GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 3/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.
___________________________________________
Ngày 11 Thứ Năm
Tử Ðạo Việt Nam:
Tiểu Ban Hỗn Hợp Công Giáo và Hồi Giáo Họp Thường Niên ở Rôma về vấn đề đừng vơ đũa cả nắm mà hãy tự kiểm điểm
Tiểu Ban Hỗn Hợp Công Giáo và Hồi Giáo, hay giữa Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Đối Thoại Liên Tôn và Tiểu Ban Thường Trực của al-Ahzar Đặc Trách Đối Thoại với Các Tôn Giáo Độc Thần, được thiết lập tại Rôma ngày 28/5/1998, sẽ gặp nhau ở Rôma ngày 24-25/2/2004, về đề tài “Tránh Vơ Đũa Cả Nắm khi Nói Về Tôn Giáo hay Cộng Đồng Khác, Khả Năng Tự Kiểm”.
Mục đích của Tiểu Ban Hỗn Hợp này, theo ĐTGM Michael Fitzgerald, chủ tịch hội đồng tòa thánh đặc trách đối thoại liên tôn, “là để nuôi dưỡng việc tìm kiếm những giá trị chung, để hoạt động cổ võ công lý và hòa bình cũng như cổ võ việc tôn trọng tôn giáo. Nó trở thành một diễn đàn để trao đổi những vấn đề lợi ích chung, như vấn đề bênh vực phẩm giá của con người cũng như bênh vực các quyền lợi của con ngươiụi, và cổ võ việc hiểu biết nhau cùng tôn trọng nhau nơi thành phần Công Giáo và Hồi Giáo. Tiểu Ban này chú trọng tới vai trò của các vị lãnh đạo tôn giáo trong việc cổ võ những thứ giá trị ấy”.
ĐTGM Fitzgerald và Sheikh Fawzy al-Zafzaf, chủ tịch của tiểu ban bên Hồi Giáo là hai vị đồng chủ tịch của Tiểu Ban Hỗn Hợp này. Các phần tử khác của Tiểu Ban Hỗn Hợp này bao gồm vai trò đồng bí thư và tối đa là 3 phần tử mỗi bên. Các chuyên gia được mời tham dự khi cần. Tiểu Ban này họp nhau ít là 1 năm 1 lần, thay phiên nhau, năm ở Cairô Ai Cập, năm ở Rôma. Cuộc họp thường diễn ra vào chính ngày hay trước ngày 24/2, để tưởng niệm ngày ĐGH GPII thăm viếng al-Azhar vào tháng ấy trong năm 2000.Bản tuyên cáo của Tiểu Ban Liên Tôn Hồi Giáo và Công Giáo
Sau đây là nguyên văn Bản Tuyên Cáo của Tiểu Ban Liên Tôn này, sau khi kết thúc phiên họp hằng năm của mình, một văn kiện được văn phòng báo chí của Tòa Thánh phổ biến vào ngày Thứ Hai 8/3/2004.
“Đừng Vơ Đũa Cả Nắm mà Hãy Tự Kiểm Điểm Mình”
Tiểu Ban Hỗn Hợp giữa Tiểu Ban Thường Trực al-Azhar Về Đối Thoại Với Các Tôn Giáo Độc Thần với Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Đối Thoại Liên Tôn tổ chức cuộc họp hằng năm của mình tại văn phòng của Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Đối Thoại Liên Tôn ở Vatican vào ngày 24-25 tháng Hai năm 2004 A.D., tương đương với ngày 4-5 tháng Muharram năm 1425 A.H.
Có hai bài trình bày trong cuộc họp này về vấn đề Loại Trừ Việc Vơ Đũa Cả Nắm và Tầm Quan Trọng của Việc Tử Kiểm Điểm Bản Thân, theo quan điểm của Kitô giáo qua bài của Tiến Sĩ Youssef Kamal El-Hage, Giáo Sư Đại Học Đức Bà Louaizeh ở Lebanon, và theo quan điểm của Hồi Giáo qua bài của Sheikh Fawzi al-Zafzaf, Chủ Tịch Tiểu Ban Thường Trực al-Azhar Về Đối Thoại Với Các Tôn Giáo Độc Thần.
Các phần tử của Tiểu Ban này đã cứu xét và bàn luận về nội dung của hai bài trình bày. Họ nhận thấy rằng hai tôn giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo, đều đồng ý với nhau phủ nhận vấn đề vơ đũa cả nắm trong việc phán xét người ta, cũng như đồng ý rằng tội phạm ở đâu, hoặc bởi một cá nhân hay một cộng đồng nào đó, thì chỉ cá nhân đó hay cộng đồng đó lãnh chịu tránh nhiệm chứ không phải là những người khác hay những cộng đồng khác. Cả hai tôn giáo đều chủ trương vấn đề tự kiểm điểm ở cấp độ cá nhân và cộng đồng, cùng với việc xét lại lương tâm cũng như xin lỗi, một cách bày tỏ làm gương cho kẻ khác.
Bằng việc phổ biến lời tuyên bố chung này, Tiểu Ban Hỗn Hợp đây muốn lên tiếng kêu gọi tất cả mọi người hãy tránh tah1i độ vơ đũa cả nắm khi phán xét người ta và hãy chỉ qui trách cho những ai vấp phạm lỗi lầm mà thôi, chứ đừng đổ lỗi cho người vô tội về những việc làm sai trái của người khác. Tiểu Ban Hỗn Hợp đây cũng kêu gọi tất cả mọi người hãy thực hiện việc xét lại lương tâm mình và hãy nhận lỗi nếu vấp phạm như là một cách chứng tỏ cho thấy mình muốn trở lại làm những việc ngay chính.
Trong việc lên tiếng kêu gọi này, Tiểu Ban Hỗn Hợp có ý nhắm đến việc phổ biến công lý, hòa bình và yêu thương nơi tất cả mọi người.
Sheikh Fawzi al-Zafzaf
Chủ Tịch
Permanent Committee of al-Azhar for Dialogue with Monotheistic Religions
Archbishop Michael L. Fitzgerald
Chủ Tịch
Pontifical Council for Interreligious DialogueĐaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 8/3/2004
Những Then Chốt Cần Thiết cho Việc Chung Sống giữa Người Hồi Giáo và Kitô Hữu
Cha Samir Khalil Samir là tác giả của cuốn sách “Một Trăm Câu Hỏi Về Hồi Giáo”, một cuộc phỏng vấn dài bằng một cuốn sách do Giorgio Paolocci và Camille Eid thực hiện. Vị linh mục này là giáo sư dạy ở Đại Học Thánh Giuse nước Beirut và ở Học Viện Đông Phương của Tòa Thánh ở Rôma. Trong cuộc phỏng vấn được phổ biến trong cuốn sách này, vị linh mục giáo sư đã đề nghị những điểm khả dĩ có thể liên hệ với 12 triệu tín đồ Hồi Giáo thuộc Khối Hiệp Nhất Âu Châu.
Vấn Câu hỏi nào quan trọng nhất người ta cần phải hỏi về Hồi Giáo?
Đáp Câu hỏi đó giản dị thôi: Hồi giáo là gì? Hồi giáo là một tôn giáo vừa giống lại vừa khác với Kitô giáo. Nhiều giá trị chính yếu có những điểm giống với Kitô giáo.
Chúng ta đừng quên rằng Hồi Giáo được phát sinh trong một môi trường địa dư, văn hóa và lịch sử vốn đã có sự hiện hữu của Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Có nhiều Kitô hữu ở Mecca, và nhiều người Do Thái ở Medina, thành phố thứ hai của Hồi Giáo.
Bối cảnh văn hóa Bedouin, trong môi trường Ả Rập, đã làm cho đường lối hiểu biết về Thiên Chúa và tôn giáo khác đi. Khi tôi nói khác nhau tôi không có ý nói đến phẩm chất; mà chỉ là vấn đề khác nhau mà thôi.
Đối với người Tây phương, có một khuynh hướng muốn đồng hóa Hồi giáo thành một hình thức của Kitô giáo, hay coi tôn giáo này như một cái gì đó hoàn toàn khác biệt. Nhưng không, không phải là một trong hai điều này. Chúng ta cần phải bắt đầu bằng việc nhận biết xem tôn giáo này là gì.
Vấn Hồi giáo có tự coi mình là “truyền giáo” theo bản chất hay chăng?
Đáp Kitô giáo quan trọng vấn đề truyền đạt Phúc Âm cho hết mọi người thế nào thì người Hồi Giáo cũng quan trọng vấn đề truyền đạt Sách Koran như thế. Cho đến chỗ này thì Hồi Giáo chính đáng và xác đáng.
Vấn đề xẩy ra đó là cách thức tiến hành lại hung hăng. Các thứ trục trặc xẩy ra khi một Kitô hữu, vì muốn rao giảng Đức Kitô và Phúc Âm cho toàn thế giới, lại thực hiện một cách, dù một chút xíu đi nữa, hung hăng hay tỏ ra khinh bỉ những ai không có cùng một vũ trụ quan với mình.
Khi tôi khám phá ra được một điều gì tuyệt vời rồi vì yêu thương và thân tình muốn truyền đạt nó thì không có vấn đề gì cả, bao lâu tôi làm điều này trong sự triệt để tôn trọng tự do của tất cả mọi người.
Vấn Có người muốn làm điều này bằng những đường lối không ôn hòa cho lắm.
Đáp Ngày nay chúng ta thường thấy cách thức được một số người muốn sử dụng để lan truyền Hồi Giáo bằng phương tiện không phải lúc nào cũng ôn hòa. Có lúc đã sử dụng đến cả chiến tranh.
Tôi nghĩ rằng khi chúng ta nói về chiến tranh chúng ta không được nói “Thế nhưng Kitô hữu cũng đã từng thực hiện những Cuộc Thánh Chiến”, vì, theo như tôi hiểu về lịch sử, đối tượng của các Cuộc Thánh Chiến không phải là để làm cho những người Hồi Giáo trở về Kitô Giáo; mục đích của những Cuộc Thánh Chiến này là tự vệ. Các mục tiêu đều là những gì về quân sự và xã hội, chứ không bao giờ nhắm đến việc làm cho các người Hồi Giáo trở lại cả. Trái lại, những Cuộc Thánh Chiến xẩy ra là để bênh vực các người Kitô hữu cũng như các đạo lộ được thành phần hành hương sử dụng trong việc đi đến các nơi thánh…
Hồi Giáo không chấp nhận nguyên tắc “sử dụng bạo lực vì bạo lực”, cũng như không sử dụng chiến tranh để truyền bá đức tin.
Đức tin của người Hồi Giáo được truyền bá trước hết nhờ những tay lái buôn, chỉ cần nghĩ đến Ấn Độ hay Mã Lai, cũng như nhờ những nhà thần bí. Hồi Giáo có một số phương pháp truyền bá: ước muốn truyền bá đức tin và việc chia sẻ đức tin là một hành động cao quí. Chúng ta phải nhìn thấy những gì đã được thực hiện để điều chỉnh quan niệm truyền bá này, một quan niệm đối với họ là “dawa” và đối với Kitô hữu là “truyền giáo”.
Vấn Phải chăng bạo động và bất bạo động trong Sách Koran đều được coi như nhau?
Đáp Bạo động có nói đến trong Sách Koran cũng như xẩy ra trong đời sống của giáo tổ Mohammed, nên ai nói ngược lại là chưa đọc Sách Koran và không biết gì về giáo tổ Mohammed. Những cuốn truyện đầu tiên của ông được gọi là những cuốn sách của các cuộc chiến thắng; đó là cách những người Hồi Giáo xưng mình.
Thế nhưng, trong lúc tôi nói rằng bạo lực có trong Sách Koran thì tôi cũng phải nói rằng bất bạo động cũng có trong sách này cũng như trong đời sống của giáo tổ Mohammed. Tôi không tự mẫu thuẫn đâu; đó là một thực tại.
