GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 1/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.
__________________
NGÀY 16 THỨ HAI |
Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 2 Thường Niên 16/1/2004 về Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn Sứ Điệp Ngày Di Dân và Tị Nạn Thế Giới 16/1/2005
1. Hôm nay Giáo Hội cử hành Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn. Trong sứ điệp tôi viết cho nhân dịp này, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hội nhập của các dân tộc, một cuộc hội nhập cần phải có một sự cân bằng xứng hợp giữa việc tôn trọng căn tính riêng của mình với việc nhìn nhận căn tính của kẻ khác.
Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả mọi người di dân và mong rằng bằng việc đối thoại, các nền văn hóa tăng thêm lòng thiện cảm và thông cảm nhau hơn.
2. Sau Ngày Đối Thoại giữa Do Thái và Kitô giáo quan trọng này, ngày kia, 18/1, sẽ bắt đầu Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo với đề tài “Chúa Kitô, Nền Tảng Duy Nhất của Giáo Hội” (x 1Cor 3:1-23).
Tôi mời gọi hết mọi cộng đồng hãy tỏ ra những cử chỉ cần thiết trong việc gặp gỡ và đối thoại đại kết cũng như trong việc nài xin Thiên Chúa ban tặng ân hiệp nhất trọn vẹn cho tất cả mọi người môn đệ của Chúa Kitô.
3. Chúng ta hãy phó dâng cho Đức Maria những biến cố quan trọng của giáo hội. Chớ gì việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ giúp Kitô hữu được nên một lòng trí (x Acts 4:32) và tất cả mọi dân tộc được đoàn kết hơn trong việc xây dựng một the ágiới an bình.
Thiên Chúa Quan Phòng Toàn Thiện … Tại sao biển động sóng thần Nam Á?
Một trong những vấn đề làm nhiều người không thể hay chưa thể chấp nhận Thiên Chúa, hay thậm chí vì Ngài mà mất đức tin, hoặc bị rối đạo (như phong trào Thần Học Giải Phóng ở Nam Mỹ Châu trong thập niên 1970), đó là vấn đề rất thực tế liên quan nhân sinh, tức vấn đề tại sao sự dữ xẩy ra, nhất là xẩy ra cho những người vô tội, như thành phần thai nhi bị sát hại ngay trong bụng mẹ của mình. Điển hình nhất và hiển nhiên nhất trước mắt toàn thế giới qua phương tiện truyền thông xã hội tân tiến, là biến cố nhân tai 11/9/2001, khi đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công ngay giữa thanh thiên bạch nhật tại chính những địa điểm trọng yếu nhất của mình là trung tâm về kinh tế Tháp Đôi Thương Vụ Thế Giới cũng như về quân sự là Ngũ Giác Đài của mình, một biến cố sát hại 3 ngàn người trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, và biến cố thiên tai biển động đại sóng thần ở Nam Á Châu ngày 26/12/2004, mộït thiên tai đã sát hại trên 150 ngàn người trong vòng một tuần lễ.
Trước những biến cố về nhân tai và thiên tai như thế, thành phần con người còn sống sót, nhất là thành phần thân nhân ruột thịt của nạn nhân trong cuộc tự nhiên cảm thấy có một cái gì đó không ổn nơi niềm tin của mình: Nếu quả thực có Đấng Tối Cao, tại sao lại có sự dữ, và nếu Đấng Tối Cao toàn năng cũng không thể chế ngự được sự dữ thì phải chăng sự dữ cũng là Đấng Tối Cao, theo chiều hướng của Nhị Nguyên Thuyết vốn được chung dân gian đa thần ngày xưa quan niệm, một quan niệm được chủ trương một cách rõ ràng bởi các triết thuyết Manichaeism, Zoroastrianiam, Gnosticism, Taoist v.v.? Tại sao, thành phần theo Thiên Chúa giáo như Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo cũng có thể đặt vấn đề, Thiên Chúa quan phòng toàn thiện lại có thể để xẩy ra những điều quá dữ tợn như thế? Theo tâm lý bình thường thiên về thuyết nhân quả, ác quả ác báo, gây gió gặt bão v.v., cũng như theo niềm tin vào việc thưởng phạt công minh của Thiên Chúa, con người ta sẽ nghĩ rằng, những con người nạn nhân có làm gì nên tội tình gì hay chăng mà Ngài lại ra tay quá mạnh như vậy?
Nếu triết lý thuần túy bị khựng lại ở vấn đề nguồn gốc hiện hữu của mọi hữu thể, nếu khoa học thuần túy (nhất là vật lý học và sinh vật học) bí tắc trước vấn đề nguồn gốc của sự sống, và nếu thần học Kitô giáo vẫn đang tìm câu giải đáp thỏa đáng cho vấn đề nguồn gốc của tội lỗi (tội lỗi từ đâu mà có?), thì khoa luân lý thuần túy cũng vẫn cứ luẩn quẩn trước vấn đề nguồn gốc của sự dữ (tai họa thiên nhiên và nhân tạo) như vậy.
Theo niềm tin Kitô giáo, một niềm tin được dựa vào mạc khải Thần Linh, cả Thánh Kinh Cựu Ước lẫn Tân Ước, thì:
1) Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện không dựng nên sự dữ và không thể nào tạo nên sự dữ (sự dữ đây được hiểu là tội lỗi về luân lý, đau khổ về cả tâm lý lẫn thể lý và chết chóc về thể lý);
2) Sự dữ phát xuất từ tội lỗi của con người, bắt nguồn từ nguyên tội, từ việc con người có tự do đã tự ý chấp nhận sự dữ;
3) Thiên Chúa vô cùng Toàn Thiện và Toàn Năng đã biến sự dữ của con người thành sự lành cho con người, tức đã sử dụng chính sự dữ phát xuất từ con người ấy, một sự dữ được biểu hiệu nơi cây thập tự giá, để cứu độ con người khỏi tội lỗi và sự chết, như Ngài vẫn làm trong Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái thời Cựu Ước, nhất là qua Biến Cố Vượt Qua (Tử Giá và Phục Sinh) của Đấng Thiên Sai là Đức Giêsu Kitô;
4) Nếu nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa Làm Người, nhân tính của con người đã được thần linh hóa thế nào, thì nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Vị Thiên Chúa Làm Người này, sự dữ (là tội lỗi và sự chết gồm tóm tất cả mọi khổ đau của con người) cũng đã được chế ngự như thế;
5) Cho dù sự dữ đã bị chế ngự bởi Biến Cố Vượt Qua của Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô, nhưng vẫn được Thiên Chúa sử dụng (x Rev 20:1-3) như quyền năng cứu độ (x 1Cor 1:18) để hoàn thành công cuộc cứu độ của Ngài nơi lịch sử loài người, khi Chúa Kitô tái giáng trao trả mọi sự về cho Ngài để Ngài là tất cả trong mọi sự (x 1Cor 15:28).
Áp dụng những điều xác tín này vào những tai họa vừa xẩy ra cho nhân loại, điển hình là cuộc khủng bố taná công Hoa Kỳ 11/9/2001 và cuộc biển động sóng thần Nam Á ngày 26/12/2004, chúng ta cần phải cảm nhận như sau:
Về nguyên tắc, Thiên Chúa thực sự chủ động muốn sử dụng sự dữ để làm ích cho nhân loại. Thần học Kitô giáo rất cẩn thận về điểm này. Ở chỗ, thường sử dụng chữ “để”, “để sự dữ xẩy ra”, nghĩa là thái độ “mần ngơ”, thái độ thụ động, chứ không chủ động nhúng tay vào, chủ động sử dụng chính sự dữ, nên tránh cả việc sử dụng chữ “gửi”, “gửi sự dữ đến cho”. Thật ra, như những xác tín đầu tiên trên đây cũng công nhận rằng “Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện không dựng nên sự dữ và không thể nào tạo nên sự dữ”, và “sự dữ phát xuất từ tội lỗi của con người, bắt nguồn từ nguyên tội, từ việc con người có tự do đã tự ý chấp nhận sự dữ”. Tuy nhiên, một khi sự dữ đã xuất hiện như cỏ lùng do kẻ thù của Ngài gây ra (x Mt 13:25,28), Thiên Chúa phải chủ động và tích cực ra tay diệt trừ nó cho con người, bằng cách, nơi Chúa Giêsu Kitô Con Mình, Ngài đã trở thành tội lỗi (x 2Cor 5:21), thành một thứ đồ bị nguyền rủa (x Gal 3:13). Và, chỉ trở thành sự dữ như thế Vị Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và toàn năng mới làm cho con người thấy được sự chết nơi họ và của họ đã được sự sống của Ngài và nơi Ngài nuốt đi (x 1Cor 15:54).
Việc Thiên Chúa chủ động muốn sử dụng sự dữ để làm ích cho chung nhân loại là những gì rất hiển nhiên trong Thánh Kinh. Trước hết là câu Ngài tuyên bố qua miệng Tiên Tri Isaia: “Ta làm nên ánh sáng và tạo ra bóng tối, Ta làm nên phúc hạnh và gây ra khốn nạn” (45:7). Sau nữa, việc Ngài muốn (bằng cách ra lệnh cho) tổ phụ Abraham sát tế đứa con duy nhất của mình là Isaac (x Gen 22:2), trước con mắt của Dân Ngoại, không phải là một điều quái ác hay sao, không phải là một hành động của một vị ác thần, một vị thần linh ăn thịt người hay sao, tìm vinh danh nơi khổ ải và chết chóc của tạo vật? Cả trong việc Ngài truyền lệnh cho vua Saolê sát hại tất cả mọi sự (cả người lẫn vật) của Amalek vì đã cản đường của Dân Chúa cũng không quá tàn ác hay sao (x 1Sam 15:2-3; Ex 17:8)? Trong trận lụt Đại Hồng Thủy, Thiên Chúa Hóa Công “để” cho thiên tai vô tiền khoáng hậu này xẩy ra, hay Ngài cố ý muốn gây ra biến cố ấy để thanh tẩy loài người đã quá băng hoại làm ô uế cả mặt đất (x Gen 6:5-7)?? Nếu bảo rằng Thiên Chúa được quyền dùng tai ương để trừng phạt con người tội lỗi thì phải nói làm sao khi Ngài cố tình bắt chính Người Con vô tội vô cùng thánh thiện của Ngài phải uống cạn chén đắng khổ đau (x Mt 26:39 và Rm 8:32), chứ không phải chỉ “để” thập giá xẩy ra cho Người.
Tuy nhiên, việc Thiên Chúa thực sự chủ động sử dụng sự dữ để làm ích cho nhân loại đây, điển hình là trường hợp tử nạn của Chúa Giêsu Kitô, không phải là Ngài chủ động xui bẩy kẻ dữ làm bậy hay phạm tội. Không. Hoàn toàn không phải là như thế. Ở chỗ này đúng là Ngài “để” cho kẻ dữ làm bậy hay phạm tội tùy theo tự do của họ. Sở dĩ Ngài “để” xẩy ra như thế, trước hết, là vì tự do của con người, thành phần chịu trách nhiệm về hành vi cử chỉ của họ; sau nữa, là vì Ngài thấy rằng Ngài có thể lợi dụng sự dữ do họ gây ra để tạo nên một thiện ích lớn hơn; bằng không, sau hết, nếu sự dữ do con người gây ra không mang lại hay chưa tới lúc mang lại lợi ích hơn ít là cho chính đương sự, thì Đấng làm chủ lịch sử con người như Ngài không để cho những sự dữ ấy xẩy ra, như nơi những vụ tự tử không thành hay những vụ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.
Trong trường hợp tử nạn của Chúa Kitô, thành phần cố tình nhúng tay vào việc giết Con Thiên Chúa, như hầu hết Hội Đồng Do Thái bấy giờ, cũng như thành phần trực tiếp ra tay sát hại Người, như thẩm quyền đế quốc Rôma qua Tổng Trấn Philatô và lực lượng quân đội của họ, đã được Thiên Chúa “để” cho họ phạm đến Con của Ngài, hay cho phép họ thi hành được hành động phạm thượng đáng lẽ họ không làm được (về quyền năng thể lý) và không được làm (về quyền hạn luân lý), bằng cách “để” cho “họ lầm không biết việc mình làm” (Lk 23:34; x Acts 3:17), nhờ đó, chính họ, cũng có thể nhờ chính việc xấu họ làm, nhận ra Chân Lý (x Lk 23:47-48), bằng không, nếu họ biết được mầu nhiệm của Thiên Chúa, họ sẽ không dám làm như họ đã làm (x 1Cor 2:8). Đó là lý do Chúa Kitô đã minh nhiên tuyên bố: “Khi nào Tôi được treo lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo tất cả mọi người lên cùng Tôi” (Jn 12:32). Ôi, Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và thượng trí là dường nào! Ôi, Ngài toàn thiện và toàn năng biết bao!!
Phải, chỉ có một mình Thiên Chúa mới là Đấng duy nhất chẳng những có quyền hạn (right/authority) mà còn có cả quyền năng (power/ability) làm sự dữ để mang lại sự lành thôi. Nếu thấy nhà mình bị hư hại không thể ở được nữa, chẳng lẽ chúng ta không có quyền phá nó đi để xây lại ngôi nhà mới. Cũng thế, việc Thiên Chúa “phá” con người đã bị băng hoại, như Ngài đã làm thời Noe, bằng những sự dữ, như bằng lụt đại hồng thủy vào thời Noe bấy giờ, không phải là việc Ngài làm hại họ, trái lại, là việc Ngài muốn làm và cần làm cho họ nhờ đó được nên tốt hơn, được tái sinh bởi trời (x Jn 3:3). Ngoài ra, bất cứ ai muốn nên ngang hàng với Thiên Chúa hay nên bằng Thiên Chúa (x Gen 3:3-5), trong việc quyết định lành dữ (như việc hợp thức hóa vấn đề hôn nhân đồng tính chẳng hạn), cũng như trong việc biến sự dữ thành sự lành (như trong việc triệt sinh an tử hay tạo sinh sao bản trị liệu chẳng hạn), họ sẽ thấy rằng những gì họ làm chỉ khiến cho chính họ nói riêng và xã hội của họ nói chung dần dần đi đến chỗ hỗn loạn và diệt vong mà thôi, như hiện trạng thế giới văn minh về vật chất (khoa học và kỹ thuật) cũng như về nhân bản (văn hóa và quyền lợi) ngày nay cho thấy.
Chính vì con người văn minh càng ngày càng tội lỗi và băng hoại mà Thiên Chúa đã phải sử dụng đến nhiều sự dữ khủng khiếp, không phải để trừng phạt con người cho bằng để lay tỉnh con người, hay nói một cách dung hòa hơn, để trừng phạt con người cho con người có thể bừng tỉnh. Đó là lý do, trong phần Bí Mật Fatima thứ hai, Mẹ Maria cũng đã nói đến vấn đề tai ương liên quan đến việc trừng phạt của Thiên Chúa để cứu độ con người như sau:
“Các con vừa thấy hỏa ngục, nơi tội nhân khốn nạn rơi xuống. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu những điều Mẹ dạy được thi hành thì nhiều linh hồn được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình. Chiến tranh sắp chấm dứt, nhưng nếu người ta không thôi xúc phạm đến Thiên Chúa, một cuộc chiến khốc liệt hơn sẽ bùng nổ trong đời Đức Piô XI. Khi các con thấy ánh sáng lạ lùng chiếu giữa ban đêm, thì các con hãy biết rằng đó là điềm lạ vĩ đại Thiên Chúa muốn cho các con hay Ngài sắp sửa trừng phạt thế giới tội lỗi, bằng chiến tranh, đói khát và việc bắt bớ Giáo Hội cùng Đức Thánh Cha. Để ngăn ngừa điều này, Mẹ sẽ đến để xin dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ và xin rước lễ đền tạ các ngày Thứ Bảy Đầu Tháng. Nếu người ta nghe lời Ta yêu cầu, Nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hòa bình. Bằng không, Nước Nga sẽ truyền bá lầm lạc khắp thế giới, gây chiến tranh và bách hại Giáo Hội. Nhiều người lành bị giết, Đức Thánh Cha sẽ khổ; nhiều nước sẽ biến mất, nhưng cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ dâng hiến Nước Nga cho Mẹ, Nước Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ được ban cho một thời gian hòa bình”.
Như thế, con người nạn nhân gặp tai ương hoạn nạn về thiên tai hay nhân tai có thể là vì chính tội lỗi của họ, như trường hợp thành Sôđôma và Gômôra trong Cựu Ước (x Gen 18:20-21, 19:4-11,24-25), mà cũng có thể là vật hy sinh cho việc Thiên Chúa được tỏ hiện như trường hợp người mù từ lúc mới sinh (x Jn 9:3), hay như trường hợp Lazarô phải chết đi và nằm trong mồ 4 ngày (x Jn 11:6, 39-44). Chính Chúa Giêsu đã xác nhận lưỡng tính của sự dữ gây ra cho cả người vô tội lẫn có tội, khi Người trả lời cho những kẻ báo tin về vụ một số người Galilê đã bị Tổng Trấn Philatô lấy máu của họ hòa với các lễ tế của họ, như sau: “Quí vị có nghĩ rằng những người Galilê này tội lỗi nhất ở Galilê vì họ phải chịu như thế hay chăng? Không phải đâu! Nhưng Tôi nói cho quí vị nghe là nếu không xám hối tất cả quí vị cũng sẽ phải chịu y như thế thôi. Hay vụ 18 người bị thác Siloe đè chết. Quí vị cho rằng họ là những người tội lỗi hơn các người ở Giêrusalem hay chăng? Chắc chắn không! Thế nhưng, tôi nói cho quí vị hay, nếu quí vị không hoán cải, tất cả quí vị cũng chịu y như thế thôi” (Lk 13:1-5).
Qua câu huấn đáp này, Chúa Giêsu muốn nói rằng, thành phần nạn nhân của vụ nhân tai bị Philatô đổ máu hay của vụ thiên tai bị tháp Siloe đè chết có thể là những người vô tội, nhưng cũng có thể là hình phạt cho ai có tội, cho ai không biết ăn năn hối cải. Qua câu huấn đáp này, Chúa Giêsu còn có ý muốn nói rằng, sự dữ nhân tai hay thiên tai là những gì được Thiên Chúa dùng để cảnh giác con người về đời sống luân lý của họ, nhất là thành phần nghĩ mình công chính hơn người, nghĩ mình không có tội nên không bị tai ương hoạn nạn như thành phần tội lỗi xấu số. Những nạn nhân của thiên tai và nhân tai, nếu là thành phần vô tội thì là vật hy sinh được Chúa dùng để cảnh giác phần rỗi nơi anh chị em đồng loại của họ, (tất nhiên sự hy sinh của họ sẽ được Ngài đền bù cân xứng như trường hợp các Thánh Anh Hài chết thay cho Người được Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại ở đoạn 2 câu 16, chẳng hạn nhờ sự hy sinh vô tội của họ mà nhiều người còn sống sợ chết nghĩ lại sống tốt lành hơn), và nếu nạn nhân may mắn còn sống là thành phần thực sự có tội thì tai ương họ trải qua chính là một thứ hình phạt được Thiên Chúa dùng để cứu độ họ, nếu họ biết nhìn ra dấu chỉ thời đại mà giác ngộ trở về với Ngài, (như trường hợp người nữ ngoại tình bị bắt quả tang nhưng nhờ đó lại gặp được Chúa, một câu truyện trong Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 8 câu 1-11).
Từ những suy tư được căn cứ vào Mạc Khải Thần Linh trên đây, chúng ta cảm nhận được rằng: Qua biến cố nhân tai khủng bố tấn công ngày 11/9/2001 ở Hoa Kỳ, và thiên tai biển động sóng thần ở Nam Á ngày 26/12/2004, Thiên Chúa muốn lay tỉnh loài người càng ngày càng duy vật vô thần hiện đại nhớ rằng: Ngài vẫn còn hiện diện trong lịch sử loài người đấy, chứ chưa có chết như họ tưởng bở đâu, và Ngài là Đấng rất công thẳng, nếu không biết ăn năn thống hối, Ngài sẽ làm hết sức, kể cả bằng các thứ sự dữ do thiên nhiên hay do chính con người gây ra, như khủng bố và chiến tranh, để cho họ nhận biết Ngài mới thôi, chỉ vì Ngài yêu thương họ, muốn họ nhận biết chân lý để được cứu độ.
Tóm lại, vì phần rỗi của loài người, và chính vì phần rỗi của loài người là vấn đề hệ trọng trên hết mọi sự trên thế gian này mà Thiên Chúa toàn thiện và toàn năng vô cùng khôn ngoan làm mọi cách, thậm chí sử dụng cả sự dữ, để cứu độ con người yếu đuối và mù tối vô cùng đáng thương. Đó là lý do, trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu gửi Các Hồn Nhỏ, Chúa Giêsu đã tâm sự với người nữ sứ giả giáo dân biệt danh Magarita ở Bỉ của mình vào ngày 19/12/1973 như sau:
· “Một Thiên Chúa báo oán chỉ là một người Cha tội nghiệp, khi phải trừng phạt con cái mình để buộc chúng phải hồi tâm nghĩ lại”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL