BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA

 

Tóm lại, qua những điểm chính yếu được phân tích, tóm gọn và nhấn mạnh trên đây, chúng ta thấy rằng Bản Tuyên Ngôn thiên về, nếu không muốn nói là “đụng đến”, vấn đề Đối Thoại Liên Tôn nhiều hơn là vấn đề Đại Kết Kitô Giáo (trong vỏn vẹn có 2 trong số, đó là số 16 và nhất là 17). Thế nhưng, trong số 22.2, tức ngay trước khi sang phần kết của bức văn kiện, Bản Tuyên Ngôn đã nói đến chính chủ trương của Giáo Hội về vấn đề Đối Thoại Liên Tôn trong sứ mệnh truyền giáo của mình như sau:

 

·        “Trong cả việc đối thoại liên tôn nữa, việc truyền giáo ad gentes (cho muôn dân) ‘ngày nay cũng như tất cả mọi lúc vẫn còn nguyên hiệu lực và khẩn thiết’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh Ad Gentes, 7). ‘Thật vậy, Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tim 2:4); tức là, Thiên Chúa muốn ơn cứu độ của mọi người qua việc họ nhận biết chân lý. Ơn cứu độ được tìm thấy nơi chân lý. Những ai nghe theo những tác động của Thần Linh chân lý thì đang đi trên con đường cứu độ rồi vậy. Thế nhưng, Giáo Hội được trao phó chân lý này cho phải ra đi để đáp lại lòng ước vọng của họ để mang họ về với chân lý. Vì tin vào dự án cứu độ phổ quát của Thiên Chúa mà Giáo Hội phải là truyền giáo’ (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 851 và xem cả các số 849-856). Thế nên, việc đối thoại liên tôn, vì là một phần trong sứ mệnh truyền bá phúc âm hóa, chỉ là một trong những hoạt động của Giáo Hội trong việc truyền giáo ad gentes của Giáo Hội (x ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 55; Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, 31). Vấn đề bình đẳng, vấn đề dĩ nhiên cần phải có trong việc đối thoại liên tôn, chỉ liên quan đến phẩm vị ngang nhau theo nhân bản giữa đôi bên đối thoại, chứ không liên quan đến nội dung của vấn đề tín lý, lại càng không liên quan đến vị thế của Chúa Giêsu Kitô – Đấng là chính Thiên Chúa làm người – so với những vị sáng lập các đạo giáo khác. Theo đức bác ái và lòng tôn trọng tự do của con người (x Công Đồng Chung Vaticanô II, Tuyên Ngôn Dignitatis Humanae, 1), Giáo Hội cần phải ưu tiên dấn thân trong việc công bố cho tất cả mọi người chân lý đã được Chúa hoàn toàn mạc khải cho biết, và loan báo nhu cầu con người cần phải trở về cùng Chúa Giêsu Kitô cũng như phải liên kết với Giáo Hội qua Bí Tích Rửa Tội cùng các bí tích khác, để nhờ đó họ có thể tham dự trọn vẹn vào mối hiệp thông với Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Như thế, việc tin tưởng vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa chẳng những không làm suy yếu mà trái lại còn làm tăng thêm nhiệm vụ và động lực để loan báo ơn cứu độ và việc hoán cải trở về cùng Chúa Giêsu Kitô nữa”.

 

Trong Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống trên làn sóng 106.3 FM Nam California ngày 24/9/2000 và 1/10/2000, tôi đã thứ tự chia sẻ hai cảm nhận của tôi về Bản Tuyên Ngôn này như sau:

 

Cảm nhận thứ nhất về nội dung của chính bản văn kiện qua nhan đề của nó:

 

·        “Đúng thế, Bản Tuyên Ngôn này có tựa đề là ‘Dominus Jesus’, tiếng Việt nghĩa là ‘Chúa Giêsu’. Nếu đọc kỹ nội dung của toàn văn kiện này, người ta hiểu ngay tại sao bản văn có tên là ‘Chúa Giêsu’. Theo tôi, ‘Giêsu’ là tên của một con người lịch sử ở Nazarét hai ngàn năm trước, Con Người này là con của bà Maria và bác thợ mộc Giuse (xem Mt 13:55; Mc 6:3). Và ‘Chúa’ đây chẳng những ám chỉ đến nguồn gốc thần linh của Con Người mang tên Giêsu này là Vị Thiên Chúa nhập thể, mà còn ám chỉ đến vai trò thượng tôn và uy quyền tuyệt đối của Con Người Giêsu Kitô’ (1Tim 2:5) ấy nữa, trên mọi tạo vật nói chung và trên toàn thể loài người nói riêng”.

 

Cảm nhận thứ hai về chiều hướng của bản văn kiện đối với vấn đề đối thoại liên tôn theo chủ trương của Giáo Hội:

 

·        “Thái độ trước nhất của Giáo Hội trong vấn đề Đối Thoại Liên Tôn là kính trọng các tôn giáo khác và công nhận nơi các đạo khác có những mầm mống Thần Linh để sửa soạn cho hạt giống Phúc Âm của Chúa Kitô. Thái độ thứ hai là việc nỗ lực hội nhập văn hóa, tức là làm sao để gieo rắc hạt giống Phúc Âm vào lòng đạo của con người để hạt giống Phúc Âm biến đổi và thăng hóa những khiếm khuyết nơi niềm tin tự nhiên của con người. Thái độ thứ ba là cùng với các đạo giáo trên thế giới hết sức cổ võ và tích cực hoạt động cho công lý và hòa bình để xây dựng một cộng đồng nhân loại an vui hạnh phúc. Đó là ba thái độ chính yếu của Giáo Hội liên quan đến vấn đề Đối Thoại Liên Tôn.

 

“Còn vấn đề cùng nhau ngồi xuống để tìm hiểu giáo thuyết của nhau, theo Bản Tuyên Ngôn ở đoạn áp kết, đã nêu lên vấn đề bình đẳng, nhưng là một bình đẳng về phẩm vị nhân bản của hai bên đối thoại mà thôi, chứ không phải tương đương nhau về nội dung của giáo thuyết hay thân phận của vị giáo tổ.

 

“Thật vậy, điều kiện thiết yếu để có việc đối thoại liên tôn và tiến đến việc đối thoại liên tôn thực sự chính là ở vấn đề ‘không phải đạo nào cũng tốt như nhau’, nghĩa là phải hoàn toàn phủ nhận chủ trương hòa đồng tôn giáo cho rằng ‘đạo nào cũng là đạo’. Nếu ‘đạo nào cũng là đạo’ thì cần gì phải đối thoại nữa. Nếu đạo nào cũng là đạo thì tại sao anh theo đạo của anh bây giờ mà không theo đạo khác. Nếu ‘đạo nào cũng là đạo’ thì tôi theo đạo có thể vì nể nang hay vì cảm thấy vui thích, hoặc vì nhu cầu tâm linh đòi hỏi v.v., thì một lúc nào đó, bị mất lòng hay thấy buồn chán hoặc không cần nữa thì bỏ đạo hay sao? Như thế, có khác gì đạo chỉ là một trò chơi, một thứ trang sức, một thứ xa xỉ phẩm của con người.

 

“Bởi vậy, theo lời Chúa Kitô phán: ‘Không phải các con đã chọn Thày mà là Thày đã chọn các con để các con đi sinh hoa kết trái’ (Gioan 15:16), Kitô hữu chúng ta theo Người là vì chúng ta nhận biết Người và chấp nhận Người ‘là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’ (Gioan 14:6): ‘Lạy Thày, chúng con còn biết theo ai, Thày có những lời ban sự sống đời đời’ (Gioan 6:68).

 

“Theo tôi, một đạo xứng danh phải là một đạo không có những gì phản nhân bản, như không có vấn đề cho phép đa thê, và một đạo chân thật phải là một đạo chẳng những có sức cứu độ con người khỏi tội lỗi và sự chết mà còn làm cho họ được sống viên mãn hơn, trong việc làm cho con người theo đạo  hăng say dấn thân phục vụ tha nhân đến cùng, dù có bị bắt bớ vì việc lành ấy chăng nữa. Như thế, theo nguyên tắc, con người hướng về tôn giáo thế nào, thì trên thực tế, tôn giáo cũng hướng về con người như vậy.

 

“Nếu vấn đề đối thoại liên tôn không phải là vấn đề con người hướng về tôn giáo hơn là vấn đề tôn giáo hướng về con người, thì việc đối thoại liên tôn chính là một hành động con người đang tỏ ra tinh thần đoàn kết với nhau hơn bao giờ hết”.

 

(Bản Tuyên Ngôn được trích dịch từ L’Osservatore Romano ấn bản Anh ngữ, 6/9/2000;

tin tức về buổi họp báo để ban hành văn kiện được lấy từ Hệ Điện Toàn Cầu Vatican Information Services ngày 5/9/2000)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch