GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 26/6/2005, CN XIII QUANH NĂM |
1) Cử Hành Thánh Thể: Phần Phụng Vụ Lời Chúa - Làm sao để nắm bắt được Ý Nghĩa Lời Chúa theo Phụng Vụ
3) Đức Gioan Phaolô II: Hiện Thân của Lòng Từ Ái Thứ Tha
Cử Hành Thánh Thể: Phần Phụng Vụ Lời Chúa - Làm sao để nắm bắt được Ý Nghĩa Lời Chúa theo Phụng Vụ
(Tiếp Thứ Năm 23)
Dựa vào ba yếu tố nồng cốt trên đây về Chu Kỳ
Lời Chúa của Phụng Niên, muốn dễ dàng "hiểu thấu" Lời Chúa "là Thần Linh" được
công bố để "giãi bày trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô", việc thực nghiệm Lời Chúa "là
Sự Sống" có thể theo phương pháp diễn dịch, một tiến trình đi từ tổng quát đến
chi tiết, từ lý thuyết đến thực hành, theo thứ tự như sau:
1. Ý thức lại thực tại chủ yếu của Phụng Vụ Thánh: Đó là toàn diện Dự Án Cứu Rỗi
của Thiên Chúa đã Mạc Khải nơi Chúa Giêsu Kitô;
2. Tưởng nhớ lại nội dung của Mùa Phụng Vụ: Đó là diễn tiến Công Cuộc Cứu Rỗi
của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô;
3. Tìm hiểu ý nghĩa Bài Đọc Phúc Âm được dọn cho Chúa Nhật của từng Mùa Phụng Vụ;
4. Khám phá nơi Bài Đọc Cựu Ước những ám chỉ hay qui hướng về ý nghĩa của Bài
Đọc Phúc Âm;
5. Tìm kiếm nơi Đọc Bài Tân Ước những dẫn giải hay huấn dụ về ý nghĩa của Bài
Đọc Phúc Âm;
6. So sánh chủ đề của cả 3 Bài Đọc mỗi tuần với chủ đề của các tuần trước nó và
sau nó, xem chúng có thực sự liên kết với nhau chặt chẽ đúng như ý nghĩa chung
của cả Mùa Phụng Vụ cũng như của toàn thể Phụng Niên hay chăng;
7. Đối chiếu cuộc sống Kitô hữu của mình xem nó đã thực sự phản ảnh chủ đề của
cả 3 Bài Đọc chưa, từ đó, đưa ra quyết định thực tế để có thể sống một đời sống
Phụng Sự, một đời sống "ở lại trong tình yêu của Thày", cho Lời Chúa "trổ sinh
muôn vàn hoa trái" nơi con người của mình, và cho "trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô"
được tái diễn sống động trong cuộc đời của mình.
Vậy, trước khi thực sự đi vào phần Phụng Vụ Lời Chúa của từng Phụng Mùa cũng như
của cả Phụng Niên, nên ý thức lại cho vững vàng và rõ ràng Dự Án Cứu Rỗi của
Thiên Chúa cũng như Công Cuộc Cứu Rỗi của Thiên Chúa.
1. Dự Án Cứu Rỗi của Thiên Chúa là thông ban Sự Sống Thần Linh của Ngài cho
chung "mọi tạo vật" (Mk.16:15' Rom.8:19), cách riêng cho "tất cả mọi người"
(Mt.20:28' 1Tm.2:4): "Cho tất cả được nên một ... như Chúng Ta là một"
(Jn.17:21-22), "để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự" (1Cor.15:28). Thế nhưng,
để hoàn tất Dự Án Cứu Rỗi này của Mình, Thiên Chúa đã phải thực hiện Công Cuộc
Cứu Rỗi của Ngài trong lịch sử loài người, đó là Thiên Chúa đã tự Mạc Khải Bản
Thân Ngài cũng như Dự Án Cứu Rỗi của Ngài ra cho loài người "trong Đức Giêsu
Kitô" (Eph.1:9), để "ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền trở nên con
Thiên Chúa" (Jn.1:12) mà được "sự sống đời đời" (Jn.3:16'17:3).
2. Công Cuộc Cứu Rỗi của Thiên Chúa là "dự án mà Ngài đã lấy làm ưng ý ấn định
trong Đức Giêsu Kitô, được thực hiện khi thời gian viên trọn" (Eph.1:10) và "khi
đến thời điểm ấn định" (Gal.4:4). Là Mạc Khải của Thiên Chúa "trong thời sau hết
này" (Heb.1:2), Đức Giêsu Kitô quả thật đã được Thiên Chúa "đặt làm thừa tự của
mọi sự... (và) là hiện thân đích thực của Bản Thể Cha" (Heb.1:3): "Nơi Đức Kitô
sự viên mãn của thần tính thể hiện một cách thể lý, mà anh em được chia sẻ sự
viên mãn này với Người" (Col.2:9).
Trên thực tế và theo thời gian, trước hết, Chúa Kitô là "Sự Sống đã tỏ hiện cho
chúng ta" (1Jn.1:2), qua biến cố Giáng Sinh của Người' sau đó, Người là Sự Sống
Thông Ban khi "thí mạng sống rồi lấy lại" (Jn.10:17), qua biến cố Tử Nạn và Phục
Sinh của Người' sau hết, Người là Sự Sống Tái Sinh, từ lúc "Người thổi hơi trên
các Tông Đồ mà nói 'Hãy nhận lấy Thánh Linh'" (Jn.20:22), Đấng sẽ làm chứng về
Người qua và nhờ Giáo Hội (Jn.15:26-27' Lk.28:48-49).
Tất cả các biến cố của cuộc đời Chúa Kitô trên trần gian để thực hiện Công Cuộc
Cứu Rỗi mà hoàn tất Dự Án Cứu Rỗi của Thiên Chúa trên đây, được Giáo Hội tưởng
niệm qua các Mùa Phụng Vụ như sau.
Trước hết là Biến cố Giáng Sinh của Chúa Kitô, được Giáo Hội cử hành trong Mùa
Giáng Sinh. Mùa Vọng trước Mùa Giáng Sinh là mùa "dọn đường cho Chúa"
(Mk.1:3'Is.40:3), bằng cách "ăn năn cải thiện đời sống" (Lk.3:2), "để Người có
thể tỏ mình ra" (Jn.1:31), nhờ đó "tất cả loài người có thể thấy ơn Cứu Độ của
Thiên Chúa" (Lk.3:6' Is.40:5). Sau Mùa Giáng Sinh còn có một số tuần đầu của Mùa
Thường Niên là mùa "Con Thiên Chúa tỏ mình ra" (1Jn.3:8) nơi dân Do Thái, để các
Tông Đồ có thể "tin vào Phúc Âm" (Mk.1:15) mà được Người "rửa trong Thánh Thần"
(Jn.1:33' Mk.1:8' x.Lk.4:18-19), nhờ đó "được tái sinh" (Jn.3:3,5,7) bởi thập
giá và phục sinh của Chúa Kitô.
Sau nữa là Biến Cố Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô được Giáo Hội cử hành trong
Tam Nhật Thánh và Mùa Phục Sinh. Mùa Chay trước Tam Nhật Thánh và Đại Lễ Phục
Sinh là thời điểm cho những ai muốn "theo Con Chiên đi đến nơi Người đến"
(Rev.14:4' x.Jn.13:33,36) cần phải được tẩy rửa cho "tinh tuyền" (Rev.14:4) để
có thể xứng đáng hiệp thông với Chúa Kitô (x.Jn.13:8) trong việc cùng với Người
"vượt qua sự chết mà vào sự sống" (Jn.5:24).
Sau hết là Biến Cố Chúa Kitô sai Chúa Thánh Thần đến, một biến cố được Giáo Hội
long trọng cử hành để mở màn cho Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh. Bởi đó, Mùa
Thường Niên này còn được bắt đầu, ngay sau Đại Lễ Chúa Thánh Thần, Nguyên Lý Sự
Sống, 3 Lễ Trọng liên quan đến Sự Sống Thần Linh nữa, đó là các Lễ Thiên Chúa Ba
Ngôi, Thực Tại Sự Sống, Mình Máu Thánh Chúa, Bí Tích Sự Sống, và Thánh Tâm Chúa,
Nguồn Mạch Sự Sống.
Như thế, những biến cố chính yếu của cuộc đời Chúa Kitô trên trần gian chính là
tiến trình của Công Cuộc Cứu Rỗi. Tiến trình của Công Cuộc Cứu Rỗi này hoàn toàn
phản ảnh Chương Trình Cứu Rỗi của Thiên Chúa là làm cho tạo vật "tin vào Đấng
Ngài sai" (Jn.6:29), để tạo vật có thể được trọn vẹn hiệp thông với Sự Sống Thần
Linh nơi Ngài (x.Jn.17:23), đúng như Dự Án Cứu Rỗi mà Thiên Chúa đã phác định.
Do đó, Chu Kỳ Phụng Vụ vẫn tưởng niệm và giãi bày, qua Phụng Vụ Lời Chúa, Ý
Nghĩa Cứu Rỗi sâu xa hàm chứa trong tiến trình của Công Cuộc Cứu Rỗi này. Tổng
quan có thể được tóm gọn như sau:
Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh và Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh là để tạ ơn "Thiên
Chúa yêu thế gian đến ban Con Một của Mình" (Jn.3:16), qua việc cử hành biến cố
"Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, và chúng ta đã được thấy vinh
hiển của Người" (Jn.1:14).
Mùa Chay, Tam Nhật Thánh và Mùa Phục Sinh là để tạ ơn "Đấng đã không dung tha
cho Con Riêng Mình song đã phó nộp Con vì chúng ta" (Rom.8:32), qua việc cử hành
biến cố Con "hiến mạng cho chiên" (Jn.10:11), bằng cách "bỏ mạng sống mình đi
rồi lấy lại" (Jn.10:17).
Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh là để tạ ơn "tình yêu của Thiên Chúa đã đổ tràn
đầy vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng Ngài đã ban cho chúng ta"
(Rom.5:5), qua việc cử hành biến cố Chúa Giêsu sai Đấng An Ủi đến với Giáo Hội
để dùng Giáo Hội làm chứng về Người (x.Jn.15:26-27) "cho tất cả được nên một"
(Jn.17:21).
