GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 31/5/2006

 TUẦN VII PHỤC SINH

 

Lễ Mẹ Thăm Viếng 31/5

 

?  “Là những người mang dấu tích đau thương nơi thân xác hay tâm hồn, quí bạn được liên kết mật thiết nhất với Thập Tự Giá của Chúa Kitô, và đồng thời quí bạn cũng là những chứng nhân sống động nhất của tình thương Thiên Chúa” - GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Huấn Dụ Thành Phần Bệnh Nhân ở Krakow - Tagiewniki Thứ Bảy 27

?  Chúng ta nhận thấy có nhiều tiến bộ nơi lãnh vực đại kết, song chúng ta vẫn luôn mong đợi hơn thế nữa.” - GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Diễn Từ với Thành Phần Đại Kết Balan Tối Thứ Năm 25 tại Nhà Thờ Ba Ngôi Chí Thánh Warsaw

?  Đức tin không phải chỉ là việc chấp nhận một số các chân lý trừu tượng ... Đức tin là ở chỗ sống liên hệ thân mật với Chúa Kitô” - GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Bài Giảng cho Thánh Lễ ở Quảng Trường Pilsudzki Sáng Thứ Sáu 26 tại Warsaw

 

 

?  “Là những người mang dấu tích đau thương nơi thân xác hay tâm hồn, quí bạn được liên kết mật thiết nhất với Thập Tự Giá của Chúa Kitô, và đồng thời quí bạn cũng là những chứng nhân sống động nhất của tình thương Thiên Chúa

 

GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Huấn Dụ Thành Phần Bệnh Nhân ở Krakow - Tagiewniki Thứ Bảy 27

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Tôi rất vui mừng được gặp gỡ anh chị em trong cuộc tôi viếng thăm Đền Thờ Lòng Thương Xót Chúa đây. Tôi xin gửi lời chào thân ái tới tất cả anh chị em: thành phần bệnh nhân, những người chăm sóc cho họ, các vị linh mục thực hiện thừa tác mục vụ ở Đền Thờ này, các Nữ Tu Đức Mẹ Thương Xót, các phần tử thuộc tổ chức ‘Faustinum’ và tất cả những ai hiện diện.

 

Nhân cơ hội này, chúng ta đối diện với hai mầu nhiệm: mầu nhiệm về khổ đau của nhân loại và mầu nhiệm về Lòng Thương Xót Chúa. Mới thoạt nhìn thì hai mầu nhiệm này dường như tương phản với nhau. Thế nhưng, khi chúng ta nghiên cứu chúng một cách sâu xa theo ánh sáng đức tin chúng ta thấy rằng chúng hòa hợp với nhau nơi mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô. Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói ở nơi đây rằng: ‘Thập Giá là việc Thần Tính cúi mình sâu thẳm nhất xuống tới con người…. Thập Giá như một ngọn đuốc của tình yêu hằng hữu tỏa trên những thương tích đau thương nhất nơi cuộc sống trần gian của con người’ (17/8/2002).

 

Quí bạn bệnh nhân thân mến, những người mang dấu tích đau thương nơi thân xác hay tâm hồn, quí bạn được liên kết mật thiết nhất với Thập Tự Giá của Chúa Kitô, và đồng thời quí bạn cũng là những chứng nhân sống động nhất của tình thương Thiên Chúa. Qua quí bạn cũng như nhờ những khổ đau của quí bạn, Người đang ưu ái cúi mình xuống trên nhân loại. Quí bạn nào âm thầm thốt lên rằng: ‘Giêsu ơi, con tin nơi Chúa’ là người dạy cho chúng ta rằng không có niềm tin nào sâu xa hơn, không có hy vọng nào sống động hơn, và không có tình yêu nào nồng nhiệt hơn đức tin, đức cậy và đức mến của một con người giữa khổ đau biết an bình phó mình vào bàn tay của Thiên Chúa. Chớ gì bàn tay nhân loại của những ai chăm sóc cho quí bạn nhân danh tình thương trở thành cánh tay nối dài rộng mở của Thiên Chúa.

 

Bởi vậy tôi muốn ôm ấp từng người trong anh chị em. Thế nhưng không thể nào được, nên tôi kéo anh chị em vào lòng tôi cách thiêng liêng, để ban Phép Lành cho anh chị em nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20060527_incontro-malati_en.html

 

 

TOP

 

 

 ?  Chúng ta nhận thấy có nhiều tiến bộ nơi lãnh vực đại kết, song chúng ta vẫn luôn mong đợi hơn thế nữa.

 

GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Diễn Từ với Thành Phần Đại Kết Balan Tối Thứ Năm 25 tại Nhà Thờ Ba Ngôi Chí Thánh Warsaw

 

(tiếp 29 Thứ Hai 30 Thứ Ba)

 

Chúng ta nhận thấy có nhiều tiến bộ nơi lãnh vực đại kết, song chúng ta vẫn luôn mong đợi hơn thế nữa. Hôm nay xin cho tôi được lưu ý tới hai vấn đề hơi dài dòng. Vấn đề thứ nhất liên quan tới việc phục vụ bác ái của các Giáo Hội. Có nhiều anh chị em mong đợi nơi chúng ta tặng ân của tình yêu thương, của niềm tin tưởng, của việc chứng từ, của hoạt động trợ giúp thiêng liêng và trợ giúp cụ thể về vật chất. Tôi đã đề cập tới vấn đề này trong bức Thông Điệp ‘Thiên Chúa là Tình Yêuđầu tay của tôi, trong đó, tôi đã viết rằng: ‘Tình yêu thương tha nhân, xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa, trước hết và trên hết là trách nhiệm đối với mỗi một tín hữu, thế nhưng nó cũng là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng Giáo Hội ở mọi tầng cấp: từ cộng đồng địa phương đến Giáo Hội riêng cũng như tới toàn thể Giáo Hội hoàn vũ. Là cộng đồng, Giáo Hội cần phải thực thi yêu thương’ (đoạn 20). Chúng ta không thể bỏ qua ý tưởng thiết yếu này là từ ban đầu nền tảng rất vững chắc về mối hiệp nhất của thành phần môn đệ đã được thiết lập rồi: ‘trong cộng đồng tín hữu không bao giờ có vấn đề nghèo khổ chối từ bất cứ ai những gì cần thiết để có được một đời sống xứng đáng’ (ibid.). Ý nghĩ này là những gì luôn hiện hành, ngay cả trong tiến trình của các thế kỷ đổi thay về các hình thức trợ giúp huynh đệ; việc chấp nhận những thách đố về bác ái đương thời lệ thuộc phần lớn vào việc chúng ta cùng hoạt động với nhau. Tôi cảm thấy vui khi vấn đề này có một tiếng vang rộng lớn trên thế giới nơi hình thức của nhiều hoạt động đại kết. Tôi tri ân nhận thấy rằng trong cộng đồng Giáo Hội Công Giáo cũng như nơi Các Giáo Hội khác và Các Cộng Đồng Giáo Hội, có những hình thức mới khác nhau của hoạt động bác ái đã được phổ biến và những hình thức cũ cũng đã tài diễn với một nhiệt tình mới. Chúng là những hình thức thường bao gồm việc truyền bá phúc âm hóa và các hoạt động bác ái (x ibid 30b). Bất chấp tất cả mọi khác biệt cần phải thắng vượt nơi lãnh vực đối thoại liên giáo phái, vấn đề dường như vẫn thích hợp để qui việc tham gia bác ái cho cộng đồng đại kết của thành phần môn đệ Chúa Kitô trong việc họ tìm kiếm mối hiệp nhất trọn vẹn. Tất cả chúng ta có thể thực hiện việc đồng hoạt động cho thành phần thiếu thốn, khai thác đường lối liên hệ hỗ tương này, hoa trái của việc đối thoại giữa chúng ta với việc hoạt động chung. Theo tinh thần giới luật của Phúc Âm, chúng ta cần phải có được mối quan tâm nhiệt tình này đối với những ai nghèo khổ, dù là bất cứ ai. Về vấn đề này, tôi đã viết trong bức Thông Điệp của tôi là: ‘việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn đòi Kitô hữu phải đồng thanh lên tiếng trong việc ghi tâm khắc cốt vấn đề tôn trọng quyền lợi và nhu cầu của hết mọi người, nhất là người nghèo khổ, người hèn kém và người bất khả tự vệ’ (đoạn 30b). Tôi xin bày tỏ cùng tất cả những ai đang tham dự cuộc họp của chúng ta hôm nay đây là việc thực hành đức bác ái huynh đệ sẽ mang chúng ta lại gần nhau hơn và sẽ làm cho chứng từ của chúng ta về Chúa Kitô trước thế giới có tính cách khả tín hơn.

 

Vấn đề thứ hai tôi muốn đề cập tới liên quan đến đời sống hôn nhân và đời sống gia đình. Chúng ta biết rằng trong các cộng đồng Kitô hữu, các cộng đồng được kêu gọi để làm chứng cho tình yêu thương, thì gia đình chiếm một vị thế đặc biệt. Nơi thế giới ngày nay, một thế giới mà các mối tương quan liên quốc  gia và liên văn hóa là những gì đang phát triển, thì càng ngày càng xẩy ra là giới trẻ thuộc các truyền thống khác nhau, các tôn giáo khác nhau, hay các Kitô giáo phái khác nhau, quyết định thành lập gia đình. Đối với chính giới trẻ cũng như đối với những ai thân thương của họ, thì thường là một quyết định khó khăn bao gồm những nguy hiểm khác nhau liên quan tới cả vấn đề kiên trì với đức tin lẫn cơ cấu tương lai của gia đình, đến việc kiến tạo nên một bầu khí hiệp nhất trong gia đình lẫn những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đời sống tâm linh nơi con cái. Tuy nhiên, nhờ việc lan rộng của vấn đề đối thoại đại kết ở tầm mức đại thể, mà quyết định ấy có thể dẫn tới việc hình thành một phòng thí nghiệm thực tiễn về mối hiệp nhất. Để vấn đề này được thực hiện cần phải có một thiện chí hỗ tương, việc hiểu biết và trưởng thành về đức tin của cả đôi bên, cũng như của các cộng đồng họ thuộc về. Tôi xin bày tỏ lòng cảm nhận của tôi đối với Ủy Ban Song Phương Hội Đồng Về Các Vấn Đề Đại Kết của Hội Đồng Giám Mục Balan và của Hội Đồng Ba Lan Về Đại Kết, một ủy ban đã bắt đầu soạn thảo một văn bản trình bày giáo huấn chung của Kitô Giáo về hôn nhân và đời sống gia đình, và nêu lên những nguyên tắc khả chấp đối với tất cả các cuộc hôn nhân kết ước liên giáo phái, ấn định chương trình chung về việc chăm sóc mục vụ cho cuộc hôn nhân như thế. Tôi muốn bày tỏ cùng tất cả anh chị em ước muốn thấy việc tin tưởng lẫn nhau và hợp tác với nhau giữa các Giáo Hội được gia tăng nơi lãnh vực tinh tế này, hoàn toàn tôn trọng các quyền lợi và trách nhiệm của thành phần phối ngẫu đối với việc huấn luyện đức tin của gia đình họ cũng như của việc họ giáo dục con cái mình.

 

‘Con đã tỏ cho họ biết danh Cha, và Con sẽ làm cho danh Cha được nhận biết, để tình Cha yêu Con cũng ở nơi họ, và Con ở trong họ’ (Jn 17:26). Anh Chị Em thân mến, đặt tất cả lòng tin tưởng của chúng ta nơi Chúa Kitô, Đấng làm cho chúng ta nhận biết danh của Người, chúng ta hằng ngày hãy tiến bước đến chỗ hoàn toàn hòa giải tình huynh đệ. Chớ gì lời nguyện cầu của Người làm cho cộng đồng của thành phần môn đệ Người trên trần gian này, trở thành một cộng đồng yêu thương hơn bao giờ hết, nơi mầu nhiệm của mình cũng như nơi mối hiệp nhất hữu hình của mình, phản ảnh mối hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20060525_incontro-ecumenico_en.html

 

TOP

 

 

?   Đức tin không phải chỉ là việc chấp nhận một số các chân lý trừu tượng ... Đức tin là ở chỗ sống liên hệ thân mật với Chúa Kitô

 

GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Bài Giảng cho Thánh Lễ ở Quảng Trường Pilsudzki Sáng Thứ Sáu 26 tại Warsaw

 

(tiếp 30 Thứ Ba)

 

Chúa Kitô nói: ‘Nếu các con yêu mến Thày…’. Đức tin không phải chỉ là việc chấp nhận một số các chân lý trừu tượng liên quan tới những mầu nhiệm về Thiên Chúa, về con người, về sự sống và về sự chết, về các thực tại tương lai. Đức tin là ở chỗ sống liên hệ thân mật với Chúa Kitô, một liên hệ được xuất phát từ lòng mến yêu Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x 1Jn 4:11), thậm chí cho đến chỗ hoàn toàn hiến trọn bản thân mình. ‘Thiên Chúa chứng tỏ tình Ngài yêu thương chúng ta ở chỗ trong khi chúng ta còn là những tội nhân thì Chúa Kitô đã chết vì chúng ta’ (Rm 5:8). Còn đáp ứng nào chúng ta có thể tỏ ra cho một tình yêu thật cao cả như thế nếu không phải là đáp ứng của một con tim cởi mở và tỏ ra sẵn sàng yêu thương hay sao? Thế nhưng, việc yêu mến Chúa Kitô đây nghĩa là gì? Nghĩa là tỏ ra tin tưởng nơi Người cho dù trong những con thử thách, trung thành theo Người cho dù trên Đường Thập Giá Via Crucis, hy vọng rằng chẳng bao lâu sẽ xuất hiện bình minh Phục Sinh. Khi ký thác bản thân mình cho Chúa Kitô, chúng ta chẳng mất mất một sự gì hết, trái lại, chúng ta còn chiếm được mọi sự. Nơi bàn tay của Người cuộc sống của chúng ta đạt được ý nghĩa thực sự của nó. Tình yêu giành cho Chúa Kitô là ở chỗ tỏ ra hòa hợp đời sống của mình với những tư tưởng và cảm thức của Trái Tim Người. Điều này được đạt tới bằng mối hiệp nhất nội tâm nhờ ân sủng của các Bí Tích, được củng cố bằng việc liên lỉ nguyện cầu, chúc tụng, tạ ơn và thống hối. Chúng ta cần phải chuyên chú lắng nghe những tác động Người gợi lên qua Lời của Người, qua thành phần chúng ta gặp gỡ, qua những hoàn cảnh của cuộc sống thường nhật của mình. Yêu mến Người là tiếp tục đối thoại trao đổi với Người, để biết được ý Người muốn và thực hiện ý muốn ấy một cách mau chóng hiệu nghiệm.

 

Tuy nhiên, việc sống niềm tin tưởng riêng tư như mối liên hệ yêu thương với Chúa Kitô như thế cũng còn có nghĩa là sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì gây ra việc chối từ tình yêu của Người nữa. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ rằng: ‘Nếu các con yêu mến Thày, các con sẽ tuân giữ các huấn lệnh của Thày’. Thế nhưng, các huấn lệnh của Chúa Kitô đây là gì? Khi Chúa Giêsu giảng dạy đoàn lũ quần chúng Người vẫn không quên xác nhận lề luật được Đấng Hóa Công in ấn vào lòng con người và phác họa trên các tấm Thập Điều. ‘Đừng nghĩ rằng Thày đến để hủy bỏ lề luật và các tiên tri; Thày đến không phải để hủy bỏ những điều ấy mà là làm cho chúng được nên trọn. Thật vậy, Thày nói cho các con hay, cho đến khi trời đất qua đi thì một chấm một phết cũng sẽ không qua đi nơi lề luật cho tới khi mọi sự được hoàn thành’ (Mt 5:17-18). Thế nhưng, Chúa Giêsu đã tỏ ra cho chúng ta thấy một cách sáng tỏ hơn cái tâm điểm chính yếu của lề luật thần linh được ban bố ở Núi Sinai, đó là tình yêu Thiên Chúa và tình lòng thương tha nhân: ‘Việc kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức, cùng mến thương tha nhân như bản thân mình, là những gì quí hóa hơn tất cả mọi của lễ hiến dâng và hy tế’ (Mk 12:33). Thật vậy, nơi đời sống của mình cũng như nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của mình, Chúa Giêsu đã làm hoàn thành tất cả lề luật. Liên kết mình với chúng ta bằng tặng ân Thánh Linh, Người gánh vác với chúng ta và trong chúng ta ‘cái ách’ của lề luật là những gì trở thành ‘gánh nhẹ nhàng’ (Mt 11:30). Theo tinh thần này, Chúa Giêsu đã hình thành bản liệt kê về các phẩm tính nội tâm của những ai tìm cách sống niềm tin của mình một cách sâu xa, đó là phúc cho thành phần nghèo khó trong tinh thần, những ai khóc lóc, những ai hiền lành, những ai đói khát công chính, những ai xót thương, những ai có tấm lòng tinh khiết, những ai xây dựng hòa bình, những ai bị bắt bớ vì lẽ công chính… (x Mt 5:3-12).

 

Anh chị em thân mến, niềm tin như là việc gắn bó với Chúa Kitô được tỏ hiện như tình yêu thúc đẩy chúng ta cổ võ sự thiện được Đấng Hóa Công in ấn nơi bản tính của mọi con người nam nữ chúng ta, nơi nhân cách của hết mọi con người khác cũng như nơi hết mọi sự hiện hữu trên thế giới này. Bất cứ ai tin tưởng và yêu như thế đều trở thành một nhà xây dựng ‘nền văn minh yêu thương’ đích thực, một nền văn minh có Chúa Kitô là tâm điểm. Hai mươi bảy năm trước đây, ở địa điểm này đây, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: ‘Ngày nay Balan đã trở nên một mảnh đất của một thứ chứng từ đặc biệt hữu trách’ (Warsaw, 2/6/1979). Giờ đây tôi xin anh chị em hãy vun xới gia sản đức tin phong phú này là những gì đã được truyền đạt cho anh chị em bởi các thế hệ trước đây, cái gia sản về tư tưởng và việc phục vụ của một đại nhân Balan là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hãy đứng vững trong đức tin, hãy truyền đạt đức tin ấy cho con cái của anh chị em, hãy làm chứng cho ân sủng anh chị em đã cảm nghiệm hết sức dồi dào nhờ Thánh Linh qua giòng lịch sử. Chớ gì Mẹ Maria, Nữ Vương Balan, tỏ cho anh chị em thấy đường dẫn đến với Con của Mẹ, và chớ gì Mẹ đồng hành với anh chị em trong cuộc hành trình của anh chị em tiến tới một tương lai hạnh phúc đầy an bình. Chớ gì lòng trí anh chị em không bao giờ thiếu thốn tình yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Amen!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20060526_varsavia_en.html

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