CỨU MA TRỪ QUỈ

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Những biến động gần đây về những cái chết cho việc sùng bái ở Âu Châu đã cho thấy một vấn đề đã bị coi thường, đó là tình trạng càng ngày càng hào hứng với việc phò Satan và thế giới huyền bí, nhất là nơi thành phần thanh thiếu niên. Đó là lý do tại sao Đại Học Tòa Thánh Regina Apostolorum và GRIS, một nhóm Ý quốc giám sát những giáo phái tai hại, đã tổ chức một khóa về “Trừ Quỉ và Cầu Nguyện Giải Phóng”. Khóa này, một khóa chỉ mở cho các vị linh mục và chủng sinh, sẽ được thực hiện vào Tháng 2, 3 và 4/2005.

Cha Pedro Mendoza Pantoja là một trong thành phần ban tổ chức Cuộc Họp Tiên Khởi Toàn Quốc Mễ Tây Cơ của Những Nhà Trừ Quỉ và Những Người Phụ Tá Giải Phóng, vào thời khoảng 31/8-2/9/2004 ở trung tâm của hội đồng giám mục nước này. Cuộc họp đã thu hút được 500 tham dự viên. Vị linh mục này điều hợp công việc của 8 vị trừ quỉ theo vùng trong tổng giáo phận Mexicô City. Ngài đã trả lời cho Zenit qua một cuộc phỏng vấn về những vân đề như Vị trừ quỉ là ai? Phải chăng ai cũng có thể trở thành người trừ quỉ? Người ta cần phải làm gì khi họ nghĩ rằng họ là nạn nhận bị quỉ ám hay khi biết rằng có người ở trong trường hợp bị quỉ ám như thế? v.v. Theo vị linh mục chuyên gia trừ quỉ 6 năm vừa rồi thì:

Cũng trong năm 2004, ở Việt Nam đã xẩy ra một câu chuyện đươc linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn thuật lại trong bản Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số 26-27, tháng 10/2004, một câu truyện cũng đã được phổ biến trên ít là hai tờ Nguyệt San Công Giáo Việt Nam hải ngoại, đó là Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 11/2004, trang 37-44, với tựa đề “Cầu Cho Người Đã Khuất”, và Nguyệt San Dân Chúa Mỹ Châu số 12/2004, trang 19-24, với tựa đề “Rao Giảng Tin Mừng Cho Người Đã Khuất”.

 

Trong câu truyện này, linh mục Sơn cho biết là ngài đã giúp được cho một người mẹ trẻ thoát khỏi tình trạng bị một linh hồn tử sĩ nhập vào, một tình trạng cũng đã được một thày bùa ở Phan Rang cố gắng giải quyết song bất thành.

 

phần kết luận câu truyện mà chính vị linh mục thuật lại là chứng nhân và là vị “rao giảng tin mừng cho người đã khuất”, tác giả đã đặt ra một số vấn đề liên quan đến tín lý và đức tin Kitô giáo cần phải được giải quyết. Sau đây là nguyên văn các vấn nạn được vị linh mục này nêu lên:

 

1.      “Trong xã hội Việt Nam hôm nay, bùa ngải, thư yểm là chuyện có thật, nhất là nơi những người buôn bán, như ta từng nghe nói: ‘ngậm ngải tìm trầm’ hay ‘bùa yêu’ của một vài người thỉnh về. Bùa ngải này dựa trên nền tảng nào? Quyền lực này bắt nguồn từ đâu: từ ma quỉ hay chỉ là một điều kỳ diệu mà khoa học chưa khám phá?

 

2.      “Theo niềm tin chung của người tií hữu Công giáo, các linh hồn sau khi chết sẽ ra trước tòa Chúa phán xét để rồi hoặc sẽ lên thiên đàng, vào luyện ngục hay xuống hỏa ngục. Vậy phải giải thích như thế nào về những linh hồn vất vưởng như ông Giuse Trần Đình Sang và các bạn bè của ông? (Ở đây vị linh mục muốn nói đến sự kiện là ông Sang 63 tuổi, tử trận ngày 13/12/1973 tại ngay nơi đang được gia đình cô Maria Trần Thị Phương Quỳnh 26 tuổi thuê mướn để kinh doanh đã 3 năm, đó là căn nhà số 46/5C Chu Văn An, quận Bình Thạnh Thành Phố Hồ Chí Minh)?

 

3.      “Ma quỉ có thể tác động vào những người vô tội và nhập vào họ để gây nên bệnh tật, đau đớn bất kể tự do và ý muốn của người bị nhập?

 

4.      “Làm sao ma quỉ lại có thể ở lâu trong những người đó như vậy, trong khi miệng họ vẫn cầu kinh, dự lễ, rước Mình Thánh Chúa?

 

5.      “Các tôn giáo khác có những nghi thức, bài kinh để trừ tà ma, diệt quỉ như trong tông phái Mật Tông của Phật giáo ở Việt Nam, Tích Lan, Ấn Độ hay Chân Ngôn Tông ở Nhật Bản. Nhiều người tín hữu hình như muốn đồng hóa các nghi thức này của tôn giáo với sự mê tín dị đoan. Vậy cần phải hiểu thế nào trong tinh thần đối thoại liên tôn của Kitô giáo?

 

6.      “Có cần phải phân biệt ‘ma’ khác với ‘quỉ’ để có thái độ thương xót hơn đối với ‘ma’ và đúng đắn hơn vơiù ‘quỉ’? (Đến đây, để chứng minh vấn đề cần phải ‘rao giảng tin mừng cho người đã khuất’, linh mục tác giả đã trích dẫn những lời Thánh Kinh Tân Ước như sau:)

 

“Thư 1Pr 3, 19-22 nói rõ: vì Đức Kitô chết cho mọi người nên mọi người đều có thể được cứu độ bằng những cách thế không ai có thể ngờ được. Hơn nữa, vì Đức Kitô là Đấng ‘phán xét kẻ sống và kẻ chết’, mà tiêu chuẩn để phán xét là Tin Mừng, nên trước đó, kẻ chết cũng cần được nghe công bố Tin Mừng (x. 1Pr 4, 5-6; x F. Gomez, Kitô học, Chương Đức Giêsu xuống ngục tổ tông, Tập II, tr. 135tt). Đức Kitô rao giảng Tin Mừng cho cả kẻ chết có nghĩa là Người đã hoàn tất sứ mạng cứu độ đối với mọi người. Những người đã chết cũng cần được ‘rửa tội’ bằng cách tuyên xưng lòng tin và tình yêu đối với Đức Kitô. Do đó, vào thời các Kitô hữu thế hệ đầu tiên, ở Côrintô chẳng hạn, người ta đã có nghi thức chịu phép rửa thay cho kẻ chết (x. 1Cr 15,29). Hành động của ông Sang hay những linh hồn khác đã khiến tôi nhớ đến sứ mạng phải truyền giáo cho cả những người đãkhuất. Như thế có lẽ ta không nên nói trừ ma, diệt quỉ mà phải cứu ma, trừ quỉ theo nghĩa Kitô giáo chăng?”

 

Qua những câu truyện “cứu ma” của linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn ở Việt Nam và cuộc phỏng vấn về việc “trừ quỉ” của linh mục Pedro Mendoza Pantoja ở Mễ Tây Cơ trên đây, người viết xin được chia sẻ suy tư của mình như sau.

