GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho việc sửa soạn đầy đủ để giúp những ứng viên chịu chức thánh cũng như cho việc huấn luyện thường xuyên để giúp các vị thừa tác viên chức thánh được thực hiện một cách cận thận kỹ lưỡng”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho tinh thần truyền giáo 'cho muôn dân' trở thành vấn đề ưu tư và là vấn đề liên lỉ dấn thân nơi sinh hoạt mục vụ thường xuyên của cộng đồng Kitô giáo”.  

___________________________________________

 NGÀY 28 THỨ

Thánh Tử Ðạo Việt Nam

Phaolô Nguyễn Khắc Khoan

Phêrô Nguyễn Văn Hiếu

Gioan B. Ðinh Văn Thanh

 

 

Tòa Thánh với Tình Hình Trung Đông, Thánh Địa và Iraq.


Hôm Thứ Bảy 24/4/2004, tại Venice Ý quốc, trong dịp khánh thành trung Tâm Học Hỏi Chung Marcianum, ĐHY Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh được phóng viên báo chí hỏi nhận định về lời Thủ Tướng Do Thái Sharon tuyên bố hôm Thứ Sáu 23/4 liên quan đến việc đe dọa mạng sống lãnh tụ Palestine Arafat, ngài đã trả lời như sau: “Căn cứ vào khoản luật lệ quốc tế nào để thực hiện một hành động như thế nhỉ?”


Không biết lời tuyên bố của Thủ Tướng Do Thái Sharon có phải là chiều hướng thừa thắng xông lên của bên Do Thái hay chăng. Vì sau khi hạ sát lãnh tụ của phái Hamas bạo động nhất Palestine mới đây, bên Palestine tự nhiên hầu như co rúm mình lại, ở chỗ ít có những hành động khủng bố tấn công Do Thái một cách ào ạt như trước đây. Tuy nhiên, cũng vào ngày Thứ Bảy xẩy ra cuộc chất vấn vị HY Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh này, Phó Thủ Tướng Do Thái Ehud Olmert và hai vị bộ trưởng khác đã cho biết rằng Thủ Tướng Sharon đã không có những dự tính trực tiếp thanh toán lãnh tụ Arafat.


ĐHY cho biết tiếp: “Các quốc gia đã thiết lập những luật lệ ngay cả trong thời chiến. Văn minh của chúng ta phải là thứ văn minh thăng tiến chứ không phải là thứ văn minh thoái bộ. Luật pháp ở miền ấy ngày nay ra sao? Có những giải pháp của Liên Hiệp Quốc họ cần phải thực hiện. Chúng ta không được quên những giải pháp ấy. Nếu chúng ta muốn có luật pháp thì chúng ta hãy bắt đầu từ đó. Chúng ta không được có hai biện pháp tương đương nhau. Luật lệ quốc tế đều có hiệu lực đối với cả Ý quốc, Iraq, Do Thái lẫn Palestine”.


Trong một nhận định chính thức ngày 22/3/2004, vị giám đốc văn phòng báo chí của tòa thánh là Joaquín Navarro-Valls đã lên án vụ ám sát các nhân vật bị lực lượng Do Thái nhắm tới, như nhà sáng lập kiêm lãnh tụ phái Hamas Sheikh Ahmed Yassin.


Về tình hình Iraq, ĐHY cho biết hiện nay “là thời điểm cho tình đoàn kết. Làm sao người ta lại không cảm thấy gần gũi với những con người ấy? Đây là thời điểm cần phải giúp đỡ Iraq. Làm sao Giáo Hội có thể quên được sứ vụ này của mình chứ? Tất cả mọi phong trào… sinh viên, trí thức, lao công, cần phải phất cờ đoàn kết. Tôi nói điều này bằng cả tấm lòng thiết tha kêu gọi của tôi. Liên Hiệp Quốc cần phải thì hành nhiệm vụ của mình. Thế nhưng, vấn đề ở đây là Liên Hiệp Quốc chỉ là lý thuyết. Nó lệ thuộc vào những gì 191 quốc gia muốn trở thành một phần tử của nó, nhất là vào những gì các quốc gia thuộc Hội Đồng Bảo An muốn, vì hội đồng này thực sự là cơ cấu có quyền quyết định. Nếu quốc gia này hay quốc gia nọ không chịu hợp tác bằng quyền phủ quyết của mình thì các quốc gia ấy phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Quyền phủ quyết tự nó là một cái gì đó vô lý. Nó cần phải được loại bỏ như là hoa trái của giai đoạn hậu chiến này. Trong cuộc Chiến Tranh Lạnh quyền phủ quyết này có thể hữu dụng, nhưng ngày nay nó đã lỗi thời. Bởi thế, thay vì nói về Liên Hiệp Quốc, tôi muốn nói đến các quốc gia hội viên của Liên Hiệp Quốc”.


