GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 28/3/2006 TUẦN IV MÙA CHAY |
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI Viếng Thăm Mục Vụ Giáo Xứ Rôma Thiên Chúa Là Cha Xót Thương và nói về sứ điệp cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II liên quan tới Lòng Thương Xót Chúa
? Một Tổ Chức Do Thái Kỷ Niệm Đầy Năm Đức Gioan Phaolô II Băng Hà và Phổ Biến Văn Học Tôn Vinh Ngài
? ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC” (tiếp)
Giáo Hoàng Biển Đức XVI Viếng Thăm Mục Vụ Giáo Xứ Rôma Thiên Chúa Là Cha Xót Thương và nói vềø sứ điệp cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II liên quan tới Lòng Thương Xót Chúa
Chúa Nhật 26/3/2006, trong cuộc viếng thăm mục vụ Chúa Nhật hằng tuần ở một giáo xứ Rôma, lần này là giáo xứ Thiên Chúa Là Cha Nhân Hậu, toạ lạc ở phía đông Rôma, và được kiến trúc bởi một kiến trúc sư Hoa Kỳ là Richard Meier để cử hành Năm Thánh 2000.
Ngôi nhà thờ kiểu tân thời này được khai trương năm 2003 được nhiều sinh viên học về ngành kiến trúc tới thăm. Ngôi thánh đường này được Đức Gioan Phaolô II hình dung ra để cô đọng “một cách hiệu nghiệm ý nghĩa của biến cố thiêng liêng ngoại biệt này”, là Đại Năm Thánh 2000.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói rằng khi suy niệm về tình thương của Chúa, “Đấng đã tỏ mình ra hoàn toàn và tận tuyệt nơi mầu nhiệm Thập Giá, lời lẽ gợi nhớ rằng Đức Gioan Phaolô II đã sửa soạn cho cuộc gặp gỡ năm vừa rồi với tín hữu vào Chúa Nhật, ngày ¾”.
Bản văn của Đức Gioan Phaolô II đã được đọc lên cho 130 ngàn người tham dự Thánh Lễ cầu hồn cho ngài ở Quảng Trường Thánh Phêrô, do Đức Tổng Giám Mục Leonardo Sandri, phụ tá Văn Phòng Quốc Vụ Khanh Vatican, chủ tế.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhắc lại là những lời ấy đã được viết trong sứ điệp “như lời di chúc” là: “Chúa Kitô phục sinh đã cống hiến cho nhân loại, một nhân loại có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực của sự dữ, của thần tôi và của sợ hãi, tặng ân tình yêu thương của Người, một tình yêu thương tha thứ, hòa giải và tái cởi mở tinh thần hy vọng. Nó là tình yêu hoán cải tâm can và ban phát an bình. Thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Tình Thương Thần Linh biết bao!”
Vị Giáo Hoàng đương kim khuyên nhủ thành phần chen chúc nhau tham dự Thánh Lễ trong ngôi thánh đường tân thời của giáo xứ họ như sau:
“Hiểu biết và chấp nhận tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa: Chớ gì điều ấy là quyết tâm trên hết của anh chị em trong gia đình và sau đó tới toàn thể phạm vi cận nhân”.
Chúa Nhật 2/4/2006, đúng 1 năm sau ngày chết của mình, ĐTC GPII sẽ được ĐHY Camillo Ruini, tổng đại diện Giáo Hoàng ở giáo phận Rôma, nơi mở án phong chân phước cho ngài, chủ sự buổi lần hạt Mân Côi ở Quảng Trường Thánh Phêrô vào lúc 9 giờ tốị Sau đó, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ chào khách hành hương tham dự tại cửa sổ tông phòng của ngài.
Thứ Hai 3/4/2006, vào lúc 5 giờ 30 chiều, cũng tại Quảng Trường Thánh Phêrô, chính ĐTC Biển Đức XVI sẽ dâng Thánh Lễ nhân ngày giỗ đầy năm của ngài.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 27/3/2006 và VIS ngày 28/3/2006
Một Tổ Chức Do Thái Kỷ Niệm Đầy Năm Đức Gioan Phaolô II Băng Hà và Phổ Biến Văn Học Tôn Vinh Ngài
Hiệp Hội Chống Phỉ Báng của Do Thái đã phổ biến một tập sách mới tập trung vào cuộc viếng thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở Do Thái và Trung Đông năm 2000.
Tập sách này được phổ biến để kỷ niệm đầy năm biến cố băng hà của vị Giáo Hoàng người Balan này cũng như để tôn vinh mối liên hệ đặc thù của ngài với nhân dân Do Thái và Do Thái Giáo. Hiệp hội này viết trong một bản văn rằng:
“Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – Cuộc Viếng Thăm Jordan, Do Thái và Thẩm Quyền Palestine: Một Cuộc Hành Hương Nguyện Cầu, Hy Vọng và Hòa Giải” là tập sách bao gồm những đoạn văn được chọn lọc từ các bài diễn văn và trình bày của ngài trong cuộc viếng thăm Trung Đông ấy, do Tôn Sư Leon Klenicki, vị giám đốc hưu trí đặc trách các liên tín vụ của Hiệp Hội này, tuyển hợp và dẫn giải.
Vị giám đốc toàn quốc của Hiệp Hội này là Abraham Foxman, người viết lời giới thiệu cho tập sách ấy, đã nói rằng:
“Việc giao tiếp của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với cộng đồng Do Thái sẽ mãi mãi là một phần quan trọng nơi cái di sản phi thường của ngài.
“Là một giới trẻ ở Balan, ngài đã liên hệ với những người Do Thái là bạn bè và hàng xóm láng giềng của ngài. Là Giáo Hoàng, qua lời nói và việc làm, ngài đã lên án nạn bài Do Thái như là một thứ tội lỗi, đã viếng thăm hội đường ở Rôma, một cuộc viếng thăm đầu tiên chưa từng có đối với một vị giáo hoàng, cầu nguyện tại trại Auschwitz cho những người Do Thái đã chết ở đó trong tay đảng Nazi, và đã thiết lập liên hệ với Quốc Gia Do Thái”.
Tôn Sư Klenicki, một chuyên gia về và là tham dự viên trong mối liên hệ Công Giáo Và Do Thái qua nhiều thập niên, đã nói rằng:
“Không giống như bất cứ một vị Giáo Hoàng nào trong lịch sử, Đức Gioan Phaolô II sẽ mãi mãi được nhìn nhận là Vị Lữ Hành Hòa Bình và là Vị Tông Đồ Hòa Giải.
“Việc ngài nguyện cầu ở địa điểm linh thánh nhất của Do Thái Giáo là Bức Tường Phía Tây, việc ngài viếng thăm Yad Vashem để tôn kính những người Do Thái đã chết trong cuộc Tế Thần, những cuộc ngài gặp gỡ những vị Tôn Sư Trưởng của Do Thái, các viên chức Do Thái và nhân dân Do Thái, là những giây phút lịch sử trong cuộc hành trình của ngài vậy”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 27/3/2006
ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
Tưởng niệm đầy năm băng hà của Vị Giáo Hoàng
Thánh Mẫu
(Đây là loạt bài thứ ba tiếp theo hai loạt bài trước: Vị GH của Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần và Vị GH Vui Mừng và Hy Vọng: 'Đừng Sợ')
(tiếp 23 Thứ Năm, 24 Thứ Sáu, 5 Thứ Bảy, 26 Chúa Nhật, 27 Thứ Hai)
2.- “Totus Tuus”: Hiện Thực
(tiếp tiểu đề 2 này)
Năm Mân Côi và Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria
Tông Thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria” làvăn kiện mở màn cho Năm Mân Côi (16/10/2002-19/10/2003) và về Kinh Mân Côi của vị Giáo Hoàng được qua đời vào chính đêm Thứ Bảy Đầu Tháng (2/4/2005), cuối Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Nội dung của Tông Thư Kinh Mân Côi ra sao? Và tại sao ngài lại mở Năm Mân Côi vào thời điểm này, mà không vào thời điểm khác? Theo ngài, là vì “Totus Tuus”, là vì ngài đã dâng phú cho Mẹ cả bản thân ngài lẫn giáo triều của ngài, một giáo triều đã trọn 24 năm và tiến vào năm thứ 25. Ngài đã bày tỏ như thế trong buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần vào chính ngày 16/10/2002, ngày kỷ niệm đúng 24 năm biến cố ngài được bầu làm giáo hoàng. Sau đây là nguyên văn những gì ngài đã nói liên quan cả về nội dung Tông Thư Kinh Mân Côi lẫn ý nghĩa việc ngài mở Năm Mân Côi:
1.- Trong cuộc trở về Balan của Tôi mới đây, Tôi đã dâng lên Đức Mẹ những lời sau đây: ‘Hỡi Mẹ Rất Thánh, [,,,] xin Mẹ cũng hãy ban cho con sức mạnh về cả thể xác lẫn tinh thần, để con có thể chu toàn đến cùng sứ mệnh Đấng Phục Sinh đã ủy nhiệm cho con. Con dâng lên Mẹ tất cả mọi hoa trái của cuộc đời con cũng như của thừa tác vụ con làm, con ký thác cho Mẹ tương lai của Giáo Hội; […] con tin tưởng nơi Mẹ và con xin thưa cùng Mẹ một lần nữa là: ‘Totus tuus, Maria! Totus tuus!’, ‘Ôi Maria, tất cả của con là của Mẹ! Tất cả của con là của Mẹ!’ Amen”. (Kalwaria Zebrzydowska, Aug. 19, 2002). Hôm nay, Tôi lập lại cũng những lời này để cảm tạ Thiên Chúa về 24 năm Tôi phục vụ Giáo Hội nơi Tòa Thánh Phêrô. Vào ngày đặc biệt này, một lần nữa, Tôi xin trao phó vào bàn tay Mẹ Thiên Chúa sự sống của Giáo Hội cùng với sự sống của nhân loại đang bị thử thách đau thương. Tôi cũng xin ký thác tương lai của Tôi cho Mẹ. Tôi đặt tất cả nơi tay Mẹ, để Mẹ lấy tình yêu từ mẫu của Mẹ mà hiến dâng mọi sự cho Con Mẹ, “hầu chúc tụng vinh quang của Người” (Eph 1:12).
2.- Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc của con người, là tâm điểm của đức tin chúng ta. Mẹ Maria không làm cho Người bị lu mờ đi, cũng không làm lu mờ đi công cuộc cứu độ của Người. Được mông triệu về trời cả hồn lẫn xác, Đức Trinh Nữ, người đầu tiên được hoan hưởng các hoa trái tử nạn và phục sinh của Con mình, Mẹ là Vị dẫn chúng ta đi con đường chắc chắn nhất đến với Chúa Kitô, đích điểm tối hậu của tác hành cũng như của tất cả đời sống chúng ta. Bởi thế, khi ngỏ lời cùng toàn thể Giáo Hội trong tông thư “Vào Lúc Mở Màn Cho Một Ngàn Năm Mới - Novo Millennio Ineunte”, Tôi đã thêm vào lời Chúa Kitô kêu gọi “hãy thả lưới ở chỗ nước sâu” là “trong cuộc hành trình này, chúng ta được Đức Trinh Nữ Maria hỗ trợ, Đấng […] đã được Tôi ký thác ngàn năm thứ ba trước sự hiện diện của một số đông các vị giám mục […]” (số 58). Và, trong việc mời gọi các tín hữu hãy không ngừng chiêm ngưỡng dung nhan của Chúa Kitô, Tôi đã hết lòng mong muốn trong việc chiêm ngưỡng ấy, Maria, Mẹ của Người, phải là vị tôn sư chỉ dạy cho tất cả mọi người.
3.- Hôm nay, Tôi muốn thể hiện lòng ước muốn này một cách rõ ràng hơn nữa, bằng hai cử chỉ tiêu biểu. Trong ít phút nữa đây, Tôi sẽ ký bức tông thư “Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria - Rosarium Virginis Mariae”. Chưa hết, cùng với việc ban hành văn thư nói về kinh nguyện mân côi này, Tôi cũng công bố một năm kéo dài từ Tháng Mười 2002 tới Tháng Mười 2003, đó là “Năm Mân Côi”. Tôi làm như vậy, chẳng những vì đây là năm thứ 25 giáo triều của Tôi, mà còn vì là dịp kỷ niệm 120 năm thông điệp “Supremi Apostolatus Officio” được Vị Tiền Nhiệm của Tôi là Đức Lêô XIII ban hành vào ngày 1/9/1883 để mở màn cho một loạt các văn kiện đặc biệt khác của Ngài về kinh mân côi. Ngoài ra, còn có một lý do nữa, đó là trong lịch sử của Các Cuộc Đại Hỷ Kỷ Niệm còn có một truyền thống tốt lành, ở chỗ, sau Năm Thánh dâng kính Chúa Kitô và tôn kính công cuộc Cứu Chuộc của Người còn có một năm dâng kính cho Mẹ Maria nữa, như thể muốn kêu cầu với Mẹ để Mẹ giúp cho các ân sủng đã nhận lãnh từ Năm Thánh được sinh hoa kết trái.
4.- Có lẽ không còn phương tiện nào tốt hơn kinh nguyện mân côi đối với nỗ lực cần thiết nhưng hết sức sâu xa trong việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô? Tuy nhiên, để làm điều này, chúng ta cần phải tái nhận thức cái thâm sâu của mầu nhiệm được chất chứa nơi tính cách giản dị của kinh nguyện rất được truyền thống phổ thông yêu chuộng này. Thật vậy, theo kết cấu của mình, kinh nguyện Thánh Mẫu trước hết là việc suy niệm về các mầu nhiệm thuộc đời sống và hoạt động của Chúa Kitô. Bằng việc lập đi lập lại tiếng kêu cầu “Kính mừng Maria”, chúng ta sâu xa suy nghĩ về những biến cố chính yếu của sứ vụ Con Thiên Chúa thực hiện trên thế gian, những biến cố được Phúc Âm và Truyền Thống lưu truyền cho chúng ta. Để bản tổng hợp Phúc Âm này được trọn vẹn hơn, cũng như để thêm khởi sắc, trong tông thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria “Rosarium Virginis Mariae”, Tôi đã đề ra năm mầu nhiệm khác nữa, thêm vào những mầu nhiệm vốn được suy niệm trong kinh mân côi, và Tôi đã gọi 5 mầu nhiệm mới này là “những mầu nhiệm ánh sáng”. Những mầu nhiệm ánh sáng ấy bao gồm đời sống công khai của Đấng Cứu Thế, từ biến cố phép rửa ở sông Dược Đăng cho đến khi bắt đầu cuộc Khổ Nạn. Mục đích của việc đề ra này là để mở rộng chân trời kinh mân côi, nhờ đó, ai lần hạt mân côi với lòng sùng mộ chứ không phải một cách máy móc mới có thể càng đi sâu hơn nữa vào nội dung của Tin Mừng và càng kết hợp hơn nữa cuộc sống của mình với cuộc sống của Chúa Kitô.
Việc ngài mở Năm Mân Côi ngay giữa Đại Năm Thánh (25/12/1999-6/1/2001) mừng Mầu Nhiệm “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” Nhập Thể và Năm Thánh Thể (17/10/2004-23/10/2005) về Mầu Nhiệm “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” Sự Sống, phải chăng theo chiều hướng, như ngài đã đề cập tới trong cuốn “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng”, như được trích dẫn trên đây: “Mẹ Maria là vị dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô, thế nhưng, vào lúc ấy, tôi cũng bắt đầu nhận thấy rằng Chúa Kitô dẫn chúng ta tới với Mẹ của Người nữa”. Đại Năm Thánh 2000 trước Năm Mân Côi, chẳng những đúng như Đức Thánh Cha nói trên đây, là theo thông lệ theo sau Năm Thánh về Chúa, mà còn như thể “Chúa Kitô dẫn chúng ta tới với Mẹ của Người”, và Năm Mân Côi trước Năm Thánh Thể như thể “Mẹ Maria là vị dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô”.
(còn tiếp)