Một mặt thì bạo động là một phần của Hồi Giáo sơ khai. Vấn đề sâu xa hơn nữa chúng ta cần phải tự hỏi mình đó là làm thế nào dung hòa được những biến cố bạo động hiện hữu trong Sách Koran và là những biến cố bắt buộc, phải, tôi nói là bắt buộc, hầu như phải ra tay sát hại trong một số trường hợp.
Đồng thời, ở những đoạn khác lại bắt buộc, tôi xin lập lại là bắt buộc, người ta không được gây thiệt hại gì và phải tôn trọng tính cách khác biệt. Đó là hai quan niệm chúng ta thấy được, và chỉ khi nào chúng ta tự hỏi mình về vấn đề này và tìm được câu giải đáp chúng ta mới bắt đầu hiểu được tất cả thực tại của người Hồi Giáo mà thôi.
Vấn Các Kitô hữu càng ngày càng tỏ ra thắc mắc về Hồi giáo. Phải chăng những người Hồi giáo cũng tự hỏi nhau về Kitô hữu?
Đáp Phải, Kitô hữu đang lấy làm thắc mắc về Hồi giáo. Sống trong một môi trường hỗn tạp ở Beirut, tôi phải nói rằng họ đang thắc mắc về Hồi Giáo, và ngược lại cũng thế. Thật sự là như thế, ở Lebanon họ luôn luôn nói với tôi rằng Kitô hữu chúng ta biết Hồi Giáo hơn là họ biết Kitô giáo. Thật vậy, chúng ta gặp khá nhiều khó khăn khi tổ chức những hội nghị mà muốn có một phát ngôn viên Hồi Giáo biết rõ về Kitô giáo.
Vấn Phải chăng Hồi Giáo vẫn còn là một tôn giáo chưa đươc biết đến ở Âu Châu?
Đáp Âu Châu không được phạm lỗi lầm vì không biết tới Hồi Giáo; Hồi Giáo là những gì tỏ tường. Thế nhưng, Âu Châu cũng không biết đến Phật Giáo hay các tôn giáo khác. Đối với tôi, vấn đề không phải ở tại chỗ không biết mà là ở chỗ muốn biết.
Cần phải tích cực cùng nhau làm việc, ở chỗ bình phẩm những gì chúng ta không thích về văn hóa của những người Hồi Giáo, tương tư như thế, họ cũng có quyền đối chất những khía cạnh của văn hóa Tây Phương họ không thích.Chẳng hạn, họ nghĩ rằng quan niệm về chủ nghĩa biệt lập khỏi giáo hội dường như loại trừ hiện tượng đạo giáo, một hiện tượng dù sao vẫn tái xuất hiện. Đây là một lời phê bình đúng, và bởi thế cần phải đảo ngược lại.
Tôi xin nhắc độc giả là sự hiện diện của người Hồi Giáo ở Âu Châu là những gì mới có đây; thật là vô lý khi cho rằng các nguồn gốc của người Âu Châu là các nguồn gốc của tất cả mọi tôn giáo.
Theo quan điểm của tôi, sự hiện diện của những người Hồi Giáo ở Âu Châu có thể trở thành một ân phúc nếu hội đủ một số điều kiện: chẳng hạn, nếu trường hợp có một thứ Hồi Giáo Âu Châu được thiết lập thì phải là một tín đồ Hồi Giáo theo đức tin và là một người Âu Châu theo văn hóa tức là theo Kitô Giáo.
Như thế người ta sẽ đi đến chỗ đọc lại Sách Koran, bắt đầu bằng sự bình quyền giữa nam và nữ, giữa tín hữu và vô thần, bao gồm cả những nguyên tắc về dân chủ cũng như của nền văn minh Tây Phương, nhất là vấn đề phân biệt giữa tôn giáo và chính trị.
Vấn Một số người đã phê bình cuốn sách của cha, cho rằng nó nhấn mạnh nhiều đến những khía cạnh tích cực của Hồi Giáo, chẳng hạn như khía cạnh Sufism (biệt chú của người dịch bản Việt ngữ đây, chữ này có nghĩa là “thần hiệp” bằng yêu mến và từ bỏ).
Đáp Nhận định này cũng đúng; sự thật là tôi không nói về Sufism. Thế nhưng, sự thật là phái Hồi Giáo chính thống Sunni thấy nó như là một cái gì đó riêng tư, thậm chí như là một cái gì lệch lạc. Nó không có giá trị cho lắm.
Nếu chúng ta nhìn thấy những cuốn sách được phổ biến ở thế giới Hồi Giáo Ả Rập, chúng ta thực sự chẳng thấy gì về Sufis cả. Trái lại, ở Tây Phương lại có nhiều. Tại sao? Tại vì Tây Phương chú trọng đến những thứ khác bắt đầu là bản thân mình, và không muốn hiểu biết Hồi Giáo thực sự ra sao.
Nơi Hồi Giáo, những gì thiết yếu nơi các thứ giáo huấn cũng như trong đời sống là những gì thuộc về pháp lý. Đây không phải là một thứ cáo buộc hay là một khía cạnh tiêu cực mà là một thực tại, và người ta phải tôn trọng người khác theo thực chất của họ.
Để hiểu được thế giới của người Hồi Giáo, chúng ta cần phải biết đến nguồn gốc của thế giới này hơn là đến khía cạnh Thần Hiệp. Chẳng hạn biết đến “haddit” là những lời nói của Vị Tiên Tri giáo tổ, và những lời này thực sự không được chuyển dịch cho dù những lời ấy rất quan trọng.
Vấn Phải chăng việc đọc lại Sách Koran là những gì khẩn trương?
Đáp Điều quan trọng hiện nay là làm sáng tỏ cách thức đọc và giải thích Sách Koran ngày nay. Đáng buồn thay chỉ có một ít người Hồi Giáo nêu lên việc đọc lại Sách Koran mà thôi.
Kitô Giáo đã bắt đầu cẩn thận đọc các nguồn của Sách Koran này từ nhiều thế kỷ trước đây. Việc cẩn thận đọc lại này đã xẩy ra ở thế giới Hồi Giáo và trở thành một nhu cầu cần thiết.
Việc nghĩ lại Sách Koran không có nghĩa là thay đổi bản văn mà là ý nghĩa của sách này. Các nhà trí thức Hồi Giáo muốn làm điều này nhưng họ bất khả vì sức mạnh của đa số truyền thống quá ư là khổng lồ.
Điều này có thể xẩy ra ở Âu Châu, miễn là những nhóm cực thủ được các nước vùng Vịnh giầu có chăm nuôi không thắng thế; những gì họ làm là xuất cảng một thứ Hồi Giáo sang Âu Châu không phải là thứ Hồi Giáo được những người Hồi Giáo Âu Châu mong muốn.
Họ kiểm soát nhiều đền đài. Không phải những người di dân đã xây dựng những đền đài này mà là những tay cực thủ cùng với những kẻ giảng thuyết của họ từ Ả Rập tới hay từ những miền đất của các nhà thủ lãnh Hồi Giáo mà tới.
Vấn Hồi Giáo là điều tự nhiên đối với cha, vì cha là một người Ả Rập Kitô Giáo. Cha có cảm thấy cha là một chiếc cầu nối hay chăng?
Đáp Tôi rất thích những người Hồi Giáo, tôi thuộc về văn hóa này. Tôi là một người Ả Rập Kitô Giáo sống trong một nền văn hóa của người Hồi Giáo, song đức tin của tôi là Kitô Giáo, và tôi cảm thấy hạnh phúc với cả văn hóa Hồi Giáo lẫn niềm tin Kitô Giáo.
Dĩ nhiên Hồi Giáo đối với tôi là xa lạ. Những người Kitô Giáo Ả Rập chúng tôi đã biết cảm nhận được những khía cạnh tích cực và tiêu cực của việc chung sống. Chúng tôi cũng có thể giúp những người Kitô Giáo Tây Phương hiểu biết tất cả Hồi Giáo và chung sống với Hồi Giáo. Chúng tôi là một chiếc cầu nối và chúng tôi có thể đóng góp những gì chúng tôi đã nhận được như thành quả của một thứ kinh nghiệm ngàn năm của chúng tôi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu do Zenit phổ biến ngày 16-17/2/2004.