GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 6/10/2005,

NGÀY THÁNH THỂ

 

1)   ĐTC Biển Đức XVI: Bài suy niệm tự phát ở Buổi Họp Đầu Tiên Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI

2) Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI: Những Vấn Đề Sôi Động và Nóng Bỏng

3) Thánh Thể là Bảo Chứng Cánh Chung nơi việc Cử Hành Thánh Lễ

 

ĐTC Biển Đức XVI: Bài suy niệm tự phát ở Buổi Họp Đầu Tiên Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI

 

(tiếp 5 Thứ Tư)

 

Sau đây là nguyên văn lời lẽ suy niệm tự phát của ĐTC hôm Thứ Hai 3/10, sau bài đọc cho Giờ Kinh Thần Vụ Thứ Ba được trích từ Thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (13:11).

 

Lời huấn dụ thứ hai là “hãy nên trọn lành - perfecti estote”, như được đọc thấy nơi bản Latinh, dường như trùng hợp với lời tóm tắt của Bài Giảng Trên Núi, đó là: “perfecti estote sicut Pater vester caelestis perfectus est – hãy nên trọn lành như Cha các con là Đấng trọn lành trên trời”. 

 

Lời này mời gọi chúng ta hãy trở nên những gì chúng ta là: hình ảnh Thiên Chúa, thành phần tạo vật được dựng nên có liên hệ với Chúa, như một “tấm gương” phản chiếu ánh sáng của Chúa. Không sống Kitô giáo theo chữ nghĩa, và không nghe Thánh Kinh theo lời lẽ thường là những gì khó khăn; đó là những gì được đặt ra về phương diện lịch sử, thế nhưng hãy vượt ra ngoài chữ nghĩa, ra ngoài thực tại hiện hữu, tiến đến với Chúa là Đấng đang nói với chúng ta nhờ đó hiệp nhất với Chúa.

 

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào bản văn bằng tiếng Hy Lạp, chúng ta thấy một động từ khác, “catartizesthe”, và lời này có nghĩa là làm lại, là sửa chữa một dụng cụ, là tái thiết một cái gì đó cho nó hoạt động hết cỡ của nó. Trường hợp thường xẩy ra nhất đối với các vị tông đồ đó là làm lại lưới cá cho những người đánh cá là tấm lưới không còn hội đủ điều kiện, tức có quá nhiều lỗ không còn sử dụng được nữa, là làm lại cái lưới ấy để nó có thể lại trở thành một lưới cá, trở lại với cái hoàn hảo của nó như một dụng cụ cho công việc ấy.

 

Một thí dụ khác, đó là một nhạc cụ có giây đàn bị đứt, nên không thể chơi nhạc theo khả năng của nó. Bởi thế mà nơi huấn dụ này, linh hồn chúng ta xuất hiện như một thứ lưới tông đồ thường không công dụng lắm, vì nó bị rách xẻ bởi những ý hướng riêng của chúng ta; hay như một nhạc cụ có một số hợp âm tiếc thay bị hư, do đó mà nhạc của Thiên Chúa là những gì cần phải vang lên từ thẳm cung linh hồn của chúng ta không thể âm vang một cách ngon lành được. Để làm lại nhạc cụ này, để biết được những nỗi ưu phiền, những sự hủy hoại, việc lơ là chểnh mảng, đã bị coi thường đến độ nào, và để cố gắng thấy được rằng dụng cụ này là hoàn hảo và hoàn toàn, vì nó giúp thực hiện những gì như Chúa đã có ý định trong việc dựng nên nó.

 

Bởi thế, lời huấn dụ này cũng là một lời mời gọi hãy thường xuyên kiểm điểm lương tâm của tôi, hãy lưu ý tới tình trạng dụng cụ của tôi, ở chỗ nó đã bị lơ là đến đâu, không còn hoạt động ra sao, và cố gắng mang nó về lại tính cách nguyên vẹn của nó. Đây cũng là một lời mời gọi đến với bí tích hòa giải, nơi chính Thiên Chúa làm lại thứ dụng cụ này và ban lại cho chúng ta sự vẹn toàn, trọn hảo, sinh động, nhờ đó linh hồn này mới có thể vang lời chúc tụng Thiên Chúa.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit ngày 4/10/2005

 

TOP

 

 

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI: Những Vấn Đề Sôi Động và Nóng Bỏng

 

Chủ đề của cuộc Thượng Nghị Giám Mục này cho dù nhắm đến Bí Tích Thánh Thể, “Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Tột Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ Giáo Hội”, nhưng lại là một chủ đề động tới những vấn đề sôi động nhất và nóng bỏng nhất trong Giáo Hội hiện nay, chẳng hạn như vấn đề số phận những người ly dị rồi tái hôn rước lễ, vấn đề truyền chức linh mục cho thành phần lập gia đình, vấn đề bỏ phiếu cho chính trị gia phò phá thai không được rước lễ, vấn đề cử hành Thánh Lễ và rước lễ bằng tay v.v.

 

Vấn đề số phận những người ly dị rồi tái hôn rước lễ.

 

Trong bản “tường trình trước khi bàn luận” được vị tổng phối kết của thượng nghị là ĐHY Angelo Scola, đọc lên vào ngày khai mạc thượng nghị ở buổi họp đầu tiên, trong đó có đề cập tới vấn đề thành phần ly dị rồi tái hôn có được rước lễ hay chăng. Bản “tường trình trước khi bàn luận” này nhận định như sau:

 

“Ngoài những trường hợp đáng kể khác nhau ở các châu lục, cần phải nhìn nhận rằng – nhất là ở các xứ sở thuộc truyền thống Kitô giáo lâu đời – không phải là ít người đã lãnh nhận phép rửa lấy nhau theo bí tích hôn phối bằng việc gắn bó một cách máy móc với truyền thống vậy thôi. Nhiều người trong họ đã ly dị rồi tái hôn (không được giải hôn). Khi thực hành đời sống Kitô hữu, một số trong họ tỏ ra hết sức áy náy và có những lúc cảm thấy khổ đau khi chạm trán với sự kiện là việc họ chung sống với nhau khi thành hôn là những gì cản trở họ không cho họ được hoàn toàn tham dự vào bí tích hòa giải và việc Hiệp Lễ”.

 

Nhắc lại lời giáo huấn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Huấn “Familiaris Consortio”, vị hồng y này viết: “Những ai ly dị rồi tái hôn cần phải được toàn thể cộng đồng Kitô hữu nâng đỡ với ý thức là họ không bị loại trừ khỏi mối hiệp thông giáo hội. Hành động họ tham dự vào việc cử hành Thánh Thể, ở mọi trường hợp, là những gì giúp cho mối hiệp thông thiêng liêng ấy, nếu sống cách đúng đắn, phản ảnh hy tế của chính Chúa Giêsu Kitô”. 

 

Vấn đề truyền chức linh mục cho thành phần lập gia đình.

 

Trong cuộc thượng nghị này còn đề cập tới nạn thiếu linh mục có thể được giải quyết bằng việc truyền chức cho thành phần đã lập gia đình hay chăng, vấn đề đã được một vị hồng y quan trọng trả lời rằng “không” trong buổi họp đầu tiên Thứ Hai 2/10. Đó là ĐHY Angelo Scola, giáo chủ Venice, vị tổng phối kết viên của Thượng Nghị.

 

Vị TGM giáo chủ Venice cho biết trong bản tường trình trước cuộc bàn luận là “điều yêu cầu này thường được kèm theo bằng việc tích cực nhìn nhận cái giá trị của khoản luật lâu đời về vấn đề linh mục độc thân”. Tuy nhiên, vị giáo chủ đây còn nhấn mạnh rằng khoản luật này không được “cản trở việc Giáo Hội có đủ số các vị thừa tác viên có thánh chức, khi tình trạng khan hiếm các ứng viên sống đời linh mục độc thân được coi như cực kỳ tương xứng thật sự”.

 

Vị hồng y giáo chủ ấy cũng coi là không nhất thiết phải lập lại “những động lực sâu xa về thần học khiến Giáo Hội Latinh đi đến chỗ liên kết việc ban chức linh mục thừa tác cho thành phần có ơn sống đời độc thân”. Thay vào đó, vị này đặt vấn đề như sau: “Phải chăng việc quyết định ấy và tục lệ ấy có giá trị về phương diện mục vụ hay chăng, ngay cả trong những trường hợp cực khẩn như những trường hợp được đề cập đến trên đây?” Chẳng hạn, ở một số quốc gia, các cộng đồng Kitô hữu xa xôi chỉ có Thánh Lễ Chúa Nhật mà thôi. Có những nơi ở Phi Luật Tân, một số linh mục cử hành cả 9 lễ trong 1 ngày Chúa Nhật.

 

ĐHY Scola, 63 tuổi, đã trả lời rằng: “Được liên kết mật thiết với Thánh Thể, vai trò linh mục thánh chức tham dự vào bản chất của Thánh Thể nhờ ân ban và không thể nào lại là đối tượng cho một quyền lợi. Nếu là một tặng ân thì vai trò linh mục thánh chức cần phải được liên tục kêu xin ban cho”. Thật vậy, vị hồng y này nói tiếp, “rất khó mà nắm vững được con số lý tưởng về các vị linh mục trong Giáo Hội, từ lúc Giáo Hội đây không phải là một ‘việc làm ăn buôn bán’ cần phải được trang bị bằng một con số dứt khoát về nhóm quản đốc”.

 

Về phương diện thực tế, vị hồng y này tiếp: “tình trạng khẩn trương, một tình trạng khẩn trương không thể trì hoãn, của vấn đề ‘cứu độ các linh hồn - salus animarum’ thôi thúc chúng ta mạnh mẽ lập lại, nhất là nơi tòa thánh này đây, trách nhiệm của mỗi Giáo Hội riêng liên quan tới Giáo Hội hoàn vũ, và vì lý do đó đối với cả các Giáo Hội riêng khác nữa. Bởi thế, những dự thảo được phác họa trong cuộc thượng nghị này để ấn định các qui chuẩn cho việc phân phối thích ứng hàng giáo sĩ trên thế giới sẽ là những gì rất hữu ích. Tuy nhiên, trong lãnh vực này, con đường cần phải tiến bước dường như còn rất ư là xa xôi”.

 

Vấn đề bỏ phiếu cho chính trị gia phò phá thai không được rước lễ.

 

Vị tân tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin là ĐTGM William Levada, thay cho ĐHY Joseph Ratzinger đương kim Giáo Hoàng, căn cứ vào khoản 73 của văn kiện bàn luận tại thượng nghị, về mối liên hệ giữa Thánh Thể, luân lý và đời sống quần chúng, đã kêu gọi các nghị phụ hãy bàn đến vấn đề liên quan tới việc rước lễ của thành phần bỏ phiếu cho các chính trị gia phò phá thai.

 

Khoản này viết rằng: “quá nhiều nhười lãnh nhận bí tích này mà không ý thức đủ tình trạng về luân lý của họ trong đời sống… một số Hiệp Lễ mà lại chối bỏ các giáo huấn của Giáo Hội hay công khai ủng hộ những chọn lựa vô luân trong đời sống, như phá thai, mà không nghĩ rằng họ đang thực thi một hành động cá nhân bất lương trầm trọng và gây ra gương mù gương xấu… Những thái độ như thế dẫn tới một cuộc khủng hoảng về ý nghĩa thuộc veê Giáo Hội và về tình trạng mù mờ phân biệt giữa tội nhẹ với tội trọng”.

 

Vị tổng giám mục tân tổng trưởng thánh bộ tín lý đức tin này muốn được nghe kinh nghiệm của các quốc gia khác, vì tại Hoa Kỳ là xứ sở của ngài, vấn đề này đã gây chia rẽ trong hàng giáo phẩm của ngài, nhất là vào giai đoạn tranh cử tổng thống năm 2004 vừa rồi. Ngài đề nghị là ở những cuộc bàn luận chia nhóm nhỏ, nên bàn đến vấn đề những người Công giáo “không hiểu tại sao lại là tội khi ủng hộ thành phần ứng viên công khai phò phá thai hay phò các hành động trầm trọng chống sự sống khác”.

 

Theo tường trình viên của Thượng Nghị này là Isidro Catela thì các vị nghị phụ đặc biệt muốn suy nghĩ sâu xa hơn về “chiều ngang” của Thánh Thể, một chiều kích “bị quên sót”. Chiều kích này là chiều kích liên kết Thánh Thể với việc biến đổi xã hội. Có một câu hay được nghe lập đi lập lại trong cuộc thượng nghị này đó là: “Người ta không thể từ Thánh Thể mà đi cũng giống như họ đến với Thánh Thể. Từ Thánh Thể cần phải tuôn ra một mẫu sống cộng thông nào đó”. 

 

Vấn đề cử hành Thánh Lễ và rước lễ bằng tay.

 

Vấn đề rước lễ bằng tay được một vị giám mục Đông Âu nêu lên, vị tỏ ra không đồng ý với việc thực hành này và muốn thấy Bánh Thánh được rước bằng miệng.

 

ĐHY Francis Arinze, tổng trưởng Thánh Bộ Thờ Phượng và Bí Tích, đã lên tiếng cho biết những lập luận phò hay chống đối với việc thực hành này. Một trong những lập luận mạnh nhất chống việc rước leê bằng tay đó là người rước lễ lợi dụng lấy Bánh Thánh đi làm chuyện khác chứ không cho vào miệng nuốt đi.

 

Isidro Catela, tường trình viên người Tây Ban Nha của Thượng Nghị Giám Mục này cho các phóng viên báo chí biết rằng một trường hợp xẩy ra là có người đã giữ lấy Bánh Thánh được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô truyền phép để quảng cáo bán trên mạng điện toán toàn cầu internet. Ngoài ra, có những trường hợp Bánh Thánh được sử dụng vào các lễ nghi thờ Satan.

 

Bởi thế, ĐHY tổng trưởng thánh bộ Thờ Phượng và Bí Tích yêu cầu các vị linh mục hãy để ý khi cho Rước Lễ bằng tay. Ngoài ra, vị hồng y này còn nói rằng việc rước lễ bằng tay này tùy ở quyền quyết định của hội đồng giám mục mỗi quốc gia.

 

Tường trình viên Catela còn cho biết rằng các vị nghị phụ còn nhấn mạnh đến việc cần phải cử hành Thánh Lễ một cách xứng đáng nữa. Một số viịđặt vấn đề là liệu các chủng sinh có được đào luyện thích đáng về phụng vụ hay chăng. Có hai vị nghị phụ, cùng với ĐTGM John Foley, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Truyền Thông Xã Hội, mong rằng các Thánh Lễ được truyền hình cần phải cử hành trang nghiêm để khỏi gây ra gương mù gương xấu cho tín hữu.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch theo Zenit ngày 3-4/10/2005

 

 TOP

Thánh Thể là Bảo Chứng Cánh Chung nơi việc Cử Hành Thánh Lễ

Trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác tín Thánh Thể là một Bảo Chứng Cánh Chung ở khoản số 18 như sau:

• “Lời tung hô của cộng đồng sau phần truyền phép được chấm dứt một cách rất thích đáng với câu diễn tả cái trục cánh chung là yếu tố làm nên đặc tính của việc cử hành Thánh Thể (x 1Cor 11:26), đó là câu ‘cho đến khi Chúa lại đến’. Thánh Thể là một vươn rộng kéo dài tới đích điểm, là một tiên hưởng niềm vui trọn vẹn như Chúa Kitô hứa hẹn (x Jn 15:11); Thánh Thể là tiên vọng được thừa hưởng nước trời một cách nào đó, là ‘một bảo chứng cho vinh quang mai hậu’ (Solemnity of the Body and Blood of Christ, Second Vespers, Antiphon to the Magnificat). Thánh Thể chất chứa tất cả những gì là tin tưởng đợi trông ‘với một niềm hân hoan hy vọng về việc tái giáng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của chúng ta’ (Missale Romanum, Embolism following the Lord's Prayer). Những ai được Chúa Kitô dưỡng nuôi bằng Thánh Thể không cần phải đời chờ cho đến đời sau mới thừa hưởng sự sống trường sinh, vì họ đã chiếm hữu được sự sống này ngay trên trần gian, như là những hoa trái đầu mùa của một tình trạng toàn mãn mai hậu, một tình trạng sẽ làm cho con người nên thành toàn trọn vẹn. Vì nơi Thánh Thể, chúng ta cũng có cả bảo chứng về việc phục sinh của thân xác vào ngày tận thế: ‘Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời, và Tôi sẽ làm cho họ sống lại trong ngày sau hết’ (Jn 6:54). Lời bảo chứng cho việc sống lại sau này ấy phát xuất từ sự kiện là xác thịt của Con Người được ban hiến như lương thực, là thân thể của Người ở trong tình trạng vinh hiển sau cuộc phục sinh. Lãnh nhận Thánh Thể là chúng ta thực sự tiêu hóa ‘cái bí mật’ của việc phục sinh vậy”.

