GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 30/3/2006 TUẦN IV MÙA CHAY |
? ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giáo Lý cho Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 29/3/2006 tiếp tục chủ đề Mối Liên Hệ Giữa Chúa Kitô và Giáo Hội: Tặng Ân Hiệp Thông
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI Trao Đổi với Hàng Giáo Sĩ ở Rôma 2/3/2006 liên quan tới "phúc âm sự sống" của ĐTC GPII (tiếp)
? ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC” (tiếp)
ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giáo Lý cho Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 29/3/2006 tiếp tục chủ đề Mối Liên Hệ Giữa Chúa Kitô và Giáo Hội: Tặng Ân Hiệp Thông
Anh Chị Em thân mến,
Qua thừa tác vụ tông đồ, Giáo Hội, một cộng đồng được Con Thiên Chúa làm người qui tụ, sẽ sống qua giòng thời gian, xây dựng và nuôi dưỡng mối hiệp thông trong Chúa Kitô và trong Thần Linh, một mối hiệp thông tất cả mọi người được kêu gọi tham phần và có thể cảm nghiệm thấy ơn cứu độ được Chúa Cha ban cho. Mười Hai Vị Tông Đồ, như vị thừa kế thứ ba của Thánh Phêrô là Giáo Hoàng Clementê đã nói vào cuối thế kỷ thứ nhất, lưu ý tới việc chọn lựa thành phần thừa kế mình (cf. 1Clement 42:4), nhờ đó sứ vụ được ký thác cho các ngài được tiếp tục sau khi các ngài qua đi. Qua các thế kỷ, Giáo Hội, được kiến tạo dưới sự lãnh đạo của những vị chủ chiên hợp lệ, đã tiếp tục sống trên thế giới như mầu nhiệm hiệp thông, một mầu nhiệm, ở một nghĩa nào đó, phản ảnh chính mối hiệp thông Ba Ngôi, phản ảnh mầu nhiệm của chính Thiên Chúa.
Thánh Tông Đồ Phaolô đã đề cập tới nguồn mạch Ba Ngôi cao cả này khi ngài chúc Kitô hữu của mình rằng: ‘Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cor 13:13). Những lời này, có lẽ là tiếng vọng của việc tôn thờ của Giáo Hội sơ khai, nhấn mạnh đến cách thức tặng ân nhưng không của tình yêu Chúa Cha nơi Chúa Giêsu Kitô được hiện thực và thể hiện nơi mối hiệp thông do Thánh Linh thực hiện.
Việc dẫn giải này, được căn cứ trực tiếp vào mối liên hệ nơi đoạn này giữa ba sở hữu cách (“ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”), cho thấy “mối hiệp thông” như là một tặng ân đặc biệt của Thần Linh, hoa trái của tình yêu Chúa Cha và của ân sủng Chúa Giêsu.
Ngoài ra, khung cảnh này, được nhấn mạnh nơi mối hiệp thông huynh đệ, dẫn chúng ta đến chỗ thấy, trong ‘koinonia - mối hiệp thông’ của Thánh Thần, không những “việc thông phần” vào sự sống thần linh một cách hầu như cá vị, như thể mỗi một người được thông phần, mà còn cả “mối hiệp thông” về lý thuyết nơi tín hữu nữa, một mối hiệp thông được chính Thần Linh thông ban như vị tác giả và tác nhân chính của nó (x Phil 2:1).
Cần phải khẳng định là ân sủng, tình yêu và hiệp thông, những gì được ám chỉ một cách tương ứng với Chúa Kitô, Chúa Cha và Thần Linh, là những khía cạnh khác nhau của một tác động thần linh duy nhất cho phần rỗi của chúng ta, tác động kiến tạo nên Giáo Hội và làm nên bởi Giáo Hội – như Thánh Cyprian đã nói vào thế kỷ thứ ba – “một đám đông qui tụ lại với nhau bởi mối hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con cùng Thánh Linh” ("De Oratione Dominica," 23: PL 4, 536, quoted in "Lumen Gentium," 4).
Ý niệm hiệp thông như việc thông phần vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa là những gì được sáng tỏ một cách đặc biệt ở Phúc Âm Thánh Gioan, nơi cho thấy mối hiệp thông yêu thương liên kết Con với Cha cũng như với con người đồng thời cũng là mô phạm và là nguồn mạch của mối hiệp nhất huynh đệ, một mối hiệp nhất cần phải nối kết các môn đệ lại với nhau: ‘các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con’ (Jn 15:12; x. 13:34). ‘Để họ cũng được ở trong chúng ta’ (Jn 17:21-22), do đó, là mối hiệp thông con người với Thiên Chúa Ba Ngôi và là mối hiệp thông con người với nhau. Trong thời điểm của cuộc hành trình trần thế, nhờ mối hiệp thông với Con, người môn đệ đã được tham dự vào sự sống thần linh của Người và sự sống thần linh của Cha: ‘mối hiệp thông của chúng tôi với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô” (1Jn 1:3).
Sự sống được hiệp thông với Thiên Chúa và nơi chúng ta này chính là mục tiêu của việc loan truyền Phúc Âm, là mục tiêu của việc hoán cải trở về với Kitô Giáo: ‘những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho anh em, để anh em được hiệp thông với chúng tôi’ (1Jn 1:3). Bởi thế, mối hiệp thông lưỡng đôi với Thiên Chúa và nơi chúng ta này là những gì bất khả phân ly.
Bất cứ lúc nào mối hiệp thông với Thiên Chúa bị hủy diệt, mối hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thì căn nguyên và là nguồn gốc của mối hiệp thông nơi chúng ta cũng bị hủy hoại. Và bất cứ khi nào mối hiệp thông giữa chúng ta không còn tồn tại, thì mối hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi cũng không thể nào sống động và chân thực, như chúng ta đã nghe.
Giờ đây chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa. Hiệp thông – hoa trái của Chúa Thánh Thần – là những gì được dưỡng nuôi bởi bánh Thánh Thể (x 1Cor 10:16-17) và được thể hiện nơi những mối liên hệ huynh đệ, như một thứ ngưỡng vọng về một thế giới mai sau. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu dưỡng nuôi chúng ta, liên kết chúng ta với chính bản thân Người, với Chúa Cha và với Thánh Thần cũng như với nhau nơi chúng ta, và cơ cấu hiệp nhất bao gồm thế giới này là những gì ngưỡng vọng cho một thế giới mai sau nơi thời của chúng ta.
Nếu đó là những gì ngưỡng vọng tới tương lai thì hiệp thông là tặng ân có những thành quả rất chân thực; nó làm cho chúng tar a khỏi những gì là lẻ loi cô quạnh, ra khỏi cái tâm thức hẹp hòi của chúng ta, và làm cho chúng ta có thể tham dự vào mối tình yêu thương liên kết chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Muốn hiểu được s75 trọng đại của tặng ân này, chỉ cần nghĩ tới những chia rẽ và xung khắc là những gì đầy đọa các mối liên hệ giữa cá nhân, nhóm phái hay cả các quốc gia với nhau. Và nếu tặng ân hiệp nhất trong Thánh Thần ấy bị hụt hang thì không thể nào không xẩy ra tình trạng chia rẽ nơi loài người.
‘Hiệp thông’ thực sự là một tin mừng, một phương dược Chúa ban cho chúng ta để chống lại với sự lẻ loi cô độc đang đe dọa tất cả mọi người ngày nay, một tặng ân quí giá làm cho chúng ta cảm thấy mình được Thiên Chúa chấp nhận và yêu thương, trong mối hiệp nhất của Dân Ngài là dân được qui tụ lại với nhau nhân danh Ba Ngôi; nó là ánh sáng làm cho Giáo Hội sáng tỏ như một dấu hiệu giữa các dân nước: ‘Nếu chúng ta nói rằng chúng ta hiệp thông với Ngài trong khi chúng ta lại bước đi trong tăm tối, là chúng ta nói dối và không sống theo chân lý; nhưng nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng, như Ngài ở trong ánh sáng, là chúng ta hiệp thông với nhau’ (1Jn 1:6-7).
Giáo Hội, bởi
thế, cho thấy mình, bất chấp tất cả mọi yếu hèn về nhân loại làm nên tính chất
lịch sử của mình, như một kiến tạo lạ lùng của tình yêu, được thiết lập để làm
cho Chúa Kitô gần gũi với mọi con người nam nữ, thành phần thực sự muốn gặp gỡ
Người, cho đến ngày cùng tháng tận. Và nơi Giáo Hội, Chúa vẫn tiếp tục là người
đương thời của chúng ta. Thánh Kinh không phải là cái gì thuộc về quá khứ. Chúa
không nói trong quá khứ mà là nói trong hiện tại, Người nói với chúng ta hôm nay
đây, ban cho chúng ta ánh sáng, cho chúng ta thấy con đường sự sống, ban cho
chúng ta mối hiệp thông, nhờ đó sửa soạn cho chúng ta và hướng chúng ta tới ánh
sáng.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 29/3/2006
Giáo Hoàng Biển Đức XVI Trao Đổi với Hàng Giáo Sĩ ở Rôma 2/3/2006 liên quan tới "phúc âm sự sống" của ĐTC GPII
(tiếp 29 Thứ Tư)
Thế nhưng, vấn đề ở đây là: làm sao chúng ta có thể chọn sự sống, tại sao chúng ta lại phải làm như thế? Suy nghĩ về điều này, tôi đã nhớ lại rằng tình trạng bội giáo trầm trọng ở Kitô Giáo xẩy ra ở Tây Phương trong 100 năm qua chính là vấn đề nhân danh việc chọn sự sống ấy. Người ta nói rằng – tôi đang nghĩ tới Nietzche cũng như rất nhiều người khác – Kitô giáo là một thứ chọn lựa chống lại sự sống. Với Cây Thập Giá, với tất cả những giới luật, với tất cả những ‘cấm đoán’ ấn định cho chúng ta, một số người nói rằng Kitô Giáo đã đóng cửa sự sống lại.
Thế nhưng, chúng ta, chúng ta muốn có sự sống và chúng ta chọn, chúng ta lựa sự sống trên hết, khi chúng ta giải thoát mình bằng Thập Giá, giải thoát mình bằng tất cả những Giới Luật ấy, bằng tất cả những ‘thứ ngăn cấm’ này. Chúng ta muốn có sự sống viên mãn, không gì khác ngoài sự sống.
Đến đây chúng ta nghĩ ngay đến những lời của bài Phúc Âm, đó là lời ‘Ai muốn cứu sự sống mình sẽ mất sự sống; và ai mất sự sống mình vì Thày thì sẽ giữ được nó’ (Lk 9:24). Đó là những gì mâu thuẫn ngược đời chúng ta trước hết cần phải nhận thức trong việc chọn lựa sự sống. Nó không phải là vấn đề yêu sách sự sống cho mình mà là hiến ban sự sống, không phải có sự sống và giữ lấy sự sống mà là ban tặng sự sống mà chúng ta mới được sự sống. Đó là ý nghĩa tối hậu của Thập Giá, ở chỗ không tìm kiếm sự sống cho bản thân mình, song hiến mạng sống mình.
Như thế, Tân Ước và Cựu Ước đi với nhau. Trong Bài Đọc Thứ Nhất theo Sách Nhị Luật, đáp ứng của Thiên Chúa là: ‘Tôi truyền cho các ngươi ngày hôm nay đây là hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của các người, hãy bước đi theo đường lối của Ngài, và hãy tuân giữ các giới huấn của Ngài cũng như những chỉ thị của Ngài, để các người được sống’ (Deut 30:16). Thoạt tiên chúng ta có thể không thích điều này, thế nhưng đó là đường lối ở chỗ việc chọn lựa sự sống và chọn lựa Thiên Chúa là những gì đồng nhất. Chúa Kitô đã nói như thế trong Phúc Âm Thánh Gioan: ‘Đây là sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha’ (Jn 17:3).
Sự sống con người là một mối liên hệ. Chỉ trong mối liên hệ, chứ không thu mình lại, chúng ta mới có sự sống. Và mối liên hệ sâu xa này là mối liên hệ với Đấng Hóa Công, ngoài ra, các mối liên hệ khác đều là những gì mong manh mỏng dòn. Bởi thế, cần phải chọn Thiên Chúa. Một thế giới không có Thiên Chúa, một thế giới lãng quên Thiên Chúa, là một thế giới mất sự sống và rơi vào tình trạng của một nền văn hóa sự chết.
Bởi thế, việc chọn sự sống, việc lựa sự sống, trước hết và trên hết, nghĩa là chọn giải pháp liên hệ với Thiên Chúa. Tuy nhiên vấn đề được đặt ra là: với Thiên Chúa nào? Ở đây, một lần nữa, Phúc Âm giúp cho chúng ta tìm ra câu giải đáp, đó là với Vị Thiên Chúa tỏ cho chúng ta thấy dung nhan của Ngài nơi Chúa Kitô, Vị Thiên Chúa khống chế hận thù trên Cây Thập Giá, tức là bằng yêu thương cho đến cùng. Do đó, khi chọn Vị Thiên Chúa này là chúng ta chọn sự sống vậy.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban cho chúng ta bức thông điệp trọng đại là ‘Phúc Âm Sự Sống’. Nơi bức thông điệp thực sự là một bức họa về các vấn đề của văn hóa, hy vọng và nguy hiểm ngày nay này, chúng ta rõ ràng thấy rằng một xã hội lãng quên Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa, chính là để có sự sống, thì lại rơi vào một thứ văn hóa sự chết.
Chính là để có sự sống mà người ta đã nói ‘không’ với đứa nhỏ, vì nó lấy đi mất một phần đời của tôi; ‘không’ với tương lai để có được tất cả cái hiện tại; ‘không’ với sự sống trong bụng cũng như với sự sống khổ đau sắp chết. Những gì là nền văn hóa sự sống trở thành một thứ phản văn hóa sự chết, nơi vắng bóng Thiên Chúa, nơi Vị Thiên Chúa không muốn hận thù mà là chế ngự hận thù vắng bóng. Ở đây chúng ta thực sự chọn sự sống.
Như thế, hết mọi sự đều có liên hệ với nhau, ở chỗ, việc chọn lựa sâu xa nhất đối với Chúa Kitô Tử Giá có liên hệ với việc chọn lựa trọn vẹn nhất đối với sự sống, từ giây phút đầu tiên cho tới giây phút cuối cùng.
Đối với tôi thì điều này, một cách nào đó, là trọng tâm của việc chúng ta chăm sóc về mục vụ, đó là giúp cho dân chúng biết thực sự chọn sự sống, biết canh tân mối liên hệ với Thiên Chúa như là một mối liên hệ ban cho chúng ta sự sống và tỏ cho chúng ta thấy sự sống. Nhờ đó, biết yêu mến Chúa Kitô một cách mới mẻ, Đấng không phải là một Hữu Thể mờ mịt nhất, Đấng chúng ta không tới gần được và là Đấng bí ẩn, trở thành một Vị Thiên Chúa rạng ngời, một Vị Thiên Chúa với dung nhan con người, một Vị Thiên Chúa là tình yêu.
Chúng ta hãy quan tâm giữ lấy vấn đề cốt yếu này cả cuộc đời của mình, và hãy làm sao để chương trình ấy chất chứa tất cả Phúc Âm, Cựu Ước và Tân Ước, tập trung vào Chúa Kitô. Đối với chúng ta, Mùa Chay phải là thời gian canh tân việc nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa, mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu, để có thể hướng dẫn người khác bằng đường lối thuyết phục trong việc chọn sự sống, mà thực sự là chọn Thiên Chúa. Chúng ta cần phải ý thức rằng trong việc chọn Chúa Kitô, chúng ta không muốn chối bỏ sự sống, mà thực sự là chọn sự sống ở tầm mức viên mãn.
Việc chọn lựa của Kitô hữu là một chọn lựa thật ra rất ư là giản dị: Nó là chọn lựa việc tỏ ra ‘ưng thuận’ với sự sống. Thế nhưng, việc ‘ưng thuận’ này chỉ xẩy ra với Vị Thiên Chúa tỏ mình ra, Vị Thiên Chúa mang khuôn mặt con người. Nó xẩy ra bằng việc theo Vị Thiên Chúa này vào mối hiệp thông yêu thương. Những gì tôi nói nẫy giờ là có ý muốn gợi lại việc chúng ta tưởng nhớ tới vị đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II của chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 25/3/2006
ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
Tưởng niệm đầy năm băng hà của Vị Giáo Hoàng
Thánh Mẫu
(Đây là loạt bài thứ ba tiếp theo hai loạt bài trước: Vị GH của Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần và Vị GH Vui Mừng và Hy Vọng: 'Đừng Sợ')
(tiếp 23 Thứ Năm, 24 Thứ Sáu, 5 Thứ Bảy, 26 Chúa Nhật, 27 Thứ Hai, 28 Thứ Ba, 29 Thứ Tư)
2.- “Totus Tuus”: Hiện Thực
(tiếp tiểu đề 2 này)
Hành Hương Thánh Mẫu
Để mở màn cho giáo triều của mình, việc đầu tiên, ngay một tuần sau Lễ Đăng Quang của mình, vị Giáo Hoàng Totus Tuus này đã thực hiện, đó là đến kính viếng Đền Thánh Mẫu Đức Trinh Nữ Maria ở Mentorella Rôma ngoài thành Vatican ngày 29/10/1978, cũng ngay trong Tháng 10, tháng Thánh Mẫu cũng là Tháng Giáo Hoàng của ngài (như vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã đề cập tới chi tiết này trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 16/10/2005), để rồi, không hẹn mà hò, ngài cũng đã chấm dứt 104 chuyến tông du mục vụ của mình ngoài nước Ý ở Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức ngày 15/8/2004, nhân dịp kỷ niệm 150 năm Tín Điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Lần đầu tiên ngài đến Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức này là thời khoảng 14-15/8/1983, trong Năm Thánh Cứu Chuộc (25/3/1983-22/4/1984), vì đối với ngài, “Mẹ Đấng Cứu Chuộc – Redemptoris Mater” là vị bất khả phân ly với chính “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis”.
Nói đến việc kính viếng Linh Địa Thánh Mẫu của ngài, lịch sử Giáo Hội còn ghi nhận ngài đã đến Linh Địa Thánh Mẫu Fatima 3 lần: Lần thứ nhất vào thời khoảng 12-15/5/1982 để tạ ơn Mẹ đã cứu mạng ngài trong cuộc ám sát ở Quảng Trường Thánh Phêrô đúng một năm trước đó, nhất là để hiến dâng chung thế giới và riêng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, đáp ứng yêu cầu của Trời Cao, đúng như những gì được nữ tu Lucia đệ trình Đức Thánh Cha Piô XII trong bức thư đề ngày 18/8/1940; lần thứ hai vào thời khoảng 10-13/5/1991, dịp kỷ niệm đúng 10 năm sau cuộc ám sát lịch sử nhưng sống sót này của ngài, để tạ ơn Mẹ về Biến Cố Đông Âu và không ngờ lại là dịp xẩy ra trước biến cố Nước Nga trở lại (25/12/1991); và lần thứ ba vào thời khoảng 12-13/5/2000, dịp phong Chân Phước cho hai thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta (trong 3 Thiếu Nhi Fatima đã được thị kiến Mẹ Maria trong Biến Cố Fatima năm 1917), và tuyên bố sẽ tiết lộ Bí Mật Fatima phần thứ ba còn lại (là phần có liên quan đến việc ngài bị ám sát như ngài cảm nhận), một bí mật đã được Tòa Thánh, qua Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin công bố chính thức vào ngày 26/6/2000.
Sau đây là những lời cuối cùng của vị Giáo Hoàng Totus Tuus cho các cuộc Hành Hương Thánh Mẫu nói riêng và cho các lời Huấn Từ về Thánh Mẫu nói chung, những lời trực tiếp liên quan tới Thụ Nhân Cứu Chuộc là con người thời đại, đối tượng của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”, những lời ngài đã phải tận dụng hơi tàn sức kiệt của mình để lên tiếng giảng trong Thánh Lễ được cử hành hôm Lễ Mẹ Mông Triệu tại chính địa điểm Mẹ hiện ra ở Lộ Đức như sau:
“Anh chị em thân mến! Từ động Massabielle này, Vị Trinh Nữ Maria đây nói với cả chúng ta nữa, thành phần Kitô hữu của ngàn năm thứ ba. Chúng ta hãy lắng nghe Mẹ!
”Hãy lắng
nghe Mẹ, hỡi giới trẻ
là thành phần tìm kiếm một câu đáp có thể cống hiến cho cuộc đời của các bạn ý
nghĩa; Ở nơi đây, các bạn có thể tìm thấy câu giải đáp ấy. Nó là một câu giải
đáp gay go, tuy nhiên nó lại là câu trả lời duy nhất thực sự làm thỏa mãn. Vì nó
chất chứa cái bí mật của niềm vui và an bình thực sự.
”Từ hang động này, tôi
đặc biệt kêu gọi nữ
giới.
Hiện ra ở nơi đây, Mẹ Maria đã ký thác sứ điệp của Mẹ cho một em gái trẻ tuổi,
như thể Mẹ muốn nhấn mạnh đến sứ vụ đặc biệt của nữ giới trong thời đại của
chúng ta đây, một sứ vụ thực sự đang bị lôi cuốn bởi chiều hướng duy vật và trần
tục: một sứ vụ trong xã hội ngày nay phải trở thành một chứng nhân cho những giá
trị thiết yếu chỉ được thấy bằng con mắt tâm hồn. Hỡi
nữ giới, chị em là thành phần mang trách nhiệm làm những người lính canh của
Đấng Vô Hình!
Tôi thiết tha kêu gọi hết mọi anh chị em, anh chị em thân mến, hãy làm mọi sự có
thể để bảo đảm rằng sự sống, mỗi một sự sống và mọi sự sống, được tôn trọng từ
khi được thụ thai cho đến khi tự nhiên qua đi. Sự
sống là một tặng ân thánh hảo, không ai có thể cho mình có quyền làm chủ nó.
”Sau hết,
Đức Mẹ Lộ Đức gửi
một sứ điệp cho hết mọi người.
Đó là
hãy trở thành những con người nam nữ của tự do!
Thế nhưng, xin nhớ rằng: niềm tự do của con người là một niềm tự do đã bị tội
lỗi làm tổn thương. Nó là một niềm tự do tự bản chất cũng cần phải được giải
thoát. Chúa Kitô là vị giải phóng của nó; Người là Đấng ‘vì tự do đã giải phóng
cho chúng ta’ (cf. Gal 5:1). Hãy bênh vực niềm tự do ấy!
”Quí bạn thân mến, về vấn đề này chúng ta biết rằng chúng ta có thể tin tưởng vào Mẹ Maria, vị mà, vì không bao giờ nhường bước cho tội lỗi, là tạo vật duy nhất hoàn toàn tự do. Tôi xin trao phó quí bạn cho Mẹ. Hãy bước đi bên Mẹ Maria khi quí bạn hành trình tiến tới chỗ hoàn toàn làm trọn nhân tính của mình!
(Trong khi
đang
đọc bài giảng này bằng tiếng Pháp, ngài đột nhiên nói bằng tiếng Balan: “giúp
tôi với”. Sau khi uống nước được các vị hộ tống của mình trao cho, ngài nói tiếp:
“Tôi phải làm cho xong việc này”. Quả thực, ngài đã đọc xong bài giảng nhưng bỏ
một số đoạn. Ngài đã lên giọng để bày tỏ mối quan tâm với thành phần bệnh nhân,
và chính bản thân ngài cũng là một bệnh nhân, ở tại Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức là
nơi đã xẩy ra rất nhiều phép lạ, trong đó đã có cả hằng ngàn phép lạ được chính
thức tường trình, song Giáo Hội mới chỉ công nhận 67 phép lạ mà thôi).
(còn tiếp)