Chuyến Tông Du 97

Ngày Giới Trẻ Thế Giới XVII ở Bắc Mỹ
và Phong Hai Vị Thánh ở Trung Mỹ
 


Sau đây là lịch trình chuyến tông du 97 của Ngài từ 23/7 tới 2/8/2002, bao gồm mấy ngày Nghỉ Hè trước Ngày Giới Trẻ, rồi chủ sự Ngày Giới Trẻ Thế Giới XVII, cuối cùng đến thăm 2 Nước Nam Mỹ là Guatemala và Mễ Tây Cơ.

Trước hết, về mấy ngày nghỉ hè, vì chuyến tông du này làm ngăn trở cuộc nghỉ hè hằng năm vào Tháng Bảy của ĐTC ở Vùng Núi Alps Ý Quốc, nên theo lời yêu cầu của Tòa Thánh, Ủy Ban tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Canada đã chọn một nơi thiên nhiên tĩnh lặng cho ĐTC nghỉ 3 ngày (từ chiều 23 tới sáng 27/7) trước Ngày Giới Trẻ Thế Giới XVII. Cha dòng Basiliô là Thomas Rosica, giám đốc Ngày Giới Trẻ Thế Giới, đã nghĩ đến trung tâm tĩnh tâm của dòng ngài ở Strawberry Island tại Ontariô. “Tôi đã dẫn phái đoàn dọn đường của Tòa Thánh đến đảo này bằng trực thăng quân đội vào mùa thu vừa rồi. Vừa thấy các vị thích ngay. Đảo đẹp, tĩnh lặng, biệt lập và dễ bảo vệ. Tất cả mọi rầng lớp an ninh đều cho biết họ không tìm thấy chỗ nào tốt hơn chỗ này”.

Trung tâm Strawberry Island có một nguyện đường kính Mẹ Vô Nhiễm. Có nhiều lối đi dọc theo hồ và một Đàng Thánh Giá bằng đồng và gỗ ngoài trời. Khu vực chứa được 75 người. Chính quyền liên bang Canada đã đặc biệt cung cấp cho ĐTC những chiếc xe chơi banh quật (golf cart) để Ngài có thể sử dụng đi dạo những ngày ở đảo này, cũng như thời gian Ngài ở tu viện Dòng Chị Em Thánh Giuse ở Torontô. Ngài cũng có thể đi thuyền trên Hồ Simcoe. Chiều Thứ Ba 23/7, sau khi máy bay hạ cánh ở phi trường quốc tế Lester B. Pearson ở Torontô, ĐTC được nghênh đón và Ngài sẽ được trực thăng quân đội đưa ra Strawberry Island. Chiều Thứ Năm, 25/7, ĐTC cũng được trực thăng đưa đến Torontô để khai mạc Ngày Giới Trẻ ở Palace Exhibitions, sau đó Ngài lại trở về đảo đêm hôm đó.

Sáng Thứ Bảy, 27/7, ĐTC sẽ rời đảo để gặp gỡ các giới, quí chức chính quyền và các vị giám mục, nhất là chủ toạ tối áp Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Downsview Park, để sửa soạn giới trẻ cho chính Ngày Chúa Nhật hôm sau cũng tại cùng một địa điểm. Trong thời gian ở Toronto, ĐTC trú ngụ tại Morrow Park, nhà mẹ Dòng Chị Em Thánh Giuse. Khu nhà mẹ này có đủ chỗ cho trực thăng hạ cánh.

ĐTC sẽ rời Torontô sáng Thứ hai, 29/7 và bay đến Guatemala, và ở đó 26 tiếng đồng hồ, mục đích chính là phong thánh cho Chân Phước Pedro de San José de Betancurt, vị tông đồ người nghèo ở Guatemala. Cuối cùng ĐTC đến Mễ Tây Cơ cho tới sáng ngày 2/8. Ở đây, Ngài sẽ phong thánh cho chân phước Juan Diego ngày 31/7, Người Da Đỏ được Đức Mẹ hiện ra ở Guadalupe vào thế kỷ 16. Hôm sau, Ngài phong chân phước cho hai vị tử đạo Người Da Đỏ là Juan Bautista và Jacinto de los Angeles. Cả hai cuộc phong thánh và á thánh này đều được cử hành ở Đền Thờ Đức Mẹ Guadalupe ở Mexico City.
 


