GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 16/9/2005

 

1)   NHỮNG CUỘC HIỆN RA THẬT VÀ GIẢ

2) Đại Kết Kitô Giáo: Hy Vọng Đã Vươn Lên

3) Nguyên Tử Bắc Hàn – Lại Đàm Phán nhưng Vẫn Giằng Co

   

 

 

NHỮNG CUỘC HIỆN RA THẬT VÀ GIẢ

 

LM Peter Joseph

 

(tiếp 15 Thứ Năm)

 

Những dấu chỉ của thần trí Thiên Chúa

 

“Sau đây là những đặc tính phản ảnh chung những dấu chỉ của thần trí Thiên Chúa:

 

1.      Chân Thật: Thiên Chúa là Đấng chân thật, Ngài không hề linh ứng trong tâm hồn điều gì khác ngoài sự chân thật. Nếu ai đó tưởng rằng mình là người được Thiên Chúa linh ứng và vì đó mà mang những ý kiến đi ngược rõ ràng với chân lý đã được mặc khải, chống lại giáo huấn của Hội Thánh, hay trái nghịch với khoa thần học, triết lý và khoa học, thì bạn phải đi đến kết luận ngay rằng đương sự đang bị thần dữ lừa gạt, hoặc đang trở thành nạn nhân của sự hoang tưởng hoặc lý luận sai lạc.

 

2.      Quan Trọng: Thiên Chúa không bao giờ là căn nguyên của những điều vô dụng, phù phiếm hão huyền, hoặc vô ân sủng. Một khi thần trí Ngài ngự đến một tâm hồn, đều đem lại điều quan trọng và mang lại ân sủng.

 

3.      Khai Ngộ: Mặc đầu con người luôn luôn không hiểu hết ý nghĩa điều được Thiên Chúa linh ứng, nhưng ảnh hưởng của bất cứ tác động hay thôi thúc nào của Thiên Chúa đều mang lại tính cách khai ngộ và xác tín, chứ không mang lại tăm tối và nghi nan. Đây là sự thật cả về hiệu quả đối với cá nhân đón nhận điều linh ứng cũng như cả về hiệu quả đối với người khác.

 

4.       Tuân Phục: Các tâm hồn được thần trí Thiên Chúa linh ứng đều là những người vui vẻ đón nhận những lời khuyên nhủ và hướng dẫn của các vị bề trên hoặc những người có thẩm quyền trên mình. Tinh thần vâng lời, tuân phục và khiêm hạ này là một trong những dấu chỉ rõ ràng nhất chứng tỏ rằng điều đặc biệt mà đương sự được linh ứng bắt nguồn từ chính Thiên Chúa.

 

5.      Thận Trọng: thần trí Thiên Chúa biến tâm hồn trở nên thận trọng, khôn ngoan, và có suy nghĩ về các hành động mình làm. Không vội vàng, nông nổi, phóng đại hay háo thắng. Tất cả đều phải ở mức quân bình, cân nhắc, cẩn trọng và đầy trầm tĩnh và bình tâm.

 

6.      Khiêm Nhường: Chúa Thánh Linh luôn đong đầy vào tâm hồn người nhận thị kiến những cảm nghĩ khiêm tốn và tự hạ. Càng thấm nhuần sự thông hảo với ơn trên bao nhiêu, tâm hồn càng biết hướng đến cảm nghĩ mình chỉ là vực sâu của hư vô. Mẹ Maria thưa với Sứ Thần truyền tin: “Này tôi là tôi tớ của Chúa, tôi xin vâng lời Sứ Thần truyền.” (Lk 1:38).

 

7.      Bình An: Thánh Phaolô thường nói đến sự an bình phát nguồn nơi Thiên Chúa (Rom 15:33, Phil 4:9), và Chúa Giêsu nhắc đến sự bình an như một trong những biểu lộ thần trí của Ngài (Jn 14:27). Đây thực là điểm son luôn phản ảnh tình thông hảo với Thiên Chúa. Tâm hồn cảm nghiệm được sự thanh thản bền bỉ ngay từ đáy sâu tâm hồn (pp. 402-3).”

 

Cha Aumann còn nêu ra một số dấu chỉ khác như: Lòng tín thác nơi Thiên Chúa, Linh động trong ý muốn, Ý nghĩ ngay lành, Kiên nhẫn trong đau khổ, Từ bỏ bản thân. Tâm hồn đơn sơ, Tâm trí tự do.

 

Những dấu chỉ của tư tưởng thần dữ

 

“... bởi vì thần dữ có thể giả dạng như một thần linh cũng như có khả năng tạo ra những hiện tượng có vẻ huyền bí và xác thực, chúng ta nên để ý những dấu chỉ do ảnh hưởng của ma quỉ vắn tắt như sau:

 

1.      Tư tưởng sai lạc. Thần dữ là cha của dối trá, nhưng chúng lại có cái khéo léo biết che dấu lừa bịp của chúng bằng những hiện tượng nửa hư nửa thật và huyền bí giả tạo.

 

2.      Óc tò mò bệnh hoạn. Đây là đặc tính của những tâm hồn háo thắng muốn tìm ra những khía cạnh huyền nhiệm của các hiện tượng bí ẩn, hoặc hăm hở với điều huyền bí và siêu phàm.

 

3.      Mơ hồ, lo lắng, và chán chường sâu đậm.

 

4.      Cố chấp. Đây là một trong những dấu chỉ chắc chắn nhất phản ảnh tư tưởng của ma quỉ.

 

5.      Luôn thiếu thận trọng, và tư tưởng bất an. Đây là trường hợp của những người có thái độ thái quá trong hoạt động tông đồ hay những hành vi đền tội, hoặc sao lãng bổn phận cố hữu của mình để tham dự vào những công tác tự mình chọn.

 

6.      Tư tưởng kiêu căng và tính háo danh. Rất lo lắng đến chuyện công bố về cái tự gọi là hồng ân được trao tặng và những cảm nghiệm huyền bí.

 

7.      Khiêm nhường giả tạo. Đây là điều họ dùng để che dấu lòng kiêu căng và ích kỷ của mình.

 

8.      Thất vọng, thiếu tự tin, và dễ nản lòng. Đây là đặc điểm cố hữu và có thể thay đổi dưới các dạng tự phụ, an bình giả tạo hay lạc quan vô căn cớ (p. 412).

 

“ Cha Aumann còn nêu ra một số dấu chỉ khác như: Thiếu kiên nhẫn khi gặp đau khổ và phẫn uất một cách cố chấp; Khó kiềm chế đam mê và dễ chiều theo cảm xúc viện cớ là muốn hòa nhập với huyền nhiệm; Giả hình, đóng kịch, đi hàng đôi; Gắn bó thái quá với những an ủi về tình cảm, nhất là trong việc thực hành cầu nguyện; Thiếu lòng sùng kính sâu sa đối với Chúa Giêsu và Đức Maria; Quá câu nệ vào chữ nghĩa, lề luật và quá khích trong việc cổ võ cho một ý tưởng nào đó.

(còn tiếp)

 

Bản dịch của Thảo Nguyên

 

 

TOP

 

Đại Kết Kitô Giáo: Hy Vọng Đã Vươn Lên

 

ĐHY Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Việc Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo, trong cuộc phỏng vấn được phổ biến hôm Thứ Bảy 10/9/2005 trên một tờ nhật báo Ý là La Pubblica, đã cho biết đại quan về lộ trình đại kết Kitô giáo như sau.

 

“Tất cả mọi vị lãnh đạo của Chư Giáo Hội Kitô Giáo đều rất hân hoan khi vị Giáo Hoàng này tuyên bố rằng vấn đề hiệp nhất là vấn đề ưu tiên.

 

“Với Tòa Thượng Phụ Chính Thống Hoàn Vũ ở Constantinople, chúng tôi đang tái tấu Ủy Ban Hỗn Hợp Công Giáo và Chính Thống Giáo. Một cuộc gặp gỡ sửa soạn sẽ được thực hiện vào tháng 12, và vào mùa xuân năm 2006 toàn thể ủy ban sẽ gặp nhau”.

 

Ngoài ra, Đức Thượng Phụ Bartholomew I của tòa thượng phụ này đã lên tiếng mời ĐTC Biển Đức XVI đến viếng thăm Istanbul vào ngày 30/11/2005 là lễ Thánh Anrê tới đây.

 

Về vấn đề liên hệ với Tòa Thượng Phụ Chính Thống Moscow, vị hồng y chủ tịch này khẳng định là “bầu khí đã được cải tiến”, điều kiện thuận lợi cho việc gặp gỡ giữa ĐTC Biển Đức XVI và Thượng Phụ Alexy II, “nhưng có lẽ không ở tại Moscow mà có thể ở một địa điểm thứ ba”.

 

“Cho đến nay, Thượng Phụ Alexy II đã nói rằng chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề gọi là Công Giáo dụ giáo ở Đông phương và vấn đề Uniatism (vấn đề một số Giáo Hội Chính Thống xưa tái hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo). Theo tôi nghĩ, cuộc gặp gỡ này có thể xẩy ra nếu soạn dọn thích đáng một bản tuyên ngôn chung”.

 

“Chúng tôi đã nói với Thượng Phụ Alexy rõ ràng rằng vấn đề dụ giáo không phải là vấn để chủ ý, không phải là vấn đề chính trị, không phải là chiến thuật của Giáo Hội Công Giáo. Nếu cả đôi bên có những lỗi lầm xẩy ra ở Siberia thì tốt nhất là nói với các vị giám mục địa phương”.

 

Đối với Liên Hiệp Luthêrô, vị hồng y này cho biết “các mối liên hệ rất là tốt đẹp. Vào Tháng 10, chúng tôi sẽ phổ biến một bản văn kiện chung về tính cách tông truyền của Giáo Hội và việc thừa kế tông đồ… một văn kiện rất giá trị”.

 

Ngoài ra, “tín hữu Methodist, vào năm tới, muốn tham phần vào bản văn kiện được chúng tôi ký nhận với tín hữu Luthêrô về vấn đề công chính hóa”, vào ngày 31/10/1999 tại Đức quốc.

 

TOP

 

Nguyên Tử Bắc Hàn – Lại Đàm Phán nhưng Vẫn Giằng Co

 

Hôm Thứ Ba, 13/9/2005, cuộc đàm phán 6 bên (Tầu, Nga, Nhật, Mỹ, Nam và Bắc Hàn) về vấn đề nguyên tử của Bắc Hàn đã được tái diễn (lần thứ tư, từ năm 2003), nhưng bị đình trệ từ năm ngoái và sau khi đã tái họp với nhau 13 ngày liền cho tới đầu tháng 8 vừa rồi, tại thủ đô Bắc Kinh Trung Hoa. Tuy nhiên, tình hình lần này vẫn không có gì khá hơn trước, vì Bắc Hàn cương quyết giữ ý định sử dụng nguyên tử cho mục đích hòa bình chứ không phải chiến tranh, trong khi đó, theo kinh nghiệm, Hoa Kỳ vẫn tỏ ra e ngại và nghi ngờ lòng thành của Bắc Hàn.

 

Trong cuộc phỏng vấn rất hiếm có với CNN tháng vừa rồi ở thủ đô Bắc Hàn, đặc sứ của Bắc Hàn là Kim, người kiêm chức vụ phó ngoại trưởng, đã lập lại việc Bắc Hàn chối bỏ vấn đề thực hiện chương trình hạch nhân:

 

“Chúng tôi không có bất cứ một chương trình chế tạo vũ khí hạch nhân nào cả, thế nhưng, trong tương lai, nếu có bất cứ chứng cớ nào cần phải được làm sáng tỏ chúng tôi hết sức sẵn sàng làm như thế”.

 

Vị này cho biết Bắc Hàn theo đuổi các chương trình hạch nhân vì mục đích hòa bình mà thôi và sẵn sàng chấp nhận vấn đề “kiểm soát chặt chẽ” các cơ sở nguyên tử của mình bởi các cơ quan như Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế.

 

“Vì chúng tôi giải quyết vấn đề nguyên tử chúng tôi sẵn sàng trở lại với Hiệp Ước Thôi Leo Thang Nguyên Tử NPT (nuclear non-proliferation treaty) và hoàn toàn tuân theo những thứ canh chừng của IAEA”. Trong quá khứ, Bắc Hàn đã loại trừ thành phần thanh tra ra khỏi xứ sở của mình vào tháng 12/2002, và loại bỏ NPT vào tháng sau đó.

 

“Nếu ai đó lo ngại đến các hoạt động nguyên tử lực khả dĩ của chúng tôi có thể dẫn đến chỗ chế tạo ra các thứ vũ khí nguyên tử từ những hoạt động của lò phản ứng nguyên tử thủy điện, thì chúng tôi có thể để cho các hoạt động đó dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Chính Hoa Kỳ có thể trực tiếp tham dự hay Hoa Kỳ có thể chọn một quốc gia nào họ tin tưởng để làm điều ấy. Đây là một qui chế rất thích hợp theo chiều hướng của tình hình kinh tế nơi đất nước của chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi không thể nhường bước về lãnh vực này”.

 

Vị này, bấy giờ, đã cho biết rằng Bắc Hàn cẩn thận lưu ý tới cung cách hòa giải gần đây của chính phủ Bush và hy vọng có một thái độ vừa chân thành vừa như ăn thua cho cuộc đàm phán lần này. Họ cảnh giác là bất cứ nỗ lực nào của Hoa Kỳ trong việc thay đổi chế độ ở Bắc Hàn đều bị thất bại mà thôi.

 

Hôm Th Tư, 14/9/2005, sau khi từng quốc gia (trong 5 không kể chính Bắc Hàn) gặp riêng phái đoàn đại diện của Bắc Hàn, vị phụ tá Bộ Nội Vụ là Christopher Hill cho biết là “đôi bên chẳng đạt kết quả là bao nhiêu”.

 

Hôm Thứ Năm, sau khi rời khách sạn để đi gặp phái đoàn đại biểu Bắc Hàn, vị này còn cho biết: “Hãy xem chúng ta hôm nay có thể làm gì khá hơn hôm qua chút nào chăng”.

 

Cuộc đàm phán này đã được tái diễn từ hôm Thứ Ba 13/9, sau 5 tuần lễ tạm ngưng. Cuộc thượng lượng là Bắc Hàn sẽ nhận được những bảo đảm về viện trợ kinh tế và an ninh từ Hoa Kỳ cùng với điện lực miễn phí từ Nam hàn, ngược lại, Bắc Hàn phải bãi bỏ chương trình chế tạo vũ khí hạch nhân. Bắc Hàn đã xin một lò phản ứng nguyên tự lực điện nước, một loại được tin rằng khó có thể được biến thành phương tiện chế tạo vũ khí nguyên tử.

 

Thật ra Bắc Hàn đã có 2 lò nguyên tử như vậy từ năm 1994 khi đồng ý với Hoa Kỳ là sẽ bỏ ý định chế tạo vũ khí nguyên tử. Thế nhưng, dự án đó đã bị ngăn trở vào cuối năm 2002 khi Bắc Hàn thú nhận mình có những dự án chế tạo những loại vũ khí này, vi phạm tới hiệp ước trước kia với Hoa Kỳ.

 

Lần này Hoa Kỳ không muốn tái lại lầm lẫn đã gây ra dưới thời Clinton năm 1994 nữa. Ông Hill nhận định hôm Thứ Tư rằng Bắc Hàn đã theo đuổi dự án chế tạo vũ khí nguyên tử cả 25 năm nay, “không một bóng đèn nào đã được bật lên như là thành quả của lò phản ứng nguyên tử lực ở Bắc Hàn hết”.

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