GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 10/3/2007

TUẦN II MÙA CHAY

 

?   Nguyên Tắc Thứ Bốn: Càng sống khiêm nhượng hơn khi có một vị môi giới với Chúa Kitô

?  "Trong lĩnh vực thần học những thành tích ngài đã đạt được đã thu hút sự quan tâm của cơ quan mật vụ của chính quyền Cộng sản".

? “NGƯƠI ĐANG Ở ĐÂU?” (Genesis 3:9): Làm sao để có thể giữ mình sạch tội?

 

 

 

?  Nguyên Tắc Thứ Bốn: Càng sống khiêm nhượng hơn khi có một vị môi giới với Chúa Kitô

Thánh Long Mộng Phố: Nguyên  Tác "Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria"

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển  dịch từ ấn  bản Anh ngữ

83.          Việc tiến đến với Thiên Chúa qua một vị trung gian môi giới hơn là tự mình trực tiếp đến với Ngài là điều trọn lành hơn, vì cần phải có lòng khiêm nhượng hơn. Bản tính loài người của chúng ta, như tôi vừa trình bày, bị hư hoại tới độ nếu chúng ta cậy dựa vào việc làm của mình, nỗ lực của mình và khả năng của mình để tiến  tới với Thiên Chúa và làm hài lòng Ngài, thì chắc chắn các việc lành của chúng ta sẽ bị ô uế và ít có giá trị trước nhan Ngài. Những việc làm ấy của chúng ta sẽ không khiến Ngài liên kết với chúng ta hay đáp ứng những lời nguyện cầu của chúng ta. Thiên Chúa có những lý do của Ngài về việc ban cho chúng ta thành phần môi giới đối với Ngài. Ngài thấy cái bất xứng và bất lực của chúng ta, và đã thương hại chúng ta. Để chúng ta có thể đến với lòng xót thương của Ngài, Ngài đã ban cho chúng ta thành phần biện hộ quyền uy, đến nỗi nếu chúng ta coi thường thành phần môi giới ấy mà trực tiếp tiến đến với sự thánh thiện vô cùng của Ngài, không cần đến sự trợ giúp của bất kỳ một ai nào trong các vị ấy là chúng ta chắc chắn thiếu lòng khiêm nhượng và tôn kính đối với Thiên Chúa là Đấng quá cao cả và thánh hảo. Như thế có nghĩa là chúng ta tỏ ra ít coi trọng một Đức Vua trên hết các vua hơn là đối với một vị vua chúa trần gian này, vì chúng ta không dám tiến đến với một vị vua trần gian nếu không nhờ một người bạn nói cho chúng ta.

 

84.          Chúa Kitô là Đấng Biện Hộ của chúng ta và là Đấng Trung Gian cứu chuộc của chúng ta đối với Thiên Chúa Cha. Chính nhờ Người mà chúng ta phải nguyện cầu cùng với toàn thể Hội Thánh, cả Hội Thánh chiến thắng lẫn Hội Thánh chiến đấu. Chính nhờ Người mà chúng ta có thể đến với Thiên Chúa Cha. Chúng ta không bao giờ được xuất hiện trước nhan Thiên Chúa là Cha của chúng ta, trừ phi chúng ta được hỗ trợ bởi các công nghiệp của Con Ngài, và, có thể nói, được mặc lấy những công nghiệp ấy, như thanh niên Giacóp mặc lấy da của những con dê non, khi anh ta đến trước Isaac cha mình để lãnh nhận việc chúc phúc của ông.

 

85.          Thế nhưng, phải chăng chúng ta hoàn toàn không cần một vị môi giới với chính Đấng Trung Gian? Chúng ta có tinh tuyền đủ để trực tiếp liên kết với Chúa Kitô mà không cần trợ giúp gì hay chăng? Chúa Giêsu lại không phải là Thiên Chúa, hoàn toàn ngang hàng với Cha hay sao? Bởi thế, Người không phải là Đấng Chí Thánh, có quyền được tôn kính giống như Cha của Người hay sao? Phải chăng vì tình yêu thương vô cùng của mình, Người đã trở nên sự bảo toàn của chúng ta và là Đấng Trung Gian của chúng ta đối với Cha của Người, Đấng Người muốn bù đắp để cứu chuộc chúng ta khỏi các thứ nợ nần của chúng ta, mà chúng ta vì thế được quyền tỏ ra ít tôn kính và ít coi trọng sự uy nghi cùng sự thánh thiện của ngôi vị Người hay sao?

 

Chúng ta đừng sợ cùng với Thánh Bênađô nói rằng chúng ta cần một vị môi giới đối với chính Vị Môi Giới, mà Mẹ Maria được Thiên Chúa trân trọng là vị có thể làm trọn sứ vụ yêu thương này nhất. Nhờ Mẹ Chúa Giêsu đã đến với chúng ta; nhờ Mẹ chúng ta cần phải đến với Người. Nếu chúng ta sợ trực tiếp đến với Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa, vì sự cao cả vô cùng của Người, hay vì thân phận thấp hèn của chúng ta, hoặc vì tội lỗi của chúng ta, thì chúng ta đừng sợ nài xin sự trợ giúp và chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta. Mẹ từ ái, dịu dàng, không có gì là thô bạo hay ghê gớm, không quá cao sang và quá rạng ngời. Khi chúng ta thấy Mẹ là chúng ta thấy nhân tính của chúng ta ở mức độ tinh tuyền nhất. Mẹ không phải là mặt trời, chói lòa thị lực yếu kém của chúng ta bằng tia sáng rạng ngời của nó. Trái lại, Mẹ mỹ lệ và dịu hiền như mặt trăng, một tinh cầu lãnh nhận ánh sáng của nó từ mặt trời, rồi làm dịu ánh sáng ấy lại, thích ứng ánh sáng này với tầm thu nhận hạn hẹp của chúng ta.

 

Mẹ tràn đầy yêu thương đến độ không ai kêu xin Mẹ chuyển cầu mà lại bị phủ nhận chối từ, bất kể họ có tội lỗi đến thế nào chăng nữa. Các thánh nhân nói rằng từ khi có thế gian này chưa từng thấy ai tin tưởng kiên tâm chạy đến cùng Đức Mẹ mà lại bị ruồng bỏ. Quyền uy của Mẹ lớn lao tới độ những lời nguyện cầu của Mẹ không bao giờ bị chối từ. Mẹ chỉ việc trình lên Con Mẹ lời nguyện cầu thì Người lập tức đón nhận Mẹ và làm thỏa đáng những gì Mẹ yêu cầu. Người luôn tỏ ra cảm kích trước những lời nguyện cầu từ Người Mẹ yêu dấu của Người là vị đã cưu mang Người và dưỡng nuôi Người. 

 

86.          Tất cả những điều này được xuất phát từ Thánh Bênađô và Bonaventura. Theo các vị, chúng ta cần thực hiện ba bước để tiến tới Thiên Chúa. Bước thứ nhất, gần chúng ta nhất và hợp với khả năng của chúng ta nhất, đó là Mẹ Maria; bước thứ hai là Chúa Giêsu Kitô; bước thứ ba là Thiên Chúa Cha. Để đến với Chúa Giêsu chúng ta cần phải đến với Mẹ Maria là vị trung gian chuyển cầu của chúng ta. Để đến với Thiên Chúa Cha, chúng ta  cần phải đến với Chúa Giêsu là Đấng Trung Gian cứu chuộc của chúng ta. Trật tự này hoàn toàn được tuân theo nơi lòng sùng kính tôi sẽ nói đến sâu rộng hơn nữa.

 

 

TOP

 

 

?  "Trong lĩnh vực thần học những thành tích ngài đã đạt được đã thu hút sự quan tâm của cơ quan mật vụ của chính quyền Cộng sản".

Vị Giáo Chủ Giáo Hội Balan lên tiếng bênh vực cho ĐGM Wielgus

 

Warsaw, Ba Lan, ngày 12.1.2007 – Đây là phần trích lại bài diễn văn của ĐHY Józef Glemp, Giáo Chủ Giáo Hội Balan, trong đó ngài đã lên án cách giới truyền thông đã đối xử với ĐGM Stanislaw Wielgus.

 

ĐGM Wielgus đáng lẽ được nhận chức đảm nhiệm Tổng giáo phận Warsaw ngày Chúa Nhật, nhưng thay vào đó, ĐGH Benedictô đã chấp thuận đơn từ chức của ngài sau khi ngài thừa nhận đã từng hợp tác với Cơ quan An ninh Cộng sản trong Bộ Nội Vụ tại Ba Lan.

 

***

 

Chúa Nhật này được gọi là Chúa Nhật mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Mùa Giáng Sinh kết thúc và năm phụng vụ khởi đầu với các Thánh Lễ và nghi thức phụng vụ nói về các hoạt động của Đức Kitô hướng đến việc thiết lập Hội Thánh khi Ngài còn ở thế gian. Nhưng Chúa Nhật này còn được gọi là Chúa Nhật với chủ đề tôi tớ của Chúa.

 

….

 

ĐGM Wielgus có thể đứng giữa những người mà chúng ta cho là tôi tớ của Chúa. Đúng thế! ĐGM Wielgus là tôi tớ của Chúa. Trong đời sống của ngài, ngài đã từng phải đối phó với nhiều tình huống khó khăn, nhưng sự thăng trầm này giúp hình thành con người, tạo khả năng cho ta thấu hiểu sự nương tựa vào Chúa, và đồng thời, để nhận ra sự dữ dễ dàng hơn.

 

Theo lý lịch của ĐGM Wielgus chúng ta biết được ngài rất yêu lĩnh vực khoa học, đặc biệt là thần học, là môn khoa học của Giáo hội. Và trong lĩnh vực thần học những thành tích ngài đã đạt được đã thu hút sự quan tâm của cơ quan mật vụ của chính quyền Cộng sản. Cơ quan mật vụ này là gì? Họ là một tổ chức, một thể chế của nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, họ theo dõi “bản tính đúng đắn” của công dân.

 

Họ quyết tâm không để cho cấp trung lưu phát triển quá lớn, quá nhiều lệch lạc trong tư tưởng, quá nhiều sự sùng đạo; nói tóm, họ cố đào tạo con người theo mô hình Mác-Lenin đã được áp đặt. Đây là một tổ chức rất lớn đã thấm nhuần vào toàn thể xã hội, đặc biệt giới giáo sĩ, mà được xem là thành phần độc lập và yêu nước nhất.

 

Tư tưởng cộng sản, giống như một chiếc xe lăn làm đường chạy băng qua lương tâm của người Ba Lan, san bằng mọi thứ thành một lớp xã hội chủ nghĩa. Ở Ba Lan, chiếc xe lăn làm đường này không dữ dằn như ở các nước Cộng sản khác, nhưng nó hoạt động khắp nơi, và đặc biệt đi vào tầng lớp người thông minh và ưu tú nhất, là thành phần họ muốn chế ngự.

 

Rất tiếc các phương pháp hành động và chiến lược của cơ quan mật vụ không còn biết đến ngoại trừ qua các câu chuyện. ĐGM Wielgus bị rơi vào cơn lốc này vì ngài là một linh mục cần cù. Một linh mục cần cù không được ưa thích, vì thế ngài đã bị chỉ trích.

 

Ngày nay, trong sự vội vàng người ta đã cho rằng ngài đã tham gia vào những sự việc này, nhưng chúng ta không biết những áp lực gì ngài đã phải chịu, những phương pháp gì đã được dùng để buộc ngài phải ký kết hợp đồng, việc mà về luật pháp là bất hợp lý vì điều đó diễn ra dưới sự nạt nộ và hăm dọa. Ngày nay người ta chỉ nói về sự kiện mà không suy  nghĩ về những tình thế. Ngoài ra, chúng ta không biết những cách gì cơ quan mật vụ loại trừ người tôi tớ mà họ cho là vô dụng. Các tài liệu không nói bất cứ điều gì về việc này.

 

Trong lúc này có sự phán đoán về con người của ĐGM Wielgus. Nhưng đó là sự phán đoán như thế nào nếu nó chỉ được dựa trên những mảnh giấy và các tài liệu đã được sao đi sao lại ba lần? Chúng ta không muốn có những phán đoán và những tòa án như vậy. Nếu có những lời tố cáo một cá nhân, nó phải được trình bày và người bị tố cáo phải có cơ hội để bào chữa cho chính mình. Tuy nhiên, trước hết phải có những người bào chữa, người làm chứng, các tài liệu được trình để xác minh tính xác thật.

 

Trong trường hợp của ĐGM Wielgus, tiến trình này đã không có. Sự phán đoán về ngài đã không xuất phát từ bất cứ tòa án nào! ĐGM Wielgus bị buộc phải hợp tác do sự đe dọa và tra tấn. Tại sao ngày nay những kẻ áp bức ngài không đứng ra làm chứng? Người ta ước lượng có hàng nghìn người trước đây là thành viên của mật vụ, là những người bây giờ đang có công việc tốt. Tại sao không ai trong họ được mời để làm chứng?

 

[…]

 

Hiện nay, trước các trường hợp tương tự, khó cho chúng ta có thể tin vào sự nghiêm túc của Thể chế ký ức quốc gia. Những gì được thu gom và soạn thảo bởi các cơ quan Cộng sản không thể là một lời tiên tri; nó không thể và không được là nguồn duy nhất cung cấp thông tin về các công dân. Điều này sẽ quá nông cạn và thiếu chân thật.

 

Kính thưa anh chị em: Để đánh giá xem ai quả thực là tôi tớ của Chúa, Giáo hội không dựa chính mình duy vào một quá khứ trong sáng. Quá khứ còn thuộc về Chúa, là Đấng có thể tha thứ kẻ thống hối. Điều này không chỉ nói đến các linh mục nhưng tất cả mọi người mà không phải phân biệt.

 

Nói chung, ta có thể nói rằng Chúa, trong chiến lược kêu gọi các tôi tớ của Ngài, áp dụng các tiêu chuẩn khác biệt với chúng ta và tìm ra những tính chất khác nơi con người. Tôi muốn nhắc lại một sự kiện để miêu tả sự kêu gọi này.

 

Chúa Giêsu đã chọn ông Phêrô làm đầu Hội Thánh và các tông đồ. Nhưng thánh Phêrô không phải là một con người không mắc vết nhơ, nhưng ngược lại: Cuộc sống của ngài chứa đầy những yếu đuối và thiếu vững chắc. Ngoài ra, ngài còn là một người tư vấn kém cỏi. Vì thế ông Phêrô đã chối Chúa. Nhưng sau đó ông đã khóc than và Chúa đã hỏi ông một câu hỏi: “Phêrô, con có yêu ta không?” Chúa Giêsu đã trao cho ông chức vị là chủ chiên tối cao của “đàn chiên” của Ngài khi Ngài nghe câu trả lời của ông Phêrô: “Con yêu Ngài. Ngài biết con yêu Ngài”. Ở đây ta thấy được tiêu chuẩn!

 

Kính thưa anh chị em: Giáo hội được nhận thức như thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô, mặc dầu chiều kích thế trần của thân thể hiện hữu. Chúng ta là những thành viên sống, qua chúng ta ân sủng được truyền đi, mà ân sủng là sự tốt đẹp cao cả của Thiên Chúa. Chúng ta là các tư tế đã được tuyển chọn từ cộng đoàn và được làm giống như người trong cộng đoàn.

 

Nhưng chúng ta được kêu gọi để phục vụ cộng đoàn qua Đức Kitô. Vì thế, chúng ta bám sát Đức Kitô trong những khoảnh khắc khó khăn. Rất dễ để “cho chiên ăn” khi chúng nghe ta, nhưng không vậy khi chúng chống đối, mặc dầu các nguyên tắc luôn giống nhau, đặc biệt nguyên tắc về lòng bác ái. Chúng ta yêu mến Đức Kitô và thể hiện lòng bác ái của Ngài bao nhiêu, thì chúng ta càng trở nên những linh mục và chủ chiên tốt đẹp bấy nhiêu.

 

Rev Antôn Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch 

 

 

 

TOP

 

 

? “NGƯƠI ĐANG Ở ĐÂU?” (Genesis 3:9): Làm sao để có thể giữ mình sạch tội?

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

(tiếp 8 Thứ Năm)

Muốn giữ mình sạch tội, bao gồm cả việc chừa những tội cũ và phòng ngừa những tội mới, theo kinh nghiệm sống đạo và gương các thánh nhân cho thấy, cần phải thực hiện tiến trình tứ diện sau đây: tránh lánh dịp tội, hãm mình khổ chế, năng chịu bí tích, và cầu nguyện liên lỉ.

Tránh lánh dịp tội

Thật ra, tránh lánh dịp tội ở đây không phải là hành động trực tiếp liên quan đến hoàn cảnh hay môi trường sống cho bằng đến chính bản thân yếu đuối lại hướng hạ của chúng ta. Bởi vì, chính Chúa Giêsu đã khẳng định vấn đề này khi khuyên dạy các môn đệ rằng nếu mắt mũi chân tay là những gì thuộc về bản thân con người gây rắc rối hay dịp tội cho họ thì hãy móc nó ra, chặt nó đi v.v. (xem Mathêu 5:29-30), chứ Người không nói nếu người nữ nên dịp tội cho các con thì các con hãy giết đi, hay không nói nếu truyền hình gây dịp tội cho các con thì các con hãy đập nó đi v.v. Theo Người, những gì gây dịp tội cho con người chúng ta, nhất là hành động của con người, (như việc ăn mặc khêu gợi nơi người này sinh ra nhục dục nơi người khác, hay như việc lành phúc đức của người này sinh ra ghen tương ác cảm nơi người khác v.v.), đều có thể được kể vào số gương mù (scandal) trên thế gian, những gì thế gian không thể nào không có hay tránh được (xem Mathêu 18:7).

Như thế, việc tránh lánh dịp tội ở đây có nghĩa là làm sao để chúng ta là con người mang đầy sẵn những mầm mống tội lỗi và luôn xu hướng về những điều xấu xa có thể chủ mình được mình, đặc biệt là trong vấn đề hãm dẹp ngũ quan, tức là làm sao để chúng ta có thể sống đời hãm mình khổ chế. Ở đây chúng ta thấy, tất cả mọi sự được Chúa dựng nên là tốt lành (xem Genesis 1:31; 1Timothy 4:4), nhưng sở dĩ một số nào trong chúng trở thành xấu bởi tác dụng tiêu cực của nó nơi chúng ta là vì tại tỳ vị yếu kém của chúng ta, nếu xét theo thể lý, hay tại tâm hồn yếu đuối của chúng ta, nếu xét theo luân lý. Đó là lý do, chỉ vì lợi ích của mình mà chúng ta cần phải kiêng lánh những gì không hợp với chúng ta.

Hãm mình khổ chế

Hãm mình khổ chế đây, trước hết, là việc kiêng cử những thứ không hợp với mình, vì tỳ vị của mình hay bản thân của mình bị kỵ ứng hay có phản ứng xấu. Chẳng hạn như trường hợp thân xác chúng ta bị những chứng bệnh như cao máu (high blood pressure) cần phải kiêng mặn, như tiểu đường (diabetes) cần phải kiêng ngọt, như cao mỡ (cholesterol) cần phải kiêng đồ biển v.v. Trên đường thiêng liêng hay đời sống đạo cũng thế, có những sự tự bản chất của nó là tốt mà chúng ta vẫn phải kiêng lánh, bởi chúng chẳng những không có lợi mà còn tác hại cho tâm hồn của chúng ta.

Chẳng hạn như việc coi những màn truyền hình đấm bốc (boxing) hay đô vật (wrestling), chúng ta dễ cảm thấy thích thú khi thấy người ta bị đánh đập, dù chỉ ở trên màn ảnh nhỏ chứ không phải có thật, là một thứ cảm tình lỗi đức bác ái, chúng ta không nên coi nữa, giống như trường hợp chúng ta bỏ không coi những màn truyền hình khêu gợi tình dục vậy.

Ngoài ra, hãm mình khổ chế đây không phải chỉ là vấn đề kiêng lánh những gì có thể gây tai hại cho đời sống thiêng liêng của chúng ta, mà còn là việc chúng ta có thể tự động bỏ đi hay kiêng lánh những gì không cần thiết hay không hợp cho lắm đối với đời sống nhân đức trọn lành.

Chẳng hạn, không coi truyền hình trong Mùa Chay, kiêng thịt hay không uống rượu/bia hoặc hút thuốc vào các Ngày Thứ Sáu hằng tuần v.v. Ngoài ra, chúng ta có thể ngồi vào giữa hàng ghế trong nhà thờ, thay vì thích ngồi ở ngoài bìa, vừa để nhường chỗ thuận lợi cho người khác đến sau vừa để làm chủ mình; hay chúng ta đậu xe xa xa ở bất cứ bãi đậu xe nào, thay vì tìm cách đậu gần, để vừa nhường chỗ cho người khác vừa được dịp hãm mình đi bộ; hoặc chúng ta lái xe với tốc độ trên 5 dặm (mile) một giờ ở những xa lộ cho lái với tốc độ tối đa (maximum speed) là 65, thay vì lái 80 hay 90 một giờ, để vừa cầm hãm tính vội vàng và ham tốc độ, vừa đề phòng tai nạn xẩy ra cho mình cũng như cho người v.v.

Đời sống tu trì hiến thân theo Chúa là một thí dụ điển hình cho việc muốn nên trọn lành cần phải bỏ mọi sự con người được quyền hưởng theo tự nhiên, như tình yêu hôn nhân, quyền sở hữu chủ và ý muốn tự do. Tóm lại, để chứng tỏ chúng ta bắt đầu hay phần nào lòng khao khát nhân đức trọn lành của mình, chúng ta có thể không làm những gì chúng ta thích hay quen, hoặc làm những gì chúng ta không thích hay quen.

Nếu chúng ta có thói quen thực hiện những việc hãm mình khổ chế tự động và tích cực này sẵn sàng, thì chúng ta chẳng những có thể dễ dàng thắng vượt được các dịp tội mà còn, khi đau khổ trái bất ngờ xẩy đến, chúng ta cũng dễ chịu hơn.

Năng chịu bí tích

Tuy nhiên, thực tế phũ phàng về con người của chúng ta, như Chúa Giêsu xác đáng nhận định và thông cảm, đó là “tinh thần thì linh hoạt nhưng bản chất lại yếu nhược” (Mathêu 26:41). Đúng thế, cho dù chúng ta có thực sự nhận biết tội lỗi của mình, nhất là sau đó có hết lòng ăn năn dốc lòng chừa và tìm hết cách để chừa tội và sạch tội, chúng ta vẫn thấy mình, như kinh nghiệm sống đạo vốn chứng thực, sa đi ngã lại cùng một tội được chúng ta xưng đi xưng lại nhiều lần. Thánh Phêrô vừa thề thốt sống chết với Thày đó đã trắng trợn chối bỏ Thày mình một cách phũ phàng đúng như lời Thày đã nói trước với ngài (xem Luke 22:33-34; 54-62).

Để đền tội chối Thày 3 lần, Thánh Phêrô đã phải tuyên xưng tình yêu của mình đối với Thày cũng 3 lần (xem John 21:15-17). Đó là lý do, qua cảm nghiệm này, Thánh Phêrô đã bày tỏ niềm xác tín của mình như sau: “tình yêu khỏa lấp muôn vàn tội lỗi” (1Peter 4:8). Bởi thế, muốn chừa tội và giữ mình sạch tội, Kitô hữu chúng ta cần phải tỏ ra yêu mến Chúa nhiều hơn. Vì càng yêu nhau, người ta càng sợ không dám làm mất lòng nhau, dù là điều nhỏ mọn nhất. Chính tình yêu là động lực khiến cho chúng ta sống thanh sạch xứng đáng với người mình yêu và hiệp thông với người mình yêu. Về phương diện tu đức, việc yêu mến Chúa đây, trước hết và trên hết, được tỏ ra nơi việc gắn bó với Người bằng cách năng chịu các phép bí tích của Người, nhất là Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể, những Bí Tích Thần Linh có hiệu năng tăng cường Quyền Lực Phục Sinh của Người (xem Mathêu 28:18) nơi chúng ta, để chúng ta càng ngày càng nên một với Chúa và trở thành chứng nhân sống động của Người.

Một tâm hồn có thói quen xưng tội thường xuyên hằng tuần, ít là hằng tháng (vào các ngày Thứ Sáu đầu tháng hay Thứ Bảy đầu tháng chẳng hạn), và tìm cách tham dự Thánh Lễ hằng ngày để được hiệp lễ, hay hễ bao giờ có dịp là dự lễ, hoặc ít ra một khi không tham dự được lễ hằng ngày, họ cũng hết sức chú trọng đến Lễ Chúa Nhật, bằng cách đến sớm để dọn mình trước lễ và về muộn để tạ ơn sau lễ, thì tâm hồn ấy, như thực tế cho thấy, có thể nói rằng, chẳng những ít phạm tội hơn mà còn hăng hái tham gia vào các hoạt động tông đồ nhiều hơn.

Liên lỉ nguyện cầu

Tuy nhiên, việc yêu mến Chúa không phải chỉ hệ tại việc gần gữi với Chúa Giêsu qua phụng vụ, ở chỗ năng chịu các bí tích, nhất là Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể, mà còn ở tại việc liên lỉ cầu nguyện nữa. Tại sao? Thực tế cho thấy, không phải đã là linh mục dâng lễ hằng ngày mà mọi linh mục đều sống thánh thiện, không gây ra gương mù gương xấu cho giáo dân và xã hội. Có những giáo dân đi lễ và rước lễ hằng ngày, chẳng những thế còn đọc kinh gia đình cả giờ đồng hồ mỗi ngày vào buổi tối, thế mà khi thấy đứa con gái của mình chửa hoang liền xui phá đi, để giữ mặt mũi cho cha mẹ vốn có tiếng là đạo đức.

Đó là lý do chúng ta thấy vấn đề cử hành phụng vụ, một hành động được giao tiếp với Mầu Nhiệm Thánh, được giao tiếp với chính Chúa Kitô Bí Tích, và việc đọc kinh cầu nguyện của chúng ta, một tác động chúng ta tiếp tục tác động phụng vụ của Giáo Hội để tôn vinh chúc tụng tạ ơn và xin ơn Chúa, cần phải có chiều sâu là chính lòng muốn của con người, bằng không, như Chúa Giêsu đã dùng lời tiên tri Isaia mà trách cứ chúng ta như Người đã thẳng thắn khiển trách thành phần Pharisiêu giả hình là “dân này thờ kính Ta bằng môi mép, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mathêu 15:8; Isaia 29:13).

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là, làm sao chúng ta có lòng để cầu nguyện, hay cầu nguyện rồi chúng ta mới có lòng? Thật vậy, chính vì lòng của chúng ta xu hướng về điều xấu, về tội lỗi là những gì làm cho chúng ta xa Chúa, mà chúng ta khó lòng cầu nguyện hay cầu nguyện một cách hết sức chia trí. Nhưng cũng chính vì thế, vì khó lòng cầu nguyện, lại dễ sa ngã phạm tội, mà chúng ta cần có Chúa, cần có ơn Chúa, chúng ta mới có thể giữ mình sạch tội và sống thánh, tức là chúng ta cần phải đến với Chúa bằng việc liên lỉ cầu nguyện.

Thật ra, chúng ta không thể liên lỉ cầu nguyện bằng việc ở trong nhà thờ cả ngày hay bằng việc lần chuỗi mân côi mấy chục tràng từ sáng tới tối. Nếu việc cầu nguyện liên lỉ đây chính là và thực sự là tác động Khao Khát Thần Linh của lòng muốn chúng ta, thì lúc nào chúng ta cũng có thể cầu nguyện được, và bất cứ sự gì xẩy ra trong cuộc đời chúng ta, nhất là Thánh Giá đau khổ, cũng có thể tác động để chúng ta hướng về Chúa và khao khát Chúa là nguyên ủy và là cùng đích của chúng ta. Thái độ cầu nguyện liên lỉ của chúng ta đó là làm sao để cho mình luôn tỉnh thức, bằng ý hướng ngay lành trong mọi việc làm, cũng như bằng một tâm hồn đơn sơ dễ dậy luôn tìm ý Chúa và làm theo ý Ngài, thì bất cứ lúc nào Ngài tỏ mình ra cho chúng ta qua những dấu chỉ thời đại, chúng ta đều có thể “nguyện Danh Cha cả Sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Một khi chúng ta đã ở trong trạng thái tỉnh thức và sẵn sàng chờ Thiên Chúa đến bất cứ lúc nào như thế thì vị trí “Ngươi đang ở đâu?” của chúng ta là đang ở trước nhan Thiên Chúa rồi vậy.

(còn tiếp)

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