GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 25/3/2006

 TUẦN III MÙA CHAY

 

?  Tổng Quan về Hồng Y Đoàn Hiện Nay và Nghi Thức Phong Tước Hồng Y

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng Phong Tước cho Tân 15 Hồng Y ngày 24/3/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô

?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC” (tiếp)

 

 

?  Tổng Quan về Hồng Y Đoàn Hiện Nay và Nghi Thức Phong Tước Hồng Y

Kể từ sau cuộc mật nghị hồng y cuối cùng này, tổng số vị là 193, trong đó có 120 vị dưới 80 và được quyền tuyển bầu giáo hoàng, và được chia ra các châu lục như sau: Âu Châu 100 (60 vị được quyền tuyển bầu); Bắc Mỹ 20 (16 vị dưới 80); Mỹ Châu Latinh 32 (20 dưới 80); Phi Châu 17 (9 dưới 80); Á Châu 20 (13 dưới 80); và Đại Dương Châu 4 (2 dưới 80). Nếu xét theo quốc tịch thì nhiều nhất là Ý với 40 vị (trong đó có 21 vị được quyền tuyển bầu), Hoa Kỳ 15 (13 dưới 80), Tây Ban Nha và Pháp, cả hai đều có 9 vị (mỗi nước còn 6 vị được quyền tuyển bầu), Balan 8 vị (4 vị dưới 80), Ba Tây 8 vị (3 còn được quyền tuyển bầu), Đức 6 vị (5 còn hợp lệ bầu Giáo Hoàng), Mễ 5 vị (4 còn hợp lệ bầu Giáo Hoàng), và Ấn Độ 5 vị (3 còn quyền được tuyển bầu Giáo Hoàng), các quốc gia có 3 vị là Thụy Sĩ (1 dưới 80), Á Căn Đình (1 còn hợp lệ tuyển bầu Giáo Hoàng), Colombia (cả 3 còn ở dưới hạn tuổi), Phi Luật Tân (2 còn đủ tuổi) và Úc Đại Lợi (1 còn quyền tuyển bầu giáo hoàng), Việt Nam 2 vị (1 đã về hưu là ĐHY Phạm Đình Tụng và 1 mới được thăng tước năm 2003 là ĐTGM Sái Gòn Phạm Minh Mẫn).

Trong tổng số hồng y hiện nay, có 10 vị bởi Đức Phaolô VI, 168 vị bởi Đức Gioan Phaolô II và 15 vị bởi Đức Biển Đức XVI.

Vị hồng y lão thành nhất là Johannes Willebrands, 96 tuổi, TGM hồi hưu ở giáo phận Utrecht, Hòa Lan, nguyên chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo. Và vị hồng y trẻ nhất là Peter Erdo, 53 tuổi, TGM Esztergom-Budapest.

Đương kim chủ tịch Hồng Y Đoàn là Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh, và phó chủ tịch là ĐHY Roger Etchegaray, chủ tịch hưu trí của Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý Và Hòa Bình.

Theo nghi thức mới được thực hiện trong mật nghị hồng vào tháng 6/1991, thì lễ nghi sẽ được bắt đầu bằng lời chào phụng vụ và bài đọc của Đức Thánh Cha về công thức tuyên phong cùng với việc long trọng công bố tên của các tân hồng y.

Vị đầu tiên trong số các tân hồng y sẽ đại diện ngỏ lời cùng Đức Thánh Cha. Sau đó là phần Phụng Vụ Lời Chúa, bài giảng của ĐTC, Lời Tuyên Xưng Đức Tin và việc tuyên thệ của mỗi vị tân hồng y. Đoạn mỗi vị sẽ tiến tới với ĐTC, quì xuống trước ngài để lãnh nhận mũ đỏ và được ngài chỉ định một danh hiệu phó tế để các vị tham dự vào việc chăm sóc mục vụ với ĐGH cho thành Rôma, rồi ngài chúc hôn bình an cho từng tân vị hồng y, các vị hồng y cũng chào chúc bình an cho nhau. Lễ nghi được kết thúc bằng Lời Nguyện Giáo Dân, đọc Kinh lạy Cha và phép lành bế mạc.

Trong Thánh Lễ Mẹ Thai Lời 25/3 sau đó, các vị tân hồng y sẽ đồng tế với ĐTC và được ngài ban cho chiếc nhẫn hồng y là ‘dấu hiệu của phẩm chức, của việc chăm sóc mục vụ và của mối hiệp thông vững chắc nhất với Tòa Thánh Phêrô”.

Nguyên Văn lời tuyên thệ của các vị tân hồng y như sau:

“Tôi (tên gọi và tên họ), Đức Hồng Y của Hội Thánh Rôma, xin hứa và thề trung thành từ nay cho đến muôn đời, khi còn sống, trung thành với Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, liên lỉ tuân phục Hội Thánh Rôma Tông Truyền, tuân phục Thánh Phêrô nơi con người của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, cùng các vị Thừa Kế ngài được tuyển bầu theo giáo luật; giữ mối hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo mãi mãi, trong lời nói cũng như việc làm; không tiết lộ bất cứ những gì được ký thác kín mật cho tôi, cũng không tiết lộ những gì gây tác hại hay bất kính Hội Thánh; thi hành hết sức chuyên cần và trung thành những việc tôi được kêu gọi để phục vụ Giáo Hội theo các qui tắc về luật pháp. Vậy xin Thiên Chúa Toàn Năng nâng đỡ tôi”. 

Nguyên văn một phần những lời Đức Thánh Cha nói khi trao mũ đỏ và chỉ định tước hiệu cho mỗi vị tân hồng y như sau:

“Mầu đỏ là dấu hiệu ám chỉ phẩm vị của vai trò một vị hồng y, nói lên việc con sẵn sàng tác hành một cách can trường, dù có phải đổ máu mình ra cho việc phát triển đức tin Kitô Giáo, cho hòa bình và hòa hợp giữa dân Chúa, cho tự do và việc lan truyền Hội Thánh Công Giáo Rôma”.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 24/3/2006

 

 

 

TOP

 

 ?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng Phong Tước cho Tân 15 Hồng Y ngày 24/3/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô

 

Quí Hồng Y, Thượng Phụ và Giám Mục khả kính,

Quí Vị Quan Khách,

Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô! 

Vào ngày áp Lễ Trọng Truyền Tin, tâm trạng thống hối Mùa Chay mở đường cho lễ này, đó là hôm nay, Hồng Y Đoàn có thêm 15 tân phần tử. Tôi đặc biệt ngỏ cùng quí huynh thân mến, những vị tôi hân hoan phong tước hồng y, lời chào chân thành và thân ái nhất, và tôi xin cám ơn Đức Tổng Giám Mục William Joseph Levada về những niềm cảm mến cùng những lời chúc tốt đẹp ngài đã nhân danh quí huynh ngỏ cùng tôi. Tôi cũng hân hoan chào các vị Hồng Y khác hiện diện nơi đây, các vị Thượng Phụ, các vị Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và nhiều giáo dân, nhất là các phần tử gia đình đến đây để tôn kính các vị tân Hồng Y trong nguyện cầu và niềm vui Kitô Giáo. Tôi đặc biệt tri ân chào mừng qúi tôn vị thẩm quyền dân sự và chính quyền, đại diện các quốc gia và tổ chức khác nhau. Cuộc Mật Nghị Hồng Y Công Khai Thường Lệ là một biến cố biểu lộ một cách hùng hồn nhất bản chất phổ quát của Giáo Hội, một Giáo Hội lan khắp thế giới để loan báo cho tất cả mọi dân tộc Tin Mừng của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Tinh của chúng ta. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu đã mở tất cả 9 Mật Nghị Hồng Y, nhờ đó góp phần một cách hiệu nghiệm vào việc canh tân Hồng Y Đoàn theo chiều hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II cũng như của Người Tôi Tớ Chúa Phaolô VI. Nếu quả thực qua các thế kỷ Hồng Y Đoàn đã trải qua việc đổi thay qua nhiều cách thức, nhưng bản chất và bản tính thiết yếu của cơ cấu quan trọng trong Giáo Hội này vẫn không đổi thay. Những nguồn gốc cổ kính của nó, việc phát triển về lịch sử của nó và việc cấu tạo của nó hôm nay đây làm cho nó thực sự trở thành một loại ‘Nghị Viện’, được kêu gọi để hợp tác chặt chẽ với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô trong vấn đề hoàn thành những công việc liên quan tới thừa tác vụ tông đồ hoàn vũ của ngài.

Lời Chúa, lời vừa được công bố cho chúng ta, đưa chúng ta trở về với thời gian. Theo Thánh Ký Marcô, chúng ta trở về với chính nguồn mạch của Giáo Hội, đặc biệt là nguồn gốc của thừa tác v ụ Thánh Phêrô. Bằng con mắt của tấm lòng mình, chúng ta thấy lại được Chúa Giêsu, Đấng mà tác động lại thấy này hoàn toàn hướng về và dâng lời chúc tụng cùng tôn vinh. Những lời Người nói với chúng ta nhắc nhở tâm trí chúng ta câu định nghĩa về Vị Giáo Hoàng Rôma thân thương của Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, đó là ‘Servus servorum Dei – Người tôi tớ của các người tôi tớ Chúa’. Khi Chúa Giêsu giải thích cho 12 Vị Tông Đồ là quyền bính của họ phải được hành sử hoàn toàn khác với quyền bính của ‘thành phần cai trị nơi Dân Ngoại’, là Người muốn nói về nó theo ý nghĩa phục vụ: ‘Ai muốn làm lớn trong các con phải là đầy tớ các con, và ai muốn đứng đầu trong các con phải làm nô bộc cho mọi người’ (Mk 10:43-44). Tính cách hoàn toàn và quảng đại sẵn sàng phục vụ kẻ khác là đặc điểm nổi bật của những ai nắm quyền bính trong Giáo Hội, vì đó là lý do Con Người là Đấng đã đến ‘không phải để được phục dịch mà là để phục vụ, và để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người’ (Mk 10:45). Cho dù là Thiên Chúa, hay người ta thậm chí còn có thể nói, được thần tính thúc đẩy, Người đã mặc lấy ‘thân phận tôi đòi - forman servi’ – như đã được diễn tả một cách tuyệt vời trong bài thánh ca của Thư gửi Giáo Đoàn Philiphê (x 2:6-7).

Bởi thế mà ‘người tôi tớ của các người tôi tớ’ tiên khởi là Chúa Giêsu. Sau Người và hiệp nhất với Người là các Vị Tông Đồ; và trong số các vị tông đồ đặc biệt phải kể đến là Thánh Phêrô, vị được Chúa trao phó cho trách nhiệm dẫn dắt đàn chiên của Người. Vị Giáo Hoàng cần phải là người đầu tiên làm cho mình trở thành tôi tớ của tất cả mọi người. Chứng cớ rõ ràng về vấn đề này được chất chứa trong bài đọc thứ nhất hôm nay, một chứng cớ nêu lên trước chúng ta lời Thánh Phêrô khuyến dụ ‘thành phần giáo sĩ’ và trưởng lão của cộng đồng (x 1Pt 5:1). Đó là một lời huấn dụ có uy thế đối với vị Tông Đồ này, ở chỗ ngài là một chứng nhân về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân lành. Chúng ta cảm thấy rằng những lời lẽ của Thánh Phêrô xuất phát từ cảm nghiệm bản thân của ngài về việc phục vụ đàn chiên Chúa, thế nhưng, trước hết và trên hết, chúng xuất phát từ cảm nghiệm trực tiếp về những gì Chúa Giêsu tác hành, đó là cách thức Người phục vụ cho đến độ tự hiến mạng sống mình, cách thức Người hạ mình xuống cho tới chết, chết trên thập tự giá, tin tưởng vào một mình Cha mà thôi, Đấng sau đó tôn vinh Người. Thánh Phêrô, như Thánh Phaolô, hoàn toàn được Chúa Kitô chiếm đoạt – ‘comprehensus sum a Christo Iese’ (x Phil 3:12) – và như Thánh Phaolô ngài có thể khuyên dụ thành phần kỳ lão với tất cả thế giá vì ngài không còn sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong ngài – ‘vivo autem iam non ego, vivit vero in me Christus’ (Gal 2:20). 

Phải, Quí Huynh khả kính và yêu dấu, những lời này của Ông Hoàng Chư Vị Tông Đồ đặc biệt áp dụng cho những ai được kêu gọi để đội mũ đỏ hồng y: ‘Tôi khuyên dụ thành phần kỳ lão trong anh em hãy trở thành một kỳ lão đồng chí và là chứng nhân cho những thương đau của Chúa Kitô, là một thông phần viên của vinh quang cần phải được tỏ hiện’ (1Pt 5:1). Những lời này, theo cấu trúc thiết yếu của chúng, gợi lại Mầu Nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm đặc biệt ở trong lòng chúng ta trong những ngày Mùa Chay đây. Thánh Phêrô áp dụng những lời ấy vào chính bản thân mình như là ‘một kỳ lão đồng chí’, cho thấy là thành phần kỳ lão trong Giáo Hội, nhờ kinh nghiệm chồng chất qua năm tháng cũng như nhờ những thử thách phải đương đầu và thắng vượt, cần phải là những gì đặc biệt ‘ăn khớp’ với năng lực nội tại của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Bao nhiêu lần, hỡi Quí Huynh thân mến, thành phần sắp lãnh nhận phẩm vị hồng y, đã tìm thấy nơi những lời lẽ này vấn đề để suy tư và làm nguồn hứng thiêng liêng trong việc bước theo chân Chúa Kitô tử giá và phục sinh! Những đòi hỏi gây ra bởi trách nhiệm mới của quí huynh sẽ là những gì xác quyết những lời ấy một cách mới mẻ và xác thực. Liên kết chặt chẽ hơn với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, chư huynh được kêu gọi để cùng nhau hoạt động với ngài hầu làm trọn việc phục vụ giáo hội của ngài, nên vấn đề này đối với chư huynh là một tham dự thiết tha hơn vào mầu nhiệm Thập Giá khi chư huynh thông phần vào các khổ đau của Chúa Kitô. Điều này giúp cho chư huynh có thể kéo muôn vàn mạch nguồn ân sủng và gieo rắc những hoa trái ban phát sự sống của các nguồn mạch ấy một cách hiệu nghiệm hơn cho những người ở chung quanh chư huynh.

Chư Huynh khả kính và yêu dấu, tôi muốn tóm gọn ý nghĩa của lời mời gọi mới đã được Chư Huynh  lãnh nhận, bằng lời tôi lấy làm cốt lõi cho bức Thông Điệp đầu tay của mình, đó là đức ái – caritas. Lời này khít khao với mầu sắc của chiếc áo choàng hồng y của chư huynh. Chớ gì mầu đỏ được chư huynh đang mặc trên người diễn tả đức ái của Chúa Kitô – caritas Christi, tác động chư huynh tỏ ra say yêu đối với Chúa Kitô, đối với Giáo Hội của Người và đối với toàn thể nhân loại. Giờ đây chư huynh có thêm một động lực nữa để tìm cách khơi lại trong bản thân chư huynh chính những cảm thức đã khiến Con Thiên Chúa đi đến chỗ đổ máu mình ra đền tội cho toàn thế giới. Chư Huynh khả kính, tôi tin tưởng chư huynh, tôi tin tưởng vào toàn thể Hồng Y Đoàn mà chư huynh đang được tháp nhập, trong việc loan truyền cho thế giới biết rằng ‘Deus caritas est – Thiên Chúa là tình yêu’, và thực hiện điều này trước hết bằng chứng từ của mối hiệp thông chân tình nơi thành phần Kitô hữu: Chúa Giêsu nói ‘Cứ dấu này mà tất cả mọi người sẽ nhận biết rằng các con là môn đệ của Thày, đó là nếu các con yêu thương nhau’ (Jn 13:35). Chư Huynh Hồng Y thân mến, tôi tin tưởng chư huynh trong việc bảo đảm rằng nguyên tắc của yêu thương sẽ được lan truyền sâu rộng, và sẽ cống hiến sự sống mới cho Giáo Hội ở hết mọi cấp độ thuộc hàng ngũ Giáo Hội, ở hết mọi nhóm tín hữu, nơi hết mọi tổ chức tu trì, nơi hết mọi khởi động về tâm linh, tông đồ và nhân đạo. Tôi tin tưởng chư huynh trong việc bảo đảm là việc chúng ta cùng nhau nỗ lực gắn mắt vào Con Tim mở ra của Chúa Kitô sẽ là những gì đẩy mạnh và bảo đảm con đường tiến tới mối hiệp nhất hoàn toàn của Kitô hữu chúng ta. Tôi tin tưởng nơi chư huynh trong việc bảo đảm rằng mối quan tâm của Giáo Hội đối với người nghèo và thiếu thốn đang thách đố thế giới bằng một câu phát biểu mãnh liệt về văn minh yêu thương. Tất cả những điều ấy tôi thấy được biểu hiện nơi mầu đỏ chư huynh đang mặc đây. Chớ gì nó thực sự là biểu hiệu của tình yêu thiết tha của Kitô hữu chiếu sáng trong đời sống của chư huynh.

Tôi xin ký thác lời cầu nguyện của tôi vào bàn tay từ mẫu của Đức Trinh Nữ Nazarét, mạch nguồn của máu sự sống Con Thiên Chúa đổ ra trên cây Thập Giá như biểu hiệu cao cả nhất của tình Người yêu thương. Nơi mầu nhiệm Truyền Tin, một mầu nhiệm chúng ta sắp cử hành, chúng ta thấy rằng Lời thần linh đã hóa thành nhục thể qua tác động của Thánh Linh và ngự giữa chúng ta. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, chớ gì Thần chân lý và yêu thương được tuôn đổ dồi dào xuống trên các tân Hồng Y cũng như trên tất cả chúng ta, nhờ đó, khi chúng ta càng hoàn toàn trở nên giống Chúa Kitô, chúng ta liên lỉ dấn thân xây dựng Giáo Hội và truyền bá Phúc Âm trên thế giới.

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20060324_consistory_en.html 

 

TOP

 

 

?   ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

Tưởng niệm đầy năm băng hà của Vị Giáo Hoàng Thánh Mẫu

 

(Đây là loạt bài thứ ba tiếp theo hai loạt bài trước: Vị GH của Đấng Cứu Chuộc Nhân TrầnVị GH Vui Mừng và Hy Vọng: 'Đừng Sợ')

 

(tiếp 23 Thứ Năm, 24 Thứ Sáu)

2.- “Totus Tuus”: Hiện Thực

 

Với ý thức về Thánh Mẫu như thế, chẳng những Đức Gioan Phaolô II đã chọn khẩu hiệu “Totus Tuus” mà còn sống động và hiện thực niềm xác tín “Totus Tuus” này nữa, cả trước khi làm Giáo Hoàng, lẫn trong thời gian làm Giáo Hoàng, và trong thời gian làm Giáo Hoàng ngài đã hiện thực niềm xác tín “Totus Tuus” của mình qua những văn kiện về Thánh Mẫu (như Thông Điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc, Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria), hay qua các huấn từ về Thánh Mẫu (như các bài Giáo Lý về Thánh Mẫu), cũng như qua những tác động về Thánh Mẫu của ngài (như việc mở Năm Thánh Mẫu và Năm Mân Côi, việc cầu Kinh Mân Côi và việc tin tưởng ký thác hiến dâng v.v.)

 

·         Trước Khi Làm Giáo Hoàng

 

Cũng trong cuốn “Tặng Ân và Mầu Nhiệm” trên đây, ngài đã cho biết những gì xẩy ra về lòng tôn sùng Thánh Mẫu của ngài trước và sau khi ngài chọn sống chân lý “Totus Tuus” này, trong thời gian chưa làm Giáo Hoàng như sau.

 

Trước khi chọn sống “Totus Tuus”, ngài cho biết là “tôi đã học biết các việc tôn sùng theo truyền thống đối với Người Mẹ của Thiên Chúa nơi gia đình của tôi cũng như nơi giáo xứ của tôi ở Wadowice”. Chẳng hạn như việc học sinh như ngài sáng chiều, trước sau mỗi ngày học, cùng nhau đến nguyện đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của giáo xứ “để cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ”. Ngoài ra, giáo dân ở địa phương Wadowice cũng kéo nhau đông đảo tới đan viện Carmelo ở trên một ngọn đồi, một sự kiện được thể hiện qua việc phổ thông “mang áo Đức Bà Carmêlô” nơi họ, cũng như nơi thiếu nhi tương lai làm giáo hoàng của chúng ta, như ngài tự thú: “Tôi cũng nhận áo này, vào lứa tuổi lên 10, và tôi vẫn còn mang áo ấy”, một việc làm cũng được ngài tái xác nhận ở đoạn 6 kết bức Thư đề ngày 25/3/2001 gửi Dòng Carmêlô dịp kỷ niệm 750 năm Áo Đức Bà.

 

Sau khi chọn sống “Totus Tuus”, ngài đã cho biết là kiến thức Thánh Mẫu của ngài trở nên sâu xa hơn nơi những việc tôn sùng Mẹ Maria, nhất là về việc nguyện Kinh Truyền Tin và chính Kinh Truyền Tin: “Tôi đã hiểu được tại sao Giáo Hội nguyện Kinh Truyền Tin một ngày 3 lần. Tôi đã nhận thức được tầm quan trọng biết bao của những lời lẽ trong kinh nguyện ấy”, cũng như về “Các Giờ Kinh Vô Nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria”: “Tôi đã nghe hát về Các Giờ Kinh Vô Nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria ở nhà thờ của giáo xứ, nhưng chỉ sau đó tôi mới nhận ra cái nội dung phong phú về thần học và thánh kinh của những giờ ấy…”

 

Ngài tiếp tục chia sẻ cảm nhận thành quả của cái nhận thức Thánh Mẫu mới liên quan tới việc chọn sống “Totus Tuus” này như sau:

 

“Những kinh nghiệm này là những gì nền tảng trong việc hình thành cuộc hành trình nguyện cầu và chiêm ngưỡng dần dần dẫn tôi tới thiên chức linh mục, rồi sau đó tiếp tục hướng dẫn tôi qua tất cả mọi biến cố của đời sống tôi. Ngay cả khi còn nhỏ, hơn thế nữa khi làm linh mục và Giám Mục, nó khiến tôi thường xuyên thực hiện các cuộc hành hương Thánh Mẫu đến Kalwaria Zebrzydowska. Kalwaria là Đền Thánh Mẫu chính của Tổng Giáo Phận Cracow. Tôi thường đến đó, một mình đi dọc theo những con đường và dâng lời nguyện lên Chúa về những vấn đề khác nhau của Giáo Hội, nhất là trong những lúc khốn khó ở vào thời đấu tranh chống cộng. Khi nhìn lại, tôi mới thấy được ra sao tất cả mọi sự có liên hệ với nhau: hôm nay cũng như hôm qua, chúng ta đều thấy mình không ít chìm đắm trong cùng một mầu nhiệm ấy”.

 

(còn tiếp)

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