GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 4/4/2006 TUẦN V MÙA CHAY |
? Nguyên Văn Huấn Từ của Giáo Hoàng Biển Đức XVI kết thúc Đêm Canh Thức 2/4/2006 Cầu Kinh Mân Côi Kỷ Niệm Đầy Năm Đức Gioan Phaolô II Qua Đời
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Thánh Lễ Đầy Năm Băng Hà Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II 3/4/2006
? Đức Gioan Phaolô II được tưởng nhớ tại Nga Sô, với một cuộc qui tụ đại kết
? Đức Hồng Y Thánh Bộ Phong Thánh và Vị Cáo Thỉnh Viên với Việc Phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II
? ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC” (tiếp)
Nguyên Văn Huấn Từ của Giáo Hoàng Biển Đức XVI kết thúc Đêm Canh Thức 2/4/2006 Cầu Kinh Mân Côi Kỷ Niệm Đầy Năm Đức Gioan Phaolô II Qua Đời
Đã có khoảng 100 ngàn người ở Quảng Trường Thánh Phêrô tối Chúa Nhật 2/4/2006 để cầu Kinh Mân Côi tưởng niệm đầy năm băng hà của Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một cuộc băng hà đã được ĐTGM quyền văn phòng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh bấy giờ loan báo là “Đức Thánh Cha của chúng ta đã về Nhà Cha”.
Sau việc cầu Kinh Mân Côi chấm dứt, Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã xuất hiện ở cửa sổ phòng ngài vào đúng 9 giờ 37 phút, giờ qua đời của đức cố giáo hoàng, để ngỏ lời cùng dân chúng. Đức Biển Đức XVI nói:
Anh Chị Em thân mến!
Chúng ta qui tụ lại tối hôm nay đây vào dịp đệ nhất chu niên biến cố băng hà của Đức Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta, vì đêm canh thức Thánh Mẫu này được giáo phận Rôma tổ chức. Tôi chào tất cả tất cả mọi anh chị em hiện diện tại Quảng Trường Thánh Phêrô, trước hết là ĐHY Đại Diện Giáo Phận Rôma là Camillo Ruini cùng với các vị giám mục phụ tá; tôi đặc biệt nghĩ tới các vị hồng y, giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ cùng tất cả mọi tín hữu giáo dân, cách riêng giới trẻ.
Thực sự là cả thành phố Rôma đang tụ hợp lại nơi đây nhân dịp gặp gỡ suy tư và nguyện cầu cảm kích này. Tôi ngỏ lời chào đặc biệt ĐHY Stanislaw Dziwosz, TGM Krakow, vị được viễn liên truyền hình với chúng ta đây, vị nhiều năm đã là một hợp tác viên trung thành của Đức Cố Giáo Hoàng.
Một năm đã qua từ biến cố băng hà của Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II, một biến cố đã xẩy ra hầu như vào đúng giờ này – 9 giờ 37 phút tối – thế nhưng việc tưởng nhớ đến ngài vẫn tiếp tục đặc biệt sống động, như được chứng thực qua nhiều nghi thức được thực hiện trong những ngày này trên khắp thế giới. Ngài tiếp tục hiện diện trong trí khôn của chúng ta và trong tâm can của chúng ta. Ngài tiếp tục thông đạt cho chúng ta tình ngài mến yêu Thiên Chúa và lòng ngài mến thương con người; ngài tiếp tục tác động nơi tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, lòng nhiệt thành tìm kiếm sự thiện và lòng can đảm theo Chúa Giêsu cùng giáo huấn của Người.
Làm sao để có thể tóm lược được cái chứng từ phúc âm ấy của vị đại Giáo Hoàng này đây? Tôi cố gắng tóm lược lại bằng hai từ ngữ, đó là ‘trung thành’ và ‘dấn thân’. Hoàn toàn trung thành với Thiên Chúa và dứt khoát dấn thân cho sứ vụ làm mục tử của Giáo Hội hoàn vũ. Lòng trung thành và việc dấn thân thậm chí trở nên sống động và cảm kích hơn nữa trong những tháng cuối đời của ngài, khi ngài thể hiện bản thân mình những gì ngài viết vào năm 1984 trong tông thư ‘Salvifici Doloris’: ‘Khổ đau đang hiện diện trên thế giới để phát tỏa yêu thương, để hạ sinh những công cuộc yêu thương đối với tha nhân, để biến đổi toàn thể văn minh con người thành một thứ ‘văn minh yêu thương’ (đoạn 30).
Với gương mặt can trường, bệnh nạn của ngài đã làm cho mọi người chú trọng tới nỗi đớn đau của con người hơn, tới tất cả nỗi khổ đau về thể lý và tinh thần; ngài cống hiến cho khổ đau cái phẩm vị và giá trị, cho thấy rằng cái giá trị của con người không phải ở cái hiệu năng của họ hay dáng vẻ bề ngoài của họ, mà là ở trong chính bản thân họ, vì họ đã được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương.
Bằng lời nói và cử chỉ của mình, Đức Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta không thôi chỉ cho thế giới thấy rằng nếu con người để cho Chúa Kitô chiếm đoạt thì nó không làm hư hao đi cái phong phú của nhân tính mình; nếu họ kính mến Người hết lòng thì sẽ không thiếu thốn gì hết. Trái lại, việc gặp gỡ Chúa Kitô làm cho đời sống của chúng ta trở thành phấn khởi hơn.
Chính vì ngài đã lôi kéo chúng ta đến gần với Thiên Chúa hơn bằng nguyện cầu, bằng chiêm niệm, bằng lòng yêu chuộng Chân và Mỹ, mà Vị Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta đây biến mình thành một kẻ đồng hành với mỗi người chúng ta và có thế giá để thậm chí nói với cả những ai xa cách đức tin Kitô Giáo.
Nhân dịp đệ nhất chu niên việc ngài về Nhà Cha, tối nay chúng ta được mời gọi để tiếp tục lại cái di sản thiêng liêng ngài để lại cho chúng ta. Ngài phấn khích chúng ta hãy sống Sự Thật không ngừng tìm kiếm, vì chỉ có duy sự thật này mới có thể thỏa mãn tâm can của chúng ta mà thôi. Ngài khuyến khích chúng ta đừng sợ theo Chúa Kitô để loan báo Phúc Âm cho tất cả mọi người, một phúc âm là men cho một nhân loại huynh đệ và đoàn kết hơn.
Chớ gì Đức Gioan Phaolô II từ trời cao giúp chúng ta tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta, là những người môn đệ dễ dạy của Chúa Giêsu, để, như Người thích nói với giới trẻ, trở thành ‘lính canh hừng đông’ ở đầu đệ tam thiên kỷ Kitô Giáo này. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin cùng Mẹ Maria, Người Mẹ của Đấng Cứu Chuộc, Vị mà ngài lúc nào cũng tỏ lòng sùng ái.
Giờ đây tôi muốn ngỏ lời cùng tín hữu ở Balan là những người đang liên kết với chúng ta. (Ngài nói bằng tiếng Balan dưới đây sau phần nói bằng tiếng Ý ở trên, và câu cuối cùng ngài kết thúc bằng Ý ngữ)
Chúng ta hãy hiệp nhất trong tinh thần với những người Balan tập trung ở Krakow, Warsaw và các nơi khác cho đêm canh thức này. Ký ức về Đức Gioan Phaolô II đang sống trong chúng ta và cảm quan về sự hiện diện linh thiêng của ngài vẫn không bị tan biến. Chớ gì việc tưởng nhớ về tình yêu đặc biệt ngài cảm thấy đối với đồng hương của ngài luôn soi sáng cho anh chị em trên con đường tiến đến với Chúa Kitô. ‘Hãy giữ vững niềm tin’. Tôi chân thành ban phép lành cho anh chị em.
Giờ đây tôi
thành thực ban phép lành cho tất cả mọi người.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 3/4/2006
Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Thánh Lễ Đầy Năm Băng Hà Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II 3/4/2006
Trong Thánh Lễ chiều Thứ Hai 3/4/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã chia sẻ cảm nhận của mình qua bài giảng về vị tiền nhiệm, vị ngài đã được diễm phúc kề cận hợp tác 23 năm trời. Ngài tâm sự như sau:
“Ai có cơ hội được thấy ngài thật gần gũi thì tay của họ có thể hầu như chạm được đức tin tinh tuyền và vững chắc đến nỗi, nó chẳng những làm cho thành phần cộng tác với ngài phải khâm phục, mà còn trong giáo triều dài của ngài lan tỏa ảnh hưởng thiện ích của ngài khắp Giáo Hội nữa, với một cường độ mạnh dần cho tới khi đạt tới tột đỉnh của nó vào những tháng ngày cuối đời của ngài”.
“Đức tin xác tín, mãnh liệt, chân thực, không biết sợ hãi và thỏa hiệp của ngài, một đức tin đã tác động tới tâm can của nhiều người, cũng nhờ nhiều chuyến tông du khắp nơi trên thế giới, nhất là nhờ ‘cuộc hành trình’ cuối cùng ấy, cuộc thống khổ và cái chết của ngài”.
Thánh Lễ được cử hành vào một buổi tối mùa xuân đẹp trời, và được chấm dứt bằng một tràng pháo tay của mấy chục ngàn người, trong đó nhiều người là Balan.
“Vị Giáo Hoàng quá cố, vị được Thiên Chúa trang bị cho nhiều tặng ân về nhân bản và thiêng liêng, khi trải qua cuộc thử thách kiệt quệ và yếu bệnh về tông vụ, đã hiện lên như một ‘tảng đá’ tin tưởng hơn bao giờ hết...
“Chúng ta nghe âm vang trong tinh thần những lời mời gọi được ngài lập lại là hãy thăng tiến đừng sợ hãi trên con đường trung thành với Phúc Âm để trở thành những người rao giảng tin mừng và chứng nhân của Chúa Kitô trong ngàn năm thứ ba”.
(xin xem trọn bài giảng sau)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/4/2006
? Đức Gioan Phaolô II được tưởng nhớ tại Nga Sô, với một cuộc qui tụ đại kết
Giáo Hội Công Giáo ở Nga, tại vương cung thánh đường Công Giáo ở thủ đô Moscow, đã cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật để kỷ niệm đầy năm băng hà của Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Trong Thánh Lễ này có sự hiện diện và tham dự của thành phần đại kết thuộc các giáo phái Kitô khác, các cộng đồng giáo hội Kitô khác, kể cá thành phần ngoại giao đoàn thuộc một số quốc gia khác. Các bức hình của Đức Gioan Phaolô II được trưng bày trong lòng vương cung thánh đường. ĐTGM Tadeusz Kondrusiewicz, 60 tuổi, cai quản TGP Mẹ Thiên Chúa ở Moscow, trong bài giảng của mình, đã than lên rằng:
“Thiên Chúa đã sai đến với chúng ta một con người cần cho thời đại của chúng ta. Tinh thần của ngài đã qui tụ cả thành phần tín hữu và vô tín ngưỡng”, và dưới sự hướng dẫn của ngài, “Giáo Hội trở nên cởi mở hơn với tất cả mọi Kitô hữu, với tín hữu thuộc các tôn giáo khác cũng như với tất cả mọi con người thiện tâm”.
Vị TGM này đã kể lại lần hgài viếng thăm Đức Gioan Phaolô II ở bệnh viện Gemelli vào những ngày cuối đời của vị giáo hoàng, cũng như vào những lần khác, ngài đều cảm phục kiếm thức của vị giáo hoàng này ‘về tâm hồn của Người Nga’.
“Ngài là vị Giáo Hoàng luôn nỗ lực để liên kết văn minh của thế giới lại với văn minh yêu thương. Giờ đây chúng ta thấy mầu nhiệm sự chết qua mầu nhiệm phục sinh. Hãy sống trong Chúa Kitô. Gioan Phaolô II muôn năm! Xin ngài hãy ở với chúng tôi và giúp chúng tôi tiến bước”.
Những lời của vị TGM Công Giáo này đã được âm vang bởi vị phát ngôn viên của Hội Đồng Liên Hiệp Nga Sô là Aleksander Torshin, vị đã gọi Đức Gioan Phaolô là ‘một vĩ nhân’:
“Giờ đây công việc của chúng ta là năng tưởng nhớ đến các lời khuyên của ngài hơn. Đức Gioan Phaolô II chẳng những yêu mến Nước Nga mà còn hiểu được tính chất phức tạp của nó, một thứ phức tạp của việc hình thành một tân xã hội dân sự”.
Vị linh mục Chính Thống là Akeksander Vasyutin, cộng tác viên với Phân Bộ Liên Hệ Ngoại Quốc của Tòa Thượng Phụ Moscow, đã nói rằng nhờ Đức Gioan Phaolô II mà một tân kỷ nguyên hợp tác giữa hai Giáo Hội được phát triển:
“Ngài là một người đã làm thay đổi tình hình của thế giới chúng ta và đã chấp nhận các truyền thống Đông Phương. Chẳng những Người Công Giáo Nga mà cả Kitô hữu trên thế giới cũng tưởng nhớ đến ngài nữa”.
Tôn Sư Zinobi Kogan, chủ tịch Hội Nghị Chư Tổ Chức Và Nhóm Phái Tôn Giáo Do Thái đã nói rằng Đức Gioan Phaolô II “là một vị đại lãnh đạo tinh thần của thế kỷ 20, vị đã cứu vãn được cuộc đối thoại giữa Do Thái và Kitô Hữu, và cứu vãn được cả mối thông cảm giữa đôi bên, và đã tác động chúng ta thực hiện việc cải tiến thế giới của chúng ta. Ngày 2/4 sẽ mãi mãi là Ngày Gioan Phaolô II”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/4/2006
? Đức Hồng Y Thánh Bộ Phong Thánh và Vị Cáo Thỉnh Viên với Việc Phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II
Sau đây là 2 câu hỏi trong cuộc phỏng vấn ngắn của mạng điện toán toàn cầu Zenit với đức hồng y thánh bộ phong thánh.
Vấn: Tiến trình phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II ra sao rồi?
Đáp: Đức Biển Đức XVI đã chuẩn chước cho thời gian chờ đợi được ấn định sau cái chết để khởi án phong chân phước, thế nhưng ngài không châm chước cho chính tiến trình phong chân phước này, dù một trong hai giai đoạn. Điều này thường gây lẫn lộn.
Đức Giáo Hoàng đã chuẩn cho việc chờ đợi 5 năm sau cái chết theo giáo luật đòi hỏi. Trong trường hợp của Mẹ Têrêsa Calcutta, vị Giáo Hoàng trước đã chuẩn chước cho 2 năm rưỡi. Trong trường hợp của Đức Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng này đã chuẩn chước cho gần như trọn 5 năm trời.
Tuy nhiên, án phong chân phước của Đức Gioan Phaolô II vẫn còn ở giai đoạn giáo phận, giai đoạn thứ nhất. Vì ngài chết ở Rôma, án này được Giáo Phận Rôma lo. Tức Vị Đại Diện của Giáo Phận Rôma là cứ điểm. Bởi thế, chính vị đại diện giám mục Rôma này phải điều hành tiến trình, và hiện nay ngài đang tiến hành việc nghiên cứu tìm hiểu.
Tất cả những văn liệu chưa được phổ biến liên quan tới Đức Gioan Phaolô II cần phải được thu thập, chẳng hạn, những bản văn của ngài, dù là những bức thư riêng hay nhật ký. Các chứng từ của tín hữu cũng được thu thập để chứng thực sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II. Những ai tin rằng ngài thực sự là một vị thánh cần phải đến và đang đến với Vị Đại Diện của Giáo Phận Rôma để làm chứng về thánh đức của Đức Gioan Phaolô II.
Họ cần phải hoàn tất các câu hỏi và ký chứng thực những điều họ nói. Những chứng từ này thuộc về bản tường trình được các thần học gia, bác sĩ xem xét. Bởi thế, vì lý do nghiêm trọng mà tất cả những gì nói ra đều cần phải được ký bởi người phát biểu vậy.
Giai đoạn giáo phận của việc phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II đã được bắt đầu vào Tháng 9/2005 khi phân bộ này ban hành sắc chỉ.
Không thể biết
được khi nào công việc này kết thúc, hay bao lâu giai đoạn này sẽ kéo dài. Nó
không lệ thuộc vào phân bộ đây. Không ai có thể can thiệp vào công việc giáo
phận đang thực hiện.
Vấn:
Như thế thì Đức Hồng Y nghĩ rằng công việc này sẽ kết thúc khi nào?
Đáp: Diều này lệ thuộc vào vị đại diện. Ngoài việc nghiên cứu được Vị Đại Diện của Giáo Phận Rôma đang thực hiện, còn có một tòa thẩm tra ở Krakow nữa. Việc nghiên cứu cũng được bắt đầu ở đó nữa.
Tiến trình này chỉ đến tay Thánh Bộ Phong Thánh khi giai đoạn giáo phận Rôma kết thúc; chúng tôi không thể can thiệp vào vì tính cách nghiêm trọng của vấn đề.
Một khi giai đoạn ấy chấm dứt, tất cả hồ sơ, tất cả mọi văn kiện được thâu thập, sẽ được gửi đến Tòa Thánh, đến phân bộ đây. Bấy giờ giai đoạn 2 sẽ bắt đầu, giai đoạn Tòa Thánh Vatican.
Đức Ông Slowomir Oder, cáo thỉnh viên của tiến trình điều tra phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II đã cho biết, về phép lạ xẩy ra cho một nữ tu người Pháp cũng bị bệnh Pakistan như vị Giáo Hoàng quá cố này, như sau:
“Đúng hai tháng sau khi Đức Thánh Cha qua đời, theo lời nguyện cầu của cả cộng đồng nữ tu này, những triệu chứng ấy đã biến mất lập tức và hoàn toàn”.
Đức Ông cáo thỉnh viên này cho biết thêm, tuy nhiên, chưa biết được khi nào giai đoạn phong chân phước ở cấp giáo phận (từ 28/6/2005) sẽ kết thúc.
Vị cáo thỉnh viên này xác nhận là một phần của giai đoạn này được kết thúc vào Thứ Bảy 1/4/2006, tức đúng một năm sau ngày đức cố giáo hoàng qua đời. Phần được kết thúc này “bao gồm việc nghe các chứng nhân theo tiếng Balan là việc được tòa ở giáo phận Rôma coi là thích đáng ở Balan là nơi ngoài giáo phận của tòa án” đang điều tra phong chân phước cho ngài.
Vị cáo thỉnh viên này, hôm Thứ Sáu 31/3/2006, qua Đài Phát Thanh Vatican, còn cho biết thêm là tiến trình phong chân phước có ba công việc chính, đó là tiếp tục phỏng vấn các chứng nhân, thu thập các văn liệu của Đức cố Giáo Hoàng này, và phân tích phép lạ được tường trình.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 31/3/2006 và 2/4/2006
ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
Tưởng niệm đầy năm băng hà của Vị Giáo Hoàng
Thánh Mẫu
(Đây là loạt bài thứ ba tiếp theo hai loạt bài trước: Vị GH của Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần và Vị GH Vui Mừng và Hy Vọng: 'Đừng Sợ')
(tiếp 23 Thứ Năm, 24 Thứ Sáu, 5 Thứ Bảy, 26 Chúa Nhật, 27 Thứ Hai, 28 Thứ Ba, 29 Thứ Tư, 30 Thứ Năm, 31 Thứ Sáu, 1 Thứ Bảy, 3 Thứ Hai)
3.- “Totus Tuus”: Tác Hiệu
“Chúa Kitô sẽ chiến thắng qua Mẹ”: Bí Mật Fatima phần ba cảm nghiệm
Cuộc chiến thắng của Thiên Chúa qua Mẹ Maria đã được tỏ hiện nơi lịch sử thế giới có liên quan tới Biến Cố Fatima nói chung và Bí Mật Fatima nói riêng.
Trong Lời Giới Thiệu Văn Kiện của Đức Tổng Giám Mục Bertone, chúng ta biết rằng Bí Mật Fatima phần thứ ba được chị Lucia viết ra ngày 3/1/1944, và bản chép tay duy nhất phần bí mật ấy đã được Đức Giám Mục địa phương Leiria niêm ấn trong một bao thư, và sau cùng đã được Tòa Thánh cất giữ trong Lưu Mật Viện ngày 4/4/1957. Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã đọc phần bí mật này ngày 17/8/1959, và Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng đã đọc phần bí mật ấy ngày 27/3/1965, song cả hai đều quyết định không công bố gì.
Để trả lời cho một trong hai vị đại diện Đức Thánh Cha là Đức Tổng Giám Mục Tổng Thư Ký Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Tarcisio Bertone (cùng với Đức Giám Mục Serafim de Sousa Ferreira e Silva cai quản giáo phận địa phương Leiria-Fatima) đến gặp chị ngày Thứ Năm 27/4/2000 tại đan viện Camêlô của chị ở Coimbra, cho vấn đề “tại sao chỉ (được tiết lộ phần bí mật này) sau năm 1960? Phải chăng Đức Mẹ đã ấn định thời điểm như vậy?”, (vì chị viết ở ngoài bao thư đựng phần bí mật còn lại này như thế khi chị gửi nó đến vị giám mục địa phương bấy giờ), chị Lucia đã thành thực thú nhận:
“Không phải là Đức Mẹ. Chính con là người đã ấn định thời điểm này, vì con linh cảm thấy rằng phần bí mật ấy không thể nào hiểu được vào trước năm 1960 mà chỉ sau khi đó thôi. Đến nay thì người ta đã hiểu rõ hơn rồi. Con chỉ viết lại những gì con đã thấy; còn việc giải thích những điều này thì không phải nhiệm vụ của con mà là của Đức Thánh Cha”.
Thật thế, vì thấy rằng đã đến lúc thích hợp và cần thiết, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chẳng những cho công bố phần Bí Mật Fatima thứ ba này, (phần được hé mở vào ngày 13/5/2000 tại Fatima qua Đức Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và toàn bộ vào ngày 26/6/2000 qua Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin), mà còn nhờ Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin giải thích rõ ràng phần bí mật này nữa. Tại sao? Phải chăng vì Ngài là nhân vật chính trong phần Bí Mật Fatima còn lại này? Trong cuộc trao đổi với hai vị đại diện của Đức Thánh Cha ngày 27/4/2000, chị Lucia đã xác nhận là đúng cho vấn đề được đặt ra với chị là “Bộ mặt chính trong thị kiến phải chăng là Đức Giáo Hoàng?”.
Thật thế, vị giáo hoàng này, như trong lời Giới Thiệu Văn Kiện của Đức Tổng Giám Mục Bertone cho biết, sau khi bị ám sát trọng thương tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 13/5/1981 mới đọc phần Bí Mật Fatima thứ ba, (chứ không phải là Ngài đã đọc trước đó). Thế rồi, Ngài đã cố gắng “đáp ứng trọn vẹn những gì ‘Đức Mẹ’ yêu cầu” vào những ngày 7/6/1981 tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma, và đã lập lại ngày 13/5/1982 ở Fatima, nhất là ngày 25/3/1984 tại Quảng Trường Thánh Phêrô, bằng việc “hiệp thông trong tinh thần với các giám mục trên thế giới được Ngài ‘kêu gọi’ trước đó để dâng hiến hết mọi con người nam nữ và tất cả mọi dân tộc cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria”.
Trong Lời Giới Thiệu Văn Kiện, Đức Tổng Giám Mục Bertone cũng lập lại nguyên văn những phần quan trọng của Bản Kinh Dâng Hiến do Đức Thánh Cha dọn đọc từ năm 1981, trong đó có câu:
“Chúng con xin dâng Mẹ đặc biệt những người và những dân nước cần được hiến dâng và phó thác”.
Qua bức thư ngày 8/11/1989, chị Lucia đã khẳng định:
“Vâng, việc hiến dâng ngày 25/3/1984 đã đươc thực hiện đúng như những gì Đức Mẹ xin”.
Nếu động lực hay nguyên do thúc đẩy Đức Gioan Phaolô II cho tiết lộ Bí Mật Fatima phần thứ ba này là vì ngài cảm thấy lời tiên tri trong đó đã được ứng nghiệm nơi ngài qua vụ ngài bị ám sát ngày 13/5/1981, thì, ở phần cuối Lời Giới Thiệu Văn Kiện của Đức Tổng Giám Mục Bertone, chúng ta thấy được mục đích của việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã quyết định cho tiết lộ Bí Mật Fatima phần thứ ba, đó là vì Ngài mong muốn con người nhận biết tình yêu thương của Thiên Chúa qua dấu chỉ thời đại hiện lên nơi lịch sử của họ.
“Quyết định của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong việc cho công bố phần thứ ba của ‘bí mật’ Fatima chấm dứt một giai đoạn lịch sử mang dấu vết con người bi thảm tham lam tìm kiếm quyền lực và sự dữ, song lại là một giai đoạn lịch sử được thấm đẫm tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa cùng với việc chuyên tâm chăm sóc của Mẹ Chúa Giêsu cũng là Mẹ của Giáo Hội”.
Đức Tổng Giám Mục Bertone đã xác nhận ý hướng của Đức Thánh Cha với hai đoạn kết thúc Lời Giới Thiệu Văn Kiện như sau:
“Tác động của Thiên Chúa là Chúa của lịch sử, cùng với việc con người cũng phải có trách nhiệm đối với màn bi kịch của cuộc sống tự do theo ý riêng của nó, là hai cột trụ xây dựng lên lịch sử nhân loại.
“Khi hiện ra ở Fatima, Đức Mẹ đã nhắc lại các giá trị bị lãng quên đó. Mẹ nhắc lại cho chúng ta nhớ lại rằng tương lai của con người là ở nơi Thiên Chúa, và chúng ta là thành phần phải tích cực lãnh nhận trách nhiệm trong việc kiến tạo tương lai ấy”.
Tóm lại, niềm xác tín về việc Chúa Kitô chiến thắng qua Mẹ Maria của Đức Gioan Phaolô II trên đây cũng là những gì phản ảnh chủ trương của Thánh Long Mộng Phố trong tác phẩm “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Đức Trinh Nữ”, như chính vị giáo hoàng nhận định trong thư ngày 8/12/2003 gửi cho Hội Dòng Montfort nhân dịp kỷ niệm 160 năm xuất bản tác phẩm Thánh Mẫu rất ảnh hưởng đến ngài, như sau:
“Chiều kích cánh chung được Thánh Louis Marie chiêm ngưỡng đặc biệt khi ngài nói về ‘thành phần tông đồ ở những thời sau này’ là thành phần được Đức Trinh Nữ hình thành để mang lại cho Giáo Hội cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên các lực lượng sự dữ” (xem các đoạn 49-59).
(xem lại toàn bài Vị GH của Mẹ Đấng Cứu Chuộc)