GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 2/5/2007

PHỤC SINH TUẦN 4

 

?  Giáo phụ Origen thành Alexandria: ‘khúc quanh bất khả vãn hồi’ liên quan tới việc khai triển Thánh Kinh

?  “Bác Ái và Công Lý nơi Những Mối Liên hệ giữa Chư Dân và Chư Quốc”: 1. Những dấu chỉ thời đại đáng lo ngại gần đây

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về "Vị Thiên Chúa có Dung Nhan của Chúa Giêsu Kitô": “Thiên Chúa biến mình trở nên nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu biết Ngài”

 

 

 

?  Giáo phụ Origen thành Alexandria: ‘khúc quanh bất khả vãn hồi’ liên quan tới việc khai triển Thánh Kinh

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 21/3/2007 – Bài Giáo Lý 37 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

(tiếp 1 Thứ Ba)

 

Chúng ta đã đề cập tới từ đầu về ‘khúc quanh bất khả vãn hồi’ gây nên bởi ông Origen trong lịch sử thần học và tư tưởng Kitô Giáo. Thế nhưng, ‘khúc quanh’ này là ở chỗ nào, một khúc quanh mang lại rất nhiều những thành quả?

 

Trước hết, ông đã thực sự đặt nền tảng thần học trên những giải thích về Thánh Kinh; hay chúng ta cũng có thể nói rằng thần học của ông là một thứ cộng hợp giữa khoa thần học và khoa dẫn giải thánh kinh. Thật vậy, đặc tính nổi bật nơi giáo huấn của ông Origen dường như ở việc ông không ngừng mời gọi hãy vượt qua từ chữ nghĩa tới tinh thần của Thánh Kinh, trong việc tiến triển về nhận thức Thiên Chúa.

 

Và đường lối ‘có tính cách biểu hiệu’ này, theo thần học gia von Balthasar nhận định, trùng hợp chính xác ‘với việc phát triển của tín lý Kitô Giáo được thực hiện bởi các giáo huấn của những vị tiến sĩ Hội Thánh’, những vị – bằng cách này hay cách khác – đã chấp nhận ‘bài học’ của ông Origen. Bởi thế mà Truyền Thống và huấn quyền, nền tảng và là việc bảo đảm cho việc nghiên cứu thần học, mới tiến đến chỗ trở thành ‘Thánh Kinh trong trạng thái động’ (cf. "Origene: il mondo, Cristo e la Chiesa," tr. it., Milano 1972, p. 43).

 

Do đó, chúng ta có thể nói rằng cái nhân trung của những tác phẩm khổng lồ về văn chương của ông Origen là ở ‘việc đọc ba lần xuyên suốt’ Thánh Kinh. Thế nhưng, trước khi nói về ‘việc đọc’ ấy, chúng ta hãy để ý tới việc sản xuất văn chương của con người thành Alexandria này.

 

Thánh Giêrônimô, trong Bức Thư thứ 33, đã liệt kê những danh sách 320 cuốn sách và 310 bài giảng của ông Origen. Tiếc thay, hầu hết những tác phẩm ấy hiện nay đã bị thất lạc, thế nhưng một ít tác phẩm còn lưu tồn cũng đã làm cho 6ong trở thành tác giả sáng tác nhiều nhất trong 3 thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo. Lãnh vực hào hứng của ông bao gồm từ việc dẫn giải thánh kinh đến tín lý, triết lý, hộ giáo, khổ chế và thần bí. Nó là một nhãn quan quan trọng và toàn cầu của đời sống Kitô Giáo.

 

Cốt lõi hứng khởi của công cuộc này, như chúng ta đã đề cập tới trên đây, đó là ‘việc đọc ba lần xuyên suốt’ Thánh Kinh được ông Origen khai triển trong cuộc đời của ông, Bằng lời diễn tả ấy, chúng ta đang dẫn tới ba cách thức quan trọng nhất – không theo thứ tự quan trọng nào – được ông Origen sử dụng trong việc dấn thân học hỏi Thánh Kinh.

 

Họ đã đọc Thánh Kinh với ý định tìm hiểu bản văn bao nhiêu có thể và cống hiến việc trung thực dẫn giải. Đó là bước đầu tiên, chẳng hạn, biết những gì thực sự được viết cũng như biết những gì bản văn cố ý muốn nói từ đầu. Ông đã thực hiện việc đại nghiên cứu này theo chiều hướng ấy và đã tạo nên một ấn bản Thánh Kinh có 6 cọc so sánh với nhau, từ phải sang trái, với những bản văn Do Thái được viết bằng tiếng Do Thái – Origen đã liên lạc với những vị tôn sư Do Thái để hiểu rõ bản văn Thánh Kinh nguyên ngữ Do Thái.

 

Đoạn ông chuyển tự bản văn Do Thái sang Hy Lạp và rồi đã thực hiện 4 bản dịch khác nhau sang tiếng Hy Lạp, những bản dịch giúp cho ông có thể so sánh những khả thể khác nhau về việc dịch thuật. Việc tổng hợp này được gọi là ‘Hexapla’ (sáu cột). Đó là điểm thứ nhất, điểm muốn biết được xác thực những gì được viết, biết về chính bản văn.

 

‘Việc đọc’ thứ hai đó là việc đọc thánh kinh một cách có hệ thống của ông Origen kèm theo những dẫn giải nổi tiếng nhất của thánh kinh. Những lời dẫn giải này trung thành cung cấp những giải thích của ông Origen cho học sinh của ông, ở Alexandria và ở Caesarea. Ông đã tiến hành hầu như từng câu một, đào sâu một cách rộng rãi và sâu xa, bằng những ghi chú về triết lý và tín lý. Ông làm việc hết sức thận trọng đối với tính cách chính xác trong việc hiểu biết hơn những gì tác giả thánh kinh muốn nói.

 

Cuối cùng, ngay trước khi thụ phong linh mục, ông Origen đã hết sức dấn thân rao giảng Thánh Kinh, thích ứng mình với các thành phần thính giả khác nhau. Dù sao, như chúng ta thấy nơi các Bài Giảng của ông, bậc thày này, một vị đã dấn thân giải thích một cách hệ thống các câu thánh kinh, phân tán mỏng các câu ấy thành các câu nhỏ hơn.

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 25/4/2007

 

 TOP

 

 

?  “Bác Ái và Công Lý nơi Những Mối Liên hệ giữa Chư Dân và Chư Quốc”: 1. Những dấu chỉ thời đại đáng lo ngại gần đây

 

Bản Văn Soạn Thảo cho Đại Hội Thường Niên 13 của Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Các Khoa Về Xã Hội Học 27/4-1/5/2007

 

(tiếp 1 Thứ Ba)

 

1.         Những dấu chỉ thời đại đáng lo ngại gần đây

 

Mặc dù có những lúc người ta thường tin rằng việc theo đuổi đức bác ái và công lý ở tầm cấp quốc tế là vấn đề quan trọng chính yếu cho xã hội hiện đại, đồng thời cũng có lúc chúng ta gặp thấy những dấu hiệu đang diễn tiến ngược chiều:

 

Tình trạng tái hiện chủ nghĩa duy quốc. Ở các quốc gia đang phát triển và phát triển có những dấu hiệu khủng hoảng liên quan tới hai đặc tính chính yếu của tiến trình toàn cầu hóa: một là vấn đề nhân bản và có liên hệ tới việc di dân gia tăng một cách hợp pháp và bất hợp pháp cùng với việc chống kháng về chính trị đối với việc di dân này; đặc tính thứ hai có tính cách kinh tế và có liên hệ tới những căng thẳng giữa chế độ bảo vệ nền công nghiệp nội địa với việc tự do mậu dịch.

 

Vấn đề hội tụ yếu kém. Bất chấp việc tiếp tục gia tăng nhanh chóng về kinh tế ở nhiều quốc gia đang phát triển, thì những dấu hiệu cho thấy vấn đề hội tụ về kinh tế và xã hội giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển vẫn còn bị giới hạn vào chỉ một số ít thể loại cuối cùng này. Đó không phải chỉ là trường hợp thuộc lãnh vực kinh tế mà còn đúng cả nơi lãnh vực giáo dục nữa.

 

Tình trạng nghèo khổ tràn lan. Đồng thời, ngay cả ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất, tình trạng nghèo khổ xẩy ra và tình trạng cực kỳ nghèo khổ vẫn còn là những gì rất cao.

 

Sự yếu kém về vấn đề đa phương. Vấn đề song phương thì đang lớn mạnh và hầu hết những cơ cấu đa phương, chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc UN, Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO, IMF, Ngân Hàng Thế Giới World Bank, và thậm chí cả một số thuộc những bộ phận tương ứng theo miền của những cơ cấu đa phương này, cũng đang cho thấy những dấu hiệu yếu kém và kiệt quệ. Tuy nhiên, hiện tại cũng chẳng thấy có những tổ chức nào nổi lên thay thế những cơ cấu ấy cả.

 

Các mục tiêu ngàn năm. Những mục tiêu này được đặt căn bản trên sự đồng thuận quốc tế song hiện nay vẫn có những ngờ vực rất vững chắc về khả thể thực sự áp dụng chúng trong thời gian trước mắt. Việc thỏa thuận trước đây về các Mục Tiêu Ngàn Năm bởi thế bắt đầu sụp đổ. Kết quả là cần phải suy nghĩ thêm về đường lối giúp vào việc đạt được những mục đích ấy, cùng với việc hình thành những đề án mới mẻ.

 

Vấn đề trợ giúp thiếu hụt và vô hiệu. Việc trợ giúp đã được cống hiến đã xẩy ra xa vời với mục tiêu của việc cung cấp .7% tổng sản lượng từ các quốc gia phát triển cho vấn đề trợ giúp hải ngoại. Ngoài ra, việc trợ giúp được cung cấp này thường được phân phối vàsử dụng bởi các tổ chức quốc tế vá các chính phủ cùng cơ quan địa phương một cách thiếu hiệu nghiệm.

 

Nạn khủng bố và chiến tranh. Như những gì xẩy ra bất ngờ vào ngày 11/9/2001 cho thấy thì khởi điểm của một tân thế kỷ đã được đánh dấu bằng tình trạng gia tăng đáng kể nơi thảm họa khủng bố có tính cách xã hội và luân lý. Đồng thời, thế giới này phần lớn vẫn còn bị ảnh hưởng chi phối bởi các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia và những cuộc chiến trong các quốc gia.

 

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/4/2007

 

TOP

 

 

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về "Vị Thiên Chúa có Dung Nhan của Chúa Giêsu Kitô": “Thiên Chúa biến mình trở nên nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu biết Ngài”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch

 

(tiếp 1 Thứ Ba)

 

“Thiên Chúa biến mình trở nên nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu biết Ngài”

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Chúng ta vừa nghe trong Phúc Âm sứ điệp được các thiên thần báo cho các mục đồng trong Đêm Thánh, một sứ điệp giờ đây được Giáo Hội loan báo cho chúng ta: ‘Hôm nay, trong thành Đavít, Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các người, Ngài là Chúa Kitô. Và đây là dấu hiệu cho các người hay, đó là các người sẽ thấy một con trẻ được bọc trong khăn và nằm trong máng cỏ’ (Lk 2:11-12). Các mục đồng không được chỉ cho thấy những gì là lạ lùng, những gì là phi thường, những gì là uy nghi vĩ đại cả. Tất cả những gì họ sẽ thấy là một con trẻ được  bọc trong khăn, Đấng mà, như tất cả mọi con trẻ khác, cần đến  sự chăm sóc của người mẹ; một con trẻ được sinh ra trong hang đá, một con trẻ mà vì vậy không nằm trong một cái nôi mà là một máng cỏ. Dấu hiệu của Thiên Chúa là một thơ nhi cần được giúp đỡ và sống trong tình trạng bần cùng. Chỉ bằng con tim của mình các mục đồng mới có thể thấy được rằng thơ nhi ấy làm hoàn tất lời hứa được tiên tri Isaia nói tới mà chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất: ‘Một con trẻ được sinh ra cho chúng ta, một người con được ban cho chúng ta; và Người sẽ đảm nhiệm việc trị vì’ (9:5). Cũng cùng một dấu hiệu đã được ban cho chúng ta. Cả chúng ta nữa cũng đưoơc thiên  thần Chúa mời gọi, qua sứ điệp của Phúc Âm, hãy khởi hành bằng tâm hồn của chúng ta để thấy được con trẻ nằm trong máng cỏ ấy.

 

Dấu hiệu của Thiên Chúa có tính cách đơn sơ. Dấu hiệu của Thiên Chúa đó là việc Người biến mình trở thành nhỏ bé vì chúng ta. Đó là cách Người trị vì. Người không đến bằng quyền năng và hào nhoáng bề ngoài. Người đến như một thơ nhi – bất khả tự vệ và cần chúng ta giúp đỡ. Người không muốn chiếm đoạt chúng ta bằng sức mạnh của Người. Người làm cho chúng ta hết sợ hãi trước sự cao cả của Người. Người cần đến tình yêu của chúng ta, bởi vậy mà Người biến mình thành một con trẻ. Người không muốn gì khác nơi chúng ta ngoài tình yêu của chúng ta, một tình yêu nhờ đó chúng ta tự nhiên biết cách chia sẻ với những cảm xúc của Người, những ý nghĩ của Người và với ý muốn của Người – chúng ta biết sống với Người và thực tập với Người đức khiêm tốn từ bỏ là những gì thuộc về chính yếu tính của yêu thương. Thiên Chúa biến mình thành nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu biết Người, đón nhận Người, và mến yêu Người. Các Giáo Phụ của Giáo Hội, trong bản dịch Hy Lạp Cựu Ước của mình, đã thấy được một đoạn theo tiên tri Isaia được Thánh Phaolô cũng trích dẫn để tỏ cho thấy làm thế nào những đường lối mới mẻ của Thiên Chúa đã đưoơc báo trước trong Cựu Ước. Ở đó chúng ta đọc thấy rằng: ‘Thiên Chúa đã làm cho Lời của Ngài trở nên ngắn gọc, Ngài đã rút gọn Lời Ngài’ (Is 10:23; Rm 9:28). Các Giáo Phụ đã dẫn giải điều này hai cách: ‘Chính Con là Lời, là Lý Trí; Lời hằng hữu trở nên bè nhỏ – nhở vừa gọn trong một máng cỏ. Người đã trở thành một con trẻ, nhờ đó Lời có thể được chúng ta nắm bắt. Như thế Thiên Chúa dạy chúng ta yêu thương thành phần bé nhỏ. Như thế Người dạy chúng ta yêu mến kẻ yếu hèn. Như thế Người dạy chúng ta tôn trọng trẻ em. Con trẻ Bêlem này hướng mắt chúng ta về tất cả mọi con trẻ đang chịu khổ và bị lạm dụng trên thế giới này, những con trẻ đưoơc sinh ra và những con trẻ không được sinh ra. Về các trẻ em bị sử dụng như lính tráng trong một thế giới bạo động; về những trẻ em đi ăn mày ăn xin; về những trẻ em bị thiếu thốn và đói khổ; về nhữn g trẻ em bị hất hỉu. Nơi tất cả những trẻ em ấy là Con Trẻ Bêlem đang kêu khóc đối với chúng ta; chính vị Thiên Chúa trở thành nhỏ bé đang kêu gọi chúng ta. Chúng ta hãy nguyện cầu đêm nay để ánh rạng ngời của tình yêu Thiên Chúa được tỏa rạng cho tất cả những trẻ em ấy. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa giúp chúng ta thực hiện phần của mình nhờ đó phẩm vị của trẻ em được tôn trọng. Chớ gì tất cả họ đều cảm nghiệm được ánh sáng yêu thương nhân loại đang cần còn hơn những nhu cầu vật chất của đời sống.

 

Bởi vậy chúng ta tiến tới ý nghĩa thứ hai được các vị Giáo Phụ thấy nơi câu: ‘Thiên Chúa đã làm cho Lời của Ngài nên bé nhỏ’. Lời được Thiên Chúa nói cùng chún g ta trong Thánh Kinh đã trở thành dài dòng qua giòng lịch sử của các thế kỷ. Lời đã trở nên dài dòng và phức tạp, chẳng những đối với thành phần đơn sơ và thất học, thậm chí đối với cả thành phần thông thuộc Thánh Kinh nữa, đối với những chuyên  gia rõ ràng cảm thấy bối rối trước những chi tiết và đặc biệt là trước những vấn đề, hầu như tới độ không còn thấy được cái phối cảnh tổng quan nữa. Chúa Giêsu ‘đã tóm gọn’ Lời này – Người đã tỏ cho chúng ta thấy một lần nữa tính chất giản dị và hiệp nhất sâu xa của Lời. Người đã tuyên bố rằng hết mọi sự được truyền dạy bởi Lề Luật và các vị Tiên Tri đều được tóm lại thành giới lệnh: ‘Các người phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của các người hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn mình… Các người phải yêu thương tha nhân như bản thân mình’ (Mt 22:37-40). Đó là tất cả mọi sự –  tất cả đức tin được chất chứa nơi tác động yêu thương duy nhất bao gồm cả Thiên Chúa lẫn loài người này.

 

Tuy nhiên, đến đây lại xuất hiện những vấn nạn khác, đó là làm thế nào chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa hết trí khôn của mình, nếu trí khôn của chúng ta khó có thể vươn tới Ngài? Làm sao chúng ta có thể yêu mến Ngài hết lòng và hết linh hồn của mình, khi lòng chúng ta chỉ có thể thoáng thấy Ngài từ xa xa, khi mà có quá nhiều cái ngược nghịch xung khắc nhau trong một thế giới có thể che khuất đi dung nhan của Ngài này đây? Đó là điểm gặp gỡ của hai đường lối của việc Thiên Chúa ‘tóm gọn’ Lời của Ngài. Ngài không còn ở cách xa nữa. Ngài không còn là những gì không biết tới nữa. Ngài không còn vượt ngoài tầm với của tâm can chúng ta nữa. Ngài đã trở thành một con trẻ đối với chúng ta, và làm như thế, Ngài đã xua tan đi tất cả những gì là ngờ vực. Ngài đã trở thành tha nhân của chúng ta, nhờ đó phục hồi lại hình ảnh của con người, thành phần chúng ta thường cảùm thấy rất khó mà yêu thương nổi.

 

Đối với chúng ta, Thiên Chúa đã trở thành một tặng ân. Ngài đã ban tặng chính mình Ngài. Ngài đã đi vào thời gian cho chúng ta. Ngài là một Đấng Hằng Hữu, vượt trên thời gian, Ngài đã mặc lấy thời gian và nâng thời gian lên với Ngài ở trên cao. Lễ Giáng Sinh đã trở thành một Lễ của các thứ tặng ân, phản ảnh việc Thiên Chúa là Đấng đã ban tặng bản thân mình cho chúng ta. Chúng ta hãy làm sao cho lòng của mình, linh hồn của mình và trí khôn của mình cảm thấy được sự kiến ấy! Trong số nhiều tặng ân chúng ta mua sắm hay lãnh nhận, chúng ta đừng quên tặng ân chân thật này, đó là hãy trao tặng nhau một cái gì đó từ bản thân mình, trao cho nhau một cái gì đó từ thời giờ của chúng ta, hướng thời giờ của chúng ta về Thiên Chúa. Nhờ đó mới không còn lo âu, mới có được niềm vui, và mới tạo nên lễ hội này.

 

Trong các bữa ăn mừng lễ ở những ngày này, chúng ta hãy nhớ đến lời Chúa phán: ‘Khi các người dọn bữa ăn hay tiệc tùng, đừng mời những ai có thể mời lại các người, mà là mời những ai không đưoơc ai mời và không thể mời lại các người’ (x Lk 14:12-14). Điều này cũng có nghĩa là khi anh chị em trao tặng quà Giáng Sinh, đừng tặng chỉ cho những ai sẽ tăngëlại anh chị em, mà cho những ai không đưoơc ai tặng và không thể tặng gì lại cho anh chị em. Đó là những gì Thiên Chúa đã làm, ở chỗ, Ngài đã mời chúng ta đến với bữa tiệc cưới của mình, một điều chúng ta không thể đáp ứng, mà chỉ biêt vui mừng đón nhận. Chúng ta hãy bắt chước Ngài! Chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa, và bắt đầu từ Ngài, chúng ta cũng hãy yêu thương con người, nhờ đó, bắt đầu từ con người, chúng ta lại có thể tái nhận thức được Thiên Chúa một cách mới mẻ!

 

Bởi vậy, sau hết, chúng ta thấy được ý nghĩa thứ ba nơi câu nói Lời đã trở thành ‘ngắn ngủi’ và ‘nhỏ bé’. Các mục đồng được báo cho biết rằng họ sẽ thấy một con trẻ nằm trong một cái máng giành cho thú vật, những con thú mới đáng ở trong hang đá ấy. Đọc tiên tri Isaia (1:3), các vị Giáo Phụ đã kết luận rằng, ngoài máng có ở Bêlem còn có một con bò và một con lừa. Các vị cũng cắt nghĩa đoạn sách này như là những gì biểu hiệu cho người Do Thái và các dân ngoại – tức toàn thể nhân loại – thành phần bằng cách thức riêng của mình cần đến một vị Cứu Tinh, đó là Vị Thiên Chúa đã trở thành một con trẻ. Con người, để sống, cần đến bánh ăn, hoa trái của trái đất và lao công của mình. Thế nhưng họ không sống nguyên bởi bánh. Họ cần của sinh dưỡng cho linh hồn họ, ở chỗ họ cần đến ý nghĩa có thể làm viên trọn cuộc sống của họ. Bởi thế mà đối với các vị Giáo Phụ, cái máng của thú vật ấy trở thành một biểu hiệu của bàn thờ, trong đó có Bánh là chính Chúa Kitô, dưỡng thực thật sự cho tâm can của chúng ta. Một lần nữa, chúng ta thấy Người đã trở nên bé bỏng là chừng nào: nơi một dáng vẻ khiêm hèn của một tấm bánh, nơi một miếng bánh nhỏ, Người đã ban mình cho chúng ta.

 

Tất cả những điều ấy là dấu hiệu được báo cho các mục đồng biết cũng cho cả chúng ta nữa: đó là con trẻ được hạ sinh cho chúng ta, một con trẻ chất chứa vị Thiên Chúa trở thành nhỏ bé cho chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn huệ khi nhìn vào máng cỏ đêm nay tính chất đơn sơ giản dị của các mục đồng, để chúng ta được hưởng niềm vui họ có được khi trở về nhà họ (x Lk 2:20). Chúng ta hãy xin  Chúa ban cho chúng ta lòng khiêm nhượng và niềm tin tưởng của Thánh Giuse được ngài sử dụng khi nhìn thấy con trẻ được Mẹ Maria thụ thai bởi Thánh Linh. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết nhìn ngắm Người bằng cùng một tình yêu mến như Mẹ Maria nhìn ngắm Người. Và chúng ta hãy nguyện cầu để nhờ đó ánh sáng đã giúp cho các mục đồng nhìn thấy chiếu tỏa trên cả chúng ta nữa, cũng như để cho những gì được các thần trời hát lên đêm hôm ấy cũng sẽ vang vọng khắp thế giới: ‘Vinh danh Thiên Cúa trên trời, bình an dưới thể cho người Ngài thương’. Amen!

 

(Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh 25/12/2006)

 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