GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 26/3/2006 TUẦN IV MÙA CHAY |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Văn Phòng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Thành Phần Đại Diện Tòa Thánh Ở Các Tổ Chức Quốc Tế hôm Thứ Bảy 19/3/2006
? ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC” (tiếp)
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Văn Phòng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Thành Phần Đại Diện Tòa Thánh Ở Các Tổ Chức Quốc Tế hôm Thứ Bảy 19/3/2006
Đức Hồng Y cùng quí vị đại diện Tòa Thánh ở các tổ chức quốc tế thân mến,
Tôi thân ái tiếp đón quí vị trong cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ lần đầu tiên tôi hân hoan có được, khi quí vị qui tụ lại ở Rôma để suy nghĩ về những vấn đề quan trọng của thời điểm hiện nay. Tôi thân ái chào tất cả quí vị và xin gửi đến Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh niềm chân thành cám ơn của tôi về những lời của ngài đại diện quí vị ngỏ cùng tôi.
Việc Tòa Thánh tham dự sâu rộng hơn vào các hoạt động quốc tế là những gì hết sức phấn khởi để Giáo Hội có thể tiếp tục lên tiếng nói với lương tâm của tất cả những ai làm nên cộng đồng quốc tế. Nó là việc phục vụ mềm mại và vất vả, một việc phục vụ, được nâng đỡ bởi quyền lực của chân lý, một quyền lực có vẻ yếu kém nhưng hết sức thắng đoạt, nỗ lực cộng tác vào việc kiến tạo nên một xã hội quốc tế, một xã hội chú trọng hơn với phẩm vị của con người cũng như những đòi hỏi thực sự của con người.
Theo chiều hướng ấy, sự hiện diện của Tòa Thánh ở các tổ chức quốc tế liên chính quyền là những gì tiêu biểu cho việc đóng góp thiết yếu vào vấn đề tôn trọng nhân quyền và công ích, bởi đó, vào cả quyền tự do chân thực và công lý nữa. Chúng ta cần phải thực hiện một cuộc dấn thân chuyên biệt và đặc thù cho có hiệu nghiệm hơn, nếu cuộc dấn thân này kết hợp nỗ lực với những ai chân thành hiến mình cho sứ vụ của Giáo Hội trên thế giới này.
Những mối liên hệ giữa các quốc gia và trong quốc gia là những gì chân chính nếu chúng biết tôn trọng chân lý. Tuy nhiên, một khi sự thật bị coi thường thì hòa bình bị đe dọa, luật lệ gặp nguy khốn, kéo theo một hậu quả hợp tình hợp lý nữa đó là tình trạng bất công và tháo thứ. Đó là những lằn biên giới phân chia các quốc gia một cách còn sâu xa hơn cả những giới hạn được phác vẽ trên bản đồ địa dư, và thường chẳng những là những biên cương bờ cõi ngoại tại mà còn là nội tại đối với các quốc gia nữa.
Những thứ bất chính ấy cũng có những bộ mặt mới. Chẳng hạn, bộ mặt của tính cách thờ ơ lãnh đạm và hỗn loạn xẩy ra gây hại cho cơ cấu gia đình là tế bào căn bản của xã hội. Hay bộ mặt của chủ nghĩa độc đoán hay của tính cách ngạo mạn là những gì có thể được hợp pháp, làm câm nín đi những ai không có tiếng nói hay sức mạnh để được lắng nghe, như xẩy ra trong trường hợp bất công mà có lẽ ngày nay trường hợp bất công nhất là việc loại trừ đi sự sống con người vừa mới được phôi thai.
‘Thiên Chúa đã chọn thành phần yếu kém trên thế gian này để làm cho thành phần mạnh mẽ phải hổ ngươi’ (1Cor 1:27). Chớ gì tiêu chuẩn của tác động thần linh vẫn còn mạnh mẽ ngày nay ấy giúp cho quí vị không lấy làm ngỡ ngàng ngạc nhiên, lại càng không bị thất đảm nản lòng, trước những khó khăn và hiểu lầm. Thật vậy, quí vị biết rằng, nhờ chúng, quí vị tham dự một cách có thế lực vào trách nhiệm ngôn sứ của Giáo Hội, Một Giáo Hội nỗ lực để tiếp tục lên tiếng bênh vực con người, cho dù chính trị quốc gia hay đa số quần chúng có đi ngược chiều chăng nữa. Đúng vậy, sức mạnh của sự thật được chất chứa trong chính sự thật, chứ không phải ở con số ưng thuận nó nhận được.
