GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ HAI 27/3/2006 TUẦN IV MÙA CHAY |
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Nguyên Văn Bài Giảng Thánh Lễ Đồng Tế Với Tân 15 Hồng Y Thứ Bảy Lễ Mẹ Thai Lời ngày 25/3/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật IV Mùa Chay 26/3 về Các Nạn Nhân của Quyền Tự Do Tôn Giáo
? ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC” (tiếp)
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Nguyên Văn Bài Giảng Thánh Lễ Đồng Tế Với Tân 15 Hồng Y Thứ Bảy Lễ Mẹ Thai Lời ngày 25/3/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô
Quí Hồng Y và Thượng Phụ thân mến,
Quí Huynh Khả Kính trong Hàng Giáo Phẩm và Linh Mục,
Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô!
Tôi cảm thấy hết sức hân hoan chủ sự đồng tế này với các vị tân hồng y sau cuộc mật nghị hồng y hôm qua, và tôi thấy là thích đáng thực hiện cuộc mật nghị hồng y này vào ngày lễ trọng Truyền Tin. Thật vậy, trong việc nhập thể của Con Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy nguồn gốc của Giáo Hội. Hết mọi sự được bắt đầu từ đó. Hết mọi sự hiện thực của Giáo Hội về lịch sử và từng cơ cấu thuộc tổ chức Giáo Hội cần phải được hình thành bởi nguồn mạch nguyên khởi này.
Chúng phải được hình thành bởi Chúa Kitô, Lời nhập thể của Thiên Chúa. Chính Người là Đấng chúng ta liên lỉ chúc tụng là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng mà nhờ Người ý muốn cứu độ của Thiên Chúa Ngôi Cha được hoàn tất. Tuy nhiên, ngày của mọi ngày hôm nay đây chúng ta chiêm ngưỡng khía cạnh này của mầu nhiệm ấy – khía cạnh suối nguồn thần linh tuôn chảy qua một mạch nước đặc biệt đó là Trinh Nữ Maria. Thánh Bênađô đã nói về điều này bằng hình ảnh ‘aquaeductus’ sống động (cf. "Sermo in Nativitate B.V. Mariae": PL 183, 437-448). Thế nên, khi cử hành việc nhập thể của Người Con, chúng ta không thể không tôn vinh Mẹ của Người.
Lời thiên thần loan báo cho Mẹ, Mẹ đã chấp nhận, và khi Mẹ đáp lại bằng tất cả tâm hồn của mình là ‘Này tôi… xin vâng như lời ngài truyền’ (Lk 1:38), thì Lời hằng hữu bắt đều hiện hữu như là một con người trong thời gian.
Mầu nhiệm khôn lường này không ngừng trở thành những gì là bàng hoàng ngỡ ngàng từ đời nọ đến đời kia. Thánh Âu Quốc Tinh tưởng tượng ra một cuộc đối thoại giữa ngài và vị thiên thần Truyền Tin, khi đặt vấn đề là: ‘Ôi Thiên Thần, xin nói cho tôi hay là tại sao điều này đã xẩy ra nơi Mẹ Maria?’ Câu trả lời được vị thiên sứ đáp lại chất chứa chính những lời chào kính: ‘Kính mừng đầy ơn phúc’ (x Sermo 291.6). Thật vậy, vị thiên thần, ‘khi hiện ra với Mẹ’, đã không gọi Mẹ theo tên trần gian của Mẹ là Maria, mà bằng tên thần linh của Mẹ, ‘Đầy ơn phúc – gratia plena’, một tên theo nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là ‘yêu dấu’ (x Lk 1:28) vì Mẹ luôn được Thiên Chúa biết đến và mang dấu vết Thiên Chúa. Giáo phụ Origen đã nhận định rằng không có danh xưng nào như thế được ban cho bất cứ một con người nào, và là một danh xưng duy nhất trong toàn bộ Thánh Kinh (cf ‘In Lucam’ 6:7).
Nó là một danh hiệu ở thể thụ động, thế nhưng ‘cái thụ động’ này của Mẹ Maria, Vị luôn được và đang được Chúa mãi mãi ‘yêu thương’, bao gồm việc tự do ưng thuận của Mẹ, việc đáp ứng cá nhân và nguyên vẹn của Mẹ: Khi được yêu thương, Mẹ Maria hoàn toàn chủ động, vì Mẹ chấp nhận một cách quảng đại làn sóng yêu thương của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên Mẹ. Cả ở việc này nữa, Mẹ cũng là người môn đệ trọn hảo của Con Mẹ, Đấng hiện thực tất cả tự do của mình qua việc tuân phục Chúa Cha.
Trong bài đọc thứ hai, chúng ta nghe một đoạn tuyệt vời được tác giả của bức Thư gửi Do Thái viết khi dẫn giải Thánh Vịnh 39 theo ý nghĩa nhập thể của Chúa Kitô: “Khi Chúa Kitô vào trần gian, Người đã thưa… ‘Này Con đây, Con xin đến để làm theo ý Cha, Ôi Thiên Chúa’” (10:5-7). Trước mầu nhiệm của hai lời ‘Này con đây’ của Chúa Kitô và Vị Trinh Nữ, lời này phản ảnh trong lời kia, làm nên câu Amen duy nhất dâng lên ý muốn yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy đầy những ngỡ ngàng và tri ân cảm tạ, và chúng ta cúi mình xuống tôn thờ.
Chư huynh thân mến, thật là một ân huệ cao cả biết bao khi thực hiện việc cử hành ý nghĩa này vào Lễ Trọng Truyền Tin đây! Chúng ta có thể nhận được dồi dào ánh sáng biết bao từ mầu nhiệm này cho đời sống chúng ta làm thừa tác viên của Giáo Hội đây! Nhất là các vị tân hồng y thân mến, chư huynh có thể lãnh nhận nhiều bổ dưỡng là chừng nào cho sứ vụ làm ‘Nghị Viên’ cao cả của Vị Thừa Kế Thánh Phêrô! Cơ hội thích đáng này giúp chúng ta coi biến cố hôm nay đây, một biến cố nhấn mạnh đến nguyên tố Phêrô của Giáo Hội, theo chiều hướng của một nguyên tố khác, đó là nguyên tố Thánh Mẫu, một nguyên tố thậm chí còn quan trọng hơn nữa. Tầm vóc quan trọng của nguyên tố Thánh Mẫu trong Giáo Hội, sau công đồng chung Vaticanô II, được đề cao một cách đặc biệt bởi Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiền nhiệm yêu dấu của tôi, hợp với khẩu hiệu của ngài ‘Totus tuus’.
Trong linh đạo của ngài, cũng như trong thừa tác vụ liên lỉ của ngài, sự hiện diện của Mẹ Maria như là Người Mẹ và là Nữ Vương của Giáo Hội đã trở thành hiển nhiên trước mắt mọi người. Nhất là ngài đã quảng bá sự hiện diện từ mẫu của Mẹ nơi vụ ám sát ngày 13/5/1981 ở Quảng Trường Thánh Phêrô. Để tưởng nhớ biến cố bi thương này, ngài đã đặt một bức ảnh Đức Trinh Nữ bằng vi thạch ghép trên cao Tông Dinh Giáo Hoàng, nhìn xuống Quảng Trường Thánh Phêrô, để hỗ trợ những giây phút chính yếu và diễn tiến hằng ngày cho giáo triều dài lâu của ngài. Đúng một năm từ khi giáo triều của ngài đi vào giai đoạn cuối cùng, giai đoạn vượt qua đầy khổ đau nhưng thực sự là vinh thắng. Tấm hình Truyền Tin, hơn bất cứ tấm hình nào khác, giúp chúng ta thấy rõ lý do tại sao hết mọi sự trong Giáo Hội trở về với mầu nhiệm Mẹ Maria chấp nhận Lời thần linh, nhờ đó, qua tác động của Thánh Linh, giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại mới được hoàn toàn niêm ấn.
Hết mọi sự trong Giáo Hội, hết mọi cơ cấu và thừa tác vụ, bao gồm cả thừa tác vụ của Thánh Phêrô và của các vị thừa kế ngài, đều được ‘bao gồm’ trong áo choàng của Vị Trinh Nữ này, trong chân trời đầy ân phúc của lời Mẹ ‘xin vâng’ theo ý muốn của Thiên Chúa. Mối liên hệ này với Mẹ Maria tự nhiên khơi lên trong tất cả chúng ta một âm hưởng rất mến thương, thế nhưng, trước hết nó có một giá trị khách quan. Giữa Mẹ Maria và Giáo Hội thực sự có một mối liên hệ tự nhiên, được Công Đồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh qua quyết định khéo léo của mình, trong việc đưa phần về Đức Trinh Nữ vào đoạn kết của hiến chế ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ về Giáo Hội.
Đề tài về mối liên hệ giữa nguyên tố Phêrô và nguyên tố Thánh Mẫu cũng được thể hiện nơi biểu hiệu chiếc nhẫn mà tôi sắp sửa trao cho chư huynh. Chiếc nhẫn này luôn là dấu hiệu của hôn ước. Hầu hết tất cả chư huynh đã được một chiếc nhẫn vào ngày được tấn phong lên hàng giáo phẩm, như biểu lộ lòng trung thành và việc dấn thân của chư huynh trong vấn đề trông coi Hội Thánh là hiền thê của Chúa Kitô (x. Nghi Thức Tấn Phong Giám Mục). Chiếc nhẫn tôi trao cho chư huynh hôm nay đây, chiếc nhẫn hợp với phẩm tước hồng y, là để xác nhận và củng cố việc dấn thân ấy, việc dấn thân cũng xuất phát từ tặng ân hôn ước, từ việc nhắc nhở cho chư huynh nhớ rằng trước hết và trên hết chư huynh cần phải mật thiết kết hợp với Chúa Kitô để hoàn thành sứ vụ của chư huynh là thành phần phù rể của Giáo Hội.
Chớ gì việc chư huynh chấp nhận chiếc nhẫn này, đối với chư huynh, là việc chư huynh lập lại tiếng ‘xin vâng’ của mình, tiếng ‘này con đây’ của chư huynh, ngỏ cả cùng Chúa Giêsu là Đấng đã chọn chư huynh và ủy nhiệm chư huynh, lẫn Giáo Hội, một Giáo Hội chư huynh được kêu gọi để phục vụ bằng tình mến yêu của một người bạn đời. Bởi vậy mà hai chiều kích của Giáo Hội là Thánh Mẫu và Phêrô, gặp nhau ở giá trị cao cả của ‘đức ái’ là đức làm trọn mỗi nguyên tố. Thánh Phaolô nói rằng đức ái là đặc sủng ‘cao trọng nhất’, là ‘đường lối tuyệt hảo nhất’ (1Cor 12:31,13:13).
Hết mọi sự trên thế giới này sẽ qua đi. Trong cõi vĩnh hằng chỉ có tình yêu mới tồn tại mà thôi. Vì lý do này, Chư Huynh thân mến, lợi dụng dịp thuận lợi của mùa Chay này, chúng ta hãy quyết tâm bảo đảm là hết mọi sự trong đời sống riêng tư của mình, cũng như trong hoạt động của Giáo Hội chúng ta tham phần, đều được tác động bởi đức ái và dẫn tới đức ái. Cả về khía cạnh này nữa, chúng ta được chiếu soi bởi mầu nhiệm chúng ta đang cử hành hôm nay đây. Thật vậy, việc đầu tiên Mẹ Maria làm sau khi lãnh nhận sứ điệp của Thiên Thần là ‘vội vã’ lên đường tới nhà của người chị họ Isave để phục vụ người chị này (x Lk 1:39).
Động tác của Vị Trinh Nữ này là một động tác của đức ái chân thực, một động tác khiêm tốn và can đảm, được tác động bởi niềm tin tưởng vào lời Chúa và được Thánh Linh động viên trong lòng. Những ai yêu thương thì quên mình và dấn thân phục vụ tha nhân.
Ở đây chúng ta có được hình ảnh và mô phạm của Giáo Hội! Hết mọi cộng đồng giáo hội, như Người Mẹ của Chúa Kitô, đều được kêu gọi hoàn toàn quảng đại chấp nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa là Đấng đến ngự trong Mẹ và dẫn Mẹ bước đi trên con đường yêu thương. Đó là con đường tôi đã chọn để khai triều của mình, khi mời gọi mọi người, bằng bức thông điệp đầu tiên của mình, trong việc xây dựng Giáo Hội trong đức ái như một ‘cộng đồng yêu thương’ (x Thiên Chúa Là Tình Yêu, phần 2).
Trong việc theo đuổi mục tiêu này, Chư Huynh Hồng Y khả kính, việc gắn bó về tinh thần và việc chủ động hỗ trợ của chư huynh là những gì hỗ trợ và an ủi tôi rất nhiều. Tôi cám ơn chư huynh về điều ấy, đồng thời tôi mời gọi tất cả mọi người trong chư huynh, linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân, hãy liên kết với nhau trong việc kêu cầu Thánh Linh, xin cho Hồng Y Đoàn được nhiệt thành hơn trong đức ái mục vụ, hầu giúp cho toàn thể Giáo Hội chiếu rạng tình yêu của Chúa Kitô trên thế giới, để chúc tụng và tôn vinh Ba Ngôi Chí Tháhh. Amen!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/3/2006
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật IV Mùa Chay 26/3 về Các Nạn Nhân của Quyền Tự Do Tôn Giáo
Anh Chị Em thân mến,
Cuộc mật nghị hồng y được thực hiện mới đây để bổ nhiệm 15 tân hồng y là một cảm nghiệm sâu xa của Giáo Hội, khiến chúng ta có thể nếm hưởng được cái phong phú thiêng liêng của đoàn tính, trong việc thấy mình qui tụ lại giữa các anh em thuộc các lai lịch khác, tất cả đều được liên kết lại tình yêu mến duy nhất Chúa Kitô và Giáo Hội của Người.
Một cách nào đó chúng ta đã sống lại thực tại của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, qui tụ lại chung quanh Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và chung quanh Phêrô, để lãnh nhận tặng ân Thần Linh và để dấn thân loan truyền Phúc Âm trên khắp thế giới. Lòng trung thành với sứ vụ này cho tới hy sinh mạng sống của mình là tính chất chuyên biệt của các vị hồn g y, như được chứng tỏ nơi lời thề của các vị cũng như được biểu hiệu nơi mầu đỏ là mầu sắc của máu vậy.
Bằng việc trùng hợp thích đáng, cuộc mật nghị hồng y đã được diễn tiến vào ngày 24/3, ngày tưởng nhớ các vị thừa sai năm ngoái đã ngã xuống nơi tuyến đầu của việc truyền bá phúc âm hóa cũng như của việc phục vụ con người ở các phần đất trên trái đất này. Bởi thế, cuộc mật nghị này là một cơ hội để cảm thấy gần gũi hơn bao giờ hết với tất cả những Kitô hữu chịu bắt bớ vì đức tin. Chứng từ của các vị, những chứng từ chúng ta biết được qua tin tức hằng ngày, nhất là việc hy sinh của những ai bị sát hại, đối với chúng ta là lý do để xây dựng và thúc đẩy chúng ta chân thành và quảng đại dấn thân truyền bá phúc âm hóa hơn bao giờ hết.
Tôi đặc biệt nghĩ đến những cộng đồng đang sống ở các quốc gia thiếu tự do tôn giáo, hay thực sự là đang chịu nhiều hạn chế, mặc dù trên giấy tờ quyền tự do tôn giáo có được công nhận chăng nữa. Tôi xin gửi đến họ lời phấn khích cảm mến của tôi, để họ kiên trì một cách nhẫn nại và bằng đức ái của Chúa Kitô, một đức ái là mầm mống của Vương Quốc Thiên Chúa đang đến, một đức ái thực sự đã được gieo trồng trên thế gian. Tôi muốn bày tỏ tình đoàn kết sâu xa nhất của tôi nhấn danh toàn thể Giáo Hội với tất cả những ai đang hoạt động phục vụ Phúc Âm nơi những hoàn cảnh khó khăn, và đồng thời cũng hứa nhớ đến họ trong lời nguyện cầu hằng ngày của tôi.
Giáo Hội tiến bước trong giòng lịch sử và làn tràn trên thế gian này với Mẹ Maria là Nữ Vương Các Vị Tông Đồ đồng hành. Như trong nhà tiệc ly, Vị Trinh Nữ Thánh này, đối với Kitô hữu, bao giờ cũng là ký ức sống động về Chúa Giêsu. Mẹ linh động hóa việc nguyện cầu của họ và nâng đỡ niềm hy vọng của họ. Chúng ta hãy xin Mẹ hướng dẫn cuộc hành trình hằng ngày của chúng ta và đặc biệt ưu ái bảo vệ những cộng đồng Kitô hữu đang trải qua các điều kiện đặc biệt khốn khó và khổ đau.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/3/2006
ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
Tưởng niệm đầy năm băng hà của Vị Giáo Hoàng
Thánh Mẫu
(Đây là loạt bài thứ ba tiếp theo hai loạt bài trước: Vị GH của Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần và Vị GH Vui Mừng và Hy Vọng: 'Đừng Sợ')
(tiếp 23 Thứ Năm, 24 Thứ Sáu, 5 Thứ Bảy, 26 Chúa Nhật)
2.- “Totus Tuus”: Hiện Thực
(tiếp tiểu đề 2 này)
Huấn Từ Về Thánh Mẫu
Đối với huấn từ về Thánh Mẫu của Đức Gioan Phaolô II phải kể đến loạt bài Giáo Lý Thánh Mẫu của ngài cho các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần. Loạt bài Giáo Lý Thánh Mẫu này gồm có 70 bài trong thời khoảng 1 năm rưỡi, từ ngày 6/9/1995 đến 12/11/1997, sau đó là loạt bài Giáo Lý về từng Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Kitô năm 1997, Chúa Thánh Thần năm 1998 và Chúa Cha năm 1999. Loạt bài về mỗi Ngôi này đều được kết thúc bằng một bài Giáo Lý về Thánh Mẫu, theo chiều hướng ngài bao giờ cũng kết lời về Thánh Mẫu ở tất cả mọi văn thư hay bài huấn dụ thuộc nội bộ Giáo Hội của ngài.
Vì lòng tôn sùng Thánh Mẫu chân chính chẳng những có tính cách Kitô học mà còn liên hệ cả với Chúa Ba Ngôi nữa, như ngài đã nhờ Thánh Long Mộng Phố cảm nhận được trong thời gian có ơn gọi làm linh mục, một cảm nhận ngài đã chia sẻ trong cuốn “Tặng Ân và Mầu Nhiệm” (đã được trích dẫn trên đây): “Tư tưởng về khoa Thánh Mẫu Học của Thánh Long Mộng Phố được bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như mầu nhiệm Nhập Thể của Lời Thiên Chúa”, và ngài cũng đã lập lại cảm nhận này ở đầu bức Thông Điệp “Mẹ Đấng Cứu Chuộc”, ngay sau khi ngài trích dẫn lời Thánh Phaolô: “Khi tới thời gian viên trọn thì Thiên Chúa đã sai Con mình, hạ sinh bởi người nữ, hạ sinh theo lề luật, để cứu chuộc những ai lệ thuộc lề luật, nhờ đó chúng ta được ơn làm nghĩa tử. Và vì anh chị em là con mà Thiên Chúa đã sai Thần Linh Con Ngài đến với tâm can của chúng ta, vang lên ‘Abba! Lạy Cha’ (Gal 4:4-6)”, như sau: “những lời này tôn tụng chung cả tình yêu của Chúa Cha, sứ vụ của Chúa Con và tặng ân của Thần Linh…”. Sau đây là ba đoạn được trích trong 3 bài Giáo Lý về Thánh Mẫu được ngài chia sẻ để kết thúc từng loạt bài Giáo Lý dọn mừng Đại Năm Thánh 2000 về từng Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa:
Thánh Mẫu với Chúa Cha:
“Nơi Mẹ, ‘Nữ Tử dấu ái của Chúa Cha’ (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 53), dự án thần linh yêu thương nhân loại được tở hiện. Vì nhắm tuyển lựa Mẹ làm mẹ cho Con của mình, Chúa Cha đã chọn Mẹ giữa tất cả mọi tạo vật và đã nâng Mẹ lên tới một phẩm vị cao cả nhất, cũng như lên tới một sứ vụ trọng đại nhất trong việc phục vụ dân của Ngài.
“Dự án của Chúa Cha bắt đầu được mạc khải qua ‘Protoevangelium’ (phúc âm tiên khởi), khi mà, sau lúc Adong và Evà sa ngã phạm tội, Thiên Chúa loan báo cho biết rằng Ngài sẽ gây mối thù giữa con rắn và người nữ: chính người con trai của người nữ sẽ đạp nát đầu con rắn (x.Gen 3:15).
“Lời hứa này đã được nên trọn trước hết ở biến cố Truyền Tin, khi Mẹ Maria được mời gọi trở nên một Người Mẹ của Đấng Cứu Thế”. (Bài 79, ngày 5/1/2000, đoạn 1)
Thánh Mẫu với Chúa Con:
“Trong thảm kịch Canvê, đức tin của Mẹ Maria cũng không hề xao xuyến. Đối với đức tin của các môn đệ thì thảm cảnh này thật là quá sức. Chỉ nhờ có tác dụng của lời Chúa Giêsu cầu nguyện mà Phêrô, cùng với các tông đồ khác cũng bị thử thách, đã có thể tiếp tục theo con đường đức tin để trở nên các chứng nhân cho việc Chúa Phục Sinh.
“Khi viết rằng Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá, Thánh ký Gioan (x.19:25) cho chúng ta thấy rằng Mẹ Maria vẫn đầy can đảm trong giây phút khẩn trương nhất. Giây phút khẩn trương này thực là giai đoạn khó vượt nhất trong ‘cuộc hành trình đức tin’ của Mẹ (x.Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 58). Thế nhưng, vì Mẹ vẫn vững mạnh đức tin nên Me đãï có thể đứng đó. Bị thử thách, Mẹ Maria vẫn tiếp tục tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, và tin rằng, bằng hy hiến của Người, Người sẽ biến đổi định mệnh con người”. (ngày 6-5-98, bài 15, đoạn 5)
Thánh Mẫu với Thánh Thần:
“Từ Thập Giá, Đấng Cứu Thế muốn đổ xuống trên nhân loại những giòng sông chảy nước sự sống (x.Jn.7:38), tức là đổ xuống dồi dào Thánh Linh. Thế nhưng, Người muốn việc trào đổ ân sủng này phải được gắn liền với dung nhan của một người mẹ, Mẹ của Người. Vậy Mẹ Maria đã hiện lên như một tân Evà, một người mẹ sinh linh, hay Nữ Tử Sion, người mẹ của tất cả mọi dân nước. Tặng ân mẫu thân phổ quát này được bao gồm trong sứ vụ cứu chuộc của Đấng Thiên Sai: ‘Sau đó, biết rằng tất cả đã hoàn tất, Chúa Giêsu…’, Thánh Ký viết lời này ngay sau hai câu: ‘Này bà, người con của bà đó!’ và ‘Đó là người mẹ của con!’ (Jn.19:26-28).
“Nơi khung cảnh này, chúng ta mới có thể hiểu được sự hòa điệu của ý định Thiên Chúa liên quan đến vai trò của Mẹ Maria trong tác động cứu độ của Chúa Thánh Thần. Nơi mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ đã đóng một vai trò trọng yếu trong việc Mẹ cộng tác với Thần Linh; nơi mầu nhiệm hạ sinh và tăng trưởng con cái Thiên Chúa, việc trợ giúp từ mẫu của Mẹ Maria cũng gắn liền với tác động của Chúa Thánh Thần”. (ngày 9/12/98, bài 43 đoạn 3).
(còn tiếp)