GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 1/8/2005

 

1) Hiện Tượng Giới Trẻ Giới Trẻ: Nẩy Nở... Hy Vọng 

2) Đức Biển Đức XVI với Cuộc Khủng Hoảng Văn Hóa Âu Châu qua nhận định của Hồng Y Joseph Ratzinger ngay trước khi Cố Giáo Hoàng GPII qua đời

3) Năm Thánh Thể: Nguyên Do

   

   

Hiện Tượng Giới Trẻ - Nẩy Nở... Hy Vọng 

            Giới trẻ ở đây là thành phần tuổi trẻ. Nói đến tuổi trẻ là nói đến tuổi xuân. Nói đến xuân là nói đến những gì mới mẻ, tươi trẻ và vui vẻ, những yếu tố chính làm nên mùa xuân. Trong tông thư gửi giới trẻ thế giới ngày 31-3-1985, Chúa Nhật Lễ Lá, nhân dịp khai mạc Năm Giới Trẻ Quốc Tế do tổ chức Liên Hiệp Quốc phát động, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II cũng đã chủ trương ý nghĩa đích thực của tuổi trẻ theo chiều hướng này: "Tuổi trẻ phải là một tiến trình 'triển nở' từ sự kết tụ dần dần tất cả những gì là chân thiện mỹ" (đoạn 14).

            Tuổi trẻ cao đẹp đến nỗi, trong tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo (Gravissimum Educationis), Công Đồng Chung Vaticanô II đã gọi "giới trẻ, niềm hy vọng của Giáo Hội" (đoạn 2). Đúc Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nhấn mạnh đến ý nghĩa giới trẻ là "niềm hy vọng" này ở đoạn kết trong cùng tông thư trên đây của Ngài như sau: "Đúng, chính các con, vì tương lai tùy thuộc ở các con, cuối thiên niên này và đầu thiên niên tới cũng tùy thuộc vào các con".

            Chính vì giới trẻ là "niềm hy vọng của Giáo Hội" như thế mà, trong sứ điệp gửi toàn thể nhân loại vào ngày bế mạc 8-12-1965, Công Đồng Chung Vaticanô II đã thiết tha nhắn nhủ và kêu gọi riêng giới trẻ thế này: "Hãy chiến đấu chống mọi ích kỷ. Hãy chống lại, đừng tự buông thả theo các bản năng hung bạo và hận thù, là mầm mống gây nên chiến tranh và biết bao điều khốc hại khác. Xin hãy đại độ, trong sạch, kính cẩn và chân thành. Xin hãy đem nhiệt huyết ra xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cái thế giới của đàn anh các bạn".

            Phải chăng chính vì giới trẻ là "niềm hy vọng của Giáo Hội", "tương lai tùy thuộc ở (họ), cuối thiên niên này và đầu thiên niên tới cũng tùy thuộc vào (họ)", với một trọng trách là phải làm sao "xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cái thế giới của đàn anh (mình)", mà giới trẻ đã và đang trở thành một trong những mục tiêu tấn công của thần dữ, và phần lớn, theo kinh nghiệm cho thấy, đã trở thành "mồi ngon cho thần dữ"õ?

            Hiện tượng giới trẻ trong thế giới ngày nay có thể được tóm gọn theo nhận định của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II qua "Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới" mà Ngài viết gửi nhân loại dịp đầu năm 1985 sau đây: "Một số trong các bạn (giới trẻ) có thể bị cám dỗ đào thoát trách nhiệm vào trong những thế giới diệu vợi của rượu chè, hút sách, trong những liên hệ dục tính mau qua mà không tiến đến hôn nhân gia đình, trong sự lãnh đạm, sự đố kỵ và ngay cả bằng bạo lực".

            Hiện tượng giới trẻ, như chính vị Giáo Hoàng nhận định và diễn tả trên đây, phải chăng đã trở thành "mồi ngon cho thần dữ"?

            Cuộc thăm dò của tờ New York Times và chương trình CBS News hồi tháng 4-1994 đã cho thấy tình trạng người Công Giáo như sau: Về việc dự lễ hằng tuần (Chúa Nhật), có 68% tuổi từ 65 trở lên, 40% từ 45 đến 64, 35% từ 30 đến 44, và 17% từ 18 đến 29. Về việc tin Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, có 51% tuổi từ 65 tuổi trở lên, 37% từ 45 đến 64, 28% từ 30 đến 44, và 28% từ 18 đến 29. (Thành phần giới trẻ ở Hoa Kỳ, theo điều kiện hợp lệ để tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Denver 8/1993, có thể tính đến 39 tuổi).

            Vào năm 1991, tôi đã được cử đi tham dự cuộc họp mặt của các đại diện giới trẻ Công Giáo Á Châu Vùng Thái Bình Dương (Pacific Asian Young Adult) do văn phòng phụ trách mục vụ cho ngưòi thiểu số của Tổng Giáo Phận Los Angeles tổ chức. Cuộc họp sơ khởi này nhằm mục đích thành lập một ủy ban liên kết hoạt động để làm sao giúp cho giới trẻ Á Châu Vùng Thái Bình Dương trong tổng giáo phận có thể giữ đạo và sống đạo. Duyệt qua tình hình của từng nhóm tham dự, trong đó có các đại diện giới trẻ của Trung Hoa, Đại Hàn, Tân Gia Ba, Nam Dương, Phi Luật Tân và Việt Nam, thì ngoại trừ Việt Nam, tất cả các nhóm đều cho biết là giới trẻ Công Giáo của họ đa số đã bỏ giữ đạo, thậm chí có cả một số đã theo Tin Lành!

            Thế nhưng, để có thể giải cứu hiện tượng giới trẻ trong thế giới ngày nay là "mồi ngon cho thần dữ" này, trước hết, phải tìm hiểu nguyên nhân của nó bởi đâu mà ra? Tại sao trong thế giới ngày nay lại có một hiện tượng giới trẻ như vậy? Theo Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, như Ngài đã vạch ra trong tông thư gửi giới trẻ thế giới năm 1985 trên đây, có hai nguyên nhân chính, một ở ngay nơi tuổi trẻ và một ở tại môi sinh.

            Trước hết, nguyên nhân của hiện tượng giới trẻ trong thế giới ngày nay ở ngay nơi tuổi trẻ: "Các bạn (giới trẻ) không thể nhắm mắt trước những đe dọa chực chờ các bạn trong giai đoạn tuổi trẻ...  Như chước cám dỗ chiều theo óc phê phán khắc nghiệt, muốn đối đầu và xét lại tất cả mọi sự; hay là chước cám dỗ chiều theo niềm ngờ vực về những giá trị chân truyền, là những gì có thể dễ bị hư thoái trong một loại đố kỵ cực đoan khi nó liên hệ tới vấn đề giải quyết những khó khăn dính dáng đến việc làm, nghề nghiệp hay ngay cả việc lập gia đình của con người" (đoạn 13)

            Sau nữa, nguyên nhân của hiện tượng giới trẻ trong thế giới ngày nay ở tại môi sinh. Trong cùng một tông thư trên, Đức Thánh Cha viết tiếp: "Lại nữa, người ta làm sao có thể im lặng trước những chước cám dỗ gây ra bởi tình trạng phát triển, đặc biệt ở trong những nước trù phú, liên quan đến kiểu cách của ngành thương mại tiêu khiển, nhằm đánh lạc hướng con người ra khỏi việc dấn thân cần thiết trong đời sống và khích động tính ươn lì, lòng vị kỷ và sống tách biệt... Hỡi các bạn trẻ thân mến, các bạn đang bị đe dọa bởi việc lạm dụng những phương thức quảng cáo hợp với xu hướng tự nhiên, trong việc khỏi cần phải nỗ lực và mong đợi cho được thỏa mãn cấp thời mọi khát vọng của mình, đồng thời chủ nghĩa thụ hưởng cũng hùa theo đó cho rằng con người phải tìm kiếm thỏa mãn, đặc biệt nơi các thứ của cải vật chất" (đoạn 13).

            Vào ngày 17-3-1972, qua nữ giáo dân Magarita người Bỉ, nữ thứ ký kiêm sứ giả của Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu gửi Các Hồn Nhỏ, Chúa Giêsu đã nói đến thảm trạng của hiện tượng giới trẻ liên quan đến vai trò và trọng trách của người lớn như sau: "Đây là lúc cao điểm mà những nhà cầm quyền ở mỗi quốc gia, cũng như những người có trách nhiệm của các nhóm, các cộng đồng, những vị gia chủ nơi các gia đình, các vị phẩm trật tôn giáo và những người có trách nhiệm khác, phải chung tay góp sức trong việc đào tạo thanh niên... Theo các con, ai chịu trách nhiệm về cái tâm trạng ghê gớm của tuổi trẻ?... Phải vận động tất cả các phương cách có thể để loại trừ những tên sát thủ linh hồn, bằng cách báo động cho tuổi trẻ biết mối nguy cơ chúng đang lao đầu vào, vì bị quyến rũ bởi những gì tồi tệ, bất xứng mà người ta dọn cho chúng... Các con của Cha, các con hãy nhìn vết thương ghê gớm của thế kỷ Satan này... Tuổi trẻ đáng thương đang bị ô nhiễm bởi sự hèn nhát của những kẻ không làm gì để cứu vớt chúng. Người ta không còn nhìn thấy những gì thối nát đang được phô bày giữa thanh thiên bạch nhật và đang tàn phá linh hồn của những người ngay lành. Giáo Huấn về luân lý Kitô giáo không còn quan trọng nữa, nó tồn tại như một mục tiêu để diễu cợt vậy thôi".

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TOP


Đức Biển Đức XVI với Cuộc Khủng Hoảng Văn Hóa Âu Châu qua nhận định của Hồng Y Joseph Ratzinger ngay trước khi Cố Giáo Hoàng GPII qua đời

 

(tiếp 31 Chúa Nhật)

Cái nhìn tóm tắt này về tình trạng thế giới dẫn chúng ta tới việc suy nghĩ đến tình trạng Kitô giáo ngày nay, nhờ đó, về các nền tảng của Âu Châu; một Âu Châu một thời có thể nói là châu lục Kitô giáo, thế nhưng nó cũng đã là khởi điểm của thứ lý lẽ mới về khoa học cống hiến cho chúng ta những khả năng cao cả cùng với những đe dọa lớn lao. Kitô giáo thật sự không được bắt nguồn từ Âu Châu, do đó, nó không thể được liệt vào một thứ tôn giáo của người Âu Châu, thứ tôn giáo của lãnh giới văn hóa Âu Châu. Thế nhưng, Kitô giáo đã thực sự lãnh nhận ở Âu Châu tính chất văn hóa và tri thức hiệu nghiệm nhất, nhờ đó, vẫn được đồng hóa cách đặc biệt với Âu Châu.

Ngoài ra, thật sự là Âu Châu này, từ thời Phục Hưng (Renaissance), và hiểu cho đúng hơn nữa thì từ thời Minh Tri (Enlightenment), đã chính là thời kỳ phát triển lý lẽ khoa học, những thứ lý lẽ chẳng những ở kỷ nguyên của các khám phá dẫn đến chỗ hiệp nhất địa dư của thế giới, đến chỗ gặp gỡ giữa các châu lục và văn hóa, mà còn là những lý lẽ ngày nay, sâu xa hơn nữa nhờ nền văn hóa kỹ thuật hiện hữu bởi khoa học, in đậm nét của mình trên toàn thế giới, thậm chí, ở một nghĩa nào đó, còn làm cho thế giới thành đồng dạng nữa.

Sau thứ hình thức này của lý lẽ khoa học, Âu Châu đã phát triển một thứ văn hóa, một cách giờ đây nhân loại không ngờ tới trước đó, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi lương tâm quần chúng, một là hoàn toàn chối bỏ Ngài, hai là cho rằng việc hiện hữu của Ngài không thể chứng minh được, không chắc chắn, nên việc ấy thuộc về lãnh vực tùy nghi chọn lựa, một vấn đề dù sao cũng chẳng có liên quan gì tới đời sống của quần chúng cả.

Thứ lý lẽ thuần chức năng này có thể nói đã bao hàm một thứ lệch lạc tất cả lương tâm luân lý là những gì mới mẻ đối với các nền văn hóa hiện hữu cho tới nay, vì thứ lý lẽ thuần chức năng ấy cho rằng chỉ có lý lẽ mới là những gì có thể chứng minh được bằng thí nghiệm. Khi tính cách luân lý thuộc về một lãnh vực hoàn toàn khác hẳn như thế thì nó sẽ mất hẳn đi tính chất của mình, và cần phải được nhận định một cách khác, vì nó cần phải được nhận định như thế, luân lý dù sao cũng là những gì thiết yếu.

Trong một thế giới sống theo tính toán thì chính việc tính toán về các hậu quả quyết định những gì phải có và những gì không có đều được coi là luân lý. Như thế, thể loại về sự thiện, như được Kant rõ ràng vạch ra cho thấy, đã biến mất hết. Không gì tự bản chất là tốt hay xấu cả, mọi sự đều lệ thuộc vào hậu quả được hành động con người cho họ có thể thấy trước được.

Nếu Kitô giáo, một đàng, đã tìm thấy hình thức hiệu năng nhất của mình ở Âu Châu, thì đàng khác cũng cần phải nói rằng nơi Âu Châu đã phát triển một thứ văn hóa hoàn toàn nghịch đảo sâu xa nhất chẳng những với Kitô giáo mà còn với các truyền thống của nhân  loại về đạo giáo và luân lý nữa.

Như thế người ta hiểu rằng Âu Châu đang trải qua một “cuộc thử thách căng thẳng” thực sự và thích hợp; như thế người ta cũng hiểu rằng châu lục của chúng ta cần phải đối đầu với chủ nghĩa cấp tiến của những thứ căng thẳng này. Tuy nhiên, cũng vì thế mới trước hết xuất phát trách nhiệm cần người Âu Châu chúng ta đảm nhận vào giây phút lịch sử này – trong cuộc tranh luận về ý nghĩa của Âu Châu, về việc hình thành về chính trị mới mẻ của nó. Đây không phải là vấn đề của một thứ đấu tranh lịch sử của đạo quân hậu tập xót xa quê hương đang diễn tiến cho bằng là một trách nhiệm cao cả cho nhân loại ngày nay.

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 26-29/7/2005 

 

TOP

 

Năm Thánh Thể: Nguyên Do

Đúng thế, để thực hiện bất cứ một việc gì cho xác đáng, chúng ta cần phải biết nguyên do và mục đích của nó. Huống chi Năm Thánh Thể là một biến cố quan trọng của toàn thể Giáo Hội và cho toàn thể Giáo Hội, trong đó có mỗi người Kitô hữu Công Giáo chúng ta, chúng ta lại càng phải biết về lý do tại sao cần phải có Năm Thánh Thể mà lại có vào thời điểm năm 2004-2005 này, và mục đích của Năm Thánh Thể này được mở ra là để làm gì. Ý nghĩa của chính Năm Thánh Thể, cũng như của tất cả những gì chúng ta làm trong Năm Thánh Thể, đều nằm ở ý hướng của Vị đã muốn mở Năm Thánh Thể cho Giáo Hội hoàn vũ này. Vì muốn ý thức rõ ràng để có thể đáp ứng xứng hợp, mà chúng ta cần phải tìm hiểu lý do tại sao Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II muốn mở Năm Thánh Thể vào thời điểm năm 2004-2005 này, và Ngài có ý mở Năm Thánh Thể vào lúc này đây để làm gì?

Căn cứ vào những gì Đức Thánh Cha viết trong các văn kiện liên quan đến Năm Thánh Thể, đó là Tông Thư “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”, có thể nói, Năm Thánh Thể là biến cố tiếp nối và là biến cố tuyệt đỉnh trong Chương Trình Mục Vụ của Giáo Triều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Thế nhưng, để biết được đâu là Chương Trình Mục Vụ của Giáo Triều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chúng ta hãy nghe chính những gì Ngài đã minh xác trong Thông Điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể”, ở khoản số 6 như sau:

• “Việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, và việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Người là ‘chương trình’ Tôi đã đề ra cho Giáo Hội vào lúc rạng đông của đệ tam thiên kỷ, kêu gọi Giáo Hội hãy ra chỗ nước sâu của đại dương lịch sử bằng lòng nhiệt thành thực hiện cuộc tân truyền bá phúc âm hóa”.

Theo tôi, đoạn văn này là tóm tắt tất cả những gì Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã, đang và sẽ thực hiện trong giáo triều của Ngài. Bởi vì, trong đoạn văn cốt yếu này, Đức Thánh Cha đã đề cập đến một cốt lõi mục vụ tứ diện, đó là Chúa Kitô, Mẹ Maria, Giáo Hội và Lịch Sử: Một Chúa Kitô cần phải được chiêm ngưỡng (Đại Năm Thánh 2000), với đôi mắt và con tim của Mẹ Maria (Năm Mân Côi), để dung nhan Ngài được trung thực và sống động phản ánh qua Giáo Hội (Năm Thánh Thể), qua việc Giáo Hội dấn thân truyền bá phúc âm hóa Lịch Sử trong ngàn năm thứ ba Kitô giáo. Và theo tiến trình mục vụ của Ngài, chúng ta thấy Thánh Thể là trọng tâm của Đại Năm Thánh 2000 và của Năm Mân Côi 2002-2003.

Thánh Thể là trọng tâm của Đại Năm Thánh 2000.

Thật vậy, ngay từ khi mới lên ngôi giáo hoàng được 4 tháng rưỡi, tức từ ngày 22/10/1978, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã hướng Giáo Hội nói riêng và thế giới nói chung về Đấng “là tâm điểm của vũ trụ và lịch sử”. Thật vậy, câu “Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, là tâm điểm của vũ trụ và của lịch sử” là câu mở đầu cho bức thông điệp đầu tiên của Ngài mang tựa đề “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”, và được Ngài ban hành vào ngày Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay 4/3/1979. Trong bức thông điệp này, ngay ở khoản số 1, Ngài đã hướng về Đại Năm Thánh 2000, hướng về điều được Ngài viết là “sự thật chính yếu của đức tin được Thánh Gioan diễn tả ở đầu Phúc Âm của mình đó là sự thật ‘Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta’”.

Sở dĩ Ngài xác tín biến cố Lời Nhập Thể và mầu nhiệm Lời Nhập Thể là một “sự thật chính yếu của đức tin”, là vì, như Ngài đã tái khẳng định trong Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”, ở cuối khoản số 6, “Nơi Lời Nhập Thể, cả mầu nhiệm về Thiên Chúa và mầu nhiệm về con người được tỏ hiện (Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 22). Nơi Người, nhân tính được cứu chuộc và nên trọn”. Ngay sau đó, ở đầu khoản số 7 trong cùng bức tông thư này, Ngài đã xác nhận chiều kích nhân bản thần linh hàm chứa nơi bức thông điệp đầu tiên này của mình, một chiều kích liên quan đến Đại Năm Thánh 2000 cũng như đến chính Năm Thánh Thể 2004-2005 như sau:

Thánh Thể là trọng tâm của Năm Mân Côi 2002-2003.

Thánh Thể chẳng những là trọng tâm của Đại Năm Thánh 2000, mà còn là trọng tâm của Năm Mân Côi nữa. Bởi vì, theo Đức Thánh Cha định nghĩa về việc lần hạt Mân Côi, ở khoản số 3 trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria được Ngài ban hành ngày Thứ Tư 16/10/2002, ngày kỷ niệm đúng 24 năm được bầu làm giáo hoàng và mở màn năm thứ 25 giáo triều của mình, thì “việc lần hạt Mân Côi chẳng qua chỉ là việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô”.

Mà việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô chính yếu là ở nơi Bí Tích Thánh Thể, như Ngài cũng đã khẳng định như thế trong Thông Điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể” ở khoản số 6: “Việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô bao gồm việc có thể nhận biết Người bất cứ Người tỏ mình ra ở đâu, qua rất nhiều hình thức hiện diện của Người, mà trên hết ở nơi bí tích sống động của mình máu Người”.

Đó là lý do, trong Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”, ở khoản số 9, Ngài đã đề cập đến việc Ngài thêm 5 Mầu Nhiệm Ánh Sáng vào Mầu Nhiệm Mân Côi khi mở đầu cho Năm Mân Côi, mà tuyệt đỉnh của các Mầu Nhiệm Ánh Sáng ấy là Mầu Nhiệm Thánh Thể:

Ngoài ra, Thánh Thể là trọng tâm của Năm Mân Côi còn ở chỗ Thông Điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể” được Đức Thánh Cha ban hành vào giữa Năm Mân Côi, Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003. Chính Ngài đã xác nhận sự kiện này trong Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”, ở đầu khoản số 10 như sau:

Tóm lại, qua những phân tích được trích dẫn chính lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong các văn kiện của Ngài trên đây, đúng như đã nhận định từ đầu về nguyên do hiện hữu của Năm Thánh Thể: “Năm Thánh Thể là biến cố tiếp nối và là biến cố tuyệt đỉnh trong Chương Trình Mục Vụ của Giáo Triều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II”. Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã minh định như thế trong Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con” ở phần hai của khoản số 4 và 10 như sau:


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