GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 4/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho việc sửa soạn đầy đủ để giúp những ứng viên chịu chức thánh cũng như cho việc huấn luyện thường xuyên để giúp các vị thừa tác viên chức thánh được thực hiện một cách cận thận kỹ lưỡng”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho tinh thần truyền giáo 'cho muôn dân' trở thành vấn đề ưu tư và là vấn đề liên lỉ dấn thân nơi sinh hoạt mục vụ thường xuyên của cộng đồng Kitô giáo”.
___________________________________________
NGÀY 29 THỨ NĂM |
Thánh Tử Ðạo Việt Nam
Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’
Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ
Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”
(tiếp)
Chương II
Việc Kitô Hữu Giáo Dân Tham Dự Vào Việc Cử Hành Thánh Thể
1. Việc Tham Dự Chủ Động Và Ý Thức (36-42)
36. Việc cử hành Thánh Lễ, một tác động của cả Chúa Kitô lẫn Giáo Hội, là tâm điểm của toàn thể đời sống Kitô giáo đối với Giáo Hội hoàn vũ cũng như đối với Giáo Hội riêng, và đối với cả mỗi tín hữu (87), những liên hệ được tham dự “một cách khác nhau theo tính cách đa dạng của cấp trật, thừa tác vụ và chủ động tham phần” (88). Nhờ đó, dân Kitô giáo, “một giòng dõi được tuyển chọn, một hàng tư tế vương giả, một dân tộc thánh thiện, một dân riêng của Chúa” (89), bộc lộ cho thấy cái cấp độ có tính cách liên kết và theo phẩm trật của mình” (90). “Vì chức linh mục chung của tín hữu và Chức Linh Mục thừa tác hay phẩm trật, mặc dù khác nhau theo yếu tính, chứ không phải chỉ ở cấp độ, đều hướng về nhau, bởi cả hai, theo cách thức riêng của mình, đều tham dự vào Thiên Chức Linh Mục duy nhất của Chúa Kitô” (91).
37. Tất cả mọi tín hữu của Chúa Kitô, được giả thoát khỏi tội lỗi và được tháp nhập vào Giáo Hội nhờ Phép Rửa, đều được, qua tính chất bí tích, thừa ủy nhiệm cho việc thực hiện vấn đề tôn thờ của Kitô giáo (92), để nhờ chức tư tế vương giả của họ, khi họ kiên trì nguyện cầu và chúc tụng Thiên Chúa (94), họ có thể hiến dâng chính bản thân họ như là một của lễ hy sinh sống động thánh hảo đáng được Thiên Chúa chấp nhận và chứng thực cho những người khác thấy bằng các việc làm của họ (95), khi làm chứng cho Chúa Kitô trên khắp thế giới và trả lời cho những ai thắc mắc về niềm hy vọng nơi họ liên quan đến sự sống đời đời (96). Bởi thế mà cả việc tham dự của thành phần tín hữu giáo dân vào Thánh Thể cũng như vào các việc cử hành khác nơi các lễ nghi của Giáo Hội không thể nào chỉ ở chỗ hiện diện, lại càng không thể ở chỗ thụ động, mà phải được coi như việc thực hành đức tin và phẩm vị phép rửa.
38. Giáo huấn liên tục của Giáo Hội về bản tính của Thánh Thể không phải chỉ là một bữa ăn mà còn là và nhất là một Hy Tế cần phải được hiểu cho xác đáng là một trong những yếu tố chính yếu đối với việc tham dự trọn vẹn của tất cả mọi tín hữu vào một Bí Tích hết sức cao cả như vậy (97). Vì nếu “tước lột đi ý nghĩa hy tế của mình, thì ý nghĩa và giá trị của mầu nhiệm này chỉ được hiểu theo ý nghĩa và giá trị của một thứ tiệc tùng huynh đệ vậy thôi” (98)
39. Để cổ võ và làm sáng tỏ việc chủ động tham dự, việc canh tân trước đây của các sách phụng vụ theo chiều hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II đã đề ra những câu hô của cộng đồng, những lời đối đáp, bài thánh vịnh, những câu đáp ca, và những bài ca vịnh, cũng như những tác động hay chuyển động và cử chỉ, cùng kêu gọi giữ thinh lặng thánh vào những lúc thích hợp, đồng thời cũng có những mục cho cả phần vụ của giáo dân nữa (99). Ngoài ra cũng có cả tính cách linh động giành cho việc sáng tạo thích hợp, theo các qui tắc phụng vụ qui định, nhắm đến chỗ giúp cho mỗi một việc cử hành được ứng thuận với các nhu cầu của thành phần tham dự, với việc ý thức của họ, với tình trạng cởi mở nội tâm của họ và với các tặng ân của họ. Nơi những bài hát, những điệu nhạc, việc chọn lựa những kinh nguyện và bài đọc, việc giảng giải, việc soạn dọn lời nguyện giáo dân, những lời nhắn nhủ ngoại lệ tùy dịp, và việc trang hoàng Thánh Đường theo các mùa phụng vụ khác nhau, là những cơ hội tốt để giúp cho mỗi một việc cử hành những gì khác biệt thật sự làm phong phú cho truyền thống phụng vụ, nhờ đó, hợp với những đòi hỏi của mục vụ, việc cử hành sẽ được từ từ thấm đẫm những tính chất đặc biệt giúp cho tham dự viên dễ cầm trí. Chưa hết, cần phải nhớ rằng năng lực của những việc cử hành phụng vụ không phải là ở tại chỗ thường xuyên thay đổi các thứ lễ nghi, mà là ở chỗ đào sâu lời Chúa cũng như vào mầu nhiệm đang được cử hành (100).
40. Tuy nhiên, cho dù có sự kiện là việc cử hành phụng vụ quả thực có bao hàm vấn đề hoạt động, nhưng không phải vì thế mà hết mọi người cần phải làm một điều gì đó cụ thể ngoài những hành động và cử chỉ phụng vụ, như thể việc thừa tác phụng vụ riêng biệt nào đó cần phải được trao cho cá nhân để họ thi hành. Trái lại, việc hướng dẫn về giáo lý cần phải cố gắng khôn khéo sửa chữa lại những quan niệm và thực hành nông nỗi đang lan tràn thường thấy xẩy ra trong những năm gần đây liên quan đến vấn đề này, và làm thấm nhiễm một cách mới mẻ vào tất cả mọi tín hữu Chúa Kitô cái cảm quan sâu xa ngây ngất trước tính cách cao cả của mầu nhiệm đức tin là Thánh Thể, một Thánh Thể mà việc cử hành của Giáo Hội đã vĩnh viễn vượt từ những gì lỗi thời đến sự sống mới: “in novitatem a vetustate” (101). Vì nơi việc cử hành Thánh Thể, cũng như nơi tất cả đời sống Kitô giáo được bắt nguồn từ năng lực của việc cử hành Thánh Thể cũng như dẫn đến việc cử hành Thánh Thể, mà Giáo Hội, theo cung cách của Thánh Tôma Tông Đồ, quì xuống tôn thờ trước Vị Chúa bị đóng đanh, khổ nạn và tử nạn, được an táng và sống lại, rồi mãi mãi than lên với Đấng tràn đầy ánh quang thần linh rằng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi!” (102).
41. Để khuyến khích, cổ võ và nuôi dưỡng ý thức sâu xa này về việc tham dự vào phụng vụ, rất cần phải thực hiện việc cử hành Giờ Kinh Phụng Vụ một cách liên tục và rộng rãi, việc sử dụng các á bí tích và những việc thực hành lòng đạo đức thông dụng của Kitô giáo. Những việc thực hành lòng đạo đức thông dụng này, những việc “tuy không thuộc về Phụng Vụ theo nghĩa ngặt, cũng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng và sáng giá”, được coi như có một liên hệ nào đó với tương quan phụng vụ, nhất là khi chúng được khen ngợi và chứng thực bởi chính Huấn Quyền (103), như trường hợp Kinh Mân Côi Thánh Mẫu (104). Ngoài ra, vì những việc thực hành lòng đạo đức phổ thông này dẫn dân Kitô giáo đến chỗ chẳng những lãnh nhận các phép bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, còn đến cả “việc suy niệm các mầu nhiệm Cứu Chuộc của chúng ta và đến chỗ bắt chước những gương tuyệt hảo của Chư Thánh trên trời, mà chúng không phải là không có những tác dụng hữu ích cho việc chúng ta tham dự việc tôn thờ phụng vụ” (105).
42. Cần phải nhìn nhận rằng Giáo Hội đã không được qui tụ lại bởi ý muốn của con người; trái lại, Giáo Hội được kêu gọi qui tụ lại bởi Thiên Chúa trong Thánh Thần, và Giáo Hội đã tin tưởng đáp lại lời mời gọi tự động của Ngài (bởi thế chữ ekklesia mới liên hệ tới chữ klesis hay với chữ “mời gọi”) (106). Hiến Tế Thánh Thể cũng không được coi như là một “cuộc đồng tế”, theo nghĩa độc thoại, của vị Linh Mục cùng với thành phần giáo dân hiện diện (107). Trái lại, Thánh Thể được các vị Linh Mục cử hành “là một tặng ân thực sự vượt trên năng quyền của cộng đồng…. Cộng đồng qui tụ lại để cử hành Thánh Thể nhất định cần phải có một vị Linh Mục được thụ phong, tức vị chủ tế để cộng đồng này thực sự trở thành một cộng đồng thánh thể. Mặt khác, tự mình cộng đồng không có khả năng để cung cấp một vị thừa tác viên thánh chức” (108). Rất cần phải hợp ý với nhau để tránh đi tất cả mọi thứ mập mờ về vấn đề này cũng như để chữa trị những khó khăn xẩy ra trong những năm vừa rồi. Đó là lý do những từ ngữ như “cộng đồng cử hành” hay “hội đồng cử hành” (các thứ ngôn ngữ khác là “asamblea celebrante”, “assemblée célébrante”, “assemblea celebrante”) và những từ ngữ tương tự như vậy không được phép sử dụng một cách bừa bãi.
(còn tiếp)
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Nhân Quyền Nữ Giới: Nữ Thần Tự Do.
Phong Trào Nữ Giới Xuống Đường Tranh Đấu cho Quyền Phá Thai Ở Hoa Kỳ
Chúa Nhật 25/4/2004, tại Thương Xá Quốc Gia ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn đã xẩy ra một cuộc xuống đường với cả trăm ngàn người, từ 5 đến 8 trăm ngàn, (đông hơn cả cuộc biểu tình năm 1992 với 5 trăm ngàn), chống lại chính sách của chính phủ Bush đã vi phạm đến quyền tự do của nữ giới và tác hại đến phụ nữ thế giới nói chung.
Dù Tổng Thống Bush có những điều mập mờ không đúng với nguyên tắc luân lý, không hợp với đường hướng của Giáo Hội Công Giáo trong vụ chiến tranh tấn công Iraq, gây thiệt mạng cho biết bao nhiêu người Iraq cũng như Hoa Kỳ, nhưng phải công nhận là ông đã tích cực ngăn chặn làn sóng phá thai, hợp với chủ trương nghiêm khắc và cứng rắn của Giáo Hội Công Giáo. Bởi thế, ông cũng bị quần chúng chống đối như họ vốn chống đối Giáo Hội Công Giáo nói chung, cách riêng chống đối ĐTC Phaolô VI với Thông Điệp Sự Sống Con Người ban hành ngày 25/7/1968 và Đức Gioan Phaolô II với Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống ban hành ngày 25/3/1995.
Sau đây chúng ta hãy nghe những luận điệu của các con người chủ trương duy nhân bản, một chủ trương nhân bản phi thần linh, hoàn toàn phản lại với chủ trương nhân bản Kitô giáo là chủ trương cực lực tôn trọng, tranh đấu và bảo vệ quyền hạn con người, lấy con người làm tâm điểm mọi sinh hoạt và thể chế xã hội, theo nguyên tắc luân lý phổ quát, theo ý định của Thiên Chúa về con người qua luật tự nhiên, chứ không phải một chủ trương tôn sùng con người nói chung, cho con người không phải là quản lý mà là chủ nhân ông như Đấng Hóa Công, tuyệt đối có quyền quyết định hết mọi sự, một chủ trương tỏ ra tôn sùng nữ giới nói riêng như là các nữ thần tự do, những thần tượng và là những ngẫu tượng theo chủ nghĩa duy nhân bản của phong trào nữ giới quá khích trên thế giới hiện nay, nhất là ở các xã hội Âu Mỹ.
Bà Francis Kissling thuộc tổ chức Những Người Công Giáo Tranh Đấu Cho Quyền Tự Quyết đã tuyên bố rằng: “Quí vị sẽ nghe thấy những tiếng nói phò quyền tự quyết của chúng tôi vang lên trong tai của quí vị cho đến khi quí vị cho phép tất cả mọi người phụ nữ quyền tự quyết định về việc sinh sản của họ”.
Nữ giới tham gia cuộc biểu tình khắp nước Mỹ và gần 60 quốc gia, chủ trương là chính sách chống phá thai của chính phủ Bush đã gây hại cho cả bên ngoài Hoa Kỳ nữa, bằng những biện pháp không tài trợ từ ngân quĩ liên bang cho các nhóm kế hoạch hóa gia đình cổ võ hay thực hiện những việc phá thai ở hải ngoại.
Bà Carole Mehlman, 68 tuổi, đến từ Tampa Florida, đã tranh đấu cho quyền nữ giới 30 năm trời từ khi quyền này được hợp thức hóa. Bà nói:
“Tôi cần phải đến đây để chiến đấu cho thế hệ tới đây và thế hệ sau đó nữa. Chúng ta không thể để cho họ làm chủ thân xác của chúng ta, sức khỏe của chúng ta, đời sống của chúng ta”.
Bà lãnh đạo Nhà Dân Chủ Nancy Pelosi ở California đã thúc giục đám đông dân chúng xuống đường rằng: “Chị em hãy biết đến quyền lực của mình và hãy sử dụng nó. Đó là quyền chọn lựa của chị em chứ không phải của các chính trị gia”.
Bà Gloria Steinem, một người thuộc phong trào nữ giới, đã tố cáo ông Bush là phung phá thiện tâm thế giới và đóng vai trò quá bảo thủ xã hội đến nỗi vào hùa với những tên cực đoan Hồi Giáo hay với Vatican. ]
Bà Thượng Nghị Sĩ Hillary Clinton ở Nữu Ước, vợ cựu tổng thống Clinton, khi nhắc đến quyết định của Tối Cao Pháp Viện năm 1973, đã nói rằng chính phủ này “đầy những người… coi án lệnh Roe v. Wade là những gì ghê tởm nhất của luật lệ pháp hiến trong lịch sử của chúng ta”.
Ban tổ chức cuộc biểu tình này bày ra những bàn ghi danh bỏ phiếu; những người ủng hộ ông John Kerry, ứng cử viên tổng thống nhiệm kỳ tới, phân phát các giấy tờ vận động cho ông ta, vì ông ta ủng hộ phá thai, dù ông là một người Công Giáo.
Bà Tabitha Warnica, 36 tuổi, ở Phoenix, đã nói rằng bà đã phá thai 2 lần khi còn trẻ: “Chúng ta không có quyền lựa chọn. Chúa mới là Đấng duy nhất có quyền quyết định mà thôi”.
Bà Kate Michelman, chủ tịch NARAL Pro-Choice America, đã nói rằng: “Cuộc biểu tình này hoàn toàn là về đời sống của nữ giới và về quyền được quyết định về đời sống của họ”.