BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA

“Tái Khẳng Định và Tóm Gọn Tín Lý của Đức Tin Công Giáo”

 (Những tiểu đề theo thứ tự từ 1 tới 10 là do người viết đặt ra cho rõ ràng những vấn đề Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin muốn khẳng định trong Bản Tuyên Ngôn)

 

1.         Thiên Chúa đã mạc khải đầy đủ và trọn vẹn mầu nhiệm cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô.

 

·        Thuyết chủ trương tính chất giới hạn, không trọn vẹn hay không hoàn hảo nơi mạc khải của Chúa Giêsu Kitô, một mạc khải cần được bổ khuyết nơi mạc khải của các tôn giáo khác là một thuyết trái với đức tin Kitô Giáo. Chủ trương này căn cứ vào quan niệm cho rằng bất cứ một tôn giáo nào trong lịch sử, kể cả Kitô Giáo hay Đức Giêsu Kitô đi nữa, cũng không thể nào hiểu thấu và không thể nào bộc lộ một cách phổ quát và trọn vẹn sự thật về Thiên Chúa.

 

“Chủ trương như vậy hoàn toàn trái với những tuyên xưng trước đây của đức tin Công Giáo, những tuyên xưng về một mạc khải đầy đủ và trọn vẹn nơi mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Vì lý do đó, những lời nói, việc làm và tất cả các biến cố lịch sử của Đức Giêsu, mặc dù bị giới hạn theo thực tại loài người, cũng được làm chủ bởi Ngôi Vị thần linh của Lời Nhập Thể, Đấng là ‘Thiên Chúa thật và là người thật’ (Công Đồng Chung Chalcedon, Symbolum Chalcedonense: DS 301; x Thánh Athanasius, De Incarnatione, 54, 3: SC 199, 458). Bởi thế, những lời nói, việc làm và biến cố đó tự mình có tính chất mạc khải tối hậu và hoàn toàn theo những đường lối cứu độ của Thiên Chúa, cho dù mức độ sâu xa của mầu nhiệm thần linh tự nó vốn siêu việt và bất tận. Sự thật về Thiên Chúa không bị hủy bỏ hay bị suy giảm khi nó được phát biểu bằng ngôn ngữ loài người; trái lại, nó chuyên nhất, hoàn toàn và trọn vẹn, vì Đấng nói năng và tác hành chính là Con Thiên Chúa Nhập Thể. Như thế, đức tin đòi chúng ta phải tuyên xưng Lời nhập thể, nơi toàn thể mầu nhiệm của Người, từ khi nhập thể tới vinh quang, là nguồn mạch, tuy dự phần song thực sự, và là viên trọn của hết mọi mạc khải cứu độ Thiên Chúa muốn tỏ ra cho loài người biết (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải, 4), cũng như tuyên xưng Thánh Linh, Đấng là Thần Linh của Đức Kitô, sẽ dạy “tất cả sự thật” này (Jn 16:13) cho các Vị Tông Đồ và nhờ các ngài cho toàn thể Giáo Hội”.

 

(Tuyên Ngôn, đoạn 6.1 và 6.2)

 

2.   Đức Tin Đối Thần nơi Kitô Giáo và niềm tin nơi các tôn giáo khác hoàn toàn khác hẳn nhau.

 

·        Đáp ứng xứng hợp với mạc khải của Thiên Chúa là ‘việc tin tưởng tuân phục (Rm 16:26; x. Rm 1:5; 2Cor 10:5-6), một tác động khiến con người hoàn toàn tự do phó mình cho Thiên Chúa, ở chỗ trí khôn và lòng muốn của họ hết sức thuận phục Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra, và tự nguyện chấp nhận mạc khải của Ngài’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải, 5). Đức tin là quà tặng do ân sủng: ‘để lãnh nhận đức tin trước hết cần phải có ơn Chúa và sự trợ giúp của ơn Chúa; cũng cần phải có cả việc hỗ trợ nội tâm của Chúa Thánh Linh nữa, Đấng tác động tâm hồn và qui hướng nó về Thiên Chúa, Đấng mở mắt trí khôn và ban cho mọi người niềm vui và dễ dàng trong việc ưng thuận và tin tưởng vào chân lý’” (cùng nguồn vừa dẫn).

 

“Việc tin tưởng tuân phục bao gồm tác động chấp nhận chân lý do Chúa Kitô mạc khải, căn cứ vào thế giá của Thiên Chúa, Đấng là chính Sự Thật (x. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 144): ‘Đức tin trước hết là việc con người gắn bó bản thân mình với Thiên Chúa. Đi liền với việc này đồng thời còn là tác động hoàn toàn chấp nhận tất cả sự thật được Thiên Chúa mạc khải’ (cùng nguồn vừa dẫn, số 150). Thế nên, đức tin, như ‘một tặng ân của Thiên Chúa’ và như ‘một nhân đức siêu nhiên do Ngài phú bẩm cho’ (cùng nguồn vừa dẫn, số 153), bao gồm một gắn bó kép đôi, đó là việc gắn bó với Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra và cả việc gắn bó với sự thật được Ngài tỏ ra cho biết nữa, một gắn bó kép đôi phát xuất từ lòng tin tưởng vào Ngài là Đấng phán bảo. Như thế, ‘chúng ta không tin vào một ai khác ngoài Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần’ (cùng nguồn vừa dẫn, số 178).

 

Vì thế, phải nắm vững sự khác biệt giữa đức tin đối thần với niềm tin nơi các tôn giáo khác. Nếu đức tin là việc theo ơn Chúa chấp nhận chân lý mạc khải, một thứ chân lý ‘tự mình có thể thấu nhập mầu nhiệm ở chỗ giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm ấy một cách chặt chẽ’ (Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí, 13), thì niềm tin nơi các tôn giáo khác là tất cả cảm nghiệm và tâm tưởng làm nên kho tàng khôn ngoan và nguyện vọng đạo lý của con người, những kho tàng khôn ngoan và nguyện vọng mà con người, trong lúc đi tìm kiếm chân lý, đã cưu mang và tác hành trong mối liên hệ với Thiên Chúa và Đấng Tối Cao (cùng nguồn vừa dẫn, 31-32).

 

“Việc phân biệt này không luôn luôn được thể hiện nơi tâm trí của suy tư thần học hiện nay. Bởi thế, đức tin đối thần (việc chấp nhận chân lý được Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi mạc khải) thường bị đồng hóa với niềm tin nơi các tôn giáo khác, tức với cảm nghiệm tôn giáo vẫn còn đang trên đường tìm kiếm chân lý tuyệt đối và vẫn chưa có thuận theo Thiên Chúa là Đấng mạc khải bản thân mình ra. Đó là một trong những lý do tại sao cái khác nhau giữa Kitô Giáo và các tôn giáo có những lúc như bị giảm xuống tới mức độ biến mất”.

 

(Tuyên Ngôn, đoạn 7.1, 7.2, 7.3, 7.4)

 

3.   Không có vấn đề khác biệt giữa Đức Giêsu Kitô và Ngôi Lời, cũng như giữa tác động cứu độ của Ngôi Lời và của Lời Nhập Thể.

 

·        Nơi suy tư thần học hiện đại thường có khuynh hướng cho Đức Giêsu Nazarét là một nhân vật lịch sử hạn hữu riêng biệt, Đấng tỏ thần linh ra không phải một lần duy nhất mà bằng một đường lối cần được bổ khuyết bởi các nhân vật khải huyền và cứu độ khác nữa. Như thế, Mầu Nhiệm Vô Cùng, Tuyệt Đối, Tối hậu của Thiên Chúa được tỏ hiện cho nhân loại thấy bằng nhiều đường lối và nơi nhiều nhân vật lịch sử, trong số đó có cả Đức Giêsu Nazarét. Cụ thể hơn, một số người còn cho Đức Giêsu là một trong nhiều bộ mặt được Lời tỏ hiện trong giòng thời gian để tiếp xúc với nhân loại bằng đường lối cứu độ.

 

Ngoài ra, để biện minh tính cách phổ quát của ơn cứu độ Kitô Giáo cũng như sự kiện về việc đại đồng tôn giáo, vấn đề đã được đặt ra là công cuộc của Lời hằng hữu cũng có tác hiệu cả ở ngoài Giáo Hội và không có liên hệ gì với Giáo Hội cả, một công cuộc thêm thắt vào công cuộc của Lời nhập thể. Công cuộc của Lời hằng hữu có một giá trị phổ quát bao rộng hơn công cuộc của Lời nhập thể là công cuộc chỉ hạn hẹp nơi thành phần Kitô hữu, cho dù Thiên Chúa có hiện diện tràn đầy hơn ở công cuộc của Lời nhập thể.