GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 7/11/2006 TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN |
? “Việc đào sâu vào những chân lý Kitô Giáo và việc học hỏi thần học cũng như các môn tôn giáo khác bao gồm một thứ giáo dục thinh lặng và chiêm ngắm”
? Chuyến Tông Du thứ năm sắp tới của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vẫn tiếp tục bị trục trặc ở Thổ Nhĩ Kỳ
? Truyền Giáo "Cho Muôn Dân - Ad Gentes": Ở Trong Thế Gian - Bối Cảnh 3: Bột Dậy Men
“Việc đào sâu vào những chân lý Kitô Giáo và việc học hỏi thần học cũng như các môn tôn giáo khác bao gồm một thứ giáo dục thinh lặng và chiêm ngắm”
Huấn dụ giáo chức và sinh viên các đại học Tòa Thánh dịp năm học mới 23/10/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô
“Tôi cũng muốn nhân cơ hội này để nhấn mạnh, như tôi đã có dịp thực hiện ở những cuộc gặp gỡ khác nhau với các linh mục và chủng sinh, tầm quan trọng chính yếu của đời sống thiêng liêng và nhu cầu cần phải nuôi dưỡng, cùng với việc tăng trưởng về văn hóa, một tầm vóc trưởng thành về nhân bản cân đối cũng như một việc huấn luyện sâu xa về khổ chế và đạo đức.
“Ai muốn làm bạn của Chúa Giêsu và trở nên môn đệ đích thực của Người – nên người môn đệ chủng sinh, linh mục, Tu sĩ hay giáo dân – cần phải vun trồng một mối thân hữu thân mật với Người bằng việc suy niệm và nguyện cầu. Việc đào sâu vào những chân lý Kitô Giáo và việc học hỏi thần học cũng như các môn tôn giáo khác bao gồm một thứ giáo dục thinh lặng và chiêm ngắm, vì người ta phải có khả năng lắng nghe Thiên Chúa nói trong tâm can.
“Luôn cần phải thanh tẩy tâm tưởng để cho thể tiến tới chiều kích là nơi Thiên Chúa ban bố Lời sáng tạo và cứu chuộc của Ngài; Lời của Ngài, như Thánh Ignatiô Antiokia diễn tả một cách tuyệt diệu, “âm thầm xuất hiện” (Letter To the Magnesians, VIII, 2). Nếu chỉ xuất phát từ sự tĩnh lặng chiêm niệm thì những lời của chúng ta có một giá trị và tác dụng nào đó, không giống như những bài diễn thuyết khoa trương của thế gian muốn được dư luận quần chúng hoan hô.
“Sinh viên học hỏi
nơi một học viện của Giáo Hội bởi thế cần phải tỏ ra sẵn sàng tuân phục chân lý,
nhờ đó họ vun trồng một thứ khổ chế đặc biệt về tâm tưởng và ngôn từ. Tính cách
khổ chế này là những gì nhờ ở lòng thiết tha ưu ái Lời Chúa, và tôi có thể nói
hơn như thế nữa, là những gì nhờ ở “sự tĩnh lặng” xuất phát Lời trong cuộc trao
đổi yêu thương giữa Cha và Con trong Thánh Thần. Chúng ta cũng có thể tiến tới
với một cuộc trao đổi như thế qua nhân tính thánh hảo của Chúa Kitô.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
3/11/2006
Chuyến Tông Du thứ năm sắp tới của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vẫn tiếp tục bị trục trặc ở Thổ Nhĩ Kỳ
Vị đại diện Tòa Thánh ở Anatolia Thổ Nhĩ Kỳ là ĐGM Luigi Padovese, 59 tuổi, cho dù lạc quan và trấn an dư luận, nhưng cũng không thể giấu diếm được những gì đang xẩy ra tại quốc gia sắp được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sang viếng thăm vào thời khoảng 28/11-1/12/2006 tới đây.
Trước hết là sự kiện vị Thủ Tướng nước này hầu như không thể có mặt trong cuộc viếng thăm của ĐTC liên quan tới vấn đề tranh cử sắp tới, sau nữa đến vị Bộ Trưởng Tôn Giáo Vụ cũng muốn lánh mặt trong cuộc tông du của Đức Thánh Cha.
Chưa hết, hôm 1/11/2006, một thanh niên 26 tuổi tên là Ibrahim Ak đã bắn 4 phát súng chỉ thiên trước Tòa Lãnh Sự Ý ở Istanbul để chống lại chuyến viếng thăm của vị Giáo Hoàng đương kim.
