GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 22/11/2006 TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI điểm mặt Văn Hóa Tây Phương: “tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi”
? Chuyến Tông Du của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ở Thổ Nhĩ Kỳ liên quan ra sao đối với việc đối thoại với Chính Thống Giáo và Hồi Giáo?
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: bài Giáo Lỳ 25 về Giáo Hội Tông Truyền Thứ Tư 15/11/2006: Thánh Phaolô – Giáo Huấn Về Chúa Thánh Thần
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI điểm mặt Văn Hóa Tây Phương: “tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch
(tiếp 21 Thứ Ba)
1.- Văn Minh Tây Phương: "Không có gì là tuyệt đối ... chỉ ... cái tôi cùng với những ước muốn của cái tôi mà thôi”
(Bài Giảng Thánh Lễ Khai Mạc Mật Nghị Hồng Y Bầu Tân Giáo Hoàng 18/4/2005)
“Chúng ta hãy sang bài đọc thứ hai là thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô. Bài đọc này chính yếu có 3 vấn đề: trước hết là các thừa tác vụ và đặc sủng của Giáo Hội như những tặng ân của Chúa phục sinh đã về trời; rồi tới việc trưởng thành trong đức tin và trong nhận thức về Con Thiên Chúa như điều kiện và nội dung cho mối hiệp nhất của thân thể Chúa Kitô; và sau hết, việc tham dự chung vào việc tăng trưởng của Thân Thể Chúa Kitô, tức là việc biến đổi thế giới bằng mối hiệp thông với Thiên Chúa.
“Chúng ta hãy suy niệm về hai điểm. Điểm thứ nhất đó là con đường dẫn đến, như bản tiếng Ý dịch cách giản dị là ‘sự trưởng thành Chúa Kitô’. Cụ thể hơn, theo bản Hy ngữ, chúng ta cần phải nói về ‘tầm mức viên trọn của Chúa Kitô’ là tầm mức chúng ta được kêu gọi để thực sự trưởng thành trong đức tin. Chúng ta không được là trẻ con trong đức tin, trong tình trang non dại. Mà sống đức tin trẻ con nghĩa là gì? Thánh Phaolô trả lời rằng đó là ‘bị nghiêng ngả theo chiều gió chủ nghĩa’ Thật là một lời diễn tả rất ư là hợp thời!
“Biết bao nhiêu là chiều gió chủ nghĩa chúng ta đã từng biết đến trong mấy thập niên qua! Biết bao nhiêu là trào lưu ý hệ! Biết bao nhiêu là trường phái tư tưởng! Con tầu tư tưởng nhỏ bé của nhiều Kitô hữu thường bị xô lấn bởi những cơn sóng này, tung họ từ cực đoan này sang cực đoan kia: từ chủ nghĩa Marxít đến chủ nghĩa tự do, thậm chí đến chủ nghĩa duy tự do; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân cực đoan; từ chủ nghĩa vô thần đến chủ nghĩa tôn giáo mập mờ bí hiểm; từ chủ nghĩa ngộ thức đến chủ nghĩa hòa đồng v.v.
“Ngày nào cũng có những thứ giáo phái mới, khiến cho những lời của Thánh Phaolô nói trở thành sự thật về việc con người bị lừa đảo, về cái tinh quái làm cho con người bị lầm lạc (x Eph 4:14). Có một đức tin minh tường, theo Kinh Tin Kính của Giáo Hội, thường bị gán cho là chủ nghĩa bảo thủ. Một khi chủ nghĩa tương đối, nói cách khác, một khi để cho mình ‘bị xô đẩy theo chiều gió chủ nghĩa’, thái độ duy nhất được cho là thích hợp với thời đại tân tiến, thì đó là lúc chủ nghĩa tương đối độc đoán được hình thành, một chủ nghĩa tương đối độc đoán cho rằng không có gì là tuyệt đối cả, và là một chủ nghĩa chỉ biết căn cứ vào cái tôi cùng với những ước muốn của cái tôi mà thôi”.
