BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA

 

Những luận đề này hoàn toàn trái với đức tin Kitô Giáo. Tín lý đức tin cần phải được mạnh mẽ tuyên xưng Đức Giêsu Nazarét, con của Đức Maria, cũng là Con và Lời của Chúa Cha. Lời, Đấng ‘từ ban đầu đã ở nơi Thiên Chúa’ (Jn 1:2) cũng là Đấng ‘đã hóa thành nhục thể’ (Jn 1:14). Nơi Giêsu ‘là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’ (Mt 16:16), ‘toàn thể tầm mực viên toàn của thần tính ngự trị một cách thể lý’ (Col 2:9). Người là ‘Người Con duy nhất của Cha, Đấng ở trong Cha’ (Jn 1:18), ‘Người Con yêu dấu của Ngài, nơi Người chúng ta được cứu chuộc... Nơi Người tầm mức viên mãn của Thiên Chúa hân hoan ngự trị, và qua Người, Thiên Chúa muốn hòa giải tất cả mọi sự với chính mình Ngài, cả dưới đất cũng như trên trời, giải hòa bằng máu thập tự giá của Người’ (Col 1:13-14, 19-20).

 

“Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã minh nhiên công bố là: ‘Đặt ra bất cứ một vấn đề phân chia nào giữa Lời và Đức Giêsu Kitô đều trái với đức tin Kitô Giáo... Đức Giêsu là Lời nhập thể – một ngôi vị duy nhất bất phân... Đức Kitô không là ai khác ngoài Giêsu Nazarét; Người là Lời Thiên Chúa làm người vì phần rỗi của tất cả mọi người...” (Thông Điệp Redemptoris Missio, 6). 

 

Cũng trái với đức tin Công Giáo như vậy nữa khi đặt ra vấn đề phân chia giữa tác động cứu độ của Lời với tác động cứu độ của Lời hóa thân làm người. Qua việc nhập thể, tất cả mọi tác động cứu độ của Lời Thiên Chúa luôn luôn được thực hiện trong mối hiệp nhất với bản tính loài người được Người mặc lấy vì phần rỗi của tất cả mọi người. Chủ thể duy nhất tác hành nơi cả hai bản tính, bản tính nhân loại và bản tính thần linh, là ngôi vị duy nhất của Lời (x Thánh Lêô Cả, Tomus ad Flavianum: DS 294).

 

“Bởi thế, thuyết qui hoạt động cứu độ cho Lời theo thần tính của Người sau khi nhập thể như vậy, một hoạt động cứu độ được thực hiện ‘thêm vào’ hay ‘ở ngoài’ nhân tính của Đức Kitô, không hợp với đức tin Công Giáo (x. Thánh Lêô Cả, Thư gửi Hoàng Đế Lêô I Promisisse me memini: DS 318 ‘... in tantam unitatem ab ipso conceptu Birginis deitate et humanitate conserta, ut nec sine homine divina, nec sine Deo agerentur humana’. Cũng x DS 317)”

 

(Tuyên Ngôn, đoạn 10.1, 10.4, 10.5 và 10.6)

 

4.   Không có vấn đề hoạt động của Chúa Thánh Thần bao rộng hơn, ở ngoài hay song song với hoạt động của Lời Nhập Thể.

 

·        Cũng có những người nêu lên giả thiết cho rằng công cuộc của Chúa Thánh Thần thì bao rộng phổ quát hơn công cuộc của Lời Nhập Thể, Đấng tử giá và phục sinh. Chủ trương này cũng trái với đức tin Công Giáo, một đức tin chủ trương ngược lại, ở chỗ, coi việc nhập thể cứu độ của Lời như là một biến cố của cả Ba Ngôi Thiên Chúa vậy. Theo Tân Ước, mầu nhiệm về Chúa Giêsu, Lời Nhập Thể, làm nên nơi cho Chúa Thánh Thần hiện diện cũng như trở thành nguyên lý cho việc tuôn tràn Thần Linh xuống trên nhân loại, chẳng những vào thời kỳ cứu độ (x Acts 2:32-36; Jn 7:39, 20-22; 1Cor 15:45), mà còn vào cả trước thời gian Người đi vào lịch sử nữa (x 1Cor 10:4; 1Pet 1:10-12)...

