GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 21/11/2005

Lễ Mẹ Dâng Mình

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Ngày 20/11/2005 về Chúa Kitô Vua Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng

   ĐTC GPII: "Hỡi Đức Mẹ Giọt Châu ngọt ngào, chúng con dâng cho Mẹ Giáo Hội và toàn thế giới"  

?  Đức Giám Mục Bùi Tuần: Suy Nghĩ về Một Chuyến Viếng Thăm Mục Vụ

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Ngày 20/11/2005 về Chúa Kitô Vua Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Hôm nay là ngày Chúa Nhật cuối cùng của phụng niên, ngày Giáo Hội cử hành lễ trọng kính Chúa Kitô, Vua của Vũ Trụ. Từ khi được loan báo về việc hạ sinh của Người, Người Con duy nhất của Cha, do Trinh Nữ Maria sinh ra, Người đã được gọi là “vua”, theo nghĩa thiên sai cứu độ, tức là vị kế thưa ngôi báu Đavít, theo những lời hứa báo của các vị tiên tri, về một vương quốc sẽ vô cùng bất tận (x Lk 1:32-33).

 

Vương thế của Chúa Kitô hoàn toàn được ẩn kín cho tới khi ngài được 30 tuổi, một thời gian được trải qua với một cuộc sống bình thường ở Nazarét. Sau đó, trong cuộc sống công khai của mình, Chúa Giêsu đã khai trương một tân vương quốc, một tân vương quốc “không thuộc về thế gian này” (Jn 18:36), và cuối cùng Người đã hoàn toàn hiện thực vương quốc mới này bằng cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Sống lại, hiện ra với các tông đồ, Người nói cùng họ rằng: “Tất cả mọi quyền bính trên trời dưới đất đã được trao cho Thày” (Mt 28:18). Quyền bính này xuất phát từ tình yêu, một tình yêu Thiên Chúa đã hoàn toàn bày tỏ nơi hy tế của Con Ngài. Vương quốc của Chúa Kitô là tặng ân được ban cho con người thuộc mọi thời đại, để ai tin vào lời nhập thể “thì không bị chết nhưng được sự sống đời đời” (Jn 3:16). Vì lý do này, chính trong cuốn sách cuối cùng của Thánh Kinh là Sách Khải Huyền đã có câu tuyên bố: “Ta là Alpha và là Omega, là đầu và là cuối, là nguyên thủy và là cùng đích” (22:13).

 

“Chúa Kitô, Alpha và Omega”, bởi thế, là nhan đề của đoạn (45) kết thúc phần đầu của hiến chế mục vụ “Vui Mừng và Hy Vọng” được Công Đồng ban hành 40 năm trước đây. Trong đoạn tuyệt vời này, một đoạn dưa theo mấy lời của vị tôi tớ Chúa là Giáo Hoàng Phaolô VI, chúng ta đọc thấy rằng: “Chúa Kitô là mục đích của lịch sử con người, là điểm qui tụ của những gì lịch sử và văn minh mong ước, là tâm điểm của loài người, là niềm vui của hết mọi con tim và là thỏa đáp cho tất cả mọi khát vọng”.

 

Và ngài còn thêm: “Được khơi động và hiệp nhất trong Thần Linh của Người, chúng ta hành trình tiến về tình trạng cánh chung của lịch sử loài người, một tình trạng hoàn toàn hợp với dự án của tình yêu Thiên Chúa, đó là ‘tái lập mọi sự trong Chúa Kitô, cả những sự ở trên trời cũng như những sự ở dưới thế’ (Eph 11:10)” (khoản số 45).

 

Theo chiều hướng lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” giải thích tình trạng của con người hiện đại, của ơn gọi và phẩm vị con người, cũng như của các lãnh vực đời sống con người đó là gia đình, văn hóa, kinh tế, chính trị và cộng đồng quốc tế. Sứ vụ của Giáo Hội hôm qua, hôm nay và mãi mãi, đó là loan báo và làm chứng cho Chúa Kitô, nhờ đó, con người, hết mọi người, được hoàn toàn hiện thực ơn gọi của mình.

 

Xin Trinh Nữ Maria, vị được Thiên Chúa liên kết cách đặc biệt với vương quyền Con Mẹ, giúp chúng ta biết nhìn nhận Người là Chúa của cuộc đời chúng ta trong việc trung thành cộng tác vào việc thực hiện cho vương quốc tình yêu, công lý và hòa bình của Người trị đến.

 

(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, trong số những lời chào nhắc khác, ĐTC đã nhắc đến Lễ Mẹ Dâng Mình 21/11 như sau:)

 

Ngày mai là phụng vụ lễ nhớ Rất Thánh Maria Dâng Mình vào đền thờ, Ngày “Pro Orantibus”, tức là ngày giành cho các cộng đồng tu trì sống đời chiêm niệm. Thay mặt cho toàn thể Giáo Hội, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến những người hiến đời mình cho việc nguyện cầu trong nơi cao cổng kín tường, cống hiến một chứng từ sống động lấy Thiên Chúa và Vương Quốc của Ngài làm ưu tiên, tôi mời gọi tất cả mọi người hãy gắn bó với họ bằng việc chúng ta hỗ trợ họ về tinh thần cũng như vật chất.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 20/11/2005 

  TOP

    ĐTC GPII: "Hỡi Đức Mẹ Giọt Châu ngọt ngào, chúng con dâng cho Mẹ Giáo Hội và toàn thế giới"

 

Hiện tượng Thánh Mẫu Châu Lệ Việt Nam xẩy ra vào ngày Thứ Bảy 29/10/2005 đang được giáo quyền địa phương xem xét. Tuy nhiên, không phải vì thế mà không hề xẩy ra sự kiện Mẹ khóc, một sự kiện đã được Giáo Hội công nhận trên 50 năm trước.

 

Bởi vậy, nhân dịp Lễ Mẹ Dâng Mình vào Đền Thánh hôm nay, chúng ta hãy đọc lại ý nghĩa Mẹ khóc được chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc lại trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 31/8/2003, khi Ngài hiến dâng Âu Châu cho Mẹ Maria, một Âu Châu đang trong thời kỳ bị khủng hoảng đức tin sâu xa:

 

·        "Trong các Chúa Nhật vừa qua, việc suy tư của Tôi nhắm đến Âu Châu và các căn gốc Kitô giáo của châu lục này, khi xem lại bản văn kiện tông huấn hậu Thượng Hội Giám Mục Âu Châu ‘Giáo Hội Tại Âu Châu’. Bản văn kiện này đã kết thúc ở việc ‘Hiến Dâng cho Mẹ Maria’ tất cả mọi con người nam nữ của châu lục đây, một việc hiến dâng Tôi muốn lập lại ngày hôm nay đây, để Vị Thánh Trinh Nữ làm cho Âu Châu trở thành một bản hợp tấu các quốc gia dấn thân cùng nhau xây dựng một nền văn minh yêu thương và hòa bình. Có vô vàn các đền thờ Thánh Mẫu ở hết mọi xứ sở Âu Châu. Hôm nay Tôi đặc biệt nghĩ đến Đền Đức Mẹ Khóc ở Syracuse, nơi đang cử hành 50 năm Mẹ Maria khócNhững giọt nước mắt này mầu nhiệm biết bao! Chúng nói lên cho thấy nỗi khổ đau và dịu dàng, đến niềm an ủi và tình thương thần linh. Chúng là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện từ mẫu, và là một lời kêu gọi hoán cải trở về cùng Thiên Chúa, từ bỏ con đường gian ác để trung thành theo Chúa Giêsu Kitô. Hỡi Đức Mẹ Giọt Châu ngọt ngào, chúng con dâng cho Mẹ Giáo Hội và toàn thế giới. Xin Mẹ hãy nhìn đến những ai cần đến ơn tha thứ và sự hòa giải nhất; Mẹ hãy mang hợp hòa đến cho các gia đình và mang bình an đến cho các dân tộc. Xin hãy lau khô nước mắt gây ra bởi hận thù và bạo lực ở nhiều miền đất trên Thế Giới này, nhất là ở Trung Đông và lục địa Phi Châu. Ôi Lạy Mẹ, chớ gì những giọt nước mắt của Mẹ là một bảo chứng cho việc hoán cải và hòa bình cho tất cả mọi con cái của Mẹ! "

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit 31/8/2003

 

 TOP

 

? Đức Giám Mục Bùi Tuần: Suy Nghĩ về Một Chuyến Viếng Thăm Mục Vụ

Trong nguyệt san "30 ngày" số 8/2005, Đức Hồng Y Crescenzio Sepe đã trả lời phỏng vấn về chuyến đi Việt Nam, mà Ngài sắp thực hiện.

