GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
Chúa Nhật 17/6/2007 TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Thứ Năm 7/6/2007 Tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô
? ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC”
? ĐỨA BÉ LƯỢM VE CHAI
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Thứ Năm 7/6/2007 Tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô
(tiếp 16 Thứ Bảy)
Ở tột đỉnh của bài Ca Tiếp Liên này, chúng ta xướng lên rằng: "Ecce panis angelorum, / factus cibus viatorum: / vere panis filiorum" – Này là bánh của thiên thần được ban cho thành phần lữ hành đang phấn đấu; kìa bánh từ trời của thành phần con cái”. Và nhờ ơn Chúa, chúng ta là thành phần con cái.
Thánh Thể là thứ dưỡng thực giành cho những ai lãnh nhận Phép Rửa đã được giải phóng khỏi tình trạng làm tôi và trở thành con cái; Thánh Thể là lương thực bảo trì họ trong cuộc hành trình dài xuất hành qua sa mạc của cuộc sống c on người.
Như manna đối với dân Yến Duyên, đối với hết mọi thế hệ Kitô hữu, Thánh Thể là lương thực bất khả thiếu để bảo trì họ khi họ vượt qua sa mạc của thế gian này, một thế gian bị cằn cỗi bởi những thể chế ý hệ và kinh tế không cổ võ sự sống mà là chà đạp nó. Đó là một thế giới bị thống trị bởi lý lẽ của quyền lực và sở hữu hơn là bởi lý lẽ của phục vụ và yêu thương; một thế giới thường bị khống chế bởi nền văn hóa bạo động và chết chóc.
Thế nhưng, Chúa Giêsu đã đến gặp chúng ta và bảo đảm với chúng ta rằng: Chính Người là ‘bánh sự sống’ (Jn 6:35,48). Người đã lập lại điều này với chúng ta qua những lời của Câu Xướng Phúc Âm: “Tôi là bánh sự sống từ Trời, ai ăn bánh này thì sẽ sống muôn đời” (x Jn 6:51).
Trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa công bố, Thánh Luca, khi kể lại phép lạ hóa nhiều của 5 ổ bánh và 2 con cá được Chúa Giêsu dùng để nuôi đám đông “trong một nơi hoang vắng”, đã kết bằng những lời này: “Tất cả đều được ăn no nê” (x Lk 9:11-17).
Tôi muốn nhấn mạnh trước hết đến chi tiết “tất cả” này. Thật vậy, Chúa muốn hết mọi người được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể, vì Thánh Thể là để cho hết mọi người.
Nếu mối liên hệ chặt chẽ giữa Bữa Tiệc Ly và mầu nhiệm tử nạn của Chúa Giêsu trên cây Thập Giá được nhấn mạnh đến vào Hôm Thứ Năm Tuần Thánh thì hôm nay, Lễ Corpus Christi, qua việc rước kiệu và đồng lòng tôn thờ Thánh Thể, cũng chú ý tới sự kiện là Chúa Kitô đã tự hiến mình cho toàn thể nhân loại. Việc Người băng ngang qua các nhà cửa và dọc theo các đường phố của thành phố chúng ta đây, đối với những ai đang sống ở đó, là một cống hiến của niềm vui, của sự sống đời đời, của bình an và yêu thương.
Trong đoạn Phúc Âm này, yếu tố thứ hai khiến người ta chú ý đó là việc Chúa làm phép lạ chất chứa lời mời gọi rõ ràng ngỏ cùng mỗi người hãy thực hiện việc góp phần của riêng mình. Năm con cá và hai ổ bánh tiêu biểu cho việc góp phần của chúng ta, ít ỏi nhưng cần thiết, được Người sử dụng để biến thành một tặng ân yêu thương cho mọi người.
Tôi đã viết trong Tông Huấn được đề cập tới trên đây rằng: “Chúa Kitô ngày nay tiếp tục kêu gọi các môn đệ của mình hãy đích thân tham gia” (số 88).
Bởi thế Thánh Thể là tiếng gọi thánh hóa và hiến mình cho người khác, vì ‘mỗi người chúng ta thực sự được kêu gọi, cùng với Chúa Giêsu, trở nên tấm bánh được bẻ ra cho thế gian được sự sống’” (cùng nguồn vừa dẫn).
Đấng Cứu Thế của chúng ta đã ngỏ lời mời gọi đặc biệt cùng chúng ta, hỡi anh chị em ở Rôma thân mến, hãy qui tụ lại bên Thánh Thể ở quảng trường lịch sử này.
(ĐTC ngỏ lời chào mọi thành phần tín hữu tham dự)
Cuối cuộc cử hành Thánh Thể này chúng ta sẽ cùng nhau đi kiệu như thể mang Chúa Giêsu cách tượng trưng dọc theo các đường phố và qua những khu lân cận thành Rôma. Nhờ đó chúng ta có thể nói làm cho Người chìm ngập vào đời sống hằng ngày của chúng ta, để Người có thể bước đi ở những nơi chúng ta tiến bước và sống ở những nơi chúng ta sống.
Thật vậy, chúng ta biết rằng, như Tông Đồ Phaolô đã nhắc nhở chúng ta trong thư gửi Côrintô, nơi mọi việc cử hành Thánh Thể, cũng như ở buổi Thánh Thể tối hôm nay, chúng ta “loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Người lại đến” (x 1Cor 11:26). Chúng ta đang bước đi trên những con đường thế gian, biết rằng Người ở gần bên chúng ta, hy vọng một ngày kia chúng ta thấy Người giáp diện trong cuộc hội ngộ tối hậu.
Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy lắng nghe tiếng của Người lập lại, như chúng ta đọc thấy trong Sách Khải Huyền, “Này, Ta đang đứng ngoài cửa mà gõ; ai nghe thấy tiếng của Ta mà mở cửa thì Ta sẽ đến với họ mà ăn uống với họ, để họ được ở với Ta” (3:20).
Lễ Corpus Christi muốn làm cho việc gõ cửa này của Chúa được nghe thấy, bất chấp cái cứng lòng của việc nghe ngóng của nội tâm chúng ta. Chúa Giêsu gõ cửa lòng của chúng ta và xin được vào chẳng những một khoảng ngày sống mà còn mãi mãi. Chúng ta hãy hân hoan nghênh đón Người, đồng thanh dâng lên Người lời cầu khấn của Phụng Vụ:
“Hỡi Mục Tử Nhân Lành là chính bánh ăn xin hãy săn sóc chúng con, / Ôi Giêsu, vì yêu thương xin hãy làm bạn với chúng con … / Chúa là Đấng làm được và biết hết mọi sự, / Đấng ở trên trái đất này là lương thực tặng ban, / xin ban cho chúng con, mặc dù thấp hèn nhất, được cùng với các thánh nhân, ở nơi Chúa thiết đãi bữa tiệc thiên đình / cho thành phần được thừa hưởng và thực khách”.
Amen!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
(tiếp 16 Thứ Bảy)
Trong Tông Thư về cuốn “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Đức Trinh Nữ”
Thật vậy, trong Tông Thư đề ngày 8/12/2003 gửi Gia Đình các Hội Dòng do Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) thành lập, nhân dịp kỷ niệm 160 năm xuất bản tác phẩm Thánh mẫu thời danh của vị thánh này, một tác phẩm đã ảnh hưởng sâu xa đến lòng sùng kính Thánh Mẫu của mình, Đức Gioan Phaolô II đã tự thú ở ngay đoạn mở đầu như sau:
“Một tác phẩm được viết để làm tác phẩm cổ điển về linh đạo Thánh Mẫu đã được xuất bản cách đây 160 năm trước. Thánh Louis Marie Grignion de Montfort đã viết cuốn Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Đức Trinh Nữ vào đầu thế kỷ 18, thế nhưng, trên thực tế, bản thảo đã không được biết đến trên một thế kỷ. Cuối cùng, hầu như là tình cờ, nó đã được tìm thấy vào năm 1842 và xuất bản vào năm 1843, tác phẩm này đạt được thành quả ngay, cho thấy hiệu năng phi thường của việc truyền bá ‘lòng thành thực sùng kính’ đối với Vị Trinh Nữ Rất Thánh này. Chính tôi, trong những năm còn trẻ, đã tìm được hỗ trợ rất nhiều khi đọc tác phẩm này. ‘Tôi đã thấy ở đó những giải đáp cho các vấn nạn của mình’, vì có lúc tôi sợ rằng nếu việc tôi tôn sùng Mẹ Maria ‘trở thành quá đà thì sẽ đi đến chỗ làm tổn thương tới tính cách tối thượng của việc tôn thờ giành cho Chúa Kitô’ (Dono e Mistero, Libreria Editrice Vaticana, 1996; English edition: Gift and Mystery, Paulines Publications Africa, p. 42). Với sự hướng dẫn khôn ngoan của Thánh Louis Marie, tôi đã nhận ra rằng nếu ai sống mầu nhiệm Mẹ Maria trong Chúa Kitô thì không có vấn đề nguy cơ này. Thật thế, tư tưởng Thánh Mẫu của vị Thánh này ‘đã bắt nguồn từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và từ sự thật Nhập Thể của Lời Thiên Chúa’ (ibid.).
“Từ khi được hạ sinh, nhất là vào những lúc khó khăn nhất của mình, Giáo Hội đã thiết tha chiêm ngưỡng biến cố Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô được Thánh Gioan đề cập tới, đó là: ‘Đứng kề Thánh Giá Chúa Giêsu có Mẹ của Người, và chị của Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas, cùng với Maria Mai Đệ Liên. Khi Chúa Giêsu thấy Mẹ của mình và môn đệ Người yêu đứng gần thì Người nói với Mẹ mình rằng: Hỡi Bà, này là con của bà! Đoạn Người nói với người môn đệ rằng: Này là người mẹ của con! Và từ lúc đó người môn đệ ấy mang Người về nhà mình’ (Jn 19:25-27). Qua giòng lịch sử của mình, Dân Chúa đã cảm nghiệm được tặng ân này của Chúa Giêsu tử giá, đó là tặng ân Mẹ Người. Mẹ Maria Rất Thánh thực sự là Mẹ của chúng ta, vị đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình đức tin, đức cậy và đức mến, tiến tới chỗ càng được hiệp nhất nên một hơn với Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ và là Trung Gian cứu độ duy nhất (x Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, các số 60, 62).
“Như đã quá rõ, cầu vai áo choàng giáo phẩm của tôi cho thấy một cách tượng trưng câu Phúc Âm được trích dẫn trên đây; câu khẩu hiệu Totus tuus là câu được gợi hứng bởi giáo huấn của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort (cf. Gift and Mystery, pp. 42-43; Rosarium Virginis Mariae, n. 15). Hai chữ này diễn tả việc hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu qua Mẹ Maria: ‘Tuus totus ego sum, et omnia mea tua sunt’, Thánh Montfort đã viết như thế và ngài chuyển dịch sang ngôn từ của mình như sau: ‘Tất cả con là của Chúa, và tất cả những gì con có là của Chúa, Ôi Chúa Giêsu rất dấu yêu, nhờ Mẹ Maria, Người Mẹ rất thánh của Chúa’ (Treatise on True Devotion, n. 233)”.
Theo nhận định của Vị Giáo Hoàng thừa nhiệm Biển Đức XVI
Trong bài giảng cho lễ an táng Đức Gioan Phaolô II tại Quảng Trường Thánh Phêrô, một lễ an táng tràn đầy niềm vui hơn thương tiếc, với những tràng pháo tay vang rền và những lời hoan hô chúc tụng một vĩ nhân thế giới của Giáo Hội Công Giáo vừa vĩnh viễn nằm xuống, Đức Hồng Y chủ tịch Hồng Y Đoàn Joseph Ratzinger đã nhận định về vị mà ngài không ngờ sau bài giảng này 13 ngày (6-19/4/2005) sẽ trở thành vị kế nhiệm của ngài.
“Đức Thánh Cha đã thấy được cái phản ảnh thuần khiết nhất của tình thương Thiên Chúa nơi Người Mẹ Thiên Chúa. Ngài là người đã mồ côi mẹ từ nhỏ đã càng tỏ ra kính mến người mẹ thần linh này hơn nữa. Ngài đã nghe thấy những lời của Chúa Kitô tử giá như là lời nói với riêng ngài: ‘Này là Mẹ của con’. Bởi thế, ngài thực hiện như người môn đệ yêu dấu đã làm, đó là ngài đã đem Mẹ về nhà của ngài (eis ta idia: Jn 19:27) – ‘Totus Tuus – tất cả của con là của Mẹ’. Và từ người mẹ này, ngài đã học nên giống Chúa Kitô”.
Trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 16/10/2005 về Ngày Kỷ Niệm Được Bầu Làm Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II, vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng đã đề cập tới Linh Đạo Thánh Mẫu của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của mình như sau:
"Chúng ta có thể diễn tả Đức Gioan Phaolô II như là vị Giáo Hoàng hoàn toàn hiến thân cho Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria, như khẩu hiệu của ngài tỏ tường cho thấy: 'Totus tuus'. Ngài đã được tuyển chọn vào giữa tháng mân côi, và chuỗi mân côi, thường được ngài cầm trong tay, trở thành một trong những biểu hiệu cho giáo triều của ngài, một giáo triều được Đức Trinh Nữ trông nom săn sóc bằng mối quan tâm từ mẫu. Qua truyền thanh và truyền hình, tín hữu trên thế giới đã có thể liên kết với ngài vào một số dịp cầu loại kinh Thánh Mẫu ấy, và nhờ gương sáng cùng các giáo huấn của ngài, họ tái nhận thức được ý nghĩa đích thực của kinh nguyện này, một ý nghĩa chiêm niệm và Kitô học (xem tông thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria”, các khoản 9-17)".
Trong Bài Giảng Thánh Lễ Đồng Tế với Tân 15 Hồng Y Thứ Bảy ngày 25/3/2006, Lễ Mẹ Thai Lời, vị Giáo Hoàng thừa nhiệm của ngài đã nhấn mạnh đến chiều kích Thánh Mẫu của Giáo Hội là chiều kích đã được ngài làm nổi bật qua giáo triều dài thứ ba trong lịch sử Giáo Hội:
"Tầm vóc quan trọng của nguyên tố Thánh Mẫu trong Giáo Hội, sau công đồng chung Vaticanô II, được đề cao một cách đặc biệt bởi Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiền nhiệm yêu dấu của tôi, hợp với khẩu hiệu của ngài ‘Totus tuus’.
"Trong linh đạo của ngài, cũng như trong thừa tác vụ liên lỉ của ngài, sự hiện diện của Mẹ Maria như là Người Mẹ và là Nữ Vương của Giáo Hội đã trở thành hiển nhiên trước mắt mọi người. Nhất là ngài đã quảng bá sự hiện diện từ mẫu của Mẹ nơi vụ ám sát ngày 13/5/1981 ở Quảng Trường Thánh Phêrô. Để tưởng nhớ biến cố bi thương này, ngài đã đặt một bức ảnh Đức Trinh Nữ bằng vi thạch ghép trên cao Tông Dinh Giáo Hoàng, nhìn xuống Quảng Trường Thánh Phêrô, để hỗ trợ những giây phút chính yếu và diễn tiến hằng ngày cho giáo triều dài lâu của ngài".
ĐỨA BÉ LƯỢM VE CHAI
(Câu chuyện đứa trẻ ăn xin cho cuộc sống của những mẹ mìn)
Thường thì khoảng 10 giờ đêm tôi mới bắt đầu cuộc hành trình “lang thang” đi tìm chỗ các trẻ bụi đời sinh sống nên... tối 28 tết, tôi hòa mình với dòng người tấp nập dạo bộ ra trung tâm Sài Gòn. Khu vực vườn hoa Tao Đàn và vườn hoa Nguyễn Huệ chật kín người. Con đường Lê Lợi rộng thênh thang nhất thành phố cấm không cho xe lưu thông, chỉ dành cho người đi bộ. Những chiếc lồng đèn vĩ đại treo hai bên đường càng làm sống động hơn không khí tết. Các nam thanh nữ tú, với áo quần muôn màu muôn sắc với đủ các kiểu dáng (đúng là tết “hội nhập”, mà hầu hết là không hợp với vóc người và văn hoá Việt Nam) cứ bám sát vào nhau, đến độ tôi ước tính ngay cả con vi khuẩn nhỏ nhất của máy vi tính cũng không thể chui qua được những khoảng cách giữa hai con người ấy. Rồi đến những người da trắng, nhiều không thể đếm nổi. Họ hòa lẫn trong dòng người - họ nhảy múa theo tiếng nhạc được phát ra hết công xuất từ những chiếc loa hai bên đường. Không những chỉ có các đôi nam nữ ham vui, mà các cặp sồn sồn thì cũng không thiếu. Có điều hình như họ vẫn còn bẽn lẽn trong cách “thân thiện” của họ trước đám đông - họ chất phác hơn trong các cử chỉ, tay họ chỉ chỏ những mới lạ được dựng dọc theo con đường và khẽ nói vào tai nhau khi có chuyện cần. Trái ngược với họ là những bạn trẻ tuổi trung học, họ đi với nhau theo từng nhóm và nơi nào có họ, nơi đó ồn ào náo nhiệt, và ánh đèn của máy chụp hình liên tục sáng lên. À ! cũng còn nữa, đó là thành phần… như tôi. Những kẻ lẻ loi một mình - những kẻ không có bồ hay gia đình - những kẻ độc thân vô điều kiện và những kẻ độc thân có điều kiện.
Vừa thả bộ vừa miên man suy nghĩ bỗng một hình ảnh đập vào mắt tôi. Hình ảnh này khác với các hình ảnh khác. Không phấn son, không lòe loẹt áo quần, không điện thoại cầm tay, không máy hình, không dầy dép, nói chung là không… có gì đặc biệt. Chỉ khác lạ là một em nhỏ khoảng độ 7 hay 8 tuổi, hai tay xách hai bịch sốp đựng đầy những chai nước suối, hay lon coca đã uống hết được người ta vất xuống đường và kẹp vào nách một ít chai còn lại. Cứ đi khoảng một hai bước, những cái chai kia lại rớt xuống, và em lại ngồi xuống nhặt lên, rồi lại đi, lại rớt và lại nhặt...
- Thằng nhóc này tránh ra cho tao chụp hình coi.
Một nhóm bạn trẻ quát vào mặt cậu bé. Vừa dứt lời, một cô gái mặc váy thật đẹp lấy chân đá các bình nhựa đó qua một bên rồi sửa lại y phục làm điệu trước ống kính máy hình một cách rất… vô tư như không có gì xảy ra.
Cậu bé không nói gì, hai tay cầm hai bịch sốp và vội vã đuổi theo những cái chai nhựa đang lăn long lóc và bị dòng người đông nghẹt đá qua đá lại. Tôi nhìn thật kỹ, cậu lủi bên này rồi chạy bên kia, mà vẫn chưa chụp được cái chai. Vì mỗi khi cậu vừa trờ tới thì đã có một đôi chân nào đó đá nó đi chỗ khác. Nhìn cậu đuổi theo những cái chai mà tôi gần như ngộp thở. Ờ mà sao tôi dở thế nhỉ? Sao tôi không giúp cậu bé mà cứ đứng trơ ra như đá nhìn xem chuyện gì xảy ra.
Cậu vẫn cứ đuổi theo cái chai nhựa cho đến khi một cái chân cổ thụ chặn cái chai lại cho cậu. Cậu ngước mắt nhìn lên, một người da trắng cao to đang đứng trước mặt. Cậu khiếp người, không dám nhìn lên và toan tính bỏ đi. Bỗng người đàn ông đó cúi xuống cầm lấy cái chai, đưa cho cậu rồi lấy hết đồ trong cái túi nylong thật lớn mà ông đang cầm trên tay ra, rồi đưa cho cậu cái túi đó và giúp cậu bỏ hết tất cả các chai nhựa và lon coca vào đó – sau đó tôi còn thấy ông cho cậu một ít tiền, cười vui vẻ vỗ vào vai cậu, nói một vài câu gì đó rồi đi.
Tự dưng tôi cảm thấy xấu hổ - Xấu hổ cho chính tôi và cho tất cả người Việt Nam. Không một ai giúp cậu bé đáng thương kia, mà phải để một du khách, một con người không cùng ngôn ngữ làm cái điều mà đúng ra chúng ta phải làm. Ôi cái câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một NƯỚC phải thương nhau cùng” đâu rồi nhỉ ! Vừa nghĩ đến đó tôi quyết định làm quen với cậu bé…
- Chào cháu, chú có thể làm bạn với cháu được không?
Tôi tiến lại gần đứa bé và cất giọng. Thằng bé không trả lời, nhìn tôi có vẻ sợ hãi “không tin tưởng” và tiếp tục bước đi. Tôi đuổi theo, lấy tay giữ nhẹ nó lại và nói:
- Nãy giờ chú để ý cháu đó. Chú thấy thương cháu một mình – mà chú cũng một mình, nên chú muốn làm bạn với cháu đêm nay, được không?
Thằng bé có vẻ vẫn còn bán tín bán nghi, nhìn tôi chằm chằm. Tôi “tán” tiếp:
- Chú không có bạn bè ở thành phố này, chú thật sự muốn làm bạn với cháu mà. Chú muốn mời cháu đi ăn tối với chú. Hai chú cháu mình qua chợ ăn đêm Bến Thành ăn nhé.
Thằng bé vẫn không nói gì. Mặc kệ, tôi nhẹ nhàng đưa tay ra cầm lấy hai cái bịch nylong đựng đầy các đồ “ve chai” của nó, tay kia cầm tay nó và dẫn nó đi. Thằng bé nhìn quanh có vẻ sợ hãi nhưng vẫn không nói gì. Nó đi theo tôi, nhưng đầu vẫn cứ ngoái lại đằng sau như có điều gì không ổn. Tôi hỏi:
- Cháu tìm gì vậy? Hay cháu có bạn, có muốn chú mời bạn cháu cùng đi không?
- Dạ không.
Thằng bé nói câu đầu tiên. (và sau này tôi mới biết cũng là câu đối thoại cuối cùng với tôi).
Cứ mỗi tối tôi ra chợ Bến Thành ăn đêm thì các quán tha hồ tranh thủ mời, có khi họ còn ra giữa đường chèo kéo, thế mà tối nay… chẳng ai thèm đả động với tôi một câu. Nhưng tôi hiểu, vì tôi đã quen với cái cảnh này lắm rồi, nên tôi dẫn thằng bé vào góc trong cùng của một cái quán để tránh những cái nhìn… “soi mói”. Thế mà chúng tôi cũng không tránh được những cái liếc mắt khó chịu từ những người đang ăn cho đến chị chủ quán. Tôi hỏi thằng bé muốn ăn gì, nó lắc đầu không nói (hay không biết). Tôi đánh liều gọi hai tô bún bò giò heo và thêm một ít móng heo để gặm. Mong rằng sẽ câu giờ để có cơ hội nói chuyện với thằng bé. Thằng bé vẫn không nói gì. Nó vừa ăn mà vừa lấm lét nhìn chung quanh và nhìn ra đường. Ngay cả người “giỏi bắt chuyện” như tôi mà cũng không thể nào cậy răng nó ra được thêm chữ nào. Tôi hỏi thì một là nó lắc đầu, hai là nó gật đầu. Tôi vận dụng hết tài năng khéo léo của mình, khả năng giao tiếp cho đến những đòn tâm lý học. Tất cả đều vô hiệu…
- (Văng tục…) Mày trốn hả? Biến đi đâu nãy giờ? Ai cho mày vô đây. (Văng tục…) Tao đánh chết “…” mày bây giờ. (Văng tục…) bộ mày đói lắm hả…
Người đàn bà sang sảng vừa nói vừa tát thằng bé tới tấp. Tôi không kịp phản ứng gì thì thằng bé đã bị người đàn bà đó kéo ra khỏi tiệm ăn. Tôi đang tính đuổi theo thì…Chị chủ quán kéo tay tôi lại và hét lên:
- Đóng kịch rồi chạy hả ?
Tôi móc túi lấy ra tờ 200,000 (hai trăm ngàn) đưa cho chị và chạy ra khỏi quán. Thấy tôi chạy sau, người đàn bà túm cổ thằng bé bẻ ngược lại chỉ thẳng vào mặt tôi và quát to.
- Mày mà chạy theo, tao (văng tục…) tao bẻ cổ nó.
Tôi khựng lại, đứng nhìn bà ta túm cổ áo thằng bé kéo đi mà lòng đau xót. Tôi lê bước trở lại cái quán ăn hồi nãy, ngồi xuống bàn, thở dài, miên man suy nghĩ, nước mắt tuôn hồi nào cũng không hay. Tiếng một người đàn bà ngồi kế bàn tôi cất lên.
- Ôi thôi, cậu khóc làm gì. Chuyện đó xảy ra như cơm bữa ở Sài Gòn. Mấy con mẹ đó là mấy con mẹ mìn. Tụi nó về quê thuê mấy đứa con nít lên đây đi ăn xin, rồi nộp tiền cho nó. Cậu ở bển (chắc ý nói tôi ở nước ngoài) nên ngây thơ thôi.
- Vâng, cháu không biết. Cháu thấy tội đứa bé nên cho nó ăn và tính cho nó ít tiền thôi.
- Trời, cậu này thiệt là... Cậu có cho nó 1 ngàn hay 100 ngàn cũng vậy thôi. Nó đâu có gì vui đâu vì tất cả cũng vô tay mấy con mẹ đó hết trơn.
Trời!!! Đó là tiếng (than) duy nhất có thể thoát ra từ cửa miệng của tôi khi lê bước trên 2 blocks đường ngắn về khách sạn. Tôi vẫn biết rằng cuộc đời có nhiều trái ngang nhưng… chẳng lẽ… những gì tôi mới chứng kiến cũng là sự thật ? Vâng đó là một sự thật rất phũ phàng mà tôi mới nhận ra…
Bạn thân mến, không biết bạn đọc xong đoản khúc này thì tâm trạng của bạn ra sao? Nhưng đối với tôi, đứa bé đó sẽ sống mãi, vâng sẽ sống mãi, ít nhất là trong tâm hồn của tôi. Tôi sẽ mãi nhớ về em, sẽ mãi cầu nguyện cho em, và ước mong… Vâng! tôi chỉ ước mong một ngày nào đó tôi sẽ được ôm em vào lòng và “chú cháu" mình sẽ hàn huyên, sẽ nói thật nhiều.
Ước gì! Vâng, ước gì mỗi người chúng ta sống được lời Chúa khi Ngài nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Mt 24:40.
(LM. Martino Nguyễn Bá Thông - www.hayyeuthuongnhau.org)