 

“Bởi vậy, Huấn Quyền gần đây của Giáo Hội đã mạnh mẽ và rõ ràng nhắc lại sự thật về một công cuộc thần linh duy nhất: ‘Sự hiện diện và hoạt động của Thần Linh chẳng những chi phối cá nhân con người mà còn cả xã hội và lịch sử, các dân tộc, văn hóa và tôn giáo nữa... Chúa Kitô hiện đang hoạt động nơi tâm can nhân loại bằng quyền lực của Thần Linh Người... Chính Thần Linh là Đấng gieo ‘hạt giống lời Chúa’ hiện diện nơi các tập tục và văn hóa khác nhau, làm cho những lãnh vực này hoàn toàn nên trọn trong Chúa Kitô’ (Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 28; về ‘hạt giống Lời Chúa’ cũng xem cả Thánh Justine tử đạo, Hộ Giáo Thứ Hai 8, 1-2; 10, 1-3; 13, 3-6; ed. E.J. Goodspeed, 84; 85; 88-89). Trong khi công nhận sứ vụ cứu độ trong lịch sử của Thần Linh nơi toàn thể vũ trụ cũng như trong toàn bộ lịch sử nhân loại (cùng nguồn của ĐTC/GPII vừa dẫn, 28-29), Huấn Quyền còn xác nhận: ‘Đây là chính Vị Thần Linh đã hoạt động trong việc nhập thể, trong đời sống, trong cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, cũng là Đấng hoạt động trong cả Giáo Hội nữa. Bởi thế, Ngài không phải là một thứ hoán vị thay cho Chúa Kitô, và Ngài cũng không phải là một thứ khỏa lấp, đôi khi theo người ta nghĩ, giữa Đức Kitô và Ngôi Lời. Bất cứ những gì Thần Linh làm phát sinh nơi tâm trí con người cũng như nơi lịch sử của các dân tộc, nơi văn hóa và tôn giáo, đều giúp vào việc sửa soạn cho Phúc Âm, và chỉ có thể hiểu được trong mối tương quan với Chúa Kitô là Lời, Đấng đã mặc lấy xác thịt bởi quyền phép Thần Linh, và, vì là một con người toàn vẹn, Người đã cứu độ toàn thể nhân loại và thâu tóm tất cả mọi sự’ (cùng nguồn của ĐTC/GPII vừa dẫn, 29).

 

“Tóm lại, hoạt động của Thần Linh không ở ngoài hay song song với hoạt động của Chúa Kitô. Chỉ có một công cuộc cứu độ duy nhất của một Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi, được thể hiện nơi mầu nhiệm nhập thể, nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Con Thiên Chúa, được hiện thực nhờ việc hợp tác của Thánh Linh, và được vươn tới toàn thể nhân loại cùng toàn thể vũ trụ ở giá trị cứu độ của công cuộc này: ‘Thế nên, không ai có thể được hiệp thông với Thiên Chúa ngoại trừ qua Chúa Kitô và nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần’ (cùng nguồn của ĐTC/GPII vừa dẫn, 5)”. 

 

(Tuyên Ngôn, đoạn 12.1, 12..5 và 12.6)

 

5.   Không có vấn đề tương đương hay bổ khuyết cho Chúa Giêsu Kitô trong vai trò môi giới duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người của Người.

