GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ HAI 12/9/2005, NGÀY THÁNH MẪU |
1) ĐTC Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 11/9/2005 về Thánh Thể và Thánh Giá
2) Các Nhóm Phò Gia Đình ở Bỉ phản đối việc Nhận Con Nuôi của thành phần Đồng Tính
3) Các Vị Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ với Hiến Pháp Hoa Kỳ và Lề Luật Tự Nhiên
ĐTC Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 11/9/2005 về Thánh Thể và Thánh
Giá
Anh Chị Em thân mến!
Thứ Tư tới đây, ngày 14/9, chúng ta cử hành phụng vụ Lễ Tôn Dương Thánh Giá.
Trong năm Kính Thánh Thể đây thì việc cử hành này có một ý nghĩa đặc biệt, ở chỗ,
nó kêu mời chúng ta hãy suy niệm mối liên hệ sâu xa và bất khả tách biệt nối kết
việc cử hành Thánh Thể với mầu nhiệm thập giá. Thật vậy, mỗi một Thánh Lễ đều
hiện thực hóa hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô. Đức Gioan Phaolô II yêu dấu của
chúng ta đã viết trong thông điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể” là “hết mọi vị
linh mục cử hành Thánh Lễ, cùng với cộng đồng Kitô hữu tham dự, trở về với Đồi
Gongôta cũng như với ‘giờ’ tử nạn trên thập giá” (khoản số 4).
Bởi thế Thánh Thể là việc tưởng niệm toàn thể mầu nhiệm vượt qua: khổ nạn, tử
giá, xuống ngục tổ tông, phục sinh và thăng thiên, mà thập giá là việc biểu lộ
tỏ tường của tác động yêu thương vô biên được Con Thiên Chúa thực hiện để cứu độ
con người và thế giới khỏi tội lỗi và sự chết. Vì thế mà việc làm dấu thánh giá
là cử chỉ căn bản của vấn đề Kitô hữu nguyện cầu. Việc làm dấu thánh giá là việc
nói lên tiếng xin vâng hữu hình và công khai với Đấng đã chết vì chúng ta và đã
sống lại, với Thiên Chúa là Đấng toàn năng trở nên khiêm hạ và yếu mềm vì yêu,
mạnh mẽ hơn tất cả mọi quyền lực và khôn ngoan của thế gian.
Sau lời truyền phép, cộng đồng tín hữu, ý thức được nơi sự hiện diện thực sự
Đấng tử giá và phục sinh, thì than lên rằng: “Lạy Chúa Giêsu, chúng tôi loan
truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến trong vinh quang”. Bằng con
mắt đức tin, cộng đồng này nhận ra Chúa Giêsu hằng sống với những dấu hiệu khổ
nạn của Người, và cùng với tông đồ Tôma hết sức ngỡ ngàng lập lại rằng: “Lạy
Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” (Jn 20:28). Như thập tự giá, Thánh Thể là mầu
nhiệm tử nạn và hiển vinh, một vinh quang không phải là những gì đột biến mà là
cuộc tiến vào vinh quang của Chúa Kitô (x Lk 24:26) và hòa giải toàn thể nhân
loại, chế ngự tất cả mọi địch thù. Bởi vậy mà phụng vụ mời gọi chúng ta hãy tin
tưởng nguyện cầu: “Mane nobiscum Domine!” Xin ở với chúng con, Lạy Chúa đã dùng
thánh giá mà cứu chuộc nhân loại!
Mẹ Maria, hiện diện trên Đồi Canvê bên cây thập tự giá, cũng hiện diện, cùng với
Giáo Hội và với tư cách là Mẹ Giáo Hội, hiện diện nơi mỗi một lần cử hành Thánh
Thể của chúng ta (x Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, 57). Đó là lý do
không ai hơn Mẹ có thể dạy chúng ta hiểu và tin tưởng sống Thánh Lễ, liên kết
chúng ta với hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô. Khi chúng ta Hiệp Lễ, chúng ta cũng,
như Mẹ Maria và hiệp với Mẹ, ôm lấy cây thập tự giá này, một cây gỗ đã được Chúa
Giêsu vì yêu thương biến thành khí cụ cứu độ, và thưa lời “Amen” của mình, lời
“xin vâng” đối với Tình Yêu tử giá và phục sinh.
(Sau Kinh Truyền Tin)
Thứ Tư tới đây là ngày bắt đầu diễn ra ở Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước một thượng
nghị của các vị lãnh đạo quốc gia và chính quyền, thành phần sẽ bàn đến các đề
tài quan trọng liên quan tới hòa bình thế giới, đến việc tôn trọng nhân quyền,
đến việc cổ võ việc phát triển và đến việc củng cố Liên Hiệp Quốc. Như thường lệ,
Tòa Thánh cũng đã được mời tham dự, và ĐHY Angelo Sodano, quốc vụ khanh, sẽ đại
diện cho tôi.
Tôi thiết tha hy vọng rằng các vị lãnh đạo chính trị qui tụ lại ở đó sẽ tìm thấy
những giải quyết xứng hợp để đạt được những mục tiêu cao cả trước mắt, trong
tinh thần hòa hợp và quảng đại kết đoàn. Tôi đặc biệt chúc cho họ được thành đạt
trong việc áp dụng những biện pháp hiệu nghiệm cụ thể trong việc đáp ứng những
vấn đề khẩn trương nhất gây ra bởi tình trạng cực bần cùng, yếu đau và đói khổ,
một tình trạng đang đọa đầy rất nhiều người.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 11/9/2005
Các Nhóm Phò Gia Đình ở Bỉ phản đối việc
Nhận Con Nuôi của thành phần Đồng Tính
Hôm Thứ Bảy 10/9/2005 một cuộc xuống đường trên 4 ngàn người đã thực hiện ở thủ
đô Bỉ quốc để phản đối dự án của chính quyền trong việc cho phép các cặp hôn
nhân đồng tính nhận con nuôi.
Dưới câu tâm niệm “Gia Đình Thực Là Quan Trọng”, theo Viện Các Qui Chế Gia Đình
IFP (Institute of Family Policies) thành phần đại diện của 10 liên hiệp quốc tế
phò gia đình và 600 tổ chức bất vụ lợi, những cơ quan trực tiếp đại diện cho 20
triệu gia đình, đã diễn hành ở Parc de Cinquantenaire. Trước cuộc biểu tình này
đã có 20 ngàn chữ ký ủng hộ việc hôn nhân giành chon am nữ và con cái được quyền
có cha mẹ đàng hoàng. Thành phần tổ chức minh định là họ không chống thành phần
đồng tính mà là phản đối việc đồng tính hôn nhân nghịch lại truyền thống hôn
nhân.
Cũng đã xẩy ra một vụ như thế ở Ma Ní Tây Ban Nha hôm 18/6/2005, một vụ đã qui
tụ 1.5 triệu người xuống đường để bênh vực hôn nhân, gia đình và trẻ em, với sự
hỗ trợ chưa từng thấy của các tổ chức phò gia đình trên khắp thế giới.
Vị chủ tịch của việc IFP là Lola Velarde cho biết: “Nếu cuộc biểu dương 18/6 ở
Ma Ní đánh dấu một điểm quanh và khởi đầu cho phong trào về gia đình trên tầm
cấp quốc tế thì cuộc biểu dương của những người Bỉ cũng bao hàm một thứ trưng
cầu dân ý cho mối liên minh toàn cầu như vậy”.
Vị chủ tịch này nói tiếp: “Thật là nhục nhã là ở Âu Châu thời thế kỷ 21 này mà
họ còn muốn coi thường quyền lợi của trẻ em, phản lại với xã hội và cộng đồng
khoa học là những nơi đã cho biết là việc các cặp hôn nhân đồng tính nhận con
nuôi trẻ em có những hậu quả tai hại đối với thành phần vị thành niên”.
Hội đồng giám mục Bỉ đã phổ biến một tuyên cáo hỗ trợ biến cố này và khuyên công
chúng “hãy sống sáng kiến này như là một cử chỉ hiên ngang bênh đỡ gia đình, một
trong những trụ cột của xã hội”.
Những cuộc xuống đường song hành cũng sẽ được tổ chức trước các tòa lãnh sự Bỉ ở
những thành phố Tây Ban Nha là Ma Ní, Barcelona, Granada, Seville, Malaga,
Mallorca và Tenerife.
Các Vị Thẩm Phán Tối Cao Pháp
Viện Hoa Kỳ với Hiến Pháp Hoa Kỳ và Lề Luật Tự Nhiên
Sau cái chết vì ung thư của chánh án Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ là William H.
Rehnquist, vào hôm Thứ Hai 5/9/2005, Tổng Thống Bush đã bổ nhiệm thẩm phán John
Roberts, 50 tuổi, vị đã được tổng thống Bush trước đây bổ nhiệm thay cho bà thẩm
phán tối cao pháp viện Sandra Day O'Connor về hưu, thay thế vào vị trí thẩm phán
cao nhất Hoa Kỳ này.
Tại Tòa Bạch Ốc, với vị tân chánh thẩm phán này bên cạnh, Tổng Thống Bush đã nói
rằng: “Thật là xứng hợp một vị chánh thẩm phán lớn cần phải được tiếp nối bằng
một con người có cùng một lòng tôn trọng Hiến Pháp như ông, hết sức tôn kính Tòa
Thượng Thẩm như ông và hoàn toàn dấn thân cho công lý như ông”.
Phần vị tân chánh thẩm phán đã lên tiếng rằng: “Tôi hân hạnh và cảm thấy bất
xứng trước lòng tin tưởng tổng thống đã đặt nơi tôi. Và tôi rất ý thức được rằng,
nếu tôi cương quyết sẽ tiếp nối một con người tôi hết lòng tôn kính và ca ngợi,
một con người rất tử tế với tôi trong 25 năm qua”.
Nhân dịp bổ nhiệm vị thẩm phán trẻ tuổi người Công giáo này, mạng điện toán toàn
cầu Zenit đã phỏng vấn ông Douglas Kmiec, chủ tịch của Caruso Family, giáo sư
hiến luật ở Đại Học Luật Pepperdine và là đồng tác giả cuốn “Lãnh Vực Hiếp Pháp
Hoa Kỳ: Lịch Sử, Sự Vụ và Triết Lý” (LexisNexis), về việc tham dự thích đáng của
các vị giám mục Hoa Kỳ vào tiến trình bổ nhiệm này, cũng như về tầm quan trọng
của truyền thống luật tự nhiên đối với các vị thẩm phán tương lai của tối cao
pháp viện Hoa Kỳ.
Vấn: Hiện nay có 3, và có thể là 4, vị Công giáo ở Tối Cao Pháp Viện
Hoa Kỳ. Tuy nhiên, họ thường có những quan điểm khác nhau ở một số vấn đề quan
trọng. Phải chăng có một đường lối Công giáo trong việc giải thích Hiến Pháp Hoa
Kỳ, hay là được phép bất đồng về ý nghĩa của bản hiến pháp này?
Đáp: Các phương tiện để giải thích về hiến pháp đó là bản văn, lịch sử và
vấn đề cấu trúc của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Một phần của lịch sử này bao gồm Bản Tuyên
Ngôn Độc Lập cùng với việc nó qui chiếu tới những sự thật minh nhiên của tạo vật,
của vấn đề bình đẳng được thiết lập và các quyền lợi bất khả chuyển nhượng.
Như Lincoln đã chia sẻ là bản Hiến Pháp đã được thiết dựng theo thứ triết lý của
Bản Tuyên Ngôn, chứ không phải một cái gì khác. Chính vì để bảo đảm những quyền
lợi bất khả nhượng của chúng ta mà “các chính quyền đã được lập nên”. Tất cả
những ai muốn đóng vai trò pháp lý cần phải thành tâm cảm nhận được cái giá trị
nội tại của con người được phản ảnh nơi Bản Tuyên Ngôn ấy.
Ngoài ra, người ta cũng mong đợi, cả tôi cũng thế, là những ai thực sự được duy
trì bởi đức tin Công giáo cũng như bởi gia đình Công giáo, và có lẽ được giáo
dục ở các trường học Công giáo, có được một cảm nhận đặc biệt nơi việc học hỏi
về truyền thống luật lệ tự nhiên cũng như về việc trực tiếp nó góp của vào lãnh
vực những nguyên lý đệ nhất ấy của Hoa Kỳ.
Đối với việc khác biệt nơi thành phần tín hữu, về luật pháp cũng như bất cứ
những gì khác, thì đó là những gì thuộc về thân phận của con người. Thật vậy,
các vị Thẩm Phán Antonin Scalia, Clarence Thomas và Anthony Kennedy – 3 vị Công
giáo hiện có ở Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ – có một mức độ cao, theo thống kê cho
thấy, đối với việc đồng ý nơi các vấn đề giải thích pháp luật, mặc dù mỗi vị
khác nhau ở vấn đề được huấn luyện và kinh nghiệm về pháp lý, là những gì có thể
cho thấy những khác nhau nơi họ hơn là đức tin chung của họ.
Vấn: Mới đây, ĐGM William Slylstad, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ,
đã gửi một bức thư cho Tổng Thống Bush kêu gọi có một vị thẩm phán Tối Cao Pháp
Viện có thể hành sử theo một số cách thức nào đó hợp với hoạt trình qui chế công
của các vị giám mục. Hậu quả về luật học ra sao đối với một vị thẩm phán Công
giáo nghe theo lời kêu gọi của Giám Mục Skystad?
Đáp: Bức thư của Giám Mục Skylstad là việc bày tỏ hoàn toàn thích đáng
với đức tin Công giáo. Bức thư này có thể bị hiểu lầm một cách nào đó về vai trò
thực sự của Tối Cao Pháp Viện, thế nhưng người ta cũng có thể khó lòng chê trách
được vị giám mục này về điều ấy, vì một số phần tử của Quốc Hội chính họ cũng
nghĩ lầm về các vị thẩm phán như là thành phần lập ra các thứ qui chế vậy.
Như vấn đề hiểu biết ngay từ đầu là không gì ở nơi bản Hiến Pháp lại nghịch với
bất cứ qui chế nào được các vị giám mục khuyến giục. Chẳng hạn, Bản Hiến Pháp
cho phép thực hiện bản án tử hình, không có gì ngăn cản nhân dân Hoa Kỳ nơi các
tiểu bang hiện nay của họ chấm dứt hoặc giới hạn việc áp dụng bản án này, nếu
dân chúng được thuyết phục bởi chứng từ cùng lời nguyện cầu và hướng dẫn của
những người Công giáo – và các người khác – nơi công chúng, như Đức Gioan Phaolô
II dạy trong “Phúc Âm Sự Sống”, thì việc áp dụng bản án này hẳn là hiếm xẩy ra.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 29/8/2005