GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 1/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.
__________________
NGÀY 1 THỨ BẢY, NGÀY TÂN NIÊN 2005, LỄ MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA, NGÀY 8 TRONG BÁT NHẬT GIÁNG SINH |
“Không Được Nhân Danh Thiên Chúa Để Sát Hại!”
Cảm hứng theo sứ điệp của ĐTC GPII cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2005
(nhan đề của bài viết này là tiểu đề ở đoạn 6 Sứ Điệp Hòa Bình 2002)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Chiều Hướng của Sứ Điệp Hòa Bình 2005
Kể từ khi Đức Phaolô VI thiết lập Ngày Thế Giới Hòa Bình vào Ngày Lễ Mẹ Thiên Chúa cũng là Ngày Đầu Năm Dương Lịch, đến nay đã được 38 năm. Mỗi năm, tùy theo tình hình thế giới trong năm ngay trước đó, vị Lãnh Đạo tối cao của thế giới Kitô giáo nói chung và của Giáo Hội Công giáo nói riêng, đều gửi cho thế giới một sứ điệp thích thời, để kêu gọi nhân loại nói chung và các vị lãnh đạo chính trị cũng như tôn giáo nói riêng hãy dấn thân thực hiện công lý và hòa bình. Điển hình là sau biến cố khủng bố tấn công Hoa Kỳ ngày 11/9/2001 và sau đó vào ngày Lễ Đức Mẹ Mân Côi 7/10/2001 Hoa Kỳ trả đũa tấn công khủng bố ở A Phú Hãn, Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 35 1/1/2002 là “Hòa bình không thể thiếu công lý, công lý không thể thiếu thứ tha”, một nguyên tắc hòa bình cần phải được ý thức và tuân giữ bởi cả thành phần khủng bố tấn công lẫn thành phần tấn công khủng bố.
Thế rồi, từ đó tới nay, tình hình thế giới càng ngày càng trở nên căng thẳng và trầm trọng hơn, đặc biệt liên quan đến các vụ khủng bố tự sát tấn công, nhất là ở Thánh Địa và ở Iraq trong năm 2004, đó là chưa kể đến những vụ xung đột kịch liệt xẩy ra ở Phi Châu, những tình hình khủng bố và xung đột đẫm máu, (như được chính ĐTC kể đến trong Sứ Điệp Hòa Bình 2005 ở khoản số 4), mà thẩm quyền quốc tế Liên Hiệp Quốc hiện nay hầu như bất lực không thể giải quyết nổi. Phải chăng đó là lý do Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2005 mang tựa đề: “Đừng để sự dữ chế ngự mà hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành”.
Sự dữ, theo Sứ Điệp Hòa Bình 2005 của ĐTC GPII thì sự dữ đây, hiển nhiên nhất, trước hết là hiện tượng bạo lực được thể hiện qua nạn khủng bố và xung đột, như được ĐTC GPII xác nhận trong Sứ Điệp Hòa Bình 2005, ở khoản số 4 như sau:
• “Để đạt được sự thiện hòa bình, cần phải nhìn nhận một cách rõ ràng và ý thức rằng bạo lực là một sự dữ bất khả chấp và không bao giờ nó có thể giải quyết được vấn đề. ‘Bạo lực là một thứ dối trá điêu ngoa, vì nó phản lại sự thật đức tin của chúng ta, sự thật nhân loại của chúng ta. Bạo lực hủy hoại những gì nó cho rằng nó bênh vực, như phẩm giá, sự sống, tự do của con người’ (John Paul II, Homily at Drogheda, Ireland - 29 September 1979, 9: AAS 71 [1979], 1081)”.
Tuy nhiên, theo Thánh Âu Quốc Tinh chủ trương về sự dữ nói chung, và về tự ái thái quá nói riêng trong cuốn Thiên Đô (XIV:28), thì tự bản chất sự dữ là hiện tượng thiếu hụt sự thiện. Theo ý nghĩa về sự dữ được vị Đại Thánh Giáo Phụ Tiến Sĩ này chủ trương như thế, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Sứ Điệp Hòa Bình 2005, ở khoản số 2, đã định nghĩa về sự dữ như thế này:
• “Ở tầm mức sâu xa nhất của mình, sự dữ là việc loại bỏ một cách đáng tiếc những đòi hỏi của yêu thương Trái lại, sự thiện luân lý xuất phát từ yêu thương, cho thấy mình là yêu thương và hướng về yêu thương”.
Tóm lại, theo Sứ Điệp Hòa Bình 2005 (SĐHB 2005) của ĐTC GPII thì sự dữ đây là tất cả những gì phản lại với sự thiện, với yêu thương, và cần phải được chế ngự hay thắng vượt bằng sự thiện, bằng yêu thương mà thôi:
• “Không một con người nam hay nữ thiện tâm nào có thể loại trừ cuộc chiến đấu chế ngự sự dữ bằng sự lành. Cuộc chiến đấu này chỉ có thể chiến đấu một cách hiệu nghiệm với vũ khí yêu thương mà thôi. Khi sự lành chế ngự sự dữ thì tình yêu thắng thế và ở đâu có yêu thương là ở đấy có hòa bình” (SĐHB 2005: 12).
Theo tự nhiên, đúng hơn, theo luật mắt đền mắt răng đền răng thì khó lòng mà có thể chấp nhận được nguyên tắc luân lý này, chứ chưa nói đến vấn đề áp dụng nguyên tắc ấy. Bởi vì, theo tâm lý, nhất là của thành phần nạn nhân, người ta thường nghĩ rằng, nếu nhượng bộ thì sự dữ sẽ càng ngày càng gia tăng, càng lên mặt, càng thừa thắng xông lên. Bởi đó, cần phải ra tay sớm bao nhiêu có thể, mạnh bao nhiêu có thể, thậm chí bất chấp thủ đoạn, dù dữ dội nhất và tàn bạo nhất, hơn cả sự dữ gây sự để có thể và mới có thể ít là ngăn chặn nó, nếu chưa thể hoàn toàn tiêu diệt nó. Trong Sứ Điệp Hòa Bình 2002 (SĐHB 2002), ĐTC GPII đã công nhận là “Tha thứ… dầu sao… cũng là một sứ điệp nghịch thường”, thế nhưng, ngài vẫn cương quyết xác tín nguyên tắc Hòa Bình chân thực bất khả thiếu được ngài lấy làm đề tài cho Sứ Điệp Hòa Bình 35 này là “Hòa bình không thể thiếu công lý, công lý không thể thiếu thứ tha”:
• “Thật vậy, thứ tha bao giờ cũng bao gồm một hình thức thua thiệt ngắn hạn để cho một lợi lộc dài hạn thật sự. Bạo lực thì hoàn toàn ngược lại; chọn làm một việc bề ngoài có lợi ngắn hạn lại bao hàm cả một mất mát thực sự và vĩnh viễn. Thứ tha là việc xem ra có vẻ hèn yếu, song nó lại đòi phải có một sức mạnh về tinh thần cao cả cũng như phải có một tấm lòng can đảm về luân lý, cả hai điều này cần phải có trong việc thực hiện thứ tha cũng như trong việc chấp nhận được tha thứ” (SĐHB 2002:10).
