GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 26 THỨ TƯ

Thánh Tử Ðạo Việt Nam

26/5 Thứ Tư

Gioan Ðoàn Trinh Hoan và

Mathêu Nguyễn Văn Phượng

 

Bài Thánh Thi Ca Tạ Ơn Về Tội Lỗi Được Thứ Tha

(Bài Giáo Lý 107 về Thánh Vịnh của ÐTC GPII Thứ Tư 19/5/2004
Thánh Vịnh 31 [32] cho Kinh Tối Thứ Năm, Tuần Thứ Nhất)

 

1.     “Phúc thay cho tội nhân lỗi lầm được xóa bỏ, tội lỗi được thứ tha”. Lời chúc phúc này ở ngày đầu bài Thánh Vịnh 31 (32) vừa được công bố ấy giúp chúng ta có thể hiểu ngay được lý do tại sao lời này được truyền thống Kitô giáo đưa vào loạt bài Thánh Vịnh về thống hối. Sau lời chúc phúc hai lần ở đầu bài Thánh Vịnh (câu 1-2) ấy, chúng ta thấy hiện lên không phải là một phản tỉnh đại quát về tội lỗi và sự thứ tha, mà là một chứng từ của bản thân con người trở lại.

Bố cục bài Thánh Vịnh này lại còn phức tạp nữa, lở chỗ, sau chứng từ bản thân (câu 3-5) liền đến 2 câu nói về nỗi buồn phiền, việc nguyện cầu và ơn cứu độ (câu 6-7), sau đó lời hứa hẹn huấn dụ thần linh (câu 8) và lời cảnh giác (câu 9). Sau hết là một lời nói khôn ngoan phản đề (câu 10), cùng với lời kêu mời hãy vui lên trong Chúa (câu 11).

2.     Giờ đây chúng ta chỉ lấy một số yếu tố của bài Thánh Vịnh này thôi. Trước hết, con người cầu nguyện trình bày cho thấy tình trạng rất đau đớn của lương tâm mình trong “thầm lặng” (câu 3): Vì vi phạm đến những điều trầm trọng mà con người cầu nguyện ấy không đủ can đảm để xưng thú tội lỗi cùng Thiên Chúa. Đó là một nỗi quằn quại nội tâm kinh hoàng được diễn tả bằng những hình ảnh mãnh liệt. Những khớp xương của con người này bị tiêu hao bởi một cơn sốt nung nấu; sức nóng ngột ngạt làm hao kiệt năng lực của con người ấy, làm cho nó suy tàn; con người này không ngừng than van. Con người tội nhân này cảm thấy sức nặng của bàn tay Thiên Chúa đè xuống trên mình, với nhận thức Ngài là Vị Thiên Chúa không dửng dưng trước sự dữ gây ra bởi tạo vật của Ngài, vì Ngài là Đấng canh giữ công lý và sự thật.

3.     Không thể chịu đựng nổi nữa, con người tội nhân này đã quyết định đi xưng thú lỗi lầm của mình bằng một lời tuyên bố can đảm, một lời dường như báo trước cho thấy lời của Người Con Hoang Đường trong dụ ngôn của Chúa Giêsu (x Lk 15:18). Con người ấy đã nói bằng tất cả tấm lòng của mình rằng: “Con xin xưng thú lỗi lầm của con cùng Chúa”. Chúng chỉ là mấy lời vắn vỏi nhưng được phát xuất từ chính lương tâm; Thiên Chúa lập tức đáp lại bằng cả một tấm lòng đại lượng bao dung tha thứ (Ps 31 [32]:5).

Tiên tri Giêrêmia đã nói đến lời mời gọi này của Thiên Chúa: “Hãy quay trở lại, hỡi Iarael phản loạn, Chúa phán. Ta sẽ không còn giận ngươi nữa; / Vì Ta nhân hậu, Chúa phán. Ta sẽ không mãi nổi giận đến muôn đời. Chỉ cần người nhận biết lỗi lầm của ngươi, ở chỗ ngươi đã phản loạn chống lại Chúa là Thiên Chúa ngươi ra sao” (3:12-13).

Thế là một chân trời an ninh, tin tưởng và bình an mở ra trước “mọi con người tín trung” thống hối và được thứ tha, bất chấp những thử thách của cuộc đời (Ps 31[32]:6-7). Họ có thể lại trải qua lúc sầu thương, nhưng cơn sóng dập dồn của nỗi lo âu không nhận chìm được họ, vì Chúa dẫn dắt kẻ tín trung của Ngài đến một nơi an toàn: “Chúa là nơi con nương náu, Chúa gìn giữ con khỏi bị buồn nản; Chúa che chở cho tôi được an toàn” (câu 7).

4.     Đến đây Chúa phán, Ngài hứa rằng Ngài giờ đây sẽ dẫn dắt thành phần tội nhân thống hối ăn năn. Thật vậy, được thanh tẩy vẫn chưa đủ: Người ta còn phải bước đi trên đường ngay nẻo chính nữa. Đó là lý do tại sao, như trong Sách Tiên Tri Isaia (30:21), Chúa hứa rằng: “Ta sẽ hướng dẫn ngươi và chỉ cho ngươi đường đi nước bước” (31[32]:8) và kêu gọi hãy sống đơn sơ chân thành… Thật vậy, đức khôn ngoan đích thực thì dẫn đến chỗ hoán cải, loại bỏ tính mê nết xấu cùng năng lực cuốn hút tối tăm của nó. Thế nhưng, trước hết nó dẫn đến tình trạng hoan hưởng một thứ bình an bắt nguồn từ việc được giải thoát và thứ tha.

Trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôm Thánh Phaolô đã tỏ tường nói đến phần đầu bài Thánh Vịnh của chúng ta đây để mừng ơn giải phóng của Chúa Kitô (x Rm 4:6-8). Chúng ta có thể áp dụng bài Thánh Vịnh này vào bí tích hòa giải. Nơi bí tích này, theo ý nghĩa của bài Thánh Vịnh đây, người ta cảm thấy ý thức tội lỗi, những gì thường bị nhòe nhoẹt trong thời đại của chúng ta đây, và đồng thời cũng cảm thấy niềm vui được tha thứ. Cái nhị thức “vi phạm – trừng phạt” được thay thế bằng nhị thức “vi phạm – thứ tha”, vì Chúa là vị Thiên Chúa, “Đấng thứ tha lầm lỗi, vấp phạm và tội lỗi” (Ex 34:7).

5.     Thánh Cyrilô Giêrusalem (thế kỷ thứ 4) đã dùng bài Thánh Vịnh 31 (32) để dạy cho những người dự tòng việc canh tân sâu xa của phép rửa, việc thanh tẩy thật sự khỏi hết mọi tội lỗi (“Procatechesis”, số 15). Thánh nhân cũng tôn tụng tình thương thần linh bằng những lời của vị tác giả Thánh Vịnh. Chúng ta kết thúc bài giáo lý của chúng ta bằng những lời lẽ của ngài: “Thiên Chúa là Đấng nhân hậu và Ngài không bủn xin thứ tha… Việc chất chồng tội lỗi của anh em cũng không vượt quá sự cao cả của tình thương Thiên Chúa: Tình trạng trầm trọng nơi những vết thương của anh em sẽ không vượt quá khả năng của Vị Y Sĩ tối cao – miễn là anh em tin tưởng phó mình cho Ngài. Hãy bày tỏ bệnh nạn của mình cho Vị Y Sĩ này, và hãy nói với Ngài bằng những lời được Đavít nói: ‘Này đây con sẽ xưng thú việc vi phạm của con cùng Chúa, tội lỗi của con luôn ở trước con’. Có thế anh em mới thành đạt trong việc làm cho điều này trở thành hiện thực: ‘Chúa đã thứ tha sự dữ của lòng con” ("Le Catechesi" [The Catecheses] Rome, 1993, pp. 52-53).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh hôm nay đây được bắt đầu bằng những lời lẽ phúc thay người được thứ tha lầm lỗi. Thánh Phaolô trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma đã qui những lời ấy cho ân sủng giải phóng được ban cho chúng ta nơi Chúa Kitô. Cái lý lẽ chặt chẽ giữa tội lỗi – hình phạt đã được thay thế, nhờ ơn Chúa, bằng thực tại hân hoan vui sướng vị tội lỗi – thứ tha. Cả chúng ta nữa cũng được chúc phúc bởi việc nhìn nhận và xưng thú tội lỗi của chúng ta, nhất là nơi bí tích thống hối, nơi chúng ta cảm thấy và cử hành thực tại về lòng nhân hậu hải hà của Thiên Chúa.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 19/5/2004.
 

Tại sao Mẹ Maria hiện ra?

Trong cuộc phỏng vấn với Zenit, Cha Dòng Carmêlô Jesús Castellano Cervera, một tham vấn viên cho Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin và là giáo sư Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Teresianum, đã chia sẻ về những lý do tại sao có những cuộc hiện ra của Đức Mẹ cũng như về đường lối Giáo Hội công nhận tính cách chân thực của những cuộc hiện ra ấy.

Vấn     Các cuộc hiện ra có một tầm quan trọng ra sao nơi dự án cứu độ của đức tin Kitô giáo?

Đáp     Một mặt thì các cuộc hiện ra đích thực, theo tầm quan trọng về thần học của chúng, như là việc hiện diện sống động của Chúa Kitô trong Giáo Hội. Nơi trường hợp của Mẹ Maria, như Vị Trinh Nữ được mông triệu về trời, Mẹ cũng đặc biệt hiện diện bên cạnh Chúa Kitô.

