GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 12/12/2007 TUẦN II MÙA VỌNG |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: về Thánh giáo phụ Chromatius ở Aquileia
?
LỄ ĐỨC MẸ GUADALUPE:
Tiểu Sử Thánh Juan Diego và Đền Thờ Đức Mẹ Guadalupe
?
“Hoán cải và
trở nên như trẻ nhỏ”: Đến Với Chúa - Đặc Ân Tiền Định
(2)
Thánh giáo phụ Chromatius ở Aquileia
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 5/12/2007
Bài Giáo Lý 61 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền
Anh chị em thân mến!
Trong hai bài giáo lý vừa rồi, chúng ta đã thực hiện một cuộc hành trình qua các Giáo Hội Đông Phương Semitic, suy niệm về giáo phụ Aphraates người Ba Tư và Thánh Ephrem người Syria; hôm nay chúng ta trở lại với thế giới Latinh, tới miền bắc của Đế Quốc Rôma, với Thánh Chromatius ở Aquileia.
Vị giám mục này đã thi hành thừa tác vụ của mình ở Giáo Hội Aquileia cổ kính, một trung tâm sốt sắng sống đời Kitô hữu thuộc miền thứ 10 của Đế Quốc Rôma là "Venetia et Histria."
Vào năm 388, lúc mà giáo phụ Chromatius trở thành giáo chủ ở tỉnh này thì cộng đồng Kitô Giáo địa phương đã có một lịch sử rạng ngời về niềm tin tưởng vào Phúc Âm rồi. Giữa trung tuần thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ tư, những cuộc bách hại của Decius, Valerianus và Diocletian đã sát hại một số lớn các vị tử đạo. Ngoài ra, Giáo Hội ở Aquileia, như nhiều Giáo Hội khác thời bấy giờ, phải đương đầu với tình trạng đe dọa của lạc giáo Arian.
Ngay đến Thánh giáo phụ Athanasius – vị trung thành tiêu biểu cho tính cách chính thống của Công Đồng Chung Nicea, vị đã bị thành phần lạc giáo Arian tống đi lưu đầy – đã tìm nương trú ở Aquileia một thời gian. Theo sự dẫn dắt của các vị giám mục của mình, cộng đồng Kitô hữu này đã đứng vững trước những cạm bẫy của lạc thuyết, và kiên cường mối liên kết của mình với niềm tin Công Giáo.
Vào Tháng 9 năm 381, thành Aquileia đã điều hành một cuộc hội nghị giám mục, một hội nghị qui tụ khoảng 35 vị giám mục từ những miền duyên hải Phi Châu, thung lũng Rhodes và toàn thể miền thứ 10 này. Dự thảo của cuộc hội nghị giám mục này là để hủy hoại đi những vết tích của lạc giáo Arian ở Tây phương. Linh mục Chromatius đã tham dự hội nghị này như là một chuyên gia của vị giám mục thành Aquileia là Valeriano (370/1-387/8). Những năm chung quanh khoảng cuộc hội nghị năm 381 này cho thấy “thời vàng son” của cộng đồng Aquileia. Thánh Giêrônimô, người bản xứ Dalmatia, và Rufino ở Concordia đã nói một cách nhung nhớ tới thời các vị còn ở Aquileia (370-373) về một thứ phái thần học được Girolamo cho là “tamquam chorus beatorum - như một ca đoàn chư thánh” (Cronaca: PL XXVII, 697-698).
Từ ca đoàn này – mà ở một mức độ nào đó đã nhắc lại cảm nghiệm cộng thông của giáo phụ Eusebius ở Vercelli và của Thánh Âu Quốc Tinh – đã xuất phát ra những nhân vật thích đáng nhất của các Giáo Hội Thuộc Miền Bắc Adriatic.
Trong gia đình của mình, Thánh Chromatius đã học hỏi để nhận biết và yêu mến Chúa Kitô. Chính Thánh Giêrônimô đã cảm phục nói về điều này, khi so sánh mẹ của Thánh Chromatus với nữ tiên tri Anna, hai người chị của ngài với các vị trinh nữ trong dụ ngôn của Phúc Âm, và chính Thánh Chromatius cùng với người anh Eusebius của mình với trẻ Samuel (x. Ep VII: PL XXII, 341). Thánh Giêrônimô còn viết về Thánh Chromatius và giáo phụ Eusebius như sau: “Chromatius phúc đức và Eusebius thánh thiện là những người anh em theo liên hệ huyết nhục cũng như theo căn tính về các thứ lý tưởng” (Ep VIII: PL XXII, 342).
Thánh Chromatius vào đời ở Aquileia khoảng năm 345. Ngài được lãnh chứ phó tế rồi linh mục và sau hết làm vị mục tử của Giáo Hội ở đó (388). Sau khi thụ phong giám mục bởi Giám Mục Ambrosiô, ngài đã dấn thân cho một công việc đang gây khó khăn bởi sự rộng lớn của vùng đất được ủy thác cho ngài chăm sóc mục vụ ấy: đó là phạm vi quyền hạn của giáo hội Aquileia thực sự được bao gồm từ những lãnh thổ hiện nay của Thụy Sĩ, Bavaria, Áo quốc và Tiệp Khắc, mãi tới biên giới của Hung Gia Lợi.
Từ một đoạn đời của Thánh Gioan Kim Khẩu, chúng ta có thể suy diễn là Thánh Chromatius đã được thật sự cảm mến trong Giáo Hội vào thời của ngài. Khi vị giám mục thành Constantinople bị phát lưu đi đầy thì ngài đã viết 3 lá thư cho những vị được ngài coi là thành phần giám mục quan trọng nhất ở Tây phương, để có thể chiếm được sự hỗ trợ của vị hoàng đế: bức thư thứ nhất được gửi cho vị Giám Mục ở Rôma, bức thư thứ hai gửi cho vị giám mục ở Milan, và bức thứ ba gửi cho vị giám mục thành Aquileia tức là cho Thánh Chromatius (Ep . CLV: PG LII, 702).
Vì tình hình chính trị bất ổn mà đó là những thời điểm khó khăn đối với cả ngài nữa. Hầu như Thánh Chromatius đã qua đời ở chốn lưu đầy, ở Grado, trong khi cố gắng thoát khỏi những cuộc cướp đoạt của thành phần man di vào năm 407, cùng năm qua đời với Thánh Gioan Kim Khẩu.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/12/2007
(xin xem tiếp một bài nữa vào ngày mai)
LỄ ĐỨC MẸ GUADALUPE
Tiểu Sử Thánh Juan Diego và Đền Thờ Đức Mẹ Guadalupe
Juan Diego (JD) sinh năm 1474, với tên là Cuautlatoatzin,
nghĩa là “đại bàng phát ngôn”, không phải là người nô lệ, có đất xây nhà, là
nông dân và làm chăn mền để bán. Sau khi Thày Toribio de Benavente giảng dạy cho
những người Da Đỏ, Cuautlatoatzin đã trở lại Kitô giáo cùng với vợ của mình vào
giữa năm 1524-1525. Bấy giờ Cuautlatoatzin mới lấy tên là Juan Diego và vợ là
Maria Lucia; sau khi vợ chết năm 1529, JD đã đến ở với ông chú của mình là Juan
Bernardino ở Tolpetlac, 14 cây số cách đền thờ Tlatilolco ở Tenochtitlan.
Vào ngày 1/12/1531, trong một cuộc cuốc bộ từ nhà tới Tenochtitlan, băng qua các
cánh rừng và làng mạc, JD đã được Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên, nói chujyện với
ông bằng thổ ngữ Nahuatl ở ngay địa điểm ngày nay gọi là Nguyện Đường của Ngọn
Đồi Nhỏ”. Đức Mẹ đã xin ông xây tại chỗ ấy một thánh đường tôn kính Mẹ để Mẹ có
thể tỏ tình yêu thương, ban ơn trợ giúp và tỏ lòng xót thương con người ta. Theo
lời yêu cầu của Mẹ, JD đã trình lên Đức Giám Mục, nhưng ngài không tin trừ phi
có chứng cớ. Ba ngày sau, Đức Mẹ lại hiện ra với ông một lần nữa và bảo ông hãy
lên đỉnh núi Tepeyac là nơi ông sẽ thấy hoa hồng ở Castilla vốn không mọc trên
núi, để mang về cho ĐGM. Khi JD mở vạt áo khoác đựng các bông hoa hồng ra trước
mặt ĐGM thì thấy hiện lên hình Đức Mẹ lạ lùng in ở trên vạt áo, tấm hình đã được
tôn kính gần 500 năm ở Đền Thánh Guadalupe.
JD chết năm 1548 thọ 74 tuổi, sau 37 năm được Đức Mẹ hiện ra.
Năm 1737, Đức Mẹ Guadalupe được công bố là Quan Thày Nước Mễ và nằm 1919 làm
Quan Thày của cả Mỹ Châu. Năm 1935, Phi Luật Tân cũng nhận Mẹ Guadalupe làm Quan
Thày của họ. ĐTC Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho JD nằm 1990.
Đền Thờ Đức Mẹ Guadalupe ở cách Thành Phố Mễ Tây Cơ 15 cây số, cũng tại địa điểm
của đền thờ cũ hồi thế kỷ 16. Hội Đồng Giám Mục Mễ tây Cơ, khi thấy nền đền thờ
lung lay có thể gây nguy hiểm cho khách hành hương liền quyết định xây lại, và
đặt viên đá đầu tiên vào ngày 12/12/1974, do kiến trúc sư Pedro Ramirez Vasquez
và được khánh thành sau đó 2 năm. Đền Thờ Đức Mẹ Guadalupe ngày nay là một đền
thờ lớn nhất và được viếng thăm nhiều nhất trên thế giới. Mỗi năm có 20 triệu
người hành hương. Nhìn bên ngoài, đền thờ này trông giống như một chiếc lều tròn
trong sa mạc để nhớ đến lều tạm của Moisen ở chân Núi Sinai, và được viền bằng
những tấm đồng xanh lá cây đậm (mầu áo khoác của Đức Mẹ). Bên trong đền thờ được
phủ bằng thông Canada (rộng 6 ngàn thước vuông), nền bằng cẩm thạch Mễ Tây Cơ và
ở hàng giữa lòng đền thờ là một mảnh áo khoác của Thánh Juan Diego có hình Đức
Mẹ.
? “Hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”: Đến Với Chúa - Đặc Ân Tiền Định (2)
Dẫn Nhập: Theo cảm nhận rất chân thực của ĐTC Gioan Phaolô II về Mầu Nhiệm Nhập Thể, thì, như ngài viết trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến,
“Ở đây chúng ta chạm đến một điểm chính yếu làm cho Kitô giáo khác với tất cả mọi tôn giáo khác, những tôn giáo diễn tả việc con người tìm kiếm Thiên Chúa từ những thời cổ xưa nhất. Khởi điểm của Kitô giáo bắt nguồn từ việc Lời nhập thể. Như thế, không phải là con người tìm kiếm Thiên Chúa, mà là Thiên Chúa đích thân đến nói với chính con người, và chỉ cho con người đường nẻo để con người có thể đến với Ngài”;
“Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa. Việc Con Thiên Chúa nhập thể chứng tỏ là Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Chúa Giêsu nói về việc tìm kiếm này như tìm kiếm một con chiên lạc đàn (x.Lk.15:1-7). Đó là một cuộc tìm kiếm mà khởi điểm bắt đầu từ cõi lòng của Thiên Chúa và đích điểm ở nơi việc nhập thể của Ngôi Lời”.
Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là, con người tạo sinh và tội lỗi đáng thương chúng ta có gặp được Đấng tìm kiếm chúng ta hay chăng? Hay là, ngược lại, chính vì Ngài đã hạ mình xuống quá, đến độ chúng ta không còn nhận ra Ngài nữa, như khi Ngài được hạ sinh trong hang lừa máng cỏ ở hang Bê-Lem, mà chúng ta không nhận ra Ngài và không thể đến được với Ngài. Trong Mùa Vọng, chúng ta hãy ôn lại con đường mà chính Ngài đã làm gương trong việc nhập thể và dạy trong Phúc Âm liên quan tới việc “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”, để có thể đến được với Ngài.
Đến Với Chúa: Đặc Ân Tiền Định
"Không ai có thể đến được với Cha mà không qua Thầy"
(Gioan 14:6).
(tiếp hôm qua 11 Thứ Ba)
Như thế, đến với Chúa Giêsu chẳng những là một ơn gọi, mà còn là một đặc ân nữa. Nghĩa là phải được chọn mới có thể đến với Chúa Giêsu. Thế mà, chỉ có thành phần trẻ nhỏ và thành phần người lớn "giống như chúng" mới có thể đến với Chúa Giêsu.
Bởi vậy, thành phần được Thiên Chúa tuyển chọn chính là thành phần trẻ nhỏ và thành phần "giống như chúng". Hay, nói ngược lại, thành phần trẻ nhỏ và thành phần "giống như chúng" chính là thành phần được Thiên Chúa tuyển chọn.
Không phải hay sao, Chúa Giêsu đã "lên núi mà triệu tập những ai Người muốn, họ đã đến cùng Người" (Marcô 3:13)?
Thế rồi, vì không được chọn, một ngày kia, sau khi nghe xong bài giảng về Bánh Sự Sống, "Bánh Ta ban chính là thịt Ta ban sự sống cho thế gian... Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời... Thịt Ta là của ăn thật và máu Ta là của uống thật" (Gioan 6:51, 54, 55), "nhiều môn đệ của Người đã bỏ đi không thuộc về nhóm của Người nữa" (Gioan 6:66).
Và, chỉ "sau khi Giuđa rời khỏi (nhà tiệc ly)" (Gioan 13:30), "đứa con hư đi cho ứng nghiệm lời Kinh Thánh" (Gioan 17:12), Chúa Giêsu mới tâm sự với các tông đồ:
· "Không phải các con đã chọn Thầy, song chính Thầy đã chọn các con..." (Gioan 15:16).
Kể cả các tông đồ được tuyển chọn này, sau khi đã quyết định "ở lại với Người" (Gioan 1:39), một khi còn tỏ ra mình khôn ngoan theo kiểu thế gian, kiểu người lớn, không "giống như" những trẻ nhỏ, cũng có thể, như trường hợp của vị tông đồ trưởng Phêrô của mình, bị Chúa Giêsu đuổi thẳng tay: "Cút đi cho khuất mắt Ta" (Mathêu 16:23).
Lời xua đuổi "cút đi cho khuất mắt Ta" ở đây, ngược lại với lời mời gọi "hãy đến với Thầy", không phải hay sao, là lời mắng trách của Chúa Giêsu vì Người không thích hợp cũng như không đồng ý tí nào với thành phần người lớn, ngược lại với lời "Đến Cùng Thầy" của Người, lời mời gọi thành phần trẻ nhỏ hay "những ai giống như chúng"!
Nếu chỉ có thành phần trẻ nhỏ hay "những ai giống như chúng" mới được "ban phép" đến với Chúa Giêsu, thì cũng chỉ có những thành phần được đặc ân tiền định này mới có thể đến được với Chúa Giêsu:
· "Tất cả những gì Cha Tôi ban cho Tôi sẽ đến với Tôi; Tôi không chối bỏ những ai đến với Tôi" (Gioan 6:37).
Bởi vì, Đấng đã định cho thành phần Đến với Chúa Giêsu cũng chính là Đấng "dẫn đưa họ" Đến với Chúa Giêsu.
Chính vì thế mà thành phần trẻ nhỏ và "những ai giống như chúng" tự nhiên được Thiên Chúa ban cho khả năng nhận biết chân lý. Họ chính là thành phần chiên của Chúa:
· "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta" (Gioan 10:27).
Cho dù họ thế nào đi nữa, lầm lạc như một người tội lỗi (như thánh Mai-Đệ-Liên bị bẩy quỉ ám), một người cuồng tín (như thánh Phao-Lô trung thành với Do Thái giáo đi bắt bớ Kitô hữu), một người lương dân (như thánh Timôthêu, môn đệ của thánh Phaolô), một người lạc giáo (như thánh Augustinô theo bè Ma-Ni-Kê), một người vô thần (như thánh Christopher đi tìm cho bằng được vị chúa tể mọi sự để phụng thờ) v.v., họ vẫn là chiên của Chúa, đến nỗi, như Chúa Giêsu đã quả quyết:
· "Ta còn những chiên khác chưa thuộc về đàn này... chúng sẽ nghe tiếng Ta" (Gioan 10:16).
Là chiên, "những người được Thiên Chúa biết trước thì cũng tiền định cho chia sẻ hình ảnh Con của Ngài" (Rôma 8:29) này, chắc chắn sẽ đến cùng Chúa Giêsu: "Tất cả những gì Cha là Đấng sai Ta ban cho Ta sẽ đến với Ta" là như thế.
Ngoài ra, và bởi thế, nếu không phải là chiên, không phải là thành phần được tiền định "theo Con Chiên" (Khải Huyền 14:4), thành phần "không được Cha dẫn đưa", "không ai có thể đến cùng Ta":
· "Các ngươi không chịu tin Ta là vì các ngươi không phải là chiên của Ta" (Gioan 10:26).
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL