GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 4/12/2005 Tuần 2 Mùa Vọng |
? HIẾN CHƯƠNG VỀ CÁC QUYỀN LỢI CỦA GIA ĐÌNH: Khoản 1-3
ĐỨC HỒNG Y CRESCENZIO SEPE, TỔNG TRƯỞNG BỘ PHÚC ÂM HÓA CÁC DÂN TỘC với 6000 NGƯỜI TRẺ, 1000 CẶP VỢ CHỒNG, NHỮNG NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ NHỮNG NGƯỜI CHĂM SÓC CÁC BỆNH NHÂN HIV-AIDS
? Những Kiến Trúc Sư xây dựng Nền Văn Hóa Sự Chết (tiếp)
HIẾN CHƯƠNG VỀ CÁC QUYỀN LỢI CỦA GIA ĐÌNH
Văn Kiện của Tòa Thánh ngày 22/10/1983 gửi đến tất cả mọi người, mọi cơ cấu tổ chức và thẩm quyền còn quan tâm tới sứ vụ của gia đình trong thế giới ngày nay
(tiếp 3 Thứ Bảy)
Khoản 1:
Tất cả mọi người đều có quyền tự do chọn lựa bậc sống của mình, bởi đó có quyền kết hôn
và lập gia đình hay ở độc thân. (x. "Rerum novarum", no. 9; "Pacem in terris", Part 1;
"Gaudium et spes", no. 26; "Universal Declaration of Human Rights", no. 16, 1)
a) Mọi người nam nữ, khi tiến tới tuổi có thể kết hôn và có khả năng cần thiết, đều có quyền kết hôn và lập gia đình, hoàn toàn không biệt phân; những giới hạn trong việc hành sử quyền lợi này, dù có tính cách vĩnh viễn hay tạm thời, chỉ có thể áp dụng chỉ khi nào những đòi hỏi hệ trọng và khách quan của chính cơ cấu hôn nhân cũng như tính cách quan trọng về xã hội và công cộng của cơ cấu này cần đến; trong tất cả mọi trường hợp, những giới hạn ấy cần phải tôn trọng phẩm vị và các quyền lợi trọng yếu của con người (x. "Codes Iuris Canonici", nos. 1058 and 1077; "Universal Declaration", no. 16, 1).
b) Những ai muốn kết hôn và lập gia đình đều có quyền đòi hỏi xã hội những điều kiện về luân lý, giáo dục, xã hội và kinh tế giúp họ có thể hành sử quyền kết hôn một cách hoàn toàn chín chắn và hữu trách (x. "Gaudium et spes", no. 52, "Familiaris consortio", no. 81).
c) Các công quyền cần phải công nhận các thứ giá trị về cơ cấu của hôn nhân; không được coi trường hợp của những cặp sống không cưới hỏi gì ngang hàng với thứ hôn nhân có kết ước đàng hoàng (x. "Gaudium et spes", no. 52; "Familiaris consortio", nos. 81 and 82).
Khoản 2:
Hôn nhân không thể bị kết ước ngoại trừ được đôi phu thê tự nguyện bày tỏ trọn vẹn lòng
ưng thuận của họ một cách xứng hợp (x. "Gaudium et spes", no. 52; "Codex Iuris Canonici",
no. 1057; "Universal Declaration", nos. 16, 2.).
a) Đối với vai trò truyền thống của các gia đình ở một số nền văn hóa trong việc giúp con cái quyết định, cần phải tránh tất cả mọi áp lực làm ngăn trở việc quyết định chọn người phối ngẫu đặc biệt (x. "Gaudium et spes", no. 52).
b) Những đôi sẽ lấy nhau có quyền tự do tôn giáo. Bởi thế, việc áp đặt như là một điều kiện cần có để thành hôn là phải chối bỏ niềm tin hay tuyên xưng niềm tin là những gì trái với lương tâm, vi phạm đến quyền này (x. "Dignitatis humanae", no. 6).
c) Những người phối ngẫu, theo tính cách bổ túc tự nhiên hiện hữu giữa nam nhân và nữ giới, đều được hưởng cùng một phẩm vị và những quyền tương đương về vấn đề hôn nhân (x. "Gaudium et spes", no. 49; "Familiaris consortio", nos. 19 and 22; "Codex Iuris Canonici", no. 1135; "Universal Declaration", no. 16, 1).
Khoản 3
Những người phối ngẫu có quyền bất khả nhượng trong việc thành lập gia đình và quyết định vấn đề thời đoạn sinh sản cùng số con cái sinh ra, hoàn toàn lưu ý tới nhiệm vụ của họ với chính họ, với con cái đã được sinh ra, với gia đình và xã hội, theo mức độ chính đáng về các thứ giá trị và hợp với trật tự khách quan về luân lý bất khả chấp đối với vấn đề sử dụng việc ngừa thai, triệt sản và phá thai (x. "Populorum progressio", no. 37; Gaudium et spes, nos. 50 and 87; Humanae vitae, no. 10; Familiaris consortio, nos. 30 and 46.).
a) Những sinh hoạt của các công quyền cũng như các tổ chức tư hết sức nỗ lực để giới hạn quyền tự do của các đôi phối ngẫu trong việc quyết định con cái của họ là trầm trọng vi phạm tới phẩm giá con người và công lý (x. Familiaris consortio, no. 30.).
b) Nơi mối liên hệ quốc tế, việc viện trợ về kinh tế để phát triển các dân tộc không được đặt điều kiện buộc phải chấp thuận những chương trình ngừa thai, triệt sản hay phá thai (x. Familiaris consortio, no. 30).
c) Gia đình có quyền được xã hội trợ giúp trong việc sinh sản và dưỡng nuôi con cái. Những cặp vợ chồng với gia đình đông con có quyền được trợ giúp thích đáng mà không bị kỳ thị (x. Gaudium et spes, no. 50).
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ
http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/family/documents/rc_pc_family_doc_19831022_family-rights_en.html
ĐỨC HỒNG Y CRESCENZIO SEPE, TỔNG TRƯỞNG BỘ PHÚC ÂM HÓA CÁC DÂN TỘC với 6000 NGƯỜI TRẺ, 1000 CẶP VỢ CHỒNG, NHỮNG NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ NHỮNG NGƯỜI CHĂM SÓC CÁC BỆNH NHÂN HIV-AIDS TẠI TRUNG TÂM VĂN HÓA CÔNG GIÁO TỔNG GIÁO PHẬN SÀIGÒN, CHIỀU CHÚA NHẬT 04.12.2005
Các bạn trẻ thân mến,
Các cặp vợ chồng thân mến,
Các bạn kém may mắn và các bạn đại diện cho đội ngũ phục vụ bệnh nhân thân mến,
Tôi đặc biệt sung sướng được gặp gỡ các bạn hôm nay tại Trung Tâm Văn Hóa này của Tổng Giáo phận. Tôi thân ái chào tất cả mọi người: các bạn trẻ, các cặp vợ chồng, các bạn ít may mắn và các bạn chăm sóc bệnh nhân HIV-AIDS.
Tôi hết sức cảm ơn các bạn về chứng tá làm xúc động lòng người và có tính xây dựng của các bạn. Các bạn hãy tiếp tục dũng cảm sống đời sống Kitô hữu của mình, trung thành với Chúa Kitô và với Tin Mừng của Người, làm chứng nhân cho Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
VỚI CÁC BẠN TRẺ
Các bạn trẻ thân mến,
Sự hiện điện của các bạn đem đến cho tôi một niềm vui rất lớn. Tuổi trẻ của các bạn khiến tôi cảm thấy mình cũng như được trẻ ra. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập Ngày Giới Trẻ Thế Giới, vì Ngài xác tín rằng người trẻ là niềm Hy Vọng của thế giới và của Hội Thánh. Ngài nói rằng khi Ngài gặp gỡ giới trẻ Ngài có cảm tưởng mình trẻ trung hơn. Các bạn biết rằng Hội Thánh, các Chủ Chăn nhìn các bạn với lòng tin tưởng và thương yêu, vì các bạn trẻ là tương lai của Hội Thánh và của Đất Nước các bạn. Hội Thánh và các Chủ Chăn tin tưởng rằng các bạn sẽ tìm ra sức mạnh và niềm vui, rằng các bạn sẽ không bị cám dỗ …"bị lôi cuốn bởi các triết thuyết của lòng ích kỷ và hưởng lạc hay triết thuyết của sự tuyệt vọng và của hư không; và đối diện với chủ nghĩa vô thần, hiện tượng chán chường và già nua, các bạn sẽ khẳng định niềm tin của mình trong cuộc sống và trong những gì làm cho cuộc sống có ý nghĩa: xác tín về sự hiện diện của Thiên Chúa công bình và tốt lành" (Sứ điệp của Công đồng Vaticanô đệ II gửi cho người trẻ).
Công đồng Vaticanô đệ II khuyến khích "Cá́c bạn hãy mở rộng tấm lòng với mọi chiều kích của thế giới, lắng nghe tiếng kêu gọi của anh chị em mình và hãy đem năng lực trẻ trung của các bạn ra phục vụ họ. Các bạn hãy chiến đấu chống lại mọi thói ích kỷ. Các bạn đừng để các bản năng bạo lực, hận thù tự do hoạt động. Đó là những bản năng gây ra các cuộc chiến và hàng chuỗi những khốn cùng. Các bạn hãy sống quảng đại, trong sạch, biết kính trọng và thành thực. Và trong niềm phấn khởi, các bạn hãy xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thế giới của các bậc cha anh." Tôi muốn thêm: "Các bạn hãy yêu mến Quê Hương của các baṇ; các bạn hãy là những công dân tốt nhất của Tổ Quốc các bạn; các bạn hãy yêu mến Hội Thánh và hãy là những người Công giáo hoàn hảo nhất của Hội Thánh ở Việt Nam."
Tôi biết các bạn phải bận tâm vất vả như thế nào để có được việc làm, để có một tương lai, một đời sống tốt đẹp hơn đời sống của cha mẹ và anh chị các bạn. Các bạn có lý: Các bạn phải đem hết sức lực ra để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn và một xã hội nhân bản và công bằng hơn. Nhưng đồng thời các bạn hãy nhớ Lời của Chúa: "Vì thế anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho" (Mt 6,31-34).
VỚI CÁC CẶP VỢ CHỒNG
Các cặp vợ chồng thân mến,
Các anh các chị cũng luôn ở trong suy nghĩ và trái tim của Hội Thánh. Hiến chế "Vui Mừng và Hy Vọng" của Công đồng Vaticanô đệ II dạy chúng ta rằng: "Sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội nhân loại và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đồng hôn nhân và gia đình" (VMvHV 47,1). "Phẩm giáa của định chế ấy không phải ở đâu cũng sáng tỏ như nhau vì đã bị lu mờ bởi chế độ đa thê, nạn ly dị, bởi cái mà người ta gọi là tự do luyến ái cùng những hình thức lệch lạc khác.Hơn nữa tình yêu hôn nhân rất thường bị hoen ố vì lòng ích kỷ, khoái lạc chủ nghĩa và những lạm dụng bất hợp pháp cản trở sự sinh sản. Ngoài ra các hoàn cảnh hiện tại về kinh tế, xã hội, tâm lý và chính trị đang gây cho gia đình những xáo trộn trầm trọng" (VMvHV 47,2). Các bạn hãy trung thành với các bổn phận của bậc vợ chồng, đón nhận con cái như những chúc lành mà Thiên Chúa ban cho, giáo dục chúng nên người công dân tốt và thành người Công giáo tốt.
Chúa Giêsu của chúng ta đã chúc phúc dưới nhiều khía cạnh khác nhau, cho tình yêu vợ chồng là tình yêu bắt nguồn từ chính Tình Yêu của Thiên Chúa và đã được thiết lập theo hình ảnh của sự kết hiệp của Chúa Kitô với Hội Thánh.
Các bạn thân mến,
Các bạn hãy tiếp tục gìn giữ hình ảnh ấy, các bạn hãy thánh hiến các thành viên của gia đình, bằng cách noi gương bắt chước Thánh Gia Nadarét.
VỚI CÁC BẠN KHUYẾT TẬT & CÁC BẠN CHĂM SÓC BỆNH NHÂN HIV-AIDS
Các bạn khuyết tật thân mến,
Các bạn tham dự vào cuộc Khổ Nạn và những đau khổ của Chúa Giêsu Kitô. Như Chúa Giêsu, các bạn vác Thập Giá và "tội lỗi của nhân loại" và tội lỗi của chúng tôi. Các bạn có thể nói như Thánh Phaolô: "Hiện nay tôi cảm thấy niềm vui của tôi trong các khổ đau mà tôi đang chịu vì anh em và tôi bổ sung trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong những thử thách của Chúa Kitô cho Hội Thánh là Thân Thể Ngườì". Chúng tôi cám ơn các bạn đã chấp nhận hy sinh này cho chúng tôi là người có tội và cho Hội Thánh. Chúng tôi cám ơn các bạn đã chấp nhận Thánh Ý Thiên Chúa. Chúng tôi cám ơn các bạn vì các bạn đã nhắc cho chúng tôi nhớ rằng qua thập giáa, đau khổ mà chúng ta đạt tới vinh quang của Chúa chúng ta. Riêng tôi, tôi muốn cám ơn các bạn về lòng dũng cảm và chứng tá đức tin của các bạn.
Các bạn chăm sóc bệnh nhân HIV-AISD thân mến,
Tình yêu thương mà các bạn dành cho những người bé nhỏ, các bệnh nhân, những người sống bên lề xã hội nhắc nhở cho chúng tôi nhớ rằng: dù thế nào chăng nữa, con người vẫn có phẩm giá làm người nên phải được kính trọng và có một giá trị độc nhất vô nhị trước mặt Chúa. Cám ơn chứng tá hùng hồn về tình yêu tha nhân của các bạn.
Với các bạn tất cả,
Tôi xin nói: Ước gì niềm tin và tình yêu mà các bạn dành cho Chúa Kitô đem đến cho tất cả mọi người sự hân hoan, niềm phấn khởi và xác tín rằng Chúa Kitô và Hội Thánh yêu thương các bạn và ở gần các bạn.
Cám ơn.
+ HỒNG Y CRESCENZIO SEPE
Người dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
ĐỨC HỒNG Y CRESCENZIO SEPE, TỔNG TRƯỞNG BỘ PHÚC ÂM HÓA CÁC DÂN TỘC: BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM B, TẠI TRUNG TÂM VĂN HÓA CÔNG GIÁO TỔNG GIÁO PHẬN SÀIGÒN 04.12.2005 "HÃY DỌN DƯỜNG CHO CHÚA" (Is 40,1-5.9-11; 2 Pr 3,8-14; Mc 1,1-8)
Anh Chị Em thân mến trong Chúa Giêsu Kitô,
I. Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật II Mùa Vọng mời gọi chúng ta dọn đường cho Chúa và đề nghị chúng ta suy gẫm về Gioan Tẩy Giả, Vị Tiền Hô của Chúa Cứu Thế. Gioan Tẩy Giả là người mà Chúa Giêsu đã nói: "Cho đến thời ông Gioan, thì có Luật và các ngôn sứ, còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào" (Lc 16,16). Gioan cũng là người đã được nhắc đến trong lời sấm của ngôn sứ Isaia: "Có tiếng người hô trong sa mạc: "hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi" (Mt 3,3). Gioan đã được gọi làm Tiền Hô cho Đấng Mêsia ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Việc loan báo việc ông sinh ra đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên: cha ông là Dacaria đã bị câm vì đã không tin lời của sứ thần Thiên Chúa. "Láng giếng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđa" (Lc 1. 65).
Gioan Tẩy Giả đã thực thi ơn gọi làm Tiền Hô trong việc chuẩn bị một cách hết sức thầm lặng. Trước hết, ông lui vào trong hoang địa để chuyên tâm cầu nguyện, hãm mình và sám hối. "Ông Gioan Tẩy Giả mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong rừng." (Mc 1,6). Chúng ta biết rằng hoang địa biểu trưng cho sự từ bỏ hoàn toàn tất cả những gì bao vây con người, tất cả những gì không phải là Thiên Chúa. Hoang địa cũng là nơi mà con người không thấy gì khác ngoài sự yếu hèn, nhỏ bé, giới hạn, bất lực của mình trước sự cao cả của thiên nhiên và của Đấng Tạo Dựng. Chính trong hoang địa mà Gioan Tẩy Giả nâng hồn lên tới Chúa và sống trong sự hiệp thông thân mật với Người để nhận lấy sức mạnh và để tận hiến cho con người sau này. Chỉ sau một thời gian chuẩn bị kỹ càng như vậy Gioan Tẩy Giả mới công bố Phép Rửa sám hối để được tha tội.
Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi đám đông đến với ngài là hãy dọn đường cho Chúa. Chính Gioan đã làm gương đi đầu. Bằng chứ́ng tá sống động của mình, Gioan Tẩy Giả dạy chúng ta rằng những ồn ào của lễ lạc, cuộc sống xa hoa, tiện nghi không phải là nơi lý tưởng của việc loan báo Thiên Chúa; Cũng không phải là nơi lý tưởng để lắng nghe tiếng mời gọi sám hối và trở lại. Sống trong cảnh nghèo, Gioan Tẩy Giả giúp chúng ta hiểu rằng "chứng tá Kitô đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn là các thầy dạy" (Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, 42). Bằng đời sống khắc khổ, Gioan Tẩy Giả cũng giúp chúng ta hiểu rằng chính chứng tá của đời sống Kitô đích thực - là đời sống hoàn toàn giao mình cho Thiên Chúa trong sự hiệp thông không gì có thể làm đứt đoạn và đồng thời cũng là đời sống hiến dâng cho con người với lòng nhiệt thành vô hạn - là phương cách đầu tiên của Công cuộc Phúc âm hóa (x. Loan báo Tin Mừng, 41). Vì chứng tá của Gioan Tẩy Giả là chứng tá khả tín và ăn khớp nên "mọi người từ khắp miền Giuđa và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan" (Mc 1,5).
II. Khi chiêm ngắm sứ vụ Tiền Hô của Gioan Tẩy Giả, chúng ta biết rằng Gioan Tẩy Giả đã sống sứ vụ của ông một cách sâu sắ́c đến hy sinh cả mạng sống. Ông nhìn nhận mình chỉ là một "tiếng kêu" trong hoang địa để dọn đường cho Đấng Mêsia sẽ đến sau nhưng mạnh mẽ và cao trọng hơn ông rất nhiều đến độ ông "không xứng để cởi dép cho Người". Tất cả cuộc sống và sứ mạng của Gioan là dành riêng cho Đấng Mêsia. "Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi" Gioan đã nói thế. Chúa Giêsu càng ngày càng xuất hiện thì Gioan càng ngày càng tự nguyện biến đi. Dựa vào chỉ dẫn của ông, những môn đệ tốt nhất của Gioan đã đi theo Chúa Giêsu. Đó chính là sứ vụ, là cách sống và là con người của Gioan Tẩy Giả. Đó cũng là sứ vụ, cách sống và con người của chúng ta: "Tất cả cho Chúa!"
Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta có bổn phận chỉ cho người khác biết Chúa Giêsu, chuẩn bị người khác để họ đi theo Chúa. Đó là cốt yếu của việc tông đồ mà chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống đời thường: biểu lộ Chúa Giêsu cho bạn bè, cho người láng giềng. Điều quan trọng là Chúa Giêsu được nhận ra và đón rước là "Đường, Sự Thật và Sự Sống". Đức Rất Thánh Trinh Nữ Maria, Nữ Tỳ của Thiên Chúa, chỉ cho chúng ta Con của Mẹ: "Người bảo gì các anh cứ việc làm theo" (Ga 2,5), có nghĩa là anh chị em hãy đón rước Chúa Giêsu, hãy vâng lời Chúa Giêsu, hãy tuân giữ các giới răn của Người, hãy tin tưởng nơi Người. Người là phương án duy nhất của một cuộc sống thật sự thành công và hạnh phúc. Người cũng là nguồn mạch duy nhất về ý nghĩa cuộc đời của chúng ta (x. Đức Gioan Phaolô II, Đại hội Giới Trẻ thế giới lần III, Cử hành giáo phận, ngày 27.3.1988).
Tất cả chúng ta đều được mời làm sứ giả của Chúa, làm người loan báo Chúa Kitô. Chúng ta được mời làm chứng, bằng lời nói và đời sống của chúng ta, cho một Chúa Kitô tốt lành, khiêm nhường, nghèo khó, nhân từ; một Chúa Kitô đã đến trần gian để thực thi Ý Cha, vâng lời Cha cho đến chết, chết trên cậy thập giá; một Chúa Kitô làm người và nhập thể vào thế giới, hoàn toàn nên giống mọi người trừ tội lỗi; một Chúa Kitô đến để hầu hạ chứ không phải để được hầu hạ; một Chúa Kitô bỏ 99 con chiên trong giàn để đi tìm một con chiên lạc; một Chúa Kitô gần gũi với những người thu thuế và tội lỗi để rao giảng Tin Mừng cho họ và đem họ trở về với Phúc Âm; một Chúa Kitô không lên án nhưng thứ tha và mời gọi tội nhân đừng phạm tội nữa. Nhưng trước hết, trước tất cả những điều tôi vừa trình bày, chúng ta đã chẳng phải tìm biết Chúa Kitô, yêu mến Người, noi gương bắt chước Người, sống với Người một Cuộc Sống Ba Ngôi nơi Người và cùng với Người biến đổi lịch sử cho đến khi hoàn thành trong Giêrusalem thiên quốc sao? (x. Bước vào Thiên Niên Kỷ Mới, 29).
III. Trong Mùa Vọng chúng ta được mời gọi san phẳng đường lối cho Chúa, nghĩa là dẹp tan lòng kiêu ngạo, sự chia rẽ, hận thù, bất hòa, giận dữ của chúng ta; là xóa bỏ ranh giới Bắc-Nam còn tồn tại trong não trạng của nhiều người trong chúng ta; cũng có nghĩa là tinh luyện tâm hồn chúng ta; là chiến đấu cho công lý, hòa bình, bác ái, cho tình huynh đệ và liên đới; là từ khước Satan, tội lỗi và tất cả những gì đưa chúng ta đến tội lỗi; là sống thánh thiện nơi thân xác và tâm hồn (1 Cr 7,34); cuối cùng là "sống thánh thiện trong cách ăn nết ở để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh" ( 1 Pr 1,15-16). Trong khi chờ đợi Chúa đến, Thánh Phêrô, trong đoạn thư mà chúng ta vừa nghe, kêu gọi chúng ta hãy làm tất cả để Chúa Kitô thấy chúng ta "tinh tuyền và không có chi đáng trách" ( 2 Pr 3,14). Đó là sự thánh thiện mà Đức Gioan Phaolô đệ II đáng kính nhớ coi là một cấp bách mục vụ trong thời đại chúng ta và ngài đã đề nghị làm ưu tiên số một về mục vụ của Thiên Niên Kỷ thứ III này (Bước vào Thiên Niên Kỷ mới, 30).
Chúng ta không những là những Tiền Hô mà còn là những Chứng Nhân của Chúa Kitô nữa. Nhờ ơn Phép Rửa chúng ta đã nhận được vinh dự và trách nhiệm làm chứng niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, bằng lời nói và việc làm. Thử hỏi chúng ta làm chứng Đức Tin Kitô của chúng ta như thế nào giữa các bạn đồng nghiệp, trong gia đình, nơi trường học và trong khu vực sinh sống? Thử hỏi chúng ta có đủ sức mạnh để thuyết phục được những người chưa tin Chúa không? thuyết phục được những người không yêu mến Chúa và những người có ý tưởng sai lạc về Người không? Đời sống của chúng ta có là chứng cứ hoặc ít ra là một dấu chỉ ủng hộ hay có lợi cho Chân Lý của Đạo Chúa Kitô không? Hội Thánh ở Việt Nam đã từng rất hãnh diện được xếp hàng thứ nhì sau Philippines về tỷ lệ người Công giáo, có còn giữ được chỗ đứng ấy không hay đã nhường chỗ ấy cho Giáo hội nào khác trong vùng? Tiền Hô và Chứng Nhân, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm làm chứng và chỉ đường cho người khác đến với Chúa Giêsu. "Trách nhiệm của chúng ta rất nặng nề, bởi vì là chứng nhân của Chúa Kitô trước hết đòi chúng ta phải có một tác phong tương xứng với giáo lý của Người, tiếp đến đòi chúng ta phải chiến đấu để cách ăn nết ở của chúng ta làm người ta nhớ đến Chúa Giêsu và gợi lên hình ảnh rất dễ thương của Người. Cách sống của chúng ta phải làm sao đó để những người khác có thể nói: người đó đúng là một Kitô hữu, bởi vì ông/anh ta, bà/chị ta không ghen ghét, biết cảm thông, không bị lôi kéo bởi lòng nhiệt thành thái quá, làm chủ các bản năng của mình; vì ông/anh ta, bà/chị ta hy sinh chính bản thân và thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình và yêu thương người khác" (J. Escriva, E' Gesù che passa, 122).
Bây giờ chúng ta hãy chuẩn bị đón rước Chúa vì Người sẽ đến trên bàn thờ này và trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nguyện cầu Mẹ Maria, Mẹ các Kitô hữu, Mẹ chúng ta, để xin Mẹ dạy chúng ta biết phải chuẩn bị như thế nào cho xứng đáng đón rước Con Mẹ và xin Mẹ chỉ cho chúng ta biết chúng ta phải chỉ cho người khác như thế nào để họ nhận biết Đấng Mêsia, Đấng Cứu Độ nhân loại. Amen.
+ HỒNG Y CRESCENZIO SEPE
Người dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Những Kiến Trúc Sư xây dựng Nền Văn Hóa Sự Chết
Ông Donald DeMarco, đồng tác giả với ông Benjamin Wiker, viết tác phẩm “Những Kiến Trúc Sư xây dựng Nền Văn Hóa Sự Chết” do Ignatius xuất bản, một tác phẩm trình bày về cuộc sống và lý thuyết của một số tư tưởng gia góp phần gieo mầm văn hóa sự chết. Ông này là phụ giáo sư triết học ở Đại Học và Chủng Viện Các Thánh Tông Đồ Connecticut, và là giáo sư hồi hưu ở Đại Học Thánh Jerome, Ontario. Sau đây là những vấn đề được ông trả lời trong cuộc phỏng vấn với Zenit.
(tiếp 3 Thứ Bảy)
Vấn: Ông nghĩ điều gì làm cho độc giả ngạc nhiên nhất về các tư tưởng gia được đề cập đến trong tác phẩm của ông?
Đáp: Đây là một câu hỏi khó trả lời vì khó lòng mà đoán được phản ứng của thành phần độc giả.
Thế nhưng, sẽ có nhiều độc giả lấy làm ngạc nhiên khi thấy cái bất nhất giữa những mục tiêu trị liệu của những kiến trúc sư ấy cũng như khi thấy rằng họ đã góp phần khủng khiếp xây dựng nền văn hóa sự chết.
Wilhelm Reich đã nghĩ mình là một Đấng Thiên Sai trần thế đến để chữa lành thế giới về chứng loạn thần kinh chức năng của cá nhân cũng như của xã hội. Ông ta coi mình như là tay Freudo-Marxist tiên khởi trên thế giới. Hơn bất cứ một ai khác, ông nhận được tước hiệu là “Cha Đẻ của Cuộc Cách Mạng về Tình Dục”.
Tuy nhiên, ông ta đã chết ở một trại cải tạo nhân phẩm của liên bang, vì tội lừa gạt quần chúng Hoa Kỳ bằng việc bán cho họ những thứ hộp rỗng bị tố cáo là được làm để chất chứa một hình thức quí báu của thứ năng lực được gọi là “orgone”. Một nhà phê bình của ông ta đã nói rằng khó mà có thể chấp nhận được bất cứ ai nói một cách trịnh trọng rằng “tôi nhìn nhận rằng tôi không thể nào sống cho nổi nếu không có một ổ điếm”.
Trước khi chết mấy năm ở vào tuổi 56, Friedrich Nietzche đã được chứng kiến thấy đang tấn công một cái đàn dương cầm bằng khuỷu tay và ông đã được đưa vào một nhà thương điên. Ông đã nói về tác phẩm “Zarathustra” chính của ông là “Tác phẩm này là một tác phẩm nổi bật nhất. Nếu tất cả mọi tinh thần và sự thiện hảo của hết mọi linh hồn cao cả được thu tích lại với nhau thì tất cả cũng không thể làm nên được một trong những bài viết của Zarathustra”.
Freud đã cho rằng ông là một tân Moisen.
Karl Marx nghĩ rằng ông là một Prometheus mới.
Ayn Rand cho mình là một triết gia cao cả nhất lịch sử loài người, sau Aristote. Bà lập luận rằng: “Altruism là căn nguyên của tất cả mọi sự dữ”. Bà muốn rằng trên quan tài của bà phải được trưng bày một dấu hiệu Mỹ kim dài 6 bộ. Khi bà chết bà đã khó lòng kiếm được một người bạn trên thế gian này.
Những kiến trúc sư này có một cái tôi vĩ đại, thế nhưng cũng khó có thể nói rằng họ có những phương sách cụ thể để chữa lành tất cả mọi bệnh hoạn của xã hội.
Tất cả những kiến trúc sư ấy cho rằng họ là thành phần nhân bản gia và là những kẻ giải phóng không cách này thì cách khác. Tuy nhiên, những gì họ giảng dạy đều là chủ nghĩa nhân bản sai lầm vì coi con người hoàn toàn theo một chiều mà thôi.
Bởi vậy, nhiều người có thể lấy làm ngạc nhiên là các tư tưởng gia có quyền lực và gây ảnh hưởng như thế mà lại thấy bản tính con người là một cái gì khó nắm giữ. Chúng ta cũng đang cố gắng, thường với những thành quả thảm khốc, trong việc giải đáp vấn nạn miên viễn “Con người là gì?”
Vấn: Theo ông, trong 23 “kiến trúc sư xây dựng nền văn hóa sự chết” được bàn đến đã tác hại nhiều nhất cho xã hội?
Đáp: Về thiệt hại chết chóc và tác hại đến đời sống của con người trên khắp thế giới thì dẫn đầu và chịu trách nhiệm hơn hết là Karl Marx.
Arthur Schopenhauer là một kiến trúc sư quan trọng vì ông là người đầu tiên coi ý muốn của con người, một ý muốn gian ác và phi lý trí, như yếu tố nồng cốt của thực tại. Ông đã ảnh hưởng rất nhiều trên Friedrich Nietzsche là người đã đặt ý muốn vào cái tôi, và Sigmund Freud đã đặt nó vào “id”. Ayn Rand cũng chịu ảnh hưởng bởi quan niệm về ý muốn nền tảng ấy.
Sartre đã gây được một ảnh hưởng rất nhiều về việc tuyệt đối hóa tự do của con người là những gì cuối cùng dẫn đến thứ triết lý chỉ biết đến “quyền tự quyết”.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 11-12,14/11/2004