GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 22/9/2006

 TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

 

?  Nguyên văn bài diễn văn gây chấn động thế giới Hồi Giáo của Giáo Hoàng Biển Đức XVI ngày Thứ Ba 12/9/2006 tại Đại Học Regensburg về niềm tin và lý trí

?  Đức Hồng Y Chủ Tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình với chiều hướng của ĐTC trong chuyến tông du thứ bốn

?   Tôn Sùng Thánh Tâm: Bản Chất

 

 

? Nguyên văn bài diễn văn gây chấn động thế giới Hồi Giáo của Giáo Hoàng Biển Đức XVI ngày Thứ Ba 12/9/2006 tại Đại Học Regensburg về niềm tin và lý trí

 

(tiếp 20 Thứ Tư21 Thứ Năm)

 

Thần học giải phóng trong thế kỷ 19 và 20 đã mở màn cho giai đoạn hai trong tiến trình giải thể văn hóa Hy Lạp, với Adolf von Harnack như nhân vật tiêu biểu nhất của thứ thần học này. Khi tôi còn là một sinh viên, và vào những năm đầu làm nghề giảng dạy của mình, thì cái cương lĩnh này cũng đã có một ảnh hươởg lớn nơi thần học Công Giáo rồi. Nó được khởi đi từ chỗ phân biệt của triết gia Pascal về vấn đề vị Thiên Chúa của thành phần triết gia với vị Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp. Trong bài khai mạc của tôi ở Bonn năm 1959, tôi đã cố gắng nói tới vấn đề này, và tôi không muốn lập lại ở đây những gì tôi đã nói vào lúc bấy giờ, thế nhưng tôi muốn diễn tả vắn gọn ít là những gì mới mẻ về giai đoạn thứ hai của việc giải thể văn hóa Hy Lạp này. Ý tưởng chính yếu của Harnack đó chỉ là việc trở về với con người Giêsu cũng như với sứ điệp bình thường của Người, một sứ điệp nằm ở bên dưới những thứ bồi đắp của thần học và thực sự của nền văn hóa Hy Lạp: sứ điệp bình thường này được thấy như là tột đỉnh của việc phát triển về đạo giáo của nhân loại. Chúa Giêsu là vị được cho rằng đã chấm dứt việc thờ phượng để hướng chiều về luân lý. Để rồi Người được trình bày như là một người cha của thứ sứ điệp về luân lý nhân đạo. Nói cho cùng thì mục đích của Harnack đó là đem Kitô Giáo vào cuộc hài hòa với thứ lý trí tân tiến, tức là giải phóng Kitô Giáo khỏi những yếu tố có vẻ triết lý và thần học, chẳng hạn như niềm tin tưởng vào thần tính của Chúa Kitô và vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, việc dẫn giải Tân Ước theo kiểm nhận về lịch sử, như ông thấy, là những gì đã trả về cho thần học vị trí của thần học trong đại học: thần học, đối với Harnack, là một cái gì đó có tính cách lịch sử thiết yếu, bởi thế thần học hoàn toàn có tính cách khoa học. Những gì có thể nói theo nhận định về Chúa Giêsu thực sự là một bày tỏ của thứ lý trí thực tiễn, từ đó, nó có thể chiếm được thế đứng thật sự của mình ở đại học đường. Đứng đằng sau việc suy nghĩ này là tính chất tự hạn hữu mới của lý trí, những gì đã được đề cập đến theo kiểu cổ điển trong cuốn “Critiques” của Kant, thế nhưng đồng thời lại được cấp tiến hóa hơn bởi ảnh hưởng của các ngành khoa học tự nhiên. Quan niệm tân tiến này về lý trí, nói tóm lại, được căn cứ vào một cuộc tổng hợp giữa chủ nghĩa Platonism (Cartesianism) và chủ nghĩa duy nghiệm, một tổng hợp được củng cố bởi việc thành đạt của kỹ thuật. Một đàng nó bao hàm cái cấu trúc toán học của chất thể, bao hàm cái lý lẽ nội tại của cuộc tổng hợp này, cái lý lẽ để có thể hiểu được chất thể hoạt động ra sao và việc sử dụng nó một cách hiệu năng: cái tiền đề căn bản này thực sự là yếu tố của triết lý Plato nơi kiến thức tân tiến về thiên nhiên tạo vật. Mặt khác, năng lực của thiên nhiên tạo vật đang bị khai thác cho các mục đích của chúng ta, và ở nơi đây, chỉ có khả năng kiểm chứng hay xuyên tạc bằng thử nghiệm mới có thể thật sự nắm vững được vấn đề mà thôi. Cán cân giữa đúng sai này, tùy theo hoàn cảnh, có thể chạy từ bên này sang bên kia. Là con người mạnh mẽ theo thực chứng chủ nghĩa, một tư tưởng gia như J. Monod đã từng tuyên bố mình là thành phần chấp nhận chủ nghĩa Plotonist/Cartesian.

 

Điều này làm phát sinh ra hai nguyên tắc hệ trọng đối với vấn đề được chúng ta nêu lên. Nguyên tắc thứ nhất, đó là chỉ có thứ xác nhận nào xuất phát từ việc tác động của các yếu tố toán học và thử nghiệm mới có thể được coi là khoa học. Bất cứ điều gì cho là khoa học đều phải được căn cứ vào qui chuẩn ấy. Bởi thế, các khoa học về nhân văn, như lịch sử, tâm lý, xã hội và triết học, cần phải tuân hợp với qui luật của khoa học tính này. Nguyên tắc thứ hai, một nguyên tắc quan trọng cho những suy tư của chúng ta, đó là, tự bản chất của mình, phương pháp này là những gì loại trừ vấn đề về Thiên Chúa, cho vấn đề ấy như là vấn đề phi khoa học hay tiền khoa học. Tóm lại, chúng ta đang phải đối diện với một thứ thu ngắn phạm vi khoa học và lý trí, một thứ thu ngắn cần được đặt lại vấn đề.

 

Tôi sẽ trở lại với vấn đề ấy sau này. Lúc này đây, vấn đề cần phải nhận định là, theo quan điểm ấy thì bất cứ một nỗ lực nào muốn bảo trì việc cho thần học là ‘khoa học’ đều tiến đến chỗ biến Kitô Giáo thành một đơn mảnh thuộc bản chất trước kia của nó. Thế nhưng, chúng ta cần phải nói thêm là: nếu tất cả khoa học là như thế và chỉ như thế mà thôi, thì chính con người cuối cùng cũng bị biến giảm, vì những vấn đề đặc biệt về con người liên quan tới nguồn gốc và định mệnh của chúng ta, những vấn đề được tôn giáo và đạo lý gợi lên, bấy giờ không có chỗ đứng trong nhãn quan của thứ lý trí vơ đũa cả nắm được cho là “khoa học”, được hiểu là như thế, và như vậy thì các vấn đề đặc biệt ấy cần phải được chuyển sang cho lãnh vực chủ quan. Để rồi chủ thể là người, căn cứ vào kinh nghiệm của mình, sẽ quyết định những gì họ coi là khả thủ nơi các vấn đề về tôn giáo, và thứ “lương tâm” chủ quan sẽ trở thành một thẩm phán viên độc đoán duy nhất về những gì có tính cách đạo lý. Cho dù là như thế chăng nữa, luân thường đạo lý và tôn giáo cũng đã mất đi quyền lực của mình trong việc kiến tạo nên một cộng đồng và hoàn toàn trở thành một vấn đề riêng tư cá nhân. Đó là một tình trạng nguy hiểm nơi những sự vụ giành cho nhân loại, như chúng ta thấy được từ những chứng bệnh đáng lo ngại về tôn giáo và lý trí là những gì đang cần phải bùng nổ, khi mà lý trí bị biến giảm đến nỗi những vấn đề về tôn giáo và đạo lý không còn liên hệ gì với nó nữa. Những nỗ lực kiến tạo nên một thứ đạo lý theo các qui luật của việc tiến hóa, hay theo tâm lý học và xã hội học, đều là những gì sẽ tiến tới chỗ bị què cụt hụt hẫng mà thôi.

 

Trước khi tôi rút ra những kết luận từ tất cả những điều ấy, tôi cần phải vắn tắt nói tới giai đoạn thứ ba của việc giải thể văn hóa Hy Lạp là giai đoạn đang diễn tiến hiện nay. Theo kinh nghiệm của chúng ta về tính cách đa nguyên của văn hóa, ngày nay người ta thường nói rằng cái tổng hợp với văn hóa Hy Lạp đạt được ở Giáo Hội vào lúc ban đầu là một thứ hội nhập văn hóa sơ khởi không có hiệu lực trên các nền văn hóa khác. Các nền văn hóa khác này được cho rằng có quyền trở về với sứ điệp thuần túy của Tân Ước trước cuộc hội nhập văn hóa ấy, để hội nhập sứ điệp ấy một cách mới mẻ vào môi trường riêng biệt của chúng ta. Luận đề này chẳng những sai lầm; nó còn tồi tệ và thiếu chính xác nữa. Tân Ước được viết bằng Hy ngữ và mang dấu ấn của tinh thần Hy Lạp, một tinh thần đã tiến đến chỗ chín mùi như Cựu Ước đã phát triển vậy. Thật thế, có những yếu tố trong cuộc tiến hóa của Giáo Hội sơ khai không được hội nhập vào tất cả mọi nền văn hóa. Tuy nhiên, những quyết định trọng yếu về mối liên hệ giữa đức tin và việc sử dụng lý trí con người là những gì thuộc về chính đức tin; chúng là những tiến triển hợp với bản chất của chính đức tin.

 

Giờ đây tôi đi đến phần kết luận của mình. Nỗ lực này, một nỗ lực được vẽ vời bằng những đường nét phóng đại, theo một thứ nhận định từ bên trong của lý trí tân tiến, không có liên quan gì tới việc quay ngược kim đồng hồ trở lại với thời gian trước Thời Minh Tri, cũng như trong việc loại trừ đi những minh thức của thời đại tân tiến hết. Những khía cạnh tích cực của tính cách tân tiến đều được công nhận một cách dễ dàng: ở chỗ, tất cả chúng ta đều cảm nhận đối với những tiềm năng tuyệt vời đang được mở ra cho nhân loại, cũng như đối với việc tiến bộ chúng ta có được nơi nhân loại. Ngoài ra, tinh thần của khoa học – như chính ngài Viện Trưởng đã nhắc tới – đó là ý muốn tỏ ra thuận phục chân lý, nhờ đó, nó thể hiện một thái độ vốn thuộc về những quyết định thiết yếu theo tinh thần Kitô Giáo. Ý hướng này ở đây không phải là một ý hướng của sự cắt xén hay của vấn đề tiêu cực kiểm định, mà là của việc nới rộng quan niệm của chúng ta về lý trí và về việc áp dụng của lý trí. Trong khi chúng ta hoan hưởng nơi những tiềm năng mới mở ra cho nhân loại thì chúng ta cũng thấy được những mối nguy hiểm xuất phát từ những tiềm năng này ,nên chúng ta vần phải tự hỏi làm sao chúng ta có thể thắng vượt được những thứ nguy hiểm ấy. Chúng ta sẽ thành công trong việc làm điều này chỉ khi nào lý trí và đức tin cùng nhau sánh bước một cách mới mẻ, chỉ khi nào chúng ta thắng vượt được cái hạn hữu tự áp đặt của lý trí đối với những gì là khả thực theo thử nghiệm, và chỉ khi nào chúng ta một lần nữa vạch ra được những vùng chân trời rộng lớn của lý trí. Theo chiều hướng này thì thần học mới đáng thuộc về đại học đường và mới đáng thực hiện cuộc đối thoại bao rộng với các khoa học, không phải chỉ như là một ngành về lịch sử và một ngành của các khoa học nhân văn, mà thực sự là thần học, là việc thẩm tra tính cách hợp lý của đức tin.

 

Chỉ như thế chúng ta mới có thể thực hiện một cuộc đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo là những gì hết sức cần thiết ngày nay. Nơi thế giới Tây phương, nhiều người chủ trương rằng chỉ có thứ lý trí có tính cách thực chứng và những hình thức của triết học theo thứ lý trí này mới có giá trị phổ quát. Tuy nhiên, các nền văn hóa về đạo giáo sâu xa của thế giới đều thấy việc loại trừ thần linh này khỏi tính cách phổ quát của lý trí là một thứ tấn công vào những niềm xác tín sâu xa nhất của những nền văn hóa ấy. Một thứ lý trí tỏ ra câm điếc trước thần linh và đẩy tôn giáo vào lãnh vực của các thứ hạ tầng văn hóa là một lý trí không thể nhập cuộc đối thoại với các nền văn hóa. Đồng thời, như tôi đã cố gắng chứng tỏ, lý trí khoa học tân tiến có yếu tố mang tính cách triết lý Plato sâu đậm chất chứa nơi mình một vấn đề hướng về những gì ở ngoài chính nó và ở ngoài cả những tiềm năng nơi phương pháp học của nó nữa. Lý trí khoa học tân tiến hoàn toàn dễ dàng chấp nhận cái cấu trúc hợp lý của chất thể, cũng như cái tương hợp giữa tinh thần của chúng ta với những cấu trúc hợp lý vốn có nơi thiên nhiên tạo vật là những gì phương pháp học của lý trí khoa học tân tiến cần phải dựa vào. Tuy nhiên, vấn đề tại sao sự việc này cần phải như thế là một vấn đề thực sự, và là một vấn đề cần phải được các ngành khoa học tự nhiên trả về cho các kiểu cách và lãnh vực suy tưởng khác – tức cho triết học và thần học. Đối với triết lý, và cho dù bằng đường lối khác nhau, đối với cả thần học, thì việc lắng nghe những cảm nghiệm và những minh thức cao cả nơi những truyền thống tôn giáo của loài người, cũng như những cảm nghiệm cùng minh thức của riêng đức tin Kitô Giáo, là một nguồn kiến thức, và việc coi thường việc lắng nghe này sẽ là một thứ hạn chế bất khả chấp cho việc lắng nghe và đáp ứng của chúng ta. Ở đây tôi nhớ tới điều triết gia Socrates nói với Phaedo. Trong những cuộc đàm đạo đầu tiên của mình, có nhiều ý nghĩ sai lầm về triết lý đã được nêu lên, nên Socrates đã nói: “Thật là dễ hiểu khi có người cảm thấy khó chịu trước tất cả những thứ khái niệm sai lầm mà đối với cuộc đời còn lại của mình họ tỏ ra kinh thường và chế nhạo tất cả những gì nói về hữu thể – thế nhưng vì vậy mà họ lại bị hụt hẫng đi cái sự thật về việc hiện hữu và phải chịu mất mát lớn lao”. Tây phương đã lâu bị nguy hiểm bởi thái độ không ưa thích đối với những vấn nạn được tiềm tàng nơi tính chất hợp lý của mình, và vì thế chỉ có thể phải chịu đựng cái tai hại cả thể. Can đảm dấn thân cho tính cách bao rộng của lý trí và không chối bỏ tính cách cao cả của nó – đó là chương trình từ đó một khoa thần học được bắt nguồn từ niềm tin theo Thánh Kinh mới có thể tham gia vào những cuộc tranh luận của thời đại chúng ta. “Việc không tác hành hợp lý, không hành động với logos, là điều trái với bản tính của Thiên Chúa”, hoàng đế Manuel II đã nói như thế, theo kiến thức Kitô Giáo của ông về Thiên Chúa, để đáp lại đối thoại viên người Ba Tư của ông. Chính vì để tiến đến với cái logos cao cả này, đến với cái rộng lớn của lý trí ấy, mà chúng ta kêu gọi đồng bạn của chúng ta hãy thực hiện cuộc đối thoại về các nền văn hóa. Công việc cao cả của đại học đường đó là liên lỉ tái nhận thức lý trí vậy.

 

(Đây là bài diễn văn này dài nhất và quan trọng nhất trong 15 bài nói của Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong chuyến tông du thứ bốn 9-14/9/2006 của ngài tại một quốc gia đã từng gây chia rẽ Kitô Giáo vào thế kỷ 16 và gây ra hai thế chiến trong thế kỷ 20, nhưng lại là bài, nhờ phản ứng của thế giới Hồi Giáo, đã được cả thế giới kỹ lưỡng đọc nhất, để nhân loại thấy được, theo diễn tiến của lịch sử, cái cấu trúc nơi niềm tin Kitô Giáo, một niềm tin đã là những gì làm nên văn hóa Âu Châu huy hoàng trước đây, một nền văn hóa cần phải trở về với căn gốc đức tin Kitô Giáo đầy sáng suốt theo lý trí mới có thể trở thành phương tiện truyền bá phúc âm hóa các văn hóa hiện đại bằng việc đối thoại văn hóa và đối thoại liên tôn)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/september/documents/hf_ben-xvi_spe_20060912_university-regensburg_en.html
 

 

 

TOP

 

 

 ? Đức Hồng Y Chủ Tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình với chiều hướng của ĐTC trong chuyến tông du thứ bốn

 

Sau đây là nguyên văn bài viết của vị hồng y chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh là Raffaele Martino, bài viết được tờ L’Osservatore Romano phổ biến trong số ra ngày 25/9/2006, mang tựa đề “The ‘Quaestio de Veritate’, Kitô Giáo với Các Tôn Giáo Khác – Những Lời của Giáo Hoàng Biển Đức XVI Nói trong Chuyến Tông Du ở Bavaria”. Sau đây là nguyên văn bài viết của vị hồng y.

 

Nhiều lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng trong tiến trình viếng thăm Bavaria của ngài, từ ngày 9 tới 14 tháng 9, liên quan đến sự thật, bắt đầu từ một vấn đề thường xuất hiện nơi những bài nói và bài giảng của vị Giáo Hoàng này, đó là: Kitô Giáo có thể vẫn còn được coi là hợp lý trước mắt con người ngày nay hay chăng? Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa, “phải chăng điều này vẫn còn hợp tình hợp lý?”, ngài đã đặt vấn đề trong bài giảng ở Islinger Feld vào buổi sáng 12/9. Thật vậy, Tây phương xem ra đang trải qua tình trạng “khó nghe” và những gì được nói về Thiên Chúa “làm cho chúng ta cảm thấy như là những gì tiền khoa học, không còn thích hợp với thời đại của chúng ta nữa”, ngài đã nói như thế hôm Chúa Nhật, 10/9, trong Thánh Lễ ngoài trời tại Neue Messe ở Munich.

 

Theo Giáo Hoàng Biển Đức XVI thì vấn đề làm sáng tỏ mối liên hệ giữa Kitô Giáo và sự thật, và vì thế giữa Kitô Giáo và lý trí, là những gì hệ trọng, trước hết cho việc tái truyền bá phúc âm hóa của thế giới Tây phương, cũng quan trọng không kém cho việc thiết lập mối liên hệ giữa tất cả mọi tôn giáo theo chiều hướng đối thoại và nhân nhượng. Những khía cạnh này cần phải được nói đến một cách phân biệt, cho dù chúng liên hệ với nhau.

 

Kitô Giáo là niềm tin vào Lý Trí Sáng Tạo, chứ không phải Vô Thức. Ở Islinger Feld, Đức Giáo Hoàng đã đặt vấn đề  “Cái gì đến trước?” – và đã cống hiến hai câu trả lời khả dĩ: “Lý Trí Sáng Tạo, Thần Linh Sáng Tạo, Đấng dựng nên tất cả mọi sự và làm cho chúng phát triển, hay Vô Thức, cái mà, dù chẳng có nghĩa lý gì, cũng mang lại một cách nào đó cái vũ trụ lớp lang theo toán học, cũng như con người cùng với lý trí của họ”. Tuy nhiên, câu trả lời thứ hai là những gì phi lý, vì như thế lý trí của chúng ta sẽ chỉ là một thứ sản phẩm ngẫu nhiên của vấn đề tiến hóa, do đó là sản phẩm của một tiến trình vô tri. Niềm tin Kitô Giáo, Đức Giáo Hoàng đã kết luận, tin tưởng “rằng Lời hằng hữu, với Lý Trí chứ không Vô Thức, hiện hữu ngay từ ban đầu của tất cả mọi sự”.

 

Tư  tưởng này cũng được lập lại ở bài “Lectio magistralis” tại Đại Học Đường Regensburg: “Không tác hành theo lý trí là điều trái nghịch với bản tính của Thiên Chúa”. Mục tiêu có tính cách luận chiến nơi những lời phát biểu này của Đức Thánh Cha đó là tình trạng tự hạn chế mình của lý trí Tây phương. Kitô Giáo không còn hợp lý đối với con người Tây phương vì họ đã chấp nhận một thứ ý nghĩ về lý trí suy giảm và thực chứng, thứ lý trí chấp nhận là đúng chỉ những gì có tính cách toán học và được thử nghiệm. Đức Giáo Hoàng đã diễn tả và cho thấy những giới hạn của loại tính chất hữu lý này nơi bài nói trong cuộc gặp gỡ các vị đại diện khoa học ở Đại Học Đường Regensburg.

 

Nếu “chỉ có thứ chấp nhận này, thứ chấp nhận xuất phát từ ảnh hưởng của các yếu tố có tính cách toán học và thử nghiệm mới có thể được coi là khoa học” ở Tây phương ngày nay, thì chúng ta hiểu được “tình trạng khó nghe” ở những gì liên quan tới Thiên Chúa. Lý trí thực chứng của Tây phương đang bị cắt cụt đi một cách thê thảm lãnh vực liên hệ của chúng ta với thực tại và không thể hướng mình tới tính cách hợp lý của niềm tin, tính cách hợp lý cần phải có chiều kích siêu hình học. Thật vậy, ở Đại Học Đường Regensburg, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải “nới rộng quan niệm của chúng ta về lý trí”.

 

Đây là một vấn đề quan trọng cho cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, vì lý trí thực chứng cùng với các hình thức triết lý căn cứ vào nó cho rằng mình có tính cách hiệu năng phổ quát, nên có khả năng làm chủ toàn thể trái đất bằng việc phát triển về kỹ thuật. Thế nhưng, như thế là lý trí thực chứng cùng với các hình thức trên đây đang ngăn ngừa một thứ đối thoại chân thực giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Chúng gay ra một thái độ “ngạo mạn coi việc chế diễu sự linh thánh là việc hành sử quyền tự do và chủ trương thực dụng như là tiêu chuẩn tối cao cho tương lai của việc nghiên cứu khoa học”; đó là những lời được Đức Giáo Hoàng nói ở Munich tại Neue Messe hôm 10/9.

 

Khi lên án “việc chế nhạo sự linh thánh”, Đức Giáo Hoàng không chỉ có ý nói tới việc chế nhạo về Kitô Giáo mà còn chế nhạo về bất cứ tôn giáo nào. Giáo Hoàng Biển Đức XVI còn nói thêm vào dịp này là “việc nhân nhượng chúng ta hết sức cần đến bao gồm cả niềm kính sợ Thiên Chúa – việc tôn trọng những gì người khác coi là linh thánh”. Như thế là Đức Giáo Hoàng đã chỉ trích cái ngông cuồng của lý trí Tây phương là những gì đã bị giảm xuống thành kỹ thuật và tái khẳng định tầm quan trọng của sự nhân nhượng và đối thoại được căn cứ vào sự tương kính giữa các tôn giáo.

 

Thật vậy, vẫn ở Đại Học Đường Regensburg, Đức Thánh Cha đã nói rằng: “các nền văn hóa về đạo giáo sâu xa nhất của thế giới thấy việc loại trừ thần linh này (việc loại trừ gây ra bởi thứ lý trí thực chứng) khỏi tính cách phổ quát của lý trí như là một cuộc tấn công vào những niềm xác tín sâu xa nhất của họ. Một thứ lý trí câm điếc trước thần linh và đẩy lui tôn giáo vào lãnh vực của những thứ hạ tầng văn hóa thì không thể nhập cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa được”.

 

Ở Munich ngày 10/9, Đức Giáo Hoàng đã diễn tả cùng một quan điểm thế này: “Nhân dân ở Phi Châu và Á Châu thực sự ca ngợi khả năng về khoa học và kỹ thuật của Tây phương, nhưng họ đang phập phồng lo sợ trước một hình thức có tính cách hợp lý hoàn toàn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi nhãn quan của con người”. Và ngài kết luận rằng: “Họ không thấy mối đe dọa thực sự cho căn tính của họ nơi niềm tin Kitô Giáo, mà là nơi thái độ khinh khi Thiên Chúa”.

 

Khi chúng ta tái xác định mối liên hệ giữa Kitô Giáo và sự thật, thì điều này không những không ngăn trở việc đối thoại với các tôn giáo khác, mà còn hướng tới một cuop65c đối thoại sâu xa hơn, vì, theo trích dẫn từ một cuốn sách do vị đương kim Giáo Hoàng này viết khi còn làm hồng y, “nếu chân lý được cống hiến là có ý nhắm tới việc dẫn ra khỏi tình trạng ghẻ lạnh, nhờ đó ra khỏi tình trạng chia rẽ; nó nhắm đến một nhãn quan về một tiêu chuẩn chung, không gây bạo lực đối với bất cứ một nền văn hóa nào mà là hướng dẫn nhau tới tâm điểm của nó, vì mỗi một nền văn hóa đều hiện hữu tối hậu như là một thứ mong mỏi sự thật” [Cardinal Joseph Ratzinger, "Truth and Tolerance: Christian Belief and World Religions," Ignatius Press, San Francisco 2004, p. 66].


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 20/9/2006

 

 

 

TOP

 

 

?  Tôn Sùng Thánh Tâm: Bản Chất

 

(ĐTC Piô II: Thông Điệp Haurietis Aquas ban hành ngày 15/5/1956, để kỷ niệm 100 năm ĐTC Piô IX truyền mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa trong toàn thể Giáo Hội - Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo National Catholic Welfare Conference News Service ) 

            101.     Thế nên, không có gì cản trở chúng ta tôn thờ Trái Tim Rất Rhánh Chúa Giêsu, vì Trái Tim Người tham dự vào và là biểu hiệu tự nhiên cũng như hiển nhiên nhất cho tình yêu vô hạn mà Đấng Cứu Chuộc Thần Linh của chúng ta vẫn còn đang yêu thương loài người. Thật thế, trái tim này, cho dù không còn chịu đựng những bấn loạn trên cuộc đời hữu hạn này nữa, vẫn còn sống động và rung đập. Giờ đây trái tim này được gắn bó không chia lìa với Ngôi Vị của Lời Thần Linh, để rồi nơi nó và nhờ nó mà gắn bó với ý muốn thần linh của Người. 

            102.     Vì Trái Tim Chúa Kitô tràn đầy tình yêu thần linh cũng như nhân loại, và vì Trái Tim Người dồi dào phong phú những kho tàng ân sủng mà Đấng Cứu Chuộc đã lập được bằng cuộc sống và những khổ đau của Người, mà bởi đó Trái Tim Người thực sự là mạch nguồn liên tục của tình yêu mà Thần Linh của Người đổ tràn vào các chi thể thuộc Nhiệm Thể của Người.

            103.     Thế nên, ở một mức độ nào đó, Trái Tim Chúa Cứu Thế diễn tả hình ảnh Ngôi Vị Thần Linh của Lời cũng như bản tính lưỡng diện vừa nhân loại lẫn thần linh của Người. Nơi Trái Tim Người, chúng ta có thể chiêm ngưỡng không những là một biểi hiệu, mà còn thực sự là một tổng hợp cho toàn thể mầu nhiệm cứu rỗi của chúng ta nữa.

            104.     Khi tôn thờ Trái Tim Rất Thánh Chúa Giêsu Kitô chúng ta tôn thờ, nơi Trái Tim ấy và qua Trái Tim ấy, cả tình yêu nhưng không của Lời Thần Linh cũng như tình yêu nhân loại của Người, cùng với những cảm xúc lẫn nhân đức khác của Người. Thực là như vậy, bởi vì, cả hai tình yêu này thúc đẩy Đấng Cứu Chuộc tự hy hiến mình cho chúng ta và cho toàn thể Giáo Hội Hiền Thê của Người...

            109.     Ta nghĩ rằng những phát biểu của Ta, được xác định bởi giáo huấn Phúc Âm, đã làm sáng tỏ là việc tôn sùng này thật ra chẳng là gì khác ngoài việc tôn sùng tình yêu nhân loại cũng như thần linh của Lời Nhập Thể, và tôn sùng tình yêu mà Cha Trên Trời cùng với Thánh Linh đối với con người tội lỗi.

 

(Loạt bài về Thánh Tâm và Lòng Thương Xót Chúa liên tục vào các ngày thứ sáu hằng tuần từ 18/8)
 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