Trả lời của Ngài rất vắn tắt. Xin trích đoạn Ngài xác định mục đích chuyến đi này:

"Chuyến đi này có mục đích hoàn toàn và duy chỉ là mục vụ. Nó sẽ gồm những cuộc viếng thăm các Đức Giám mục và các cộng đoàn công giáo. Cũng sẽ có những cuộc gặp các vị đại diện chính quyền.

Tôi hy vọng chuyến đi này sẽ là một khích lệ cho mọi người, để họ sống đức tin với niềm vui. Nhưng tôi cũng không quên sự dấn thân của Hội Thánh vào việc hỗ trợ sự phát triển tôn giáo, và cả đến văn hoá, xã hội và nhân đạo trong đại quốc gia Việt Nam".

Những lời trên đây của Đức Hồng Y Bộ Truyền giáo của Toà Thánh Vatican là những xác định khôn ngoan toả ra những hy vọng rộng mở.

Chúng ta trông đợi chuyến viếng thăm của Ngài tại Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp.

Thế nào là một chuyến thăm mục vụ thành công tốt đẹp? Mỗi người có thể nghĩ khác nhau, tuỳ cái nhìn của mình.

Riêng tôi, tôi đã thực hiện nhiều chuyến viếng thăm mục vụ. Những chuyến viếng thăm này tất nhiên, ở mức thấp, trong phạm vi nhỏ. Tuy nhiên, cũng từ đó đã hình thành trong tôi hình ảnh về một chuyến viếng thăm mục vụ gọi được là thành công. Tôi xin phép chia sẻ.

Theo tôi, thành công của một chuyến thăm mục vụ sẽ tuỳ thuộc ở ba yếu tố chính yếu sau đây:

1/ Nội dung cuộc viếng thăm là tình yêu Chúa

Thực vậy, những cuộc viếng thăm hoàn toàn và duy chỉ là mục vụ bao giờ cũng chủ ý trao tặng tình yêu Thiên Chúa.

Tình yêu Thiên Chúa nói đây không phải là một chủ trương, một kế hoạch, một hệ thống lý thuyết, nhưng là một tình yêu của Thiên Chúa sống động, vô cùng quý giá, vô cùng cần thiết cho hạnh phúc con người.

Tình yêu này là một mời gọi, một quà tặng. Nó hiện diện êm đềm kín đáo trong người thăm viếng. Người thăm viếng mục vụ ra đi với tư cách người được Chúa sai đi, mang theo tình yêu của Chúa.

Chính Chúa Giêsu cũng đã được Chúa Cha sai vào thế gian, để mạc khải tình yêu Thiên Chúa. Người mạc khải bằng lời nói, việc làm và chính cuộc sống của Người.

Người rất ý thức sứ vụ của Người là như thế. Người mong muốn mọi người cũng hiểu như thế. Nhưng chẳng may, nhiều người đã hiểu sai.

Sự hiểu sai nội dung cuộc viếng thăm là một sự kiện đáng buồn. Sự kiện này ảnh hưởng nhiều đến sự thành công của việc viếng thăm mục vụ.

Vì thế, có thể nói thành công của một chuyến viếng thăm mục vụ tuỳ thuộc khá nhiều vào việc những người được viếng thăm có nhận ra đúng nội dung cuộc viếng thăm đó không.

Hiểu đúng, đó đã là một yếu tố đáng mừng. Nhưng chưa đủ. Cần một yếu tố nữa. Đó là đón nhận nội dung ấy. Như trên đã nói, nội dung chuyến viếng thăm là tình yêu Chúa.

2/ Đón nhận tình yêu Chúa trong cuộc viếng thăm

Tình yêu Chúa là một quà tặng. Quà tặng này có những mời gọi. Như mời gọi người nhận hãy để Chúa cứu họ ra khỏi xiềng xích tội lỗi, và như mời gọi họ hãy phấn đấu sống trong sạch, thánh thiện, để càng ngày càng nên xứng đáng là con Thiên Chúa.

Những mời gọi như thế của tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi người đón nhận phải phấn đấu, phải sống một đời sống biết vui với những giá trị cao đẹp của thánh giá cứu độ và của Tám Mối phúc, chứ không phải một đời sống vui với những thoả thích thấp hèn của xác thịt, trần gian theo hướng hưởng thụ.

Chính vì những đòi hỏi thánh thiện của tình yêu Thiên Chúa, mà tình yêu Chúa trao tặng có thể được người ta đón nhận và cũng có thể bị người ta từ chối.

Bởi vì Chúa cho con người được tự do. Người không ép buộc, không áp đặt.

Tự do đón nhận cũng có nhiều cách.

Tự do từ chối cũng có nhiều cách.

Cách tự do đón nhận đáng quý nhất là đón nhận thực tình, hân hoan, biết ơn và quyết tâm thực hiện mọi điều tình yêu Chúa đòi hỏi.

Cách tự do đón nhận đáng buồn là chỉ mang tính cách xã giao, thiếu thiện chí, bôi bác cho qua.

Hiện tượng từ chối cũng rất thường xảy ra. Nó được thực hiện dưới nhiều hình thức, từ lộ liễu đến tinh vi.

Hiểu như trên, ta thấy thành công của một chuyến viếng thăm mục vụ không thể chỉ căn cứ vào những đón tiếp linh đình hoặc vài kết quả bề ngoài.

Như vậy, thành công đích thực tuỳ thuộc ở yếu tố nhận ra đúng quà tặng tình yêu Chúa và biết đón nhận quà tặng đó.

Theo thiển ý của tôi, còn một yếu tố nữa sẽ giúp cho thành công cuộc viếng thăm được hoàn thiện. Yếu tố đó là phát triển tốt hạt giống tình yêu Chúa tặng.

3/ Phát triển tốt hạt giống tình yêu Chúa

Tôi quan niệm một cuộc viếng thăm mục vụ chính là một việc gieo trồng những gì tình yêu Chúa gởi tặng cho những con người một vùng, một nước.

Việc gieo chỉ là việc của một thời gian vắn. Nhưng việc mọc mầm, lớn lên thành cây là việc của thời gian dài.

Trong thời gian dài đó, hạt giống được gieo vào đất cần được chăm sóc ân cần. Nếu không, hạt giống sẽ bị chim chóc ăn đi, hoặc bị cỏ dại lấn át làm chết dần.

Sự chăm sóc đòi nhiều tỉnh thức và khôn ngoan của ơn Chúa Thánh Thần. Nếu không, thành quả tốt ban đầu của cuộc viếng thăm mục vụ sẽ qua đi như mây khói. Thay vào đó, sẽ là những đổi mới không còn trên nền tảng Phúc Âm và những quy tụ chỉ gây nên chia rẽ. Thay vì hướng về tình yêu Chúa cứu độ, con người sẽ lạc hướng, tìm về những tình yêu tai hại.

Vài suy nghĩ trên đây đã rút ra từ những kinh nghiệm hơn là những lý thuyết.

Kinh nghiệm còn cho tôi thấy:

Những cuộc viếng thăm mục vụ đã là dịp để biết người, biết ta, biết những sự lạ lùng Chúa làm trong thế giới các tâm hồn, và biết những rào cản vô hình khác nhau chặn lối vào Nước Trời.

Với những tâm sự chân thành trên đây, tôi cầu nguyện và xin mọi người công giáo Việt Nam cầu nguyện cho chuyến đi mục vụ đầu tiên của Đức Hồng Y Bộ Trưởng Bộ Truyền giáo trên quê hương Việt Nam chúng ta.

+ Gm. GB. BÙI TUẦN

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