Về vai trò của Liên Hiệp Quốc ở Iraq, ĐHY cho biết: “Chúng ta hãy để cho các chuyên viên về khoa kỹ thuật học quyết định. Tòa Thánh không thể pha mình vào lãnh vực kỹ thuật thực tiễn. Có nhiều dấu hiệu hy vọng xuất hiện ở chân trời. Dường như có nhiều ánh sáng đang tỏ hiện. Chúng ta hãy hy vọng rằng các đại quốc gia của chúng ta, phong phú về văn minh như thế, sẽ tìm được giải pháp cho tình hình này, và Âu Châu và Hiệp Chủng Quốc có nhiệm vụ phải giúp đỡ Iraq”.


Trong khi đó, đức giám mục Shlemon Warduni thuộc Tòa Thượng Phụ Lễ Nghi Chaldean hôm Chúa Nhật 25/4/2004 đã lên tiếng qua tờ nhật báo Ý Il Corriere della Sera kêu gọi các quốc gia thuộc lực lượng liên minh đừng theo Tây Ban Nha bỏ Iraq kẻo tình hình trở thành nguy hại hơn nữa: “Chúng tôi đã tỏ ra phản chiến ngay từ đầu, thế nhưng giờ đây vấn đề quan trọng là những quân đội ngoại quốc cần phải ở lại Iraq. Nếu họ bỏ mặc chúng tôi tình hình sẽ trở thành tệ hại hơn nữa. Nó sẽ là một thảm họa nếu Rôma theo gương xấu của Maní. Trường hợp những người Ý bị bắt cóc chỉ là một chút đỉnh của tảng băng đá mà thôi. Hơn một năm trời qua cả hằng ngàn người Iraq đã bị bắt cóc: để tống tiền, để trả thù chính trị hay vì trăm ngàn lý do khác. Nói cho cùng thi thiểu số Công Giáo đã từng là một mục tiêu thiệt hại nhất. Đó là lý do quân đội linh minh lại càng phải ở lại. Cần phải thiết lập trật tự, phải tái thiết an ninh. Thật là một thảm cảnh khi phải đương đầu với những điều kiện của các tay bắt cóc”.

 


Một Phụ Nữ được bổ nhiệm làm phó thư ký một Thánh Bộ của Tòa Thánh


Nữ tu Enrica Rosanna, 66 tuổi, đã được ĐTC GPII bổ nhiệm làm phó thư ký Thánh Bộ Đặc Trách Các Tu Hội Sống Đời Tận Hiến và Các Đoàn Hội Sống Đời Tông Đồ. Nữ tu này thuộc một tu hội Salêsiên mang tên Nữ Tử Mẹ Maria Phù Hộ Kitô Hữu, một dòng tu mới có một chị em là Eusebia Palomino được tôn phong chân phước hôm Chúa Nhật 25/4/2004. Nữ tu mới được bổ nhiệm này cho tới bây giờ vẫn còn là một giáo xư xã hội học về tôn giáo ở Phân Khoa Giáo Dục phụ học viện Tòa Thánh do hội dòng của bà điều khiển. Là một chuyên viên về giáo dục, bà đã được tham dự một số thượng hội giám mục.


Nữ tu này cho biết bà chấp nhận quyết định này “với đức tin, tôi xác tín rằng nếu ĐTC và Giáo Hội thể hiện hành động tin tưởng như thế thì Chúa sẽ giúp tôi sức mạnh, lòng can đảm và nhiệt thành để đáp ứng. Tôi thật sự cảm thấy bàng hoàng làm sao ấy. Tuy nhiên, tôi cảm thấy được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện cũng như bởi tất cả các tu sĩ, nhất là tu sĩ của chị em tôi”.


Nhận định được tầm quan trọng của một phụ nữ được bổ nhiệm vào chức vụ Tòa Thánh, vị nữ tu này đã nhắc lại vấn đề từ bức tông thư của ĐTC GPII năm 1988 về phụ nữ “Muliers Dignitatem”:


“Phụ nữ sẽ cứu nhân loại, vì họ có khả năng nhân hậu, vì họ có khả năng cảm nhận vẻ đẹp, vì họ có khả năng hy sinh, vì họ có khả năng đi đến nơi nào cần đến họ, và có khả năng thấy được cả những gì bên trên đời sống bình thường, đến những nơi sự sống bị hụt hẫng hay đến những nơi thiếu thốn nhu cầu. Tôi nghĩ rằng phụ nữ, chính vì họ là mẹ của sự sống, mới có thể cung ứng cho xã hội chết chóc của chúng ta hơi thở sự sống. Tôi hy vọng rằng cả tôi nữa, qua sứ vụ của mình, có thể cống hiến hơi thở sự sống này cho những nơi còn đang bị thiếu hụt”.


Trong những tháng gần đây, ĐTC đã bắt đầu bổ nhiệm phụ nữ vào những chức vụ trong Tòa Thánh, một việc làm chưa hề có ở Tòa Thánh từ trước đến nay. Ngài đã bổ nhiệm giáo sư luật đại học Harvard Mary Ann Glendon làm chủ tịch Học Viện Tòa Thánh Đặc Trách các Khoa Xã Hội Học, và nhà khảo cổ học người Ý Leticia Paniii Ermni làm chủ tịch Học Viện Khảo Cổ Rôma. Vào Tháng Ba năm nay, Ngài cũng đã bổ nhiệm những thần học gia nữ giới vào làm phần tử của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế. Đó là Nữ Tu Sarah Butler, giáo sư thần học ở Thánh Maria thuộc Lake University ở Mundelein, Illinois, gần Chacago, và bà Barbara Hallensleben người Đức là giáo sư Phân Khoa Thần Học của Đại Học Fribourg ở Thụy Sĩ.

 

 

Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’

 

Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ

Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”

 

Chương I

(tiếp)

 

3. Các Vị Linh Mục (29-33)


29. Các vị Linh Mục, với tư cách là những công sự viên có khả năng, khôn ngoan và bất khả thiếu của hàng Giám Mục (66), được kêu gọi để phục vụ Dân Chúa, mặc dù mang những trách vụ khác nhau, làm nên một hàng giáo sĩ duy nhất với vị Giám Mục của mình (67). “Ở mỗi một cộng đồng tín hữu địa phương, một cách nào đó, các vị hiện diện hóa vị Giám Mục là đấng các vị liên kết bằng niềm tin tưởng và lòng quảng đại; theo hàng ngũ của mình, các vị chia sẻ các nhiệm vụ cùng với những mối quan tâm của ngài, và thực hiện những điều này nơi hoạt động hằng ngày của các vị”. “Vì được tham dự vào Thiên Chức Linh Mục và sứ vụ ấy, các vị Lnh Mục phải nhìn nhận Giám Mục thực sự như là người cha của mình và kính cẩn vâng lời ngài” (68). Ngoài ra, “hằng quan tâm tới thiện ích của con cái Thiên Chúa, các vị cần phải tìm cách góp phần vào việc mục vụ của toàn giáo phận, thực sự là vào việc mục vụ của toàn thể Giáo Hội” (69).


30.     Phận sự “đặc biệt thuộc các vị Linh Mục trong việc cử hành Thánh Thể” là một phận sự cao cả, “vì các vị có trách nhiệm nhân danh Chúa Kitô đóng vai trò chủ tế Thánh Thể và tỏ ra những chứng từ cùng những việc phục vụ mối hiệp thông, chẳng những cho cộng đồng dân Chúa trực tiếp tham phần vào việc cử hành, mà còn cho Giáo Hội hoàn vũ, một mối hiệp thông bao giờ cũng được thể hiện nơi việc cử hành Thánh Thể. Ở đây cần phải than tiếc, nhất là những năm sau cuộc canh tân phụng vụ hậu Công Đồng Vaticanô II, vì hậu quả của một cảm quan sáng tạo và thích ứng lầm lẫn, đã xẩy ra một số những thứ lạm dụng từng trở thành nguyên cớ gây khổ tâm cho nhiều người” (70).


31.     Để giữ những lời hứa long trọng được tuyên thệ trong nghi thức Chịu Chức Thánh và được lập lại mỗi năm trong Thánh Lễ Truyền Dầu, các vị Linh Mục hãy cử hành “các mầu nhiệm của Chúa Kitô một cách sốt sắng và trung thực để chúc tụng Thiên Chúa và thánh hóa dân Kitô hữu, theo truyền thống của Giáo Hội, nhất là về Hiến Tế Thánh Thể và Bí Tích Hòa Giải” (71). Các vị không được lệch lạc khỏi ý nghĩa sâu xa nơi thừa tác vụ của các vị bằng cách làm hư hoại việc cử hành phụng vụ, ở chỗ thay đổi hay bỏ đi hoặc chủ quan thêm thắt (72). Vì như Thánh Ambrôsiô nói: “Không phải là ở nơi chính mình…. mà là nơi chúng ta Giáo Hội đã bị tổn thương. Chúng ta hãy coi chừng đừng để cho việc bại hoại của chúng ta gây tổn thương Giáo Hội” (73). Vậy đừng để cho Giáo Hội Chúa bị tổn thương bởi các vị Linh Mục đã trân trọng dấn thân sống thừa tác vụ của các vị. Thật vậy, dựa vào thẩm quyền của vị Giám Mục, chớ gì các vị luôn tìm cách ngăn ngừa những người khác nữa khỏi gây ra những thứ lệch lạc này.


