11- Encretites
· Chủ xướng: Tatian, sinh ở Assyria khoảng năm 110, dạy ngữ học ở Rôma, bạn với Thánh Justinô tử đạo và nhờ ảnh hưởng của ngài đã trở lại năm 152. Bản văn “Các Lời Ngỏ với Người Hy Lạp” của ông là một trong những tài liệu hộ giáo cổ thời nhất chống lại các triết gia ngoại giáo. Sau khi Thánh Justinô chết vào khoảng năm 167, ông trở lại Đông phương và theo các tư tưởng lạ lùng của vài loại ngộ thức, cho mình là phần tử của các người lạc giáo Encretites. Một trong những người học trò của ông là Severus, giám mục ở Tây Ban Nha, đã tăng thêm sinh lực cho lạc phái này và có một số điểm chính yếu khác với thầy mình, bởi thế, lạc phái này còn được gọi là nhóm “severians”.
· Chủ trương:
- Vật chất tự có và hằng có;
- Chối bỏ kẻ chết phục sinh và ý muốn tự do;
- Phủ nhận Luật Moisen;
- Lên án hôn nhân, việc ăn thịt và uống rượu, chỉ dùng nước trong nghi thức Thánh Thể (bởi thế, đôi khi họ còn được gọi là “Aquarii”).
12- Alogi
· Chủ xướng: Vô danh.
· Chủ trương:
- Phủ nhận tác quyền Thánh Gioan trong việc viết cuốn Phúc Âm thứ bốn và sách Khải Huyền, nói chung phủ nhận tất cả các bản văn đề cập đến “Lời”. Bởi thế, họ mới bị gọi bằng một danh xưng là vô lý.
13- Monarchians
· Chủ xướng: Danh xưng Monarchian này đầu tiên được giáo phụ Tertullianô sử dụng như biệt danh ám chỉ nhóm lạc giáo Patripassionists ở Tây phương và Sabellians ở Đông phương, rồi sau này nó bao gồm cả các nhóm lạc giáo trước nữa như nhóm Theodotians. Bởi thế Monarchians mới có hai ngành, ngành Theodotians và ngành bao gồm cả Patripassionists lẫn Sabellians. Hai ngành này có lúc được phân biệt lúc thì Dynamistic khi thì Modalist Monarchians, và có lúc lại chỉ có một danh xưng là Antitrinitarians. Nhân vật khởi xướng là Praxeas, một người Phrigia và là một người chống nhóm Montanist. Nhân vật này có lẽ là người lạc giáo Monarchian đầu tiên viếng thăm Rôma, được Đức Giáo Hoàng trong thời khoảng 190-198 tiếp đón và dùng ảnh hưởng xui khiến vị Giáo Hoàng này chống lại bè Montanist.
· Chủ trương:
- Chối bỏ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, cho rằng Thiên Chúa Ngôi Cha và Thiên Chúa Ngôi Con chỉ cùng là một ngôi duy nhất.
14- Adoptionists
· Chủ xướng: Thoạt đầu lạc giáo này được gọi là Theodotians theo tên của vị lãnh đạo, một nhân vật bán da người Byzantium và đã đến Rôma trong thời giáo triều Đức Victor khoảng năm 190-200 hay sớm hơn. Sau đó lạc giáo này được gọi là Adoptionists hay đôi khi được xếp vào loại lạc giáo Dynamistic Monarchians.
· Chủ trương:
- Chối bỏ thần tính của Đức Kitô và phân biệt rõ ràng giữa Đức Giêsu và Đức Kitô.
15- Adamites
· Chủ xướng: Một người Prodicus nào đó.
· Chủ trương:
- Phủ nhận việc tôn thờ một Thiên Chúa vô hình;
- Thực hành việc tôn thờ ngẫu tượng;
- Lên án hôn nhân;
- Cho rằng giáo hội của mình là thiên đàng.
16- Antidicomarianites
· Chủ xướng: Một lạc giáo ở đông phương.
· Chủ trương:
- Chối bỏ việc Đức Maria đồng trinh sau khi sinh Chúa Kitô.
THẾ KỶ III
17- Tertullianists
· Chủ xướng: Một lạc giáo phát triển ở Carthage trong vòng 200 năm theo sau cái chết của Tertullianô là nhân vật họ nhận làm vị chủ xướng. Nhân vật này là một tay viết nổi nhất thuộc giáo hội La Tinh, lừng danh với nhiều tác phẩm về hộ giáo, tín lý và luân lý thực dụng. Ông sinh tại Carthage khoảng năm 160, trở lại Kitô giáo và làm linh mục 40 năm cho tới khi qua đời ở tuổi rất già. Các quan niệm qúa nghiêm khắc của ông đã khiến ông tách khỏi quyền bính thông thường của Giáo Hội và rơi vào các lầm lạc của phái Montanism.
· Chủ trương:
- Giáo Hội không thể tha tội cho các kẻ ngoại tình;
- Các kẻ tái hôn đều phạm tội ngoại tình;
- Không được phép trốn lánh các cuộc bắt đạo.
18- Oregenists
· Chủ xướng: Origen, một con người học thức và nhiệt tình nhất thời bấy giờ, sinh tại Alexandria năm 185, có cha là Thánh Lêônida tử đạo, vị đã giáo dục ông về mọi ngành văn chương thánh hảo cũng như trần tục. Ông là một tay viết nhiều nhất thế giới. Tất cả các vị linh mục và tiến sĩ đến bàn hỏi trong những vấn đề khó khăn. Ông được thụ phong linh mục ở Caesarea, song vì lý do nào đó đã bị giám mục Alexandria rút lại và không công nhận ông. Rồi sau khi bị công đồng Alexandria lên án vì một số sai lầm, ông đã đến trọ ở Caesarea, mở trường dậy học, hết sức thành công. Trong thời Maximinus bắt đạo, ông lánh sang Capadocia sống tạm hai năm. Dưới thời Gordianus, ông trở lại tiếp tục hoạt động của mình, song cực hình phải chịu dưới thời bắt đạo của Decius đã làm ông kiệt sức mà chết ở Tyre năm 254.
· Chủ trương:
- Tất cả mọi vật có lý trí đều là thuần linh ngay từ ban đầu;
- Tất cả mọi người, dù các linh hồn trong hỏa ngục, đều sẽ trở thành thuần linh sau cuộc phục hồi toàn thể hoàn vũ được Đức Kitô thực hiện bằng cuộc tử giá thứ hai của Người;
- Các thánh trên thiên đàng có thể bị loại trừ vì lỗi phạm ở đó.
(Công Đồng Chung Contantinôpôli 2 năm 553 đã lên án các sai lạc trên).
19- Novatians
· Chủ xướng: Novatus, một người Rôma, có học thức và tài lợi khẩu. Theo Thánh Cornêliô thì Novatus một thời đã bị Satan ám khi còn là một dự tòng. Còn việc Novatus làm thế nào trở thành linh mục thì không được rõ. Khi Thánh Cornêliô được bầu làm giáo hoàng thì mấy ngày sau Novatus tự phong mình là giáo hoàng đối lập và tự phong chức giám mục cho mình. Cuối năm 251, một công đồng gồm 60 vị giám mục, dưới sự chủ tọa của ức Cornêliô đã ra vạ tuyệt thông cho Navatus.
· Chủ trương:
- Việc tôn thờ ngẫu tượng là tội không thể thứ tha;
- Thêm sức không phải là một bí tích;
- Các trọng tội phạm sau khi chịu phép rửa tội không thể thứ tha;
- Lên án việc tái hôn, và không cho kẻ hợp thức các cuộc tái hôn này rước lễ cho dù trong lúc nguy tử.
20- Manicheans
· Chủ xướng: Manes (Mani), một người Ba Tư, sinh năm 216 ở làng Mardinu thuộc Babylon. Năm 242, sau khi bất thành trong việc ra mặt dậy đạo cho dân làng, ông sống lang thang 40 năm, xưng mình là “Sứ Giả của Thiên Chúa Chân Thật”, và đối với Kitô hữu là Đấng Phù Trợ như được hứa ban. Trở về Ba Tư, thoạt tiên ông lấy được cảm tình của vua Ormuzd I, song cuối cùng đã bị vua kế vị là Bahram I đóng đanh vào thập giá, căng thây ngoài cổng thành để làm gương cho nhóm môn đồ của ông.
· Chủ trương:
- Đa thần;
- Phủ nhận hoàn toàn Cựu Ước;
- Chỉ công nhận những phần Tân Ước đã được Mani sửa chữa;
- Đức Kitô không có thân xác thực sự;
- Chối bỏ ý muốn tự do;
- Phủ nhận phép rửa và phép hôn phối;
- Tin việc hồn thiêng tái nhập vào thân xác khác khi con người qua đời;
- Mỗi người có hai linh hồn.