 

Trước hết, bởi vướng mắc nguyên tội, con người còn được coi như là thành phần bị mù từ lúc mới sinh, chẳng biết Chúa là ai (xem Gioan 9:1,36); thành phần bất toại, không tự giải cứu đươc mình, không làm được những điều lành mong ước, trái lại, làm điều dữ ngược với ý muốn của mình (xem Rôma 7:19); thành phần phong cùi ghẻ lở xấu xa, bị tội lỗi làm méo mó hình dạng con người của mình được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 1:26-27) v.v. Đó là lý do, Chúa Kitô đã đến để cứu độ, trước hết bằng quyền năng chữa lành của Người, đúng như tiên tri Isaia đã nói về Người (xem Isaia 61:1), cũng như chính Người đã xác nhận về Người với các môn đệ của tiền hô Gioan Tẩy Giả (xem Luca 7:22).

 

Ngoài ra, cũng bởi nguyên tội, tức bẩm sinh mang mầm mống tội lỗi và sự chết là hậu quả của nguyên tội trong bản thân khi được sinh vào trần gian, mà con người, ở một nghĩa nào đó, ai cũng bị “quỉ ám”, tức bị tiêm nhiễm nọc độc của Satan, có sẵn tử chất Satan nơi mình, nên tự nhiên họ có khuynh hướng “chuộng tối tăm hơn ánh sáng” (Gioan 3:19), thực sự bị Satan chi phối và điều khiển theo ý hắn (xem Gioan 8:44). Đó là lý do mà một trong những việc cho thấy Chúa Kitô đến để thiết lập vương quốc cứu độ của Người, đó là việc Người khu trừ ma quỉ là tay thống lãnh thế gian (x Mathêu 4:8-9; Gioan 16:11; Do Thái 2:14), việc “Con Thiên Chúa tỏ mình ra để tiêu diệt các việc làm của ma quỉ” (1Gioan 3:8; xem Do Thái 2:14).

 

Theo nguyên tắc ai cũng bị quỉ ám (không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ) về phương diện tâm linh như thế, mà không lạ gì có những trường hợp đi đến chỗ trầm trọng đến nỗi con người còn bị quỉ ám cả ở trên thân xác nữa, như những trường hợp được các Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại, những đoạn cũng được linh mục Sơn trưng dẫn trong bài viết của mình: “Ở Capharnaum (x. Mc 1,21-28; Lc 4, 31-37), ở Gađara (x Mt 8, 28-34; Mc 5, 1-20), ở Tyrô (x Mc 7, 24-30)”.

 

Nếu con người ta có thể trở thành tay sai cho ma quỉ, qua những hoạt động đầy hận thù ghen ghét cố tình quấy phá Giáo Hội, bằng những chống đối quyền bính và gây chia rẽ Dân Chúa, theo tinh thần kiêu căng bất phục tùng phá đám của Satan, thì con người cũng có thể là tác nhân của Satan và cho Satan, qua những thứ bùa ngải, các việc yếm độc, tác hại con người ta, nhất là những người chẳng những đã yếu đức tin lại còn yếu bóng vía, dễ mê tín dị đoan nữa. Thế nhưng, như những con rắn biến từ gậy của các phù thủy Ai Cập chẳng những không thể hại con rắn biến từ gậy của Aaron mà còn bị nuốt đi hết nữa (x Xuất Hành 7:10-12), cũng thế, bùa phép của thày Chăm ở Phan Rang trừ tà cho cô Quỳnh cũng không thể tống ông Sang ra khỏi cô này, trái lại, còn bị việc trừ quỉ của cha Sơn "qua mặt".

 

Tuy nhiên, thái độ thiện chí của ông chẳng những không ghen tức với cha, trái lại, còn tỏ ra muốn cùng cha Sơn cứu đời, chứng tỏ cho thấy, có một số thày phép có thể bị Satan lạm dụng để mở mang nước của hắn. Ở chỗ, có những lúc hắn giúp cho họ trừ được quỉ con, với thâm ý "bỏ con tép bắt con tôm", mưu lợi cho hắn, chứ không gây chia rẽ hay phá tán vương quốc của hắn theo nguyên tắc Chúa Giêsu đã nêu lên (xem Mathêu 12:24-26). Trong trường hợp cô Quỳnh, nếu ông thày Chăm này thực sự trừ được ông Sang, thì thử hỏi gia đình Công giáo này đang bê bối sẽ hoán cải trở về với Chúa như đoạn cuối câu truyện cho thấy hay chăng, hoặc lại càng thêm mê tín dị đoan mà bỏ Chúa hơn.