32.     “Chớ gì vị Linh Mục Giáo Xứ cố gắng để làm sao cho Thánh Thể Cực Linh trở thành tâm điểm của cộng đồng tín hữu giáo xứ; chớ gì ngài hoạt động để làm sao bảo đảm được rằng tín hữu Chúa Kitô được nuôi dưỡng bằng việc sốt sắng cử hành các Bí Tích, nhất là được thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể Cực Linh và Bí Tích Hòa Giải; thêm vào đó, chớ gì ngài bảo đảm được rằng người tín hữu biết hăng hái cầu nguyện trong gia đình của họ nữa, và tham dự một cách ý thức và chủ động vào Phụng Vụ Thánh là vấn đề mà vị Linh Mục Giáo Xứ, theo thẩm quyền của vị Giám Mục giáo phận, buộc phải điều hành và coi chừng trong giáo xứ của mình hầu ngăn ngừa không để xẩy ra những thứ lạm dụng” (74). Mặc dù ngài cần phải được các phần tử khác nhau thuộc thành phần tín hữu Chúa Kitô giúp đỡ một cách thích hợp vào việc sửa soạn cho tốt đẹp những việc cử hành phụng vụ, ngài vẫn không được nhường cho họ một cách nào đó nơi những điều chỉ xứng hợp cho phần vụ của riêng ngài.


33.     Sau hết, tất cả mọi “vị Linh Mục đều phải đi đến chỗ hăng say gieo vãi một cách thích hợp những kiến thức và khả năng phụng vụ của các vị, để qua thừa tác vụ về phụng vụ của các vị, Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần được chúc tụng một cách tuyệt diệu hơn bao giờ hết bởi cộng đồng Kitô hữu được trao phó cho các vị” (75). Nhất là chớ gì các vị được đầy những cảm thức ngất ngây là những gì Mầu Nhiệm Vượt Qua, khi được cử hành, thấm nhập vào tâm can tín hữu (76).


4. Các Vị Phó Tế (34-35)


34.     Các Vị Phó Tế, “được đặt tay không phải để lãnh chức Linh Mục mà là để phục vụ” (77), với tư cách là những con người có danh thơm tiếng tốt (78), cần phải tác hành một cách, nhờ ơn Chúa giúp, họ được công nhận là những người môn đệ thực sự (79) của Đấng “đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (80), và là Đấng ở giữa các môn đệ “như một người phục dịch” (81). Được củng cố bằng tặng ân Thánh Thần qua việc đặt tay, họ thực hiện việc phục vụ Dân Chúa trong mối hiệp thông với vị Giám Mục và hàng giáo sĩ của ngài (82). Bởi thế, họ phải coi Đức Giám Mục như cha, và giúp đỡ ngài cũng như các vị Linh Mục “trong thừa tác vụ lời Chúa, bàn thờ và bác ái” (83).


35.     Chớ gì họ đừng bao giờ thôi, “như Thánh Tông Đồ nói, nắm vững mầu nhiệm đức tin với một lương tâm minh bạch (84), và rao giảng đức tin này bằng lời nói cũng như bằng việc làm theo Phúc Âm cũng như theo truyền thống của Giáo Hội” (85), trong việc nhiệt tâm, trung thành và khiêm tốn phục vụ Phụng Vụ Thánh là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống giáo hội, “nhờ đó, tất cả mọi người, được trở thành con cái Thiên Chúa bởi đức tin và Phép Rửa, có thể hiệp nhất qui tụ lại với nhau, bằng việc chúc tụng Thiên Chúa giữa lòng Giáo Hội, để tham dự vào Hy Tế và Bữa của Chúa” (86). Bởi thế, chớ gì tất cả mọi Phó Tế hãy thực hiện phần vụ của mình hầu Phụng Vụ Thánh được cử hành theo các qui tắc của các sách phụng vụ được chuẩn nhận thích đáng.

 

(còn tiếp)

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL