GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 23/6/2005

NGÀY THÁNH THỂ

 

1) Cử Hành Thánh Thể: Phần Phụng Vụ Lời Chúa - Tại Sao Phụng Vụ Lời Chúa trước Phụng Vụ Thánh Thể? Làm sao để nắm bắt được Ý Nghĩa Lời Chúa theo Phụng Vụ

2) Đức Thánh Cha Biển Đức XVI "Vị Giáo Hoàng cho Một Tân Âu Châu" (tiếp)

3) ĐTC Gioan Phaolô II: Vị Giáo Hoàng Đẩy Mạnh Chiến Dịch Hủy Bỏ Án Tử Hình (tiếp)

 

Cử Hành Thánh Thể: Phần Phụng Vụ Lời Chúa - Tại Sao Phụng Vụ Lời Chúa trước Phụng Vụ Thánh Thể? Làm sao để nắm bắt được Ý Nghĩa Lời Chúa theo Phụng Vụ

Tại Sao Phụng Vụ Lời Chúa trước Phụng Vụ Thánh Thể?

Tại sao có phần Lời Chúa và tại sao phần Lời Chúa lại ở trước phần Thánh Thể? Bởi vì đó là truyền thống ngay từ ban đầu của Giáo Hội, như được Sách Tông Vụ thuật lại ở đoạn 2 câu 42 thế này: “Họ chuyên chú lắng nghe những lời hướng dẫn của các vị tông đồ và đời sống chung, chuyên chú vào việc bẻ bánh và nguyện cầu”. “Những lời hướng dẫn của các vị tông đồ” đây có thể được coi là phần Lời Chúa, vì bấy giờ các sách Phúc Âm và Thư Thánh Phaolô như chúng ta vẫn nghe đọc trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hiện nay chưa có, bởi thế, “những lời hướng dẫn của các vị tông đồ” là thành phần chứng nhân tiên khởi, là Thánh Truyền của Giáo Hội đã chứa đựng Lời Chúa và truyền đạt Lời Chúa cho cộng đồng Kitô hữu sơ khai vậy. Còn việc “bẻ bánh” đây chính là tác động biểu hiệu cho Thánh Thể.

Chính Chúa Kitô Phục Sinh cũng đã thực hiện hai phần Lời Chúa và Thánh Thể này với hai môn đệ về làng Emmau chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần, khi Người đã dẫn giải Thánh Kinh cho họ nghe trên đường đi, và sau đó mới tỏ mình ra cho họ bằng việc “bẻ bánh” khi ngồi vào bàn dùng bữa với họ (x Lk 24:25-31). Và chính nhờ những lời Người nói với các vị trên đường đi, những lời làm cho lòng các vị “cảm thấy nóng lên”, các vị mới có thể “nhận ra Người” khi Người Bẻ Bánh.

Thật vậy, phần Lời Chúa là phần để sửa soạn cho chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể. Bởi vì, nếu chúng ta không chấp nhận Lời Chúa, như thành phần môn đệ bỏ đi sau khi nghe xong bài giảng về Bánh Hằng Sống (x Jn 6:60,66), thì làm sao chúng ta có thể chấp nhận Thánh Thể của Người, có thể tin rằng Bánh Người ban là chính thịt của Người và phải ăn thịt của Người mới được sự sống (x Jn 6:51), và một khi đã không tin tưởng, không chấp nhận Lời Người, chúng ta cũng sẽ không đời nào lên rước lấy Người.

Ngoài ra, chính Lời Chúa còn có tác dụng thanh tẩy nữa (x Jn 15:3), vì Lời Chúa như “ánh sáng sự sống” (Jn 8:12) xua tan bóng tối tội lỗi và sự chết trong tâm hồn của chúng ta. Hơn nữa, Lời Chúa giúp chúng ta nhận biết Người, một nhận biết là yếu tố bất khả thiếu và tối quan trọng trong việc nhận lãnh Người trong Bí Tích Thánh Thể.

Chính vì tính cách cao trọng và thánh hóa của Lời Chúa trong Phụng Vụ Thánh Thể như thế mà Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’ Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”, đã tái nhắc nhở việc công bố các bài đọc và giảng dạy trong phần Phụng Vụ Lời Chúa như sau:

• “Cần phải chấm dứt những việc thực hiện bị bác bỏ mà vị Linh Mục, Phó Tế hay tín hữu đó đây tự ý thay đổi các bài đọc Phụng Vụ Thánh họ có trách nhiệm phải loan báo. Vì làm như thế là họ khiến cho việc cử hành Phụng Vụ Thánh bị sai lệch, và thường làm hư hoại ý nghĩa chân thực của Phụng Vụ”. (khoản số 59)

• “Trong việc chọn những bài đọc thánh kinh cho việc loan báo khi cử hành Thánh Lễ, cần phải theo các qui tắc nơi các sách phụng vụ (Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, nn. 356-362), nhờ đó mới có được ‘một bàn tiệc lời Chúa dồi dào cùng với kho tàng thánh kinh cống hiến cho tín hữu’ (Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Constitution on the Sacred Liturgy, Sacrosanctum Concilium, n. 51)”. (khoản số 61)

