II- Nội Dung Thiên Chúa Mạc Khải
Xác Tín 4:
Thiên Chúa mạc khải về ý định cứu rỗi của Ngài: Ngài muốn cho thế gian được sống đời đời.
Mạc Khải
"Đây là ý muốn của Đấng đã sai Ta, đó là Ta không được làm mất những gì Ngài đã ban cho Ta' trái lại, Ta phải làm cho nó sống lại trong ngày sau hết" (Jn.6:39)
Nhận Thức
Song song với, hay đúng hơn, được bao gồm trong mạc khải về chính bản thân mình là một Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa đồng thời cũng mạc khải ý định của Ngài muốn cứu rỗi con người. Tức là Thiên Chúa muốn diễn tả bản tính "là tình yêu" của Ngài ra qua việc mạc khải ý định của Ngài muốn cứu rỗi con người, hay nói ngược lại, Thiên Chúa muốn dùng việc Ngài cứu rỗi con người để chúng tỏ Ngài là một Thiên Chúa yêu thương.
Do đó, việc Thiên Chúa muốn cứu rỗi con người cũng chính là một phần trong lời Ngài muốn "nói" với loài người. Thật thế, ý định Thiên Chúa muốn cứu rỗi loài người để chứng tỏ Ngài là một Thiên Chúa yêu thương tất cả đã được diễn đạt trong toàn bộ Thánh Kinh.
Tuy nhiên, theo bản chất của mình, phần Kinh Thánh Cựu Ước là phần hoàn toàn có tính cách "tiên tri", tính cách loan báo, tức là phần hướng về và nhắm đến Thực Tại Tân Ước, một Thực Tại Mạc Khải trọn vẹn của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi bản thân và cuộc đời của Đức Giêsu Kitô.
Vậy Thiên Chúa đã "nói" lên ý định của Ngài là một Thiên Chúa yêu thương muốn cứu rỗi loài người như thế nào, qua phần Tiên Tri Cựu Ước cũng như phần Thực Tại Tân Ước?
A- Thiên Chúa mạc khải ý định cứu rỗi loài người qua phần Thánh Kinh Tiên Tri Cựu Ước.
1- Thiên Chúa mạc khải ý định cứu rỗi loài người qua phần Thánh Kinh Tiên Tri Cựu Ước, nơi lời Thiên Chúa hứa với nguyên tổ, ngay sau khi các vị sa ngã, liên quan đến miêu duệ của người nữ (x.Gal.4:4), một hình ảnh người miêu duệ loan báo Đấng Cứu Thế sẽ đến để cứu con người khỏi thần dữ (x.1Jn.3:8):
Bấy giờ Chúa là Thiên Chúa nói với con rắn: "Ta sẽ gây thù hận giữa ngươi và người nữ, cũng như giữa miêu duệ ngươi và miêu duệ người nữ' Người (miêu duệ) sẽ đạp dập đầu ngươi khi ngươi táp gót chân của Người" (Gn.3:15)
2- Thiên Chúa mạc khải ý định cứu rỗi loài người qua phần Thánh Kinh Tiên Tri Cựu Ước, nơi giao ước Thiên Chúa thiết lập với Noe và con cái của ông được bảo chứng bằng dấu hiệu cầu vồng sau trận đại hồng thủy, một hình ảnh tiên báo cuộc phục sinh sau khi được thanh tẩy trong nước rửa tội (x.Rm.6:3-4' 1Pt.3:20-21)
Chúa phán với Noe cùng với các con của ông: "Này các ngươi coi đây, nay Ta đang thiết lập giao ước của Ta với các ngươi, với giòng dõi đến sau các ngươi, cũng như với mọi sinh vật ở với các ngươi: tất cả mọi chim trời, cùng các hoang thú và thuần thú ở với các ngươi từ tầu mà ra. Ta sẽ thiết lập giao ước của Ta với các ngươi, đó là tất cả mọi vật có xác thể sẽ không bao giờ bị nước lụt hủy hoại nữa' sẽ không có một trận lụt nào làm trái đất tan hoang nữa". Thiên Chúa thêm: "Đây là dấu hiệu Ta ban cho mọi thế hệ sau này, dấu hiệu giao ước giữa Ta và các ngươi cùng mọi sinh vật ở với các ngươi: đó là Ta sẽ đặt một cầu vồng nơi các đám mây như một dấu hiệu giữa Ta với trái đất. Khi Ta mang các đám mây trên trái đât, và cầu vồng xuất hiện nơi các đám mây, Ta sẽ nhớ lại giao ước Ta đã thiết lập giữa Ta và các ngươi cùng với mọi sinh vật, để các nguồn nước sẽ không bao giờ trở nên lụt lội hủy hoại tất cả mọi tạo vật tử vong nữa. Khi cầu vồng xuất hiện nơi các đám mây, nhìn thấy nó, Ta nhớ lại giao ước vĩnh cửu mà Ta đã thiết lập giữa Thiên Chúa và tất cả mọi sinh vật - tất cả mọi tạo vật tử vong trên trái đất" (Gn.9:8-16)
3- Thiên Chúa mạc khải ý định cứu rỗi loài người qua phần Thánh Kinh Tiên Tri Cựu Ước, nơi lời Thiên Chúa hứa với Abraham về miền đất hứa, một biểu hiệu tiên báo cho Nước Trời, cũng như về một đại dân tộc, một thực thể tiên báo thành phần tuyển chọn được kêu gọi để thừa hưởng Nước Trời (x.Mt.25:34).
Chúa phán cùng Abram: "Ngươi hãy từ quê cha đất tổ của mình mà tiến đi đến một miền đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ từ nơi ngươi hình thành một đại dân tộc để ngươi trở nên một phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc ngươi và sẽ chúc dữ cho những ai chúc dữ ngươi. Tất cả mọi cộng đồng trên trái đất này sẽ được chúc phúc nơi ngươi" (Gn.12:1-3)
4- Thiên Chúa mạc khải ý định cứu rỗi loài người qua phần Thánh Kinh Tiên Tri Cựu Ước, nơi giao ước Thiên Chúa thiết lập với Abraham liên quan đến việc cắt bì là dấu hiệu hoàn toàn thuộc về Chúa, và cũng là hình ảnh tiên báo thành phần lãnh nhận bí tích rửa tội thì phải chết cho tội lỗi để sống cho Thiên Chúa (x.Rm.6:8-11)
Phần ngươi, ngươi và con cháu của ngươi phải giữ giao ước của Ta qua các thế hệ. Đây là giao ước của Ta với ngươi và con cháu ngươi mà các ngươi phải giữ: đó là mọi nam nhân trong các ngươi đều phải được cắt bì. Các ngươi hãy cắt bì qui đầu của mình, và nó sẽ là dấu vết giao ước giữa các ngươi và Ta. Qua mọi thế hệ, mọi nam nhân trong số các ngươi, khi được tám ngày, đều phải được cắt bì... Như thế là giao ước của Ta sẽ ở ngay nơi xác thịt của các ngươi như một hiệp ước vĩnh cữu" (Gn.17:9-13)
5- Thiên Chúa mạc khải ý định cứu rỗi loài người qua phần Thánh Kinh Tiên Tri Cựu Ước, nơi con người của Isaac, người con sinh ra theo lời Ngài hứa sẽ là tổ phụ của một giòng dõi đông đúc, mà Ngài lại muốn Abraham phải tế hiến cho Ngài, một hiến tế hết sức sống động báo trước việc Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, tự hiến làm giá chuộc cho tất cả mọi người (x.Mt.20:28' 1Tim.2:6).
Sứ giả của Chúa từ trời lại gọi Abraham mà nói: "Ta tự thề rằng, Chúa tuyên bố, vì ngươi đã tác hành như ngươi không tiếc Ta ngay cả đứa con duy nhất của mình. Ta sẽ chúc phúc cho ngươi muôn vàn và sẽ làm cho miêu duệ của ngươi vô số như sao trời, như cát biển' giòng dõi của ngươi sẽ chiếm hữu các cửa thành địch quân của chúng, và nơi giòng dõi ngươi tất cả mọi dân nước trên mặt đất sẽ được chúc phúc" (Gn.22:15-17)
6- Thiên Chúa mạc khải ý định cứu rỗi loài người qua phần Thánh Kinh Tiên Tri Cựu Ước, nơi giấc mộng của Giacóp trên đường ông đi lấy vợ, một giấc mộng Ngài tỏ cho ông thấy một cái thang từ đất lên đến trời có các thiên sứ lên xuống (x.Jn.1:51' Mt.4:11' Lk.22:43), hình ảnh tiên báo nhân tính của Đấng Thiên Sai, Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (1.Tim.2:5).
Bấy giờ Chúa đứng bên ông ở đó mà phán: "Ta là Chúa, là Thiên Chúa của Abraham cha ông ngươi và là Thiên Chúa của Isaac' mảnh đất mà người đang nằm đây Ta sẽ ban cho ngươi và con cháu của ngươi. Chúng sẽ man vàn như cát bụi của trái đất, và qua chúng ngươi sẽ lan ra khắp đông tây bắc nam. Nơi ngươi và miêu duệ ngươi tất cả mọi dân tộc trên trái đất sẽ được chúc phúc. Ngươi hãy biết rằng Ta ở với ngươi' Ta sẽ bảo vệ ngươi bất cứ ngươi đi nơi nào, và đem ngươi về lại mảnh đất này. Ta sẽ không bao giờ lìa bỏ ngươi cho đến khi Ta thực hiện điều Ta đã hứa với ngươi" (Gn.28:13-15)
7- Thiên Chúa mạc khải ý định cứu rỗi loài người qua phần Thánh Kinh Tiên Tri Cựu Ước, nơi việc Thiên Chúa dùng Moisen để cứu dân của Ngài khỏi cảnh làm tôi cho dân Ai Cập, một biến cố tiên báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô (x.Mt.16:21), Đấng đến để làm chứng cho sự thật (x.Jn.18:37), một sự thật giải phóng con người (x.Jn.8:32).
Thiên Chúa gọi ông từ bụi cây (bốc cháy): "Moisen! Moisen!... Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp... Ta đã chứng kiến nỗi khổ của dân Ta ở Ai Cập, và Ta đã nghe thấy tiếng chúng kêu phiền những người quản nô, nên Ta thừa biết chúng đang chịu khổ ra sao. Bởi thế Ta đến để giải cứu chúng khỏi bàn tay của những người Ai Cập mà dẫn họ ra khỏi mảnh đất đó tới một miền đất tốt tươi bao rộng, một miền đất chảy sữa và mật, quê hương xứ sở của những người Canaanites, Hittites, Amorites, Perioãites, Hivites và Jebusites. Vậy tiếng kêu của những người Yến-Duyên thực sự đã thấu đến ta, và Ta nhận thấy đúng là những người Ai Cập đang đè nén chúng. Nay ngươi hãy đến! Ta sai ngươi đến với Pharaon để dẫn dân Ta là Yến-Duyên ra khỏi Ai Cập" (Ex.3:4,6-10)
8- Thiên Chúa mạc khải ý định cứu rỗi loài người qua phần Thánh Kinh Tiên Tri Cựu Ước, nơi lời Thiên Chúa hứa với Đavít là Ngài sẽ làm cho triều đại của vua kéo dài đến vô cùng bất tận, một vương quyền có tính cách trần gian để tiên báo cho triều đại tối thượng và vĩnh cửu của Đức Giêsu Kitô thuộc giòng dõi của vua sẽ đến sau này (x.Lk.1:32-33)
Đêm ấy Chúa nói với Nathan mà phán... Vậy ngươi hãy nói với Đavít tôi tớ của ta rằng: "Chúa các đạo binh phán thế này... Ngài sẽ thiết lập cho ngươi một nhà. Đến khi ngươi mãn phần, yên nghỉ với cha ông của ngươi, thì Ta sẽ nâng kẻ thừa tự phát xuất từ ngươi lên, và Ta sẽ làm cho vương quốc của nó vững mạnh. Chính nó là người sẽ xây nhà kính danh Ta. Ta sẽ làm cho ngai của nó muôn đời bền vững. Ta sẽ làm cha nó và nó sẽ làm con Ta. Nếu nó làm gì sai trái, Ta sẽ sửa bảo nó bằng roi của loài người và bằng những trừng trị nhân loại, nhưng Ta sẽ không rút ân huệ của Ta lại như đã đối xử với Saulê, vị tiền nhiệm của ngươi, người mà Ta đã loại khỏi thiên nhan Ta. Nhà của ngươi cũng như vương quốc của ngươi sẽ tồn tại muôn đời trước nhan Ta' ngai báu của ngươi sẽ muôn đời bền vững" (2Sam.7:4,8,11-16)
9- Thiên Chúa mạc khải ý định cứu rỗi loài người qua phần Thánh Kinh Tiên Tri Cựu Ước, nơi lời Ngài hứa với Sôlômôn về đền thờ Gia-Liêm là nơi Thiên Chúa ngự, một hình ảnh biểu hiệu tiên báo nhân tính của Đức Giêsu Kitô nói chung (x.Jn.1:14) và thân xác của Người nói riêng (x.Jn.2:21).
Sau khi Sôlômôn đã hoàn thành việc xây cất đền thờ Chúa, cung điện và mọi sự khác như vua dự tính, thì Chúa hiện ra với vua lần thứ hai, như Ngài đã hiện ra với vua ở Ghi-Bông. Chúa phán cùng vua rằng: "Ta đã nghe lời nguyện xin ngươi đã dâng lên trước nhan Ta. Ta đã thánh hiến đền thờ ngươi đã xây lên đây' Ta muôn đời đặt danh Ta trên nó, và mắt Ta cũng như lòng trí Ta sẽ mãi luôn ở đó" (1Kgs. 9:1-3).
10- Thiên Chúa mạc khải ý định cứu rỗi loài người qua phần Thánh Kinh Tiên Tri Cựu Ước, nơi những lời Ngài dùng miệng các tiên tri mà phán về Đấng Cứu Thế hay liên quan đến Đấng Cứu Thế, tiêu biểu và rõ ràng nhất là lời tiên báo việc nhập thể của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa ở giữa loài người (x.Jn.1:14), nhờ một trinh nữ (x.Lk.1:31,34-37' Mt.1:22-23), như sau:
Chúa lại phán với Ahaz rằng: Hãy xin Chúa là Thiên Chúa ngươi một dấu chỉ' một dấu chỉ sâu như âm phủ, hay cao như bầu trời! Nhưng Ahaz thưa: 'Tôi không dám xin! Tôi không dám thử thách Chúa!'. Bấy giờ Ngài phán: Hãy nghe đây, hỡi nhà Đavít! Làm phiền hà người ta chưa đủ hay sao, các người còn quấy rầy cả Thiên Chúa của mình nữa? Bởi thế, chính Chúa sẽ ban cho các ngưôi dấu chỉ này: một trinh nữ sẽ thụ thai rồi sinh một con trai, và sẽ gọi Người là Emmanuel!" (Is.7:10-14)
B- Thiên Chúa mạc khải ý định cứu rỗi loài người qua phần Thánh Kinh Thực Tại Tân Ước.
11- Thiên Chúa mạc khải ý định cứu rỗi loài người qua phần Thánh Kinh Thực Tại Tân Ước, nơi chính "Lời đã hóa thành nhục thể" (Jn.1:14) của Ngài là Đức Giêsu Kitô, bằng chứng từ (lời nói) cũng như bằng chứng thực (việc làm) của Đức Giêsu Kitô:
Chúa Giêsu trả lời cho ông Nicôđêmô...: "Thiên Chúa không sai Con đến thế gian để luận phạt thế gian, song để thế gian nhờ Người mà được cứu độ" (Jn.3:16)
Chúa Giêsu cắt nghĩa cho đám đông (khi họ xin Người: 'Thưa Ngài, xin Ngài hãy ban bánh ấy cho chúng tôi'): "Chính Tôi là bánh sự sống. Không ai đến với Tôi mà còn đói, không ai tin Tôi lại còn khát... Tất cả những gì Cha ban cho Tôi sẽ đến với Tôi, không ai đến với Tôi lại bị Tôi loại bỏ, vì Tôi không đến để làm theo ý riêng của mình, mà là ý của Đấng đã sai Tôi. Ý của Đấng đã sai Tôi là Tôi không được làm hư mất một điều gì Ngài đã ban cho Tôi' trái lại, Tôi phải làm cho nó sống lại trong ngày sau hết" (Jn.6:34-39)
12- Thiên Chúa mạc khải ý định cứu rỗi loài người qua phần Thánh Kinh Thực Tại Tân Ước, nơi các chứng nhân Tân Ước là các thánh Tông Đồ, nhất là nơi vai trò của thánh Phêrô, Vị Tông Đồ đã đặc biệt làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô giữa Dân Do Thái tại Gia-Liêm trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, cùng với vai trò của thánh Phaolô, Vị Tông Đồ đã được dành riêng (x.Acts 13:2,46-47) để được sai đi làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô giữa Các Dân Ngoại:
Phêrô, cùng đứng dậy với 11 Vị, lên tiếng nói với họ (là những người Do Thái sùng tín từ khắp các nước về Gia-Liêm bấy giờ): "Hỡi các người Yến-Duyên, hãy lắng nghe tôi nói đây! Đức Giêsu Nazarét là một con người được Thiên Chúa đã sai đến với anh em, bằng những phép lạ, kỳ lạ và dấu lạ như những gì chứng thực về Người. Những sự việc này, qua Người, Thiên Chúa đã thực hiện giữa chúng ta, như anh em đã quá rõ. Người đã có ý trao nộp theo ý định của Thiên Chúa' phần anh em đã dùng các kẻ ngoại lai để đóng đanh và hạ sát Người. Thế nhưng, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đớn đau của sự chết và đã làm cho Người sống lại..." (Acts 2:5,22-24).
"Phaolô, người tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi làm tông đồ và dành riêng để loan báo phúc âm của Thiên Chúa, phúc âm mà từ xa xưa Ngài đã hứa qua các tiên tri, như Thánh Kinh ghi nhận, một phúc âm liên quan đến Con của Ngài, Đấng về xác thịt thuộc giòng dõi Đavít, nhưng về quyền năng được làm Con Thiên Chúa theo thần trí thánh thiện, nhờ cuộc phục sinh từ cõi chết của Người, Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Rm.1:1-5).