GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BẢY 12/5/2007 PHỤC SINH TUẦN 5 |
? Huấn Từ của ĐTC Biển Đức XVI ngỏ cùng Giới Trẻ chiều ngày 10/5/2007: “Giới trẻ là thành phần vai chính đầu tiên của ngàn năm thứ ba… họ là những người sẽ mang lấy trách nhiệm trước định mệnh của giai đoạn lịch sử loài người mới này”
? Biến Cố Fatima Mừng Kỷ Niệm 90 Năm: 10 Vấn Nạn Nhập Cuộc
? “Cỏ Lùng Trong Ruộng”: “Lừa Được Nhiều Người”
“Giới trẻ là thành phần vai chính đầu tiên của ngàn năm thứ ba… họ là những người sẽ mang lấy trách nhiệm trước định mệnh của giai đoạn lịch sử loài người mới này”
Tông Du Ba Tây: Huấn Từ của ĐTC Biển Đức XVI ngỏ cùng Giới Trẻ chiều ngày 10/5/2007
Các bạn trẻ thân mến!
“Nếu anh muốn nên trọn lành thì hãy về bán đi tất cả những gì anh có mà cho kẻ khó… rồi hãy đến mà theo Tôi” (Mt 19:21).
1. Tôi đặc biệt muốn bao gồm việc gặp gỡ các bạn trong cuộc tông du thứ nhất của tôi ở Mỹ Châu La Tinh này. Tôi tới để khai mạc Tổng Nghị lần thứ năm của Các V ị Giám Mục Mỹ Châu La Tinh mà theo tôi muốn sẽ được tổ chức ở Aparecida Ba Tây đây, tại một Đền Thánh của Đức Mẹ. Chính Mẹ là Vị dẫn chúng ta tới chân Chúa Giêsu, để chúng ta có thể học biết các giáo huấn của Người về Vương Quốc của Thiên Chúa, và cũng chính Mẹ là Vị đã thúc đẩy chúng ta trở thành những thừa sai hầu dân chúng của “Châu Lục của Niềm Hy Vọng” này được hưởng một sự sống viên trọn nơi Người.
Trong Cuộc Họp Chung của mình năm ngoái, các vị Giám Mục của các bạn ở Ba Tây đây đã chia sẻ về đề tài truyền bá phúc âm hóa cho giới trẻ và các vị đã trao cho các bạn một văn kiện. Các vị đã xin các bạn hãy tiếp nhận văn kiện ấy và hãy thêm thắt các suy tư của các bạn vào đó qua thời gian trong năm. Tại Cuộc Họp chung vừa rồi của mình, các vị Giám Mục trở lại đề tài này, một đề tài đã được phong phú hóa bởi việc hợp tác của các bạn, hy vọng rằng những suy tư và hướng dẫn được đề ra trong đó sẽ trở thành một tác lực và là một hải đăng cho cuộc hành trình của các bạn. Những lời lẽ của Đức Tổng Giám Mục São Paulo và của vị Giám Đốc việc Chăm Sóc Mục Vụ cho Giới Trẻ, tôi xin gửi lời cám ơn đến cả hai, đã là những gì củng cố cái tinh thần tác động tâm can của các bạn.
Trong khi bay trên mảnh đất của Ba Tây tối hôm qua, tôi đã hướng đến cuộc hội ngộ của chúng ta ở Vận Động Trường Pacaembu đây hôm nay, nao nức được ôm ghì lấy tất cả các bạn theo kiểu cách Ba Tây và chia sẻ với các bạn những cảm thức tôi ấp ủ tận thâm tâm của mình, những cảm thức đã được nói đến rất thích hợp với chúng ta trong bài Phúc Âm hôm nay.
Tôi hằng cảm thấy một niềm vui rất đặc biệt ở những cuộc hội ngộ này. Tôi đặc biệt nhớ đến Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX mà tôi đã chủ sự 2 năm trước đây ở Đức quốc. Một số trong các bạn có mặt ở đây hôm nay cũng hiện diện bấy giờ nữa! Thật là một hồi niệm cảm động đối với tôi về những hoa trái dồi dào của ơn Chúa đã tuôn đổ xuống trên những ai ở đó. Trong nhiều hoa trái ấy, tôi không ngần ngại nói tới thứ hoa trái đầu tiên đó là cái cảm quan huynh đệ rạng ngời được tỏ hiện ra như là một chứng từ rõ ràng cho thấy sinh lực trường tồn của Giáo Hội ở khắp nơi trên thế giới.
2. Các bạn thân mến, vì lý do ấy, tôi tin tưởng rằng hôm nay đây những ấn tượng tương tự như thế ở Đức quốc tôi có được sẽ được tái diễn nơi đây. Vào năm 1991, trong chuyến viếng thăm của mình ở Mato Grosso, Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II đáng kính nhớ của tôi đã nói rằng: “giới trẻ là thành phần vai chính đầu tiên của ngàn năm thứ ba… họ là những người sẽ mang lấy trách nhiệm trước định mệnh của giai đoạn lịch sử loài người mới này” (16/10/1991). Hôm nay, tôi cảm thấy được thúc đẩy để có cùng nhận định ấy về tất cả các bạn.
Đời sống Kitô hữu được các bạn sống ở nhiều giáo xứ và ở các cộng đồng giáo hội nhỏ, ở các đại học đường, ở các trường cao đẳng và các trường học, nhất là ở những nơi làm việc cả trong thành phố lẫn miền quê, chắc chắn là những gì làm hài lòng Chúa. Thế nhưng thậm chí cần phải đi xa hơn thế nữa. Chúng ta không bao giờ có thể nói là “đủ” được, vì tình yêu của Thiên Chúa thì vô cùng, và Chúa đã xin chúng ta – đúng hơn – đòi hỏi chúng ta phải mở lòng mình ra cho rộng lớn để giành chỗ hơn nữa cho yêu thương, thiện hảo và thông cảm với anh chị em của mình, cũng như cho các vấn đề liên quan chẳng những tới cộng đồng nhân loại mà còn đến cả vấn đề hiệu nghiệm bảo trì cùng bảo vệ môi trường thiên nhiên trong đó có tất cả chúng ta. “Các cánh rừng của chúng ta được sự sống hơn nữa”: đừng để cho ngọn lửa của niềm hy vọng này được bài Quốc Ca vang lên từ môi miệng của các bạn bị tắt lịm đi. Tình trạng môi trường ở Amazon Basin bị tàn phá và những mối đe dọa phạm đến phẩm giá của thành phần dân chúng sống trong miền này cần đến một cuộc dấn thân trong các lãnh vực hoạt động khác nhau hơn cả những gì xã hội vốn nhìn nhận.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 10/5/2007
? Biến Cố Fatima Mừng Kỷ Niệm 90 Năm: 10 Vấn Nạn Nhập Cuộc
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Chúa Nhật 13/5/2007 mai là dịp mừng kỷ niệm Biến Cố Fatima đúng 90 năm. Nói đến Fatima người Công Giáo chúng ta liền nghĩ đến Ba Mệnh Lệnh Fatima là Cải Thiện Đời Sống, Lần Hạt Mân Côi và Tôn Sùng Mẫu Tâm, hơn là đến Bí Mật Fatima và Thiếu Nhi Fatima. Thậm chí có người còn nói nếu Fatima liên quan tới Nước Nga, mà Nước Nga đã trở lại rồi thì Fatima đã hết thời rồi. Thật ra, nếu nghiên cứu kỹ lưỡng, người ta không thể phủ nhận Fatima quả thực là một dấu chỉ thời đại cho thấy dự án thần linh liên quan tới phần rỗi của các linh hồn cũng như tới hòa bình thế giới. Trong năm kỷ niệm 90 năm Biến Cố Fatima, Thời Điểm Maria sẽ chia sẻ những kỳ diệu nơi Biến Cố Fatima mỗi tháng vào thời điểm chung quanh ngày 13, từ tháng 5 tới tháng 10, để chúng ta có thể cùng nhau đáp ứng những gì Trời Cao mong muốn ở Fatima. Để mở màn cho loạt bài Fatima cần thiết và ý nghĩa này, chúng ta hãy cùng nhau làm sáng tỏ 10 vấn nạn về Fatima sau đây.
Vấn đề thứ 1: “Tại sao Đức Mẹ lại hiện ra vào năm 1917 mà không phải một năm nào khác, trước đó hay sau đó?”
Xin thưa: Vì năm 1917 là năm xẩy ra một biến cố lịch sử rất quan trọng liên quan tới Nước Nga, là quốc gia, theo quan phòng thần linh, Thiên Chúa muốn dùng để thực hiện ý định của Ngài trong việc “thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, đó là biến cố Cách Mạng Nga, một biến cố đã làm cho Nước Nga từ đó trở thành một nước cộng sản. Ngoài ra, năm 1917 còn trực tiếp liên quan tới văn minh Âu Châu và gián tiếp tới Hồi Giáo, vì năm 1917 là năm gần kết thúc Thế Chiến I (1914-1918). Thế Chiến I liên quan tới văn hóa Âu Châu là vì Âu Châu vẫn được gọi là châu lục Kitô Giáo, đã từng sống yêu thương bác ái trọn hảo của Chúa Kitô và truyền bá phúc âm yêu thương này khắp thế giới, lại là một châu lục đang diễn ra cảnh tàn sát lẫn nhau. Thế Chiến I gián tiếp liên quan tới Hồi Giáo ở chỗ Đế Quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, phe trục với Đức quốc, đã bị thua trận và hết thời đế quốc này.
Vấn đề thứ 2: “Tại sao Mẹ Maria lại chọn hiện ra vào ngày 13 trong tháng, và tại sao Mẹ lại cứ nhất định phải hiện ra vào ngày 13 trong 6 tháng liền, từ Tháng 5 tới Tháng 10 cùng năm, mà không trước hay sau đó, hoặc cách ra, hoặc nhiều hơn 6 lần hay ít hơn 6 lần?”
Xin thưa: Sở dĩ Mẹ Maria chẳng những chọn ngày 13 trong tháng để hiện ra, mà còn ấn định 6 ngày 13 trong 6 tháng liền, là vì ngày 13 này liên quan tới lịch sử Giáo Hội, và thời khoảng 6 tháng liền, từ tháng 5 đến tháng 10 có liên quan tới lịch sử Nước Nga. Ngày 13 trong tháng liên quan tới lịch sử Giáo Hội, ở chỗ, ngày 13/5/1917, Đức Thánh Cha Piô XII bấy giờ được tấn phong giám mục, và ở chỗ ngày 13/5/1981, Đức Gioan Phaolô II đã bị ám sát chết hụt ở Quảng Trường Thánh Phêrô. Thời khoảng 6 tháng liền, từ tháng 5 tới tháng 10 cùng năm, là vì, tháng 4 trước đó 1 tháng, Lenin từ hải ngoại về Nga để sửa soạn cuộc Cách Mạng Tháng 10, một cuộc cách mạng đã thành công ngày 7/11, thời điểm xẩy ra sau một tháng Biến Cố Fatima kết thúc cùng năm 1917.
Vấn đề thứ 3: “Tại sao Bí Mật Fatima có ba phần, ba phần này là gì, và ba phần ấy có liên hệ gì với nhau hay chăng?”
Xin thưa: Bí Mật Fatima là những gì Mẹ Maria tiết lộ cho 3 Thiếu Nhi Fatima biết, có nội dung liên quan đến phần rỗi của nhân loại. Bởi thế mà phần thứ nhất của Bí Mật Fatima là thị kiến về hỏa ngục, nơi nhiều tội nhân khốn nạn phải đời đời hư đi vì không ai chịu hy sinh cầu nguyện cho họ. Bởi đó mà phần thứ hai của Bí Mật Fatima liên quan đến một phương tiện cứu rỗi nhân loại đó là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, cũng là việc thành thực sùng kính Mẹ Maria, một việc thiết lập Thiên Chúa muốn thực hiện trên thế giới. Và cũng bởi đó mà phần thứ ba của Bí Mật Fatima là một thị kiến tử đạo cứu rỗi cho thấy Mẹ Maria uy quyền đã có thể ngăn chặn việc vị thiên thần đang có cử chỉ trừng phạt thế giới tội lỗi quá sức.
Vấn đề thứ 4: “Tại sao Sứ Điệp Fatima gồm có 3 mệnh lệnh, 3 mệnh lệnh này có liên hệ gì với nhau hay chăng, và mệnh lệnh chính trong 3 mệnh lệnh là mệnh lệnh nào?”
Xin thưa: Ba Mệnh Lệnh Fatima trong Sứ Điệp Fatima là cải thiện đời sống, lần hạt mân côi và tôn sùng mẫu tâm.
Mệnh lệnh cải thiện đời sống được căn cứ vào lời trăn trối của Mẹ Maria dùng để hoàn toàn kết thúc Biến Cố Fatima năm 1917, đó là “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”.
Mệnh lệnh lần hạt mân côi được căn cứ vào lời Mẹ kêu gọi “hãy cầu kinh mân côi hằng ngày”, vào từng lần và trong cả 6 lần Mẹ hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima.
Mệnh lệnh tôn sùng mẫu tâm được căn cứ vào lời Mẹ tiết lộ mở đầu phần thứ hai của Bí Mật Fatima, đó là “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, và lời Mẹ nói với riêng Thiếu Nhi Lucia vào lần hiện ra thứ hai “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến cùng Thiên Chúa”.
Nếu con người muốn được cứu độ thì điều kiện tối yếu bất khả thiếu là nhận biết “Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lk 1:47), thì cải thiện đời sống là tác động căn bản và trực tiếp tỏ ra nhận biết Thiên Chúa nhất. Bởi thế, trong ba Mệnh Lệnh Fatima làm nên nội dung chính yếu của Sứ Điệp Fatima, mệnh lệnh cải thiện là mệnh lệnh chính, vì ý nghĩa của nó phản ảnh sứ điệp Phúc Âm: “Hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm” (x Mk 1:15).
Việc cải thiện đời sống theo ý nghĩa nhận biết Thiên Chúa ấy còn được tỏ ra bằng “lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”, một Trái Tim tiểu biểu cho đức tin tuân phục của Mẹ hằng liên lỉ đáp ứng hết mọi tác động thần linh của Thiên Chúa nơi cuộc đời của Mẹ, một Trái Tim là mẫu gương sống cho thành phần môn đệ Chúa Kitô, một Trái Tim quả thực là đường dẫn Kitô hữu đến cùng Thiên Chúa.
Việc cải thiện đời sống, liên quan tới Chúa, và việc tôn sùng mẫu tâm, liên quan đến Mẹ, được kết lại nơi việc cầu kinh mân côi, một tác động “cùng Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô” (ĐTC GPII), ở chỗ, khẩu nguyện Kitô hữu xướng lên lời kinh “Kính Mừng Maria” là lời kinh liên quan tới đức tin diễm phúc của Mẹ (x Lk 1:45), một đức tin đã giúp Mẹ liên kết hết sức mật thiết với Mầu Nhiệm Chúa Kitô (vui, sáng, thương, mừng), những mầu nhiệm cũng được tâm nguyện Kitô hữu chiêm niệm và sống động bằng đức tin của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, để có thể “chấp nhận mọi đau khổ Người gửi đến cho, mà đền tạ Người và cầu cho tội nhân ăn năn hoán cải”.
Vấn đề thứ 5: “Tại sao Mẹ Maria lại chọn 3 em Thiếu Nhi Fatima mà không chọn 1 em thiếu niên như ở Lộ Đức, hay 2 em thiếu niên như ở La Salette?”
Xin thưa: Vì ơn gọi hiến tế cứu đời chung của ba em ngay từ ban đầu là “chấp nhận mọi đau khổ Người gửi đến cho (được tiêu biểu nhất nơi Lucia), mà đền tạ Người (được tiêu biểu nhất nơi Phanxicô) và cầu cho tội nhân ăn năn hoán cải (được tiêu biểu nhất nơi Giaxinta)”.
Vấn đề thứ 6: “Tại sao Mẹ Maria lại không chọn danh xưng nào khác mà lại chọn xưng mình ‘Ta là Mẹ Mân Côi’ ở Fatima vào lần cuối cùng hiện ra ở đây, trước phép lạ mặt trời nhẩy múa?”
Xin thưa: Vì danh xưng “Ta là Mẹ Mân Côi” có liên quan tới tước hiệu “Mẹ Thắng Trận”, tức liên quan tới uy quyền của Mẹ, một uy quyền chẳng những có thể chi phối Con Mẹ là Mặt Trời Công Chính, một thứ uy quyền đã được thể hiện một cách tiêu biểu nơi phép lạ mặt trời xoay trên khung trung vào lần Mẹ tự xưng “Ta là Mẹ Mân Côi” này, mà còn làm chủ tất cả mọi quyền lực khác nữa, kể cả quyền lực về quân sự, như đã từng xẩy ra ở trận hải chiến Lapantô với lực lượng Hồi Giáo vào năm 1571, hay quyền lực về lạc thuyết, như đã từng xẩy ra với Thánh Đaminh, vị thánh đã được Mẹ ban cho một thứ khí giới vô địch là Kinh Mân Côi để có thể thắng bè rối Albigensê ở Pháp vào cuối thế kỷ 12, mang nhiều linh hồn về với Chúa. (Về quyền lực Kinh Mân Côi cũng là quyền lực của Đức Mẹ Thắng Trận, liên quan tới việc thắng được cả về quân sự lẫn lạc thuyết này, xin xem Đức Lêô XIII: Thông Điệp Supremi Apostolatus ban hành ngày 1/9/1883).
Vấn đề thứ 7: “Tại sao Mẹ Maria đã chọn địa điểm hiện ra ở Fatima nước Bồ Đào Nha mà không chọn một địa điểm nào khác, hay ở một nước khác, trong khi đó, vào thế kỷ 19, Mẹ đã chọn 3 nơi đều ở Pháp (Paris năm 1830, La Salette năm 1846 và Lourdes năm 1858) để hiện ra?”
Xin thưa: Vì Fatima là tên người con gái của giáo tổ Hồi Giáo Mohammed. Theo lịch sử thì lực lượng Hồi Giáo, vào năm 711, đã chiếm được cả Bồ Đào Nha lẫn Tây Ban Nha, trong mưu đồ bành trướng đế quốc của mình tại Âu Châu. Nếu thời điểm Mẹ Maria chọn hiện ra vào năm 1917 liên quan tới văn hóa Tây Phương phản tinh thần bác ái Kitô Giáo, và liên quan tới Nước Nga (như được phân giải ở vấn nạn 1 trên đây), thì địa điểm được Mẹ chọn hiện ra là Fatima này cũng liên quan tới Hồi Giáo như vậy. Thực tế đã cho thấy, trước hết, Đức Gioan Phaolô II đã bị một người Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ ra tay ám sát vào ngay ngày 13/5/1981, ngày kỷ niệm 64 năm Mẹ Maria hiện ra ở Fatima.
Vấn đề thứ 8: “Tại sao Thiên Chúa không thiết lập lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa mà là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới?”
Xin thưa: Vì Thánh Tâm Chúa là tiêu biểu cho tình yêu thương vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa đối với loài người, còn Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria bao gồm chẳng những ơn cứu độ của Thiên Chúa mà còn cả đức tin trọn hảo đáp ứng của con người là Mẹ nữa. Đức tin của Mẹ Maria đáp ứng ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội chẳng những có quyền lực Đồng Công cứu chuộc nhân loại tội lỗi, nhất là “những linh hồn cần được cứu rỗi nhất” trong Thời Điểm Maria của Mẹ, mà còn là mô phạm cho thành phần môn đệ đích thực của Chúa Kitô, thành phần chứng nhân của Người, được Mẹ huấn luyện để trở thành “oai hùng như một đạo binh dàn trận”, chứng nhân của Chúa Kitô. Đó là lý do “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi (tội nhân, thành phần cần đến lòng Chúa thương xót hơn) nương náu và là đường dẫn (thánh nhân, thành phần môn đệ đích thực cuối thời của Chúa Kitô) đến với Thiên Chúa”
Vấn đề thứ 9: Tại sao mãi cho tới thế kỷ 20, Thiên Chúa mới chính thức muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria trên thế giới?
Xin thưa: Vì thời điểm và địa điểm hiện ra của Biến Cố Fatima là những gì liên quan tới ba vương quốc đã được Thánh Long Mộng Phố nói tới trong tác phẩm Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, mà: “Mẹ Maria, theo lệnh của Đấng Tối Cao, chính là vị sẽ trang bị cho họ (thành phần môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô), để vương quốc của Ngài bao trùm trên vương quốc của người vô đạo, vương quốc của kẻ tôn thờ ngẫu tượng và vương quốc của Tín Đồ Hồi Giáo” (đoạn 59)?
Vấn đề 10: “Nếu Nước Nga đã ‘trở lại’, khi nước này tự động giải thể chế độ Cộng Sản vào chính ngày Lễ Giáng Sinh 1991, thì phải chăng thực sự đã hoàn toàn chấm dứt Thời Điểm Fatima?”
Xin thưa: Nếu Dự Án Fatima là “nhiều linh hồn được cứu độ và thế giới được hòa bình” thì con người càng băng hoại, càng dễ bị đời đời hư đi, càng văn minh càng bạo loạn, chưa từng thấy trong lịch sử loài người, nhất là từ đầu thế kỷ 20 với Thế Chiến I, tới đầu thiên kỷ thứ ba này, với cuộc khủng bố 911, thì Thời Điểm Fatima chẳng những vẫn còn mà càng trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết.
“Cỏ Lùng Trong Ruộng”: “Lừa Được Nhiều Người”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
(tiếp 11 Thứ Sáu “Cỏ Lùng Trong Ruộng”: “Nổi Lên Rất Đông”)
Chính việc lan tràn nhanh chóng của “cỏ lùng trong ruộng” hiện nay cũng đủ chứng tỏ phẩm chất rất thời trang của hiện tượng này, một phẩm chất có khả năng thu hút đến “lừa được nhiều người”, một phẩm chất được bản Instrumentum Laboris của Thượng Hội Giám Mục Úc Châu diễn tả như sau:
“Thường thấy họ (các trào lưu tân giáo ngoài Giáo Hội) tỏ ra có cảm tình nồng nàn, thông cảm, nhiệt tình và săn đón trong một nhóm nhỏ gắn bó chặt chẽ với nhau, một cảm nghiệm mà có những người Công Giáo thấy như bị thiếu hụt nơi cộng đoàn của mình. Âm nhạc, ca hát, nhảy múa, giảng dạy hùng hồn và nói tiếng lạ đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút người ta tham gia vào các đạo này, nhất là đám trẻ. Các tôn giáo ấy thường lấp đầy cái trống rỗng của cảm xúc mà người ta đang tìm kiếm cho ý nghĩa cuộc đời… Các người Công Giáo, vì bị trục trặc với vị linh mục hay với nhân viên mục vụ, hoặc bởi tình trạng hôn nhân bất bình thường của mình, đôi khi cũng bị lôi cuốn theo họ. Những đạo này dùng Thánh Kinh để làm cho người thành tín vô tư lo sợ đến phần rỗi của mình. Họ chú ý tới việc thăm viếng từng gia đình, thường lợi dụng vào những lúc con người đang gặp phải phiền sầu, bệnh tật hay khủng hoảng bản thân. Họ tỏ ra tích cực trong việc đối xử với người ta và làm cho người ta cảm thấy tự nhiên sinh hoạt trong cộng đoàn của mình…” (đoạn 30).
“Tìm cầu các giải đáp: Trong những trường hợp phức tạp và bối rối, theo tự nhiên người ta đi tìm kiếm những giải đáp và giải quyết. Các giáo phái tỏ ra: có những giải đáp giản dị và tiện lợi (ready-made) cho các vấn đề và trường hợp phức tạp;… có một thứ thần học thực tiễn (pragmatic theology), một thứ thần học lợi lộc… (2.1.2)
“Tìm cầu viên trọn thể:
Nhiều người cảm thấy tách lìa với bản thân mình, với người khác, với văn hóa và môi sinh của họ. Họ cảm thấy đổ vỡ. Họ bị tổn thương bởi cha mẹ hay thầy cô, bởi Giáo Hội hay xã hội… Họ cần được chữa lành, kể cả về phần xác… Các giáo phái tỏ ra: … có thể chữa lành thể lý và tâm linh; có thể giải quyết vấn đề nghiện hút và nghiện ngập… (2.1.3)
“Tìm cầu văn hóa bản:…
Nơi nhiều xứ sở thuộc Thế Giới Đệ Tam, xã hội thấy mình bị tách lìa rất nhiều với văn hóa cổ truyền, với các giá trị xã hội và tôn giáo… . Các giáo phái tỏ ra: có nhiều chỗ cho tôn giáo hay văn hóa cổ truyền, … có lối nguyện cầu và giảng dạy gần gũi hơn với các tính chất văn hóa cũng như với các khát vọng của người ta. (2.1.4)
“Nhu cầu cần được biết đến, được nổi nang:
Người ta cảm thấy cần vượt ra khỏi tình trạng vô danh tiểu tốt, cần làm nên cho mình một cá biệt, cần cảm thấy nổi nang cách náo đó chứ không phải chỉ là một con số hay chỉ là một phần tử mất hút trong đám đông… . Các giáo phái tỏ ra: quan tâm đến cá nhân; có các cơ hội để thi hành thừa tác vụ và vai trò lãnh đạo, cơ hội để tham gia, chứng tỏ, phát biểu… (2.1.5)
“Tìm cầu siêu việt tính:
Việc tìm cầu này nói lên một nhu cầu tâm linh sâu xa, một động lực thần hứng trong việc tìm kiếm một cái gì đó vượt ra ngoài cái cụ thể, trực tiếp, quen thuộc, khả chế và vật chất, để tìm giải đáp cho những vấn nạn tối hậu của đời sống, cũng như để tin vào một điều gì đó có thể làm đổi thay cuộc sống con người một cách đặc biệt… . Các giáo phái tỏ ra:… có thể giúp học hiểu Thánh Kinh; hiểu biết về ơn cứu độ; có các tặng ân Thần Linh; giúp suy niệm… (2.1.6)
“Tìm cầu linh hướng:
Thiếu sự nâng đỡ của cha mẹ trong gia đình hay thiếu khả năng lãnh đạo, kiên nhẫn và tự nguyện dấn thân về phía các vị lãnh đạo giáo hội hay các nhà giáo… . Các giáo phái tỏ ra: có thể hướng dẫn bằng khả năng lãnh đạo tài khéo vững vàng. Con người của vị sư phụ, của nhà lãnh đạo, của cố đạo (guru) đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho các đồ đệ cảm phục… (2.1.7)
“Tìm cầu nhãn quan:
Thế giới ngày nay là một thế giới liên thuộc của hận thù và tương khắc, của võ lực và sợ bị hủy diệt. Người ta cảm thấy lo sợ về tương lai; họ thường cảm thấy chán chường, vô dụng, vô vọng và bất lực. Họ tìm kiếm những dấu hy vọng, tìm một lối thoát. Một số người có ước vọng, cho dù mơ hồ, trong việc kiến tạo nên một thế giới khá hơn… . Các giáo phái tỏ ra: cho thấy một nhãn quan mới về bản thân, về nhân loại, về lịch sử, về vũ trụ. Họ hứa hẹn khởi sự cho một tân thời, một tân kỷ nguyên. (2.1.8)
“Tìm cầu dự phần và tham gia:…
Nhiều người tìm cầu chẳng những cảm thấy cần một nhãn quan trong xã hội của thế giới hiện nay cũng như hướng về tương lai, họ còn muốn dự phần vào việc quyết định, phác họa và thực hiện nữa… . Các giáo phái tỏ ra: cho thấy họ có một sứ mệnh kiến tạo nên một thế giới khá hơn, có một ơn gọi toàn hiến, một tham phần ở hầu hết các lãnh vực. (2.1.9)
“Tóm lại, người ta có thể nói rằng, các giáo phái tỏ ra sống những gì họ tin tưởng, với một xác tín (thường có sức hấp dẫn) mãnh liệt, nhiệt tình và dấn thân; họ chịu khó giao tiếp với người chung quanh một cách nống hậu, thân tình, và trực tiếp kéo cá nhân ra khỏi tình trạng khuất dạng, kêu mời tham phần, sáng tạo, trách nhiệm, dấn thân…, họ thực hiện việc tận tình liên lạc bằng nhiều lần giao tiếp, viếng thăm, tiếp tục nâng đỡ và hướng dẫn. Họ giúp vào việc cắt nghĩa lại cảm nghiệm của người ta, việc tái thẩm định các giá trị của người ta, và việc giải quyết những vấn đề tối hậu bằng đường lối bao gồm hết mọi sự… Tóm lại, họ tỏ ra cho thấy họ là một giải đáp duy nhất, là tin mừng trong một thế giới biến động”.
Thế nhưng, sở dĩ từ thế kỷ 19 mới có nạn “cỏ lùng trong ruộng” “nổi lên rất nhiều” như vậy là vì tới thời điểm của nó, thời điểm Giáo Hội phát triển đã đến lúc như “lúa lên mạ và trổ bông” (Mt.13:26). Tuy biết rằng “cỏ lùng trong ruộng” có thể nguy hại đến “lúa”, song theo ý định vô cùng khôn ngoan mầu nhiệm của mình, “người gieo hạt giống tốt trong ruộng của mình” (Mt.13:24) vẫn tỉnh bơ “ngủ” (Mt.13:25), dù biết rằng “đó là do kẻ thù làm” (Mt.13:28), lại còn không cho phép nhân công “nhổ cỏ” (Mt.13:29) trước khi “tới mùa gặt”, là vì ông không muốn để việc diệt cỏ lùng lây hại đến cả “lúa” (xem Mt.13:29), một tai hại còn tệ hơn cả sự có mặt của “cỏ lùng trong ruộng” cùng với hoạt động phá hoại của nó. Bởi vì, nhờ “cỏ lùng trong ruộng” mà “lúa” mới có cơ hội tốt cũng như mới càng được dịp sống đức tin chân chính và sáng tỏ hơn, một yếu tố thiết yếu để hoàn thành sứ vụ tân phúc âm hóa trong ngàn năm thứ ba, đúng như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Huấn “Giáo Hội tại Mỹ Châu” trong khoản 73 mang tựa đề “Thách Đố của Các Giáo Phái (sects)“sau đây:
“Hơn bao giờ hết, tất cả mọi tín hữu cần phải tiến từ đức tin thói quen hầu như chỉ được bảo tồn nhờ mối tương quan xã hội, đến đức tin ý thức và tự sống. Việc canh tân đức tin bao giờ cũng là đường lối tốt nhất để dẫn người khác về với Chân Lý là Chúa Kitô”.
(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 27-1-1999)