GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 5/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.
__________________
NGÀY 25 THỨ BA |
Thánh Tử Ðạo Việt Nam
Phêrô Ðoàn Văn Vân
ĐTC GPII với sứ điệp gửi mừng bách chu niên Hội Đường Do Thái ở Rôma
Chiều ngày Chúa Nhật 23/5/2004, ĐHY Camillo Ruini, Giám Mục Tổng Đại Diện Giáo Phận Rôma, đã thay mặt ĐTC đến tham dự buổi mừng bách chu niên thành lập Hội Đường Do Thái ở Rôma, và đã đọc sứ điệp ĐTC gửi vị Tôn Sư Trưởng ở đây là Riccardo Di Segni. Đại diện Ngài còn có ĐHY Walter Kasper, chủ tịch Ủy Ban Liên Hệ Tôn Giáo với Do Thái Giáo.
Trong sứ điệp của mình, ĐTC cũng gửi lời chào vị nguyên Tôn Sư Trưởng Rabbi Elio Toaff là người đã đón tiếp Ngài đến hội đường này ngày 13/4/1986, việc (vị Giáo Hoàng đến Hội Đường Do Thái) này là một biến cố vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. ĐTC cảm nhận về biến cố 18 năm trước đó như sau: “Biến cố này vẫn còn rung động nơi ký ức cũng như trong lòng của Tôi như là một biểu hiệu mới mẻ đánh dấu những mối liên hệ ít thập niên vừa qua giữa dân Do Thái và Giáo Hội Công Giáo, sau những giai đoạn đôi khi xẩy ra những khó khăn và buồn thảm”.
ĐTC còn nhận định và lên án nạn bài Do Thái. Ngài viết rằng mặc dù Giáo Hội Công Giáo và Công Đồng Chung Vaticanô II đã bài bác “một cách rõ ràng và dứt khoát nạn bài Do Thái dưới tất cả mọi hình thức,… vẫn không đủ để khiển trách và lên án cái hận thù phạm đến dân Do Thái; … rồi cũng cần phải nuôi dưỡng cả tình thân hữu, sự tôn trọng và mối liên hệ huynh đệ với họ nữa”.
Liên hệ tới vấn đề này, ĐTC nhắc lại thành phần nạn nhân bị thảm sát thời Thế Chiến II, nhất là những phần tử thuộc cộng đồng Do Thái ở Rôma vào tháng Mười năm 1943 bị bắt tới Auschwitz. “Chớ gì việc nhớ đến họ làm cho chúng ta làm việc như là những người anh em của nhau”.
Ngài còn viết tiếp: “Bởi thế cũng cần phải nhớ đến tất cả những Kitô hữu… thành phần can đảm hoạt động, cả ở tại thành phố Rôma đây, trong việc giúp đỡ những người Do Thái bị bách hại, tỏ tình đoàn kết của mình, đôi khi giúp đỡ tới độ liều cả mạng sống của mình… Chúng ta cũng không thể nào quên được, ngoài những tuyên bố chính thức, Tòa Thánh còn tìm nhiều cách giúp đỡ những người Do Thái gặp nguy hiểm, thường trong âm thầm kín đáo, những việc cũng được thành phần đại diện của họ nhìn nhận”.
Đức Thánh Cha xác nhận rằng Giáo Hội đã cảm thấy phiền trách về những lầm lỗi của con cái nam nữ của mình và đã xin tha thứ “vì họ có trách nhiệm liên quan tới nạn dịch bài Do Thái”. Ngài cũng nhắc lại việc Ngài bù đắp bằng cách đến kính viếng vào Tháng 3/2000 các nạn nhân bị thảm hại ở Yad Vashem.
Về tình hình hiện nay tại Thánh Địa, Ngài nhận định rằng “tiếc thay, việc nghĩ đến Thánh Địa khiến cho lòng chúng ta lo âu và buồn thảm trước tình trạng bạo loạn đang diễn ra ở đó, vì biết bao nhiêu là máu vô tội của những người Do Thái và Palestine đã đổ ra… Bởi thế, ngày hôm nay chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa Hằng Sống lời nguyện cầu tha thiết… để lòng hận thù… bị thắng vượt bởi tâm thức minh tường về những mối tương quan thắt kết họ lại với nhau cũng như bởi trách nhiệm đè nặng trên vai của hết mọi người.
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến bước trên con đường dài: Vị Thiên Chúa của sự công chính và của bình an, của tình thương và của hòa giải, kêu gọi chúng ta hãy hợp tác với nhau, không bị chao đảo trong thế giới tân tiến đầy xung khắc và hận thù của chúng ta đây. Nếu chúng ta biết hiệp nhất lòng trí và nắm lấy tay nhau để đáp lại ơn gọi thần linh thì ánh sáng của Đấng Hằng Hữu sẽ chiếu sáng tất cả mọi dân tộc, tỏ cho chúng ta thấy những đường lối hòa bình, những đường lối Shalom. Chúng ta cần đồng tâm đi theo những con đường ấy”.
ĐTC với Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 4 về Sự Thánh Thiện nơi Đời Sống Gia Đình
Hôm Thứ Bảy 22/5/2004, ĐTC GPII đã gặp các vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 4 thuộc các giáo tỉnh San Antonio tiểu bang Texas và Oklahoma City tiểu bang Oklahoma. Trong bài chia sẻ của mình, ĐTC đã nhấn mạnh đến vấn đề đời sống gia đình liên quan đến sứ vụ thánh hóa của hàng giáo phẩm.
Quí Huynh Giám Mục thân mến,
1. …
Trong các bài chia sẻ của Tôi trước đây Tôi đã bàn đến các đề tài liên quan đến sứ vụ thánh hóa “munus sanctificandi”. Tôi đã đặc biệt suy niệm về ơn gọi phổ quát trong việc nên thánh và tầm quan trọng của mối hiệp thông với Thiên Chúa cũng như với nhau như là mấu chốt cho việc thánh hóa bản thân cùng cộng đồng. “Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài: bằng việc kêu gọi họ sống động bằng yêu thương, Ngài đồng thời cũng kêu gọi họ yêu thương” ("Familiaris Consortio," 11; cf. Genesis 1:26-27). Những mối liên hệ thiết yếu này phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa và đóng vai trò như điểm tựa cho tất cả mọi hoạt động của con người. Ơn gọi và trách nhiệm của hết mọi người trong việc yêu thương hiến cho chúng ta chẳng những jhả năng cộng tác với Chúa nơi sứ vụ thánh hóa của Ngài mà còn ban cho chúng ta ước muốn làm điều ấy nữa. Bởi thế, trong bài chia sẻ cuối cùng về sứ vụ thánh hóa, Tôi muốn chú trọng đặc biệt đến một trong những nền trụ của chính Giáo Hội, tức là đến cái phức hợp của những mối tương quan liên cá thể được gọi là gia đình (cf. "Familiaris Consortio," 11).2. Đời sống gia đình được thánh hóa bằng việc kết hợp ngưôi nam và nữ lại trong cơ cấu bí tích hôn nhân thánh hảo. Do đó cần phải thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa nhất của hôn nhân Kitô giáo cũng như cần phải trình bày cho thấy nó vừa là một cơ cấu tự nhiên vừa là một thực tại có tính cách bí tích. Nhiều người ngày nay có một ý thức rõ ràng về bản chất trần tục của hôn nhân, một bản chất bao gồm những quyền lợi và trách nhiệm được xã hội tân tiến công nhận như là những yếu tố quyết định cho một hợp đồng hôn nhân. Tuy nhiên, có một số người lại dường như thiếu hiểu biết xứng hợp về chiều kích tôn giáo nội tại của giao ước này.
Xã hội tân tiến ít chú trọng tới bản chất vĩnh tại của hôn nhân. Thật vậy, thái độ đối với hôn nhân nơi nền văn hóa hiện đại ngày nay đòi Giáo Hội phải tìm cách cung cấp việc hướng dẫn dự bị hôn nhân, nhằm mục đích giúp cho các cặp nam nữ có thể sống ơn gọi ấy, và chú trọng đến việc các học đường Công Giáo, cũng như các chương trình dạy đạo nghĩa, phải làm sao để có thể bảo đảm được giới trẻ, trong đó có nhiều em trải qua cảnh đổ vỡ gia đình, được giáo dục từ còn rất nhỏ theo giáo huấn của Giáo Hội về bí tích hôn nhân. Về khía cạnh này, Tôi cám ơn các vị Giám Mục Hoa Kỳ về việc các vị quan tâm đến việc cung cấp một khóa giáo lý cần thiết về hôn nhân cho giáo dân thuộc giáo phận của mình. Tôi khuyến khích quí huynh hãy tiếp tục chú trọng tới vấn đề hôn nhân như là một ơn gọi Kitô giáo, một ơn gọi kêu mời các đôi phối ngẫu và hiến cho họ phương tiện để họ sống trọn vẹn ơn gọi ấy, bằng những chương trình dự bị hôn nhân, những chương trình “hệ trọng về mục đích, tuyệt vời về nội dung, đầy đủ về thời hạn và bắt buộc theo bản chất” (Directory for the Pastoral Ministry of Bishops, 202).
3. Giáo Hội dạy rằng tình yêu nam nữ được tác thánh nơi bí tích hôn nhân là phản ảnh tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa đối với tạo vật của Ngài (cf. Preface of Marriage III). Cũng thế, mối hiệp thông yêu thương nơi đời sống gia đình đóng vai trò kiểu mẫu của những mối liên hệ nơi gia đình của Chúa Kitô là Giáo Hội. “Trong số những công việc nồng cốt của gia đình Kitô giáo là công việc giáo hội của nó: gia đình giúp vào việc xây dựng Vương Quốc của Thiên Chúa nơi lịch sử bằng việc tham phần vào đời sống và việc truyền giáo của Giáo Hội” ("Familiaris Consortio," 49). Để bảo đảm là gia đình có thể hoàn thành sứ vụ này của mình, Giáo Hội có một trách nhiệm linh thánh trong việc hết sức tỏ ra giúp cho các cặp hôn nhân làm cho gia đình trở thành “một giáo hội tại gia” cũng như làm hoàn trọn một cách xứng hợp “vai trò tư tế” của hết mọi gia đình Kitô giáo (cf. ibid., 55).
Cách thức hiệu nghiệm nhất để hoàn thành công việc này đó là giúp cho các cha mẹ trở thành những nhà rao giảng Phúc Âm tiên khởi và là các giáo lý viên chính trong gia đình. Việc tông đồ đặc biệt này không những đòi hỏi thực hiện một việc hướng dẫn thuần lý thuyết về đời sống gia đình; nó còn đòi Giáo Hội phải chia sẻ cả những nỗi đớn đau và những cuộc đối chọi cùng với niềm vui của các người làm cha làm mẹ và của các gia đình nữa. Các cộng đồng Kitô giáo bởi thế cần phải hết sức cố gắng giúp các cặp phối ngẫu trong việc biến gia đình họ thành những học đường thánh đức, bằng việc cống hiến sự nâng đỡ cụ thể cho thừa tác vụ gia đình ở tầm cấp địa phương. Trách nhiệm này của Giáo Hội cũng bao gồm cả việc dẫn nhiều người Công Giáo rời bỏ Giáo Hội giờ đây muốn trở về để họ có được một gia đình.
4. Gia đình như một cộng đồng yêu thương được phản ảnh nơi đời sống của Giáo Hội. Thật vậy, Giáo Hội có thể được coi như là một gia đình – Gia Đình của Thiên Chúa qui tụ lại với nhau như những người con nam nữ của Cha trên trời. Như là một gia đình, Giáo Hội là nơi các phần tử của Giáo Hội cảm thấy thoải mái chịu đựng những nỗi đớn đau của họ, biết rằng Chúa Kitô hiện diện nơi lời nguyện cầu của dân Người là mạch nguồn chữa lành hay nhất. Vì lý do ấy, Giáo Hội chủ trương tích cực dấn thân thực hiện thừa tác vụ về gia đình ở tất cả mọi tầng cấp, nhất là nơi những lãnh vực liên quan đến giới trẻ và thành phần trưởng thành trẻ trung.
Giới trẻ, đối diện với một thứ văn hóa trần tục cổ võ tính cách thỏa mãn nhất thời và vị kỷ hơn là những nhân đức tự chế và quảng đại, cần đến sự nâng đỡ và hướng dẫn của Giáo Hội. Tôi khuyến khích quí huynh, cùng với thành phần linh mục và cộng tác viên giáo dân, hãy coi thừa tác vụ giới trẻ như là một phần thiết yếu nơi các chương trình của giáo phận quí huynh (cf. Directory for the Pastoral Ministry of Bishops, 203 and "Pastores Gregis," 53). Rất nhiều giới trẻ đang tìm kiếm những mô phạm sống mạnh mẽ, dấn thân và hữu trách, thành phần không sợ tuyên xưng tình yêu vô vị của mình đối với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Về khía cạnh này, các vị linh mục bao giờ cũng phải thực hiện và tiếp tục thực hiện việc đóng góp đặc biệt và vô giá vào đời sống của thành phần Công Giáo trẻ.
Cũng như bất cứ một gia đình nào, việc hòa hợp nội tại của Giáo Hội có những lúc bị thách đố bởi thiếu bác ái cũng như bởi tình trạng xung khắc xẩy ra giữa các phần tử của Giáo Hội. Tình trạng này có thể dẫn đến việc gây ra những phân mảnh trong Giáo Hội, những phân mảnh thường quan tâm đến những lợi lộc đặc biệt của mình đến nỗi lạc cả hướng hiệp nhất và đoàn kết là những gì nền tảng của đời sống Giáo Hội và là nguồn mạch của mối hiệp thông nơi gia đình Thiên Chúa. Để giải quyết hiện tượng đáng lo ngại này, các vị Giám Mục có nhiệm vụ tác hành bằng tấm lòng quan tâm từ phụ như là những con người của mối hiệp thông trong việc bảo đảm để làm sao Giáo Hội riêng của mình tác hành như gia đình, “hầu không có vấn đề bất hòa nơi thân thể, mà là các chi thể biết chăm sóc lẫn cho nhau” (1Cor 12:25). Điều này đòi vị Giám Mục cố gắng hàn gắn bất cứ chia rẽ nào nơi đàn chiên của mình, bằng việc nỗ lực tái thiết mức độ tin tưởng, hòa giải và hiểu biết lẫn nhau trong gia đình Giáo Hội.
5. Quí Huynh Giám Mục, để đúc kết những chia sẻ này về đời sống gia đình, Tôi cầu xin để quí huynh tiếp tục nỗ lực cổ võ việc thánh hóa bản thân và cộng đồng qua những việc tôn sùng theo lòng đạo đức phổ thông. Qua các thế kỷ, Kinh Mân Côi, Viếng Đàng Thánh Giá, việc cầu nguyện trước và sau bữa ăn, cũng như các việc tôn sùng khác, đã giúp vào việc hình thành một học đường cầu nguyện trong các gia đình cũng như các giáo xứ, đóng vai trò như những thứ bổ túc phong phú và tuyệt vời cho đời sống bí tích của người Công Giáo. Việc lập lại những thực hành này chẳng những sẽ giúp tín hữu nơi xứ sở của quí huynh lớn lên trong việc thánh hóa bản thân mà còn tác động như nguồn sức mạnh và thánh hóa cho Giáo Hội Công Giáo ở Hiệp Chủng Quốc.
Trong lúc quốc gia của quí huynh đặc biệt kỷ niệm 150 năm tín điều Hoài Thai Vô Nhiệm Tội được công bố, Tôi xin gửi đến quí huynh những lời của vị tiền nhiệm Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX: “Bởi thế chúng ta có được một niềm hy vọng rất vững chắc và hoàn toàn tin tưởng rằng Đức Trinh Nữ sẽ bảo đảm, bằng việc bảo trợ quyền thế nhất của mình, là tất cả mọi khốn khó không còn nữa và tất cả mọi lỗi lầm đều được tiêu tan, nhờ đó Mẹ Thánh Giáo Hội Công Giáo được càng ngày càng phát triển khắp mọi quốc gia và xứ sở, cũng như được hiển trị ‘từ biển khơi và sông ngòi đến tận cùng trái đất’” ("Ineffabilis Deus"). Tôi xin Mẹ Maria Vô Nhiễm, Quan Thày của Hiệp Chủng Quốc, Đấng không bị ô nhiễm tội tình, không ngừng chuyển cầu cho việc thánh hóa Kitô hữu, và Tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh như bảo chứng sức mạnh và niềm vui nơi Chúa Giêsu Kitô.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 23/5/2004.