GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 24/5/2007 PHỤC SINH TUẦN VII |
? ĐTC Biển Đức XVI bị 18 dân biểu quốc hội Liên Bang Hoa Kỳ tấn công lời nhận định của ngài trong chuyến tông du Ba Tây về thành phần Công Giáo chính trị gia Mễ Tây Cơ đi ngược với giáo huấn của Giáo Hội
? Tại Sao Kitô Hữu ở Mỹ Châu La Tinh phải trở nên “Những Vị Thừa Sai” ở một nơi chiếm nửa dân số Công Giáo trên thế giới?
? ĐTC Biển Đức XVI với Khoa Học: "Nếu tất cả khoa học (thu ngắn phạm vi khoa học và lý trí) là như thế và chỉ như thế mà thôi, thì chính con người cuối cùng cũng bị biến giảm, vì những vấn đề đặc biệt về con người ... bấy giờ không có chỗ đứng trong nhãn quan của thứ lý trí vơ đũa cả nắm được cho là 'khoa học'”
ĐTC Biển Đức XVI bị 18 dân biểu quốc hội Liên Bang Hoa Kỳ tấn công lời nhận định của ngài trong chuyến tông du Ba Tây về thành phần Công Giáo chính trị gia Mễ Tây Cơ đi ngược với giáo huấn của Giáo Hội
Sơ Mary Ann Walsh, giám đốc văn phòng liên hệ truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã phổ biến một lời phát biểu vào hôm Thứ Sáu 18/5/2007, cho biết thái độ khinh khi quyền tự do ngôn luận của 18 dân biểu quốc hội liên bang Hoa Kỳ đối với nhận định của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI liên quan tới thành phần lập pháp Công Giáo ở Mễ Tây Cơ phò luật phá thai, và họ đã giải thích sai lầm những lời nói của ngài. Lời phát biểu thành văn của Sơ giám đốc này như sau:
“Trong một bản văn đáng tiếc ngày 10/5, 18 trong số 88 Dân Biểu Công Giáo của Hạ Viện Hoa Kỳ đã chỉ trích những nhận định của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI liên quan các nhà lập pháp Mễ Tây Cơ muốn hợp thức hóa vấn đề phá thai. Lời phát biểu của các vị đại diện này đã giải thích sai lầm về những lời nhận định của Đức Thánh Cha và có ý nói rằng Giáo Hội không có quyền lên tiếng về các giáo huấn của mình ở nơi công cộng.
“Tòa Thánh đã làm sáng tỏ vấn đề rằng các vị giám mục Mễ Tây Cơ hay Đức Thánh Cha không phạt vạ tuyệt thông cho bất cứ một lập pháp gia nào. Trái lại, Tòa Thánh lập lại giáo huấn lâu đời của Giáo Hội là bất cứ ai tự do và ý thức phạm một điều sai lỗi trầm trọng, tức phạm một tội trọng, thì không được lên Hiệp Lễ cho tới khi đi xưng tội.
“Việc cho rằng Giáo Hội không được minh nhiên lên tiếng giảng dạy và áp dụng nó trong một xã hội đa nguyên là việc tấn công quyền tự do ngôn luận và quyền tự do tôn giáo. Giáo Hội Công Giáo sẽ mãi mãi và cần phải nói lên chống lại việc hủy hoại những trẻ em thai nhi vô tội.
“Quyền thực hiện điều này là những gì được bảo vệ bởi Hiến Pháp là văn kiện mà tất cả mọi lập pháp gia được tuyển chọn để bênh đỡ. Nói năng và hành động chống lại phá thai không phải là vấn đề của các chính trị gia thuộc đảng phái. Nó là vấn đề về sự sống và sự chết.
“Các vị giám mục thiết tha kêu gọi tất cả mọi người Công Giáo, nhất là những người đang nắm giữ những vị thế có trách nhiệm chung, hãy tự học hỏi về giáo huấn của Giáo Hội, và hãy tìm tham vấn mục vụ để họ có thể thực hiện những quyết định sáng suốt một cách nhất trí và trọn vẹn”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/5/2007
Tại Sao Kitô Hữu ở Mỹ Châu La Tinh phải trở nên “Những Vị Thừa Sai” ở một nơi chiếm nửa dân số Công Giáo trên thế giới?
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch
(tiếp 23 Thứ Tư)
Tại sao các vị Giám Mục Mỹ Châu La Tinh và Caribbean lại có một Tổng Nghị định kỳ?
Tính theo ngày tháng thì đã có 4 cuộc tổng nghị được tổ chức ở Mỹ Châu Latinh và Caribbean, thứ tự như sau: 1955 ở Rio de Janeiro Ba Tây, 1968 ở Medellin Colombia, 1979 ở Puebla Mexico, và 1992 ở Santo Domingo, Cộng Hòa Dominican.
Cuộc Tổng Nghị này có một tầm vóc hết sức quan trọng chẳng những ở riêng vùng đất hầu như toàn tòng Công Giáo này mà còn trong Giáo Hội Hoàn Vũ nữa. Bởi đó, như chính Đức Thánh Cha đương kim Biển Đức XVI, trong bài khai mạc cho biến cố này, đã xác nhận như sau:
“Nơi trường hợp Các Tổng Nghị Chư Giám Mục Mỹ Châu La Tinh và Caribbean, lần nhất, được tổ chức vào năm 1955 ở Rio de Janeiro, nhận được một Bức Thư đặc biệt của Đức Giáo Hoàng Piô XII đáng kính; ở những cuộc Nghị Sự sau đó, bao gồm cả cuộc đang diễn ra đây, Vị Giám Mục Rôma đã đi đến địa điểm của cuộc họp theo châu lục này để chủ tọa phần mở đầu. Với lòng tri ân và mến mộ, chúng ta hãy nhớ đến những Người Tôi Tớ Chúa Phaolô VI và Gioan Phaolô II, những vị đã mang tới những Cuộc Hội Nghị ở Medellín, Puebla và Santo Domingo chứng từ gắn bó của Giáo Hội hoàn vũ với các Giáo Hội ở Mỹ Châu La Tinh là những giáo hội theo tỷ lệ tạo nên đa số trong cộng đồng Công Giáo”.
Về lý do tại sao có các cuộc tổng nghị của hàng giáo phẩm Mỹ Châu La Tinh và Caribbean, Đức Tổng Giám Mục Damasceno 70 tuổi ở Aparecida là nơi diễn ra Tổng Nghị Giám Mục Mỹ Châu Latinh lần 5 này đã cho mạng điện toán toàn cầu Zenit biết rằng:
“Chúng tôi qui tụ lại với nhau với tư cách là các vị giám mục Mỹ Châu Latinh, vì chúng tôi có cùng những vấn đề trục trặc và thách đố giống như nhau. Và đó là lý do tại sao có cùng những giải đáp vậy”.
(còn tiếp)
ĐTC Biển Đức XVI với Khoa Học: "Nếu tất cả khoa học (thu ngắn phạm vi khoa học và lý trí) là như thế và chỉ như thế mà thôi, thì chính con người cuối cùng cũng bị biến giảm, vì những vấn đề đặc biệt về con người ... bấy giờ không có chỗ đứng trong nhãn quan của thứ lý trí vơ đũa cả nắm được cho là 'khoa học'”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch
(tiếp 23 Thứ Tư)
Bài diễn văn ngày Thứ Ba 12/9/2006 tại Đại Học Regensburg về niềm tin, lý trí, và đại học đường
Người ta cần phải nhận định một cách hết sức thành thật rằng vào cuối Thời Trung Cổ, chúng ta thấy có những chiều hướng nơi thần học làm tách biệt cái tổng hợp giữa tinh thần Hy Lạp và tinh thần Kitô Giáo này. Ngược lại với cái được gọi là duy lý trí của Âu Cơ Tinh và Tôma, xuất hiện nơi Duns Scotus một chủ nghĩa duy ý chí là chủ nghĩa, qua những diễn tiến sau này, dẫn đến chỗ cho rằng chúng ta chỉ có thể biết voluntas ordinate (ý muốn bình thường) của Thiên Chúa mà thôi. Ngoài ý muốn bình thường này là lãnh vực thuộc quyền tự do của Thiên Chúa, từ đó, Ngài có thể làm đảo lộn hết mọi sự Ngài đã làm. Điều này làm phát sinh ra những chủ trương rõ ràng là sát cận với những chủ trương của Ibn Hazn, thậm chí có thể dẫn đến hình ảnh của một vị Thiên Chúa đồng bóng, một vị Thiên Chúa thậm chí không liên hệ gì tới sự thật và sự thiện. Siêu việt tính của Thiên Chúa và cái khác biệt của Thiên Chúa là những gì được đề cao đến nỗi, lý trí của chúng ta, giác quan của chúng ta về sự thật và sự thiện, không còn là những gì thực sự phản ảnh Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa mà những năng thể sâu xa nhất của Ngài vĩnh viễn trở thành những gì bất khả đạt và được dấu kín đằng sau những quyết định thực sự của Ngài. Ngược lại với chủ trương này, đức tin của Giáo Hội bao giờ cũng nhấn mạnh rằng giữa Thiên Chúa và chúng ta, giữa Thần Linh Sáng Tạo hằng hữu của Ngài và lý trí thụ tạo của chúng ta có một cái gì tương tự thật sự, như Công Đồng Chung Latêranô IV năm 1215 đã nói, một sự tương tự với cái không giống vĩnh viễn là nhiều hơn là cái giống, tuy nhiên không tới độ hủy loại đi cái tương tự cùng với ngôn từ của nó. Thiên Chúa không trở thành thần linh hơn khi chúng ta đẩy Ngài ra khỏi chúng ta theo chiều hướng duy ý chí hoàn toàn bất khả thấu; trái lại, vị Thiên Chúa thực sự thần linh này là vị Thiên Chúa đã tỏ mình ra như logos – lời, và như logos – lời, ngài đã tác hành và tiếp tục tác hành một cách yêu thương đối với chúng ta. Tình yêu, như Thánh Phaolô viết, thực sự là những gì ‘vượt trên’ kiến thức và vì thế có thể cảm nhận hơn là duy tưởng (x Eph 3:19); tuy nhiên, nó vẫn là tình yêu của vị Thiên Chúa là Logos – Lời. Bởi thế, việc tôn thờ của Kitô Giáo, cũng Thánh Phaolô nói, là "8@(46¬ 8"JD,\"", việc tôn thờ hợp với Lời hằng hữu và với lý trí của chúng ta (x Rm 12:1) (10).
Việc tái tấu mối hữu nghị nội tại giữa đức tin theo Thánh Kinh và triết thức Hy Lạp là một biến cố hệ trọng thật là quyết liệt, chẳng những theo quan điểm lịch sử các tôn giáo, mà còn theo quan điểm lịch sử thế giới nữa – nó là một biến cố liên quan thậm chí tới chúng ta ngày nay nữa. Trước việc qui hợp này, không lạ gì Kitô Giáo, cho dù việc bắt nguồn và phát triển của nó ở Đông phương, cuối cùng lại mang tính cách quan trọng về lịch sử ở Âu Châu. Chúng ta có thể diễn đạt vấn đề này một cách khác như sau: việc qui hợp ấy, cùng với việc thêm thắt sau này của gia sản Rôma, đã là những gì kiến tạo nên Âu Châu và tiếp tục là nền tảng cho những gì có thể đáng được gọi là Âu Châu.
Luận đề cho rằng gia sản được cẩn thận thanh tẩy này là những gì hình thành một phần nguyên vẹn của đức tin Kitô Giáo, là luận đề đã bị phản kháng bởi tiếng gọi hãy giải thể văn hóa Hy Lạp khỏi Kitô Giáo – một tiếng gọi càng ngày càng chi phối những cuộc bàn luận về thần học từ khi mở màn thời đại tân tiến. Nhìn kỹ, người ta thấy có 3 giai đoạn trong tiến trình giải thể văn hóa Hy Lạp này: mặc dù có liên hệ với nhau, song 3 giai đoạn ấy rõ ràng là khác biệt hẳn nhau nơi những cái mới mẻ và mục tiêu của mình (11).
Việc giải thể văn hóa Hy Lạp đầu tiên liên quan tới những định đề của phong trào Cải Cách ở thế kỷ 16. Khi nhìn vào truyền thống của nền thần học kinh viện, thành phần Cải Cách nghĩ rằng họ phải đối đầu với một hệ thống tin tưởng hoàn toàn bị điều kiện hóa bởi triết lý, tức là họ muốn nói đến một sự kết nối của đức tin dựa trên một hệ thống tư tưởng ngoại lạ. Do đó, đức tin không còn là một Lời sống động trong lịch sử mà chỉ là một yếu tố của một hệ thống bị hệ thống triết lý bao trùm. Trái lại, nguyên lý duy thánh kinh – sola srciptura lại tìm kiếm một niềm tin hoàn toàn mặc hình thức tinh tuyền, nguyên khôi, như được thấy từ ban đầu ở Lời trong thánh kinh. Siêu hình học đã trở thành như là một tiền đề được xuất phát từ một nguồn mạch khác, là nơi đức tin đã được giải phóng để trở về với chính bản chất của mình. Khi triết gia Kant nói rằng ông cần dẹp việc suy nghĩ ra ngoài để lấy chỗ cho niềm tin, là ông đã tiền hành dự án này một cách cấp tiến chưa từng thấy nơi thành phần Cải Cách. Bởi thế ông đã cột thắt niềm tin vào thứ lý trí thực tiễn mà thôi, không để cho niềm tin tiến tới với toàn thể thực tại.
Thần học giải phóng trong thế kỷ 19 và 20 đã mở màn cho giai đoạn hai trong tiến trình giải thể văn hóa Hy Lạp, với Adolf von Harnack như nhân vật tiêu biểu nhất của thứ thần học này. Khi tôi còn là một sinh viên, và vào những năm đầu làm nghề giảng dạy của mình, thì cái cương lĩnh này cũng đã có một ảnh hưởng lớn nơi thần học Công Giáo rồi. Nó được khởi đi từ chỗ phân biệt của triết gia Pascal về vấn đề vị Thiên Chúa của thành phần triết gia với vị Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp. Trong bài khai mạc của tôi ở Bonn năm 1959, tôi đã cố gắng nói tới vấn đề này (12), và tôi không muốn lập lại ở đây những gì tôi đã nói vào lúc bấy giờ, thế nhưng tôi muốn diễn tả vắn gọn ít là những gì mới mẻ về giai đoạn thứ hai của việc giải thể văn hóa Hy Lạp này. Ý tưởng chính yếu của Harnack đó chỉ là việc trở về với con người Giêsu cũng như với sứ điệp bình thường của Người, một sứ điệp nằm ở bên dưới những thứ bồi đắp của thần học và thực sự của nền văn hóa Hy Lạp: sứ điệp bình thường này được thấy như là tột đỉnh của việc phát triển về đạo giáo của nhân loại. Chúa Giêsu là vị được cho rằng đã chấm dứt việc thờ phượng để hướng chiều về luân lý. Để rồi Người được trình bày như là một người cha của thứ sứ điệp về luân lý nhân đạo. Nói cho cùng thì mục đích của Harnack đó là đem Kitô Giáo vào cuộc hài hòa với thứ lý trí tân tiến, tức là giải phóng Kitô Giáo khỏi những yếu tố có vẻ triết lý và thần học, chẳng hạn như niềm tin tưởng vào thần tính của Chúa Kitô và vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, việc dẫn giải Tân Ước theo kiểm nhận về lịch sử, như ông thấy, là những gì đã trả về cho thần học vị trí của thần học trong đại học: thần học, đối với Harnack, là một cái gì đó có tính cách lịch sử thiết yếu, bởi thế thần học hoàn toàn có tính cách khoa học. Những gì có thể nói theo nhận định về Chúa Giêsu thực sự là một bày tỏ của thứ lý trí thực tiễn, từ đó, nó có thể chiếm được thế đứng thật sự của mình ở đại học đường. Đứng đằng sau việc suy nghĩ này là tính chất tự hạn hữu mới của lý trí, những gì đã được đề cập đến theo kiểu cổ điển trong cuốn “Critiques” của Kant, thế nhưng đồng thời lại được cấp tiến hóa hơn bởi ảnh hưởng của các ngành khoa học tự nhiên. Quan niệm tân tiến này về lý trí, nói tóm lại, được căn cứ vào một cuộc tổng hợp giữa chủ nghĩa Platonism (Cartesianism) và chủ nghĩa duy nghiệm, một tổng hợp được củng cố bởi việc thành đạt của kỹ thuật. Một đàng nó bao hàm cái cấu trúc toán học của chất thể, bao hàm cái lý lẽ nội tại của cuộc tổng hợp này, cái lý lẽ để có thể hiểu được chất thể hoạt động ra sao và việc sử dụng nó một cách hiệu năng: cái tiền đề căn bản này thực sự là yếu tố của triết lý Plato nơi kiến thức tân tiến về thiên nhiên tạo vật. Mặt khác, năng lực của thiên nhiên tạo vật đang bị khai thác cho các mục đích của chúng ta, và ở nơi đây, chỉ có khả năng kiểm chứng hay xuyên tạc bằng thử nghiệm mới có thể thật sự nắm vững được vấn đề mà thôi. Cán cân giữa đúng sai này, tùy theo hoàn cảnh, có thể chạy từ bên này sang bên kia. Là con người mạnh mẽ theo thực chứng chủ nghĩa, một tư tưởng gia như J. Monod đã từng tuyên bố mình là thành phần chấp nhận chủ nghĩa Plotonist/Cartesian.
Điều này làm phát sinh ra hai nguyên tắc hệ trọng đối với vấn đề được chúng ta nêu lên. Nguyên tắc thứ nhất, đó là chỉ có thứ xác nhận nào xuất phát từ việc tác động của các yếu tố toán học và thử nghiệm mới có thể được coi là khoa học. Bất cứ điều gì cho là khoa học đều phải được căn cứ vào qui chuẩn ấy. Bởi thế, các khoa học về nhân văn, như lịch sử, tâm lý, xã hội và triết học, cần phải tuân hợp với qui luật của khoa học tính này. Nguyên tắc thứ hai, một nguyên tắc quan trọng cho những suy tư của chúng ta, đó là, tự bản chất của mình, phương pháp này là những gì loại trừ vấn đề về Thiên Chúa, cho vấn đề ấy như là vấn đề phi khoa học hay tiền khoa học. Tóm lại, chúng ta đang phải đối diện với một thứ thu ngắn phạm vi khoa học và lý trí, một thứ thu ngắn cần được đặt lại vấn đề.
Tôi sẽ trở lại với vấn đề ấy sau này. Lúc này đây, vấn đề cần phải nhận định là, theo quan điểm ấy thì bất cứ một nỗ lực nào muốn bảo trì việc cho thần học là ‘khoa học’ đều tiến đến chỗ biến Kitô Giáo thành một đơn mảnh thuộc bản chất trước kia của nó. Thế nhưng, chúng ta cần phải nói thêm là: nếu tất cả khoa học là như thế và chỉ như thế mà thôi, thì chính con người cuối cùng cũng bị biến giảm, vì những vấn đề đặc biệt về con người liên quan tới nguồn gốc và định mệnh của chúng ta, những vấn đề được tôn giáo và đạo lý gợi lên, bấy giờ không có chỗ đứng trong nhãn quan của thứ lý trí vơ đũa cả nắm được cho là “khoa học”, được hiểu là như thế, và như vậy thì các vấn đề đặc biệt ấy cần phải được chuyển sang cho lãnh vực chủ quan. Để rồi chủ thể là người, căn cứ vào kinh nghiệm của mình, sẽ quyết định những gì họ coi là khả thủ nơi các vấn đề về tôn giáo, và thứ “lương tâm” chủ quan sẽ trở thành một thẩm phán viên độc đoán duy nhất về những gì có tính cách đạo lý. Cho dù là như thế chăng nữa, luân thường đạo lý và tôn giáo cũng đã mất đi quyền lực của mình trong việc kiến tạo nên một cộng đồng và hoàn toàn trở thành một vấn đề riêng tư cá nhân. Đó là một tình trạng nguy hiểm nơi những sự vụ giành cho nhân loại, như chúng ta thấy được từ những chứng bệnh đáng lo ngại về tôn giáo và lý trí là những gì đang cần phải bùng nổ, khi mà lý trí bị biến giảm đến nỗi những vấn đề về tôn giáo và đạo lý không còn liên hệ gì với nó nữa. Những nỗ lực kiến tạo nên một thứ đạo lý theo các qui luật của việc tiến hóa, hay theo tâm lý học và xã hội học, đều là những gì sẽ tiến tới chỗ bị què cụt hụt hẫng mà thôi.
Trước khi tôi rút ra những kết luận từ tất cả những điều ấy, tôi cần phải vắn tắt nói tới giai đoạn thứ ba của việc giải thể văn hóa Hy Lạp là giai đoạn đang diễn tiến hiện nay. Theo kinh nghiệm của chúng ta về tính cách đa nguyên của văn hóa, ngày nay người ta thường nói rằng cái tổng hợp với văn hóa Hy Lạp đạt được ở Giáo Hội vào lúc ban đầu là một thứ hội nhập văn hóa sơ khởi không có hiệu lực trên các nền văn hóa khác. Các nền văn hóa khác này được cho rằng có quyền trở về với sứ điệp thuần túy của Tân Ước trước cuộc hội nhập văn hóa ấy, để hội nhập sứ điệp ấy một cách mới mẻ vào môi trường riêng biệt của chúng ta. Luận đề này chẳng những sai lầm; nó còn tồi tệ và thiếu chính xác nữa. Tân Ước được viết bằng Hy ngữ và mang dấu ấn của tinh thần Hy Lạp, một tinh thần đã tiến đến chỗ chín mùi như Cựu Ước đã phát triển vậy. Thật thế, có những yếu tố trong cuộc tiến hóa của Giáo Hội sơ khai không được hội nhập vào tất cả mọi nền văn hóa. Tuy nhiên, những quyết định trọng yếu về mối liên hệ giữa đức tin và việc sử dụng lý trí con người là những gì thuộc về chính đức tin; chúng là những tiến triển hợp với bản chất của chính đức tin.
Giờ đây tôi đi đến phần kết luận của mình. Nỗ lực này, một nỗ lực được vẽ vời bằng những đường nét phóng đại, theo một thứ nhận định từ bên trong của lý trí tân tiến, không có liên quan gì tới việc quay ngược kim đồng hồ trở lại với thời gian trước Thời Minh Tri, cũng như trong việc loại trừ đi những minh thức của thời đại tân tiến hết. Những khía cạnh tích cực của tính cách tân tiến đều được công nhận một cách dễ dàng: ở chỗ, tất cả chúng ta đều cảm nhận đối với những tiềm năng tuyệt vời đang được mở ra cho nhân loại, cũng như đối với việc tiến bộ chúng ta có được nơi nhân loại. Ngoài ra, tinh thần của khoa học – như chính ngài Viện Trưởng đã nhắc tới – đó là ý muốn tỏ ra thuận phục chân lý, nhờ đó, nó thể hiện một thái độ vốn thuộc về những quyết định thiết yếu theo tinh thần Kitô Giáo. Ý hướng này ở đây không phải là một ý hướng của sự cắt xén hay của vấn đề tiêu cực kiểm định, mà là của việc nới rộng quan niệm của chúng ta về lý trí và về việc áp dụng của lý trí. Trong khi chúng ta hoan hưởng nơi những tiềm năng mới mở ra cho nhân loại thì chúng ta cũng thấy được những mối nguy hiểm xuất phát từ những tiềm năng này, nên chúng ta vần phải tự hỏi làm sao chúng ta có thể thắng vượt được những thứ nguy hiểm ấy. Chúng ta sẽ thành công trong việc làm điều này chỉ khi nào lý trí và đức tin cùng nhau sánh bước một cách mới mẻ, chỉ khi nào chúng ta thắng vượt được cái hạn hữu tự áp đặt của lý trí đối với những gì là khả thực theo thử nghiệm, và chỉ khi nào chúng ta một lần nữa vạch ra được những vùng chân trời rộng lớn của lý trí. Theo chiều hướng này thì thần học mới đáng thuộc về đại học đường và mới đáng thực hiện cuộc đối thoại bao rộng với các khoa học, không phải chỉ như là một ngành về lịch sử và một ngành của các khoa học nhân văn, mà thực sự là thần học, là việc thẩm tra tính cách hợp lý của đức tin.
Chỉ như thế chúng ta mới có thể thực hiện một cuộc đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo là những gì hết sức cần thiết ngày nay. Nơi thế giới Tây phương, nhiều người chủ trương rằng chỉ có thứ lý trí có tính cách thực chứng và những hình thức của triết học theo thứ lý trí này mới có giá trị phổ quát. Tuy nhiên, các nền văn hóa về đạo giáo sâu xa của thế giới đều thấy việc loại trừ thần linh này khỏi tính cách phổ quát của lý trí là một thứ tấn công vào những niềm xác tín sâu xa nhất của những nền văn hóa ấy. Một thứ lý trí tỏ ra câm điếc trước thần linh và đẩy tôn giáo vào lãnh vực của các thứ hạ tầng văn hóa là một lý trí không thể nhập cuộc đối thoại với các nền văn hóa. Đồng thời, như tôi đã cố gắng chứng tỏ, lý trí khoa học tân tiến có yếu tố mang tính cách triết lý Plato sâu đậm chất chứa nơi mình một vấn đề hướng về những gì ở ngoài chính nó và ở ngoài cả những tiềm năng nơi phương pháp học của nó nữa. Lý trí khoa học tân tiến hoàn toàn dễ dàng chấp nhận cái cấu trúc hợp lý của chất thể, cũng như cái tương hợp giữa tinh thần của chúng ta với những cấu trúc hợp lý vốn có nơi thiên nhiên tạo vật là những gì phương pháp học của lý trí khoa học tân tiến cần phải dựa vào. Tuy nhiên, vấn đề tại sao sự việc này cần phải như thế là một vấn đề thực sự, và là một vấn đề cần phải được các ngành khoa học tự nhiên trả về cho các kiểu cách và lãnh vực suy tưởng khác – tức cho triết học và thần học. Đối với triết lý, và cho dù bằng đường lối khác nhau, đối với cả thần học, thì việc lắng nghe những cảm nghiệm và những minh thức cao cả nơi những truyền thống tôn giáo của loài người, cũng như những cảm nghiệm cùng minh thức của riêng đức tin Kitô Giáo, là một nguồn kiến thức, và việc coi thường việc lắng nghe này sẽ là một thứ hạn chế bất khả chấp cho việc lắng nghe và đáp ứng của chúng ta. Ở đây tôi nhớ tới điều triết gia Socrates nói với Phaedo. Trong những cuộc đàm đạo đầu tiên của mình, có nhiều ý nghĩ sai lầm về triết lý đã được nêu lên, nên Socrates đã nói: “Thật là dễ hiểu khi có người cảm thấy khó chịu trước tất cả những thứ khái niệm sai lầm mà đối với cuộc đời còn lại của mình họ tỏ ra kinh thường và chế nhạo tất cả những gì nói về hữu thể – thế nhưng vì vậy mà họ lại bị hụt hẫng đi cái sự thật về việc hiện hữu và phải chịu mất mát lớn lao” (13). Tây phương đã lâu bị nguy hiểm bởi thái độ không ưa thích đối với những vấn nạn được tiềm tàng nơi tính chất hợp lý của mình, và vì thế chỉ có thể phải chịu đựng cái tai hại cả thể. Can đảm dấn thân cho tính cách bao rộng của lý trí và không chối bỏ tính cách cao cả của nó – đó là chương trình từ đó một khoa thần học được bắt nguồn từ niềm tin theo Thánh Kinh mới có thể tham gia vào những cuộc tranh luận của thời đại chúng ta. “Việc không tác hành hợp lý, không hành động với logos, là điều trái với bản tính của Thiên Chúa”, hoàng đế Manuel II đã nói như thế, theo kiến thức Kitô Giáo của ông về Thiên Chúa, để đáp lại đối thoại viên người Ba Tư của ông. Chính vì để tiến đến với cái logos cao cả này, đến với cái rộng lớn của lý trí ấy, mà chúng ta kêu gọi đồng bạn của chúng ta hãy thực hiện cuộc đối thoại về các nền văn hóa. Công việc cao cả của đại học đường đó là liên lỉ tái nhận thức lý trí vậy.
(còn tiếp)