GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ SÁU 8/9/2006 TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN |
? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Cuộc Phỏng Vấn với Nhóm Ký Giả Đức Quốc về đủ mọi vấn đề hiện đại liên quan tới ngài và Giáo Hội
? “Men Phúc Âm. Sự Hiện Diện của Tòa Thánh nơi đời sống chư dân”
? Tôn Sùng Thánh Tâm: Nguồn Mạch và Lý Do
Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Cuộc Phỏng Vấn với Nhóm Ký Giả Đức Quốc về đủ mọi vấn đề hiện đại liên quan tới ngài và Giáo Hội
(tiếp 5 Thứ Ba, 6 Thứ Tư và 7 Thứ Năm)
Vấn: Tâu Đức Thánh Cha, đây là một vấn đề đã được đề cập tới một phần. Khi có những quyết định quan trọng về chính trị hay khoa học, xã hội tân tiến không căn cứ vào các giá trị của Kitô Giáo, và Giáo Hội, căn cứ vào việc nghiên cứu cho thấy, thì chỉ được coi như một tiếng nói cảnh giác hay một tiếng nói kiểm soát vậy thôi. Có thể nào Giáo Hội ra khỏi vị thế tự vệ này để tỏ ra một thái độ tích cực hơn nữa đối với vấn đề xây dựng tương lai cho xã hội?
Đáp: Dù sao tôi cũng muốn nói rằng chúng ta cần phải nhấn mạnh hơn đến những gì chúng ta muốn đều là những gì tốt đẹp. Và chúng ta cần phải làm điều này, trước hết bằng việc đối thoại với các nền văn hóa và các đạo giáo, vì tôi nghĩ tôi đã nói rằng đại lục Phi Châu, tinh thần Châu Phi và tinh thần Châu Á nữa, đều cảm thấy kinh hoàng trước tình trạng lạnh lẽo về tính cách lý lẽ của chúng ta. Cần pah3i làm sao cho họ thấy chúng ta không phải là tất cả chỉ có thể.
Đàng khác, thế giới trần thế của chúng ta cũng cần phải tiến đến chỗ hiểu rằng đức tin Kitô Giáo không phải là một cái gì ngăn trở, mà là một nhịp cầu đối thoại với các thế giới khác. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng nền văn hóa thuần lý trí là một đường lối dễ hơn trong việc liên hệ với các tôn giáo khác chỉ vì nền văn hóa này biết nhân nhượng.
Cái thiếu hụt một phần lớn ở đây là một ‘cái gì chính yếu về đạo giáo’, cái có thể đóng vai trò như là khởi điểm và đạt điểm đối với những ai muốn có được một mối liên hệ. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải và chúng ta có thể tỏ ra rằng chính vì môi trường liên văn hóa chúng ta đang sống mà tính cách thuần lý lẽ tách rời khỏi Thiên Chúa là những gì không đủ.
Chúng ta cần đến một thứ lý lẽ bao rộng hơn nữa, biết nhìn Thiên Chúa hợp với lý trí, và ý thức rằng đức tin Kitô Giáo là những gì đã được phát triển ở Âu Châu, cũng là một phương tiện để liên tụ lý trí và văn hóa lại với nhau, hòa nhập chúng lại thành một nhãn quan toàn diện duy nhất một cách cụ thể. Về vấn đề này thì tôi tin rằng chúng ta cần phải thực hiện một việc quan trọng, đó là chứng tỏ rằng Lời Chúa chúng ta đang sở hữu không phải là thứ đồ bỏ của lịch sử song ngày nay là những gì cần thiết.
Vấn:
Tâu Đức Thánh Cha, chúng ta hãy nói về các chuyến tông du của ĐTC. ĐTC sống ở
Vatican và có lẽ làm cho ĐTC cảm thấy đau nếu ĐTC xa cách dân chúng và tách biệt
khỏi thế giới, cho dù ở giữa những cảnh trí tuyệt vời ở Castel Gandolfo. Chẳng
bao lâu nữa ĐTC sẽ ở vào tuổi bát tuần. ĐTC có nghĩ rằng, với ơn Chúa, ĐTC có
thể thực hiện nhiều cuộc tông du hay chăng? ĐTC có dự tính đi đến những nơi nào
hay chăng? Đến Thánh Địa, hay Ba Tây? ĐTC đã biết trước chưa?
Đáp: Thật ra tôi chẳng cảm thấy lẻ loi như thế đâu. Dĩ nhiên, anh chị em có thể nói có những bức tường gây khó dễ cho việc ra vào, thế nhưng cũng có cả một ‘gia đình giáo hoàng’ nữa, nhiều người viếng thăm hằng ngày, nhất là khi tôi ở Rôma.
Các vị giám mục đến và các thành phần khác; có những chính trị gia cũng tới nữa. Còn có những nhân vật muốn nói chuyện riêng với tôi, không phải chỉ về những vấn đề về chính trị. Bởi thế có đủ mọi thứ cuộc gặp gỡ mà nhờ Chúa giúp tôi thực hiện một cách liên tục.
Vấn đề còn quan trọng nữa là tòa của Vị Thừa Kế Phêrô phải là nơi gặp gỡ nữa, phải không anh chị em? Từ thời Đức Gioan XXIII trở đi thì quả lắc bắt đầu xoay đến cả các hương khác nữa, đó là các vị Giáo Hoàng đã bắt đầu ra đi thăm viếng con người.
Tôi phải nói rằng tôi không bao giờ cảm thấy mãnh liệt đủ để có ý định thực hiện nhiều chuyến đi dài. Thế nhưng, ở đâu giúp cho chuyến đi có thể chuyển đạt một sứ điệp, hay ở đâu tôi có thể nói đáp lại lời yêu cầu chân thành, thì tôi sẽ đến đó – miễn là theo ‘tầm mức’ tôi có thể làm được.
Có một số chuyến đi đang được dự tính. Năm tới có cuộc họp CELAM, cuộc họp của hội đồng giám mục Mỹ Châu Latinh, ở Ba Tây, và tôi nghĩ rằng việc tôi đến đó là một điều quan trọng trong bối cảnh của những gì Mỹ Châu Latinh đang sống một cách hết sức nhiệt tình, để củng cố niềm hy vọng rất linh hoạt ở phần thế giới ấy. Thế rồi tôi cũng muốn viếng thăm Thánh Địa, và tôi hy vọng chuyến viếng thăm này ở vào thời gian hòa bình. Còn những gì khác thì chúng ta chờ xem những gì Đấng Quan Phòng mong muốn nơi tôi.
Vấn:
Xin cho phép con nói thêm. Những người dân Áo cũng nói tiếng Đức đang chờ
mong ĐTC ở Mariazell…
Đáp: Phải, vấn đề đã được đồng ý rồi. Rất đơn giản thôi, đó là tôi đã hứa với họ, hơi vội vàng một chút. Tôi thực sự là thích nơi ấy và tôi đã đáp với họ rằng ‘được’: Đúng thế, tôi sẽ trở lại với Magna Mater Austriae. Dĩ nhiên, điều này đã trở thành một lời hứa hẹn sẽ được tôi giữ, sẽ được tôi hỉ hoan giữ.
Vấn: Con xin nói thêm nữa. Con khâm phục ĐTC về việc ĐTC thực hiện các buổi triều kiến chung các ngày Thứ Tư. Cả 50 ngàn người tới tham dự. Chắc chắn là mệt lắm. Làm thế nào ĐTC có thể kham nổi với một công việc như thế?
Đáp: Đúng thế, Chúa nhân lành ban cho tôi sức mạnh cần thiết. Khi anh chị em thấy mình được nồng nhiệt đón mừng thị tự nhiên anh chị em cảm thấy được phấn khởi.
Vấn:
Tâu Đức Thánh Cha, ĐTC vừa nói rằng ĐTC đã thực hiện một lời hứa hẹn thiếu
khôn ngoan. Phải chăng ĐTC có ý nói rằng bất chấp thừa tác vụ của mình, bất chấp
nhiều thứ lễ nghi và giới hạn, ĐTC vẫn không mất đi tính cách tự nhiên bột phát
của mình?
Đáp: Dầu sao tôi cũng cố gắng. Đối với những điều được ấn định thì tôi vẫn muốn làm một điều gì đó hoàn toàn riêng biệt.
Vấn: Tâu Đức Thánh Cha, nữ giới là thành phần rất chủ động trong nhiều lãnh vực của Giáo Hội Công Giáo. Phải chăng việc đóng góp của họ không được trở thành những gì tỏ tường hơn nữa, ngay cả ở những vai trò đảm trách nhiệm vụ thế giá trong Giáo Hội?
(còn tiếp cho tới hết tuần)
“Men Phúc Âm. Sự Hiện Diện của Tòa Thánh nơi đời sống chư dân”
Sáng hôm Thứ Năm 7/9/2006, tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã diễn ra một cuộc trình làng tác phẩm của Đức Hồng Y Angelo Sodano, mang tựa đề "Il lievito del Vangelo. La presenza della Santa Sede nella vita dei popoli - Men Phúc Âm. Sự Hiện Diện của Tòa Thánh nơi đời sống chư dân”. Buổi ra mắt này được điều hành bởi hai đức ông Gabriele Giordano Caccia và Pietro Parolin, một vị là thành viên đặc trách Tổng Vụ của Văn Phòng Quốc Vụ Khanh và một vị là phụ tá thư ký của Văn Phòng Liên hệ Chư Quốc.
Tác phẩm bắng tiếng Ý này nội dung có 12 bài diễn văn của vị hồng y quốc vụ khanh của tòa thánh trong thời khoảng gần 16 năm, dưới hai thời giáo hoàng Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI.
Đức Ông Parolin đã nhắc đến thời điểm dài gần 16 năm phục vụ này là thời điểm ‘đặc biệt là phức tạp và trăn trở, với sự kiện chấm dứt Cuộc Chiến Tranh Lạnh, hai cuộc chiến Vùng Vịnh, cuộc chiến tranh vùng Balkin và cuộc bùng nổ nạn khủng bố quốc tế từ ngày 11/9/2001’.
Đức Ông này nói tiếp, ‘tầm quan trọng chính yếu của con người như là khát vọng chính yếu của việc Tòa Thánh hoạt động ngoại giao’ là một trong những đề tài tủ của vị hồng y này, được nổi bật chẳng hạn trong bài diễn văn ngỏ cùng thành phần lãnh đạo Quốc Gia và chính quyền ở Cuộc Thượng Nghị Tháng 3/1995 ở Copenhagen Đan mạch về Vấn Đề Phát Triển Xã Hội. Một chương trong các chương sách của ngài chú trọng tới đề tài ‘tình đoàn kết và nhiệm vụ chứng tỏ tình đoàn kết’.
Đức Ông phụ bí thư văn phòng Liên hệ Chư Quốc còn nhấn mạnh đến một khía cạnh đặc biệt khác nữa trong tác phẩm của vị hồng y sắp mãn nhiệm hồi hưu vào ngày 15/9/2006, đó là việc ngài ‘quan tâm tới nhu cầu cần phải lấy các giá trị về đạo lý làm nền tảng cho tất cả mọi hình thức cấu trúc xã hội và việc con người chung sống với nhau’.
Để kết thúc phần trình bày của mình, đức ông này còn đề cập tới mối quan tâm của vị hồng y trưởng hồng y đoàn đối với ‘yếu tố nhân loại’, khi cho thấy rằng ‘chính Chúa là Đấng hướng dẫn lịch sử, nhưng Ngài có thói quen sử dụng nhiều người tôi tớ hèn mọn cho vườn nho của Ngài, thành phần, được tác động bởi một tình yêu cao cả đối với Giáo Hội cũng như bởi một cảm quan sâu xa trong việc phục vụ nhân loại, hiến hồn xác mình cho hoạt động quốc tế của Tòa Thánh’.
Đức Ông Caccia cho thấy rằng tác phẩm của vị hồng y này ‘qui tụ các kinh nghiệm chín mùi qua giòng thời gian của một vị mục tử chăn dắt các linh hồn; một vị mục tử không được trực tiếp ủy thác cho một phần dân Chúa mà được đặc ân cộng tác vào việc chăm sóc toàn thể đàn chiên Chúa cùng với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô’.
Theo đức ông này thì việc đọc tác phẩm đây ‘từng giòng cho thấy hiện lên một ước muốn trả lời một vấn đề … về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc Tòa Thánh hiện diện nơi đời sống chư dân… Để diễn chứng sứ vụ này, … Đức Hồng Y Sodano đã chọn hình ảnh dậy men của phúc âm, … và cắt nghĩa hoạt động của Tòa Thánh như là sự hiện diện làm dậy men chân lý, yêu thương và an bình, một sự hiện diện tác động một cách thận trọng, nhẫn nại và âm thầm trong lịch sử cũng như trong những trường hợp thường bị xung khắc của nhân loại. Một sự hiện diện theo phúc âm và có tính cách truyền bá phúc âm hóa là những gì kêu gọi hết những ai thuộc về Tòa Thánh hãy luôn loan báo…. Phúc Âm mà thôi trong tất cả mọi hoàn cảnh, bằng việc sử dụng những cơ cấu thực sự để đạt được mục đích này’.
‘Ngay từ những trang đầu tiên, Đức Hồng Y Sodano dẫn chứng sứ vụ mục vụ của Tòa Thánh, một sứ vụ ‘nhắm đến việc làm dậy men Kitô Giáo nơi đời sống chư quốc’, và nhấn mạnh đến ‘tầm quan trọng của việc Tòa Thánh hiện diện nơi nhiều lãnh vực hoạt động quốc tế để làm thấm nhập vào lòng xã hội tân tiến thứ men mới mẻ là Phúc Âm của Chúa Kitô ấy’.
Đức Ông thành viên đặc trách Tổng Vụ còn tiếp tục trích dẫn những lời lẽ trong sách của vị hồng ý tác giả như sau: ‘Giáo HỘi không có một lý do hiện diện nào khác trên thế giới này ngoài lý do tiếp tục công cuộc của Chúa Kitô. Giáo Hội thực sự được định nghĩa đúng là Chúa Kitô … tồn tại qua các thế kỷ vậy. Điều này lại càng đúng hơn nữa ở thời đại chúng ta đây, khi mà các thánh đố khó khăn nhất không phải là những gì liên quan tới kinh tế hay kỹ thuật, song trước hết và trên hết là những gì liên quan tới đạo lý và tinh thần’.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 7/9/2006
Tôn Sùng Thánh Tâm: Nguồn Mạch và Lý Do
(ĐTC Piô II: Thông Điệp Haurietis Aquas ban hành ngày 15/5/1956, để kỷ niệm 100 năm ĐTC Piô IX truyền mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa trong toàn thể Giáo Hội - Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo National Catholic Welfare Conference News Service )
Tôn Sùng Thánh Tâm: Nguồn Mạch
4. Tình yêu thần linh phát xuất từ Thánh Linh, Đấng là Tình Yêu Được Ngôi Vị Hoá của cả Chúa Cha và Chúa Con trong cung lòng của Ba Ngôi Cao Cả. Bởi thế, vị Tông Đồ Dân Ngoại, khi âm vang lại những lời của Chúa Giêsu Kitô, rất thích đáng qui việc phú bẩm đức ái vào các linh hồn giáo dân cho Thần Linh Tình Yêu này. "Đức ái của Thiên Chúa được tuôn đổ vào lòng chúng ta bởi Thánh Linh là Đấng được ban cho chúng ta" (Rm. 5:5).
5. Qúi huynh khả kính, mối giây nối kết thân tình này, theo Thánh Kinh, hiện hữu giữa đức ái thần linh cần phải bừng lên trong các linh hồn tín hữu và Thánh Linh, rõ ràng tỏ cho tất cả chúng ta thấy rằng, bản chất đích thực của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô. Bởi vì, nếu chúng ta khảo sát về bản chất xứng hợp của nó, thì hết sức hiển nhiên là việc tôn sùng này là một việc đạo đức tuyệt hảo nhất.
6. Nó đòi hỏi một sự dứt khoát tuyệt đối và trọn vẹn phó mình và hiến mình cho tình yêu của Đấng Cứu Chuộc Thần Linh. Trái tim thương tích của Đấng Cứu Thế là dấu hiệu sống động và là biểu hiệu của tình yêu ấy. Như thế, lại càng rõ ràng là, việc tôn sùng này đặc biệt đòi chúng ta phải lấy tình yêu của mình để đền đáp lại cho tình yêu thần linh.
7. Thật vậy, nó bắt nguồn từ ngay yếu tính của tình yêu làm cho linh hồn con người hoàn toàn và trọn vẹn thuận phục luật lệ của Hữu Thể Tối Cao, vì tác động tình yêu của chúng ta lệ thuộc vào ý muốn thần linh, đến nỗi, nó thực sự làm nên một sự hiệp nhất vững vàng như lời Sách Thánh: "Ai gắn bó với Chúa thì nên một tinh thần với Người" (1Cor. 6:17).
Tôn Sùng Thánh Tâm: Lý Do
26. Qúi huynh đáng kính, đến đây, qúi huynh thấy rõ là có một lý do lưỡng đôi (tại sao Giáo Hội tôn thờ trái tim của Đấng Cứu Chuộc Thần Linh - đoạn 25). Lý do thứ nhất, cũng là lý do áp dụng cho cả những phần tử rất thánh còn lại của thân thể Chúa Giêsu Kitô, đựa trên giáo huấn nhờ đó chúng ta biết rằng, Trái Tim của Người, như phần thể cao cả nhất của bản tính nhân loại, được hiệp nhất một cách ngôi hiệp với ngôi vị của Lời Thần Linh, bởi thế mà phải được tôn thờ trong cùng một thể thức Giáo Hội tỏ ra trong việc tôn thờ Ngôi Vị của Con Thiên Chúa Nhập Thể. Ở đây chúng ta bàn đến một vấn đề của đức tin Công Giáo, vì điểm này đã được long trọng tuyên nhận tại Công Đồng Chung Êphêsô và Công Đồng Chung Constantinople II .
27. Lý do thứ hai, lý do liên quan đặc biệt đến Trái Tim của Đấng Cứu Chuộc Thần Linh đòi phải tôn thờ một cách đặc biệt, phát xuất từ sự kiện là Trái Tim của Người, hơn tất cả mọi phần thể còn lại của thân thể Người, là một dấu hiệu và biểu hiệu tự nhiên cho tình yêu vô hạn của Người đối với loài người. Vị tiền nhiệm muôn đời đáng nhớ của Ta là Đức Lêô XIII đã viết: "Có một biểu hiệu và một hình ảnh hiển nhiên nơi Thánh Tâm về tình yêu vô cùng của Chúa Giêsu Kitô đánh động chúng ta phải yêu đáp lại" (Thông Điệp Annum Sacrum)
28. Sách Thánh rõ ràng là không bao giờ tỏ tường đề cập đến một việc tôn kính đặc biệt đối với trái tim thể lý của Lời Nhập Thể như là biểu hiệu của tình yêu tha thiết nhất của Người. Nếu chúng ta phải đương nhiên công nhận điều này thì chúng ta không thể nào bỗ ngỡ hay hồ nghi gì về tình yêu thần linh đối với chúng ta là lý do chính yếu cho việc tôn sùng này. Tình yêu này được công bố và ghi đậm nét trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, bằng những linh ảnh sống động đến nỗi làm cho linh hồn chúng ta hết sức cảm kích. Có những lúc các hình ảnh này được trình bày ở Sách Thánh loan báo về việc Con Thiên Chúa làm người sẽ đến. Bởi thế, chúng có thể được coi như bắt đầu dấu hiệu và biểu hiệu của tình yêu thần linh này, tình yêu bởi Trái Tim rất Thánh và rất Đáng Tôn Thờ của Đấng Cứu Chuộc Thần Linh.
(Loạt bài về Thánh Tâm và Lòng Thương Xót Chúa liên tục vào các ngày thứ sáu hằng tuần từ 18/8)