Còn nữa, một trong những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất ở xứ sở này của tác giả Yucel Kaya là cuốn “Tấn Công Giáo Hoàng: Ai sẽ Giết Chết Biển Đức XVI ở Istabul?” - "Attack on the Pope: Who Will Kill Benedict XVI in Istanbul?"
Về những phát súng chỉ thiên, vị giám mục đại diện tòa thánh cho mạng điện toán toàn cầu Zenit biết rằng: “Tôi nghĩ là không cần quan trọng thái quá tới những hành động chụp bắt sự chú ý như hành động ấy. Việc chú trọng thái quá tới những thứ xẩy ra như thế của một số báo chí Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đổ thêm dầu vào lửa căng thẳng, và tôi chưa nói đến việc nó còn làm phát sinh thêm những hành vi khác đại loại như thế”.
Về việc vị Bộ Trưởng Tôn Giáo Vụ không muốn gặp Đức Thánh Cha, vị giám mục cho biết: “Tôi lấy làm tiếc xót vì ngoài vị Thủ Tướng Recep Tayyip Erdogan ra, vị Bộ Trưởng Mehmet Aydin cũng sẽ vắng mặt nữa, vị cũng xuất hành ra khỏi nước. Tôi không đặt vấn đề gì về sự vắng mặt này, một sự vắng mặt dầu sao cũng có vẻ ngộ nghĩnh làm sao ấy, vì vị Giáo Hoàng đến Thổ Nhĩ Kỳ không phải chỉ với tư cách là một quốc trưởng mà còn là một vị lãnh đạo tôn giáo nữa”.
“Căn cứ vào đó thì dường như về phía quần chúng không cảm nhận việc viếng thăm của Đức Thánh Cha, những cử chỉ như thế – bất kể thực sự có lý chăng nữa, thứ lý lẽ cần phải được kể đến – có thể được hiểu là một cách thức muốn tỏ ra cách biệt”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/11/2006
Truyền Giáo "Cho Muôn Dân - Ad Gentes": Ở Trong Thế Gian - Bối Cảnh 3: Bột Dậy Men
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dẫn nhập
(tiếp 24 Thứ Ba bài "Bột Thế Gian", và 31 Thứ Ba bài Men Đức Tin)
Đúng vậy,
kể từ khi "hạt giống tốt" là mạc khải thần linh, là tinh thần đức ái trọn
hảo, được trời cao gieo xuống thửa ruộng thế gian, thì văn hóa nhân bản bắt
đầu lên men thần linh. Không phải hay sao, kể từ giai đoạn AD là "năm của
Chúa", tức kể từ thời điểm Chúa Kitô giáng sinh, thời điểm "sự sống đã tỏ
hiện cho chúng ta" (1Jn.1:2), thời điểm "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã
ban Con Một mình để ai tin Con sẽ không phải chết nhưng được sự sống đời đời"
(Jn.3:16), văn hóa nhân bản, như một mầm thai tới thời khắc được hồn thiêng
hóa để bắt đầu sống động như một con người thế nào, thực sự cũng đã được
Phúc Âm hóa để trổ sinh "sự sống viên mãn hơn" (Jn.10:10) cho loài người như
thế?
Nhìn vào
thế giới hiện nay, sau gần 2000 AD, tức sau gần 2000 năm Chúa Kitô giáng
sinh, chúng ta nhận thấy gì đặc biệt, nếu không phải là tinh thần yêu thương
phục vụ do Kitô giáo khởi xướng, bắt đầu từ Âu Châu, một đại lục có thể nói
là đại lục Kitô giáo, đã được nẩy nở khắp nơi trên thế giới, về cả lãnh vực
văn học cũng như xã hội.
Về lãnh
vực văn học là lãnh vực đầu não chi phối các lãnh vực khác, phải kể đến các
đại học là môi trường giáo dục cao cấp do Kitô giáo khởi xướng từ thời trung
cổ. Như Đại Học Bologna ở Ý có từ năm 1100, Đại Học Oxford ở Anh Quốc cũng
bắt đầu hình thành từ năm 1100, Đại Học Ba Lê năm 1200, Đại Học Toulouse do
Đức Thánh Cha Gregoriô X thiết lập năm 1229, Đại Học Napoli do hoàng đế
Frederic thiết lập năm 1224, Đại Học Salamanca do vua Ferđinand xứ Castilla
sáng lập năm 1243, các đại học ở Đức và Bắc Âu mãi tới thế kỷ 14 mới có, như
Đại Học Praga năm 1348, Đại Học Vienna năm 1365, Đại Học Heidelberg năm
1386, Đại Học Cologne năm 1388 v.v. Tại Hoa Kỳ, đại học đầu tiên là Đại Học
Harvard ở Cambridge tiểu bang Massachusetts được thành lập từ năm 1636,
trước hết, là để dạy chủng sinh theo học thần học, sau đó mới trở thành một
đại học đời như bây giờ. Đối với việc giáo dục học đường, cách riêng ở Việt
Nam, nổi tiếng nhất phải kể đến trường của các Sư Huynh Lasan, như trường
trung học Tabert Sài Gòn, một học đường thu hút được không biết bao nhiêu là
con cái của những nhà có tai mắt ngoại giáo. Ngày nay, chính các cán bộ cộng
sản theo chủ thuyết chống Công Giáo lại chỉ yên tâm khi mang con cái của
mình đến học ở các trường có các bà sơ dạy mà thôi.
Về lãnh
vực xã hội, một lãnh vực tim gan, (so với lãnh vực văn học là lãnh vực đầu
não), Kitô giáo cũng đã là khai sáng viên trong các việc phục vụ con người
về mọi phương diện, như việc mở các nhà thương để chữa trị thương đau nơi
xác thân con người, lập các viện mồ côi để chăm nuôi dưỡng dục trẻ em không
nhà, mở các trại cùi để săn sóc thành phần bị người đời ghê sợ xa tránh v.v
Theo lịch
sử Giáo Hội, việc bác ái xã hội bắt đầu triển nở từ cuối thể kỷ 16 sang đầu
thế kỷ 17. Khởi sự với việc Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa ở Bồ Đào Nha mở các
bệnh viện, nên dòng này còn được gọi là Dòng Bệnh Viện. Tiếp đến là Văn
Phòng Bác Ái Công Giáo do vua Henri IV lập năm 1606 để kiểm soát các tổ chức
bác ái xã hội và xây cất nhiều bệnh viện mới. Nổi tiếng nhất là Dòng Nữ Tử
Bác Ái Thánh Phaolô lập năm 1633 để chuyên chăm sóc người bệnh hoạn, tật
nguyền, già nua cũng như các trẻ em mồ côi. Thế nhưng, công cuộc bác ái xã
hội phát triển nhanh nhất (từ năm 1950) và rộng nhất (tới 126 quốc gia, kể
cả các nước cộng sản) phải kể đến việc phục vụ "người nghèo nhất trong các
người nghèo" của Dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Têrêsa Calcutta lập, một hiện
thân đức ái Kitô giáo thời đại đã được cả thế giới tiếc thương khi mẹ qua đi
ngày 5-9-1997. Ngoài ra, việc bác ái xã hội Công Giáo còn ôm ấp chính thành
phần người cùi nữa, mà hai vị tông đồ người cùi lưu danh là cha Đa-miêng ở
Môlôcai bên Hạ-Uy-Di, và đức cha Cát-Sanh ở Di Linh Việt Nam.
Phải, nhờ tinh thần hy sinh phục vụ của con cái Giáo Hội, thành phần truyền giáo nơi các xứ dân ngoại, cũng như thành phần làm việc tông đồ ngay trong lòng xã hội, được thực hiện bởi thành phần giáo sĩ và tu sĩ sống đời tận hiến, theo lệnh truyền của Chúa Kitô phục sinh: "Các con hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi tạo vật" (Mk.16:15), mà đức tin nhỏ như hạt cải, nhỏ đến nỗi không thể nhìn thấy bằng con mắt tự nhiên, đã mọc lên xum xuê thành một Giáo Hội hoàn vũ vĩ đại, đến nỗi, các linh hồn như chim trời đến làm tổ nương thân nơi càc cành của nó (x.Mt.13:31-32) là các chi thể thuộc Nhiệm Thể của Chúa Kitô, được hiện thân qua các Giáo Hội chuyên biệt địa phương, các dòng tu, các vị đại thánh thời đại v.v.
(xin xem tiếp mục Truyền Giáo này vào các ngày thứ ba hằng tuần, được bắt đầu từ sau Ngày Thế Giới Truyền Giáo 80, 22/10/2006)