GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BẢY 11/2/2006 |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân XV
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Thông Điệp "THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU" - Kết Luận (40-42)
? Vấn Đề Lĩnh Ơn Toàn Xá trong Ngày Thế Giới Bệnh Nhân
? Hình Ảnh Thế Giới Hồi Giáo chống Báo Chí Âu Châu Phỉ Báng Giáo Tổ Mohammed
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân XV
Sau đây là nguyên văn Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ XV, được tổ chức tại Adelaide Úc Đại Lợi, ngày Lễ Mẹ Lộ Đức 11/2/2006.
Anh Chị Em thân mến,
Ngày Thế Giới Bệnh Nhân sẽ được tổ chức vào ngày 11/2/2006, lễ nhớ Đức Trinh Nữ Lộ Đức.
Năm ngoái Ngày này được tổ chức ở Đền Thánh Mẫu Mvolyé nước Yaoundé, và vào dịp ấy tín hữu cùng các vị mục tử, nhân danh toàn thể lục địa Phi Châu, đã tái khẳng định việc dấn thân mục vụ của mình đối với thành phần bệnh nhân. Ngày Thế Giới Bệnh Nhân tới đây sẽ ở tại Adelaide Úc Đại Lợi, và các biến cố diễn ra sẽ được kết thúc ở việc cử hành Thánh Thể ở vương cung thánh đường kính Thánh Francesco Saverio, một vị thừa sai hăng say của các dân chúng Đông Phương.
Vào dịp này, bằng việc đặc biệt quan tâm của mình, Giáo Hội muốn tỏ ra lưu ý tới khổ đau, kêu gọi quần chúng hãy chú trọng tới những vấn đề liên quan tới tình trạng bấn loạn tâm thần là tình trạng hiện nay đang ảnh hưởng tới 1/5 loài người, và đang tạo nên một tình trạng khẩn cấp đối với việc thực sự chăm sóc sức khỏe xã hội.
Khi nhớ đến mối quan tâm này đã được vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thực hiện cho biến cố hằng năm này, cả tôi nữa, anh chị em thân mến, cũng muốn hiện diện một cách thiêng liêng ở Ngày Thế Giới Bệnh Nhân, hầu dừng bước suy nghĩ, cùng với những ai tham dự, về tình trạng tâm bệnh trên thế giới, và kêu gọi việc dấn thân của các cộng đồng Giáo Hội trong việc làm chứng cho tình thương lân ái của Thiên Chúa đối với họ.
Ở nhiều quốc gia, luật lệ nơi lãnh vực này chưa có, và ở các quốc gia khác cũng thiếu vắng một chính sách xác đáng về vấn đề tâm bệnh. Cũng cần phải nhận định rằng việc kéo dài những cuộc xung đột võ trang nơi các miền khác nhau trên thế giới, tình trạng liên tục của những thiên tai khủng khiếp, và tình trạng lan tràn của nạn khủng bố, thêm vào việc gây ra một con số chết chóc kinh hoàng, cũng đã tạo nên những chấn thương tâm thần nơi không ít người sống sót mà tình trạng phục hồi của họ nhiều lúc cũng không dễ dàng gì.
Và ở những quốc gia phát triển kinh tế cao, thành phần chuyên viên nhìn nhận rằng căn nguyên của những hình thức mới nơi tình trạng bấn loạn tâm thần chúng ta có thể thấy được ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng về các thứ giá trị luân lý. Tình trạng này gia tăng cảm quan cô đơn, làm suy giảm và thậm chí phá hủy những hình thức truyền thống gắn bó của xã hội, bắt đầu từ cơ cấu gia đình, và đẩy ra rìa thành phần bệnh nhân, nhất là thánh phần bị tâm bệnh, những người thường được coi là gánh nặng cho gia đình của họ và cộng đồng của họ.
Ở đây tôi xin cám ơn những ai hoạt động bằng những đường lối khác nhau và ở những lãnh vực khác nhau trong việc bảo đảm rằng tinh thần đoàn kết không bị suy giảm và con người kiên trì chăm sóc cho những người anh chị em của chúng ta đây, dựa vào những lý tưởng cũng như những nguyên tắc nhân bản và có nền tảng Phúc Âm. Bởi vậy tôi khuyến khích nỗ lực của những ai đang hoạt động để bảo đảm là tất cả mọi con người bị bệnh tâm thần đều được cung cấp cho việc hưởng các hình thức cần thiết của việc chăm sóc và chữa trị. Tiếc thay, nơi nhiều phần đất trên thế giới, các dịch vụ cho thành phần bệnh nhân bị thiếu vắng, không đủ hay trong tình trạng tàn bại.
Môi trường xã hội không bao giờ cũng chấp nhận thành phần bị tâm bệnh với những giới hạn của họ, và vì lý do đó nữa, cũng gặp phải cả những khó khăn trong việc bảo đảm những phương tiện về nhân sự và tài trợ cần thiết. Người ta nhận thấy nhu cầu cần phải hòa nhịp một cách tốt đẹp hơn vấn đề trị liệu thích đáng trước sau với một cảm thức mới đối với tình trạng bấn loạn để giúp cho các cán sự ở ngành này giúp một cách hiệu nghiệm hơn những bệnh nhân ấy cũng như gia đình của họ, thành phần tự mình không thể chăm sóc bởi họ hàng thân thuộc của mình trong lúc khốn khó một cách thích đáng. Ngày Thế Giới Bệnh Nhân tới đây là một cơ hội xứng hợp để bày tỏ tình đoàn kết với các gia đình có bệnh nhân tâm thần sống lệ thuộc vào họ.
Ở đây tôi xin ngỏ lời cùng anh chị em, anh chị em đang gánh chịu bệnh tật thân mến, để kêu mời anh chị em hãy cùng với Chúa Kitô dâng hiến thân phận khổ đau của anh chị em lên Chúa Cha, tin tưởng rằng hết mọi thử thách biết chấp nhận bằng phó thác đều có công và kéo lòng khoan dung của Thiên Chúa xuống trên toàn thể nhân loại. Tôi bày tỏ lòng cảm nhận của tôi với những ai giúp đỡ và chăm sóc cho anh chị em ở các trung tâm cư trú, các bệnh viện trong ngày cũng như ở những phòng chẩn bệnh và chữa trị, và tôi kêu gọi họ hãy cố gắng bảo đảm rằng, việc trợ giúp về y khoa, xã hội và mục vụ đối với những ai cần thiết, một việc trợ giúp tỏ ra tôn trọng phẩm giá riêng của hết mọi con người, là những gì không bao giờ được thiếu vắng.
Giáo Hội, đặc biệt là qua hoạt động của những vị tuyên úy, sẽ không thôi cung cấp cho anh chị em sự trợ giúp của mình, với ý thức rõ ràng là Giáo Hội được kêu gọi để bày tỏ tình yêu thương và mối quan tâm của Chúa Kitô đối với những ai khổ đau cũng như đối với những ai chăm sóc họ. Tôi ca ngợi các cán sự mục vụ và những hiệp hội cùng phong trào thiện nguyện hãy nâng đỡ – qua các hình thức cụ thể và bằng những hoạt động thực tiễn – những gia đình có bệnh nhân tâm thần đang sống lệ thuộc vào họ, đang liên quan tới những ai tôi hy vọng rằng văn hóa của việc đón nhận và chia sẻ sẽ tăng phát và lan tràn, và cũng nhờ những luật lệ cùng những chương trình chăm sóc sức khỏe thích hợp là những gì hoạch định những phương tiện đầy đủ cho việc áp dụng thực hành của họ. Việc huấn luyện và cập nhật hóa nhân viên hoạt động ở một lãnh vực rất tinh tế là những gì khẩn trương hơn trước đây nữa.
Hết mọi Kitô hữu, theo phận vụ đặc biệt và trách nhiệm đặc biệt của mình, được kêu gọi góp phần của mình, để phẩm vị của những người anh chị em này của chúng ta được nhìn nhận, tôn trọng và cổ võ. “Dục in altum! – Hãy ra chỗ nước sâu thả lưới bắt cá!” Đó là lời Chúa Kitô mời gọi Phêrô và các Vị Tông Đồ tôi muốn ngỏ cùng các cộng đồng Giáo Hội ở khắp thế giới và đặc biệt đến những ai phục vụ thành phần bệnh nhân, để, bằng việc giúp đỡ của “Mary Salus Infirmorum”, họ có thể làm chứng cho sự thiện hảo và mối quan tâm thân phụ của Thiên Chúa. Xin Trinh Nữ Thánh an ủi những ai bị bệnh tật, và hỗ trợ những ai, như người Samaritanô Nhân Lành, xoa dịu những vết thương thể lý và tâm thần của họ!
Xin mỗi người trong anh chị em hãy tin rằng anh chị em sẽ dược tôi nhớ đến trong lời nguyện cầu, và tôi hân hoan ban Phép Lành của tôi cho tất cả anh chị em.
