GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 31/10/2006

 TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

 

?  ĐTGM Celestino Migliore Đại Diện Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc với Tổng Hội Nghị ngày 16/10/2006 về những biện pháp loại trừ nạn khủng bố quốc tế

?  Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc về Nạn Khủng Bố: "Chẳng những cần phải lưu ý tới các nguyên do chính trị và xã hội mà còn đến cả những động lực sâu xa hơn về văn hóa, tôn giáo và ý hệ".

?   Truyền Giáo "Cho Muôn Dân - Ad Gentes": Ở Trong Thế Gian - Bối Cảnh 2: Men Đức Tin

 

 

? ĐTGM Celestino Migliore Đại Diện Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc với Tổng Hội Nghị ngày 16/10/2006 về những biện pháp loại trừ nạn khủng bố quốc tế

 

Thưa Ông Chủ Tịch:

 

Trong những năm gần đây, nạn khủng bố đã gia tăng thành một cơ cấu tinh vi, liên kết với nhau về chính trị, kinh tế và kỹ thuật, vượt biên cương bờ cõi quốc gia, bao trùm toàn thế giới. Vì nguy cơ  của nó thì nhiều, làm cho tất cả chúng ta đều lo âu, càng thấy được tầm quan trọng của một Công Ước Toàn Diện về Nạn Khủng Bố Quốc Tế có tính cách bó buộc toàn thế giới.

 

Đại biểu tôi tin rằng trong cuộc tranh luận để chấp nhận một bản công ước như thế, cần phải xác nhận ngay từ đầu là những biện pháp hiệu nghiệm để chống khủng bố và việc bảo vệ nhân quyền không được là những mục tiêu tương khắc. Thật thế, những biện pháp chống khủng bố cần phải phục vụ cho việc bảo vệ nhân quyền, vì việc bảo vệ nhân quyền là mục tiêu của bất cứ sách lược chống khủng bố nào.

 

Cái tính cách hoàn toàn bất khả chấp của nạn khủng bố chính là ở sự kiện nó sử dụng thành phần vô tội làm phương tiện để đạt cùng đích của nó, như thế là tỏ ra khinh bỉ và hoàn toàn coi thường sứ sống con người và phẩm vị con người. Cái coi thường sự sống này tiến đến độ bất chấp cả thủ đoạn trong việc sử dụng những cá nhân vô tội và cả một đám dân chúng như là những thứ khiên thuẫn con người để giấu diếm và bảo vệ thành phần khủng bố cùng với những thứ khí giới của họ.

 

Ngoài ra, sách lược chống khủng bố không được trở thành những gì hy sinh các nhân quyền căn bản nhân danh vấn đề an ninh. Trái lại, cần phải hạn chế việc áp dụng những biện pháp được chọn lựa; bằng không, nó sẽ làm tiêu hao đi chính những giá trị được nó có ý bảo vệ, gây xa cách phần lớn dân số trên thế giới và làm suy yếu đi sức mạnh về luân lý của một sách lược như thế. 

 

Về phía các quốc gia ra tay hành động cũng không được đối xử với thành phần khủng bố bằng một thứ lệch lạc như thế, vì nó chỉ có thể xứng hợp trước mắt của một số người những gì họ cảm thấy phiền trách để biện minh cho hành vi lầm lạc của họ. Trái lại, cho dù thành phần khủng bố có tỏ ra thái độ coi thường mạng sống con người và phẩm vị con người đi chăng nữa cũng không thể vì thế mà không chịu đối xử với họ theo các qui chuẩn nhân đạo quốc tế và nhân quyền.

(Biệt chú của thoidiemmaria: Phải chăng Tòa Thánh ở đây, qua hai đoạn trên đây, muốn nói tới hành động của chính phủ Bush trong việc thiết lập các nhà tù bí mật để giam nhốt thành phần tình nghi khủng bố và hành hạ họ như ở trường hợp nhà tù Gitmo ở Guantanamo Bay, Cuba. Tin tức hôm Thứ Năm 19/10/2006 cho biết Tổng Thống Bush, nhân danh việc bảo vệ mạng sống và tự do của nhân  dân, đã ký chuẩn đạo luật cho phép thiết lập các nhà tù giam giữ thành phần tình nghi khủng bố, tước đi một số quyền hạn pháp lý của họ và được quyền hành hạ tù nhân).

Vì phạm vi pháp lý và tính cách hiệu năng của luật pháp là cốt lõi của việc bênh vực nhân quyền mà Bản Công Ước Toàn Diện về Nạn Khủng Bố Quốc Tế cần phải làm sáng tỏ là không có lý do nào, bất kể là chính đáng đến đâu, có thể viện cớ hay hợp pháp hóa việc cố ý sát hại hay làm thương tật thành phần dân sự. Thậm chí ngay cả đến quyền hợp lệ để chống lại những thẩm quyền bất chính, cũng như quyền được tự quyết và giải phóng quốc gia, cũng không được trở thành những gì đe dọa tới cơ cấu xã hội và trật tự quần chúng quốc nội, cả hai thứ quyền này bình thường cũng không được trở thành những hành động chiến tranh hay áp đảo bất hợp pháp.

 

Nạn khủng bố là một hình thức về văn hóa – theo chiều hướng phản văn hóa và phản văn minh – liên quan tới những quan niệm lệch lạc về thực tại, tới những gì rắc rối trong việc bài ngoại, tới thái độ tỏ ra khinh thường kẻ khác, tới việc thấy kẻ khác như là một mối đe dọa, tới việc khinh khi lạm dụng tôn giáo. Đương đầu với một hiện tượng như thế, các biện pháp về pháp lý cũng như những võ trang vẫn không đủ, chúng ta còn cần phải đáp ứng bằng những phương tiện về văn hóa có khả năng chinh phục bao gồm những giải phát bất bạo động trong việc hàn gắn những phiền trách đích đáng. Lịch sử đã từng cho thấy những mẫu chống đối bất bạo động có thể chỉnh đốn lại các tổ chức và cơ cấu bất chính, và hàn gắn lại những phiền trách chính đáng một cách hiệu nghiệm và lâu bền.

 

Những câu truyện thành đạt ấy cũng nhắc nhở chúng ta rằng việc chiến đấu chống nạn khủng bố cần phải bao gồm cả một cuộc dấn thân can đảm và dứt khoát về chính trị, ngoại giao và kinh tế trong việc làm giảm thiểu đi những tình trạng đàn áp và loại trừ là những gì dễ góp phần vào mưu đồ của thành phần khủng bố.

 

Thường nhận thấy rằng việc tuyển mộ thành phần khủng bố trở thành dễ dàng hơn nơi những trường hợp quyền lợi bị chà đạp và những gì bất công được dung túng trong một thời gian dài. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng những thứ bất công đang hiện diện trên thế giới này không bao giờ được sử dụng như căn cớ để thực hiện các hành động khủng bố, và cần phải nhận định rằng thành phần nạn nhân của tình trạng lũng đoạn trật tự sâu nặng được nạn khủng bố tìm cách lợi dụng trước hết bao gồm hằng triệu con người nam nữ vô số kể là thành phần ít có thể đứng vững nổi trước sự sụp đổ của tình đoàn kết quốc tế. Việc thành phần khủng bố chủ trương ra tay hành động thay cho người nghèo là một thứ sai lầm xảo quyệt.

 

Các tôn giáo và việc đối thoại liên tôn đặc biệt đóng một vai trò trọng yếu trong vấn đề phản bác việc thành phần khủng bố giảng dạy thù ghét và bạo động như là một thứ phản đề với đạo giáo đích thực, trong vấn đề cổ võ một nền văn hóa hòa bình và tương kính, cũng như trong vấn đề giúp cho thành phần cảm thấy bị phiền phức biết chọn lựa những phương tiện bất bạo động. Nhiệm vụ hệ trọng này là những gì thuộc về các tôn giáo, nhưng các quốc gia và gia đình chư quốc vẫn có thể cộng tác bằng việc duy trì một môi trường làm triển nở các tôn giáo và việc đối thoại liên tôn.

 

Xin cám ơn Ông Chủ Tịch.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 17/10/2006
 

 

(xin xem tiếp bài dưới đây cũng của cùng vị đại diện Tòa Thánh trên đây và cùng một đề tài chống khủng bố)

 

  

TOP

 

 

 ? Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc về Nạn Khủng Bố: "Chẳng những cần phải lưu ý tới các nguyên do chính trị và xã hội mà còn đến cả những động lực sâu xa hơn về văn hóa, tôn giáo và ý hệ"

 

Hôm Thứ Năm 11/5/2006, ĐTGM Celestino Migliore, đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã trình bày với Tổng Hội Đồng về chính sách chống khủng bố nguyên văn như sau:

 

Thưa Ông Chủ Tịch,

 

Đại biểu tôi đây hoan nghênh cuộc tranh luận hợp thời về bản tường trình hiện ở trước mắt chúng ta đây, trong bối cảnh của tình trạng bế tắc hiện nay nơi những tham vấn về việc thuận thảo đối với nạn khủng bố. Chúng tôi cũng ủng hộ tất cả mọi nỗ lực nhằm tới việc thắng vượt các khó khăn vẫn còn gây trở ngại cho vấn đề tiến bộ liên quan tới phương tiện về pháp lý quan trọng này.

 

Các đoạn 9 và 10 nơi bản tường trình của vị tổng thư ký thật sự có nêu lên việc minh nhiên lên án nạn khủng bố theo chủ trương chẳng có lý do nào dù chính đáng đến đâu chăng nữa được viện ra hay hợp lý cho vấn đề cố ý sát hại hay gây thương tật cho thành phần thường dân và thành phần không tham chiến.

 

Nạn khủng bố thường bắt nguồn từ việc phân mảnh về văn hóa gây ra bởi những căng thẳng và chia rẽ mà bất hạnh thay chúng ta đã được chứng kiến thấy ngay cả ở Liên Hiệp Quốc trong mấy tuần và mấy tháng gần đây. Bởi thế Tòa Thánh vẫn sẵn sàng để tham dự vào cuộc tranh luận quan trọng này để tìm kiếm một nền tảng chung cho các quốc gia trong việc có thể thiết lập những chính sách chống nạn khủng bố một cách hiệu lực.

 

Mở đầu cho năm nay, Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã ngỏ cùng những người Công Giáo cũng như tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm, kêu gọi họ hãy liên kết các nỗ lực của họ trong việc suy tư, hợp tác, đối thoại và nguyện cầu, hầu thắng vượt nạn khủng bố và xây dựng một cuộc chung sống chân chính và an bình nơi gia đình nhân loại.

 

Bằng niềm xác tín của mình, qua việc phân tích những căn nguyên về hiện tượng khủng bố hiện đại, chẳng những cần phải lưu ý tới các nguyên do chính trị và xã hội mà còn đến cả những động lực sâu xa hơn về văn hóa, tôn giáo và ý hệ, lời kêu gọi của vị Giáo Hoàng này đã trở thành một tấm vi thạch cho các cuộc tranh luận, khởi động và cảm nghiệm cả về lý thuyết lẫn lãnh vực quyết định có tầm mức ảnh hưởng khắp thế giới.

 

Bởi thế đại biểu tôi đây vui mừng ghi nhận rằng bản tường trình ở trước chúng ta đây phối hợp một cấu trúc về văn hóa và tôn giáo nơi chính sách toàn cầu của nó.

 

Thành phần đại diện sẽ nhớ lại Liên Hiệp Quốc đã giành năm 2001 để đối thoại giữa các nền văn minh ra sao, và vào Tháng 11 năm vừa rồi, vị tổng thư ký đã bắt đầu Liên Minh Các Nền Văn Minh. Trước đây không lâu, một cuộc diễn đàn tay ba về vấn đề đối thoại liên tôn và hợp tác cho hòa bình cũng đã được khơi mào để mang các chính phủ, cơ cấu Liên Hiệp Quốc và xã hội dân sự lại với nhau.

 

Đại biểu tôi đây hy vọng rằng cần phải lợi dụng điều lợi ích mới mẻ này ở Liên Hiệp Quốc để hợp tác với các tôn giáo cũng như để cất những chiếc cầu giữa các nền văn hóa và văn minh. Tôn giáo chắc chắn là có một khả năng tích cực thật quan trọng khi có cơ hội thực hiện.

 

Tòa Thánh sẵn sàng ủng hộ các sáng kiến phấn khích thành phần tín hữu trở thành các tác nhân của hòa bình cũng như những sáng kiến liên kết tất cả những ai muốn trở nên những người tạo nên cuộc chung sống an hòa của chúng ta. Ngoài ra, nếu thực sự hiểu được và sống trọn bản chất đích thực của tôn giáo, thì tôn giáo có thể trở thành yếu tố giải quyết hơn là gây trục trặc, vì tôn giáo là những gì sẽ cổ võ cho một nền nhân đạo hứa hẹn và coi trọng phẩm giá của kẻ khác, mang lại công ích cho tất cả chúng ta.   

 

Bởi thế tổ chức này cần phải phấn khích các tôn giáo hãy thực hiện việc đóng góp quan trọng này theo lãnh vực của họ, tức là, tôn giáo được kêu gọi để kiến tạo, nâng đỡ và phát động điều kiện tiên khởi cho mọi cuộc gặp gỡ, mọi cuộc đối thoại, và mọi thứ hiểu biết về tính cách đa nguyên và sự khác biệt về văn hóa. Thưa Ông Chủ Tịch, điều kiện tiên khởi này đó là phẩm giá của con người vậy.

 

Nhân phẩm chung của chúng ta thực sự là một điều kiện tiên khởi vì nó xuất hiện trước cả mọi quan tâm khác hay nguyên tắc về phương pháp học, cho dù là những gì thuộc về luật lệ quốc tế. Chúng ta thấy nó nơi thứ ‘luật vàng’, là thứ luật đều được chất chứa nơi các tôn giáo trên thế giới. Quan niệm này cũng được diễn tả một cách khác nữa đó là tính cách hỗ tương.

 

Việc khuyến khích nhận thức và cảm nghiệm về cái gia sản chung này ở bên trong các tôn giáo và giữa các tôn giáo là những gì sẽ giúp vào việc chuyển dịch quan niệm tích cực này thành các phạm trù chính trị và xã hội, những phạm trù chính trị và xã hội này sẽ truyền đạt sang cho các phạm trù về pháp lý dính liền với những liên hệ quốc gia và quốc tế.

 

Đại biểu tôi cũng cảm thấy mãn nguyện khi thấy cách thức vấn đề xuí giục khủng bố đã được cứu xét tới trong bản tường trình trước mắt chúng ta đây. Tất cả chúng ta đều biết rằng việc sử dụng một cách khéo léo mạng điện toán toàn cầu và các phương tiện truyền thông đại chúng để làm chon an khủng bố trở thành một hiện tượng xuyên quốc, toàn cầu và kết nối, là những gì do đó cần phải có một giải quyết liên kết mãnh lực toàn cầu tương đương.

 

Trong bối cảnh đó, chúng tôi lập lại việc chúng tôi ủng hộ quyết nghị 1624 của Hội Đồng Bảo An là một quyết nghị vừa lên án ‘bằng những từ ngữ mãnh liệt nhất đối với vấn đề xui giục các hành động khủng bố’, vừa bác bỏ ‘những nỗ lực biện minh hay tôn vinh các hành động khủng bố có thể khiêu khích những hành động khủng bố’. Những biện pháp đối đầu với bất cứ tác nhân hay thực thể nào nâng đỡ về tài chính sự bất dung nhượng hay hận thù về sắc tộc và tôn giáo đều là những gì thiết yếu cho một sách lược toàn cầu.

 

Việc loại trừ về chính trị, xã hội và kinh tế đối với các cộng đồng di dân là những gì gây ra tâm trạng chán chường nơi giới trẻ và là những gì dẫn tới những đổ vỡ về trật tự ở một số nơi; thế nhưng cái đòi hỏi cần phải có một giải quyết chính đáng cho những vấn đề này vẫn là một đòi hỏi hợp lý. Bằng việc giải quyết các vấn đề ấy, một cách nhanh chóng và chính đáng, các quốc gia mới có thể cứu những thành phần khủng bố cho khỏi thứ dưỡng khí hận thù và bất bình, dù thực hay do họ tưởng tượng ra, khiến họ nỗ lực chính đáng hóa các việc làm xấu xa của họ và thu phục thành phần nhậy cảm.

 

Cho dù việc làm sao để chặn đứng việc hằng ngày sử dụng các thứ chất liệu chống lại các mục tiêu nhẹ vẫn thường là những gì khó khăn hơn để giải quyết vấn đề, thì việc khước từ thành phần khủng bố những thứ vũ khí, bao gồm các thứ vũ khí đại công phá, hiển nhiên là một yếu tố trong cuộc chiến đấu này. Bởi thế, đại biểu tôi hoan nghênh quyết nghị 1673 của Hội Đồng Bảo An về vấn đề bất leo thang thi đua vũ khí.

 

Chúng tôi cũng đồng ý là cần phải có một mục đích chung cho các quốc gia trong việc bảo toàn, cũng như trong việc ở bất cứ nơi nào có thể loại trừ các thứ vũ khí nguyên tử, sinh chất, hóa học hay phóng xạ, và áp dụng những việc kiểm soát hiệu nghiệm nơi quốc nội cũng như xuất cảng các chất liệu lưỡng dụng liên quan tới các thứ vũ khí đại công phá.

 

Hơn nữa, dường như vấn đề khủng bố về sinh chất là một thứ đe dọa trầm trọng nhưng không được giải quyết nghiêm trọng. Như chúng ta đã thấy nơi những diễn trường hành động khác, giá của việc chẳng làm gì có thể vượt trên cả giá của một hoạt động chính yếu hiện nay được dùng để củng cố khả năng của hệ thống sức khỏe công cộng trong việc đối đầu với hậu quả có thể xẩy ra kinh khủng như thế. Như bản tường trình vạch ra cho thấy là những việc đầu tư quan trọng hiện nay ở lãnh vực này trong khi ấy cũng có những cái spinoff tích cực nơi tính chất chung của việc chăm sóc sức khỏe đang có.

 

Sau hết, thứa Ông Chủ Tịch, việc chống khủng bố cần phải được mang đặc tính chối bỏ cái nền tảng sâu xa về luân lý đối với thành phần khủng bố. Đây là lý do chíùnh đáng duy nhất tại sao việc hành sử thành phần khủng bố và thành phần cho là khủng bố cần phải hợp với các qui chuẩn nhân đạo quốc tế trong cuộc chiến đấu mà tối hậu là một cuộc chiến đấu của tấm lòng và lý trí vậy.

 

Xin cám ơn Ông Chủ Tịch.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/5/2006

 

 

 

TOP

 

 

?  Truyền Giáo "Cho Muôn Dân - Ad Gentes": Ở Trong Thế Gian - Bối Cảnh 2: Men Đức Tin

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dẫn nhập

 

(tiếp 24 Thứ Ba tuần trước bài Bột Thế Gian)

 

Nhận thấy thế giới loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa bắt đầu phiêu lưu vào một qũi đạo văn hóa chết chóc như thế, với trách nhiệm ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian của mình (x.Jn.17:11,13-15), Giáo Hội Công Giáo Rôma đã triệu tập một Công Đồng Chung tại Vatican lần thứ hai, từ ngày 11-10-1962 đến 8-12-1965, để làm sao có thể trở thành "Ánh Sáng Muôn Dân" ("Lumen Gentium" - danh xưng của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, một văn kiện chính yếu nhất trong 16 văn kiện của Công Đồng này), nhờ đó Giáo Hội có thể mang lại cho thế giới tân tiến "Niềm Vui và Hy Vọng" ("Gaudium et Spes" - danh xưng của Hiến Chế Mục Vụ diễn đạt tính cách đối ngoại của Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến, phản ảnh và quảng diễn văn kiện có tính cách đối nội trên đây).

           

Không riêng gì Công Đồng Chung Vaticanô II này, trong suốt giòng lịch sử của mình, tùy theo thời thế và cách thế, Giáo Hội Công Giáo Rôma, nhất là kể từ Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, với Thông Điệp "Rerum Novarum" về điều kiện của những giai cấp làm việc, ban hành ngày 15-5-1891, đã mở màn cho học thuyết xã hội của Kitô Giáo vào thời điểm chủ thuyết cộng sản sắp sửa hiện thân trở thành chế độ cộng sản vô thần sắt máu, một học thuyết xây dựng trên nền tảng bất biến là mạc khải thần linh, để ít là làm như muối ướp (x.Mt.5:13) giữ cho văn hóa thế gian khỏi bị thối rữa và băng hoại. Học thuyết xã hội của Kitô Giáo này đã được các vị giáo hoàng kế tiếp khai triển và áp dụng vào thời điểm của mình, theo thứ tự thời gian, có thể kể đến như sau:

           

Thông Điệp "E Supremi" của Đức Piô X ban hành ngày 4-10-1903, về việc phục hồi mọi sự trong Chúa Kitô

           

Thông Điệp "Ad Beatissimi Apostolorum" của Đức Bênêđictô XV ban hành ngày 1-1-1914, về việc kêu gọi hòa bình.

           

Các Thông Điệp của Đức Piô XI, như "Divini Redemptoris" về cộng sản, ban hành ngày 19-3-1937, và Thông Điệp "Nova Impendet" về việc khủng hoảng kinh tế, ban hành ngày 2-10-1931.

 

Thông Điệp "Summi Pontificatus" của Đức Piô XII ban hành ngày 20-10-1939, về việc hiệp nhất của xã hội loài người.

           

Các Thông Điệp của Đức Gioan XXIII, như "Mater et Magistra" về Kitô Giáo và việc phát triển xã hội, ban hành ngày 15-5-1961, và Thông Điệp "Pacem in Terris" về tình trạng bình an hoàn vũ trong chân lý, chính trực, bác ái và tự do, ban hành ngày 11-4-1963.

 

Các Thông Điệp của Đức Phaolô VI, như “Humane Vitae" về sự sống con người liên quan đến việc ngừa thai, ban hành ngày 25-7-1968, và Thông Điệp "Populorum Progressio" về việc phát triển của các dân tộc, ban hành ngày 26-3-1967.

Các Thông Điệp của Đức Gioan-Phaolô II, như "Laborem Exercens" về công việc làm của con người, ban hành ngày 14-9-1981; Thông Điệp "Sollicitudo Rei Socialis" về việc quan tâm đến xã hội, ban hành ngày 30-12-1987; Thông Điệp "Mulieris Dignitatem" về phẩm vị và ơn gọi của phụ nữ, ban hành ngày 15-8-1988; Thông Điệp "Centesimus Annus" về những vấn đề xã hội và kinh tế, ban hành để kỷ niệm 100 năm Thông Điệp "Rerum Novarum" (1891-1991); và Thông Điệp "Evangelium Vitae" về gía trị và tính cách bất khả xâm phạm của sự sống con người, ban hành ngày 25-3-1995.

 

Văn Hóa của con người, thành phần được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa, chỉ đạt đến tầm vóc toàn hảo của mình khi nó hoàn toàn được Đức Tin soi dẫn để có thể trung thực phản ảnh Lời Chúa là thần linh và là sự sống: "Triều đại của Thiên Chúa giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột. Dần dần cả khối bột trộn men bắt đầu phồng lên" (Mt.13:33).

           

Đất không thể tự mình xanh tươi nếu các hạt giống nơi nó không mọc lên thế nào thì thế gian cũng không thể nào có một bộ mặt nhân bản nếu không có văn hóa của con người như vậy. Tuy nhiên, cho dù có xanh tươi nhờ các hạt giống nơi nó mọc lên đi nữa, đất cũng chỉ là những cánh đồng hoang hay những khu rừng rậm, nơi ẩn nấp của loài dã thú. Cũng thế, qua giòng thời gian của lịch sử thế giới, nhất là giai đoạn BC (trước Chúa Kitô giáng sinh), văn hóa của con người vẫn còn là nơi chất chứa những con dã thú của sức mạnh, của rừng rú, của chộp bắt nhau, ăn thịt nhau.

           

Thật vậy, về thể lý, văn hóa của con người trong giai đoạn BC không là nơi ẩn nấp của loài dã thú, sặc mùi máu tanh và tử khí bốc lên từ sức mạnh của các đế quốc là gì? Như đế quốc Akkadian từ 2360 BC ở vùng Mesopotamia và Ba Tư, đế quốc Cựu Babylon cũng ở vùng này từ 1728 BC, đế quốc Hittite từ 1296 BC ở vùng Anatonia và Syria, đế quốc Assyria từ 883 BC ở vùng Mesopotamia và Persia, đế quốc Tân Babylon từ 605 BC rồi đến đế quốc Ba Tư từ 550 BC cũng ở vùng này, đế quốc Alexander từ 323 BC ở vùng Hy Lạp và Rôma, đế quốc Seleucid từ 280 BC ở vùng Anatolia và Syria, đế quốc Parthian ở vùng Mesopotamia và Ba Tư và đế quốc Rôma ở vùng Hy Lạp và Rôma cùng một thời sau 200 BC, đế quốc Rôma ở Palestine từ 50 BC v.v.,

           

Chưa hết, về luân lý, văn hóa của loài người trong giai đoạn BC cũng còn là nơi ẩn nấp cho loài dã thú, loài sống theo luật rừng mạnh được yếu thua, được tỏ hiện qua những khuynh hướng triết lý hay đạo lý khinh thường vật chất, hạ giá xác thịt, và coi thường phụ nữ nơi các tục đa thê v.v.

           

Thế nhưng, kể từ khi "có người kia đi gieo giống tốt trong thửa ruộng của mình" (Mt.13:24), đó là Lời nhập thể đi rao giảng Tin Mừng, đi truyền bá Phúc Âm trên thế gian và cho con người, bắt đầu từ vùng đất Do Thái, thì đất đã bắt đầu "trổ sinh muôn vàn hoa trái" (Jn.12:24,15:5).

 

 

(xin xem tiếp mục Truyền Giáo này vào các ngày thứ ba hằng tuần, được bắt đầu từ sau Ngày Thế Giới Truyền Giáo 80, 22/10/2006)

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