 

Nếu Satan có tác nhân tác hại con người ta bằng bùa ngải thì Chúa Kitô cũng có các thừa tác viên thực hiện các phép trừ tà để giải cứu con người. Nếu các thứ bùa ngải được thành phần phù thủy sử dụng để gây tai hại cách riêng phần xác của con người bị yểm độc thế nào, thì nước phép, Thánh Giá, Sách Thánh, tượng ảnh hay tràng hạt v.v. cũng có thể được sử dụng để trừ tà. Nếu Satan đã ngầm giúp các tác nhân của hắn làm điều bậy bằng bùa phép thì thiên thần cũng đã giúp con người làm điều thiện lợi, điển hình là Tổng Thần Raphen đã giúp cho Tôbia con chẳng những có phương thuốc mật cá để chữa lành mắt cho Tôbia cha (xem Tôbia 6:9, 11:10-13), mà còn cả việc sử dụng phương pháp nướng tim cá và gan cá để xua đuổi ảnh hưởng của ma quỉ nơi con người bị hắn quấy nhiễu như trường hợp người vợ mới cưới của Tôbia con (xem Tobia 6:8, 8:2-3).

 

Trường hợp linh hồn con người, sau khi lìa khỏi thân xác trong giờ lâm tử, nếu không lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục thì vẫn còn ở trong tình trạng chưa được hoàn toàn hoan hưởng thánh nhan Thiên Chúa, tức là vẫn còn ở trong tình trạng cần phải được giải cứu, cho đến khi ơn cứu chuộc của Chúa Kitô được hoàn toàn nên trọn nơi họ. Như thế, đối với con người con sống trên đời thì thành phần đã chết không còn ở trong không gian, nhất là không còn thuộc về thời gian nữa, nhưng đối với thành phần trong luyện ngục, chưa hoàn toàn được hưởng vinh phúc trường sinh này, thì một cách nào đó, họ vẫn còn ở trong “thời gian”, không phải thời gian lập công như khi họ còn sống trên thế gian này, mà là thời gian đền tội và chờ đợi, một thời gian tâm lý của những linh hồn chưa hoàn toàn đạt đến cùng đích tối hậu của mình là Thiên Chúa Toàn Thiện Toàn Ái, nên cảm thấy quặn quại khổ đau bởi chính lòng khao khát đầy mến yêu có sức thanh tẩy ấy (xem Luca 7:47; 1Phêrô 4:8).

 

Thế nhưng, sở dĩ những linh hồn trong luyện ngục có được một khát khao có sức thanh tẩy tội lỗi này là vì họ đã được hưởng Thần Linh Sự Sống của Thiên Chúa, dù chưa hoàn toàn, một Thần Linh thấu triệt Thiên Chúa (xem 1Corintô 2:10). Hay nói cách khác, vinh quang của Thiên Chúa đã chiếu vào các linh hồn trong luyện ngục bởi Thần Linh tái sinh của Ngài (xem Gioan 3:5). Bởi thế, có thể nói, những linh hồn đang ở trong luyện ngục, vì đã ra khỏi thân xác hữu hình và hữu hạn là những gì khiến linh hồn họ chỉ có thể thấy Ngài "như qua gương" chứ không thể “diện đối diện” (1Corintô 13:12) chiêm ngưỡng “Thiên Chúa vô hình” (Col 1:15), thì dù họ có đang ở trong thời gian đền tội và đợi chờ, song bởi lòng khao khát đầy yêu mến do Thần Linh làm vọt lên trong họ (xem Gioan 4:14, 7:38-39) bấy giờ, họ thật sự đã được chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa lờ mờ rồi, như trường hợp người mù chưa được Chúa Giêsu phục quang hoàn toàn, nên mới chỉ “thấy người ta qua lại như cây cối” (Marcô 8:24).

 

Vì thành phần trong luyện ngục mới được thấy Thiên Chúa “lờ mờ” như thế, mà họ cần phải chờ đợi cho tới khi Chúa Giêsu “là sự sống lại và là sự sống” (Gioan 11:25), là “ánh sáng sự sống” (Gioan 8:12) hoàn toàn chiếu tỏa trên họ, một thứ Chân Lý giải thoát họ (xem Gioan 8:32). Theo dự án cứu độ của mình, Thiên Chúa có nhiều cách cứu độ từng người trên trần gian này, tùy theo hoàn cảnh và trường hợp của họ thế nào, thì khi họ qua đi mà chưa được hoàn toàn giải thoát, Ngài cũng có cách để tiếp tục cứu họ như thế. Chẳng hạn Ngài có thể cho chính linh hồn đương sự “hiện về” (xem Luca 16:30-31) để xin người còn sống bồi thường cho họ về những gì liên quan đến phép công bằng, hay như trường hợp của ông Sang trong câu chuyện được cha Sơn kể lại.

 

Trong trường hợp của ông Sang, Thiên Chúa chẳng những muốn cứu cả người đã chết là ông Sang mà còn cả người đang sống là gia đình nạn nhân cô Quỳnh cùng ông thày Chăm ở Phan Rang nữa. Cô Quỳnh là vật hy sinh cho việc Chúa làm. Vì ông Sang đã chết không thể tự cứu mình nữa, nên phải nhờ đến đức tin của những người còn sống. Bởi thế, một khi nạn nhân bị ông ám yếu đức tin, ông không thể ra khỏi nạn nhân, cho đến khi đức tin của nạn nhân phục hồi ông mới được giải cứu, và nhờ ông cả nạn nhân lẫn gia đình nạn nhân sống tốt lành hơn. Việc nạn nhân là cô Quỳnh đây được tăng thêm đức tin vì ông Sang (ngoài ý muốn của cô song trong ý nhiệm mầu Thiên Chúa) và nhờ ông Sang đây cũng chẳng khác gì như cô được tái sinh trong đức tin, như cô lãnh nhận phép rửa cho ông Sang vậy.

 

Đúng thế, chính nhờ đức tin của chị mình là Matta: “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian” (Gioan 11:27) mà Lazarô đã bị chôn táng 4 hôm trong mồ đến độ bắt đầu xông mùi tan rữa (xem Gioan 11:39), vẫn có thể cải tử hoàn sinh nghe được tiếng Chúa để bước ra khỏi mồ (xem Gioan 11:43-44). Đó là lý do, vị trừ quỉ Công giáo, một là chính Đức Giám Mục, hai là vị linh mục được ngài chỉ định thay ngài làm việc này, chẳng những có quyền năng làm việc trừ quỉ, nhưng nếu yếu kém đức tin, không sống đời nguyện cầu và chay tịnh (xem Mathêu 17:16-21), thì cũng chẳng trừ được quỉ như có lần đã xẩy ra cho các tông đồ ngày xưa. Một giám mục bất tuân phục Đức Thánh Cha làm sao có thể khu trừ "ngụy" thần, hay một vị linh mục trừ qủi mà lại ham sắc mê của làm sao có thể trừ được thần "ô uế"!?!

 

Thế nhưng, tại sao biết được rằng mình có thể làm cho người bạn thân của mình là Lazarô (xem Gioan 11:5) cải từ hoàn sinh về phần xác, mà Chúa Kitô, như Thánh Ký Gioan đã thuật lại cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đã khóc (xem Gioan 11:35)? Phải chăng là vì Người đã thấy trước được rằng, trong số thành phần thân thiết với Người, có những người, cho dù Người có lên tiếng gọi (xem Gioan 13:26-27; Mathêu 26:50), cũng sẽ không bao giờ chỗi dậy nữa, nghĩa là sẽ bị đời đời trầm luân (xem Mathêu 27:5; Gioan 17:12).

 

Đó là lý do, trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu gửi Các Hồn Nhỏ qua nữ sứ giả giáo dân người Bỉ biệt danh Magarita, Chúa Giêsu đã tâm sự với bà những lời lẽ chí tình chí thiết như sau:

 

·        “Mất đi một trong các con cái của Cha đối với Cha là một bất hạnh lớn. Cha đã vì họ mà đến mà Cha lại không thể cứu được họ…” (ngày 10-12-1968);

 

·        “Hỡi con gái của Cha ơi, con có biết cái thảm bại của một Vị Thiên Chúa là gì không? Đó là Người không thể cứu được hết taât cả moọ người bằng Hy Sinh của Người” (18-5-1970);

 

·        “Những ý nghĩ của Cha (ở trên đồi Gôngôta) là những ý nghĩ thương hại và thương xót. Họ không biết rằng, chỉ bằng một cử chỉ là Cha đã có thể hủy diệt họ đi rồi. Cha để cho họ tha hồ thỏa tay hành khổ Cha, vì trong thâm tâm của Cha, Cha đã chấp nhận Hy Sinh theo ý muốn Cha của Cha. Thế nhưng, nỗi sầu khổ của Cha đã tăng lên gấp bội, vì Cha đã biết rằng, cho dù Cha có để cho mình bị hành hình đến như vậy, Cha vẫn không sao cứu được tất cả mọi con cái của Cha, và đối với nhiều người, Hy Sinh của Cha sẽ trở thành luống công vô ích” (Thứ Sáu Tuần Thánh 30-3-1972).

 

Vậy thì thành phần được cứu độ nhiều hay ít? Chúa Giêsu đã không trực tiếp trả lời một cách rõ rầg ít hay nhiều cho thắc mắc tò mò của một người chất vấn Người: “Những người được cứu có ít lắm chăng?“ (Luca 13:23). Nếu là người, làm gì chúng ta cũng phải làm sao để mang lại lợi ích nhất cho mình, và càng khôn ngoan và quyền năng, chúng ta càng đạt được ý muốn mưu lợi của mình thế nào, thì vô cùng khôn ngoan và toàn năng như Thiên Chúa, chẳng lẽ một việc cứu chuộc con người vô cùng quan trọng, đến nỗi Người đã phải nhập thể vô cùng hèn hạ và tử giá vô cùng nhục nhã như thế, lại chỉ mang về được một thiểu số linh hồn vô giá bất tử, thua quyền lực của Satan là tạo vật của Người?!?

 

Đó cũng là lý do, với cùng người nữ sứ giả giáo dân trên đây, Chúa Giêsu đã khẳng định như sau:

 

·        “Khi Cha bị đóng đanh trên Thánh Giá như một tội nhân chỉ vì yêu, lẽ nào Cha lại chỉ được ôm lấy khoảng không trống rỗng” (15/10/1966);

 

·        “Hỏa ngục chỉ thu nhặt được những cặn bã xấu nhất của nhân loại. Con hãy tin rằng trước khi đành bỏ cho hỏa ngục một linh hồn, Cha đã thử dùng mọi phương thế theo lòng thương xót của Cha, để cứu rỗi linh hồn ấy. Ai là người muốn được cứu rỗi? Người công chính và tội nhân thống hối. Ai từ chối không muốn được cứu rỗi? Kẻ tội lỗi cứng lòng. Ai sẽ được cứu rỗi? Người ao ước được cứu rỗi với lòng tin tưởng và cậy trông. Trái tim Cha âu yếm ghé xuống với người tự hạ. Thế giới là gì? Là sa mạc của các linh hồn. Không có gì lập cư ở đó, ngoài cái sẽ tan biến mãi mãi. Bụi và tro bao giờ cũng sản xuất ra tro và bụi. Các con Cha ơi! Các con đáng thương của Cha!” (4/10/1967)