GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 17/9/2006

 TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Thế Giới Hồi Giáo vẫn giận – Vị Giáo Hoàng cảm thấy rất buồn

?  Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh: Thời điểm tống cựu nghinh tân – Thứ Sáu 15/9/2006

?   Ngày của Chúa / Dies Domini: Ngày của Giáo Hội / Dies Ecclesiae - Từ Thánh Lễ tới “việc truyền giáo” / Việc bắt buộc giữ Chúa Nhật

 

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Thế Giới Hồi Giáo vẫn giận – Vị Giáo Hoàng cảm thấy rất buồn

 

(tiếp hôm qua 16 Thứ Bảy, bài "Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Thế Giới Hồi Giáo phản đối - Tòa Thánh Rôma thanh minh", và bài "Lời Tuyên Bố của Tòa Thánh tối hôm Thứ Năm 14/9/2006 thanh minh về Bài Diễn Văn của Giáo Hoàng Biển Đức XVI cho Giới Trí Thức Đức Quốc ở Đại Học Regensburg hôm Thứ Ba 12/9/2006")

 

Theo bài “Pope upset that Muslims offended được CNN phổ biến ngày Thứ Bảy 16/9/2006 thì vị giáo hoàng Biển Đức XVI cảm thấy ‘rất buồn’, vì bài nói của mình về Hồi Giáo đã phạm tới tín đồ Hồi Giáo và tỏ lòng tôn trọng niềm tin tưởng của họ. Ngài có ý định đích thân lên tiếng trong Huấn Từ Truyền Tin hằng tuần vào Chúa Nhật 17/9/2006.

 

Tiếp theo bản tuyên ngôn của Tòa Thánh Vatican qua vị giám đốc của văn phòng báo chí là linh mục Federico Lombardi, SJ, tối hôm Thứ Năm, 14/9, Tòa Thánh Vatican lại lên tiếng bằng một bản tuyên ngôn một lần nữa vào Thứ Bảy, 16/9, qua vị tân quốc vụ khanh là hồng y Tarcisio Bertone, SDB, trong đó, vị tân quốc vụ khanh mới nhận chức hôm qua, 15/9, cho biết chủ trương của Đức Giáo Hoàng về Hồi Giáo là những gì theo đúng chiều hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II trong việc Giáo Hội ‘trân trọng tín đồ Hồi Giáo là thành phần tôn thờ một vị Thiên Chúa duy nhất’.

 

Trong khi đó, trào lưu phản đối vị lãnh đạo thế giới Công Giáo, từ hôm qua, 15/9, Lễ Đức Mẹ Đau Thương của Giáo Hội Công Giáo, trùng vào Thứ Sáu là ngày lễ chính hằng tuần của Hồi Giáo, vẫn tiếp tục xẩy ra những vụ phản đối gay gắt và kịch liệt.

 

Ở Nam Dương, có cả ngàn người xuống đường phản đối. Bên ngoài Tòa Lãnh Sự Palestine ở thủ đô Jakarta, đoàn biểu tình đứng vẫy cờ trong khi người dẫn đầu là Heri Budianto hô hoán câu: ‘Thiên Chúa là Đấng cao cả’. Ông này nói với đám biểu tình rằng:

 

“Chúng ta dĩ nhiên biết rằng chỉ có tín đồ Hồi Giáo mới hiểu được ý nghĩa của cuộc thánh chiến mà thôi. Thánh chiến không thể nào lại có thể liên hệ tới bạo lực, những người Hồi Giáo chúng ta không có tính chất bạo động’.

 

Theo hãng thông tấn AP thì Thủ Tướng Mã Lai là Abdullah Ahmad Badawi đã lên tiếng hôm Thứ Bảy kêu gọi vị giáo hoàng phải xin lỗi và rút lời lại:

 

“Vị giáo hoàng này không được nhẹ nhàng làm lan tràn sự lăng nhục đã từng xẩy ra. Giờ đây Vatican phải lãnh trọn trách nhiệm về vấn đề này và thực hiện những gì cần thiết để sửa sai”.

 

Ngoại Trưởng nước Morocco, một nước theo Hồi Giáo ở Bắc Phi Châu, hôm Thứ Bảy cũng xác nhận với CNN là nước của ông đã gọi đặc sứ của mình đang làm việc với Vatican về để tham luận.

 

Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ là Tayyip Erdogan, cũng vào hôm Thứ Bảy, 16/9, đã cho rằng những nhận định của vị giáo hoàng là những gì ‘gớm ghiếc’ và nói vị giáo hoàng này phải rút lời lại. Theo hãng thông tấn Reuter thì vị này đã lên tiếng trên đài truyền hình rằng:

 

“Vị giáo hoàng này nói như là một chính trị gia hơn là một con người của tôn giáo. Những lời phát biểu ấy là những gì gớm ghiếc và đáng tiếc. Vị giáo hoàng này cần phải lui bước để bảo trì nền hòa bình liên tôn”.

 

Ngoài việc phản đối xuất phát từ thế giới Hồi Giáo, ở thế giới Tây Phương còn có tờ New York Times, trong bài bình luận của mình hôm Thứ Bảy cũng cho rằng vị giáo hoàng cần phải phổ biến một lời xin lỗi về những trích dẫn trong bài diễn văn của mình:

 

“Thế giới kỹ lưỡng lắng nghe những lời lẽ của bất cứ vị giáo hoàng nào. Và thật là thê thảm và nguy hiểm khi có vị đi gieo rắc đớn đau, dù là cố ý hay vô tình. Ông cần phải lên tiếng xin lỗi một cách thật lòng và thỏa đáng, cho thấy rằng lời lẽ cũng là những gì có thể hàn gắn được”.

 

Tuy nhiên, cũng vào hôm Thứ Bảy, theo hãng thông tấn Reuters thì Bà Thủ Tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng bênh vực vị giáo hoàng, khi nói với tở nhật báo Bild rằng vị giáo hoàng này chỉ có ý kêu gọi việc đối thoại với các tôn giáo khác mà thôi:

 

“Ai chỉ trích vị giáo hoàng này là người hiểu lầm mục địch của bài ngài nói. Đó là một lời kêu gọi đối thoại giữa các tôn giáo và vị giáo hoàng này rõ ràng là nói theo chiều hướng đối thoại ấy – Những gì được giáo hoàng Biển Đức XVI nhấn mạnh đó là việc loại trừ một cách dứt khoát và kiên quyết tất cả mọi hình thức bạo động nhân danh tôn giáo”.

 

Theo bài “Muslim anger over papal comments grows” của Benjamin Harvey ngày Thứ Sáu 15/9 trên mạng điện toán toàn cầu CNN, thì có một số chuyên gia cho rằng những nhận định của giáo hoàng Biển Đức XVI hôm Thứ Ba 12/9/2006 ở Đại Học Regensburg liên quan tới Hồi Giáo là những gì còn tệ hại hơn cả bộ tranh biếm họa ở Đan Mạch vào hồi Tháng 2/2006 vừa rồi, vì lần này xuất phát từ một vị lãnh đạo khối tín đồ tương đương với Hồi Giáo. Một phân tích gia ở Cairô Ai Cập nghiên cứu về chiến đấu tính của Hồi Giáo là Diaa Rashwan cho biết:

 

“Những lời tuyên bố này của vị giáo hoàng còn nguy hại hơn cả những bức tranh biếm họa nữa, vì nó xuất phát từ một thẩm quyền Kitô giáo quan trọng nhất thế giới – các bức tranh biếm họa chỉ xuất phát từ thành phần họa sĩ mà thôi”. 

 

Đáng chú ý nhất là những lên án mạnh mẽ nhất lại xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đang có một nền dân chủ ôn hòa và muốn gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu, cũng là quốc gia vị giáo hoàng này sẽ đến viếng thăm vào tháng 11 tới đây, nơi chẳng những có tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo toàn cầu, liên quan tới vấn đề đại kết Kitô Giáo, mà còn liên quan tới cả vấn đề đối thoại liên tôn, vì nước này theo Hồi Giáo.

 

Nhân vật tên Salih Kapusuz, phó thủ lãnh đảng Hồi Giáo của Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói trên truyền hình quốc gia rằng những phát ngôn của giáo hoàng Biển Đức XVI một là ‘thành quả của sự thiếu hiểu biết đáng thương’ về Hồi Giáo và về vị tiên tri của đạo này, hay tệ hơn nữa, là một việc cố tình bóp méo sự thật. Nhân vật này nói:

 

“Ông (giáo hoàng này) có một tâm thức đen tối được bắt nguồn từ Thời Trung Cổ tối tăm. Ông là một thứ sơ đẳng chưa học được tinh thần canh tân của thế giới Kitô Giáo. Dường như đây là một nỗ lực muốn làm sống lại tâm thức của các cuộc Đạo Binh Thánh Giá. Biển Đức, tác giả của những phát ngôn khốn nạn và xấc láo ấy, đang bị thụt lùi vào lịch sử bởi những lời lẽ của mình. Ông đang bị thụt lùi vào lịch sử cũng một kiểu như các nhà lãnh đạo Hitler và Mussolini”.

 

Cũng tại Thổ Nhĩ Kỳ, giáo hoàng Biển Đức XVI còn bị yêu cầu là phải xin lỗi trước cuộc viếng thăm của ngài tới đây. Một đảng phái khác đã tổ chức một một xuống đường ở bên ngoài đến thờ lớn nhất Ankara, với một nhóm khoảng 50 người đã đến đặt một vòng hoa đen bên ngoài cơ quan sứ vụ ngoại giao của tòa thánh Vatican.

 

(Ngày mai: xin xem tiếp bài Huấn Từ Chúa Nhật 17/9 của ĐTC và bài Thanh Minh của đức hồng y tân Quốc Vụ Khanh)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL 

 

 

TOP

 

 

 ? Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh: Thời điểm tống cựu nghinh tân – Thứ Sáu 15/9/2006

 

Sáng Thứ Sáu 15/9/2006, một cuộc tống cựu nghinh tân được diễn ra tại dinh nghỉ mát của giáo hoàng ở Castelgandolfo. ĐTC đã tiếp nhân viên của Văn Phòng Quốc Vụ Khanh: Đức Hồng Y Angelo Sodano về hưu và Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, SDB, thay thế.  

 

Vị hồng y quốc vụ khanh về hưu, vị được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm từ ngày 1/12/1990 thay cho Đức Hồng Y Agostino Casaroli, đã lên tiếng trong buổi lễ tống cựu nghinh tân như sau:

 

“Hôm nay, những lời cám ơn không nên nhắm quá nhiều tới tôi cho bằng đến những ai đã giúp tôi những năm qua. Tôi lấy làm đặc biệt quí hóa đó là việc hợp tác của những vị thay thế tiếp tục đặc trách văn phòng Tổng Vụ là các ĐTGM Re và Sandri, cũng như của các văn phòng đặc trách Liên Hệ Chư Quốc là các ĐTGM Tauran và Lajolo. Cùng nhau chúng ta quán xuyến công việc như một nhóm, bằng một cảm quan về giáo hội liên kết chúng ta lại trong việc phục vụ, trước hết chung quanh đấng đáng kính Gioan Phaolô II và giờ đây chuynh quanh Đức Thánh Cha”.

 

Trong lời chào ngắn gọn của mình với vị cựu quốc vụ khanh, đức hồng y tân nhiệm Bertone đã bày tỏ hy vọng rằng kinh nghiệm quá khứ của ĐHY Angelo sẽ giúp cho ngài ‘thực hiện công việc tôi đảm nhận hôm nay đây. Tôi ý thức được trách nhiệm nặng nề trong công việc này, cũng như về tính cách nghiêm trọng và phức tạp của các vấn đề mà hằng ngày tôi sẽ phải đương đầu. Ước vọng duy nhất của tôi đó là thực hiện khẩu hiệu vai trò giám mục của tôi ‘fedem sustodire, concordiam servare’.

 

“Mối hiệp thông sâu xa liên kết chúng ta l5i với nhau trong việc dấn thân phục vụ chung cho Giáo Hội – từ đó cho phẩm vị con người cùng cuộc chung sống hòa bình giữa con người – chỉ có thể biến thành việc hợp tác thành tín và trung thực, một việc hợp tác được củng cố đối với nhiều người trong chúng ta bởi tinh thần linh mục và đức ái mục vụ là những gì bao giờ cũng cần phải thúc đẩy các hoạt động của chúng ta”.

 

ĐTC đã đọc bức thư ngài viết gửi ĐHY Angelo Sodano như sau: “Khi Chúa gọi tôi lãnh nhận sứ vụ làm mục tử tối cao của Dân Chúa, tôi cảm thấy cần phải xin huynh, Hồng Y Sodano, hãy tiếp tục trợ giúp tôi như cộng sự viên trực tiếp của tôi, chia sẻ các việc tôi hằng ngày chăm lo vấn đề quản trị Giáo Hội Hoàn Vũ. Đó là lý do tôi bổ nhiệm huynh phụ trách văn phòng quốc vụ khanh, một vai trò được huynh thi hành cho tới hôm nay một cách tận tình và khéo léo”.

 

ĐTC liệt kê những đoạn đường khác nhau của việc phục vụ của hồng y Angelo ở Tòa Thánh, một việc phục vụ được bắt đầu vào năm 1961, dưới thời Đức Gioan XXIII, với vai trò đại diện tòa thánh ở Ecuador, Uruguay và Chí Lợi, cũng như ở Hội Đồng đặc trách Công Vụ của Giáo Hội, việc ngài được bổ nhiệm làm khâm sứ tòa tah1nh ở Chí Lợi và sau đó làm bí thư của Hội Đồng Công Vụ của Giáo Hội, cho đến khi ngài được chỉ định làm đầu văn phòng quốc vụ khanh vào tháng 12 năm 1990.

 

Trong những tháng đầu tiên của giáo triều tôi, cả tôi cũng có thể cảm nhận thấy được các tặng ân của tinh thần mục tử huynh thực hiện …. Việc dấn thân thực hiện các hoạt động hằng ngày của văn phòng Quôá Vụ Khanh cũng như của các vị đại diện tòa thánh nơi các phần đất khác trên thế giới (và sự quan tâm của huynh đối với nhân viên của huynh’.

 

Ngoài việc bày tỏ niềm tri ân riêng của mình, tôi cũng muốn chuyển đạt lòng biết ơn của những người, qua năm tháng, đã biết đến huynh và ca ngợi tính nhạy cảm, đức khôn ngoan và lòng nhiệt tình …. mà huynh đã thi hành sứ vụ của huynh với tấm lòng quan tâm duy nhất cho sự thiện trên hết của Giáo Hội.

 

“Tòa Thánh sẽ tiếp tục được lợi trong tương lai từ những gì Huynh đã đóng góp – và vì vậy mà cả tôi cũng biết ơn – vì với một lòng nhiện thành và quảng đại như vậy huynh sẽ thực hiện vai trò quan trọng làm chủ tịch Hồng Y Đoàn, và như phần tử của những phân bộ khác nhau vai trò thuộc Giáo Triều Rôma  cũng như của vai trò Thống Lãnh của Quốc Gia Thánh Vatican.”                                                                                                                                                                                                                     

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 15/9/2006

 

 

TOP

 

 

?  Ngày của Chúa / Dies Domini: Ngày của Giáo Hội / Dies Ecclesiae - Từ Thánh Lễ tới “việc truyền giáo” / Việc bắt buộc giữ Chúa Nhật

 

Tông Thư Dies Domini của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của văn khố Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

(loạt bài về Chúa Nhật cho các Chúa Nhật kể từ Chúa Nhật 23/4/2006)

 

Từ Thánh Lễ tới “việc truyền giáo”

 

45.           Khi nhận lãnh Bánh Sự Sống, thành phần môn đệ của Chúa Kitô, với sức mạnh của Chúa Kitô Phục Sinh và Thần Linh của Người, dấn thân chấp nhận các công việc làm đang đợi chờ họ ở cuộc sống hằng ngày. Đối với tín hữu hiểu được ý nghĩa của những gì họ làm, thì việc cử hành Thánh Thể không ngừng lại ở cửa nhà thờ mà thôi. Như thành phần chứng nhân tiên khởi của biến cố Phục Sinh, những người Kitô hữu qui tụ lại vào mỗi Chúa Nhật để cảm nghiệm và loan báo việc hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh đều được kêu gọi để truyền bá phúc âm hóa và làm chứng trong cuộc sống hằng ngày của mình. Có thế, Lời Nguyện sau Hiệp Lễ và Nghi Thức Kết Lễ – tức Phép Lành Kết Lễ và Lên Đường – là những gì cần phải được thẩm định và cảm nhận hơn nữa, có thế, tất cả mọi người được thông phần vào Thánh Thể mới sâu xa cảm nhận thấy trách nhiệm được ủy thác cho họ. Khi cộng đồng chia tay nhau, thành phần môn đệ của Chúa Kitô trở lại với môi trường thường nhật của mình bằng quyết tâm làm cho tất cả cuộc sống của họ thành một tặng ân, một hy tế linh thiêng đẹp lòng Thiên Chúa (x Rm 12:1). Họ cảm thấy nợ nần anh chị em của mình vì những gì họ nhận được nơi việc cử hành này, không phải khác với các môn đệ đi về làng Emmau, những vị môn đệ khi nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh “nơi việc bẻ bánh” (x Lk 24:30-32), cảm thấy cần phải lập tức trở về chia sẻ với anh chị em của mình niềm vui được gặp gỡ Chúa (x Lk 24:33-35).

 

Việc bắt buộc giữ Chúa Nhật

 

46.           Vì Thánh Thể là chính tâm điểm của Chúa Nhật, đó là lý do rõ ràng tại sao ngay từ những thế kỷ đầu tiên các vị Mục Tử của Giáo Hội đã không ngừng nhắc nhở tín hữu về nhu cầu cần phải tham gia vào cộng đồng phụng vụ. Bản văn kiện mang tên Didascalia ở thế kỷ thứ ba đã kêu gọi là “Vào Ngày Của Chúa hãy bỏ hết mọi sự mà siêng năng tham gia với cộng đoàn của anh em, vì nó là việc anh em chúc tụng Thiên Chúa. Bằng không, làm sao có thể chữa mình được với Thiên Chúa đây, thành phần không đến với nhau vào Ngày Của Chúa để nghe lời sự sống và lãnh nhận thứ thần dưỡng tồn tại muôn đời?” (75). Tín hữu nói chung đã chấp nhận lời mời gọi này của các vị Chủ Chiên bằng niềm xác tín trong tâm hồn, và, mặc dù có những lúc và những trường hợp không được đáp ứng một cách trọn vẹn, người ta cũng không thể nào quên được đức anh hùng chân chính của các vị linh mục và tín hữu đã làm trọn trách nhiệm ấy cho dù gặp hiểm nguy và bị mất quyền tự do tôn giáo, như được ghi nhận từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo cho tới thời đại của chúng ta đây.

 

Trong bài Hộ Giáo đầu tiên của mình ngỏ cùng Hoàng Đế Antoninus và Thượng Viện, Thánh Justine đã hãnh diện diễn tả việc thực hành Kitô giáo của cộng đồng Chúa Nhật, một cộng đồng qui tụ lại ở một nơi các Kitô hữu trong thành phố và ngoài miền quê (76). Trong cuộc bách hại của hoàng đế Diocletian, những cuộc hộp họp này bị triệt để nghiêm cấm, nhiều người vẫn đủ can đảm coi thường lệnh hoàng đế và chấp nhận chết chóc hơn là bị mất đi Thánh Thể Chúa Nhật. Đó là trường hợp của các vị tử đạo tại Abitina, trước Thống Đốc Phi Châu, những vị đã trả lời cho thành phần tố cáo các vị là: “Chúng tôi cử hành Bữa Chúa Kitô không sợ hãi gì cả, vì không thể nào thiếu được bữa này; đó là luật của chúng tôi”; “Chúng tôi không thể nào sống mà không có Bữa Của Chúa”. Khi tuyên xưng đức tin của mình, một nữ nhân trong số các vị tử đạo ấy đã nói: “Phải, tôi đến với cộng đồng ấy và tôi đã cử hành Bữa Của Chúa với anh chị em của tôi, vì tôi là một người Kitô hữu” (77). 

 

47.           Ngay cả vào những thời xa xưa nhất khi thấy chưa cần phải qui định thì Giáo Hội cũng đã không thôi khẳng định trách nhiệm bó buộc này theo lương tâm rồi, một trách nhiệm xuất phát từ nhu cầu nội tâm được Kitô hữu mãnh liệt cảm nhận ở các thế kỷ đầu tiên. Chỉ sau đó, khi xẩy ra tình trạng có một số người ơ hờ hay bỏ bê, Giáo Hội mới minh nhiên bắt buộc tham dự Lễ Chúa Nhật: điều này được thực hiện thường là dưới hình thức huấn dụ, thế nhưng có những lúc Giáo Hội đã phải sử dụng đến những qui định đặc biệt theo giáo luật. Đó là trường hợp xẩy ra ở một số Công Đồng địa phương từ thế kỷ thứ 4 trở đi (như ở Công Đồng Elvira năm 300, một công đồng không nói về trách nhiệm đòi buộc song nói tới những hình phạt nếu vắng mặt 3 lần) (78), và đặc biệt là hầu hết từ thế kỷ thứ sáu trở đi (như ở Công Đồng Adge năm 506) (79). Những sắc chỉ của các Công Đồng địa phương này đã dẫn đến một thực hành có tính cách toàn cầu, đến tính cách bắt buộc được coi là một điều gì đó hoàn toàn phải lẽ (80).

 

Bộ Giáo Luật 1917 là bộ luật đầu tiên đã thu thập truyền thống ấy để làm thành một thứ luật chung (81). Bộ luật hiện hành đã lập lại luật này mà rằng: “vào các ngày Chúa Nhật và các ngày thánh buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự Thánh Lễ” (82). Khoản luật này vốn được hiểu là bao gồm cả một trách nhiệm nghiêm trọng: đó là giáo huấn của Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (83), và nếu ý thức chúng ta cũng dễ hiểu lý do tại sao Ngày Chúa Nhật quan trọng như thế nào đối với đời sống Kitô hữu.

 

48.           Ngày nay, như trong những thời anh hùng của thuở ban đầu, nhiều người muốn sống theo các đòi hỏi niềm tin của mình đang phải đương đầu với những tình trạng khó khăn ở những phần đất khác nhau trên thế giới. Họ sống trong những môi trường đôi khi hận thù dữ dội, và có những lúc – thực sự thường xẩy ra hơn – dửng dưng và ơ hờ với sứ điệp Phúc Âm. Nếu tín hữu không bị áp đảo, họ mới có thể cậy dựa vào việc nâng đỡ của cộng đồng Kitô hữu. Đó là lý do tại sao họ cần phải xác tín rằng, đối với đời sống đức tin họ rất cần phải đến với nhau vào các Chúa Nhật để cử hành Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô trong bí tích Tân Ước. Bởi thế, nhiệm vụ đặc biệt của các vị Giám Mục đó là làm sao để “bảo đảm rằng Chúa Nhật là ngày được tất cả mọi tín hữu cảm nhận, thánh hóa và cử hành như ‘Ngày Của Chúa’ thực sự, ngày Giáo Hội cùng nhau đến để lập lại việc tưởng nhớ tới mầu nhiệm Phục Sinh, nơi việc nghe lời Chúa, nơi việc hiến dâng hy tế của Chúa, nơi việc thánh hóa ngày này bằng cách nguyện cầu, làm việc bác ái và kiêng cử làm việc” (84). 

 

49.           Vì tín hữu buộc phải tham dự Thánh Lễ trừ khi bị ngăn trở trầm trọng, các vị Mục Tử có trách nhiệm tương hợp trong việc cống hiến cho hết mọi người cơ hội thực sự trong việc chu toàn qui định ấy. Các khoản luật Giáo Hội đều theo chiều hướng này, chẳng hạn như việc ban năng quyền cho các vị linh mục, với phép trước của vị Giám Mục giáo phận, để cử hành hơn một Lễ vào các Chúa Nhật và ngày thánh (85), như việc thiết lập các Lễ ban tối (86) và khoản cho phép hoàn thành nhiệm vụ này từ tối Thứ Bảy trở đi, bắt đầu vào giờ Nguyện Kinh Chiều vọng Chúa Nhật (87). Thật vậy, theo quan điểm phụng vụ thì các ngày thánh được bắt đầu với Giờ Kinh Chiều (88). Do đó, phụng vụ về những gì được gọi là “Lễ Vọng” thực sự là Lễ “thuộc” Chúa Nhật, một lễ buộc vị chủ tế phải giảng và đọc Lời Nguyện Giáo Dân.

 

Ngoài ra, các vị Mục Tử cần phải nhắc nhở tín hữu rằng khi họ đi xa nhà vào Ngày Chúa Nhật họ phải để ý tham dự Thánh Lễ ở nơi nào có thể, làm phong phú cộng đồng địa phương bằng chứng từ riêng của họ. Các cộng đồng này đồng thời cũng phải tỏ ra nồng hậu đón tiếp những người anh chị em viếng thăm của mình, nhất là ở những nơi thu hút nhiều khách du lịch và hành hương, thành phần thường cần phải được trợ giúp đặc biệt về đạo nghĩa (89).

 

(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