Những cuộc hiện ra của Mẹ Maria có thể là phương tiện để Giáo Hội củng cố đức tin, để bảo đảm việc Mẹ hiện diện và việc bảo vệ từ mẫu của Mẹ, đặc biệt là ở vào những thời điểm nào đó trong lịch sử cần phải củng cố đức tin và đức cậy.

Một cuộc hiện ra nào đó của Mẹ hay việc sáng tạo ra một hình ảnh lạ về Mẹ thường có một ý nghĩa giáo hội học, vì chúng cho thấy nơi biến cố siêu nhiên niềm tin tưởng về sự hiện diện của Mẹ Maria nơi một Giáo Hội riêng nào đó, để nuôi dưỡng việc hòa giải nơi dân chúng, như trường hợp Vị Trinh Nữ Guadalupe.

Vấn     Giáo Hội làm thế nào để chứng thực được tính cách chân thực của các cuộc hiện ra?

Đáp     Trước hết, Giáo Hội tin tưởng rằng Thiên Chúa có thể tỏ mình ra cho con người ở bất cứ hoàn cảnh nào, như Ngài đã thực hiện nơi các cuộc thần hiển ở Cựu Ước cũng như nơi các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu phục sinh.

Vị Trinh Nữ cũng có thể làm điều ấy. Thế nhưng Giáo Hội tìm cách nắm vững được sự hiện diện này để đề phòng tất cả những thứ lẫn lộn có thể chủ quan, những thứ lừa đảo gian dối và những thứ cả tin có thể chi phối nhiều thị kiến viên hay thành phần được gọi là thị kiến viên.

Gặp trường hợp được tường trình, với ước vọng bao giờ cũng muốn hướng dẫn tín hữu theo sự thật, Giáo Hội tìm cách điều tra trước hết tính cách chân thực của biến cố, loại trừ đi hết mọi thứ lẫn lộn hay sai lầm. Giáo hội làm việc để chứng thực rằng không có những thứ mâu thuẫn nơi biến cố và nhân vật phản lại với đức tin, luân lý hay đời sống Kitô giáo.

Giáo Hội cũng tìm cách chứng thực sự thật của các sứ điệp được ban bố cùng những hoa trái gặt hái được.

Giáo Hội làm điều này một cách chầm chậm và thận trọng. Đó là lý do tại sao đôi khi nhiều năm qua đi mà không có một chính thức công bố nào từ Giáo Hội, kêu gọi tất cả mọi người trong khi chờ đợi hay tuân theo các qui tắc về đức tin cũng như những nguyên tắc về một khoa thần học và tu đức Thánh Mẫu lành mạnh.

Vấn     Có những cuộc hiện ra nào mới đây hay chăng? Ở đâu? Những cuộc hiện ra ấy có đáng chú trọng hay chăng?

Đáp     Bản liệt kê về các cuộc cho là mạc khải và hiện ra của Trinh Nữ Maria dài đến nỗi không thể kể hết ở đây được.

Các vị giám mục có nhiệm vụ thông báo cho Tòa Thánh biết khi xẩy ra một hiện tượng vượt ra ngoài quyền hạn của giáo phận mình.

Thế rồi, qua phân bộ có thẩm quyền, đó là Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Tòa Thánh cống hiến những phương tiện thích hợp và đề nghị đường lối cần phải tiến hành nơi những trường hợp ấy, bao giờ cũng phải cho thấy được thiện ích của tín hữu và yếu tính của đức tin cũng như của đời sống Giáo Hội, việc thực hành phụng vụ, cũng như giá trị lòng đạo đức phổ thông, những giá trị được căn cứ vào sự thật của Thánh Kinh, Thánh Truyền và huấn quyền của Giáo Hội về Mẹ Maria, một huấn quyền dồi dào nơi các bản văn của Công Đồng Chung Vaticanô II, của Đức Phaolô VI “Marialis Cultus” năm nay kỷ niệm 30 năm ban hành, cũng như thông điệp tuyệt vời “Redemptoris Mater” của Đức Gioan Phaolô II.

Vấn     Đến nay là 150 năm từ cuộc hiện ra ở Lộ Đức. Cuộc hiện ra này đối với lịch sử đã tiêu biểu cho đức tin ra sao và chúng ta có thể rút tỉa được những giáo huấn nào?

Đáp     Sứ điệp Lộ Đức hiển nhiên đối với tôi. Bằng việc hiện ra của mình, Mẹ Maria xác định sự thật về tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội, như Mẹ đã xưng mình với Thánh Bernadette.

Từ lúc đó trở đi, tính cách “mariofania” của Lộ Đức, được Giáo Hội công nhận là đích thực, trở thành một cứ điểm cho lòng tôn sùng Thánh Mẫu.

Lộ Đức là một nơi được Trinh Nữ Maria, qua việc mục vụ thông thường của Giáo Hội, cũng hành động một cách mầu nhiệm như một nguồn ân sủng và sáng soi cho sức khỏe về thể lý, tâm lý và tinh thần của những ai tin cậy mến tìm đến nơi ấy.

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Zenit ngày 20/5/2004