Tại Vatican ngày 8/12/2005
Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 9/12/2005
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Thông Điệp DEUS CARITAS EST – THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU
(tiếp)
KẾT LUẬN
40. Sau hết, chúng ta hãy nhìn đến các vị thánh, những vị đã thực hành đức bác ái một cách gương mẫu. Chúng ta đặc biệt nghĩ tới Thánh Martin thành Tours (năm 397), một quân nhân đã trở thành một đan sĩ và giám mục: ngài hầu như là một thần tượng, làm sáng tỏ cái giá trị bất khả thay thế của chứng từ bác ái của cá nhân con người. Ở cổng thành Amiens, Thánh Martin đã tặng một nửa chiếc áo khoác của mình cho một người nghèo: Chính Chúa Giêsu, vào đêm hôm ấy, đã hiện ra với ngài trong giấc mơ với chiếc áo khoác đó, để xác định tính cách chính thực của câu Phúc Âm: “Ta trần trụi được các người khoác mặc cho… khi các người làm điều ấy cho một trong những người an hem hèn mọn nhất của Ta là các người làm cho chính Ta” (Mt 25:36,40) (Cf. Sulpicius Severus, Vita Sancti Martini, 3, 1-3: SCh 133, 256-258). Tuy nhiên, trong lịch sử Giáo Hội, còn biết bao nhiêu là chứng từ bác ái đáng được trích dẫn! Đặc biệt là toàn thể phong trào đan viện tu, từ khi được bắt đầu với Thánh Antôn Đan Viện Phụ (năm 356), đã cho thấy được việc phục vụ bác ái rộng lớn đối với tha nhân. Qua cuộc hội ngộ “diện đối diện” với vị Thiên Chúa là Tình Yêu, người đan sĩ cảm thấy nhu cầu thúc bách trong việc biến đổi tất cả đời sống của mình thành việc phục vụ tha nhân, cùng với việc phụng sự Thiên Chúa. Điều này cho thấy việc hết sức chú trọng tới vấn đề tiếp đón đãi ngộ, vấn đề nương trú tị nạn và vấn đề chăm sóc cho thành phần bệnh nạn ở vùng lận cận của các đan viện. Điều ấy cũng cho thấy được những khởi xướng bao rộng về vấn đề phúc hạnh của con người cũng như về vấn đề cơ cấu Kitô Giáo, nhắm trước hết tới những con người rất nghèo, thành phần trở thành đối tượng chăm sóc đầu tiên của các dòng đan tu và khất thực, rồi sau đó của các tổ chức tu trì nam nữ khác suốt giòng lịch sử Giáo Hội. Hình ảnh của những thánh nhân chỉ cần liệt kê một ít như Phanxicô Assisi, I Nhã Loyola, Gioan Thiên Chúa, Camillus đệ Lellis, Vinh Sơn đệ Phaolô, Louise de Marillac, Giuseppe B. Cottolengo, Gioan Bosco, Luigi Orione, Têrêsa Calcutta, là những hình ảnh nổi bật như những mẫu gương lâu dài về việc phục vụ bác ái đối với tất cả mọi con người thành tâm thiện chí. Các thánh nhân là những người thực sự mang ánh sáng trong lịch sử, vì các vị là con người nam nữ sống đức tin, đức cậy và đức mến.
41. Nổi nang nhất trong các thánh là Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Kitô và là gương mẫu của tất cả mọi thánh đức. Trong Phúc Âm Thánh Luca, chúng ta thấy Mẹ dấn thân phục vụ bác ái cho chị họ Isave của Mẹ, người Mẹ đã ở cùng “khoảng chừng 3 tháng” (1:56), để trợ giúp bà trong giai đoạn thai nghén cuối cùng. “Magnificat anima mea Dominum”, Mẹ đã xướng lên vào dịp viếng thăm này, “linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (1:46). Qua những lời này, Mẹ đã bày tỏ tất cả chương trình sống của Mẹ, ở chỗ, Mẹ không tự đặt mình vào tâm điểm, mà giành chỗ cho Thiên Chúa, Đấng được gặp gỡ nơi cả việc nguyện cầu và phục vụ tha nhân – và chỉ cho tới lúc ấy sự thiện hảo mới đi vào trần thế. Sự cao cả của Mẹ Maria là ở sự kiện Mẹ muốn tôn tụng Thiên Chúa chứ không phải chính bản thân Mẹ. Mẹ là con người thấp hèn: ước vọng duy nhất của Mẹ đó là được làm nữ tỳ của Chúa (x Lk 1:38,48). Mẹ biết rằng Mẹ sẽ chỉ góp phần vào việc cứu độ thế giới, ở chỗ, thay vì thi hành những dự án riêng của Mẹ, Mẹ hoàn toàn phó mình cho các khởi động của Thiên Chúa. Mẹ Maria là một người nữ của niềm hy vọng: chỉ vì Mẹ tin vào những lời hứa hẹn của Thiên Chúa và chờ đợi việc cứu độ Yến Duyên mà thiên thần mới đến viếng thăm Mẹ và kêu mời Mẹ dứt khoát phục vụ cho những lời hứa hẹn ấy. Mẹ Maria là một người nữ của niềm tin tưởng: “Phúc cho em vì em tin tưởng”, bà Isave nói với Mẹ như thế (x Lk 1:45). Ca vịnh Magnificat – Ngợi Khen – có thể nói là hình ảnh về tâm hồn của Mẹ – là những gì hoàn toàn đan kết chặt chẽ theo chiều hướng của Thánh Kinh, những chiều hướng được rút tỉa từ Lời Chúa. Ở đây chúng ta thấy Mẹ Maria hoàn toàn sống hợp với Lời Chúa biết bao, Mẹ chiều theo Lời Chúa là chứng nào. Mẹ nói năng và nghĩ tưởng theo Lời Chúa; và Lời Chúa trở thành lời của Mẹ, rồi lời lẽ của Mẹ xuất phát từ Lời Chúa. Ở đây chúng ta thấy tâm tưởng của Mẹ hòa hợp với tâm tưởng của Thiên Chúa biết bao, ý muốn của Mẹ nên một với ý muốn của Thiên Chúa biết là chừng nào. Vì Mẹ Maria hoàn toàn thấm nhuần Lời Chúa mà Mẹ mới có thể trở nên Mẹ của Lời Nhập Thể. Sau hết, Mẹ Maria là một người nữ mến yêu. Làm sao lại có thể xẩy ra khác được chứ? Là một tín hữu tin tưởng suy nghĩ theo ý nghĩ của Thiên Chúa và ước muốn theo ý muốn của Thiên Chúa, Mẹ không thể nào lại không phải là một người nữ mến yêu. Chúng ta cảm nhận được điều này nơi những cử chỉ âm thầm của Mẹ, như được thuật lại nơi các đoạn về Chúa Giêsu ấu nhi trong Phúc Âm. Chúng ta thấy được điều ấy nơi tính cách tinh tế được Mẹ tỏ ra qua việc Mẹ nhận thấy nhu cầu của đôi phối ngẫu ở Cana và trình bày nhu cầu này cùng Chúa Giêsu. Chúng ta thấy điều ấy nơi sự khiêm nhượng Mẹ tỏ ra trong việc Mẹ ẩn thân ở hậu trường cuộc sống công khai của Chúa Giêsu, vì Mẹ biết rằng Con Mẹ cần phải thành lập một gia đình mới, và giờ của Mẹ sẽ chỉ xẩy ra với Thập Tự Giá, giờ thực sự của Chúa Giêsu (x Jn 2:4,13:1). Trong khi thành phần môn để tẩu thoát thì Mẹ Maria vẫn đứng dưới chân Thập Tự Giá (x Jn 19:25-27); sau đó, vào giờ của Lễ Ngũ Tuần, các vị qui tụ lại bên Mẹ để dón chở Thánh Linh (x Acts 1:14).
