GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 21/11/2006 TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI điểm mặt Văn Hóa Tây Phương: “tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi”
? Chuyến Tông Du của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ở Thổ Nhĩ Kỳ liên quan ra sao đối với việc đối thoại với Chính Thống Giáo và Hồi Giáo?
? Truyền Giáo "Cho Muôn Dân - Ad Gentes": Ở Trong Thế Gian - Bối Cảnh 5: Tái Phúc Âm
Lễ Mẹ Dâng Mình 21/11
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI điểm mặt Văn Hóa Tây Phương: “tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch
“Các quốc gia Tây phương không còn khả năng giảng dạy một sứ điệp về luân lý nữa, mà chỉ có một thứ kiến thức về kỹ thuật để cống hiến cho thế giới thôi”
Trong cuốn “Salt of The Earth” (Muối Đất), ấn bản Anh ngữ do Ignatius xuất bản năm 1997, trang 245-246, chương “Priorities of the Church’s Development – Những điều ưu tiên trong Việc Phát Triển của Giáo Hội”, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã trả lời câu hỏi “Việc Hồi Giáo liên kết toàn cầu có nghĩa là gì đối với Kitô Giáo?” được đặt ra cho ngài, như sau:
“Cái cảm thức hôm nay nơi thế giới Hồi Giáo là ở chỗ, các quốc gia Tây phương không còn khả năng giảng dạy một sứ điệp về luân lý nữa, mà chỉ có một thứ kiến thức về kỹ thuật để cống hiến cho thế giới mà thôi. Kitô Giáo đã bị lịm tắt mất rồi; nó thực sự không còn hiện hữu như là một tôn giáo nữa; thành phần Kitô hữu không còn luân lý hay đức tin nữa; tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi…”
Những nhận định trên đây của Hồng Y Joseph Ratzinger cách đây cả chục năm lại được vang dội trong suốt giáo triều mới chưa được 2 năm của ngài, nhất là trong chuyến tông du Bavaria Đức Quốc của ngài (9-14/9/2006), qua bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật ngày mùng 10 tại Neue-Messe ở Munich.
“Dân chúng ở Phi Châu và Á Châu cảm phục kỹ năng về khoa học và kỹ thuật của chúng ta, thế nhưng đồng thời họ sợ hãi trước một thứ hình thức của lý trí hoàn toàn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi nhãn quan của con người, như thể đó là hình thức cao nhất của lý trí, và là một hình thức cần phải được áp đặt trên cả các nền văn hóa của họ nữa. Họ không thấy mối đe dọa thực sự cho căn tính của họ nơi đức tin Kitô Giáo, nhưng trong việc tỏ ra khinh thường Thiên Chúa và việc ngạo mạn coi vấn đề chế diễu sự linh thánh là việc thực hành quyền tự do, và chủ trương thực dụng là qui chuẩn tối hậu về luân lý cho tương lai của việc nghiên cứu khoa học.
“Các bạn thân mến, cái ngạo mạn này không phải là một thứ nhân nhượng và tính cách cởi mở về văn hóa được dân chúng trên thế giới tìm kiếm và tất cả chúng ta đều muốn! Sự nhân nhượng chúng ta hết sức cần đến bao gồm cả lòng kính sợ Thiên Chúa – tôn trọng những gì người khác cho là linh thánh. Việc tôn trọng đối với những gì người khác cho là linh thánh ấy đòi hỏi là chính chúng ta cần phải học biết lại việc tỏ lòng kính sợ Thiên Chúa. Cảm quan tôn trọng này có thể được tái sinh nơi thế giới Tây Phương chỉ khi nào niềm tin tưởng vào Thiên Chúa được phát sinh, chỉ khi nào Thiên Chúa một lần nữa trở nên hiện hữu đối với chúng ta và trong chúng ta”.
Sau đây là những nhận định của ngài có thể được coi như việc ngài Điểm Mặt Tâm Thức Thời Đại Văn Minh Tây Phương qua các lần ngài công khai phát biểu, thứ tự như sau
(xin xem tiếp loạt bài nghiên cứu tổng hợp hiện đại này vào những ngày tới hướng về chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ của ĐTC 28/11-1/12/2006)
? Chuyến Tông Du của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ở Thổ Nhĩ Kỳ liên quan ra sao đối với việc đối thoại với Chính Thống Giáo và Hồi Giáo?
Phỏng vấn Đức giám mục Hilarion Alfeyev về Việc đối thoại giữa Công giáo và Chính thống giáo
Vienna, Austria, 6.11.2006 – Việc đối thoại giữa người Công giáo và Chính thống giáo có thể có hiệu quả, nhưng nhiều ngăn cản vẫn tồn tại trên con đường đi đến sự hiệp thông Thánh thể; đó là ý kiến của một giám chức lãnh đạo.
Đức giám mục Hilarion Alfeyev của Vienna và Áo quốc, đại diện Giáo hội Chính thống giáo Nga với các Giáo hội Âu châu, đã đưa ra ý kiến trong một cuộc phỏng vấn về cuộc thăm viếng Thổ nhỉ kỳ sắp tới của Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI, cũng như các đề tài khác.
Hỏi: Sắp tới đây, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI sẽ đến thăm Thổ nhỉ kỳ, bởi vì ngài muốn tăng cường mối quan hệ giữa Roma và Constantinople. Đối với việc đối thoại giữa Chính thống giáo và Công giáo thì cuộc thăm viếng này mang ý nghĩa gì?
ĐGM Alfeyev: Hy vọng rằng cuộc thăm viếng này sẽ làm cho mối quan hệ giữa hai Giáo hội Roma và Constantinople tốt hơn. Hai giáo hội này đã cắt đứt hiệp thông với nhau vào năm 1054, vì thế hai bên đặc biệt có trách nhiệm phục hồi sự liên kết.
Nói về ảnh hưởng có thể xảy ra từ cuộc họp đối với mối quan hệ tổng quát giữa Chính thống giáo và Công giáo thì chúng ta nên nhớ rằng Giáo hội Chính thống giáo, trên phương diện cơ cấu, rất khác biệt Giáo hội Công giáo Roma.
Giáo hội Chính thống giáo không có một giáo chủ duy nhất, nhưng bao gồm 15 giáo hội độc lập, mỗi giáo hội có một thượng phụ, tổng giám mục, hay trưởng giáo chủ riêng.
Trong gia đình Giáo hội này, thượng phụ của Contantinople là “primus inter pares”, nhưng sự tối thượng quyền này chỉ mang tính danh dự, chứ không phải quyền hạn, bởi vì ngài không có thẩm quyền đối với các Giáo hội khác. Vì thế, khi người ta cho rằng ngài là “trưởng” của Giáo hội Chính thống giáo trên toàn thế giới, đây là một điều lệch lạc. Sự lệch lạch cũng tương tự khi cuộc họp giữa ngài với ĐGH của Roma được xem là cuộc họp giữa hai vị lãnh đạo tối cao của hai Giáo hội Chính thống giáo và Công giáo.
Về lịch sử, cho đến khi sự chia rẻ vào năm 1054, thì ĐGM của Roma là người có vị trí tối thượng quyền trên các Giáo hội Kitô giáo. Bộ giáo luật của Giáo hội Đông phương, đặc biệt điều 28 nổi tiếng trong Công Đồng Chalcedon, quy vị trí thứ hai, chứ không phải thứ nhất, cho thượng phụ của Constantinople.
Ngoài ra, cở sở cho vị trí thứ hai của thượng phụ Constantinople hoàn toàn mang tính chính trị: Một khi Constantinople trở nên “Roma thứ hai”, thủ đô của Đế quốc Roma-Byzantine, vị giám mục của Constantinople được cho là nên giữ vị trí thứ hai sau vị giám mục của Roma.
Sau khi sự hiệp thông giữa Roma va Constantinople bị cắt đứt, tối thượng quyền của các giáo hội Đông phương được chuyển sang “người đứng thứ nhì”, đó là thượng phụ của Constantinople. Vì thế, do sự tình cờ lịch sử mà ngài trở nên “primus inter pares” đối với phía Đông của thế giới Kitô giáo.
Tôi tin rằng song song với những liên lạc với Thượng phụ của Constantinople, việc Giáo hội Công giáo phải phát triễn mối quan hệ song phương với các Giáo hội Chính thống khác, đặc biệt Giáo hội Chính thống Nga, không kém phần quan trọng. Giáo hội này là Giáo hội Kitô giáo lớn thứ nhì trên thế giới có lượng tín hữu trên toàn cầu lên đến 160 triệu, họ rất muốn phát triễn mối quan hệ, đặc biệt trong lĩnh vực làm chứng Kitô giáo chung đối với xã hội trần tục hóa.
Hỏi: Ngài có nghĩ rằng chuyến đi này sẽ mở ra tầm nhận thức mới liên quan đến việc đối thoại giữa hai thế giới Kitô giáo và Hồi giáo?
ĐGM Alfeyev: Sự đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo là thiết yếu và cập thời. Rất đáng tiếc là một số nỗ lực của các vị lãnh đạo Kitô giáo để khuyến khích sự đối thoại này đã bị một số đại diện của thế giới Hồi giáo hiểu lầm.
Cuộc tranh luận gần đây liên quan đến bài thuyết trình mang tính học thuật của ĐGH Benedictô XVI tại Regensburg là một ví dụ rõ rệt về sự hiểu lầmđó. Sự phán ứng công kích từ một số chính trị gia Hồi giáo, cũng như nhiều tín hữu Hồi giáo, đã được một số người theo dõi cho là quá mức.
Có những nhà phân tích đặt câu hỏi: Phải chăng chúng ta đang đi tới một thế giới độc tài của tư tưởng Hồi giáo, mà mỗi nhận xét phê bình về đạo Hồi, thậm chí trong khuôn khổ bài thuyết trình mang tính học thuật, đều bị phản đối một cách hung dữ và công kích, trong khi sự phê bình các tôn giáo khác, đặc biệt Kitô giáo, lại được phép và được khuyến khích?
Có lẽ tôi nên thêm lời rằng, một vài thần học gia trong Giáo hội Chính thống, ngay cả những người thường chỉ trích Giáo hội Công giáo Roma, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ĐGH Benedictô XVI khi cuộc tranh luận liên quan đến bài thuyết trình tại Regensburg đã xảy ra. Họ cho rằng điều ngài trình bày là quan trọng, mặc dầu quả thực, là hơi thiếu ăn khớp với các luật lệ ngầm trong vấn đề tế nhị chính trị.
Hỏi: ĐGH đã sa thải tước hiệu “Thượng phụ Giáo hội Tây phương”. Cử chỉ này mang ý nghĩa gì? Nó có mang ý nghĩa gì trong vấn đề liên tôn không?
ĐGM Alfeyev: Thực ra tôi là vị giáo phẩm đầu tiên đã bình luận về cử chỉ này. Vài tuần sau, những ý kiến chính thức đã được Hội nghị Thượng phụ của Constantinople đưa ra.
Trong lời bình luận của tôi, tôi cho rằng sự bãi bỏ tước hiệu “Thượng phụ giáo hội Tây phương” sẽ có thể được Chính thống giáo xem như là sự khẳng định lập trường về quyền hạn hoàn toàn của Giáo hội, như được phản ảnh trong các danh hiệu khác của ĐGH.
Trong các tước hiệu của ĐGH, tước hiệu “Giám mục của Roma” là thích hợp nhất đối với các Giáo hội Chính thống, bởi vì nó nói lên vai trò của ĐGH là giám mục giáo phận của thành phố Roma.
Tước hiệu như là “Tổng giám mục và Trưởng giáo chủ của Tỉnh Roma” cho thấy quyền hạn của ĐGH bao gồm không chỉ thành phố Roma, nhưng nguyên cả tỉnh này.
Tước hiệu “Giáo trưởng của Ý” có nghĩa vị Giám mục của Roma là “người đầu tiên trong những người ngang hàng” đối với các giám mục của Ý, có nghĩa, nói theo ngôn ngử Chính thống, ngài là giáo trưởng của một Giáo hội địa phương. Theo lối nhận thức này, trong ba tước hiệu này không có cái nào tạo nên vấn đề đối với Chính thống giáo trong trường hợp có sự tái thiết về sự hiệp thông Thánh thể giữa Đông và Tây.
Trở ngại chủ yếu đối với sự kết hợp giáo hội giữa Đông và Tây, theo nhiều thần học gia Chính thống, là giáo huấn về sự quyền hạn hoàn toàn của vị Giám mục của Roma. Điều không thể chấp nhận được và thậm chí gây phẫn nộ theo quan điểm của Chính thống giáo, là trong bối cảnh các tước hiệu được tồn tại như là Vị đại diện Đức Kitô, Vị thừa kế thủ lãnh các tông đồ, Giám mục tối cao của Giáo hội hoàn vũ.
Theo giáo huấn Chính thống, Đức Kitô không có một “đại diện” thay mặt Ngài để cai quản Giáo hội hoàn vũ.
Tước hiệu “Vị thừa kế thủ lãnh các tông đồ” nói về giáo thuyết của Công giáo Roma về vị trí tối thượng của thánh Phêrô, mà khi được trao lại cho vị Giám mục Roma, khẳng định quyền cai quản của ngài đối với Giáo hội hoàn vũ. Giáo huấn này đã bị các văn chương Chính thống phê bình và phản đối từ thời Byzantine trở về sau.
Tước hiệu “Giám mục tối cao” (Pontifex Maximus) nguyên thủy là thuộc về các hoàng đế ngoại đạo của Roma thời cổ đại. Khi Hoàng đế Constantine theo đạo Kitô giáo thì ông đã không từ bỏ tước hiệu này.
Đối với vị Giáo hoàng của Roma, tước hiệu “Vị Giám mục tối cao của Giáo hội hoàn vũ” chỉ định sự quyền hạn hoàn toàn của ĐGH, đây là mức độ thẩm quyền không được các Giáo hội Chính thống công nhận. Đây chính là tước hiệu mà nên được sa thải trước tiên, nếu động cơ cho cử chỉ này là sự “tiến bộ liên tôn” và nguyện vọng cải thiện mối quan hệ Công giáo – Chính thống giáo.
(còn tiếp hai vấn đáp nữa, xin mời theo dõi vào ngày mai và ngày mốt)
Rev Antôn Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch theo Zenit 6+7/11/2006
Truyền Giáo "Cho Muôn Dân - Ad Gentes": Ở Trong Thế Gian - Bối Cảnh 5: Tái Phúc Âm
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dẫn nhập
(tiếp 24 Thứ Ba bài "Bột Thế Gian", 31/10 Thứ Ba bài "Men Đức Tin", 7/11 Thứ Ba bài "Bột Dậy Men", và 14 Thứ Ba bài "Lúa Mục Nát")
Không phải hay sao, về phía trần gian, lòng mến nơi nhiều người đã chẳng trở nên nguội lạnh là gì, điển hình nhất là khi người ta, từ thập niên 1960, đã bắt đầu công khai hợp thức hoá việc cho phép ly dị và được quyền phá thai, một tình trạng chưa bao giờ có từ tạo thiên lập địa cho tới ngày nay! Phải chăng đây là điềm trời báo động cho thời điểm tận thế, thời điểm cùng tận của thế giới loài người, thời điểm con người ngang nhiên hùa nhau đồng loạt hủy hoại đi tất cả những gì Thiên Chúa đã thiết lập ngay từ ban đầu để làm nên xã hội loài người là giao ước hôn nhân và sinh sản con cái (x.Gn.1:27-28;2:21-24).
Cũng không phải hay sao, về phía Giáo Hội, lòng mến nơi nhiều người đã không trở nên nguội lạnh là gì, khi có rất nhiều cơ sở của các dòng tu rộng lớn, đầy đủ tiện nghi, mà hoàn toàn bỏ trống, không còn ai tu, hoặc chỉ còn rất ít ơn gọi; hay khi con số linh mục càng ngày càng khan hiếm, đến nỗi người ta đang nghĩ cách dùng giáo dân thay thế linh mục hoặc cho linh mục lập gia đình; và khi con số đi dự lễ càng ngày càng ít ỏi, đến nỗi có một số địa phận đã phải đóng cửa không ít nhà thờ, hoặc có còn giữ đạo thì lại là một thứ đạo tại tâm, muốn giữ sao thì giữ, muốn tin gì thì tin, miễn sao hợp với cảm nghĩ và ý muốn tự nhiên của mình, hợp với văn hoá thuần nhân bản của mình.
Chính vì tình trạng "lòng mến nơi nhiều người trở nên nguội lạnh" như thế, nơi cả phần đời lẫn phần đạo, mà cũng từ thập niên 1960, Giáo Hội đã phải tự canh tân bản thân mình bằng biến cố Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965). Để rồi, sau đó và từ đó, Giáo Hội đã đi sâu vào việc Tái Phúc Âm Hoá nội bộ cũng như đã đẩy mạnh việc Phúc Âm Hoá thế giới hơn. Việc làm cụ thể nhất trong công cuộc Giáo Hội Tái Phúc Âm Hoá nội bộ cũng như Phúc Âm Hoá thế giới là những cuộc tông du mục vụ của chính vị thừa kế Thánh Phêrô đại diện Chúa Kitô trên trần gian, bắt đầu từ ngay lòng Công Đồng Chung Vaticanô II, do Đức Thánh Cha Phaolô VI khởi xướng năm 1964.
Ngoài ra, để Tái Phúc Âm Hóa nội bộ, còn có các khóa họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, được Đức Thánh Cha Phaolô VI đề xướng vào thời gian gần kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II, bằng văn kiện Apostolica Sollicitudo ban hành ngày 15-9-1965, với kỳ họp đầu tiên đã được bắt đầu từ tháng 10 năm 1967, sau Công Đồng 2 năm. Và để Phúc Âm Hóa thế giới, cũng có những cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Các Châu, do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi trong tông thư Tertio Millennio Adveniente của ngài ban hành 10-11-1994, đoạn 38, theo gương của Hội Đồng Giám Mục Châu Âu, nơi Kitô giáo trưởng thành và từ đó lan tràn khắp thế giới, cũng như gương của Hội Đồng Giám Mục Phi Châu.
Chủ đề của các kỳ họp Hội Đồng Giám Mục Thế Giới hay của các cuộc họp đặc biệt Hội Đồng Giám Mục Các Châu này đã hiển nhiên nói lên đường hướng canh tân và nhu cầu canh tân cấp thiết này.
Về việc Tái Phúc Âm Hóa nội bộ, Thượng Hội Đồng Thế Giới đã bàn đến các vấn đề và đã phổ biến các văn kiện liên quan trực tiếp đến việc Phúc Âm Hóa cũng như các văn kiện nhắm đến từng giới trong Giáo Hội, có thể theo thứ tự kể đến như sau:
Kỳ họp thường lệ thứ 1, 29/9-29/10-1967, về việc bảo trì và kiên cường đức tin Công Giáo : chuyên chính, năng lực, phát triển cùng sự nối kết của đức tin Công Giáo giữa tín điều và lịch sử.
Kỳ họp ngoại lệ thứ nhất, 11-28/10/1969, về bản chất và ý nghĩa của giáo phẩm đoàn, về mối liên hệ của giám mục và hội đồng giám mục với giáo hoàng cũng như với nhau.
Kỳ họp thường lệ thứ 2, 30/9-6/11/1971, về các vị tư tế thừa tác và sự chính trực trong thế giới.
Kỳ họp thường lệ thứ 3, 29/9-26/10/1974, về việc truyền bá Phúc Âm hóa trong thế giới tân tiến, được đúc kết trong tông huấn Evangelii Nuntiandi do Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành ngày 8-12-1975.
Kỳ họp thường lệ thứ 4, 30/9-29/10/1977, về việc dạy giáo lý trong thời đại của chúng ta, được đúc kết trong tông huấn Catechesi Tradendae do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 16-10-1979.
Kỳ họp thường lệ thứ 5, 26/9-25/10/1980, về vai trò của gia đình Kitô hữu trong thế giới tân tiến, được đúc kết trong tông huấn Familiario Consortio do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô ban hành ngày 22-11-1981.
Kỳ họp thường lệ thứ 6, 29/9-29/10/1983, về việc hòa giải và thống hối trong sứ mệnh của Giáo Hội hôm nay, được đúc kết trong tông huấn Reconciliatio et Paenitenlia do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 2-12-1984.
Kỳ họp ngoại lệ thứ hai, 24/11-8/12/1985, về Công Đồng Vaticanô II, trong việc thẩm định sự áp dụng của Công Đồng 20 năm qua, cũng như trong việc tìm cách phát động sự canh tân trong Giáo Hội theo tinh thần và văn tự của Công Đồng.
Kỳ họp thường lệ thứ 7, 1-30/10/1987, về ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới, được đúc kết trong tông huấn Christifideles Laici do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 20-12-1988.
Kỳ họp thường lệ thứ 8, 30/9-28/10/1990, về việc đào tạo linh mục trong các hoàn cảnh của ngày hôm nay, được đúc kết trong tông huấn Pastores Dabo Vobis do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25-3-1992.
Kỳ họp thường lệ thứ 9, 2-29/10//1994, về đời tận hiến và sứ mệnh của nó trong Giáo Hội và trong thế giới, được đúc kết trong tông huấn Vita Consecrata do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25-3-1996.
Kỳ họp thường lệ thứ 10 sẽ diễn ra vào cuối năm 1999 với mục tiêu nhắm đến giới còn lại là hàng giáo phẩm, bàn về chủ đề là "Giám mục: Tôi tớ của Phúc Âm Chúa Giêsu đối với niềm hy vọng của Thế Giới".
Về việc Phúc Âm Hóa thế giới, Hội Đồng Giám Mục Các Châu đã và sẽ bàn đến những chủ đề thời sự sau đây:
Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, đáp lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã diễn ra tại Rôma từ ngày 28-11 đến 14-12 năm 1991, tức theo sau Biến Cố Đông Âu sụp đổ năm 1989 và ngay trước biến cố Nước Nga trở lại ngày 25-12-1991, để lợi dụng tình trạng sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản bàn về vai trò Kitô giáo trong tương lai của Âu Châu cũng như về vai trò tác hiệu của Giáo Hội Công Giáo trong việc hình thành một trật tự xã hội chân chính.
Hội Đồng Giám Mục Phi Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 10/4-8/5/1994 với chủ đề "Giáo Hội ở Phi Châu với sứ mệnh truyền bá Phúc Âm hướng về năm 2000: 'Các con sẽ là nhân chứng của Thày'", được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in Africa ban hành ngày 14-9-1995, dịp ngài thăm Phi Châu.
Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 16/11-12/12/1997, với chủ đề "Gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô hằng sống: Con đường dẫn đến Hối Cải, Hiệp Thông và Đoàn Kết", được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in America ban hành tại Mexicô City ngày 22-1-1999, dịp ngài thăm Mỹ Châu.
Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 19/4-14/5/1998, từ ngày 19-4 đến 14-5, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế với Sứ Mệnh Yêu Thương và Phục Vụ của Người ở Á Châu", sẽ được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in Asia ban hành trong năm 1999, dịp ngài thăm Á Châu.
Hội Đồng Giám Mục Đại Dương Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 23/11-12/12/1998, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô và nhân dân Đại Dương Châu - 'Đi Con Đường của Người, nói Sự Thật của Người và sống Sự Sống của Người'".
Hội Đồng Giám Mục Âu Châu sẽ nhóm họp lần thứ hai vào thời khoảng 1-23/10/1999 tại Rôma, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô vẫn sống nơi Giáo Hội, Nguồn Mạch Hy Vọng cho Châu Âu".
Với đà Canh Tân của Giáo Hội từ Công Đồng Vaticanô II tới nay đã quá rõ ràng và mãnh liệt như thế, thì một khi còn là con cái của Giáo Hội, còn như cành nho dính liền với thân nho, chắc chắn Kitô hữu Công Giáo chúng ta phải thực sự cảm thấy trong mình một luồng thần khí Canh Tân của Mẹ Giáo Hội chuyền sang cho chúng ta, để chúng ta có thể sống một “sự sống viên mãn hơn” (Jn.10:10) trong ngàn năm thứ ba Kitô giáo, Mùa Xuân gieo Tin Mừng Cứu Độ!
(xin xem tiếp mục Truyền Giáo này vào các ngày thứ ba hằng tuần, được bắt đầu từ sau Ngày Thế Giới Truyền Giáo 80, 22/10/2006)