Cũng trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, ở khoản số 58, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn lập lại chiều kích cánh chung của Mầu Nhiệm Thánh Thể liên quan đến Mẹ Maria nói chung và Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ nói riêng như sau:

• “Ca Vịnh Ngợi Khen còn phản ảnh cả chiều kích cánh chung của Thánh Thể nữa. Mọi lần Con Thiên Chúa lại đến với chúng ta nơi ‘cảnh bần cùng’ của các hình thể bí tích là bánh và rượu thì các hạt giống của một giòng lịch sử mới lại được đâm rễ vào thế giới này, một lịch sử mà kẻ quyền năng ‘bị hạ xuống khỏi ngai tòa của mình’ và ‘những ai thấp hèn được nâng lên’ (cf. Lk 1:52). Mẹ Maria hát lên bài ca vịnh về ‘trời mới’ và ‘đất mới’ là những gì thể hiện nơi Thánh Thể việc trông ngóng của chúng, và ở một nghĩa nào đó, cả chương trình và dự án của chúng nữa”.

Chiều Kích Cánh Chung của Mầu Nhiệm Thánh Thể nơi Thánh Lễ được thể hiện và báo trước ngay nơi việc truyền phép, ngay khi Thánh Thần xuống thánh hóa lễ vật bằng lời truyền phép của vị chủ tế. Bởi vì, ngay lúc ấy, ngay lúc bánh và rượu là hoa mầu ruộng đất và lao công của con người được biến thể thành Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô Phục Sinh.

Đúng thế, Chúa Giêsu Thánh Thể thông ban Sự Sống Hiệp Thông cho Kitô hữu chi thể của Người để họ được “sự sống viên mãn hơn”, một sự sống trường sinh của thành phần sống cho Vị “Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống” (Lk 20:38).

Thế nhưng, Sự Sống Hiệp Thông đây không phải chỉ là sự sống giữa cá nhân Kitô hữu với Chúa Giêsu Thánh Thể họ Hiệp Lễ, mà là Sự Sống Hiệp Thông với Chúa Giêsu trong Giáo Hội là Nhiệm Thể của Người, cả Giáo Hội trần thế, lẫn Giáo Hội hiển vinh trên trời với Giáo Hội thanh tẩy trong luyện hình. Đó là lý do trong Phần Hiến Lễ, ở đoạn cuối, Kinh Nguyện Thánh Thể đã bao gồm cả Giáo Hội tam diện này, thứ tự (theo Kinh Nguyện Thánh Thể III) là Giáo Hội thiên quốc (qua việc xin Thánh Mẫu và các thánh chuyển cầu), rồi tới Giáo Hội lữ hành (qua việc cầu cho đích danh Đức Thánh Cha và vị Giám Mục địa phương cũng như hàng giáo phẩm toàn cầu), và Giáo Hội thanh luyện (qua việc cầu cho các linh hồn đã ra đi).

Ngoài ra, Sự Sống Hiệp Thông Kitô hữu nhận lãnh trong Thánh Lễ qua việc Hiệp Lễ là một sự sống viên mãn, tức sự sống đầy những hoa trái cứu độ của Chúa Kitô, một sự sống nơi Thân Nho Chúa Kitô cần phải làm sao để cũng trổ sinh muôn vàn hoa trái nơi từng Cành Nho Kitô hữu. Bởi thế, Sự Sống Hiệp Thông Thánh Thể đây liên quan đến cả việc tông đồ truyền giáo nữa, tức liên quan đến việc để làm sao cho thế gian nhận biết Chúa Kitô, và nhờ đó cũng được thông dự vào Sự Sống Hiệp Thông này, đúng như ước nguyện của Chúa Giêsu trong Lời Nguyện Hiến Tế kết Bữa Tiệc Ly: “Con sống trong họ, Cha sống trong Con, để sự hiệp nhất của họ được trọn vẹn. Nhờ đó thế gian nhận biết rằng Cha đã sai Con và Cha đã yêu thương họ như đã thương yêu Con” (Jn 17:23).

Hai khía cạnh hiệp thông Giáo Hội và tông đồ truyền giáo trên đây của Mầu Nhiệm Thánh Thể nơi việc Cử Hành Thánh Lêã đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đề cập đến trong Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con” ở Chương III (Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Biểu Hiện của Hiệp Thông, đặc biệt ở khoản số 19 và 20) và ở Chương IV (Thánh Thể là Nguyên Lý và là Dự Án ‘Truyền Giáo’, đặc biệt ở khoản số 24 và 25).

Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Biểu Hiện của Hiệp Thông

• “Khi các môn đệ đi Emmau xin Chúa Giêsu hãy ở ‘với’ các vị, Người đã đáp lại bằng việc ban cho họ một tặng ân còn cao trọng hơn thế nữa, đó là, nhờ Bí Tích Thánh Thể, Người tìm được cách để ở ‘trong’ các vị. Nhận lãnh Thánh Thể tức là đi vào mối hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu. ‘Các con hãy ở trong Thày như Thày ở trong các con’ (Jn 15:4). Mối liên hệ về việc ‘ở’ với nhau một cách sâu xa này cho chúng ta được nếm hưởng trước thiên đường ngay trên trần gian này. Đó không phải là điều ước mong lớn lao nhất của con người hay sao? Đó không phải là những gì Thiên Chúa đã nghĩ đến khi Ngài thực hiện trong lịch sử dự án cứu độ của Ngài hay sao? Thiên Chúa đã gieo vào tâm can con người một ‘nỗi đói khát’ Lời của của Ngài (x Am 8:11), một nỗi đói khát chỉ được thỏa nguyện chỉ khi nào được hoàn toàn hiệp nhất với Ngài mà thôi. Chúng ta có thể ‘thỏa mãn’ Thiên Chúa ngay trên trái đất này nơi mối hiệp thông Thánh Thể được ban cho chúng ta đây, với niềm khát vọng được hoàn toàn mãn nguyện trên cõi thiên cung”. (khoản số 19)

• “Sự liên kết đặc biệt này nơi ‘mối hiệp thông’ Thánh Thể không thể hiểu được một cách đầy đủ hay cảm nghiệm thấy một cách trọn vẹn ngoài mối hiệp thông Giáo Hội. Tôi đã nhấn mạnh đến điều này nhiều lần trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể Ecclesia de Eucharistia. Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô: chúng ta tiến bước ‘với Chúa Kitô’ ở chỗ chúng ta liên kết ‘với thân thể của Người’. Chúa Kitô đã thiết lập và làm phát triển mối hiệp nhất này bằng việc tuôn đổ Thánh Linh của Người xuống. Và chính Người liên lỉ xây dựng mối hiệp nhất ấy bằng sự hiện diện Thánh Thể của Người. Chính tấm bánh Thánh Thể duy nhất làm cho chúng ta nên một thân thể duy nhất, vì ‘chúng ta tất cả cùng tham phần vào một tấm bánh duy nhất’ (1Cor 10:17). Nơi mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Giêsu muốn xây dựng Giáo Hội như là một mối hiệp thông, theo khuôn mẫu tối hậu đã được Người nói lên trong lời nguyên tư tế của Người: ‘Như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, để họ cũng được ở trong Chúng Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con’ (Jn 17:21)”. (khoản số 20)

Thánh Thể là Nguyên Lý và là Dự Án ‘Truyền Giáo’

• “Hai môn đệ đi Emmau, khi nhận ra Chúa, ‘liền lập tức lên đường’ (x Lk 24:33), để tường trình những gì các vị đã thấy và đã nghe. Một khi chúng ta đã thực sự gặp gỡ Đấng Phục Sinh bằng việc tham phần vào mình máu của Người thì chúng ta không thể giữ lấy cho mình niềm vui chúng ta cảm nghiệm thấy. Việc gặp gỡ Chúa Kitô, liên lỉ được tăng phát và vững mạnh qua Thánh Thể, làm phát sinh trong Giáo Hội cũng như nơi mỗi Kitô hữu lời hiệu triệu thúc bách thực hiện việc làm chứng từ và truyền bá phúc âm hóa. Tôi đã nhấn mạnh đến điều này trong bài giảng loan báo Năm Thánh Thể, dựa theo lời của Thánh Phaolô: ‘Mỗi lần anh em ăn bánh này và uống chén ấy là anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Người lại đến’ (1Cor 11:26). Vị Tông Đồ này chặt chẽ liên kết bữa ăn với việc loan báo, vì việc tham dự vào mối hiệp thông với Chúa Kitô để tưởng niệm Cuộc Vượt Qua của Người cũng có nghĩa là cảm thức được nhiệm vụ cần phải trở nên một thừa sai truyền giáo cho biến cố được hiện thực theo lễ nghi này (Cf. Homily for the Solemnity of the Body and Blood of Christ [10 June 2004]: L'Osservatore Romano, 11-12 June 2004, p.6). Việc giải tán ở cuối mỗi Thánh Lễ là việc ủy thác trách nhiệm cho Kitô hữu, kêu gọi hãy hoạt động để truyền bá Phúc Âm và làm cho xã hội thấm nhiễm các giá trị Kitô giáo”. (khoản số 24)

• “Thánh Thể chẳng những cung ứng sức mạnh nội tâm cần thiết cho sứ vụ truyền giáo này, mà còn, ở một nghĩa nào đó, chính là dự án của sứ vụ truyền giáo nữa. Vì Thánh Thể là một kiểu cách hiện hữu được truyền từ Chúa Giêsu đến mỗi Kitô hữu là thành phần nhờ chứng từ của họ mà việc hiện hữu ấy được tràn lan khắp xã hội và văn hóa. Để điều này được thực hiện, mỗi một phần tử thuộc thành phần tín hữu, bằng việc suy niệm chung riêng, cần phải hòa hợp với những giá trị được Thánh Thể diễn đạt, với những thái độ được Thánh Thể soi động, với những quyết định được Thánh Thể tác động”. (khoản số 25)

Thế nhưng, cũng chính vì Mầu Nhiệm Thánh Thể là Sự Sống Hiệp Thông liên quan đến Giáo Hội nên cũng liên quan tới cả vấn đề Đại Kết Kitô Giáo, một vấn đề đang nhắm đến mục tiêu hiệp nhất một cách trọn vẹn, ở chỗ tất cả Kitô hữu được chung dự cùng một bàn tiệc Thánh Thể và một cách hữu hình, ở chỗ chỉ có một chủ chiên duy nhất đại diện Chúa Kitô thừa kế Thánh Phêrô. Về vấn đề Mầu Nhiệm Thánh Thể với vấn đề Đại Kết Kitô Giáo liên quan tới việc cử hành phụng vụ nói chung và Thánh Lễ nói riêng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác định những vấn đề cần phải tuân giữ về phụng vụ, ở khoản số 44, 45 và 46 trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thế thứ tự sau đây:

• “Chính vì mối hiệp nhất ấy của Giáo Hội, một mối hiệp nhất được Thánh Thể thể hiện bằng hiến tế của Chúa cũng như bằng việc rước lấy mình máu Người, mà nhất định cần phải hoàn toàn hiệp thông nơi những liên hệ về việc tuyên xưng đức tin, về các bí tích cũng như về việc quản trị giáo hội, chứ không thể cùng nhau cử hành cùng một phụng vụ Thánh Thể cho đến khi các liên hệ ấy được hoàn toàn tái thiết lập. Bất cứ việc đồng cử hành nào như thế đều không phải là phương tiện tác hiệu, mà còn trở thành một ngãng trở, cho việc đạt đến mối hiệp thông trọn vẹn, vì hành động ấy làm suy yếu đi cảm quan về khoảng cách chúng ta đang ở trước mục tiêu này, cũng như vì hành động ấy gây ra hay tăng thêm những mập mờ liên quan đến một trong những sự thật của đức tin. Con đường tiến đến mối hiệp nhất trọn vẹn chỉ có thể được thực hiện trong chân lý mà thôi. Về phương diện này, những vấn đề cấm đoán theo luật lệ Giáo Hội không hề có gì là mập mờ cả (Cf. Code of Canon Law, Canon 908; Code of Canons of the Eastern Churches, Canon 702; Pontifical Council for the Promotion of Christian Unity, Ecumenical Directory, 25 March 1993, 122-125, 129-131: AAS 85 [1993], 1086-1089; Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter Ad Exsequendam, 18 May 2001: AAS 93 [2001], 786), mà hoàn toàn hợp với qui tắc về luân lý đã được Công Đồng Chung Vaticanô II phác họa (“Divine law forbids any common worship which would damage the unity of the Church, or involve formal acceptance of falsehood or the danger of deviation in the faith, of scandal, or of indifferentism”: Decree on the Eastern Catholic Churches Orientalium Ecclesiarum, 26)”.

• “Tuy không bao giờ được phép đồng cử hành trong tình trạng chưa hiệp thông trọn vẹn, nhưng vẫn được phép ban Thánh Thể ở các trường hợp đặc biệt cho những người thuộc về các Giáo Hội hay các Cộng Đồng Giáo Hội chưa hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo. Thật vậy, trong trường hợp này, mục đích là để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng hệ trọng liên quan đến phần rỗi đời đời của cá nhân người tín hữu, chứ không phải là để thể hiện một thứ liên hiệp thông là những gì vẫn còn bất khả cho đến khi những mối liên hệ hữu hình thuộc mối hiệp thông giáo hội hoàn toàn được tái thiết. Đó là phương sách của Công Đồng Chung Vaticanô II, khi công đồng này nêu lên những hướng dẫn để đáp ứng các Kitô Hữu Đông Phương vì lòng ngay phân ly với Giáo Hội Công Giáo, thành phần tự ý muốn xin lãnh nhận Thánh Thể từ một thừa tác viên Công Giáo và đã dọn mình xứng đáng (Decree on the Eastern Catholic Churches Orientalium Ecclesiarum, 27). Phương sách này sau đó đã được chuẩn nhận bởi cả hai bộ Giáo Luật là những bộ luật cũng để ý tới, với những điều chỉnh cần thiết, trường hợp các Kitô Hữu không phải là Kitô Hữu Đông Phương chưa hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo nữa (Cf. Code of Canon Law, Canon 844, 3-4; Code of Canons of the Eastern Churches, Canon 671, 3-4)”.

• “Trong Thông Điệp Ut Unum Sint, Tôi đã bày tỏ cảm nhận riêng của Tôi đối với những qui tắc ấy, những qui tắc đã có thể góp phần vào việc ban phát ơn cứu độ cho những linh hồn có một nhận thức xứng hợp: ‘Thật là vui mừng khi nhận thấy rằng các vị thừa tác viên Công Giáo, trong những trường hợp đặc biệt, có thể ban bí tích Thánh Thể, Thống Hối và Xức Dầu Bệnh Nhân cho các Kitô hữu chưa hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo nhưng lại là những người hết sức muốn lãnh nhận các bí tích ấy, tự động xin lãnh nhận các bí tích này và bày tỏ đức tin như Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng liên quan đến các bí tích ấy. Ngược lại, trong các trường hợp đặc biệt và trong các hoàn cảnh riêng biệt, những người Công Giáo cũng có thể xin lãnh nhận các bí tích ấy từ những vị thừa tác viên thuộc các Giáo Hội thật sự có những bí tích này’ (No. 46: AAS 87 [1995], 948). Những điều kiện ấy, những điều kiện bất khả châm chước, cần phải được cẩn thận tôn trọng, cho dù được áp dụng cho những trường hợp đặc biệt riêng, vì nếu chối bỏ một hay những sự thật đức tin liên quan đến các bí tích này, trong đó, có cả sự thật liên quan tới nhu cầu thuộc chức linh mục thừa tác trong việc ban phát thành hiệu các bí tích này, khiến cho người xin lãnh nhận các bí tích ấy không hội đủ điều kiện xứng hợp để được phép lãnh nhận. Ngược lại cũng thế, những người Công Giáo không được rước lễ nơi những cộng đồng không có bí tích Truyền Chức Thánh thật sự (Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Decree on Ecumenism Unitatis Redintegratio, 22)”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