Tuy nhiên, làm thế nào để “hiểu kỹ lưỡng và chính xác ý nghĩa của bài Phúc Âm”
mới là vấn đề cần phải tìm hiểu và giải quyết ở đây, trước khi chúng ta thực sự
áp dụng vào việc chia sẻ Lời Chúa với nhau cho có nhiều kết qủa và đầy hứng thú.
Mấu chốt để có thể “hiểu kỹ lưỡng và chính xác ý nghĩa của bài Phúc Aâm” là ở
những điểm trọng yếu của vấn đề suy niệm Phụng Vụ Lời Chúa cần phải được phân
biệt và làm sáng tỏ sau đây:
• Thứ nhất, nên nhớ rằng, chúng ta đang suy niệm hay chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa,
chứ không phải đang đọc Thánh Kinh. Tức là chúng ta đang tìm hiểu ý nghĩa Lời
Chúa được áp dụng cho riêng ngày lễ hôm đó, chứ không phải ý nghĩa Lời Chúa theo
khung cảnh lịch sử và bố cục Thánh Kinh vậy thôi.
• Thứ hai, nếu chúng ta đang suy niệm hay chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa chứ không
phải đọc Thánh Kinh, thì Giáo Hội là thẩm quyền có ý chọn các bài Lời Chúa cho
riêng ngày lễ hôm đó (mà không chọn cho ngày lễ hôm khác), và chỉ có ý chọn bài
này (mà không chọn bài kia trong cả cuốn Thánh Kinh), muốn nói với chúng ta
những gì qua các bài đọc ấy?
• Thứ ba, nếu các bài đọc Phụng Vụ Lời Chúa được Giáo Hội có ý chọn lựa và ấn
định riêng cho mỗi ngày lễ thì ý nghĩa của các bài đọc Phụng Vụ Lời Chúa cho
ngày lễ và ý nghĩa của chính ngày lễ phải hòa hợp với nhau. Vậy muốn hiểu được ý
nghĩa Phụng Vụ Cử Hành (tức Phụng Vụ Ngày Lễ) thì phải hiểu được ý nghĩa của
Phụng Vụ Lời Chúa.
• Thứ bốn, nếu ý nghĩa của Phụng Vụ Cử Hành hay Phụng Vụ Ngày Lễ và Phụng Vụ Lời
Chúa là một, thì bất cứ khi nào chúng ta khó hiểu Phụng Vụ Lời Chúa thì thử quay
sang tìm hiểu Phụng Vụ Ngày Lễ xem sao, rồi nhờ hiểu được ý nghĩa Phụng Vụ Ngày
Lễ, chúng ta có thể tìm ra manh mối để mở được kho tàng ý nghĩa Phụng Vụ Lời
Chúa.
Phương pháp ngược chiều này được gọi là phương pháp qui nạp, phương pháp suy ra,
nghĩa là phương pháp đi từ ngoài vào trong, từ thực tế đến nguyên tắc, từ chi
tiết đến tổng quát, ngược lại với phương pháp diễn dịch là phương pháp trình bày,
tức là phương pháp đi từ tổng quát đến chi tiết, từ nguyên tắc đến thực hành, từ
nội dung đến hình thức v.v.
Thế nhưng, phương pháp qui nạp ngược chiều này, tuy hấp dẫn và dễ đi theo khuynh
hướng tự nhiên, song cũng chính vì thế lại hay bị lầm lạc theo óc chủ quan trong
việc suy luận và tổng quát hóa, nếu chúng ta không bám chắc lấy các nguyên tắc
chỉ đạo chủ yếu trong lãnh vực lý luận. Nói dễ hiểu hơn, để giải được một bài
toán cần phải sử dụng đến chính các định luật toán học thế nào, thì để hiểu được
Phụng Vụ Ngày Lễ cũng phải biết những mấu chốt của chính Phụng Vụ Ngày Lễ như
vậy.
Vậy làm sao để có thể nắm được cái mấu chốt chủ yếu về ý nghĩa của Phụng Vụ Ngày
Lễ?
Có thể chia Phụng Niên của Giáo Hội ra làm 5 mùa và 8 thời đoạn như sau:
• Thời đoạn 1 và 2: Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh;
• Thời đoạn 3: Mùa Thường Niên sau Mùa Giáng Sinh;
• Thời đoạn 4-6: Mùa Chay, Tuần Thánh và Mùa Phục Sinh;
• Thời đoạn 7: Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh;
• Thời đoạn 8: Mùa Thường Niên Quanh Năm.
1. Mùa Vọng: Một thời đoạn gồm có 4 tuần lễ, từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng (thường
vào cuối tháng 11 trong năm) tới hết Tuần Thứ Bốn Mùa Vọng, một thời đoạn tượng
trưng cho 4000 năm chung loài người và riêng dân Do Thái trông đợi Đấng Cứu Thế.
2. Mùa Giáng Sinh: Một thời đoạn từ Đại Lễ Giáng Sinh 25-12 tới hết tuần Lễ Hiển
Linh là Lễ Hài Nhi Giêsu, Lời Nhập Thể, Tỏ Mình Ra Cho Dân Ngoại được hiện thân
nơi ba nhà chiêm tinh đạo sĩ từ phương đông tới triều bái Người.
3. Mùa Thường Niên sau Mùa Giáng Sinh: Một thời đoạn từ Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép
Rửa đến hết ngày Thứ Ba (được Tây Phương gọi là Ngày Thứ Ba Béo) ngay trước khi
Kitô hữu bước vào mùa ăn chay hãm mình đền tội.
4. Mùa Chay: Một thời đoạn gồm đúng 40 ngày, từ Thứ Tư Lễ Tro tới hết tuần lễ
Thứ Năm Mùa Chay, một thời đoạn để tưởng nhớ đến 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay và
chịu cám dỗ trong hoang địa, cũng để tượng trưng cho 40 năm dân Do Thái xuất
hành từ Ai Cập tiến về Đất Hứa.
5. Tuần Thánh: Một thời đoạn 7 ngày từ Chúa Nhật Lễ Lá để tưởng niệm việc Chúa
Kitô khải hoàn vào Thành Giêrusalem tới hết Thứ Bảy Tuần Thánh.
6. Mùa Phục Sinh: Một thời đoạn gồm 50 ngày, từ Đại Lễ Phục Sinh tới hết Tuần Lễ
Thứ Bảy của Mùa Phục Sinh, trong thời đoạn này có Lễ Chúa Kitô Thăng Thiên vào
ngày Thứ Năm trong Tuần Lễ Thứ Sáu của Mùa Phục Sinh.
7. Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh: gồm có lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống,
Thiên Chúa Ba Ngôi và Mình Máu Thánh Chúa Kitô, (thường xẩy ra trong thời đoạn
từ tuần lễ Thường Niên thứ 6 tới hết thứ 9).
8. Mùa Thường Niên Quanh Năm: từ sau lễ Thánh Tâm Chúa và Khiết Tâm Mẹ Maria
trong tuần lễ Mình Máu Thánh Chúa, (thường được bắt đầu từ Chúa Nhật thứ 10
Thường Niên), tới hết Tuần Lễ 34 Mùa Thường Niên là tuần lễ cuối cùng của toàn
Phụng Niên với Lễ Chúa Kitô Vua kính vào Chúa Nhật.
Việc Giáo Hội sắp xếp và phân chia toàn Năm Phụng Vụ của mình như thế là để giải
bầy và cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Đấng được hứa ban cho nhân loại ngay từ ban
đầu và qua giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái (Mùa Vọng), cho tới khi tất cả
mọi sự qui phục Người trong ngày chung thẩm (Lễ Chúa Kitô Vua) để “Thiên Chúa là
tất cả trong mọi sự” (1Cor.15:28).
Nếu trọng tâm của Năm Phụng Vụ là Mầu Nhiệm Chúa Kitô thì chủ đề hay ý nghĩa của
mỗi Mùa Phụng Vụ hay mỗi thời đoạn Phụng Vụ có thể được phân chia một cách chặt
chẽ với nhau như sau:
• “Lời đã hóa thành nhục thể (Mùa Vọng) và ở giữa chúng ta (Đại Lễ Giáng Sinh),
và chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con duy nhất
đến từ Cha (Mùa Giáng Sinh), đầy ân sủng và chân lý (Mùa Thường Niên sau Mùa
Giáng Sinh)” (Jn.1:14);
• “Con Người đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ (Mùa Chay), để hiến
mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người (Tuần Thánh)” (Mt.20:24);
• “Thầy là sự sống lại (Đại Lễ Phục Sinh) và là sự sống (Mùa Phục Sinh). Ai tin
Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống lại (Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh)”
(Jn.11:25);
• “Thời gian đã viên trọn. Nước Thiên Chúa đã đến. Hãy ăn năn hối cải và tin vào
Phúc Aâm (Mùa Thường Niên Quanh Năm)” (Mc.16:15).
Căn cứ vào các mấu chốt chủ yếu trên đây, trực tiếp diễn tả Mầu Nhiệm Chúa Kitô
theo Năm Phụng Vụ của Giáo Hội, chúng ta mới có thể dễ dàng suy niệm và chia sẻ
Phụng Vụ Lời Chúa, đúng như ý định của Giáo Hội muốn chọn lựa và sắp xếp các bài
đọc Thánh Kinh cho từng Mùa Phụng Vụ cũng như cho cả Năm Phụng Vụ, để giãi bầy
và cử hành trọn vẹn Mầu Nhiệm Chúa Kitô.
]TOP
Cho dù mới phổ biến sắc lệnh mở hồ sơ phong thánh cho ĐTC GPII và chưa thực hiện lễ nghi chính thức bắt đầu tiến trình phong thánh này cho tới tối ngày áp Lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô 28/6/2005, giáo phận Rôma cũng đã phổ biến Lời Nguyện Cầu Xin Đức Gioan Phaolô II Can Thiệp để nhờ đó, qua lời chuyển cầu của ngài, Giáo Hội có thể căn cứ vào đó mà phong chân phước rồi phong thánh cho ngài.
Lời nguyện cầu này được phổ biến bởi vị cáo thỉnh viên cho tiến trình phong chân phước của ngài là Đức Ông Slawomir Oder thuộc giáo phận Torun Balan, vị hiện là đại diện pháp lý của Tòa Thỉnh Nguyện của Giáo Phận Rôma. Sau đây là nguyên văn lời nguyện cầu này:
“Ôi Chúa Ba Ngôi,
Chúng con cám ơn Chúa vì đã ban cho Giáo Hội Giáo Hoàng Gioan Phaolô II,
cũng như vì đã làm cho việc chăm sóc Phụ Tử,
cho vinh quang thập giá của Chúa Kitô,
và cho ánh quang của Thánh Thần, tỏ hiện nơi ngài.
Hoàn toàn tin tưởng vào tình thương vô biên của Chúa,
cũng như vào việc chuyển cầu từ mẫu Maria,
ngài đã trở thành một hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành,
và đã tỏ cho chúng con thấy rằng thánh thiện là chuẩn mức cần thiết cho đời sống bình thường của người Kitô hữu và là đường lối chiếm đạt mối hiệp thông vĩnh hằng với Chúa.
Nhờ lời ngài chuyển cầu và nếu Chúa muốn,
xin ban cho chúng con những ơn chúng con nài xin,
để ngài hy vọng sớm được thuộc vào số các thánh của Chúa. Amen.
Giáo Phận Rôma cũng phổ biến một địa chỉ điện thư để tường trình những chứng từ về vị giáo hoàng này. Địa chỉ điện thư này như sau:
Postulazione.GiovanniPaoloII@VicariatusUrbis.org
Thư từ gửi về địa chỉ:
Vicariato di Roma
Piaoãa San Giovanni in Laterano 6/A
00184 Rome
Mạng điện toán toàn cầu bằng tiếng Ý về tiến trình tôn phong vị giáo hoàng này
được phổ biến trên
www.vicariatusurbis.org.
Hôm Thứ Tư 22/6, Đức Ông Oder đã cho biết là đã có cả hằng trăm bức thư và điện thư chứng nhận thánh đức của Đức Gioan Phaolô II, kể cả những bản tường trình về các phép lạ theo y khoa do ngài chuyển cầu.
Tâm Phương, theo Zenit ngày 22-23/6/2005
Đức Gioan Phaolô II: Hiện Thân của Lòng Từ Ái Thứ Tha
Cả thế giới đã chứng kiến, qua truyền hình, biến cố vị giáo hoàng “đến từ một xứ sở xa xăm” là Balan này bị ám sát, và đã thấy được sự kiện tay sát thủ mạng sống ngài đã được ân xá vào Đại Năm Thánh 2000 của Giáo Hội Công giáo, nghĩa là đã thấy được tấm lòng rộng lượng bao dung tha thứ của vị giáo hoàng này, vị giáo hoàng đã thực hiện đúng lời Chúa dạy là chủ động, dù mình là nạn nhân chứ không phải tác nhân, đi làm hòa với “kẻ có điều gì với các con” (Mt 5:23), không cần phải đợi đến khi họ lên tiếng xin lỗi mình mới tha.
Vị giáo hoàng của Lòng Thương Xót Chúa này, ngoài việc tha thứ có tính cách cá nhân như thế, cũng đã thực hiện một cử chỉ chưa từng thấy trong lịch sử Giáo Hội Công giáo, đó là việc ngài thực hiện Ngày Tha Thứ, Chúa Nhật 12/3/2000, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay, và chính thức công khai nhân danh Giáo Hội lên tiếng xin lỗi và thứ lỗi, xin lỗi về những gì con cái mình đã lầm lỗi trong quá khứ và hiện tại, và thứ lỗi về tất cả những gì Giáo Hội Công giáo phải chịu trong giòng lịch sử.
Thật thế, trong Tông Thư Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba, văn kiện hướng dẫn Giáo Hội hoàn vũ long trọng dọn mừng Đại Năm Thánh 2000, Năm Đại Hồng Ân của Thiên Chúa, ĐTC GPII chẳng những kêu gọi thế giới về vấn đề tha nợ hay giảm nợ nần quốc tế cho nhau (ở khoản 51), mà còn kêu gọi chính Giáo Hội cũng thực hiện một cử chỉ xin lỗi và thứ lỗi nữa, như ở khoản 35 và 36 dưới đây (những chỗ in nghiêng và đậm là để nhấn mạnh đến ý tưởng chính).
“Một chương lịch sử đau thương khác mà các đứa con nam nữ của Giáo Hội phải quay về với một tinh thần thống hối, đó là chương lịch sử, nhất là trong một số thế kỷ, về việc chiều theo tính bất nhẫn, và ngay cả việc dùng bạo lực, để phụng sự cho chân lý.
“Đúng thế, một phán đoán chính xác có tính cách lịch sử không thể nào lại cố tình bỏ qua việc tìm hiểu cẩn thận bối cảnh văn hóa của thời đại, một phán đoán mà căn cứ vào đó nhiều người lòng ngay lại chủ trương rằng, việc làm chứng thực sự cho chân lý có thể bao gồm cả việc đàn áp những ý kiến của kẻ khác, hay ít là không để ý gì đến những ý kiến đó. Nhiều yếu tố thường trùng hợp để tạo nên những giả thuyết biện minh cho việc bất nhẫn, đồng thời nung nấu một bầu khí sôi động, mà chỉ có tinh thần cao cả, thật sự tự do và đầy Thiên Chúa, mới có thể giải tỏa bằng một cách nào đó. Mặc dù có xét đến những căn cớ để làm cho sự việc nhẹ hơn đi nữa, thì Giáo Hội cũng không thể nào được miễn trừ khỏi việc cần phải tỏ ra một niềm tiếc xót sâu xa, đối với những yếu đuối của rất nhiều con cái nam nữ của mình, đã làm ám muội đi dung nhan Giáo Hội, khiến Giáo Hội không hoàn toàn phản chiếu hình ảnh của một vị Chúa tử giá là mẫu chứng siêu việt cho một tình yêu nhẫn nhịn và một đức hiền lành khiêm hạ. Từ những giây phút quá khứ đau thương này, có thể rút ra một bài học cho tương lai, dẫn tất cả mọi Kitô hữu đến việc hoàn toàn gắn chặt lấy nguyên tắc mà Công Đồng đã phát biểu: ‘Chân lý không thể nào tự mình áp đặt, ngoại trừ vì chính sự xác thực của nó, nếu nó muốn dùng cả sự dịu dàng lẫn mãnh lực để chiếm lấy tâm trí con người’ (tuyên ngôn Dignitatis Humanae, về tự do tôn giáo, đoạn 1)” (khoản số 35).
“Nhiều vị hồng y và giám mục đã tỏ ý muốn, trước hết, phải có một cuộc khảo sát lương tâm cẩn thận về phía Giáo Hội hôm nay. Trước ngưỡng cửa của một tân thiên niên, Kitô hữu cần phải khiêm tốn đặt mình trước nhan Chúa, xét mình về trách nhiệm mà họ cũng phải gánh chịu đối với những sự dữ của thời điểm chúng ta. Thật vậy, tuy có nhiều sáng sủa, thời hiện đại này cũng không phải là không có ít nhiều bóng tối.
“Chẳng hạn, chúng ta làm sao có thể giữ im lặng về tình trạng lạnh nhạt đạo đức làm cho nhiều người hiện nay sống như không có Thiên Chúa, hay sống theo một lòng đạo mơ hồ, không có khả năng nắm vững vấn đề chân lý, cần phải trước sau như một. Thêm vào đó, còn phải kể đến tình trạng mất đi một cách sâu rộng cái ý nghĩa siêu việt về sự sống con người, cũng như phải kể đến tình trạng lẫn lộn trong lãnh vực đạo lý, ngay cả về những giá trị căn bản trong việc tôn trọng sự sống và gia đình. Về mặt này, ngay những người con nam nữ của Giáo Hội nữa cũng cần phải xét mình lại. Họ đã bị nhuốm phải bầu khí của phong trào tục hóa (secularism) và khuynh hướng đạo lý tương đối (ethical relativism) đến đâu? Và họ phải gánh chịu trách nhiệm nào trong việc làm cho tình trạng thiếu lòng đạo tăng lên, vì họ không chứng tỏ được dung nhan chân thật của Thiên Chúa, bởi đã ‘không sống theo cuộc sống tôn giáo, luân lý hay xã hội của mình’ (hiến chế Gaudium et Spes, đoạn 19)?
“Không thể nào phủ nhận được rằng, đối với nhiều Kitô hữu, cuộc sống tâm linh của họ đang trải qua một thời gian chao đảo, gây ảnh hưởng cho chẳng những đời sống luân lý của họ mà cả đến đời sống cầu nguyện cũng như tư tưởng đúng đắn về thần học theo đức tin của ho nữạ. Đức tin, bị thử thách bởi những thách đố của thời đại chúng ta đã vậy, đôi khi còn bị hướng dẫn lệch lạc bởi những quan điểm thần học sai lầm, gây ra bởi tệ nạn đang sôi động lan truyền trong việc ngang nhiên bất phục tùng quyền giáo huấn của Giáo Hội .
“Về vấn đề liên quan đến Giáo Hội trong thời đại của chúng ta đây, làm sao chúng ta không ngậm ngùi trước tình trạng thiếu ý thức, thậm chí có những lúc nhiều Kitô hữu còn ưng theo việc phạm đến những quyền làm người căn bản, gây ra bởi những chế độ độc tài chuyên chế? Và chúng ta cũng không tiếc xót sao được, trong số những bóng tối nơi thời điểm của chúng ta, trách nhiệm mà rất nhiều Kitô hữu phải gánh chịu đối với những hình thức bất công và tẩy chay? Vấn đề được đặt ra là có bao nhiêu Kitô hữu thực sự hiểu biết và thực hành những nguyên tắc giáo huấn của Giáo Hội về xã hội.
“Cuộc khảo sát lương tâm cũng phải xét đến thái độ tỏ ra đón nhận thế nào đối với Công Đồng Vaticanô II, một tặng ân cao cả mà Thần Linh đã ban cho Giáo Hội vào cuối đệ nhị thiên niên. Lời của Thiên Chúa đã trở nên hốn sống của thần học và là nguồn hứng cho cả cuộc sống Kitô hữu, trọn đầy hơn nữa đến mức nào, theo như Dei Verbum (hiến chế về Mạc Khải)? Phụng vụ có được sống như là nguồn mạch và là thượng đỉnh của sinh hoạt thuộc về hội thánh không, theo giáo huấn của Sacrosanctum Concilium (hiến chế về Phụng Vụ)? Giáo hội học về việc hiệp thông được diễn giải trong Lumen Gentium (hiến chế về Giáo Hội) có được làm cho vững mạnh nơi Giáo Hội hoàn vũ cũng như nơi các Giáo Hội riêng biệt không? Những đặc sủng, những sứ vụ và những hình thức tham dự khác nhau của dân Thiên Chúa có được thể hiện chăng, một thể hiện không bị ảnh hưởng bởi ý hệ dân chủ và tính cách xã hội tương phản với quan niệm của Giáo Hội cũng như với tinh thần chân thực của Công Đồng Chung Vaticanô II? Một vấn đề quan trọng khác được nêu lên là bản chất của việc liên hệ giữa Giáo Hội và thế giới. Những chỉ dẫn của Công Đồng - được phác họa trong Gaudium et Spes (hiến chế Mục Vụ) và các văn kiện khác - về việc đối thoại một cách cởi mở, tôn trọng và thân tình, vẫn còn hiệu lực và mời gọi chúng ta phải dấn thân hơn nữa, tuy nhiên, nó phải được đi kèm với một nhận thức rõ ràng cùng với việc can đảm làm chứng cho chân lý” (khoản số 36).
Trong Tông Sắc Mầu Nhiệm Nhập Thể Incarnationis mysterium, ký ngày 29/11/1998, ở ngay đầu khoản số 11, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn nhắc lại vấn đề này như sau:
· “Việc thanh tẩy ký ức kêu gọi mọi người hãy thực hiện một hành động của lòng can đảm và khiêm tốn trong việc nhìn nhận những lỗi lầm đã vấp phạm bởi những ai đã hay đang mang danh Kitô hữu”.
Chính ngài đã làm gương trong việc ngài kêu gọi mọi người làm ấy trong Ngày Thứ Tha 12/3/2000, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay. Ngài đã nhân danh Giáo Hội chính thức công khai lên tiếng xin lỗi và thứ lỗi trong bài giảng của ngài, ở đoạn 3 và 4, như sau:
“Trước Chúa Kitô là Đấng vì yêu thương đã nhận lấy tội lỗi của chúng ta, tất cả chúng ta được mời gọi để thực hiện một cuộc sâu xa tra vấn lương tâm. Một trong những yếu tố đặc biệt của Đại Năm Thánh là những gì tôi đã diễn ta như là ‘việc thanh tẩy ký ức’ (Tông Sắc Mầu Nhiệm Nhập Thể, 11). Với tư cách là vị Thừa Kế Thánh Phêrô, tôi đã xin là ‘trong năm tình thương này, Giáo Hội, vững mạnh trong thánh đức là những gì Giáo Hội lãnh nhận từ Chúa, cần phải quì xuống trước nhan Thiên Chúa mà van xin ngài tha thứ cho những tội lỗi quá khứ và hiện tại của thành phần con cái nam nữ của mình’ (cùng nguồn vừa dẫn). Hôm nay, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay, tôi cho rằng là một cơ hội thích hợp cho Giáo Hội, qui tụ lại trong tinh thần chung quanh Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, nài xin Chúa thứ tha cho các tội lỗi của tất cả mọi tín hữu. Chúng ta hãy thứ lỗi và hãy xin lỗi!” (số 3)
“Chúng ta hãy thứ lỗi và hãy xin lỗi! Trong khi chúng ta chúc tụng Thiên Chúa là Đấng, vì tình yêu nhân hậu của Ngài, đã làm phát sinh trong Giáo Hội một mùa thua hoạch tuyệt vời về thánh đức, về nhiệt tình truyền giáo, về việc hoàn toàn dấn thân cho Chúa Kitô và cho tha nhân, chúng ta cũng không thể không nhìn nhận những bất trung với Phúc Âm gây ra bởi một số trong anh chị em của chúng ta, nhất là trong ngàn năm thứ hai. Chúng ta hãy xin Ngài tha thứ về những chia rẽ đã xẩy ra nơi thành phần Kitô hữu, về việc bạo lực đã được một số người sử dụng nhân danh sự thật, cũng như về những thái độ khinh thường và thù hằn đôi khi được tỏ ra đối với những tín đồ của các đạo giáo khác.
“Hơn thế nữa, chúng ta hãy xưng thú trách nhiệm của chúng ta là Kitô hữu đối với các sự dữ xẩy ra ngày nay. Chúng ta phải tự hỏi mình về trách nhiệm của chúng ta đối với chủ nghĩa vô thần, với tình trạng khô khan nguội lạnh, với trào lưu tục hóa, với khuynh hương tương đối hóa đạo lý, với những thứ vi phạm đến quyền sống, chưa kể đến đối với thành phần nghèo ở nhiều xứ sở.
“Chúng ta hãy hạ mình xuống xin tha thứ cho việc góp phần của mỗi một người trong chúng ta đối với những thứ sự dữ ấy qua những hành động của mình là những gì bởi thế làm méo mó dung nhan của Giáo Hội.
“Đồng thời, khi chúng ta xưng thú tội lỗi của mình, chúng ta cũng hãy thứ tha tội lỗi do người khác phạm đến chúng ta. Vô số lần trong giòng lịch sử Kitô hữu đã phải chịu đựng khốn khó, đàn áp và bách hại vì đức tin của họ. Như thành phần nạn nhân của những thứ lạm dụng ấy đã tha thứ cho họ thì chúng ta cũng hãy thứ tha nữa. Giáo Hội hôm nay đây cảm thấy và luôn cảm thấy cần phải thanh tẩy ký ức về những biến cố đau buồn ấy cho khỏi mọi cảm giác đắng cay hay trả đũa. Nhờ đó, Năm Thánh mới trở nên cho mọi người một cơ hội thuận lợi để thực tình trở về với Phúc Âm. Việc chấp nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa phải dẫn đến chỗ quyết tâm thứ tha cho anh chị em của chúng ta và hòa giải với họ” (khoản số 4).
Sau Thánh Lễ của Ngày Tha Thứ 12/3/2000 này trong Đền Thờ Thánh Phêrô, ở Huấn Từ Truyền Tin trưa hôm đó tại Quảng Trường Thánh Phêrô, vị giáo hoàng của Lòng Thương Xót Chúa dẫn giải thêm về ý nghĩa của tác động xin lỗi và thứ lỗi như sau:
“Anh Chị Em thân mến!
“1. Trong tinh thần đức tin của Đại Năm Thánh, hôm nay, chúng ta đang cử hành Ngày Tha Thứ. Sáng hôm nay, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, tôi đã chủ sự một hành động thống hối cảm kích và long trọng. Vào Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay này, các Vị Giám Mục và các Cộng Đồng Giáo Hội ở các phần đất khác nhau trên thế giới đã quì xuống trước nhan Thiên Chúa, nhân danh toàn thể dân Kitô giáo, nài xin Ngài thứ tha.
“Năm Thánh này là thời gian thanh tẩy: Giáo Hội là thánh, vì Chúa Kitô là Đấu và là Phu Quân của Giáo Hội; Thần Linh là hồn sống của Giáo Hội; Trinh Nữ Maria và các thánh là hiện thân đích thực nhất của Giáo Hội. Tuy nhiên, con cái của Giáo Hội cảm nhận được tội lỗi, thành phần làm cho Giáo Hội trở nên mờ tối, mất đi vẻ đẹp của Giáo Hội. Vì lý do ấy Giáo Hội không thôi nài xin Chúa thứ tha cho những tội lỗi của con cái mình.
“2. Đây không phải là một phán đoán về trách nhiệm chủ quan của những người anh chị em chúng ta đã ra đi trước chúng ta: phán đoán này chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi, Đấng, không giống như nhân loại chúng ta, ‘thấy được tâm trí’ (x Jer 20:12). Tác động của ngày hôm nay là việc thành tâm nhìn nhận tội lỗi gây ra bởi con cái của Giáo Hội trong quá khứ xa gần, và là một việc khiêm tốn xin Chúa thứ tha. Tác động này làm cho lương tâm bừng tỉnh lại, giúp cho Kitô hữu có thể tiến vào ngàn năm thứ ba một cách cởi mở hơn trước Thiên Chúa và dự án yêu thương của Ngài.
“Trong khi chúng ta xin lỗi chúng ta cũng hãy thứ lỗi. Đó là những gì chúng ta hằng ngày nói khi chúng ta đọc kinh Chúa Giêsu dạy: ‘Lạy Cha… xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’ (Mt 6:12). Đối với tất cả mọi tín hữu, chớ gì hoa trái của Ngày Thánh này là sự tha thứ lẫn cho nhau!
“Việc hòa giải xuất phát từ sự tha thứ. Đó là niềm hy vọng của chúng ta đối với hết mọi Cộng Đồng Giáo Hội, với tất cả mọi tín hữu trong Chúa Kitô cũng như đối với toàn thể thế giới.
“3. Được thứ tha và sẵn sàng tha thứ như thế, Kitô hữu mới tiến vào ngàn năm thứ ba như là những chứng từ hy vọng khả tín hơn nữa. Sau những thế kỷ đầy những bạo lực và hủy hoại, nhất là thế kỷ thê thảm vừa qua, Giáo Hội cống hiến cho nhân loại, khi Giáo Hội vượt qua ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba, Phúc Âm của lòng thứ tha và của sự hòa giải, một điều kiện tiên quyết cho việc xây dựng hòa bình chân chính.
“Hãy trở thành những chứng nhân của niềm hy vọng! Đây cũng là đề tài cho Tuần Phòng tôi sẽ bắt đầu tối hôm nay với những vị cộng sự viên của tôi trong Giáo Triều Rôma. Giờ đây tôi xin cám ơn tất cả những ai muốn hỗ trợ tôi bằng lời cầu nguyện, và tôi xin Đức Mẹ là Mẹ của Lòng Thương Xót Chúa, giúp mọi người sống Mùa Chay được tốt đẹp”.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL