ở chỗ tham dự vào hy tế cứu chuộc, vào bữa tiệc Lời Chúa và Bánh Thánh Thể, tâm điểm của đời sống Kitô giáo”.

“Những nỗ lực mới” của các vị chủ chiên trong Giáo Hội là để “làm gia tăng nhận thức về tính cách trọng yếu của Chúa Nhật nơi đời sống giáo hội và xã hội của con người nam nữ ngày nay… Để đạt được mục đích này, cần phải tập trung nỗ lực vào việc giáo dục và dạy giáo lý cho tín hữu về Thánh Thể một cách tốt đẹp hơn và kỹ lưỡng hơn, cũng như làm sao để bảo đảm rằng việc cử hành này được thực hiện một cách xứng đáng và trang trọng, nhờ đó việc cử hành ấy làm sống động lòng tôn kính chân thực và tôn sùng đích thực trước tính cách cao cả của mầu nhiệm Thánh Thể”.

“Lễ Chúa Nhật cần phải được vị chủ tế sửa soạn một cách xứng đáng, bằng việc dọn mình bề trong là những gì được biệc lộ qua những ngôn từ và cử điệu của ngài, cũng giống như việc dọn bài giảng một cách thích đáng vậy”. Về việc sửa soạn Thánh Lễ Chúa Nhật này, ĐTC đề cập tới tầm mức quan trọng của việc chọn lựa và sửa soạn “những bài thánh ca, những biểu hiệu cùng những yếu tố khác làm phong phú phụng vụ, luôn làm sao xứng hợp với những qui chuẩn được ấn định, lợi dụng tất cả kho tàng thiêng liêng lẫn mục vụ của Sách Lễ Rôma và các chỉ dẫn của Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích”.

ĐTC kết luận bằng việc xin các vị giám mục, với sự hợp tác của các linh mục, tu sĩ và giáo dân, hãy thực hiện “việc quyết tâm hết sức trong việc suy tư và đi sâu vào chiều kích thiết yếu nơi đời sống bí tích này của Giáo Hội”, và hoạt động “để làm bừng lên một lòng mến yêu hơn nữa đối với Mầu Nhiệm Thánh Thể trong giáo phận của mình”.

Đây không phải là việc dễ làm, bởi thế, nó đòi mọi người phải cộng tác: các vị linh mục và phó tế, thành phần tận hiến và giáo dân hiện diện trong giáo xứ hay thuộc về các hiệp hội hoặc phong trào của giáo hội. Hãy chấp nhận việc mọi người hợp tác, hãy liên kết nỗ lực và hãy hoạt động trong niềm hiệp thông!”

Vị chủ tịch của Ủy Ban Giáo Hoàng đặc trách Mỹ Châu Latinh bao giờ cũng là Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám Mục, vị hiện tại là ĐHY Giovanni Battista Re.

 

TOP