 

·        “Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: ‘Vai trò môi giới chuyên biệt của Đấng Cứu Thế không loại trừ song làm phát sinh việc hợp tác đa diện, một việc hợp tác với nguồn mạch duy nhất ấy’ (Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 62). Nội dung của vai trò môi giới dự phần này cần phải được tìm hiểu sâu xa hơn nữa, thế nhưng, vẫn phải luôn luôn hợp với nguyên lý của vai trò làm môi giới chuyên nhất của Chúa Kitô: ‘Mặc dù không loại bỏ những thể thức môi giới dự phần thuộc các thứ loại hay ở các cấp độ, nhưng những thể thức môi giới dự phần này chỉ có ý nghĩa và giá trị từ vai trò môi giới của Chúa Kitô mà thôi, chứ chúng không thể được cho là tương đương với hay bổ khuyết cho vai trò môi giới của Người’ (Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 5). Bởi thế, những luận giải cho rằng tác động cứu độ của Thiên Chúa ở ngoài vai trò môi giới chuyên nhất của Chúa Kitô là những luận giải trái với đức tin Kitô Giáo và Công Giáo”.

 

(Tuyên Ngôn, đoạn 14.2)

 

6.   Không cần phải tránh né việc sử dụng những từ ngữ đã được mạc khải trong Thánh Kinh.

 

·        Không phải là ít khi có vấn đề đặt ra rằng thần học phải tránh sử dụng những từ ngữ như ‘duy nhất tính’, ‘phổ quát tính’ và ‘tuyệt đối tính’, những từ ngữ có liên quan đến các tôn giáo khác, ở chỗ, chúng gây ấn tượng về việc quá nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng và giá trị nơi biến cố cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, thực tế thì thứ ngôn ngữ này chỉ phản ánh mạc khải mà thôi, vì nó biểu hiệu cho việc phát triển của chính các nguồn mạch đức tin. Ngay từ ban đầu, cộng đồng tín hữu đã nhận biết nơi Chúa Giêsu một giá trị cứu độ, ở chỗ, một mình Người, với tư cách là Con Thiên Chúa làm người, tử giá và phục sinh, theo sứ vụ được Cha trao cho và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, đã ban bố mạc khải (x Mt 11:27) và sự sống thần linh (x Jn 1:12, 5:25-26, 17:2) cho toàn thể nhân loại cũng như cho hết mọi người”.

 

(Tuyên Ngôn, đoạn 15)

 

7.   “Giáo Hội Chúa Kitô, mặc dù có những phân rẽ nơi các Kitô hữu, vẫn tiếp tục hiện hữu một cách trọn vẹn nơi duy một mình Giáo Hội Công Giáo mà thôi”.

 

·        Chúa Giêsu, Vị Cứu Thế duy nhất, đã không phải chỉ thiết lập một cộng đồng môn đệ đơn thuần thôi, mà còn làm cho Giáo Hội thành một mầu nhiệm cứu độ nữa, ở chỗ, chính Người sống trong Giáo Hội và Giáo Hội sống trong Người (x Jn 15:1ff; Gal 3:28; Eph 4:15-16; Acts 9:5). Thế nên, tầm mức viên trọn nơi mầu nhiệm của Chúa Kitô cũng thuộc về Giáo Hội được hiệp nhất bất khả phân ly với Chúa của mình. Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô tiếp tục hiện diện và hoạt động cứu độ nơi Giáo Hội và nhờ Giáo Hội (x Col 1:24-27) (x Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 14) là thân thể của Người (x 1Cor 12:12-13, 27; Col 1:18) (cùng nguồn vừa dẫn, 7). Do đó, như đầu và các chi thể trong cùng một thân xác sống động, mặc dù không đồng nhất với nhau, cũng không thể phân ly thế nào, Chúa Kitô và Giáo Hội cũng không thể bị lẫn lộn và phân rẽ như vậy, và cả hai cũng làm nên một ‘toàn thể Chúa Kitô’ duy nhất như vậy (x Thánh Âu Quốc Tinh, Enarratio in Psalmos, Ps. 90, sermo 2, 1: CCSL 39, 1266; Thánh Gregory Cả, Moralia in Iob, Praefatio, 6, 14: PL 75, 525; Thánh Thomas Aquinas, Summa Theologiae, III, q. 48, a. 2 ad 1). Tính cách bất khả phân ly này còn được diễn tả trong Tân Ước qua sự so sánh Giáo Hội như Hiền Thê của Chúa Kitô (x 2Cor 11:2; Eph 5:25-29; Rev 21:2, 9) (x Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, 6).