Xin quí vị hãy tin rằng tôi đồng hành với quí vị trong sứ vụ vất vả và quan trọng của quí vị một cách ưu ái theo dõi và chân thành tri ân, và để bảo đảm việc tôi nhớ đến quí vị trong lời nguyện cầu của tôi, tôi ban cho tất cả quí vị phép lành tòa thánh của tôi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 20/3/2006
ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
Tưởng niệm đầy năm băng hà của Vị Giáo Hoàng
Thánh Mẫu
(Đây là loạt bài thứ ba tiếp theo hai loạt bài trước: Vị GH của Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần và Vị GH Vui Mừng và Hy Vọng: 'Đừng Sợ')
(tiếp 23 Thứ Năm, 24 Thứ Sáu, 5 Thứ Bảy)
2.- “Totus Tuus”: Hiện Thực
(tiếp tiểu đề 2 này)
Thông Điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc và Năm Thánh Mẫu
Thông Điệp “Mẹ Đấng Cứu Chuộc – Redemptoris Mater” của ngài là bức Thông Điệp thứ 6 trong 14 văn kiện có tầm mức giá trị giáo huấn quan trọng nhất đối với thẩm quyền giảng dạy của một vị Giáo Hoàng, được ban hành ngày 25/3/1987. Nội dung của bức Thông Điệp Thánh Mẫu này, ngoài phần mở và phần kết, còn được chia làm 3 phần, thứ tự như sau: Mẹ Maria trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Người Mẹ Thiên Chúa ở Tâm Điểm của Giáo Hội Lữ Hành, và Vai Trò Môi Giới Từ Mẫu. Riêng trong phần thứ ba, chương cuối cùng trong 3 chương của phần này, ngài giành để nói tới việc ngài mở Năm Thánh Mẫu, từ ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ngày 7/6/1987 đến ngày Lễ Mẹ Mông Triệu 15/8/1988. Sau đây là mấy đoạn tiêu biểu có thể tổng tóm đại quan nội dung của bức Thông Điệp Thánh Mẫu “Mẹ Đấng Cứu Chuộc” này của ngài.
“Người Mẹ của Đấng Cứu Chuộc chiếm một vị thế đặc biệt nơi dự án cứu độ, vì ‘khi tới thời gian viên trọn thì Thiên Chúa đã sai Con mình, hạ sinh bởi người nữ, hạ sinh theo lề luật, để cứu chuộc những ai lệ thuộc lề luật, nhờ đó chúng ta được ơn làm nghĩa tử. Và vì anh chị em là con mà Thiên Chúa đã sai Thần Linh Con Ngài đến với tâm can của chúng ta, để vang lên ‘Abba! Lạy Cha’ (Gal 4:4-6).
“Bằng những lời ấy của Thánh Phaolô, những lời được Công Đồng Chung Vaticanô II sử dụng để bắt đầu việc bàn đến Đức Trinh Nữ Maria (xem Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 52, và toàn chương 8), tôi cũng muốn bắt đầu việc chia sẻ của tôi về vai trò của Mẹ Maria trong mầu nhiệm của Chúa Kitô cũng như về sự hiện diện chủ động và gương mẫu của Mẹ trong đời sống của Giáo Hội. Vì chúng là những lời tôn tụng chung cả tình yêu của Chúa Cha, sứ vụ của Chúa Con và tặng ân của Thần Linh, vai trò của người nữ sinh ra Đấng Cứu Chuộc, và thiên chức làm con cái thần linh của riêng chúng ta, trong mầu nhiệm ‘thời gian viên trọn’ (thời điểm theo Galata 4:4 và nội dung của toàn đoạn Thánh Kinh Tân Ước này thì việc Con Thiên Chúa đến trần gian cho thấy rằng thời gian đã đạt tới giới hạn của nó theo lời Chúa hứa ban Đấng Thiên Sai)” (khoản số 1).
“Giờ đây, theo đường hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II, tôi muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện đặc biệt của Người Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và mầu nhiệm Giáo Hội của Người. Vì đây là một chiều kích cốt yếu xuất phát từ Khoa Thánh Mẫu Học của Công Đồng này…
“Trong ý nghĩa ấy, Năm Thánh Mẫu là năm phát động việc đọc lại một cách kỹ lưỡng hơn những gì Công Đồng đã nói về Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, trong mầu nhiệm Chúa Kitô và mầu nhiệm Giáo Hội của Người, một đề tài là tất cả những gì được bức Thông Điệp này bàn tới. Ở đây chúng ta chẳng những nói về vấn đề tín lý của đức tin mà còn về sự sống của đức tin nữa, tức về ‘linh đạo Thánh Mẫu’ chân thực, theo chiều hướng của Thánh Truyền, và nhất là thứ linh đạo Công Đồng huấn dụ chúng ta sống (x Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 66-67). Ngoài ra, linh đạo Thánh Mẫu, như việc tôn sùng tương xứng của nó, còn có được một nguồn mạch rất dồi dào phong phú từ kinh nghiệm lịch sử của những cá nhân cũng như của những cộng đồng Kitô hữu khác nhau ở các dân tộc và các quốc gia khác nhau trên thế giới. Về khía cạnh này, tôi xin nhắc đến, trong số những chứng nhân và các bậc thày về linh đạo, hình ảnh Thánh Louis Marie Grignion de Montfort (xem cuốn “Luận về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria - Traite de la varie devotion a la sainte Vierge”. Thánh Montfort có lẽ liên hệ với Thánh Anphongsô, tác giả cuốn “Le glorie di Maria - Vinh Quang Mẹ Maria”), vị đã đề ra việc tận hiến cho Chúa Kitô nhờ tay Mẹ Maria, như là một phương tiện cho Kitô hữu sống trung thành với những lời hứa quyết rửa tội của họ. Tôi hân hoan nhận thấy rằng trong cả thời đại của chúng ta đây cũng không thiếu những dấu hiệu mới của thứ linh đạo và lòng tôn sùng này”. (khoản số 48)
“Nhân loại đã thực hiện những khám phá kỳ diệu và đã chiếm được những thành quả phi thường nơi các lãnh vực khoa học và kỹ thuật. Nó đã đạt được những thăng tiến lớn lao trên con đường tiến bộ và văn minh, để rồi, trong thời gian gần đây, người ta có thể nói rằng nó đã thành công trong việc gia tốc nhịp độ của lịch sử. Thế nhưng, việc biến đổi cốt yếu, việc biến đổi có thể được gọi là ‘chính cống’, là những gì hằng liên lỉ theo sát cuộc hành trình của con người, và qua tất cả mọi biến cố của lịch sử, đồng hành với mỗi người và mọi người. Nó là cuộc biến đổi từ ‘gục ngã’ đến ‘chỗi dạy’, từ chết đến sống. Nó cũng là một thách đố liên lỉ đối với lương tâm của con người, một thách đố cho việc nhận thức về tất cả lịch sử của con người, đó là một thách đố trong việc đi theo con đường ‘không gục ngã’, bằng những cách thức vốn cũ mà hằng mới, cũng như đi theo con đường ‘lại chỗi dạy’ nếu bị ngã gục.
“… Giáo Hội thấy Người Mẹ Diễm Phúc của Thiên Chúa nơi mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô cũng như nơi chính mầu nhiệm của Mẹ. Giáo Hội thấy Mẹ Maria gắn bó sâu xa với lịch sử của nhân loại, với ơn gọi vĩnh hằng của con người theo dự án quan phòng Thiên Chúa giành cho họ từ đời đời. Giáo Hội thấy Mẹ Maria, một cách từ mẫu, hiện diện nơi và chia sẻ vào nhiều vấn đề phức tạp ngày nay là những gì đang bủa vây đời sống của cá nhân, gia đình và quốc gia; Giáo Hội thấy Mẹ hỗ trợ dân Kitô Giáo trong cuộc tranh đấu liên lỉ giữa thiện và ác, để bảo đảm là dân này ‘không gục ngã’, hay nếu có ngã gục thì ‘lại chỗi dạy’”. (khoản 52).
(còn tiếp)
TÂM LÝ CHAY TỊNH
Trần Mỹ Duyệt
“Chúa ơi! Quỉ ma thì tinh quái, tấm thân này ươn ái, lại non nớt vô tài”.
Bài hát này đối với nhiều người chắc đã hát và nghe hầu như thuộc lòng, đặc biệt là vào những mùa chay. Lời ca mang chúng ta về với một tâm lý hết sức thực tế và gần gũi với con người tự nhiên của riêng mình. Nó lột trần và cho biết rõ ràng ranh giới của con người tự nhiên và con người tâm linh của mình. Giữa thân xác và linh hồn. Giữa thần linh và xác thịt. Điều này không chỉ đúng ở suy tư trừu tượng, mà đúng ngay trong thực hành hằng ngày. Chúng ta có thể hiểu được chân lý này không chỉ bằng những suy luận có tính cách trừu tượng, mà còn do những gì mình đã thấy và đã cảm.
TẤM THÂN NÀY ƯƠN ÁI
Bản thân tôi, trước đây cũng đã nhiều lần ăn chay. Không những ăn chay một ngày, mà còn ăn chay 2 hoặc 3 ngày vào những dịp đặc biệt. Ăn chay với tôi lúc ấy không thành vấn đề. Nó là “chuyện nhỏ”. Nhưng khi vài chiếc tóc trên đầu bắt đầu điểm chút mầu sương tuyết, và khi chứng cao máu, cao mỡ, tiểu đường bắt đầu gõ cửa tấm thân tôi, lúc đó tôi mới thấy sự chịu đựng và can đảm hy sinh trong những dịp chay tịnh không phải là dễ dàng. Nó không còn là “chuyện nhỏ” nữa, mà là “chuyện đáng quan tâm và lưu ý”.
Khi chứng cao mỡ, cao máu và tiểu đường bắt đầu, cũng là lúc con người tôi dễ mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, và “chóng đói” nữa. Cứ tưởng rằng mình có thể làm chủ cái dạ dầy mình một cách tự tin, tự đắc, nào ngờ những triệu chứng mà tôi vừa kể thay nhau tấn công, khiến một ngày nhịn ăn, hay không ăn là một ngày “vất vả” và “mệt nhọc”. Và cũng từ đó, tôi cảm thấy những ngày ăn chay không những dài ra, khó khăn hơn mà còn khó chịu nữa. Những dịp này, tôi thích câu: “Hãy xé lòng, đừng xé áo”, mà tôi có thể cắt nghĩa một cách dệu dạo là chỉ cần chay tịnh tinh thần thôi, đâu cần phải chay tịnh thể xác. Chỉ cần mình sống đàng hoàng một ngày sống thì quá đủ hơn là chay tịnh mà lại không sống đàng hoàng tử tế. Với lối ngụy biện này, nhiều hôm tôi xuýt mất chay, và nhiều hôm tôi thật sự mất chay.
Làm sao chúng ta có thể chay tịnh tinh thần một cách dễ dàng mà lại không cần đến chay tịnh thể xác? Làm sao chúng ta có thể thấy mình nhẹ nhàng, thanh thoát mà nguyện ngắm, cầu nguyện và tham dự các bí tích trong khi cái bụng của mình nặng nề, kềnh càng, ọc ạch đầy bia, rượu, thịt, cá và trăm thứ ngổng ngang trong đó. Làm sao chúng ta có thể thanh thoát tâm hồn khỏi những mời gọi, cám dỗ vật chất, dục vọng khi mà con người tự nhiên của mình, con người của ban năng trở nên nặng nề, chôn bám vào vật chất.
Trở lại cái tâm lý tự nhiên của con người trong một ngày chay tịnh hay trong những dịp chay tịnh, chúng ta cảm thấy có một điều hết sức rõ ràng là trong những ngày thường cơm, nước, thịt, cá, rượu, bia tuy có hấp dẫn thật, nhưng không mạnh, không mãnh liệt, và không ghê gớm như những ngày chay tịnh. Trong những ngày này, tâm lý phản xạ có điều kiện và vô điều kiện như bám sát lấy con người mình. Nó làm cho chúng ta trở thành đói, khát, thèm thuồng, và mệt mã.
Không cần cầm lấy bát cơm, ăn miếng cá, miếng thịt, hay miếng rau xào, mà chỉ cần ngửi thấy mùi cơm, mùi cá kho, mùi thịt kho, mùi rau xào đã làm cho chúng ta cảm thấy đói. Nước cường toan trong miệng cứ tiết ra, và con mắt cảm thấy láo liên, dạ dầy cồn cào, đói và đói không chịu nổi.
Rồi khi ngồi vào bàn ăn, trong những dịp chay tịnh cũng do phản ứng tâm lý, làm cho chúng ta khó lòng cầm hãm con người tự nhiên. Kết quả là có nhiều người ăn no đến độ mất chay.
Trong một ngày chay tịnh, Giáo Hội cho phép chúng ta ăn 2 bữa sáng và chiều “đói” một chút, riêng bữa trưa thì được phép “ăn vừa đủ no”. Hoặc bữa no, bữa đói. Nhưng thế nào là “hơi đói” và thế nào là “vừa đủ no”. Lại một điểm tâm lý nữa làm chúng ta phải chiến đấu với đôi con mắt và cái bụng. “No bụng, đói con mắt” là một cơm cám dỗ nặng nề đối với nhiều người trong những ngày ăn chay. Và cái khó lòng nhất là làm sao để ăn “hơi đói, và “đủ no”.
QUỈ MA THÌ TINH QUÁI
Bạn có tin là ma quỉ có phần trong những cám dỗ này không? Tôi tin chắc là có. Chắc chắn ma quỉ xử dụng mọi yếu tâm sinh lý để chúng ta mất chay, hoặc nếu không mất chay, thì cũng không trọn lành lắm trong những ngày chay tịnh.
Trước hết, chúng đem vào suy tư của chúng ta ý nghĩ cho rằng mình miễn cưỡng hay bị ép buộc phải ăn chay. Nếu không ăn chay sẽ phạm tội. Và phạm tội thì sẽ mất linh hồn. Tâm lý này là chúng ta cảm thấy ghét Giáo Hội và ghét Chúa. Chút chút gì cũng phạm tội. Chút chút gì cũng mất linh hồn. Sao mà Giáo Hội khó chịu, và Chúa khe khắt đến thế! Không lẽ những người không ăn chay đều mất linh hồn cả sao. Và đó là tâm lý chay tịnh tiêu cực, tâm lý chay tịnh miễn cưỡng. Một tâm lý đưa đến những bực bội, khó chịu. Tâm lý khiến chúng ta giữ chay một cách chiếu lệ hay miễn cưỡng. Một tâm lý làm cho những ngày chay tịnh của tôi trở thành dài lê thê, và khó giữ.
Khi Chúa Giêsu bảo chúng ta: “Tinh thần mau kíp, xác thịt nặng nề” (Mt 26:41), là Ngài có ý nhấn mạnh đến khía cạnh tâm lý của con người. Thật ra, nhiều người không mập mạp, có da, có thịt lắm nhưng vẫn cảm thấy nặng nề và bị cuốn hút bởi đam mê và bởi xác thịt.
Sở dĩ có những cám dỗ mãnh liệt và con người cảm thấy sa ngã, không chỉ vì xác thịt nặng nề, mà vì ma quỉ trong những cơn cám dỗ, cố tình và bằng những xảo thuật của chúng nhằm ảnh hưởng đến tâm lý con người, khiến những cái tầm thường trở thành khác thường, những cái nhỏ nhoi trở thành lớn lao, và những cái không đáng kể trở thành đáng kể. Thí dụ, ngày nào tôi cũng ăn cơm và uống nước. Trong bữa ăn thường ngày vẫn có rau, có cá, có thịt... nhưng nhiều khi và nhiều ngày tôi cảm thấy chán ngán, không muốn ăn hoặc ăn không ngon miệng. Nhưng những ngày chay tịnh, những ngày ăn chay thì lại khác. Bát cơm, miếng cá, miếng thịt, bát canh hôm nay sao hấp dẫn và ngon đến thế. Ăn không biết no, và ăn ngon một cách lạ thường. Trong yếu tố ăn ngon hôm nay, ngoài yếu tố chay tịnh, nhu cầu đòi hỏi của thể lý, yếu tố tâm lý và chắc chắn trong cái tâm lý chay tịnh hôm nay, ma quỉ đã khéo vẽ vời, kích thích giác quan, và ảnh hưởng đến tâm sinh lý của tôi.
Từ những ảnh hưởng về thể lý và tâm sinh lý ấy, đưa sang lãnh vực tâm linh. Nhiều lần chúng ta đã “sa chước cám dỗ” không phải vì đó là những chuyện nhỏ hay chuyện lớn, mà là chúng ta đã để cho Satan và ma quỉ ảnh hưởng được vào những suy tư, ước muốn thầm kín, và những đam mê của chính mình. Thí dụ, bình thường tôi nhìn mọi người qua lại một cách tự nhiên, và không mấy quan tâm đến những chuyện khác sẩy ra trong tư tưởng hay ước muốn của mình. Nhưng nếu tôi thật sự muốn “chay tịnh” tâm hồn, tức là muốn tinh tấn, thanh cao, và trong sáng những suy tư, những khát vọng của mình, thì lập tức con mắt tôi thấy những người qua lại có những dáng dấp khêu gợi, hấp dẫn và đẹp khác với bình thường. Tâm trí tôi khó quân bình và bằng an với những suy nghĩ mà bị níu kéo, và choán ngợp bởi những hấp dẫn và thôi thúc, trong đó có cả những cám dỗ về dục vọng. Và những trường hợp như vậy, sự tinh tấn và trong sạch tâm hồn của tôi bị vẩn đục vì thử thách. Nếu tôi vượt qua được những cám dỗ này, tôi hy vọng giữ được tư tưởng và ước muốn ngay thẳng, bằng không tôi thấy mình bị chìm ngập và bị thôi thúc bằng nhiều ham muốn khác nhau.
Tư tưởng dẫn tới hành động và từ đó tôi tìm cách chiếm hữu. Rồi khi đã chiếm hữu thì tôi thụ hưởng, mặc dù tôi biết cái đó là điều bất chính. Lúc đó tâm lý chay tịnh của tôi bị lợi dụng, bị bóp méo, và tôi trở thành kẻ thua cuộc.
CHAY TỊNH TINH THẦN
Tóm lại, không chỉ là một vài ngày ăn chay như thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh. Cũng không phải là mấy thứ Sáu trong Mùa Chay đòi chúng ta phải kiêng thịt. Tinh thần chay tịnh và tâm lý chay tịnh phải được chúng ta để ý và áp dụng mọi ngày trong đời sống mình.
Chúng ta phải lấy việc chay tịnh làm việc tự nguyện và cần thiết. Một việc làm mà với sự cố gắng bình thường, cộng với ơn Chúa chúng ta có thể làm được. Nhờ hành động và chay tịnh, chúng ta có thể làm chủ được con người của mình. Làm chủ được những đam mê của mình. Và chúng ta có thể nâng cao tâm hồn mình lên để gặp gỡ Chúa, để hiểu biết và yêu mến Ngài. Để chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô nói: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Phil 1:21).
Nhưng để “sống là Đức Kitô”, chúng ta phải ý thức sự yếu đuối của thân xác. Sức mạnh và mưu chước quỉ ma. Khả năng nội thù của giác quan. Và chúng ta phải xin với Chúa: “Chúa ơi! Giúp con tàn lửa mến. Đủ gan mà chinh chiến. Lập công đức vững bền”. Nói một cách rất con người là bằng với ơn Chúa giúp, và khả năng tâm hồn, chúng ta phải biết hoán đổi cái tâm lý chay tịnh tiêu cực và nặng nề thành tâm lý chay tịnh tích cực và nhẹ nhàng của lòng mến và tự nguyện.