GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 21/7/2005 NGÀY THÁNH THỂ |
1) Việc Tôn Thờ Thánh Thể Ngoài Thánh Lễ: Cảm Nhận và Thực Hiện
2) Hướng Về Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX: tại sao ở Đức Quốc... lịch trình cử hành
3) Biện Pháp của Giáo Hội Công Giáo Trong Việc Giúp Đỡ Thành Phần Phụ Nữ Bụi Đời (tiếp)
Việc Tôn Thờ Thánh Thể Ngoài
Thánh Lễ: Cảm Nhận và Thực Hiện
(tiếp theo 14 Thứ Năm)
“Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24), tự bản tính là Hiện Hữu (x Ex 3:14), hay
cũng có thể nói Thiên Chúa chính là Hiện Diện Thần Linh. Thế nhưng, theo dự án
cứu độ của mình, “Vị Thiên Chúa vô hình” (Col 1:15) này đã tỏ mình ra bằng nhiều
thể nhiều cách trong thời Cựu Ước của dân Do Thái (Heb 1:1), với những cuộc thần
hiển (theophany), như với Moisen ở bụi gai cháy mà không bị thiêu rụi (x Ex
3:2-6), hay với chung dân Do Thái ở Núi Sinai (x Ex 19:18), nhất là ở Nhà Tạm (x
Ex 40:34-35), ở nơi cực thánh chứa đựng Hòm Bia Thánh (x Heb 9:3-4), và ở Đền
Thờ Gia-Liêm (x 1Kigs 8:11-12, 9:3). Nếu trong Cựu Ước, Hai Bia Đá khắc ghi Lề
Luật Thiên Chúa ban cho Moisen ở Núi Sinai là tiêu biểu cho Sự Hiện Diện Thần
Linh của Vị "Thiên Chúa vô hình" (Col 1:15), thì trong Tân Ước, Mình Máu Thánh
Chúa Kitô là chính Sự Hiện Diện Thần Linh của Vị Thiên Chúa "đã hóa thành nhục
thể" (Jn 1:14). Đúng thế, không một cuộc thần hiển nào vĩ đại, sống động, chân
thực và đích xác cho bằng “vào những ngày sau hết này, Ngài đã nói với chúng ta
nơi Con của Ngài” (Heb 1:2). Đó là lý do Chúa Giêsu Kitô, Lời Nhập Thể “được gọi
là Emmanuel, tức danh xưng mang ý nghĩa là Thiên Chúa ở với chúng ta” (Mt 1:23;
Is 7:14; Jn 1:14).
Thật vậy, với những gì đã nói và đã làm, nhất là qua cuộc Vượt Qua Cứu Độ của
mình, Chúa Giêsu Kitô thực sự đã tỏ mình ra Người quả là Vị Thiên Chúa ở với
chúng sinh, đến nỗi, như chính Người đã khẳng quyết: “Ai thấy Thày là thấy Cha”
(Jn 14:9), và vì thế, “Thày là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến
được với Cha mà không qua Thày” (Jn 14:6). Chúa Giêsu Kitô là Emmanuel, Thiên
Chúa ở với chúng ta, do bởi Mầu Nhiệm Ngôi Hiệp nơi Người, ở chỗ, Người là một
Ngôi Vị (Person) duy nhất có hai bản tính, bản tính Thiên Chúa và bản tính loài
người, một thực tại hiệp nhất hai bản tính nhân thần này đã xẩy ra ngay giây
phút, Người nhập thể trong cung lòng trinh nguyên trọn đời của người thôn nữ
Nazarét tên Maria (x Lk 1:26-27), bởi Thánh Linh (x Mt 1:20) hay quyền phép Đấng
Tối Cao (x Lk 1:35).
Thế rồi, với cuộc đời trần gian 33 năm của mình, Ngôi Vị độc nhất vô nhị có hai
bản tính nhân thần này đã thực hiện sứ mạng “tỏ Cha ra” (Jn 1:18), tức tỏ cho
con người thấy, qua thành phần dân Do Thái đồng thời với Người bấy giờ, biết
rằng Người quả thực là Emmanuel, Thiên Chúa ở với chúng ta, bằng cách thực hiện
vai trò Thiên Sai của Người, đến không để làm theo ý mình mà là ý sai phái (x Jn
6:38), cho dù có chết trên thập tự giá (x Phil 2:8). Việc Người tự mình sống lại
sau ba ngày từ trong kẻ chết là một chứng cớ hùng hồn cho thấy Người quả thực là
Emmanuel, Thiên Chúa ở với chúng ta.
Thế nhưng, sau khi sống lại rồi, nhất là kể từ khi Người lên trời (x Lk 24:51;
Acts 1:9), Người không còn ở với loài người một cách hữu hình bằng một thân xác
sống động là những gì chúng ta có thể nhìn thấy tận mắt, nghe được tận tai và sờ
được tận tay (x 1Jn 1:1), như Người đã từng ở với Mẹ của Người tại Nazarét, hay
với các vị tông đồ trong 3 năm tỏ mình ra nữa. Tuy nhiên, vì là Emmanuel, Thiên
Chúa ở với chúng ta, Người không thể nào lìa xa chúng ta, như chính Người đã hứa
trước khi về trời là “Thày hằng ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28:20). Đó
là lý do Người đã báo trước cho các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly rằng: “Thày đi rồi
Thày sẽ trở lại với các con” (Jn 14:28).
Người “ra đi” đây nghĩa là gì, nếu không phải, như lời Người nói, đó là “để dọn
chỗ cho các con, rồi Thày sẽ trở lại đem các con đi, hầu Thày ở đâu các con cũng
ở đó với Thày” (Jn 14:3). Chúa Kitô “ra đi” “để dọn chỗ” cho các tông đồ đây,
trước hết, tức là Người muốn nói với các vị rằng Người đi tử nạn, hay Người đi
đến một nơi mà các tông đồ bấy giờ không thể “tới được” (x Jn 13:33), tức không
thể hiểu được, và không thể bắt chước được, cho tới sau khi Người sống lại với
“toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28:18) và đích thân thông ban Thánh Thần của
Người từ Thánh Thể Phục Sinh tràn đầy sự sống cho các vị (x Jn 20:22), nhờ đó,
các vị mới có thể “được dự phần với Thày” (Jn 13:8).
Việc các tông đồ được “dự phần với Thày” đây, tức là việc “Thày ở đâu các con
cũng được ở đó với Thày”, trước hết, có thể hiểu là việc các vị được nên giống
Thày các vị, ở chỗ, các vị cũng được diễm phúc trải qua một cuộc tử nạn như
Người, như trường hợp điển hình của vị trưởng tông đồ Phêrô được Người báo trước
cho biết trên bờ biển Tibêria về thân phận tử đạo của ngài để làm vinh danh
Thiên Chúa như Thày (x Jn 22:18-19). Thế nhưng, nếu các tông đồ không thể “dự
phần với Thày”, dù thực sự có ý muốn “uống chén Thày uống” (x Mt 20:22;
26:33-35), vào chính lúc Thày của các vị cần phải uống (x Mt 26:39), là vì bấy
giờ bản chất yếu nhược (x Mt 26:41) của các vị chưa “được mặc lấy quyền lực từ
trên cao” (Lk 24:49), một quyền lực chỉ được và đã được ban cho các vị, trước
hết, từ chính Thánh Thể của Chúa Kitô Phục Sinh (x Jn 20:22), rồi sau đó, từ
Thần Tính viên mãn của Chúa Kitô Thăng Thiên (x Jn 15:26) vào ngày Lễ Ngũ Tuần ở
Gia-Liêm (x Acts 2:1-4).
Như thế, việc “Thày trở lại với các con” đây, việc “Thày hằng ở với các con cho
đến tận thế” đây, chính là việc Chúa Kitô “trở lại” và “ở với” chung Giáo Hội là
Nhiệm Thể của Người cũng như riêng Kitô hữu chúng ta là chi thể của Người bằng
Thánh Thần của Người, nhờ đó, mới có chuyện “Thày sống và các con cũng sống” (Jn
14:19) - “Các con ở trong Thày và Thày ở trong các con” (Jn 14:20). Mà nếu “ai
ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy” (Jn 6:56),
thì Máu Thịt của Người chính là đường lối để Người có thể “trở lại” và là cơ sở
để Người có thể “ở với” Giáo Hội và Kitô hữu một cách bí tích. Bởi vì, nơi Máu
Thịt Hiển Linh của Đấng Phục Sinh này có tràn đầy Thánh Thần Sự Sống, Đấng chẳng
những biến bánh và rượu thành Mình Thánh và Máu Thánh của Chúa Kitô khi Giáo Hội
cử hành phụng vụ Thánh Thể, mà còn là Đấng “ở lại” với tâm hồn Kitô hữu thành
tâm khao khát tiếp nhận Chúa Kitô (sau khi Hình Bánh và Hình Rượu tan biến nơi
thân xác của họ), để tiếp tục biến đổi chính thân xác của họ ngay ở đời này
thành khí cụ cho công lý (x Rm 6:13), một thân xác được biến đổi từ chết chóc
thành linh thiêng sống động (x Rm 8:11), một thân xác được biến đổi nên giống
như Thánh Thể Phục Sinh của Chúa Kitô (x Phil 3:21).
(còn tiếp)
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Hướng Về Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX: tại sao ở Đức Quốc... lịch trình cử hành.
Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX tại Đức Quốc đã được ĐTC GPII chính thức thông báo vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới XVII ở Toronto Canada: “Tôi muốn chính thức thông báo là Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây sẽ diễn ra vào năm 2005 tại Cologne Đức Quốc. Ở đại vương cung thánh đường của Cologne có các hài tích được tôn kính của các Vị Đạo Sĩ, Những Người Hiền Triết đến từ Đông Phương theo ngôi sao dẫn đến với Chúa Kitô”.
Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX này được diễn trong thời khoảng 16-21/8/2005, với đề tài” Chúng tôi đến triều bái Người”, một đề tài lập lại lời của ba vị đạo sĩ Phương Đông và là lời có liên hệ với Bí Tích Cực Linh trong Năm Thánh Thể được kết thúc vào ngày 23/10/2005 tới đây.
Sự kiện Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX được tổ chức tại Đức đã được bắt đầu từ tâm tưởng của ĐTC GPII về Nước Đức như sau, khi ngài ngỏ cùng ĐHY Joachim Meisner, TGM của thành phố này, trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Paris năm 1997. Vị hồng y này đã kể lại rằng: “Đức Giáo Hoàng đã nói với tôi rằng ngài cảm thấy một trong những Ngày Giới Trẻ Thế Giới đầu tiên trong ngàn năm mới cần phải được tổ chức ở Cologne, vì thế kỷ vừa qua Đức quốc đã chứng kiến thấy một số những thảm họa kinh hoàng cho nhân loại, và giờ đây nước này cần phải chứng kiến thấy một dấu hiệu hy vọng cả thể”.
(Nhận định riêng của người dịch: Vấn đề Quan Phòng Thần Linh ở đây là Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX tại Đức Quốc này lại được chủ sự bởi chính Vị Tân Giáo Hoàng người Đức. Phải chăng đây là “dấu chỉ thời đại” về một Đức Quốc sẽ làm biến đổi thế giới nói chung và Âu Châu nói riêng, như Balan đã là nơi phát xuất một Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và là nơi đã làm biến đổi lịch sử thế giới nói chun g và Âu Châu nói riêng qua Biến Cố Đông Âu cuối năm 1989? Nếu quả thực như vậy thì chuyến viếng thăm quê hương đầu tiên của Đức tân Giáo Hoàng Đức quốc này cũng mang một tầm vóc quan trọng như chuyến về thăm Balan đầu tiên của vị tiền nhiệm ngài vào tháng 6/1979).
Vị tân Giáo Hoàng, trong chuyến tông du ngoài Ý quốc đầu tiên của giáo triều của mình, cũng sẽ ghé thăm thành phố Bonn là nơi ngài đã sống trong thời khoảng 1959-1963 với chức nghiệp giáo sư thần học. Và cũng tại thành phố này, ngài sẽ gặp Tổng Thống Đức Horst Koehler.
Hôm Thứ Tư 20/7/2005, Tòa Thánh đã phổ biến lịch trình chính thức của ĐTC BĐXVI trong việc Ngài, trong thời khoảng 18-21/8/2005, đến để cùng giới trẻ trên khắp thế giới cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX.
Thứ Năm 18/8: 10 giờ sáng, ngài rời phi trường Ciampino ở Rôma và đến Cologne/Bonn vào buổi trưa. Sau khi được chào đón, ngài sẽ về tòa tổng giám mục Cologne. Buổi chiều, ngài sẽ đến bến tầu Rodenkirchnbrucke để đi thuyền dọc theo con sông Rhine đến bến tầu Rheinwiesen và được giới trẻ nghênh đón ở đó. Rồi ngài lại dùng thuyền trở về Cologne và viếng thăm vương cung thánh đường ở đây.
Thứ Sáu 19/8: ĐTC sẽ cử hành Thánh Lễ riêng tại tòa TGM Cologne trước khi đi xe đến Villa Hammerschmidt ở Bonn là nơi, vào lúc 10 giờ 30 sáng, ngài sẽ thăm Tổng Thống Đức. Vào buổi trưa ngài sẽ thăm hội đường Do Thái ở Cologne và vào lúc 1 giờ ngài trở về tòa TGM để dùng bữa trưa với giới trẻ. Vào lúc 5 giờ chiều, ngài sẽ gặp các chủng sinh ở nhà thờ Thánh Pantaleon ở Cologne rồi trở về tòa TGM để tham dự một cuộc họp đại kết.
Thứ Bảy 20/8: cử hành Thánh Lễ riêng tại tòa TGM, sau đó ĐTC sẽ tiếp một số các vị lãnh đạo chính trị và dân sự, như Thủ Tướng Gerhard Schroeder; Chủ Tịch Quốc Hội Wolfgang Thierse; Chủ Tịch Khối Dân Chủ Kitô Giáo Angela Merkel (CDU Christian Democratic Union) v.v. Vào lúc 6 giờ chiều ngài sẽ gặp các vị đại diện cộng đồng Hồi giáo. Sau đó ngài sẽ đi xe đến Marienfeld để gặp giới trẻ trong đêm canh thức cho tới 10 giờ 30.
Chúa Nhật 21/8: 10 giờ sáng, ngài cử hành Lễ Bế Mạc trước khi nguyện Kinh Truyền Tin. Sau bữa trưa tại tòa TGM, ngài sẽ đi bộ đến “Piussaal” của chủng viện Cologne để gặp hội đồng giám mục Đức. Cuối cùng, sau khi chào uỷ ban tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX, ngài đi xe đến phi trường tham dự lễ nghi tạ từ vào lúc 6 giờ 45 chiều, và trở về tới Rôma lúc 9 giờ 15 tối.
Nước Đức có 82.520.000 triệu dân, trong đó có 27.411.000 là Công giáo, tức ở vào tỷ lệ 33.2%. Có 12.486 giáo xứ, 18.826 vị linh mục, 2.505 phó tế, 36.323 tu sĩ và 3.561 chủng sinh. Giáo Hội Công Giáo ở Đức có 10.307 cơ quan giáo dục, bao gồm từ sơ cấp đến đại học, với tổng số 959 ngàn học sinh và sinh viên. Có 536 bệnh viện, 1.359 bệnh xá, 2.588 nhà coi sóc người già và tàn tật, 1.298 cô nhi viện, 2.030 trung tâm về gia đình và bảo vệ sự sống, cùng 1.331 trung tâm đặc biệt về việc giáo dục xã hội và tái giáo dục.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo VIS ngày 19/7/2005
Biện Pháp của Giáo Hội Công Giáo Trong Việc Giúp Đỡ Thành Phần Phụ Nữ Bụi Đời
(Tiếp
19 Thứ Ba và 20 Thứ Tư)Những Đúc Kết: Một số điểm chính
3. Nguyên nhân việc làm điếm
Để phác họa một đáp ứng hiệu nghiệm về mục vụ – mục đích của cuộc họp quốc tế này – cần phải biết đến những yếu tố thúc đẩy hay lôi kéo người phụ nữ đi làm điếm, những mưu mẹo được thành phần làm mối và thành phần khai thác nắm giữ những người phụ nữ ấy trong bàn tay của họ, những kiểu cách di chuyển từ các nước xuất phát tới các nước nhắm tới và những phương sách có tổ chức để giải quyết nhu cầu đòi hỏi. Cộng đồng quốc tế và nhiều tổ chức phi chính phủ khắp thế giới đang càng ngày càng tìm cách ngăn chặn những hoạt động tội ác và bảo vệ những người bị buôn bán. Những tổ chức này cần phải khai triển những sự can thiệp rộng rãi khác nhau liên quan tới vấn đề ngăn ngừa và phục hồi.
4. Ai là
nạn nhân?
Cô nàng
là một con người, trong nhiều trường hợp kêu gọi sự giúp đỡ, vì việc bán thân
trên hè phố không phải là những gì cô nàng tự ý muốn làm. Cô nàng bị xâu xé, bị
chết về tâm lý và tâm linh. Mỗi một con người đều có một truyện đời riêng, nhưng
chính yếu đều là một cuộc đời bị vật vã, bị lạm dụng, ngờ vực, mặc cảm, sợ hãi,
thiếu cơ hội vươn lên. Mỗi người đều chịu đựng những vết thương sâu đậm cần được
chữa lành. Họ tìm kiếm những gì? Họ tìm kiếm các mối liên hệ, yêu thương, an
ninh, lòng cảm mến, được chấp nhận, và một tương lai tốt đẹp hơn cho tương lai
của chính họ cũng như của gia đình họ. Họ muốn thoát khỏi cảnh nghèo khổ và
thiếu cơ may, và họ muốn xây dựng tương lai.
5. Ai là “thân chủ”?
Thành phần “hưởng thụ” cũng có những vấn đề trầm trọng, vì, ở một nghĩa nào đó, cả anh chàng nữa cũng bị nộ lệ. Phần đông ở vào tuổi trên 40, thế nhưng con số đang gia tăng ở vào giữa tuổi 16 đến 24 cũng dính dáng đến vấn đề này. Việc nghiên cứu rõ ràng cho thấy rằng nam nhân càng ngày càng tìm kiếm các việc làm điếm vì những lý do đô hộ hơn là thỏa mãn tình dục. Trong các mối liên hệ về xã hội và riêng tư, họ cảm thấy bị mất đi cái mãnh lực cùng với nam nhân tính và không thể phát triển được những liên hệ hỗ tương và tôn trọng. Họ tìm kiếm các việc làm điếm vì những việc này cống hiến cho họ một cái cảm nghiệm được thống trị và kiểm soát một nữ nhân ở một khoảnh khắc thời gian nào đó.
Thành phần “thân chủ” này cần phải bị xã hội lên án hơn nữa và cần phải đối diện với những thứ nghiêm trị của luật pháp. Anh chàng cũng cần phải được giúp đỡ để đương đầu với những vấn đề sâu xa của anh chàng, và tìm những cách thức khác để giải quyết các nhu cầu riêng tư của anh chàng. Chi tiền cho việc làm tình với điếm nữ không giải quyết được các vấn đề xuất phát từ tình trạng cảm thấy cô đơn lẻ loi, tâm trạng thất vọng hay thiếu thốn những mối liên hệ chân tình.
6. Các
mối liên hệ giữa nam nhân và nữ giới
Mối liên
hệ giữa nam và nữ bất bình đẳng vì việc bạo lực hay mối đe dọa bạo lực cống hiến
chon am nhân đặc ân và quyền năng, có thể làm cho nữ nhân câm nín và thụ động.
Nữ giới và trẻ em thường bị đẩy ra ngoài hè phố vì bạo động họ cảm thấy từ thành
phần nam nhân trong nhà, thành phần đã cai trị gia đình bằng võ lực là tình
trạng thể hiện các ý hệ và cấu trúc xã hội. Những nữ nhân đáng thương cũng tham
gia vào việc đàn áp và bạo lực đối với thành phần nữ giới khác, ở chỗ họ thường
tham gia vào các tổ chức tội phạm liên quan tới việc làm gia tăng vấn đề làm
điếm.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 11/7/2005