Cũng thế, trong Sứ Điệp Hòa Bình 2005, ĐTC GPII vẫn tin tưởng kêu gọi loài người thực hiện một thái độ cao cả anh hùng hầu như bất khả thực hiện, nhưng lại hoàn toàn xứng với thân phận làm người của họ, đó là “Đừng để sự dữ chế ngự mà hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành”, ở khoản số 11 như sau:
• “Đối diện với nhiều tình trạng thể thảm đang xẩy ra trên thế giới ấy, Kitô hữu khiêm tốn tin tưởng tuyên xưng rằng chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể giúp cho cá nhân con người cũng như cho các dân tộc thắng vượt được sự dữ và chiếm hữu được sự lành. Bằng cuộc tử nạn và phục sinh của mình, Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta và đã chuộc lại chúng ta ‘bằng giá cao’ (1Cor 6:20, 7:23), chiếm lấy phần rỗi cho tất cả mọi người. Với sự giúp đỡ của Người, hết mọi người mới có thể thắng được sự dữ bằng sự lành…. Cho dù ‘mầu nhiệm lỗi lầm’ (2Thes 2:7) có hiện diện và năng động trên thế giới này, chúng ta cũng không được quên rằng nhân loại được cứu chuộc có khả năng chống lại mầu nhiệm tội lỗi. Mỗi một tín hữu, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Kitô cứu chuộc, ‘Đấng một cách nào đó liên kết mình với mỗi một con người’ (Second Vatican Ecumenical Council, Pastoral Constitution Gaudium et Spes, 22), có thể cộng tác vào việc chiến thắng này của sự thiện”.(xin xem tiếp ngày mai)
Cảm Nghiệm của nữ tài tử đóng vai chị thánh Bernadette
Nữ tài tử Hoa Kỳ, Sydney Penny, 17 năm về trước được đặc biệt chọn diễn lại cuộc đời của chị Bernadette. Theo tin của Zenit tung ra hôm Lễ Giáng Sinh 25/12/2004, thì hiện nay, cuốn phim “Bernadette” về cuộc đời và những lần Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức lần đầu tiên được phổ biến cho khán giả ở Hoa Kỳ qua DVD, cũng do nữ tài tử này trình diễn.
Màn điện toán Zenit trước đây, 5/2003, đã phỏng vấn cô đào Lindsay Younce, một tài tử trẻ đóng vai chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, về việc làm sao để diễn đạt một vị thánh và làm sao để Thánh Têrêsa có thể tác động khán giả qua cuốn phim này, và được nữ tài tử này cho biết: “Ngày nay, nữ giới được bảo rằng họ cần phải nhìn và tác hành làm sao để đẹp mắt, mà không cần phải làm hài lòng thần trí. Tôi nghĩ rằng sứ điệp của chị Têrêsa và mẫu gương của chị đã đạt đến mức độ tuổi tác thấy được rằng ‘vẻ đẹp từ bên trong mà có’”.
Ở đây cũng thế, nữ tài tử Sydney Penny đóng vai chị Thánh Bernadette cũng bày tỏ lý do tại sao cô cảm thấy cô được chị thánh này thu hút, việc đóng phim làm cho cô bị cảm kích và sứ điệp của chị thánh vẫn còn giá trị tới ngày nay.
Vấn: Tại sao cô đồng ý đóng vai chính trong hai cuốn phim này?
Đáp: Là một diễn viên thì đây là một cơ hội lạ lùng cho tôi được đóng một vai như thế và được đạo diễn bởi một trong những vị nổi tiếng nhất của Pháp.
Là một con người, tôi cũng muốn được trở thành một phần của những gì muốn chân tình diễn tả một câu chuyện tuyệt vời, câu chuyện về cách thức mà một người nữ trẻ trung, thất học, không được dạy dỗ về giáo lý, nghèo nàn và bệnh tật, chỉ cần có một tấm lòng sẵn sàng học biết sự thật. Và sự thất đó đã dẫn người nữ trẻ trung này vượt qua nghịch cảnh, cô đơn, tranh biện, bệnh hoạn thậm chí ngay cả cho tới giờ lâm chung của mình.
Vấn: Việc đóng vai vị thánh này phải chăng đã tác động tâm linh của cô?
Đáp: Tôi chẳng biết gì về Bernadette Soubirou trước khi tôi nhận được bản thảo. Ấn tượng của tôi thoạt tiên có chỉ là việc chị là một cô con gái trẻ trung, xuất thân từ một gia đình nghèo nàn nhưng được trở thành nổi tiếng nhờ những thị kiến được thấy “Đức Bà mặc Áo Trắng” hiện ra.