• “Cũng không được phép bỏ qua hay thay thế những bài đọc thánh kinh được qui định theo sáng kiến riêng của ai, nhất là ‘thay thế các bài đọc và bài Đáp Ca là những gì chứa đựng lời Chúa bằng những bài đọc khác không phải là thánh kinh’ (Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 57; cf. Pope John Paul II, Apostolic Letter, Vicesimus quintus annus, n. 13: AAS 81 [1989] p. 910; Congregation for the Doctrine of the Faith, Declaration, Dominus Iesus, on the unicity and salvific universality of Jesus Christ and the Church, 6 August 2000: AAS 92 [2000] pp. 742-765)”. (khoản số 62)

• “Trong khi cử hành Phụng Vụ Thánh, việc đọc Phúc Âm là ‘cao điểm của phần Phụng Vụ Lời Chúa’ (Missale Romanum, General Instruction, n. 60) được Giáo Hội giành cho thừa tác viên có chức thánh (Cf. ibidem, nn. 59-60). Thế nên giáo dân, ngay cả tu sĩ, cũng không được phép công bố bài Phúc Âm khi cử hành Thánh Lễ, hay ở cả những trường hợp khác không được rõ ràng qui định (Cf., e.g., Rituale Romanum, ex decreto sacrosancti Oecumenici Concilii Vaticani II renovatum, auctoritate Pauli Pp. VI editum Ioannis Pauli Pp. II cura recognitum: Ordo celebrandi Matrimonium, editio typica altera, 19 March 1990, Typis Polyglottis Vaticanis 1991, n. 125; Roman Ritual, renewed by decree of the Second Vatican Ecumenical Council and promulgated by authority of Pope Paul VI: Order for Anointing of the Sick and for their Pastoral Care, editio typica, 7 December 1972, Vatican Polyglot Press, 1972, n. 72)”. (khoản số 63)

• “Bài giảng được chia sẻ trong khi cử hành Thánh Lễ và là một phần của chính Phụng Vụ (Cf. Code of Canon Law, can 767.1) ‘bình thường thuộc về trách nhiệm của chính vị Linh Mục chủ tế. Ngài có thể ủy thác việc ấy cho vị Linh Mục đồng tế, và tùy hoàn cảnh cho một vị Phó Tế, nhưng không bao giờ cho một giáo dân (Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 66; cf. also the Code of Canon Law, can. 6.1, 2; also can. 767.1, regarding which other noteworthy prescriptions may be found in Congregation for the Clergy et al., Instruction, Ecclesiae de mysterio, Practical Provisions, art. 3.1: AAS 89 [1997] p. 865). Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, bài giảng có thể được trao cho một vị Giám Mục hay Linh Mục hiện diện trong việc cử hành song không đồng tế’ (Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 66; cf. also the Code of Canon Law, can 767.1)”. (khoản số 64)

• “Cần phải nhớ rằng bất cứ qui tắc nào trước đây cho phép thành phần tín hữu không có chức thánh giảng trong khi cử hành thánh thể đều bị qui tắc khoản giáo luật 767.1 coi như bãi bỏ (Cf. Congregation for the Clergy et al., Instruction, Ecclesiae de mysterio, Practical Provisions, art. 3.1: AAS 89 [1997] p. 865; cf. also the Code of Canon Law, can. 6.1, 2; Pontifical Commission for the Authentic Interpretation of the Code of Canon Law, Response to dubium, 20 June 1987: AAS 79 [1987] p. 1249). Việc thực hành này bị bác bỏ để không còn hiệu lực theo tục lệ nữa”. (khoản số 65)

• “Việc cấm không cho thành phần giáo dân giảng trong Thánh Lễ cũng áp dụng vào trường hợp chủng sinh, các sinh viên theo phân khoa thần học, và những ai đóng vai trò như là ‘những phụ tá viên mục vụ’; cũng không có luật trừ cho bất cứ hạng giáo dân, phái nhóm hay cộng đồng hoặc hiệp hội nào (Cf. Congregation for the Clergy et al., Instruction, Ecclesiae de mysterio, Practical Provisions, art. 3.1: AAS 89 (1997) pp. 864-865)”. (khoản số 66)

• “Phải đặc biệt chú ý để làm sao bài giảng được đặt nặng vào các mầu nhiệm cứu độ, diễn giải các mầu nhiệm Đức Tin và các qui tắc sống đời Kitô hữu theo các bài đọc thánh kinh cũng như các bản văn phụng vụ trong suốt cả phụng niên, và dẫn giải về các bài đọc của Mùa Thường Niên hay Mùa Thích Hợp của Thánh Lễ, hoặc dẫn giải về một số lễ nghi khác của Giáo Hội (Cf. Ecumenical Council of Trent, Session XXII, 17 September 1562, on the Most Holy Sacrifice of the Mass, Chapter 8: DS 1749; Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 65). Cần phải ý thức rằng tất cả mọi điều giải thích về Sách Thánh đều phải được qui về chính Chúa Kitô như Đấng là mấu chốt của toàn thể công cuộc cứu độ, mặc dù điều này cần phải thực hiện theo ý nghĩa của trường hợp đặc biệt cho việc cử hành phụng vụ. Cần phải chú trọng trong việc giảng giải để ánh sáng của Chúa Kitô chiếu giãi chiếu tỏ vào những biến cố của cuộc sống. Để được như thế, cần phải làm sao để không làm lu mờ lời chân thực và nguyên tuyền của Chúa: chẳng hạn chỉ nói đến vấn đề chính trị hay những vấn đề tục hóa, hoặc trích dẫn những quan niệm phát xuất từ các trào lưu ngụy giáo hiện thời (Cf. Pope John Paul II, Allocution to a number of Bishops from the United States of America who had come to Rome for a visit “ad Limina Apostolorum”, 28 May 1993, n. 2: AAS 86 (1994) p. 330)”. (khoản số 67)

Làm sao để nắm bắt được Ý Nghĩa Lời Chúa theo Phụng Vụ

Và cũng chính vì tầm vóc rất quan trọng của phần Phụng Vụ Lời Chúa như thế, chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về ý nghĩa Phụng Vụ Lời Chúa qua các bài đọc cho từng ngày, từng tuần và từng mùa, được Giáo Hội cố ý chọn lựa và sắp xếp theo ý nghĩa phụng vụ, một ý nghĩa hoàn toàn phản ảnh Mầu Nhiệm Chúa Kitô là cốt lõi của phụng niên và được tỏ hiện qua phụng niên.

Phải, nhờ Lời Chúa mà "mầu nhiệm Chúa Kitô" được hiện thực trong Phụng Vụ và được tái diễn theo Phụng Niên thế nào, thì Lời Chúa cũng làm cho Mầu Nhiệm Yêu Thương hiện thực và tái diễn nơi con người của Kitô hữu như vậy. Đó là lý do người Kitô hữu phải tìm hiểu Lời Chúa, nhất là Lời Chúa theo Chu Kỳ Phụng Vụ đã được Mẹ Thánh Giáo Hội cẩn thận tuyển lựa và kỹ lưỡng sắp xếp để có thể phản ảnh "mầu nhiệm Chúa Kitô", Đấng "luôn ở cùng (Giáo Hội) cho đến tận thế" (Mt.28:20):

• "Mẹ Thánh Giáo Hội ý thức rằng Giáo Hội phải cử hành công cuộc cứu chuộc của Phu Quân mình, bằng việc sốt sắng tưởng niệm công cuộc này vào những ngày nhất định suốt cả năm. Mỗi tuần, vào ngày mà Giáo Hội gọi là Ngày của Chúa, Giáo Hội kỷ niệm việc Chúa sống lại, một việc Giáo Hội cũng cử hành mỗi năm một lần, cùng với Cuộc Vượt Qua thánh của Người, long trọng trong Mùa Phục Sinh.

• "Hơn thế nữa, trong chu kỳ một năm, Giáo Hội còn giãi bày trọn vẹn mầu nhiệm của Chúa Kitô, từ khi Người nhập thể, giáng sinh cho đến khi thăng thiên, rồi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và niềm trông mong hy vọng hồng phúc về việc Chúa tái giáng.

• "Tưởng nhớ những mầu nhiệm cứu chuộc như vậy, Giáo Hội mở ra cho tín hữu các kho tàng quyền năng và công nghiệp Chúa của mình, để những mầu nhiệm này, một cách nào đó, được hiện thực qua mọi thời đại, ngỏ hầu tín hữu nhờ thấu hiểu mà được đầy ơn cứu rỗi".

(Hiến Chế Tín Lý Phụng Vụ Thánh "Sacrosanctum Concilium" – HC SC, khoản số 102)


Thế nhưng, làm sao Kitô hữu có thể "nhờ thấu hiểu mà được đầy ơn cứu rỗi", nếu họ không thấu triệt Lời Chúa theo Chu Kỳ Phụng Vụ. Chúa Kitô chẳng những hiện diện một cách Bí Tích trong Phụng Vụ Thánh Thể mà còn hiện diện một cách Thần Linh trong cả Phụng Vụ Lời Chúa nữa (x. HC SC trên, số 7). Bởi thế, nghiên cứu kỹ lưỡng sự chọn lựa cũng như cách sắp xếp có chủ ý và hết sức cẩn thận của Giáo Hội nơi bản tổng kê toàn bộ Lời Chúa theo Chu Kỳ Phụng Niên, được đúc kết ở trang 20-30 trong bài Nhập Đề này, có 3 yếu tố cần phải lưu ý như sau:

Yếu tố thứ nhất là tính cách liên tục của Bài Đọc Phúc Âm. Vì "trọn vẹn mầu nhiệm của Chúa Kitô" được giãi bày chính yếu nơi Phúc Âm. Bởi thế, Chu Kỳ Phụng Vụ mới được chia làm 3 Năm A, B và C theo bộ 3 Phúc Âm Nhất Lãm bao gồm Phúc Âm thánh Mathêu, Marcô và Luca. Và các Bài Đọc Phúc Âm, nhất là trong Mùa Quanh Năm, được sắp xếp liên tục nhau, sau đó mới tới Bài Đọc Tân Ước, cũng có tính cách liên tục nhưng liên tục hợp với Bài Đọc Phúc Âm mà thôi, trong khi đó, các Bài Đọc Cựu Ước hầu như không có tính cách liên tục gì hết, hoàn toàn được chọn để làm sao cho hợp với Bài Đọc Phúc Âm.