42. Đời sống của các thánh nhân không giới hạn vào tiểu sử trần thế của các vị, mà còn bao gồm cả việc các vị hiện diện và hoạt động trong Thiên Chúa sau khi chết nữa. Nơi các vị thánh, một điều duy nhất rất rõ ràng là những ai đến gần Thiên Chúa thì không tránh né con người, trái lại thực sự gần gũi với con người. Chúng ta thấy điều này sáng tỏ ở nơi Mẹ Maria hơn ai hết. Những lời Chúa Kitô tử giá nói cùng người môn đệ của mình – cho Thánh Gioan và qua ngài cho tất cả những người môn đệ của Chúa Giêsu: “Này là Mẹ của con!” (Jn 19:27) – được nên trọn một cách mới mẻ nơi mọi thế hệ. Mẹ Maria đã thực sự trở nên Mẹ của tất cả mọi tín hữu. Con người nam nử ở hết mọi thời đại và ở hết mọi nơi đều chạy đến với lòng nhân ái từ mẫu của Mẹ cũng như với đức trinh trong và ân huệ của Mẹ, cho tất cả mọi nhu cầu và ước vọng của họ, cho niềm vui nỗi buồn của họ, cho những lúc lẻ loi cô độc và những nỗ lực chung của họ. Họ liên lỉ cảm nghiệm được ân huệ của lòng Mẹ nhân ái cũng như của mối tình yêu thương liên lỉ được Mẹ tuôn trào ra từ đáy lòng của Mẹ. Những chứng từ của lòng tri ân cảm tạ dâng lên Mẹ từ mọi châu lục và mọi nền văn hóa là việc nhìn nhận tình yêu thương tinh tuyền không tìm mình mà chỉ toàn là bao dung. Viện tôn sùng này của tín hữu đồng thời cũng chứng tỏ cho thấy một trực giác không thể sai lầm về cách thức làm sao có thể hiện thực mối tình yêu thương như thế, đó là vì nó là hoa trái của mối hiệp thông thân mật nhất với Thiên Chúa, nhờ đó, linh hồn hoàn toàn được Ngài chiếm đoạt – một điều kiện làm cho những ai uống từ nguồn mạch yêu thương của Thiên Chúa, về phần họ, có thể trở nên một mạch nguồn “tuôn ra những giòng sông chảy nước sự sống” (Jn 7:38). Mẹ Maria, Vị Trinh Nữ và Mẫu Thân, cho chúng ta thấy tình yêu là gì, nó được bắt nguồn từ đâu, cũng như thấy được quyền lực liên lỉ được đổi mới của nó. Chúng ta ký thác Giáo Hội và sứ vụ của Giáo Hội trong việc phục vụ yêu thương cho Mẹ:
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời,
Mẹ đã ban cho thế gian ánh sáng chân thật của nó,
Là Chúa Giêsu Con Mẹ cũng là Con Thiên Chúa.
Mẹ đã hoàn toàn bỏ mình đi
Cho tiếng gọi của Thiên Chúa
Nhờ đó Mẹ trở thành một giòng suối
Của lòng nhân ái xuất phát từ Ngài.
Xin Mẹ hãy tỏ cho chúng con thấy Chúa Giêsu. Hãy dẫn chúng con đến với Người.
Hãy dạy cho chúng con hiểu biết Người và mến yêu Người,
Để cả chúng con nữa cũng
Có thể yêu thương thực sự
Và trở thành những nguồn nước sự sống
Giữa một thế giới đang khát khao.
Ban hành tại Đền Thánh Phêrô Rôma ngày 25/12, Lễ Trọng Kính Chúa Giáng Sinh năm 2005, năm thứ nhất của Giáo Triều tôi.
Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ
Vấn Đề Lĩnh Ơn Toàn Xá Lễ trong Ngày Thế Giới Bệnh Nhân
Từ ngày 13/5/1992, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Vị Giáo Hoàng đã bắt đầu đi vào cuộc khổ nạn hai tháng cuối đời vào đầu Tháng 2/2005, một năm trước đây, đã thiết lập Ngày Thế Giới Bệnh Nhân và ấn định ngày này được cử hành vào Lễ Mẹ Lộ Đức 11/2 hằng năm, mỗi năm ngày này được cử hành ở một Đền Thánh Mẫu nào đó trên khắp thế giới, đầu tiên ở chính Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức. Đặc biệt trong Ngày Thế Giới Bệnh Nhân XV năm 2006 này, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã ban ơn toàn xá cho biến cố đặc biệt này,
Hôm Thứ Bảy 4/2/2006, Tòa Ân Giải của Tòa Thánh, qua Đức Hồng Y James Francis Stafford, đã ban hành một sắc lệnh về việc Đức Thánh Cha, hôm 2/1/2006, đã ban Ơn Đại Xá nhân Ngày Thế Giới Bệnh Nhân XV, 11/2/2006.
Trước hết, chúng ta nên nhớ là Ơn Đại Xá và Ơn Toàn Xá chỉ là một ơn duy nhất, song được Việt Ngữ diễn tả bằng hai cách khác nhau. Ơn Đại Xá hay Ơn Toàn Xá là ơn hoàn toàn tha tất cả mọi hình phạt do tội lỗi cần phải đền, dù các tội lỗi ấy đã được Bí Tích Hòa Giải thứ tha. Bởi thế, ai thực sự hưởng trọn Ơn Toàn Xá này thì khi chết, nếu chưa kịp phạm thêm một tội nào khác, sẽ được lên Thiên Đàng ngay, không phải qua luyện tội tí nào, giống hệt như trường hợp chết ngay sau khi được rửa tội, hay trường hợp được phúc tử đạo vậy, vì cả hai trường hợp được so sánh này, trường hợp rửa tội bằng nước và bằng máu ấy, theo Giáo Lý, đề được tha chẳng những tội lỗi mà còn cả tất cả mọi hình phạt do tội lỗi đáng phải đền nữa.
Chính vì lý do Ơn Toàn Xá chỉ tha tất cả mọi hình phạt chứ không phải tha chính tội lỗi mà điều kiện tiên quyết để được lĩnh Ơn Toàn Xá này là phải sạch tội hay phải xưng tội. Điều kiện thứ hai là hiệp lễ, bởi vì nếu Ơn Toàn Xá làm cho linh hồn được hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa ngay, tức được hiệp thông với Ngài liền ngay sau khi Kitô hữu qua đời, thì thật là hợp tình hợp lý cho việc con người tỏ ra hết lòng khao khát muốn được hiệp thông vời Ngài, qua việc Hiệp Lễ vậy. Và điều kiện thứ ba là cầu theo ý chỉ của Đức Giáo Hoàng, một điều kiện liên quan đến việc hiệp thông với Giáo Hội Chúa Kitô, với Cộng Đồng Hiệp Thông Ân Phúc, một cộng đồng chất chứa kho tàng công nghiệp của Chúa Kitô, của Mẹ Maria và của Các Thánh là những gì linh hồn được trọn vẹn hưởng bằng Ơn Toàn Xá vào một dịp đặc biệt nào đó, như vào các Năm Thánh, hay vào dịp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 11/2/2006 này.
Thế nhưng, để lĩnh Ơn Toàn Xá vào mỗi dịp đặc biệt, ngoài 3 điều kiện căn bản bất khả thiếu trên đây, Kitô hữu Công Giáo chúng ta còn phải thi hành đúng qui định của Tòa Thánh cho mỗi dịp nữa, những qui định thường liên quan đến 4 yếu tố là thời điểm, thụ nhân, địa điểm và việc làm. Chẳng hạn, dịp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 11/2/2006,
Về thời điểm để lĩnh Ơn Toàn Xá là chính ngày Lễ Mẹ Lộ Đức 11/2/2006.
Về thụ nhân có thể lĩnh Ơn Toàn Xá là cả thành phần bệnh nhân lẫn thành phần phục vụ bệnh nhân. Ngoài ra, sắc lệnh còn kể đến cả những người già yếu nữa.
Về địa điểm để lĩnh Ơn Toàn Xá này, chính thức là ở vương cung thánh đường Thánh Phanxicô Xavier giáo phận Adelaide nước Úc Đại Lợi, và bán chính thức là ở “bất cứ nơi nào khác, được thẩm quyền Giáo Hội ấn định tổ chức việc cầu nguyện nài xin Thiên Chúa ban cho những ý chỉ của Ngày Thế Giới Bệnh Nhân này”, hay ở ngay tại nhà hoặc ở nơi đang làm việc đối với những ai bất khả tham dự những việc làm được ấn định dưới đây.
Về việc làm để lĩnh Ơn Toàn Xá, bao gồm việc tham dự Thánh Lễ Bế Mạc ở Vương Cung Thánh Đường được chỉ định, việc tham dự cầu nguyện chung ở các nơi được giáo quyền địa phương ấn định, việc giành vài tiếng đồng hồ để chăm sóc phục vụ bệnh nhân như là chính Chúa Kitô, và việc thành phần bệnh nhân và già yếu cùng với Đức Thánh Cha tham dự cách thiêng liêng biến cố của Ngày này, kèm theo việc hiến dâng yếu đau cho Chúa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
? Hình Ảnh Thế Giới Hồi Giáo chống Báo Chí Âu Châu Phỉ Báng Giáo Tổ
Mohammed
|
|
Ở Anh Quốc Ở Bangladesh
|
|
Ở Ai Cập Ở Gaza Palestine
|
|
Ở Nam Dương Ở Iraq
|
|
Ở Pakistan Ở Quatar
|
|
Ở West Bank Palestine Ở Iran
|
|
Ở Ấn Độ Ở A Phú Hãn
|
|
Ở Do Thái Ở Lebanon
|
|
Ở Đan Mạch Ở England
|
Ở Mã lai