(xin xem tiếp loạt bài nghiên cứu tổng hợp hiện đại này vào những ngày tới hướng về chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ của ĐTC 28/11-1/12/2006)
? Chuyến Tông Du của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ở Thổ Nhĩ Kỳ liên quan ra sao đối với việc đối thoại với Chính Thống Giáo và Hồi Giáo?
Phỏng vấn Đức giám mục Hilarion Alfeyev về Việc đối thoại giữa Công giáo và Chính thống giáo
(tiếp 21 Thứ Ba)
Vienna, Austria, 6.11.2006 – Việc đối thoại giữa người Công giáo và Chính thống giáo có thể có hiệu quả, nhưng nhiều ngăn cản vẫn tồn tại trên con đường đi đến sự hiệp thông Thánh thể; đó là ý kiến của một giám chức lãnh đạo.
Đức giám mục Hilarion Alfeyev của Vienna và Áo quốc, đại diện Giáo hội Chính thống giáo Nga với các Giáo hội Âu châu, đã đưa ra ý kiến trong một cuộc phỏng vấn về cuộc thăm viếng Thổ nhỉ kỳ sắp tới của Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI, cũng như các đề tài khác.
Hỏi: ĐGH Benedictô XVI đang muốn tìm thấy sự “kết hợp hoàn toàn và rõ rệt” nơi mọi tín hữu Kitô giáo – sự kết hợp mà con người không thể “tạo nên”, nhưng có thể khuyến khích, qua sự biến đổi bản thân, qua các cử chỉ cụ thể và sự đối thoại cởi mởi về các đề tài căn bản. Trên cơ sở các đề tài nào mà Chính thống giáo và Công giáo có thể củng cố sự liên kết? Cách nào để chúng có thể được đưa vào hành động?
ĐGM Alfeyev: Trước tiên, tôi tin rằng chúng ta cần xác định một vài mức độ hợp tác và sau đó thực hành để đạt được sự thông hiểu tốt hơn ở mỗi mức độ.
Có mức độ liên quan đến các cuộc trao đổi thần học được Ủy ban chung Công giáo – Chính thống giáo thực hiện. Các cuộc trao đổi này đang và sẽ tập trung vào những khác biệt tính lý và giáo hội học giữa Giáo hội Công giáo Roma và Chính thống giáo.
Ở mức độ này tôi có thể dự đoán cần nhiều năm làm việc khó nhọc và cần cù, đặc biệt khi nói về vấn đề tối thượng quyền phổ quát. Những rắc rối sẽ xuất hiện không chỉ bởi có quan niệm về tối thượng quyền rất khác biệt giữa hai truyền thống Công giáo và Chính thống, nhưng đồng thời do thực trạng là không có một quan niệm thống nhất về tối thượng quyền phổ quát ngay trong giới Chính thống.
Sự thật này đã được thấy rõ trong lần họp gần đây của Ủy ban tại thành phố Belgrade, và sự bất đồng nội bộ trong các Giáo hội Chính thống về vấn đề này sẽ được biểu lộ cách gay gắc và nổi bật hơn trong tương lại. Vì thế, trước mặt là một con đường dài giẳng và gai góc.
Tuy nhiên, có một mức độ khác mà chúng ta có thể hướng tới, ở đây tôi không muốn nói về những gì chia rẻ nhưng là liên kết chúng ta. Cụ thể, đây là mức độ hợp tác trong lĩnh vực truyền giáo.
Cá nhân tôi tin rằng bây giờ còn hơi sớm và thiếu thực tế để kỳ vọng vào sự hồi phục hiệp thông Thánh thể hoàn toàn giữa Đông và Tây trong tương lai gần. Tuy nhiên, không có gì ngăn cản chúng ta là Công giáo và Chính thống, trong việc cùng nhau làm chứng về Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài cho thế giới ngày nay. Có thể chúng ta không thống nhất về hành chánh và giáo hội, nhưng chúng ta phải học hỏi để trở nên những người cùng chung phần và liên minh với nhau trước những thách đố chung: phong trào trần tục hóa cực đoan, thuyết tương đối, thuyết vô thần, hay đạo Hồi cực đoan.
Chính vì lý do này mà từ khi ĐGH Benedictô XVI nhận chức, tôi đã liên tục kêu gọi việc cổ vũ sự liên kết giữa hai Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo bằng cách thiết lập một liên minh mang tính chiến lược nhằm bảo vệ các giá trị Kitô giáo ở Âu châu. Cả hai từ “chiến lược” và “liên minh” đến nay vẫn thường không được chấp nhận để diễn tả một sự hợp tác như thế này.
Tôi cũng muốn tránh các ngôn từ trực tiếp mang tính giáo hội như “hiệp nhất”, bởi vì chúng sẽ gợi lên cho người Chính thống sự kiện Ferrara-Florence và các nỗ lực đáng tiếc khác để đạt được sự thống nhất giáo hội trong khi chưa có sự thỏa thuận về giáo thuyết.
Sự “hiệp nhất” giáo hội cũng như sự nhượng bộ về giáo thuyết một cách vội vả đều không cần thiết trong lúc này, nhưng chúng ta cần sự hợp tác “chiến lược”, có nghĩa là triển khai một chiến lược chung để đối phó với các thách đố của thời đại.
Lý luận phía sau đề xuất của tôi như thế này: Các giáo hội của chúng ta đang trên đường tiến tới sự hiệp nhất, nhưng ta phải thực tế và công nhận rằng điều này có lẽ sẽ cần nhiều thập kỷ, nếu không nói là thế kỷ, trước khi sự hiệp nhất được hồi phục.
Trong lúc đó chúng ta rất cần đối diện với thế giới với tiếng nói đoàn kết. Mặc dầu không phải là một Giáo hội, nhưng phải chăng chúng không thể hành động như là một Giáo hội? Phải chăng chúng ta không thể đứng trước xã hội thế tục như là một tổ chức đoàn kết?
Tôi thực sự tin rằng hai Giáo hội có thể có một tiếng nói; chúng ta có thể có một câu đáp Công giáo – Chính thống giáo thống nhất đối với các thách đố của phòng trào trần tục hóa, phong trào phóng khoáng, và thuyết tương đối. Đồng thời trong việc đối thoại với Hồi giáo, người Công giáo và Chính thống giáo có thể hành động với nhau.
Tôi nên thêm vào, bất kể việc nối lại tình hữu nghị nào giữa người Công giáo và Chính thống giáo sẽ không bác bỏ những cơ chế hiện có trong việc hợp tác liên tôn mà bao gồm cả người Anh giáo và Tin Lành, ví dụ Hội đồng thế giới về Hiệp nhất Giáo hội và Hội đồng Giáo hội Châu âu.
Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh chống phong trào trần tục hóa, phong trào phóng khoáng và thuyết tương đối, cũng như trong nỗ lực bảo vệ các giá trị truyền thống Kitô giáo, Giáo hội Công giáo Roma có lập trường kiên cố hơn các phái Tin Lành. Vì thế, giáo hội tạo thêm khoảng cách với những người Tin Lành có lập trường hòa hợp hơn với các phát triển hiện đại.
Sự mở rộng tự do gần đây về giáo thuyết và luân lý trong các cộng đồng Tin Lanh, cũng như trong Giáo hội Anh giáo, làm cho sự hợp tác giữa họ và các Giáo hội Truyền thống, trong đó có Giáo hội Công giáo Roma và Chính thống giáo, khó khăn hơn bao giờ hết.
Còn thêm một mức độ hợp tác Công giáo – Chính thống giáo khác là giao lưu văn hóa giữa các đại diện của hai Giáo hội. Có nhiều sự hiểu lầm tồn tại giữa chúng ta có nguồn gốc mang tính hoàn toàn văn hóa.
Kiến thức tốt hơn về nguồn gốc văn hóa của nhau chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho việc nối lại tình hữu nghị. Các cuộc triễn lãm tượng ảnh, chương trình ca nhạc hợp xướng, các dự án văn chương chung, các cuộc hội nghị về đề tài văn hóa – tất cả đều giúp chúng ta vượt qua những thành kiến kéo dài nhiều thế kỷ và giúp chúng ta thấu hiểu hơn về các truyền thống của nhau.
(còn tiếp 1 vấn đáp nữa, xin mời theo dõi vào ngày mai)
Rev Antôn Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch theo Zenit 6+7/11/2006
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: bài Giáo Lỳ 25 về Giáo Hội Tông Truyền Thứ Tư 15/11/2006: Thánh Phaolô – Giáo Huấn Về Chúa Thánh Thần
Anh Chị Em thân mến:
Hôm nay, như hai bài giáo lý trước, chúng ta lại nói về Thánh Phaolô và về tư tưởng của ngài. Chúng ta đang ở trước một vĩ nhân, chẳng những về tầm mức của việc hoạt động tông đồ cụ thể, mà còn về mức độ giáo huấn thần học nữa, một giáo huấn hết sức sâu xa và sinh động. Sau khi đã suy niệm trong lần vừa rồi liên quan tới những gì Thánh Phaolô viết về vị thế chính yếu của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống đức tin của chúng ta, hôm nay chúng ta hãy xem những gì ngài nói với chúng ta về Thánh Linh và về sự hiện diện của Thánh Linh nơi chúng ta, vì trong cả về vấn đề này, Vị Tông Đồ cũng muốn dạy chúng ta một điều gì đó rất quan trọng.
Chúng ta biết những gì Thánh Luca nói với chúng ta về Thánh Linh trong Sách Tông Vụ, khi diễn tả về biến cố Hiện Xuống. Vị Thần Linh Hiện Xuống này tác động một năng lực mãnh liệt trong việc dấn thân thực hiện sứ vụ làm chứng cho Phúc Âm trên các nẻo đường thế giới. Thật vậy, Sách Tông Vụ đã trình thuật tất cả những đợt truyền giáo của các vị tông đồ, trước hết là ở Samaria, rời tới giải duyên hải Palestine, như tôi đã nhắc lại ở cuộc gặp gỡ Thứ Tư vừa rồi.
Tuy nhiên, trong những bức thư của mình, Thánh Phaolô cũng nói với chúng ta về vị Thần Linh này theo một quan điểm khác. Ngài không chỉ giới hạn vào việc diễn giải cho thấy chiều lích năng động và hoạt động của Vị Ngôi Ba Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, mà còn phân tính việc hiện diện của Ngài nơi đời sống của Kitô hữu nữa, một đời sống làm nên bởi Ngài. Tức là Thánh Phaolô suy tư về việc vị Thần Linh này tỏ ảnh hưởng của mình ra chẳng những qua hành động của Kitô hữu mà còn nơi chính con người của họ nữa. Thật vậy, ngài đã nói rằng Thần Linh của Thiên Chúa ở trong chúng ta (x Rm 8:9; 2Cor 3:16), và ‘Thiên Chúa đã sai Thần Linh Con Ngài vào lòng chúng ta’ (Gal 4:6).
Bởi thế, đối với Thánh Phaolô, vị Thần Linh này thấm nhập những tầng sâu thẳm nhất của bản thân chúng ta. Như vậy thì những lời sau đây có một ý nghĩa thích đáng: ‘Vì thứ luật của thần trí sự sống nơi Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát anh em khỏi thứ luật tội lỗi và sự chết…. Vì anh em đã không lãnh nhận tinh thần nô lệ để lại cảm thấy lo âu sợ hãi, nhưng anh em đã lãnh nhận một tinh thần nghĩa tử là tinh thần làm cho chúng ta kêu lên rằng Abba - Cha Ơí’ (Rm 8:2,15), bởi chúng ta là con cái nên chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là ‘Cha’.
Do đó, chúng ta có thể thấy rằng Kitô hữu, ngay cả trước khi tác hành nữa, đã có được một nội tâm phong phú và dồi dào sinh lực, những gì đã được ban cho họ nơi bí tích thanh tẩy và thêm sức, một thứ nội tâm đưa họ đến một mối liên hệ khách quan và độc đáo của một người con Thiên Chúa. Phẩm vị cao cả của chúng ta là ở chỗ này, đó là chúng ta chẳng những là hình ảnh mà còn là con cái của Thiên Chúa nữa. Và điều này trở thành một lời mời gọi hãy sống tình con cái của chúng ta, càng ngày càng ý thức rằng chúng ta là những đức con được thừa nhận trong đại gia đình của Thiên Chúa. Đó là một lời mời gọi hãy biến đổi tặng ân khách quan này thành một thực tại chủ quan, quyết định về cách thức suy tưởng của chúng ta, về tác hành của chúng ta, về con người của chúng ta. Thiên Chúa coi chúng ta là con cái của Ngài, như Ngài đã nâng chúng ta lên một phẩm vị tương tư tuy không ngang hàng với phẩm vị của chính Chúa Giêsu, Đấng duy nhất hoàn toàn là Người Con đích thực. Nơi Người, chúng ta được ban tặng hay lấy lại được thân phận con cái và quyền tự do tin tưởng vào mối liên hệ giữa chúng ta với Cha.
Nhờ đó, chúng ta khám phá ra rằng, đối với Kitô hữu, vị Thần Linh này không còn là ‘Thần Linh của Thiên Chúa’, như thường được nói tới trong Cựu Ước cũng như được ngôn từ Kitô Giáo lập lại (cf. Genesis 41:38; Exodus 31:3; 1 Corinthians 2:11.12; Philippians 3:3; etc.). Và Ngài không chỉ là ‘Thánh Thần’, được hiểu một cách tổng quát theo cách diễn tả của Cựu Ước (cf. Isaiah 63:10,11; Psalm 51:13) và của chính Do Thái Giáo nơi những bản văn của họ (Qumran, rabbinism).
Đức tin Kitô Giáo thích đáng là một lời tuyên xưng vào việc dự phần của Vị Thần Linh nơi Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng tự mình đã trở thành ‘Thần Linh ban sự sống’ (1Cor 15:45). Chính vì lý do này Thánh Phaolô nói thẳng tới ‘vị Thần Linh của Chúa Kitô’ (Rm 8:9), về ‘Vị Thần Linh của Con Ngài’ (Gal 4:6) hay về ‘Vị Thần Linh của Chúa Giêsu Kitô’ (Phil 1:19). Như thể ngài muốn nói rằng chẳng những Thiên Chúa Cha trở nên hữu hình nơi Người Con (x Jn 14:9), mà cả Thần Linh Thiên Chúa cũng được thể hiện nơi cuộc sống và hành động của Chúa Kitô tử giá và phục sinh nữa vậy.
Thánh Phaolô dạy chúng ta một điều quan trọng khác. Ngài nói rằng không có một lời nguyện cầu chân thực nào mà lại thiếu sự hiện diện của Vị Thần Linh này nơi chúng ta. Thật vậy, ngài viết: ‘Cũng thế, Thần Linh cũng đến hỗ trợ nỗi yếu hèn của chúng ta; vì chúng ta không biết cầu nguyện làm sao cho phải mà chính Thần Linh chuyển cầu bằng những lời than khôn tả. Và ai đi sâu vào cõi lòng thì biết được những gì Thần Linh muốn, vì Ngài chuyển cầu cho các thánh theo ý muốn của Thiên Chúa’ (Rm 8:26-27).
Điều này như muốn nói rằng Thánh Thần, tức Thần Linh của Cha và Con, trở thành hồn sống của linh hồn chúng ta, phần mật kín nhất nơi con người của chúng ta, từ đó mới không ngừng dâng lên Thiên Chúa một tác động nguyện cầu, một tác động chúng ta thậm chí không thể diễn tả nổi bằng ngôn từ. Thật vậy, Vị Thần Linh này hằng làm bừng lên trong chúng ta, bù đắp những thiếu sót của chúng ta và hiến dâng lên Cha việc tôn thờ của chúng ta, cùng với những khát vọng sâu xa nhất của chúng ta. Dĩ nhiên là điều này cần một tầm mức hiệp thông sinh động với Thần Linh. Nó là một mời gọi trở nên nhậy cảm hơn, biết chuyên chú hơn về sự hiện diện của Thần Linh trong chúng ta, biến đổi việc hiện diện này thành lời nguyện cầu, cảm nghiệm việc hiện diện này và nhờ đó biết nguyện cầu, biết nói với Cha như con cái trong Thánh Thần.
Ngoài ra, còn một khía cạnh quen thuộc khác về Vị Thần Linh này cũng được Thánh Phaolô chỉ dạy cho chúng ta, đó là khía cạnh về mối liên hệ giữa Ngài và tình yêu. Bởi thế Thánh Tông Đồ viết: ‘Hy vọng thì không làm thất vọng, vì tình yêu của Thiên Chúa đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần được ban cho chúng ta’ (Rm 5:5). Trong bức thông điệp ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ của mình, tôi đã trích dẫn một câu rất hay, đó là câu ‘nếu anh chị em thấy đức ái là anh chị em thấy Ba Ngôi’ (đoạn 19), rồi tôi đã diễn giải rằng: ‘Thần Linh là quyền lực nội tại hòa hợp tâm can của người tín hữu với tâm can của Chúa Kitô và thúc đẩy tâm can của họ yêu thương anh chị em mình như Chúa Kitô đã yêu thương những người anh chị em ấy’ (cùng đoạn).
Thần Linh đưa chúng ta vào chính nhịp sống của sự sống thần linh là một sự sống yêu thương, làm cho chúng ta được đích thân thàm dự vào những liên hệ hiện hữu giữa Cha và Con. Vấn đề rất hay ở đây là khi liệt kê các yếu tố khác nhau nơi hoa trái của Thần Linh, Thánh Phaolô đã đề cập tới yêu thương trước hết: ‘Hoa trái của Thần Linh là yêu thương, hoan lạc, bình an’ v.v. (Gal 5:22). Và tự ý nghĩa nếu tình yêu là những gì liên hiệp thì Thần Linh trước hết là Đấng tạo nên mối hiệp thông trong cộng đồng Kitô hữu, như chúng ta vẫn đọc ở đầu Thánh Lễ lời diễn tả của Thánh Phaolô: ‘… và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần (tức là Ngài tác hành nhờ ơn hiệp thông này) ở cùng tất cả anh chị em’ (2 Cor 13:13).
Tuy nhiên, hơn thế nữa, quả thực là Thần Linh tác động chúng ta dấn thân vào các mối liên hệ bác ái với tất cả mọi dân tộc. Nhờ đó, khi chúng ta yêu thương là chúng ta dọn chỗ cho Thần Linh, chúng ta giúp cho Ngài có thể tỏ mình ra một cách trọn vẹn. Bởi vậy mà chúng ta hiểu được lý do tại sao Thánh Phaolô đã liên kết hai lời huấn dụ này vào cùng một trang Thư gửi giáo đoàn Rôma: ‘Hãy tỏ ra tinh thần nhiệt thành’ và ‘đừng lấy oán báo oán’ (Rm 12:11,17).
Sau hết, theo Thánh Phaolô, Thần Linh là một bảo chứng bao dung do chính Thiên Chúa ban cho chúng ta trước để đồng thời bảo đảm gia sản mai này của chúng ta (x 2Cor 1:22, 5:5; Eph 1:13-14). Bởi thế mà chúng ta hãy học nơi Thánh Phaolô là tác động của Thần Linh là những gì hướng đời sống của chúng ta về các giá trị cao cả của yêu thương, của hoan lạc, của hiệp thông và của hy vọng. Chúng ta cần phải cảm nghiệm được điều này hằng ngày, đáp ứng những tác động nội tâm của Thần Linh, một Thần Linh được vị Tông Đồ này khôn ngoan hướng dẫn để có thể nhận thức thấy.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
15/11/2006