Yếu tố thứ hai là tính cách phụ thuộc và liên hệ của cả Bài Đọc Cựu Ước cũng như Bài Đọc Tân Ước đối với Bài Đọc Phúc Âm. Bài Đọc Cựu Ước, mặc dầu hầu như không có tính cách liên tục, song lại được đặt làm Bài Đọc Một. Bởi vì, tự bản chất, Cựu Ước là phần Mạc Khải qui về Phúc Âm (x.Lk.24:44) và ám chỉ Chúa Kitô (x.Jn.5:39), nội dung của toàn bộ Mạc Khải, chủ đề của chính Lời Chúa. Bài Đọc Tân Ước là Bài Đọc Hai, vì có tính cách liên tục và gần gũi với Phúc Âm hơn Bài Đọc Một, nên được đặt ngay trước Bài Đọc Phúc Âm, như để "loan báo Tin Mừng" (Mk.16:15): "Nước Thiên Chúa đã đến, hãy ăn năn hối cải và tin vào Phúc Âm" (Mk.1:15).

Yếu tố thứ ba là ý nghĩa của cả 3 Bài Đọc, được chọn theo sự liên tục hay chính yếu của Bài Đọc Phúc Âm, nên phải có cùng một nội dung để ăn khớp với toàn bộ chủ đề Bài Đọc của riêng Mùa Phụng Vụ cũng như của chung Phụng Niên. Bài Đọc Phúc Âm là Bài Đọc chính yếu để giãi bày "mầu nhiệm Chúa Kitô" mà ý nghĩa của cả 3 Bài Đọc chẳng những phải ăn khớp với nhau mỗi tuần, mà còn phải ăn khớp với Bài Đọc của các tuần khác trong cùng một Mùa Phụng Vụ. Chưa hết, các Bài Đọc của Mùa Phụng Vụ này còn phải ăn khớp với các Mùa Phụng Vụ khác, cũng như với toàn thể ý nghĩa Phụng Niên. Nghĩa là mỗi Bài Đọc, cũng như tất cả mọi Bài Đọc, trong từng Mùa Phụng Vụ cũng như trong toàn thể Phụng Niên, phải làm sao để cùng nhau diễn đạt được Dự Án Cứu Rỗi tối hậu mà Thiên Chúa đã Mạc Khải cho loài người nơi Đức Kitô trong lịch sử của họ.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL 

 TOP

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI "Vị Giáo Hoàng cho Một Tân Âu Châu"

 

(Tiếp Thứ Tư 22)

 

Phải chăng hai điểm chính yếu được đề cập đến trong bài viết trên đây đã không được thể hiện ngay danh hiệu Biển Đức của vị tân giáo hoàng. Giáo Hoàng Biển Đức XV, một vị giáo hoàng đã dẫn dắt Giáo Hội 8 năm (1914-1922), vào thời Thế Chiến Thứ I, và theo lịch sử nhận định thì ngài có công gầy dựng hai vị giáo hoàng kế vị ngài là Giáo Hoàng Piô XI (1922-1939) và Giáo Hoàng Piô XII (1939-1958): Đức Ông Ratti (sau làm Giáo Hoàng Piô XI) được ngài sai sang Balan làm việc 3 năm, và Đức Eugenio Pacelli (sau làm Giáo Hoàng Piô XII) được ngài sai sang Đức làm khâm sứ tòa thánh ở Munich. Không biết vị tân giáo hoàng thứ 265 của chúng ta có ý chọn danh hiệu giáo hoàng Biển Đức XVI là để tưởng nhớ đến vị giáo hoàng Biển Đức XV đã có cônng gay dựng hai vị giáo hoàng thay ngài, một liên quan tới Balan là quê hương của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng như tới Balan là quê hương của chính vị tân giáo hoàng 265 này hay chăng?

 

Riêng tên Biển Đức là tên của vị Thánh Lập Dòng Khổ Tu Biển Đức từ thế kỷ thứ sáu. Sau khi thánh nhân qua đời năm (480-547), thì vào năm 574 đã có vị giáo hoàng lấy tên ngài làm danh hiệu giáo hoàng, đó là Giáo Hoàng Biển Đức I (574-578/579). Theo lịch sử Giáo Hội nói riêng và lịch sử Âu Châu nói chung (cũng là lịch sử thế giới), thì Dòng của vị thánh được phong làm quan thày của cả Âu Châu này đã góp công rất nhiều vào việc hình thành và phát triển văn hóa Âu Châu ngay từ đầu. Có một điều trùng hợp nữa là, có một vị nữ tu dòng Kín Carmêlô người Đức gốc Do Thái là Teresa Benedicta Thánh Giá, một nữ tu bị Đức Quốc Xã sát hại và đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong thánh ngày 11/10/1998 và được tuyên phong làm quan thày Âu Châu cùng với hai v ị Thánh Nữ khác là Thánh Nữ Brigita Thụy Điển và Catarina Sienna Ý quốc ngày 1/10/1999.

 

Thật vậy, về điểm thứ nhất, vị giáo hoàng vẫn ở Âu Châu, đó là vị tân giáo hoàng người Đức, nguyên hồng y Joseph Ratzinger, tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Về điểm thứ hai, sở dĩ vị tân giáo hoàng vẫn còn là người Âu Châu vì vị tân giáo hoàng có liên hệ tới vận mệnh Âu Châu, điểm này đã được tỏ hiện ngay nơi danh hiệu giáo hoàng của ngài, một danh hiệu đã làm cho mọi người ngỡ ngàng, một danh hiệu quả thực có liên hệ đến Âu Châu, như được chính ngài minh định trong buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 27/4/2005 cách đây hai hôm như sau. Ngài nói:

 

“Danh hiệu Biển Đức ngoài ra còn gợi lên cho thấy một hình ảnh nổi bật về vị đại ‘tổ phụ đan viện tu tây phương’, đó là Thánh Biển Đức ở Nursia, vị đồng quan thày Âu Châu với thánh Cyrilô và Methôđiô. Việc mau chóng phát triển Dòng Biển Đức được ngài sáng lập đã gây tác dụng lớn lao cho việc truyền bá Kitô giáo khắp lục địa Âu Châu. Đó là lý do Thánh Biển Đức đã được tôn kính rất nhiều ở Đức quốc, nhất là ở Bavaria, miền đất nguyên quán của tôi; ngài thiết lập một cứ điểm nồng cốt cho việc hiệp nhất Âu Châu và mãnh liệt kêu gọi trở về với những cội nguồn Kitô giáo của văn hóa và văn minh Âu Châu”.

 

Về điểm thứ ba trong bài viết được đề cập đến trên đây, tôi còn nói vị tân giáo hoàng thiên về đời sống nội tâm và nhấn mạnh đến việc sống nội tâm, nguyên văn những lời tôi viết như sau:

 

 “Ngoài ra, cũng theo chiều hướng diễn tiến lịch sử, chúng ta cũng có thể suy đoán như thế này. Nếu chiều hướng của vị giáo hoàng quá cố là ‘thả lưới ở chỗ nước sâu - duc in altum’, một chiều hướng ngài phác họa cho cả Giáo Hội vào thời điểm trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba Kitô giáo, như Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ ban hành vào Ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2001 để bế mạc Đại Năm Thánh 2000, thì vị giáo hoàng thay ngài phải là vị giáo hoàng nội tâm hơn hoạt động, đau khổ nhiều hơn thành đạt”.

 

Đúng thế, danh hiệu Giáo Hoàng Biển Đức XVI của vị tân giáo hoàng 265 của Giáo Hội đã cho thấy ngài hướng về vị thánh tổ phụ của đan viện khổ tu, và kêu gọi sống nội tâm, như chính ngài đã kêu gọi cũng trong bài huấn dụ cho buổi triều kiến chung hôm Thứ Tư trên đây:

 

“Chúng ta biết lời huấn dụ được Vị Tổ Phụ của đan viện tu Tây Phương này để lại cho thành phần đan sĩ của mình đó là ‘Tuyêt đối không coi gì hơn Chúa Kitô’ (Luật Dòng 72:11; 4:21). Vào lúc mở đầu cho việc tôi phục vụ như vị Thừa Kế Thánh Phêrô, tôi xin Thánh Biển Đức hãy giúp chúng ta biết cương quyết lấy Chúa Kitô làm tâm điểm của đời sống chúng ta. Chớ gì Người bao giờ cũng là những gì trên hết trong tâm tưởng cũng như trong tất cả mọi hoạt động của chúng ta!”

 

Ngoài ra, cũng theo chiều hướng nội tâm này, vị tân giáo hoàng đã minh định là ngài sẽ tiếp tục đường lối 'duc in altum' (thả lưới ở chỗ nước sâu) của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của mình, như ngài đã nói trong cùng bài huấn từ cho buổi triều kiến chung trên đây thế này:

 

"Tôi cảm mến nghĩ lại vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của mình, vị chúng ta đã mắc nợ một di sản thiêng liêng đặc biệt. Ngài đã viết trong tông thứ 'Vào Lúc Mở Màn Cho Một Thiên Niên Kỷ' rằng 'Các cộng đồng Kitô hữu chúng ta cần phải trở thành một học đường cầu nguyện, nơi cuộc gặp gỡ Chúa Kitô được thể hiện chẳng những ở chỗ nài xin ơn giúp đỡ mà còn ở chỗ tạ ơn, chúc tụng, tôn thờ, chiêm ngưỡng, lắng nghe và sùng mộ, cho đến khi tâm hồn thực sự say yêu’ (số 33).

 

"Chính ngài đã tìm cách thực hiện những ý định đó này bằng cách cống hiến các buổi giáo lý Thứ Tư vào thời gian cuối cùng để dẫn giải về các bài Thánh Vịnh cho giờ kinh phụng vụ ban mai và chiều tối. Như ngài đã làm khi mở màn cho giáo triều của ngài, lúc ngài muốn tiếp tục những bài chia sẻ được khởi xướng bởi vị Tiền Nhiệm của ngài về các nhân đức Kitô giáo (x 'Insegnamenti di Giovanni Paolo II', I [1978], tr. 60-63), tôi cũng có ý thực hiện vào các buổi triều kiến hằng tuần tới đây việc dẫn giải đã được Đức Gioan Phaolô II dọn cho phần thứ hai của các Bài Thánh Vịnh và Ca Vịnh thuộc Giờ Kinh Phụng Vụ Chiều Tối. Từ Thứ Tư tuần tới, tôi sẽ bắt đầu vào chính bài giáo lý của ngài đã bị gián đoạn sau buổi triều kiến chung 26/1/2005".

 

Đối với tôi, sau khi thấy được 3 ba điểm suy đoán này đã xẩy ra đúng với vị tân giáo hoàng, tôi thấy ngài quả thực là một “dấu chỉ thời đại”, với những sự kiện sau đây liên quan đến nước Đức của ngài nói riêng và đến biến cố sắp đến của Giáo Hội diễn ra tại quê hương của ngài nói chung.

 

Trước hết, về phương diện tôn giáo, nước Đức của ngài, theo lịch sử, là một nước phát xuất ra phong trào Thệ Phản Tin Lành từ tiền bán thế kỷ 16, với linh mục dòng Âu Quốc Tinh tên là Martin Luthêrô năm 1519. Bởi thế, phải chăng vị giáo hoàng 265 người Đức của Giáo Hội Công Giáo này là một “dấu chỉ thời đại”, vì ngài quả thực đã minh nhiên chủ trương đặt ưu tiên hàng đầu cho giáo triều của ngài là Hiệp Nhất Kitô giáo?

 

Sau nữa, về phương diện chính trị, nước Đức của ngài, cũng theo lịch sử, là một nước gây ra hai Thế Chiến I và II trong tiền bán thế kỷ 20, và Bức Tường Bá Linh sau Thế Chiến Thứ Hai ở nước của ngài là biểu tượng cho tinh thần chia rẽ Âu Châu. Như thế, phải chăng vị tân giáo hoàng thay thế Đức Gioan Phaolô II là “một dấu chỉ thời đại”, vì ngài quả thực lấy danh hiệu giáo hoàng hết sức lạ lùng là Biển Đức, vị thánh quan thày của Âu Châu và là vị thánh liên quan đến văn hóa chung của Âu Châu?

 

Sau hết, về biến cố của Giáo Hội liên quan đến chính quốc gia của vị tân giáo hoàng người Đức này là Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XX tại Cologne vào trung tuần tháng 8/2005. Phải chăng Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX tại Đức quốc này cũng là một “dấu chỉ thời đại”? Bởi vì, tại sao Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần XX này không ở một nước nào khác, như ở Á Căn Đình năm 1987, ở Tây Ban Nha năm 1989, ở Balan năm 1991, ở Mỹ năm 1993, ở Phi Luật Tân năm 1995, ở Pháp năm 1997, ở Rôma năm 2000, ở Gia Nã Đại năm 2003, mà cho tới năm 2005 là năm có vị tân giáo hoàng người Đức mới diễn ra, mà diễn ra với chính sự hiện diện của vị giáo hoàng bản quốc này, vì ngài đã hứa sẽ đến với ngày này.

 

Theo tôi, nếu chuyến về Balan đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II vào tháng 6/1979, như lịch sử chứng thực, là một biến cố quyết liệt đã đưa đến Biến Cố Đông Âu sụp đổ đúng 10 năm sau đó, thì biết đâu chuyến về quê hương lần đầu tiên vào tháng 8/2005 này của vị giáo hoàng người Đức cũng có một tác dụng làm cho Âu Châu thực sự trở thành một Khối Hiệp Nhất như vậy. Nếu Công Đoàn Liên Đới ở Balan là một lực lượng bất bạo động đã làm sụp đổ cả Khối Đông Âu thế nào, thì chỉ cần Khối Liên Hiệp Thế Giới Lutherô ở Đức Quốc, một tổ chức đã chính thức ký kết với Giáo Hội Công Giáo Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa ngày 31/10/1999, công khai trở về với Giáo Hội Công Giáo, các cộng đoàn giáo hội Kitô giáo Tây phương khác cũng theo nhau trở về với Giáo Hội Công Giáo.

 

“Gió muốn thổi đâu thì thổi” (Jn 3:8). Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội và cho riêng vị tân giáo hoàng của chúng ta, để chờ đợi thấy được những gì Vị Chủ Tể Lịch Sử làm việc qua người tôi tớ được Ngài tuyển chọn với danh hiệu Biển Đức XVI.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL (trích tác phẩm "Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Vị Giáo Hoàng của Hiệp Nhất Kitô Giáo và Cho Một Tân Âu Châu")

 

TOP

 

ĐTC Gioan Phaolô II: Vị Giáo Hoàng Đẩy Mạnh Chiến Dịch Hủy Bỏ Án Tử Hình

 

(Tiếp Thứ Ba 21Thứ Tư 22)
 

“‘Một dấu hiệu hy vọng đó là việc càng ngày càng nhìn nhận rằng phẩm vị của sự sống con người không bao giờ được lấy đi, cho dù áp dụng cho trường hợp của con người đã gây ra một sự dữ cả thể. Xã hội tân tiến có cách bảo vệ mình mà không cần phải vĩnh viễn khước từ thành phần gây ra tội ác cơ hội hoán cải. Tôi xin lập lại lời kêu gọi tôi mới thực hiện vào dịp Lễ Giáng Sinh về vấn đề cùng nhau chấm dứt án tử hình là những gì tác ác và không cần thiết’...

 

“Bất cứ ai có mạng sống bị triệt tiêu trong phòng hơi ngạt, bằng việc treo cổ hay bằng việc chích thuốc cho chết hoặc bằng một đội binh bắn vào họ, đều là một người trong chúng ta, một con người, một người anh chị em, cho dù các hành động của họ có tán ác và phi nhân đến mấy đi nữa.

 

“Hoạt động tội ác đòi phải được trừng phạt một cách hiệu nghiệm. Thế nhưng, không có chứng cớ nào cho thấy một cách dứt khoát quyết liệt cho niềm tin tưởng rằng án tử hình là những gì làm giảm bớt cơ hội phạm các tội ác nặng nề cả. Việc khai thác cảm giác sợ hãi hay bất an của dân chúng không phải là những gì có thể thay thế cho chứng cớ ấy được. Tội ác sẽ được chế ngự một cách đầy ý nghĩa bằng những chính sách tổng quan về vấn đề giáo dục luân lý, về hoạt động hiệu năng của cảnh sát, cũng như bằng cách giải quyết những căn nguyên sâu xa gây ra tội ác. Hình phạt cần phải bảo đảm và cân xứng với tội ác, thế nhưng nó cũng cần phải qui hướng về việc phục hồi tội nhân trở thành một phần tử xây dựng xã hội bao nhiêu có thể.

 

“Vào lúc rạng đông của một tân thiên kỷ này thật là phúc đức nếu nhân loại càng trở nên nhân bản hơn và ít tàn ác hơn. Ở vào cuối một thế kỷ đã từng chứng kiến thấy những cuộc thảm sát không thể tượng tượng nổi phạm đến phẩm vị của con người và các quyền lợi bất khả vi phạm của họ, thì việc nghiêm chỉnh cứu xét đến vấn đề hủy bỏ án tử hình sẽ là một việc đáng kể cho nhân loại vậy”.

 

Ngày 11/2/2000, Đức ông Jean Luois Tauran của Tòa Thánh đã trình bày về “Việc bênh vực sự sống liên quan tới các chính sách và qui tắc quốc tế”, trong đó, ngài đã đề cập tới Hội Nghị Dân Số ở Cairô 1994 và Hội Nghị Nữ Giới ở Bắc Kinh 1995 đối với vấn đề sự sống, một vấn đề bao gồm nhiều khía cạnh như phá thai, tạo sinh sao bản (cloning), triệt sinh an tử (euthanasia hay mercy killing) và án tử hình (death penalty hay capital punishment). Sau đây là phần mở đầu và tiếp theo là phần riêng về vấn đề án tử hình liên quan đến diễn tiến trên thế giới về vấn đề này:

 

“Việc kiểm điểm lại vấn đề tiến bộ trong cuộc tranh luận ở lãnh vực quốc tế trên 5 năm qua là những gì cho thấy rõ ràng Bức Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống Evangelium Vitae hợp thời biết bao. Bức thông điệp này là thẩm quyền về chủ trương của Giáo Hội đối với một loạt những đe dọa hiểm nghèo cho sự sống con người, nhất là vào lúc khởi đầu và vào lúc kết thúc nó, những thứ đe dọa giờ đây mặc lấy một hình thức mới khi chúng tìm cách để được nhìn nhận là những thứ quyền lợi. Thật thế, trong những năm sau khi ban hành Bức Thông Điệp này, những lúc cốt yếu nhất của sự sống con người, cũng như việc truyền đạt sự sống, đã từng được trình bày một cách chưa từng thấy, chẳng những ở việc nghiên cứu khoa học, mà còn ở cả việc hình thành các qui chế và việc thiết lập các phương tiện pháp lý quốc tế.

 

“Như đã rõ, những chủ trương liên quan tới án tử hình theo truyền thống đã không đồng nhất, ở chỗ, trong khi có một số Quốc gia có lý coi việc hủy bỏ án tử là những gì cần thiết để thiết lập nguyên tắc cho ý hướng pháp lý tân tiến, còn những quốc gia khác lại coi nó như là một biện pháp chế ngự hữu hiệu… Ở Hội Đồng Âu Châu, văn kiện Protocol No. 6 to the European Convention on Human Rights, Concerning the Death Penalty, ngày 28/4/1984, đã tuyên bố ở khoản đầu tiên là “án tử hình bị hủy bỏ. Không ai có thể bị kết án tử hình này hay bị xứ quyết tử hình”… Ở Âu Châu, khuynh hướng này đã phát triển mạnh: đó là vào Tháng 10/1994, Hội Đồng Quốc Hội của Hội Đồng Âu Châu đã chấp thuận Khuyến Dụ kêu gọi việc hoàn toàn hủy bỏ án tử hình ở tất cả mọi quốc gia phần tử, khi đa số bác bỏ một điều tu chính giành quyền cho các Quốc gia hành sử những trường hợp bội phản và tình báo. Một khuynh hướng tương tự cũng xuất phát trong Khối Hiệp Nhất Âu Châu: đó là vào Tháng 3/1992, Quốc Hội Âu Châu đã chấp thuận quyết nghị kêu gọi hủy bỏ án tử hình ở hết mọi quốc gia trên thế giới.

 

“Vào tháng 6/1995, tức sau khi Bức Thông Điệp này được ban hành, thì Quốc Hội Âu Châu đã xin Hiệp Chủng Quốc hãy hủy bỏ việc áp dụng án tử hình. Vào tháng 5/1999, Quốc Hội ở Strasbourg lại yêu cầu vấn đề này cần phải được bao gồm trong nghị sự của Tổng Hội Đồng LHQ tới.

 

“Phản ứng ở cấp LHQ đã tỏ ra đáng chú ý. Vào tháng 5/1996, chưa đầy 1 năm sau khi bức Thông Điệp này ban hành, Khóa Họp Thứ Năm của Ủy Ban LHQ về Vấn Đề Ngăn Ngừa Tội Ác và Công Lý Tội Phạm đã bàn đến vấn đề ấy, và Bản Tường Trình của Vị Tổng Thư Ký LHQ đã giành hẳn một phần để bàn đến chủ trương của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống. Trong Nhóm Làm Việc về vấn đề (thứ ba) này, nước Áo, cùng với Đức và Ý, đã trình bày một quyết nghị bị các quốc gia Hồi giáo chống lại, những quốc gia coi nó là vấn đề của thần luật, cũng như từ các quốc gia khác như Tunisia và Nhật Bản. Vấn đề cuối cùng được dung hòa và được chấp thuận như một quyết nghị ‘ghi nhận tiến trình liên tục hướng tới việc loại bỏ trên toàn thế giới án tử hình’. Tuy nhiên, bản dự thảo của việc đình chỉ án tử hình, được trình bày cho Tổng Hội Đồng vào tháng 11/1999, đã bị hoãn lại trước sự chống đối mãnh liệt của nhiều quốc gia.

 

“Cần phải nói tới là các Tòa Án Quốc Tế xử nước Rwanda và nước Yugoslavia trước kia đã không thực hiện những điều khoản tử hình nào cả. Đặc biệt là trường hợp ở Rwanda: nơi xứ sở Phi Châu này, thành phần bị tố cáo phải chịu án tử hình nhưng không phải chịu nữa nếu họ bị Tòa Án Quốc Tế cho là có tội. Hội Nghị Ngoại Giao ở Rôma, một hội nghị đã thiết lập Tòa Án Tội Phạm Quốc Tế, đã không ra án tử trong danh sách các thứ hình phạt của mình”.

 

Ngày 21/6/2001, Tòa Thánh đã đọc Bản Tuyên Ngôn của mình cho Hội Nghị Thế Giới đầu tiên về Án Tử Hình ở Strasbourg Pháp quốc như sau:

 

“Tòa Thánh đã liên lỉ tìm cách hủy bỏ án tử hình và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đích thân kêu gọi cho bất kỳ người nào vào nhiều trường hợp để những án như thể được giảm thành một hình phạt nhẹ hơn là thứ hình phạt cống hiến cho tội nhân thời gian và cơ hội để hoán cải, cống hiến hy vọng cho thành phần vô tội và cống hiến việc an toàn cho phúc hạnh của chính xã hội dân sự cũng như của những ai không có quyền chọn lựa lại dính dáng chặt chẽ tới số phận của những kẻ bị lãnh án tử.

 

“Vị Giáo Hoàng này hết sức tha thiết hy vọng và nguyện cầu để việc đình chỉ trên toàn thế giới này có thể trở thành một trong những thiện ích về tinh thần lẫn luân lý cho Đại Năm Thánh được ngài công bố là Năm 2000, nhờ đó rạng đông của Đệ Tam Thiên Kỷ sẽ được muôn đời tưởng nhớ đến như là thời điểm then chốt trong lịch sử, khi cộng đồng chư quốc cuối cùng nhận ra rằng giờ đây họ có được một phương tiện để tự vệ mà không cần phải sử dụng những thứ hình phạt ‘tàn ác và không cần thiết’ nữa. Niềm hy vọng này vẫn mãnh liệt song chưa trọn, tuy nhiên cũng đang có dấu hiệu phấn khởi trong việc càng ngày người ta càng nhận thức hơn là ‘đã đến lúc cần phải hủy bỏ án tử hình’ rồi.

 

“Chắc chắn là càng cần hơn nữa phẩm vị bất khả tách biệt của sự sống con người là những gì phải được tôn trọng một cách phổ quát và được nhìn nhận giá trị khôn sánh của nó. Tòa Thánh đã dấn thân theo đuổi việc hủy bỏ án tử hình là một phần trọn vẹn của vấn đề bênh vực sự sống con người ở mọi giai đoạn phát triển của nó, nhờ đó để triệt hạ bất cứ chủ trương văn hóa sự chết nào.

 

“Nếu án tử là dấu hiệu của nỗi tuyệt vọng, thì xã hội dân sự được mời gọi để tỏ ra tin tưởng vào một thứ công lý cứu lấy niềm hy vọng khỏi bị hủy diệt bởi những thứ sự dữ đang săn bắt thế giới chúng ta. Việc hủy hoại toàn cầu án tử hình sẽ là một việc can đảm tái khẳng định niềm tin rằng nhân loại có thể thành công trong vấn đề đương đầu với tội ác cũng như tái khẳng định rằng chúng ta không thể nào thất vọng trước những thứ quyền lực, nhờ đó tái sinh niềm hy vọng mới nơi chính loài người của chúng ta”.

 

Vào ngày 13/4/2003, Lễ Lá, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh là Angelo Sodano đã đại diện Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, theo ý của ngài, để gửi đến Tổng Thống Cuba Fidel Castro một bức thư với ý tưởng chính như sau:

 

“Đức Thánh Cha rất đau lòng khi biết rằng nhiều công dân Cuba mới đây đã bị những bản án nặng nề, bao gồm cả án tử hình giành cho một số trong họ.

 

“Trước những vấn đề này, Đức Thánh Cha đã trao cho tôi việc xin Ngài hãy thực hiện một cử chỉ xót thương đầy ý nghĩa đối với thành phần bị kết án, chắc chắn việc ân xá này sẽ là những gì góp phần vào bầu khí thoải mái hơn và phúc thiện hơn cho nhân dân Cuba”

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL (trích tác phẩm "Đức Gioan Phaolô II: Sống là Chúa Kitô - Chết là Vinh Thắng")

 TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