Khi tôi bắt đầu hiểu thêm về chị, tôi mới khám phá ra rằng chị cũng giống như rất nhiều giới trẻ ở vào tuổi tiên (teen), cũng vụng về, gặp khó khăn trong việc học hành, và cố gắng gánh chịu những áp lực của gia đình mình, để rồi sau đó lại bị áp lực của cuộc đời.
Tính chất chân thực và khiêm nhượng của chị đã làm tôi cảm kích, và cái đánh động tôi nhất về mặt tâm linh đó là ý tưởng đơn giản như thế này: có một sứ điệp cho mỗi người trong chúng ta, chỉ khi nào chúng ta lắng tai nghe mà thôi.
Vấn: Cô đã từng đến Nevers để thấy thi thể còn nguyên của chị Bernadette chưa?
Đáp: Chúng tôi đã quay cuốn phim “La Passion de Bernadette” nơi tu viện chị đã sống suốt cuộc đời của chị ở Nevers, Pháp quốc. Các nữ tu ở đó nói về chị Bernadette như thể chị vẫn còn sống giữa họ, mà thực sự là như thế một cách nào đó.
Chị Bernadette được chôn táng và cải táng 3 lần trong tiến trình phong thánh. Mỗi lần được cải táng thì chị đều còn y nguyên như lần trước, không bị hư hoại gì cả. Người ta mới quyết định làm một cái quan tài bằng kính để thi thể của chị trong đó và đặt trên cung thánh là nơi chị hiện nay yên nghỉ.Rất là cảm động khi nhìn thấy chị, rất nhỏ nhắn và yếu mềm; và có lẽ đó là lần duy nhất mà một diễn viên được diện kiến nhân vật lịch sử họ được thủ vai trình diễn.
Vấn: Cô có biết rằng phim “Bernadette” là mộỉt phim chính thức hằng ngày được chiếu tại đền thánh mẫu Lộ Đức hay chăng?
Đáp: Tôi biết “Bernadette” là cuốn phim chính thức được chiếu ở Lộ Đức. Ông Jean Delannoy đã quyết định thực hiện một cuốn phim có tính cách xác đáng về lịch sử, hoàn toàn không lệch lạc trong câu truyện. Hiển nhiên là cuốn phim này cần phải có tính cách kịch nghệ, thế nhưng câu truyện này đã đủ sức tác động mà không cần phải thay đổi nó một cách tùy tiện như vẫn xẩy ra trước đây.
Tôi sung sướng được là một phần của những gì kéo dài và hy vọng soi chiếu cùng tác động những ai viếng thăm Lộ Đức.Vấn: Cô đã nhận được những phản ứng ra sao nơi thế giới điện ảnh về việc đóng vai Thánh Bernadette của cô?
Đáp: Báo chí Pháp quốc chú ý tới rất nhiều, nhất là vì Jean Delannoy đạo diễn cuốn phim này – ở vào lứa tuổi bát tuần của ông bấy giờ – cũng như vì một nữ tài tử người Mỹ đóng vai một vị thánh Pháp quốc. Thế nhưng, thế giới điện ảnh chỉ hơi để ý tới cuốn phim này cho tới lúc này đây, 17 năm sau, khi mà kỹ nghệ này miễn cưỡng phải công nhận rằng con người cần đến những câu truyện đánh động tâm hồn họ cũng như những câu truyện tiêu khiển.
Nói chung, thế giới điện ảnh không tỏ thái độ tích cực đối với cuốn phim này bằng giọng điệu đề cao tôn giáo hay giọng điệu đề cao tính cách linh thiêng, vì nó được coi là những gì tùy ý nghĩ, hay một hãng nào đó không muốn tỏ ra gắn bó với một tôn giáo nào đó đến độ loại trừ các tôn giáo khác là những gì có thể phạm đến thành phần đi xem chớp bóng.
Vả lại, những phim loại này thường cũng thiếu tính cách tinh xảo về kỹ thuật; câu truyện là những gì duy nhất tác động của cuốn phim. Việc thành công mới đây của Mel Gibson với cuốn phim “Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô” thực sự đã thay đổi được nhận định nơi thế giới điện ảnh.
Vấn: Cô có phải là người Công giáo hay chăng?
Đáp: Tôi không phải là người Công giáo. Tôi là một Kitô hữu, một người Tin Lành và tôi bao giờ cũng là một học sinh ham học về tôn giáo, tất cả mọi tôn giáo, vì tôi tin rằng sự thật tỏ ra cho tất cả chúng ta nếu chúng ta muốn biết nó và lắng nghe nó.
Kinh nguyện và các thứ lễ nghi diễn tả tôn giáo có thể là khác nhau nhưng Sự Thật là những gì phổ quát.Vấn: Cô nghĩ sao về câu truyện Lộ Đức cũng như về Thánh Bernadette?
Đáp: Câu truyện về Bernadette và Lộ Đức hầu như là những gì không thể nào tin nổi khi chúng ta sống ở thời điểm tân tiến này. Thế nhưng nhiều điều cả thể và không thể nào tin tưởng nổi vẫn xẩy ra hằng ngày – chúng ta vốn quen thói phân tích chúng như những gì tầm thường chẳng đáng kể.
Câu truyện của Bernadette là một biểu hiệu của niềm hy vọng, một mẫu gương có mãnh lực giúp cho đức tin của một con người có thể sống trên thế gian này.
Vấn: Cô nghĩ thế nào về thành phần khán giả tân tiến ngày nay, họ có cảm thấy lợi ích qua việc xem một cuốn phim như phim về Thánh Bernadette và những lần hiện ra của Trinh Nữ Maria ở Lộ Đức này hay chăng?
Đáp: Nhân đức khiêm nhượng và giá trị của lòng chân thành là những gì vượt thời gian. Bernadette đã nói về những gì chị đã thấy là một bà mặc áo trắng, thế thôi, và đức tin ở nơi cái thuần túy này, cái đơn giản ấy.
Chúng ta đôi khi làm cho mình bị vướng vào những vấn đề về tri thức, về siêu hình. Có những lúc quí vị chỉ cần tin tưởng và tin nhận thôi.
Vấn: Bernadette cần phải nói gì với giới trẻ ngày nay?
Đáp: Chính Bernadette có lẽ không cần phải được khuyên bảo, vì chị thâm tín rằng chị chẳng biết gì cả! Cần phải nhớ rằng ngay cả khi chúng ta nỗ lực trong cuộc sống của mình cũng như trong nghề nghiệp của mình, thì những thành đạt của chúng ta là phản ảnh các tặng ân chúng ta lãnh nhận bởi Chúa mà thôi; chính chúng ta không thể làm gì được hết.
Vấn: Quan niệm của cô về Thánh Bernadette đã thay đổi cô ra sao sau khi cô hoàn tất hai cuốn phim này?
Đáp: Tôi nghĩ rằng tôi biết được một nữ nhi Bernadette, một con người Bernadette, vị đã gặp khó khăn thử thách và hoạn nạn hơn hầu hết những ai đã từng trải qua, nào bệnh nạn, nghèo khổ, là đối tượng của một cuộc đại tranh luận, nhưng đã vượt qua tất cả bằng việc kiên trì với những niềm xác tín của mình. Và chị đã khám phá ra một đại kho tàng thiêng liêng nơi tâm can của chị là những gì chị đã theo tiến trình truyền đạt cho thế giới.
Vấn: Tại sao cô nghĩ rằng hiện nay đang có một cuộc phục hồi về việc hào hứng đối với những cuốn phim quá thiên về chủ đề linh thiêng?
Đáp: Tôi chỉ nghĩ rằng con người thèm khát được liên hệ với những gì cao cả lớn lao hơn họ. Thế giới hậu tân tiến, trần thế, nhân bản của chúng ta đây đã hạ giá chiều kích thiêng liêng của con người, mà thực sự là không thể nhìn bất cứ sự gì bằng một thứ vi kính hay lượng số.
Trong một thế giới muốn biết nhiều hơn, chúng ta đã bị mất đi kiến thức về bản thân chúng ta là gì, về lý do tại sao chúng ta ở đây – không phải làm sao chúng ta lại ở đây mà là tại sao chúng ta sống cuộc đời và chúng ta sống cuộc đời ra sao mới là vấn đề quan trọng.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu của Zenit phổ biến ngày 25/12/2004
ĐTC GPII: Chiêm Ngưỡng Mầu Nhiệm Lời Nhập Thể Giáng Sinh Làm Người (Tuần Bát Nhật Giáng Sinh: ngày 8)
Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại là Chúa Giêsu Kitô, trung tâm điểm của lịch sử
"Chúng ta, một cách nào đó, cũng đang ở trong một Mùa Vọng mới, một mùa đợi trông: 'Xưa kia, bằng nhiều thể nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các vị tiên tri; nhưng trong những ngày sau hết này Ngài đã nói với chúng ta qua Người Con...' (Heb 1:1-2), Người Con đó là Lời của Ngài, Đấng làm người, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria. Hành động cứu chuộc này đã đánh dấu một điểm son nơi lịch sử loài người trong dự án yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại, và như là một con người, Ngài đã trở nên một người đi làm lịch sử này (an actor in that history), một người trong muôn ngàn triệu triệu con người, song đồng thời cũng Chuyên Biệt (Unique)! Qua việc Nhập Thể, Thiên Chúa đã ban cho sự sống con người một chiều kích mà Ngài đã định ban cho con người ngay từ ban đầu: Ngài đã ban cho họ chiều kích này một cách dứt khoát - bằng một đường lối dành riêng cho một mình Ngài mà thôi, hợp với tình yêu và lòng thương vĩnh hằng của Ngài, hợp với niềm tự do của Thiên Chúa - và Ngài đã cũng ban nó bằng một lòng bao dung để chúng ta, khi xét đến nguyên tội và suốt giòng lịch sử tội lỗi của nhân loại, cũng như xét đến những lầm lẫn của trí khôn con người, ý muốn và con tim của mình, có thể bồi hồi lập lại những lời của phụng vụ thánh: 'Ôi lỗi lầm diễm phúc (happy fault)... đã làm cho chúng ta được một Đấng Cứu Chuộc cao cả như vậy' (Tụng ca Lễ Vọng Phục Sinh)..." (đoạn 1).
"Thập giá trên đồi Canvê mà Chúa Giêsu Kitô - một Con Người, Con của Trinh Nữ Maria, được nghĩ là con của Giuse Nazarét - 'để lại' cho thế giới này, cũng là một biểu hiện mới mẻ về tình phụ tử đời đời của Thiên Chúa, Đấng mà trong Người, một lần nữa, đến gần nhân loại, gần với mỗi một con người, khi ban cho Người 'Thần chân lý' (Jn16:13) ba lần thánh.
"Việc mạc khải này của Cha và việc tuôn đổ Thánh Linh để đóng một niêm ấn không phai nhòa trên mầu nhiệm cứu chuộc đã nói lên ý nghĩa của cây thập giá và cái chết của Đức Kitô. Vị Thiên Chúa của việc tạo dựng được mạc khải như là một Vị Thiên Chúa của việc cứu chuộc, như Vị Thiên Chúa 'trung tín với chính mình' (1Thes 5:24), cũng như trung tín với tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại và thế gian, một tình yêu Ngài đã mạc khải vào ngày tạo dựng. Tình yêu của Ngài là một tình yêu không rút lui trước bất cứ một cái gì đòi Ngài phải dùng đến phép công thẳng. Bởi thế, 'vì chúng ta, (Thiên Chúa) đã làm cho Người (Con) là Đấng không biết đến tội lỗi thành tội lỗi' (2Cor 5:21; x.Gal 3:13). Nếu Người 'thành tội lỗi', Người là Đấng không bao giờ có một tội lỗi nào, thì tỏ ra rằng tình yêu luôn luôn cao trọng hơn tất cả tạo vật, một tình yêu là chính Mình Người, vì 'Thiên Chúa là tình yêu' (Jn 4:8,16). Trên tất cả mọi sự, tình yêu vĩ đại hơn cả tội lỗi, hơn cả yếu đuối, hơn cả 'tình trạng hư hoại của tạo vật' (Rm 8:20); nó mạnh hơn cả sự chết; nó là một tình yêu luôn luôn sẵn sàng để nâng cao và tha thứ, luôn luôn sẵn sàng để đi gặp người con hoang đàng (x.Lk 15:11-32), luôn luôn mong đợi 'cuộc thể hiện của con cái Thiên Chúa' (Rm 8:18) là thành phần được kêu gọi 'đến vinh quang sẽ được tỏ hiện' (Thánh Tomas tiến sĩ). Việc mạc khải của tình yêu này cũng được diễn tả như mạc khải của lòng thương xót; và trong lịch sử của con người, mạc khải của tình yêu và lòng thương xót này đã mặc một hình thức và mang một danh hiệu: đó là Giêsu Kitô" (đoạn 9)
"Con người không thể nào sống mà không yêu thương. Họ mãi là một hữu thể không hiểu được mình, đời sống của họ vô nghĩa, nếu tình yêu không tỏ hiện cho họ thấy, nếu họ không gặp gỡ tình yêu, nếu họ không cảm nghiệm được nó và làm cho nó thành của mình, nếu họ không mật thiết liên kết với nó. Đó là, như đã nói đến, lý do tại sao Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc 'hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính con người họ'. Nếu chúng ta cần diễn tả, thì đây là chiều kích nhân loại của mầu nhiệm của việc cứu chuộc. Trong chiều kích này, con người, một lần nữa, tìm được sự cao cả, phẩm vị và giá trị thuộc về nhân tính của họ. Nơi mầu nhiệm của việc cứu chuộc, con người được 'thể hiện' một cách mới mẻ, và, một cách nào đó, được tạo dựng một cách mới mẻ. Con người được tạo dựng một cách mới mẻ! 'Không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ; vì anh em tất cả là một trong Đức Giêsu Kitô' (Gal 3:28). Con người muốn hiểu mình hoàn toàn - không chỉ hợp với những tiêu chuẩn và mức độ trực tiếp, bán phần, thường nông cạn, hay ảo tưởng về hữu thể mình - họ phải đến gần Chúa Kitô, với nỗi khắc khoải và lo âu của họ, cả với nỗi yếu đuối và tội lỗi của họ, với sự sống và cái chết của họ. Như thế, họ phải vào trong Người với tất cả cái tôi riêng của họ, họ phải 'thích hợp' và đồng hóa với toàn thể thực tại của mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc để tìm thấy chính mình. Nếu tiến trình sâu xa này xẩy ra nơi họ, thì họ mới sinh hoa trái, chẳng những nơi việc tôn thờ Thiên Chúa, mà còn nơi cả sự bỡ ngỡ lạ lùng về mình nữa. Con người qúi hóa là chừng nào trước mắt của Hóa Công, khi họ 'được một Đấng Cứu Chuộc cao cả như vậy' (tụng ca Lễ Vọng Phục Sinh), và khi Thiên Chúa 'đã ban Con duy nhất của mình' để con người 'không phải chết nhưng được sự sống đời đời' (Jn 3:16).
"Trong thực tế, danh hiệu làm chúng ta bỡ ngỡ lạ lùng ở nơi giá trị và phẩm vị của con người đó là Phúc Âm, nghĩa là: Tin Mừng. Nó cũng được gọi là Kitô giáo. Sự bỡ ngỡ lạ lùng này, còn là một niềm xác tín và chân thực - nơi những gốc rễ sâu xa nhất của nó, nó cũng là sự chân thực của đức tin, song trong một đường lối kín đáo và huyền nhiệm, nó làm sống động mọi phương diện nhân bản đích thực - gắn liền với Chúa Kitô. Nó cũng sửa lại vị thế của Chúa Kitô - tức quyền lợi công dân riêng biệt của Người - trong lịch sử của con người (man) và của nhân loại (mankind)..." (đoạn 10).
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần)