GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 13/5/2007

PHỤC SINH TUẦN 6

 

?  Huấn Từ của ĐTC Biển Đức XVI ngỏ cùng Giới Trẻ chiều ngày 10/5/2007: “Tôi phải làm gì để đời sống của tôi có ý nghĩa? Tôi cần phải sống ra sao để gặt hái được những hoa trái trọn vẹn của cuộc sống? Hay là: tôi cần phải làm gì để cuộc đời của tôi không bị uổng phí?

?  Biến Cố Fatima 13/5/1917 – Ơn Gọi Hiến Tế

? Vai Trò Làm Mẹ 

 

 

LỄ MẸ FATIMA, KỶ NIỆM 90 NĂM BIẾN CỐ FATIMA

 

 

?  Tôi phải làm gì để đời sống của tôi có ý nghĩa? Tôi cần phải sống ra sao để gặt hái được những hoa trái trọn vẹn của cuộc sống? Hay là: tôi cần phải làm gì để cuộc đời của tôi không bị uổng phí?

 

Tông Du Ba Tây: Huấn Từ của ĐTC Biển Đức XVI ngỏ cùng Giới Trẻ chiều ngày 10/5/2007

 

(tiếp 12 Thứ Bảy)

 

3.         Hôm nay, tôi muốn chia sẻ về bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe từ Thánh Mathêu (x 19:16-22). Bài này nói về một người thanh niên chạy theo để gặp Chúa Giêsu. Việc nhẫn nại của anh ta đáng được đặc biệt quan tâm. Nơi con người trẻ này tôi thấy được tất cả giới trẻ các bạn của Ba Tây và Mỹ Châu La Tinh. Các bạn đã “chạy” đến đây từ các miền đất khác nhau của Châu Lục này cho cuộc gặp gỡ của chúng ta đây. Các bạn muốn lắng nghe những lời của chính Chúa Giêsu – được nói qua tiếng nói của vị Giáo Hoàng này.

 

Các bạn có một câu hỏi quan trọng – một câu hỏi được thấy trong Phúc Âm – muốn nêu lên cùng Người. Nó cũng là câu hỏi được con người trẻ chạy theo gặp Chúa Giêsu đặt ra: Tôi phải làm điều thiện này để được hưởng sự sống đời đời? Tôi muốn cùng với các bạn nhìn sâu xa hơn vào câu hỏi này. Nó phải là những gì liên quan tới cuộc sống. Một cuộc sống mà – nơi tất cả các bạn – đang dồi dào chan chứa và mỹ lệ tuyệt vời. Các bạn đang làm gì với cuộc sống này? Làm thế nào để các bạn có thể sống trọn vẹn cuộc sống ấy?

 

Chúng ta thấy ngay rằng trong chính việc trình bày một cách rành mạch vấn nạn này, thì vấn đề “ở đây” và “lúc này” thôi chưa đủ; nói cách khác, chúng ta không thể giới hạn đời sống của mình vào những phạm trù không gian và thời gian, cho dù chúng ta có cố gắng nới rộng chân trời của chúng ra. Sự sống siêu việt hơn chúng nữa. Nghĩa là: chúng ta muốn sống chứ không muốn chết. Chúng ta có một cảm quan về một điều gì đó cho chúng ta biết rằng sự sống là những gì vĩnh hằng và chúng ta cần phải áp dụng bản thân mình trong việc đạt đến nó. Tóm lại, nó ở trong tay chúng ta và một cách nào đó lệ thuộc vào quyết định riêng của chúng ta.

 

Vấn đề trong Phúc Âm này không chỉ liên quan tới tương lai mà thôi. Nó không liên quan chỉ tới vấn đề về những gì sẽ xẩy ra sau khi chết. Trái lại, nó có đó như là một công việc trong hiện tại, ở “nơi đây” và “lúc này”, một hiện tại cần phải bảo đảm tính chất chân thực và tương lai theo đó nữa. Nói tóm thì vấn đề được con người trẻ này nêu lên là vấn đề ý nghĩa của cuộc sống. Bởi thế, nó có thể được diễn giải như thế này: tôi phải làm gì để đời sống của tôi có ý nghĩa? Tôi cần phải sống ra sao để gặt hái được những hoa trái trọn vẹn của cuộc sống? Hay là: tôi cần phải làm gì để cuộc đời của tôi không bị uổng phí?

 

Chỉ có một mình Chúa Giêsu mới có thể cống hiến  câu giải đáp, vì chỉ có một mình Người mới bảo đảm sự sống đời đời cho chúng ta. Bởi thế, chỉ có một mình Người mới có thể tỏ cho chúng ta ý nghĩa của cuộc sống hiện tại và làm cho nó nên trọn mà thôi.

 

4.         Thế nhưng, trước khi lên tiếng trả lời, Chúa Giêsu đã hỏi về một khía cạnh rất quan trọng liên quan tới thắc mắc của con người trẻ ấy: tại sao anh lại hỏi tôi về những gì là tốt lành? Trong câu hỏi này, chúng ta thấy được chìa khóa cho câu giải đáp. Con người trẻ ấy nhận thấy rằng Chúa Giêsu là vị tốt lành và là một bậc thày – một vị sư phụ không lừa dối. Chúng ta hiện diện nơi đây là vì chúng ta có cùng một xác tín như thế: Chúa Giêsu là Đấng tốt lành thiện hảo. Có thể là chúng ta không biết giải thích ra sao cho đầy đủ lý do cho nhận định này, nhưng chắc chắn một điều là nó đã kéo chúng ta đến với Người và hướng chúng ta về giáo huấn của Người: Người là một vị sư phụ nhân lành. Việc nhìn nhận sự thiện nghĩa là việc yêu thương. Và ai yêu thương – theo lời diễn đạt khéo léo của Thánh Gioan – là người nhận biết Thiên Chúa (x 1Jn 4:7). Người trẻ trong Phúc Âm này đã n hận thấy Thiên Chúa ở nơi Chúa Giêsu Kitô.

 

Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng chỉ có một mình Thiên Chúa mới là Đấng tốt lành thiện hảo. Việc cởi mở trước sự thiện hảo là việc tiếp nhận Thiên Chúa.  Nhờ đó Người mời gọi chúng ta hãy nhìn thấy Thiên Chúa trong tất cả mọi sự và trong hết những gì xẩy ra, cho dù ở nơi mà hầu hết con người ta chỉ thấy vắng bóng Người. Khi chúng ta thấy vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật và nhận thấy sự tốt lành hiện diện ở đó, thì không thể nào lại không tin vào Thiên Chúa và cảm nghiệm được sự hiện diện cứu độ và bảo đảm của Người. Nếu chúng ta đến để thấy được tất cả những gì là tốt lành hiện diện trên thế giới – hơn nữa, cảm nghiệm được sự thiện xuất phát từ chính Thiên Chúa – chúng ta không bao giờ tiến tới với Người, chúc tụng Người, và tạ ơn Người. Người tiếp tục làm cho chúng ta chúng ta được hân hoan và những điều tốt lành. Niềm vui của Người là sức mạnh của chúng ta.

 

Thế nhưng chỉ có thể nhận biết cách bất toàn và một phần nào thôi. Để hiểu được những gì là tốt lành, chúng ta cần sự trợ giúp, một sự trợ giúp được Giáo Hội cống hiến cho chúng ta vào nhiều cơ hội, nhất là nhờ việc học giáo lý. Chính Chúa Giêsu cho thấy những gì là tốt lành đối với chúng ta bằng việc cống hiến cho chúng ta yếu tố đầu tiên nơi bài giáo lý của Người: “Nếu anh muốn hưởng sự sống thì hãy giữ các giới răn?” (Mt 19:17). Người bắt đầu với ý thức là con người trẻ này đã nhờ gia đình và hội đường biết được các giới luật ấy. Những giới luật ấy dẫn đến sự sống, một sự sống có nghĩa là những giới luật ấy bảo đảm cho tính chất chân thực của chúng ta. Chúng là những dấu hiệu vĩ đại dẫn chúng ta theo đường ngay nẻo chính. Ai giữa các giới răn là đang trên con đường dẫn đến cùng Thiên Chúa.

 

Tuy nhiên, biết các giới luật ấy thôi vẫn chưa đủ. Chứng từ thậm chí còn là những gì quan trọng hơn là kiến thức; hay nói cách khác, nó là một thứ kiến thức được đem ra áp dụng. Các giới răn này không áp đặt lên chúng ta từ bên  ngoài; chúng không làm suy giảm quyền tự do của chúng ta. Trái lại, chúng là những kích tố nội tại mạn h mẽ dẫn chúng ta tới chỗ tác hành một cách vững chắc. Ở tâm điểm của chúng, chúng ta thấy cả ân sủng lẫn bản tính tự nhiên là những gì không để cho chúng ta có thể ở ngồi yên. Chúng ta cần phải tiến bước. Chúng ta được tác động thực hiện một điều gì đó để làm trọn khả năng của chúng ta. Việc thực hiện những gì là viên trọn bằng hành động là việc thực sự trở nên hiện thực. Nói cho cùng thì từ thời trẻ trung của mình chúng ta là những gì chúng ta muốn trở nên. Có thể nói chúng ta là công cuộc do bàn tay chúng ta tạo nên.

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 10/5/2007

 

 TOP

 

 

? Biến Cố Fatima 13/5/1917 – Ơn Gọi Hiến Tế

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

T

heo cuốn Hồi Ký của chị Lucia, diễn tiến của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima có thể được chia ra làm ba phần: phần tiền Biến Cố Fatima năm 1916, phần chính Biến Cố Fatima năm 1917, và phần hậu Biến Cố Fatima năm 1925 và 1929. Từ nay cho tới cuối năm 2007 là năm mừng kỷ niệm 90 năm Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, chúng ta sẽ thứ tự ôn lại toàn bộ Biến Cố Fatima từng lần. Mỗi lần xẩy ra như thế nào? Ý nghĩa của lần ấy trong bối cảnh toàn diện của Biến Cố Fatima ra sao? Lần ấy có những chi tiết khả dĩ so sánh với các biến cố Thánh Mẫu chính yếu khác (cách riêng Biến Cố Thánh Mẫu 1830 ở Balê và Biến Cố Thánh Mẫu 1858 ở Lộ Đức)? Hoặc lần ấy có những chi tiết đặc biệt liên quan tới những biến cố lịch sử bấy giờ? Vậy, trong tháng 5/2007, kỷ niệm đúng 90 năm Mẹ Maria hiện ra lần đầu tiên với 3 Thiếu Nhi Fatima, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại Biến Cố Fatima 13/5/1917.

Biến Cố: Diễn Tiến

-  Thời điểm: Trưa ngày 13-5-1917

-  Địa điểm: Đồi Cova da Iria trên một cây sồi

-  Dấu báo: Những tia chớp như sắp sửa có mưa

-  Hình thể: Đức Mẹ mặc áo trắng và rực sáng hơn pha lê phản ánh mặt trời.

Diễn Tiến:

- Các con đừng sợ, Ta không làm hại các con đâu!

- Bà ở đâu đến?

- Ta từ trời cao xuống.

- Bà muốn con làm gì?

- Ta muốn các con đến đây vào ngày 13 trong sáu tháng liền cũng vào giờ này. Sau này Ta sẽ nói cho con hay Ta là ai và Ta muốn gì.

- Con có được về trời không?

- Được, con sẽ được về trời.

- Còn em Giaxinta thì sao?

- Giaxinta cũng được về trời.

- Em Phanxicô thì thế nào?

- Phanxicô cũng được về trời, nhưng em phải đọc kinh Mân Côi đã.

- Maria das Neves có được về trời không Bà? (Lucia hỏi về số phận của một người bạn 16 tuổi mới chết).

- Có, em được về trời rồi.

- Còn Amélia (từ 18 đến 20 tuổi) thì sao?
-    Amélia sẽ phải ở lại luyện tội cho đến tận thế.

- Các con có sẵn lòng dâng mình cho Thiên Chúa để chấp nhận mọi đau khổ Ngài gửi đến, như một việc đền tạ những xúc phạm Ngài phải chịu mà cầu cho tội nhân ăn năn trở lại không?

- Vâng, chúng con sẵn lòng!

- Vậy thì các con sẽ chịu nhiều đau khổ, nhưng ơn Chúa sẽ phù trợ các con.

     Nói xong những lời "ơn Chúa sẽ phù trợ các con", Đức Mẹ mở rộng tay ra, tỏa xuống một luồng ánh sáng, thấu suốt lòng trí 3 Thiếu Nhi, làm cho các em thấy các em trong Chúa còn rõ hơn là các em thấy các em trong gương. Cảm thấy bị thúc đẩy bởi ơn thiêng, các em đã qùi xuống và lập lại trong lòng:

- Lạy Chúa Ba Ngôi chí thánh, con thờ lạy Chúa. Lạy Thiên Chúa, lạy Chúa con, con yêu mến Chúa trong Bí Tích Cực Thánh.

     Một lúc sau, Đức Mẹ tiếp:

- Hãy cầu kinh Mân Côi hằng ngày để xin hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh.

     Rồi Đức Mẹ cất mình lên cách nhẹ nhàng về hướng đông, cho tới khi biến mất trong không gian, bỏ lại sau lưng một giải sáng trải dài như con đường về trời.

Biến Cố: Nội Dung

     Trong lần Đức Mẹ hiện ra đầu tiên 13/5/1917 này, chúng ta thấy những 7 điều đặc biệt sau đây:

     1) Về thời điểm hiện ra: Đức Mẹ chọn hiện ra vào ngày 13/5/1917, ngay buổi trưa, một thời điểm liên quan tới một biến cố sau này, đó là biến cố Đức Thánh Cha Piô XII hiến dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria vào ngày 31/10/1942, ngày kết thúc cuộc mừng ngân khánh 25 năm Biến Cố Fatima. Sở dĩ ngài thực hiện việc hiến dâng loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria lần đầu tiên này là vì ngài cảm nhận thấy Biến Cố Fatima thực sự có liên quan tới bản thân ngài, ở chỗ, chính thời điểm liên quan tới đúng ngày giờ ngài được tấn phong giám mục lại được Mẹ Maria chọn để hiện ra ở Fatima lần đầu tiên. Tuy việc ngài hiến dâng đây không theo đúng như ý muốn của Thiên Chúa, liên quan tới Nước Nga và hiệp dâng với hàng giáo phẩm trên thế giới, như những gì được chị Lucia đệ trình lên ngài trong bức thư đề ngày 24/10/1940. Nhưng dầu sao đó cũng là một biến cố rất quan trọng trong việc mở màn cho tiến trình hiến dâng khẩn thiết ấy, một tiến trình chính ngài đã tiếp tục tiến xa hơn vào lần hiến dâng thứ hai 7/7/1952, khi ngài đề cập tới Nước Nga, nhưng rất tiếc lại không có sự hiệp thông của hàng giáo phẩm trên thế giới.

     2) Về địa điểm hiện ra: Biến Cố Thánh Mẫu Fatima xẩy ra hoàn toàn lộ thiên, ở một cây sồi trên một đồi cao. Bởi vậy, nếu so sánh với Biến Cố Thánh Mẫu 1830 ở Balê và 1858 ở Lộ Đức, cả hai đều ở Pháp quốc trong thế kỷ 19, thì Mẹ Maria như một Người Nữ đang từ từ tiến lên như Rạng Đông, mỗi ngày một rạng ngời như Mặt Trời. Thật vậy, ở Biến Cố Thánh Mẫu 1830, Mẹ Maria đã hiện ra với chị Thánh Catherine Labouré, một tập sinh 24 tuổi của Dòng Thánh Vinhsơn Phaolô 2 lần, lần chính yếu xẩy ra vào ngày 27/11 (Thứ Bảy áp Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng), vào lúc 5 giờ 30 chiều, trong một nguyện đường của tu hội này. Thế rồi ở Biến Cố Thánh Mẫu 1858, Mẹ Maria đã hiện ra với chị Thánh Bernadette Soubirous, một thôn nữ 14 tuổi, tất cả 18 lần, lần đầu tiên ngày 11/2 (Ngày Thứ Năm đầu tiên của Mùa Chay) và lần cuối cùng 16/7, ở ngoài trời, thường vào khoảng 5-6 giờ sang.  Nhưng lại xẩy ra hoàn toàn trong một hang động kín đáo, đó là động Massabieille, nơi đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến kính viếng hai lần, lần đầu vào ngày 14-15/8/1983, với chuyến tông du thứ 19, và lần hai vào ngày 14-15/8/2004, với chuyến tông du 104, kết thúc giáo triều kéo dài ¼ thế kỷ của ngài. Như thế, theo diễn tiến thì Mẹ Maria xuất hiện từ một nguyện đường, ra một hang động, rồi trên một đồi cao, nơi có hiện tượng mặt trời nhẩy múa vào lần hiện ra cuối cùng 13/10. So sánh về địa điểm với hai Biến Cố Thánh Mẫu Balê và Lộ Đức thì địa điểm của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima như là một bãi chiến trường rộng lớn. Thời điểm hiện ra ở Fatima cũng hợp với địa điểm của nó nữa, vì ở Fatima, Mẹ Maria đã hiện ra không vào buổi chiều Thu tiến vào Mùa Vọng như ở Balê, hay vào buổi sáng đang Đông mới vào Mùa Chay như ở Lộ Đức, mà là vào buổi trưa (liên quan tới mặt trời). Và Mẹ hiện ra từ Tháng 5 đến Tháng 10 là những tháng từ cuối xuân sang đầu thu, chính yếu là Mùa Hè (cũng liên quan tới vầng dương), thời điểm của Phụng Vụ Mùa Phục Sinh, Hiện Xuống và Thường Niên.

     3) Về hình thể hiện ra: Ở cả 3 Biến Cố Thánh Mẫu Balê, Lộ Đức và Fatima, Mẹ Maria đều được tả là mặc áo trắng, biểu trưng cho đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, vì ở cả 3 Biến Cố Thánh Mẫu này đều có liên quan tới đặc ân ấy. Tuy nhiên, ở Balê, Mẹ Maria mặc áo trắng, theo chị Catherine tả, “trong sáng như rạng đông”, còn ở Fatima, Mẹ được tả là “rạng ngời hơn mặt trời”. Như thế là hình thể Mẹ Maria hiện ra ở Fatima cũng hợp với cả thời điểm là buổi trưa và chính yếu vào Mùa Hè, liên quan tới mặt trời, tới ánh sáng, tới địa điểm rộng lớn và từ trên cao tỏa xuống của biến cố này.

     4) Về ngày giờ hiện ra:Ta muốn các con đến đây vào ngày 13 trong sáu tháng liền cũng vào giờ này”. Ở đây chúng ta thấy Mẹ Maria hết sức chú trọng đến thời đoạn hiện ra của Mẹ, đó là ngày 13 trong tháng, và trong 6 tháng liền, từ Tháng 5, Tháng Hoa của Mẹ, tới Tháng 10, Tháng Mân Côi của Mẹ. Ở Lộ Đức Mẹ Maria, vào lần hiện ra thứ ba 18/2, đúng một tuần sau lần hiện ra thứ nhất, cũng xin chị Barnadette đến với Mẹ 15 ngày liền, và Mẹ đã hiện ra đúng như thế, cho tới ngày 4/3, trừ ngày 22/2 và 26/2, bù lại Mẹ đã hiện ra thêm vào ngày 25/3 và 7/4.

     5) Về số phận tận thế: Amélia sẽ phải ở lại luyện tội cho đến tận thế”. Câu trả lời này của Đức Mẹ về số phận của một người con gái nhà quê chưa đầy 21 tuổi, vào thời thế giới chưa văn minh và tội lỗi như ngày nay. Thế mà không biết em đã phạm tội lỗi gì, đến nỗi phải ở dưới luyện ngục cho tới tận thế. Phải chăng Biến Cố Fatima là dấu báo ngày tận thế đã gần kề?

     6) Về ơn gọi hiến tế:Các con có sẵn lòng dâng mình cho Thiên Chúa để chấp nhận mọi đau khổ Ngài gửi đến, như một việc đền tạ những xúc phạm Ngài phải chịu mà cầu cho tội nhân ăn năn trở lại không?” Ở đây, chúng ta thấy, mới vào lần  hiện ra thứ nhất, Mẹ Maria chưa xưng mình là ai và đến để làm gì: “Sau này Ta sẽ nói cho con hay Ta là ai và Ta muốn gì”, thế mà Mẹ đã kêu gọi 3 Thiếu Nhi Fatima nhỏ bé, Lucia (10 tuổi), Phanxicô (9 tuổi) và Giaxinta (7 tuổi) hãy dâng mình làm hiến tế đền tạ Thiên Chúa và cứu các tội nhân. Như thế, địa điểm hiện ra hoàn toàn lộ thiên rộng lớn như bãi chiến trường và thời điểm hiện ra vào buổi trưa của một ngày đầy nắng chói sáng rất hợp với ơn gọi hiến tế của 3 Thiếu Nhi Fatima, một địa điểm và thời điểm tương tự như cuộc tử giá của Chúa Kitô, cũng ở trên đồi cao và vào giờ trưa!

     7) Về tác dụng thần linh: Nói xong những lời "ơn Chúa sẽ phù trợ các con", Đức Mẹ mở rộng tay ra, tỏa xuống một luồng ánh sáng, thấu suốt lòng trí 3 Thiếu Nhi, làm cho các em thấy các em trong Chúa còn rõ hơn là các em thấy các em trong gương. Đây là sự kiện 3 Thiếu Nhi Fatima được ơn Chúa chiếm đoạt, để nhờ đó các em mới có thể sống trọn ơn gọi hy tế hoàn toàn vượt quá sức tự nhiên nhỏ bé yếu đuối của các em. Và thực sự các em đã sống trọn ơn gọi phi thường này, đã đốt giai đoạn nên thánh, như chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong bài giảng phong chân phước cho hai Thiêu Nhi Fatima Đáng Kính Phanxicô và Giaxinta ngày 13/5/2000, đã xác nhận: “Điều gây ấn tượng nhất … là việc Thiên Chúa ở trong luồng ánh sáng vô tận đã thấu nhập tận thâm tâm ba em ấy”. Riêng với Thiếu Nhi Fatima Phanxicô, ĐTC còn nói thêm về tác dụng chiếm đoạt thần linh này như sau: “Một cuộc biến đổi đã xẩy ra trong cuộc đời em, một cuộc đổi thay chúng ta có thể gọi là tận gốc rễ: một cuộc biến đổi hoàn toàn khác thường đối với trẻ nhỏ ở vào lứa tuổi của em. Em hăng say dấn mình vào cuộc sống thiêng liêng, được biểu lộ bằng việc chuyên tâm sốt sắng cầu nguyện, và đã đạt tới một thứ thần hiệp thực sự với Chúa. Cuộc sống thiêng liêng này thôi thúc em tiến đến việc thanh tẩy tâm linh bằng việc từ bỏ những thích thú riêng tư và ngay cả những trò chơi vô tội của thuở thiếu thời”. Thế nhưng, sở dĩ các em được Thiên Chúa chiếm đoạt và thánh hóa hoàn toàn là nhờ Mẹ Maria, vì luồng sáng thần linh phát tỏa ra chiếm đoạt các em từ hai tay rộng mở của Mẹ. Đó là lý do ĐTC đã khẳng định: “Nhờ phục tùng và lệ thuộc vào Mẹ Maria, trong một thời gian ngắn người ta sẽ tiến bộ hơn là cả bao nhiêu năm theo những sáng kiến cá nhân khi cậy dựa vào mình (Thánh Long Mộng Phố - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, số 155). Đó là lý do tại sao các bé mục đồng ấy đã nên thánh rất nhanh như vậy… Bằng tất cả lòng quảng đại của mình trong việc chuyên tâm sống theo đường hướng của một Vị Thầy tốt lành như vậy, Giaxinta và Phanxicô đã sớm đạt tới đỉnh trọn lành”. Như thế, Biến Cố Fatima đã ứng nghiệm lời Thánh Long Mộng Phố tiên báo  về vai trò của Mẹ Maria trong việc huấn thánh cho thành phần tông đồ cuối thời: “Việc huấn luyện và giáo huấn thành phần đại thánh xuất hiện vào thời thế tận là những gì thuộc về Mẹ, vì chỉ có vị trinh nữ duy nhất lạ lùng này mới có thể cùng với Thánh Linh làm phát sinh ra những điều đặc thù kỳ diệu mà thôi” (ibid 35).

 

 

TOP

 

 

? Vai Trò Làm Mẹ 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

C

uối tháng Bảy năm 2002, trong khi chờ lên máy bay từ Đại Đảo Hawaii về lại Los Angeles sau 8 ngày đi nghỉ hè với cả gia đình, tôi thấy một cảnh như thế này. Đó là có hai em bé, một em gái độ 10 tuổi và một em trai độ 6 tuổi. Hai em đều là người Mỹ. Em gái đang ở với người đàn bà Á Đông mà tôi nghĩ rằng đó là mẹ của em, và em trai ở với người đàn ông Mỹ chính gốc mà tôi cho là cha của em.

 

Để lên máy bay, người ta thường cho lên trước những người mua vé hạng nhất, những người ngồi trong xe lăn, những người đàn bà có thai và trẻ em đi một mình. Hai em nhỏ trên đây thuộc vào loại đi một mình. Vì tôi thấy người đàn bà dẫn em gái và người đàn ông dẫn em trai đến ngay cửa để hành khách lên máy bay, trao cho nhân viên có phận sự. Sau khi cả hai đều ôm hôn hai đứa nhỏ rất âu yếm, liền quay trở về chỗ hành khách ngồi chờ.

 

Tuy nhiên, tôi thấy người đàn ông có lẽ là người cha này biến mất ngay sau đó, trong khi người đàn bà có lẽ là mẹ này còn ngồi chờ ở đó, có lẽ cho đến khi thấy máy bay cất cánh, với giọt lệ long lanh trên đôi mắt. Tôi không hiểu được hoàn cảnh của hai người đàn ông và đàn bà này với hai đứa nhỏ và mối liên hệ của họ với chúng ra sao. Nhưng, nếu quả thật hai đứa nhỏ là con của họ, thì quả nhiên, người mẹ thiên về tình cảm xúc động và người bố thiên về lý trí lạnh lùng.

 

Đó là lý do, bản chất của người làm cha và làm mẹ hoàn toàn khác nhau, khác nhau ở chỗ: trong khi “công cha như núi Thái Sơn”, một hình ảnh cao cả và trổi vượt, thì “nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, một hình ảnh dạt dào và tràn lan, đúng như nhạc sĩ Y Vân đã cảm nhận và diễn đạt qua lời ca êm đềm diệu vợi “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”. Tuy nhiên, dù làm cha hay làm mẹ, vai trò của họ cũng có một nguồn gốc xuất xứ và thời điểm khởi sự tương tự như nhau, tuy cách thức được thể hiện khác nhau.

  

Nguồn Gốc Xuất Xứ Vai Trò Làm Mẹ

 

Trước hết, như vai trò làm cha được phát xuất chính yếu từ nam tính của con người làm cha thế nào, thì vai trò làm mẹ cũng thế, được bắt nguồn từ nữ tính của con người làm mẹ như vậy.

 

Đúng thế, nếu người làm mẹ không phải là một phụ nữ, họ sẽ không bao giờ có thể làm mẹ được, vì họ không có những cơ phận về sinh lý để thụ thai, cưu mang và sinh con, cũng như không có những chức năng về tâm lý, như thương cảm, dịu dàng, nhẫn nại, ân cần v.v. Nghĩa là, ơn gọi và thiên chức của người phụ nữ trước hết và trên hết là làm mẹ, chứ không phải chỉ làm vợ hay để làm vợ.

 

Phải chăng đó là lý do, theo cảm thức và tập tục cổ truyền của một số dân tộc, đặc biệt là dân Do Thái, một người phụ nữ mà son sẻ không có con là một người phụ nữ bất hạnh, vô phúc, không sống trọn ơn gọi và thiên chức chuyên biệt làm người của mình, dù ngoài ý muốn và khả năng trời ban cho họ (như bị trục trặc về sinh lý).

 

Riêng phụ nữ Việt Nam, một khi được “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” thì thân mệnh chính yếu của họ là phải làm sao cố sinh ra cho chồng nói riêng và cho nhà chồng nói chung, con đàn cháu đống, để chẳng những chúng có thể nối dõi tông đường bên chồng, nếu họ thuộc loại danh gia quí tộc, mà còn để thêm nhân công làm ruộng làm vườn nữa, nếu gia đình thuộc hạng lê dân tiểu tốt.

 

Chính vì thân phận của người nữ là làm mẹ mà nếu họ không sống ơn gọi cao cả này của mình, họ đã đi trái với định luật thiên nhiện được Đấng Hóa Công thượng trí ấn định. Từ đó, như thực tế cho thấy, họ sẽ phải chịu những hậu quả khôn lường của những gì là trái tự nhiên do họ gây ra mà họ cứ chủ quan tưởng là hay ho và thiện ích.

 

Chẳng hạn, trường hợp người nữ chỉ thích làm đẹp hơn là làm mẹ. Họ sợ sinh con nhiều sẽ bị chóng già, hết đẹp, hết duyên, hay sợ cho con bú bộ ngực của họ sẽ không còn căng phồng, không còn sức thu hút nữa. Bộ ngực của họ là để làm đẹp hơn là làm mẹ, làm vợ hơn là làm mẹ, tức cho chồng hơn là cho con, vì chồng mới biết thưởng thức nó và mới làm cho họ cảm thấy hết sức khoái lạc.

 

Vì chỉ muốn làm vợ hơn làm mẹ, làm người đẹp hơn làm người mẹ như thế, họ đã tìm hết cách để ngừa thai, hay thậm chí ngừa không được thì phá thai, những phương cách nhân tạo theo khoa học này, như nghiên cứu y khoa và thống kê cho thấy, càng ngày giới phụ nữ càng bị ung thư ngực, thậm chí có người chẳng còn ngực đâu để mà thu với hút, để mà lôi với cuốn.

 

Chưa hết, những đứa con sinh ra không bao giờ được nuôi bằng sữa mẹ, một thứ sữa tự nhiên hết sức bổ béo và thấm đậm tình mẹ con đó lại được vắt đổ đi cho đỡ căng nhức lồng ngực của người mẹ, trái lại, thay vào đó, những đứa con do huyết nhục của họ sinh ra chỉ được nuôi bằng sữa bình, sữa hóa học, sữa formula, sữa công thức, sửa phi chất người. Thảo nào con người ở những xã hội văn minh chỉ được nuôi bằng sữa formula, sữa công thức, nên có xu hướng sống theo công thức, theo công bằng hơn là yêu thương. Thảo nào con người văn minh được nuôi bằng hóa chất từ nhỏ ấy càng ngày càng lạnh tình lạnh nghĩa, chỉ biết hưởng thụ hơn là phục vụ, chỉ biết sống theo cá nhân chủ nghĩa hơn là tinh thần đại đồng, chỉ biết sống quyền làm người hơn tình làm người, chỉ biết sống theo xu hướng duy thực dụng, cái gì có lợi trước mắt là nhào vô, bất chấp lương tâm và nguyên tắc luân lý phổ quát v.v. Bởi thế, có thể nói, nếu ngày xưa “phúc đức tại mẫu” thế nào thì ngày nay “ác hại tại mẫu” cũng như vậy.

  

Thời Điểm Khởi Sự Vai Trò Làm Mẹ

 

Nếu vai trò làm mẹ được xuất xứ bắt nguồn từ nữ tính của người phụ nữ thì, như vai trò làm cha được bắt đầu khởi sự từ khi làm chồng thế nào, vai trò làm mẹ cũng được bắt đầu khởi sự từ vai trò làm vợ như vậy. Điều này khỏi nói ai cũng nhận thấy hết sức hiển nhiên là như thế.

 

Phải, không làm mẹ, dù là bị hiếp hay trao thân ngoại hôn, hoặc là bằng việc cho mướn tử cung đi nữa, người nữ sẽ không bao giờ có thể làm mẹ, cùng lắm chỉ làm mẹ nuôi hay mẹ ghẻ khi không thể có con. Vì vai trò làm mẹ được bắt đầu khởi sự từ vai trò làm vợ như thế mà người vợ bắt đầu làm mẹ từ giây phút trao thân cho chồng mình, một tác động cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận sự sống phát xuất từ chồng để biến sự sống này thành một con người cụ thể.

 

Chính vì vai trò làm mẹ được bắt đầu khởi sự từ giây phút người vợ trao thân cho chồng như thế, mà, kinh nghiệm cho thấy, những người vợ nào chỉ trao thân để hưởng lạc thú nhục dục, sau đó chẳng may có con, họ thường sẽ đi đến chỗ phá thai, hay phải bất đắc dĩ sinh ra “của nợ” đó, đứa bé cũng chẳng mấy chốc sẽ trở thành đứa trẻ mồ côi bất đắc dĩ, vì mẹ của nó ly dị bố nó để lấy chồng khác ...

 

Thống kê ngày nay cho thấy vợ ly dị chồng nhiều hơn chồng ly dị vợ phải chăng là chứng cớ cho thấy phụ nữ thích làm đẹp hơn làm mẹ, thích được yêu hơn thương yêu? Trái lại, những người vợ hết sức muốn có con, họ cũng sẽ hết sức gắn bó với chồng, chẳng những trước khi có con mà còn cả sau khi sinh con nữa. Vì nhìn thấy con là họ thấy chồng, và nhìn thấy chồng là họ thấy con, không bao giờ có sự tách biệt giữa chồng và con, chẳng những nơi tâm trí của họ mà còn trong đời sống của họ nữa. Bởi thế, họ không bao giờ bỏ con họ để đi tìm hạnh phúc riêng tư của mình, hay không thể nào bỏ chồng để một mình giành độc quyền giữ con.

 

Có thể nói, nếu con cái là hoa trái của tình yêu vợ chồng, thì lòng muốn có con, hay tình yêu thương con của cả hai vợ chồng, hay ít là của một trong hai người, cũng là yếu tố quyết liệt để bảo dưỡng hạnh phúc hôn nhân cũng như để xây dựng mái ấm gia đình vậy.

 

Vì vai trò làm mẹ được bắt nguồn từ vai trò làm vợ, do đó, người nữ nào sống đúng vai trò làm vợ của mình sẽ thực sự là một người mẹ tốt lành, ngược lại cũng thế, người nữ nào sống trọn vai trò làm mẹ của mình cũng sẽ thực sự là một người vợ hiền thục.

 

Người mẹ nào nói rằng mình thương con mà lại hững hờ với chồng, khinh thường chồng, thậm chí ly dị chồng là người mẹ lừa dối con cái. Người vợ nào nói rằng mình thương chồng mà lại đua đòi thời trang hơn chăm sóc con cái, chiều chồng hơn chiều con, thậm chí hất hủi con cái khi chúng không được như ý của mình hay của chồng, là người vợ nịnh chồng hơn thương chồng, một lúc nào đó không được chồng đáp ứng như lòng mong ước, họ sẽ bất cần cả chồng lẫn con.

 

Thế nhưng, làm thế nào để biết được một người vợ thực sự đã đóng đúng vai trò làm mẹ của họ?

 

Cách Thức Thể Hiện Vai Trò Làm Mẹ

 

Nếu vai trò làm mẹ được xuất xứ bắt nguồn từ nữ tính của người đàn bà, cũng như được bắt đầu khởi sự từ khi làm vợ nơi tác động trao thân cho chồng để lãnh nhận tinh chất sự sống từ chồng, thì vai trò làm mẹ của người nữ là vai trò làm mẹ của sự sống. Thật vậy, nếu vai trò làm cha được thể hiện trên hết ở trách nhiệm và khả năng của họ trong việc giáo dục con cái hơn là ở phận sự của họ đi làm nuôi con, thì vai trò làm mẹ cũng được thể hiện một cách chuyên biệt và thực tế nhất nơi việc chăm sóc sự sống ngay từ khi nó vừa xuất hiện như một mầm thai trong lòng mình, cho đến khi sự sống ấy thành hình một con người ra chào đời, và sau đó phát triển tầm vóc làm người vào đời.

 

Đúng thế, mầu nhiệm sự sống, dù tinh chất của nó được phát xuất từ thân thể người cha, song lại được gắn liền với thân phận người mẹ. Sự sống gắn liền với thân phận người mẹ đến nỗi, người mẹ bấy giờ hầu như có toàn quyền sinh tử trên sự sống này. Nếu người mẹ pro-choice - phò quyền tự quyết nhất định phá thai thì sự sống vô tội bất lực cũng không thể chống cự và tồn tại. Nếu người mẹ chết bất đắc kỳ tử thì sự sống cũng triệt tiêu theo họ. Nếu người mẹ ăn uống đàng hoàng, sự sống thường sẽ đầy đủ dưỡng chất để chẳng những phát triển trong tử cung của họ mà còn sung sức trong cuộc sống sau khi ra đời nữa. Trái lại, nếu người mẹ nghiện hút xì ke má túy, hay thuốc lá, hoặc cho dù cần phải uống thuốc trụ sinh để trị bệnh của mình trong thời gian cưu mang đi nữa, sự sống có nguy cơ sẽ trở thành một đứa bé chậm phát triển sau này. Nếu người mẹ quá vất vả nặng nhọc làm việc về phần xác, hay quá lo âu phiền muộn trong tâm hồn trong thời gian cưu mang, sự sống có thể sẽ bị xẩy thai v.v.

 

Tóm lại, sự sống hoàn toàn lệ thuộc vào người mẹ, và người mẹ trong thời gian cưu mang sự sống chẳng những làm chủ sự sống mà còn sống cho sự sống nữa, một tinh thần yêu thương cái ruột thịt thuộc về mình đó bắt đầu triển nở thành bản năng và chức năng của vai trò làm mẹ nơi người con gái bắt đầu có con.

 

Thật vậy, nếu vai trò làm bố chính yếu là ở chỗ giáo dục con cái, bằng chính đời sống làm người cao cả “như núi Thái Sơn” nêu gương cho con, làm con cảm mến, kính phục và ngưỡng mộ thế nào, thì vai trò làm mẹ chính yếu là ở chỗ sống cho con cái, sống một đời “bao la như biển Thái Bình dạt dào” như vậy, bằng một con tim “như nước trong nguồn chảy ra”, chẳng những được tỏ hiện qua thời gian cưu mang, mà còn trong thời gian chúng phát triển về thể lý lẫn tâm lý nữa.

 

Không thể tìm đâu ra ngoài nơi người mẹ những hình ảnh như ấp ủ con, bằng cách ẵm con vào lòng và vạch vú cho con bú là hình ảnh tuyệt vời nhất mà chỉ có ở nơi người phụ nữ, một hình ảnh người mẹ chia sẻ chất sống của mình cho con mình.

 

Hình ảnh vừa làm hết việc này việc kia trong nhà vừa trông chừng con, lúc nào cũng sợ con bị nguy hiểm, thấy con tập tễnh bước đi không vững bị ngã xuống đất, liền chạy đến bế ngay con lên, lấy tay xoa chỗ đau của con rồi đánh chỗ đất làm cho nó vấp đó để dỗ con nín khóc.

 

Hình ảnh chiều con quá bảo con không được nữa, chỉ biết âm thầm khóc một mình, hay hình ảnh thấy con bị bố đánh thì lên tiếng can thiệp, “anh đánh em đi đừng đánh nó như thế”.

 

Hình ảnh nhỏ nhẹ khuyên con sau khi chúng bị bố chúng la mắng, thậm chí trách chồng trước mặt chúng để gọi là an ủi chúng, “bố con nóng tính quá tay, con biết rồi mà, đừng chấp ông ấy”, “ai bảo mỗi lần ông ấy uống rượu vào con lại tỏ thái độ như thế” v.v., làm chúng lại càng lên nước không coi bố ra gì.

 

Hình ảnh giấu chồng dúi cho con những gì con đòi, thậm chí cả trường hợp biết chắc chắn nó xin tiền để đi chơi cờ bạc, hút sách, làm bậy, vì hy vọng rằng nhờ đó, nhờ tình yêu của mình đó, nó sẽ sửa đổi con người, “lần này thôi nhé”, “đây là lần cuối nghe con” v.v.

 

Dù sao đi nữa, tận đáy lòng, không bao giờ người mẹ muốn cho con mình trở thành hư thân mất nết. Bà làm gì cũng chỉ mong cho con được lành mạnh về phần xác cũng như lành thánh về tinh thần. Cuộc đời làm mẹ thật sự là cuộc sống cho chồng cho con, hoàn toàn hy sinh phục vụ cho đời, những hy sinh, đôi khi hay nhiều khi, không được ai biết đến, trái lại, thậm chí còn bị chồng coi thường phủ nhận, còn bị con kêu ca lạm dụng, còn bị đời lên án: “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.

 

Tóm lại, khách quan mà nói, một khi đề cập đến vai trò làm mẹ là đề cập đến vai trò của một con người hoàn toàn sống cho đời hơn là cho mình, cho đi hơn nhận lãnh, hay đúng hơn, nhận lãnh để cho đi. Nhận lãnh từ trời, với bản chất và thể chất nữ nhân, nhận lãnh từ chồng, với tinh chất sự sống.

 

Nếu vai trò làm cha được thể hiện nơi vai trò làm người của nam nhân thế nào, thì vai trò làm mẹ cũng được thể hiện nơi vai trò làm người của nữ giới như vậy. Tuy nhiên, nếu vai trò làm người của người cha trong việc giáo dục con cái là ở cái thế giá và uy tín của ông, thì vai trò làm người của người mẹ trong việc chăm lo săn sóc chẳng những cho con cái mà còn cho cả chồng mình chính là ở tấm lòng từ ái và bao dung của bà.

 

Thật vậy, nếu ơn gọi làm người nói chung của tất cả mọi con người sống trên trần gian này là ơn gọi sống cho nhau, một ơn gọi duy nhất làm cho con người đạt đến tầm vóc thành nhân của mình, nhờ đó họ có thể chiếm hưởng một hạnh phúc chân chính và trọn vẹn, thì ơn gọi làm người được thể hiện sống động nhất và cụ thể nhất nơi vai trò làm mẹ của người phụ nữ vậy.

 

Có thể nói, làm người chính là ở chỗ biết đóng vai trò làm mẹ, và vai trò làm mẹ chính là sống trọn ơn gọi làm người của mình.

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