Ngày Giới Trẻ Thế Giới XVII ở Bắc Mỹ: Tôrôntô Canada
 


 

LỊCH TRÌNH

Hội Đồng Tòa Thánh Về Giáo Dân vừa công bố Lịch Trình Cử Hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới XVII tại Tôrôntô Canada như sau:

Chủ đề NGT: “Các con là muối đất… Các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5:13-14).

Thứ Ba 23: Thánh Lễ khai mạc tại Exhibition Place do ĐHY Aloysius Ambrozic, TGM Toronto chủ sự, vị sẽ đại diện ban và nước tổ chức đón mừng giới trẻ Canada và giới trẻ thế giới. Theo danh sách tham dự, cho tới nay là 300 ngàn. Tin tức cho biết giới trẻ các nước nghèo đang gặp khó khăn về vấn đề chiếu khán nhập cảnh. Ở chỗ, chính phủ Canada đã từ chối 6000 đơn xin chiếu khán từ các nước như Haiti, Cộng Hòa Dominican, Colombia, Uganda và Sudan, vì sợ rằng có những người lạm dụng cuộc hành hương Ngày Giới Trẻ này để xuất ngoại và không chịu về nước nữa.

Từ 24-25/7: Sáng: Giới trẻ học hỏi giáo lý với các vị Giám Mục bằng các thứ ngôn ngữ khác nhau tại hơn 100 địa điểm (nhà thờ và trung tâm) ở Toronto. Kết thúc mỗi buổi học hỏi giáo lý là Thánh Lễ. Chiều: Giới trẻ có thể đến thăm Coronation Park ở vùng phụ cận Ontario, một công viên đã vì biến cố Ngày Giới Trẻ này được đổi tên thành “Duc in Altum Park”, tức Công Viên Chỗ Nước Sâu. “Duc in Altum” là cốt lõi và là mục tiêu của Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Kỷ của ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày 6/1/2001, Lễ Hiển Linh, thời điểm kết thúc Đại Năm Thánh 2000, để thúc giục toàn thể Giáo Hội hãy lợi dụng Ân Sủng của Năm Thánh 2000 mà Sống Thánh Chứng Nhân trong Ngàn Năm Thứ Ba. Tại Công Viên Chỗ Nước Sâu này có các vị linh mục ngồi tòa và giải tội bằng đủ mọi thứ ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ra, còn có cả Lều Thánh Thể được thiết dựng ở một khu vực đặc biệt của công viên này nữa để giới trẻ có thể đến viếng Thánh Thể và cầu nguyện. Ngoài ra, cũng vào các buổi chiều của ba ngày này, giới trẻ còn có thể tham dự Cuộc Hội Lễ Giới Trẻ Youth Festival bao gồm những sinh hoạt về nghệ thuật, văn hóa và thiêng liêng dựa theo đời sống và đức tin của giới trẻ trên khắp thế giới. Ở đây họ sẽ được dịp mời tham dự những dự án phục vụ xã hội nữa.

Thứ Năm 25: Đón ĐTC cũng tại Exhibition Place.

Thứ Sáu 26: Giới trẻ Đi Đàng Thánh Giá được tổ chức ở một số địa điểm tại Toronto. Đường Thánh Giá chính được bắt đầu từ Tòa Đô Sảnh Thành Phố lúc 7:30 tối, băng qua trung tâm thành phố dọc theo đường University Avenue.

Thứ Bảy 27: Giới trẻ tham dự Thánh Lễ Vọng do ĐTC chủ tế tại Downsview Park. Họ sẽ từ các địa điểm trú ngụ bắt đầu đi bộ đến khu công viên này từ 8 giờ sáng Thứ Bảy, khoảng cách từ 6 đến 10 cây số. Thánh Lễ Vọng bắt đầu lúc 8 giờ tối, bao gồm cả buổi cầu nguyện, ca nhạc, chứng từ giới trẻ và huấn dụ của ĐTC.

ChúaNhật 28: Giới trẻ tham dự Thánh Lễ Bế Mạc do ĐTC chủ tế lúc 9 giờ 30 sáng cũng tại khu công viên canh thức Downsview Park này.

Để dọn lòng giới trẻ cho Ngày Giới Trẻ XVII này, trong huấn từ cho Buổi Nguyện Kinh Truyền Tin Chúa Nhật 7/7, ĐTC đã nhắc đến gương thánh Maria Goretti (lễ kính 6/7 hằng năm) như sau:

“Thánh Maria Goretti là mẫu gương của những thế hệ mới, những thế hệ bị đe dọa bởi chiều hướng ý hệ thiếu dấn thân, một chiều hướng ý hệ khó lòng mà hiểu được tầm quan trọng của những giá trị không bao giờ cho phép đi đến chỗ hòa hoãn. Mặc dù nghèo nàn và kém học hành, chưa đầy 12 tuổi, Thánh Maria cũng đã có được một nhân cách chắc chắn và trưởng thành, một nhân cách thánh nhân đã được gia đình giáo dục theo đạo nghĩa. Nhân cách này chẳng những đã khiến cho thánh nhân tự vệ bản thân mình bằng một đức thanh sạch anh hùng, mà còn thậm chí đi đến chỗ tha thứ cho kẻ sát hại mình nữa. Việc tử đạo của thánh nhân nhắc nhở chúng ta rằng loài người không mãn nguyện bởi việc chạy theo những thúc động khoái lạc, mà là bằng việc sống cuộc đời mình trong yêu thương và trách nhiệm. Giới trẻ thân mến, Tôi biết rõ quí bạn nhậy cảm là chừng nào đối với những lý tưởng này. Trong niềm hy vọng được gặp gỡ quí bạn hai tuần nữa ở Toronto, hôm nay Tôi muốn lập lại với quí bạn là: Xin quí bạn đừng để cho cái thứ văn hóa của chiếm hữu và khoái lạc làm tê liệt lương tâm của quí bạn nhé! Quí bạn hãy là những tay canh gác tỉnh táo và cảnh giác để có thể trở thành những vai chính đích thực đóng vai trò xây dựng một tân nhân loại nghe”.

DIỄN TIẾN

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến phi trường quốc tế Lester B. Pearson ở Tôrôntô Canada lúc 1 giờ chiều địa phương, tức 7 giờ chiều ở Rôma, để mở màn cho chuyến tông du 97 của Ngài nói chung và chuyến tông du đến Canada lần thứ ba nói riêng, sau chuyến thứ nhất năm 1984 và chuyến thứ hai năm 1987. Ngài đã được thủ tướng Canada Jean Chretien chào mừng. Trong bài đáp từ của mình, ĐTC nói về giới trẻ và dân tộc Canada như sau:

Về giới trẻ, ĐTC nói: “Thành phần giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới đang tụ họp cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Với tặng ân tri thức và tấm lòng của mình, họ là tiêu biểu cho tương lai của thế giới. Thế nhưng, họ cũng mang những dấu vết của một nhân loại thường không biết đến hòa bình hay công lý là gì. Có rất nhiều cuộc sống vào đời và qua đời mà không biết đến niềm vui, không biết đến hy vọng. Đó là một trong những lý do chính của Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Thành phần giới trẻ đang qui tụ lại để cùng nhau dấn thân cho nền hòa bình và tình đoàn kết nhân loại, bằng sức mạnh của niềm tin tưởng của mình nơi Chúa Giêsu Kitô.

Về dân tộc Canada, ĐTC nói họ là “những người thừa hưởng một nền nhân bản phong phú ngoại thường, thậm chí còn được dồi dào hơn nữa bởi nhiều yếu tố văn hóa khác nhau hòa hợp lại. Thế nhưng, cái cốt lõi nơi di sản của anh chị em là nhãn quan linh thiêng và siêu việt về sự sống được căn cứ vào mạc khải Kitô Giáo, một mạc khải đã mạnh mẽ thúc đẩy anh chị em phát triển thành một xã hội tự do, dân chủ và quan tâm, được khắp nơi trên thế giới nhìn nhận là một tay tranh đấu cho quyền lợi và phẩm giá của con người. Trong một thế giới đầy những giằng co về xã hội và luân thường đạo lý, cũng như bị mù mờ về chính mục đích của cuộc sống, dân tộc Canada có một kho tàng xứng đáng để đóng góp – miễn là họ biết bảo toàn những gì sâu xa, tốt lành và đáng giá nơi gia sản riêng của họ. Tôi nguyện cầu để Ngày Giới Trẻ Thế Giới cống hiến cho tất cả mọi người dân Canada một cơ hội để họ ghi nhớ những giá trị thiết yếu cho cuộc sống tốt lành cũng như cho hạnh phúc của nhân loại”.

Chiều Thứ Năm 25/7, ĐTC đi trực thăng từ Strawberry Island về Tôrôntô, và vào lúc 4 giờ 30, Ngài được giới trẻ từ 173 nước trên thế giới qui tụ về tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới XVII tiếp đón tại Exhibition Place. Đề tài cho cuộc nghênh đón này là Các Mối Phúc Đức. Nghi thức nghênh đón gồm có lời chào mừng của 1 vị giám mục và 5 người trẻ đại diện 5 lục địa, ĐTC bày tỏ mấy lời, tiếp theo là việc rước Thánh Giá Năm Thánh và nghe hai người trẻ Canada thuật lại cuộc hành trình của Cây Thánh Giá này đi khắp Canada, rồi đến bài Phúc Âm về Các Phúc Đức, cuối cùng là huấn từ của ĐTC, và chấm dứt là bài hiệu ca chính thức của Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Ngài đã nói với họ rằng những bài ca và tiếng kêu la vui tươi hớn hở của họ chứng tỏ cho thấy họ mong muốn được hạnh phúc:

“Trong những thứ tiếng kêu la này có nhiều tiếng nói với các bạn về một thứ vui mừng chỉ có thể chiếm được ở tiền bạc, thắng lợi, quyền thế. Hầu hết chúng khêu gợi một thứ vui thú về cảm giác nông cạn và mau qua. Niềm vui chân thực là một chiến thắng, một cái gì không thể chiếm đạt mà lại không phải chiến đấu lâu dài và gay go. Chúa Kitô nắm giữ bí mật của cuộc chiến thắng này… Chính khi chúng ta bước đi với Chúa Kitô chúng ta mới có thể chiếm được niềm vui, một niềm vui chân thực!... Năm ngoái chúng ta đã chứng kiến thấy một thảm kịch tỏ tường khuôn mặt thể thảm của tà tâm con người. Chúng ta thấy những gì xẩy ra khi hận thù, tội lỗi và chết chóc làm chủ tình thế. Thế nhưng, hôm nay đây tiếng của Chúa Giêsu vang vọng ngay giữa cuộc qui tụ của chúng ta đây. Tiếng của Người là tiếng của sự sống, của hy vọng, của thứ tha; tiếng của công lý và hòa bình. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói này! Các bạn thân mến, Giáo Hội hôm nay đây tin tưởng nhìn vào quí bạn và mong đợi quí bạn trở thành một dân của Các Mối Phúc Đức. Chỉ có Chúa Giêsu mới là Vị Sư Phụ đích thực, chỉ có Chúa Giêsu mới nói lên một sứ điệp bất biến có thể đáp ứng những ước vọng sâu xa nhất của tâm can con người… Hôm nay đây Người kêu gọi quí bạn hãy là muối đất và là ánh sáng thế gian, hãy chọn sự thiện hảo, hãy sống trong công lý, hãy trở thành những khí cụ yêu thương và an bình. Tin tưởng vào Chúa Giêsu tức là chấp nhận những gì Người nói, cho dù những lời này có đi ngược lại với những gì người khác nói… Hỡi giới trẻ đang lắng nghe tôi đây, hãy trả lời Chúa bằng một con tim mạnh mẽ và quảng đại! Người tin tưởng nơi các bạn. Đừng bao giờ quên rằng: Chúa Kitô cần quí bạn thực hiện dự án cứu độ của Người! Chúa Kitô cần nét trẻ trung và lòng nhiệt thành quảng đại của quí bạn để làm cho việc loan báo niềm vui của Người được vang vọng trong thiên kỷ mới. Quí bạn hãy đáp lại lời kêu gọi của Người, bằng việc đem đời sống của mình ra phục vụ anh chị em của mình! Quí bạn hãy tin vào Chúa Kitô, vì Người tin tưởng quí bạn”.

Ngày Thứ Sáu, buổi sáng, vì trời đẹp, ĐTC đã làm một vòng du thuyền trên biển hồ Simcoe ven Strawberry Island. Trong buổi du thuyền hôm qua, quãng chừng 20 đến 25 em tật nguyền sống ở ven bờ hồ, thấy thuyền của ĐTC đi ngang qua, đã đạp thuyền đuổi theo Ngài, và từng em đã được Ngài ân cần chào hỏi, ban phép lành cho các em và cho mỗi em một cỗ tràng hạt. Buổi trưa, cũng tại đảo này, Ngài đã dùng bữa trưa 2 tiếng đồng hồ với 14 đại biểu giới trẻ thế giới, gồm có 3 Canada, 1 Đức, 1 Ấn Độ, 1 Mỹ, 1 Sudan, 1 Tầu Hồng Kông, 1 Kenya, 1 Tahiti, 1 Peru, 1 Úc Châu, 1 Jordan và 1 Bosnia-Herzegovina. Ngài đã hỏi thăm từng người một về đời sống cũng như xứ sở của họ. Đại biểu giới trẻ Sudan thưa ĐTC rằng: “Nhiều người ở xứ sở của con yêu mến ĐTC”. Sau bữa ăn trưa với đồ ăn Ý là spaghetti, asparagus và coleslaw, một số đại biểu đã hát cho ĐTC nghe. Đại biểu giới trẻ Canada chơi nhạc country rock, đại biểu giới trẻ Kenya biểu diễn một màn vũ theo kiểu của sắc tộc Masai, đại biểu giới trẻ Trung Hoa đã biếu ĐTC lá cờ Trung Hoa, được giới trẻ Trung Hoa ký tên mình trên đó, với câu: “Chúng con hy vọng một ngày kia Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ được cử hành tại xứ sở của chúng con”. Lệ mời giới trẻ ăn trưa với mình như thế đã được bắt đầu từ Ngày Giới Trẻ XV tại Rôma năm 2000. Buổi chiều, Ngài đã đi Đàng Thánh Giá theo thói quen của Ngài vào mỗi Ngày Thứ Sáu.

Tối Thứ Bảy, ĐTC đã đến tham dự Đêm Canh Thức của 600 ngàn Giới Trẻ với Buổi Canh Thức Nguyện Cầu tại Downsview Park lúc 8 giờ. Trong bài huấn từ của mình, ĐTC đã nhắc nhở và kêu gọi giới trẻ ở phần cuối như sau:

“Buổi tối hôm nay, vị Giáo Hoàng này cùng với tất cả quí bạn, thành phần giới trẻ đến từ mọi lục địa, tái xác nhận trước thế giới niềm tin đã bảo trì đời sống của Giáo Hội. Chúa Kitô là ánh sáng của các dân tộc. Người đã chết và sống lại để mang lại cho những ai hành trình qua thời gian niềm hy vọng trường cửu. Phúc Âm không làm con người bị tổn thương gì cả: hết mọi giá trị chân chính, ở bất cứ văn hóa nào đi nữa, đều được Chúa Kitô chấp nhận và thăng hóa. Biết được như thế, Kitô hữu không thể nào không cảm thấy trong tâm can của mình niềm hãnh diện và trách nhiệm theo ơn gọi làm chứng nhân cho ánh sáng của Phúc Âm.

“Chính vì lý do này mà Tôi nói cùng quí bạn trong buổi tối hôm nay là: quí bạn hãy để cho ánh sáng của Chúa Kitô chiếu soi trong cuộc sống của quí bạn! Đừng đợi cho đến khi quí bạn lớn tuổi hơn mới bắt đầu con đường nên thánh! Thánh thiện bao giờ cũng trẻ trung, như vĩnh hằng là vẻ trẻ trung của Thiên Chúa vậy”.

Trong Thánh Lễ Bế Mạc, ĐTC đã gửi giới trẻ những lời nhắn nhủ cuối cùng cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XVII như sau: “Quí bạn thì trẻ trung, còn Giáo Hoàng này thì già lão và hơi mỏi mệt”. Nhưng ngay sau đó Ngài nghe thấy giới tre 3 hô lên: “Không đúng, Giáo Hoàng trẻ trung”. Ngài liền đáp lại họ: “Ở vào tuổi 82 hay 83 không giống như ở vào tuổi 22 hay 23. Thế nhưng Ngài vẫn hoàn toàn đồng hóa với hy vọng và khát vọng của quí bạn. Mặc dù Tôi đã trải qua nhiều tăm tối cuộc đời, dưới những chế độ bạo tàn chuyên chế, Tôi vẫn có đủ chứng cớ để mãnh liệt tin tưởng rằng không có khốn khó nào, không có sợ hãi nào khủng khiếp đến nỗi có thể dập tắt niềm hy vọng hướng về cõi đời đời nơi tâm hồn của giới trẻ cả…”

Sau Thánh Lễ và trước Kinh Truyền Tin, ĐTC đã hiến dâng cho Mẹ Maria hoa trái của Ngày Giới Trẻ XVII và tuyên bố: “Tôi muốn chính thức thông báo là Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây sẽ được tổ chức vào năm 2005 tại Cologne Đức Quốc. Vương Cung Thánh Đường Cologne là nơi tôn kính các di tích của Các Đạo Sĩ, Ba Vị Khôn Ngoan đến từ Đông Phương, những vị đã theo ngôi sao dẫn đường đến với Chúa Kitô. Là những người hành hương, cuộc hành trình linh thiêng của quí bạn đến Cologne được bắt đầu từ hôm nay vậy”.

Xin xem thêm các huấn từ ngày giới trẻ XVII.
 

“Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã cứu cuộc sống của tôi”

 

Trong bài giảng cho Thánh Lễ Đỏ hằng năm ở Vương Cung Thánh Đường Tông Đồ Mathêu tại Thủ Đô Hoa Kỳ, 30/9/2007, với sự tham dự của 6 trong 9 vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Mỹ, của ĐTGM Timothy Dolan TGP Milwaukee đã mở đầu bằng câu truyện cảm động về một thanh nữ buị đời sau đây

 

Vào mùa hè 2002, tôi đã hân hoan được ở với trên một triệu giới trẻ đến từ khắp thế giới cũng như được ở với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Toronto.

 

Những Ngày Giới Trẻ Thế Giới này là những biến cố rạng ngời, với đầy những lời cầu nguyện, hát ca, việc huấn luyện đạo lý, chia sẻ đức tin, cử hành Thánh Thể, bí tích thống hối, cùng nhiều những cuộc vui nhộn bình dị chính đáng… và dĩ nhiên có cả sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng nữa.

 

Chính vào trọn ngày cuối cùng, như các vị giám mục khác, tôi đã qui tụ lại ở một nhà thờ giáo xứ ở ngoại ô thành phố Toronto cùng với khoảng 4 trăm giới trẻ thuộc các quốc gia nói tiếng Anh, để giảng dạy. Các vị giám mục chúng tôi bấy giờ đã được đề nghị cho “diễn đàn tự do” để bất cứ người trẻ nào của chúng ta có thể  chia sẻ về bất cứ ân sủng nào họ đã nhận được trong những Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Sau một chút ngưng đọng, từ một góc ở phía cuối tiến lên một người nữ trẻ trung trước ống nói.

 

Cô bắt đầu: “Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã cứu cuộc sống của tôi”. Cô đã khiến cho chúng tôi phải chú ý. “Tôi 24 tuổi, và đã sống bụi đời từ năm 15 tuổi. Tôi đã trở thành một kẻ nghiện rượu và một tay nghiền ma túy” -  đến đây cô ta đã vén những cánh tay áo của chiếc áo choàng cô đang mặc lên cho mọi người thấy được những vết bầm và xẹo gây ra bởi những thứ kim chích – “và là một gái điếm để kiếm tiền cho thói nghiện ngập này của tôi. Tôi đang chết dần chết mòn và sắp sửa đi đến chỗ sẵn sàng hoàn toàn bỏ cuộc.

 

“Những đứa trẻ trong nhóm giới trẻ ở giáo xứ của tôi, những người bao giờ cũng đối xử tử tế với tôi, đã chấp nhận tôi và đã thanh tẩy tôi, rồi mời tôi đến Toronto với họ để tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

 

“Và ở nơi đây, tôi đã gặp được một người già đã thay đổi cuộc sống của tôi. Người già này đã bảo tôi rằng ngài đã yêu thương tôi. Ôi, nhiều người già đã nói với tôi rằng họ yêu thương tôi, trong vòng 15 phút đồng hồ. Con người già này có ý nói thực như thế. Ngài đã bảo tôi rằng Thiên Chúa đã yêu thương tôi, và tôi thực sự là công cuộc nghệ thuật của Thiên Chúa. Ngài đã bảo tôi rằng Vị Thiên Chúa đã dựng nên tất cả mọi tinh tú trên bầu trời này thực sự đã biết đến  tên gọi của tôi. Ngài bảo tôi rằng Thiên Chúa yêu thương tôi đến nỗi Người muốn tôi được sống đời đời với Người, và Người đã sai Con của Người là Chúa Giêsu để giúp tôi đạt được điều ấy. Người già ấy bảo tôi rằng tôi thực sự chia sẻ với sự sống của Thiên Chúa một cách sâu xa trong tôi. Người già ấy nói có lý. Người già này đã tác động được tôi. Bởi vậy mà giờ đây tôi muốn sống”.

 

Dĩ nhiên là “người già” này là Người Đầy Tớ Đáng Kính của Thiên Chúa, Đức Gioan Phaolô Cả.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/10/2007

 


Phong Thánh ở Trung Mỹ: tại Guatemala và Mexico
 


Nghênh Đón tại Phi Trường Guatemala và tổng quan về Tổng Giáo Phận Guatemala City

 

Sau khi rời Canada, ĐTC đã đến Guatemala hôm Thứ Hai, 29/7/2002, và lễ nghi nghênh đón đã được diễn ra tại phi trường Không Quân Guatemala. Trong số những vị ra nghênh đón Ngài, còn có tám vị lãnh đạo 8 quốc gia sau đây: Thủ Tướng nước Belize, và 7 vị Tổng Thống của các nước El Salvador, Honduras, Nicaragua, Costa Rica, Panama và Cộng Hòa Dominican.

Guatemala vốn là trung tâm của nền văn minh Mayan từ hồi thế kỷ 10-12. Guatemala bị Aztec đô hộ những thế kỷ sau đó, cho đến khi Pedro de Alvarado, vị đại úy của Hernan Cortes, chiếm được xứ xở này cho vương quốc Tây Ban Nha năm 1523. Guatemala thuộc về Tây Ban Nha cho đến năm 1821. Năm 1839, nước này tuyên bố trở thành một nước cộng hòa tự lập.

 

Guatemala City hay Thành Guatemala được thành lập từ năm 1776, sau khi xẩy ra một trận động đất hủy hoại Cổ Thành Guatemala (Old Guatemala). Đây là thành phố lớn nhất Trung Mỹ. Thành phố này từng là thủ đô của Trung Mỹ Châu 2 năm, dưới thời đế quốc Mễ Tây Cơ, và cho đến năm 1883 còn là thủ đô của Liên Bang Trung Mỹ Châu. Sau khi bị nhiều trận động đất, thủ đô này đã được tái thiết vào những năm 1917-1918. Tổng Giáo Phận Guatemala City có dân số là 2.922.080 người, trong đó có 2.045.456 (70%), 125 giáo xứ, 47 thánh đường hay trạm truyền giáo, 96 linh mục giáo phận, 3linh mục dòng tu, 579 nam tu không có chức linh mục, 1.128 nữ tu, 92 trường sở và 89 trung tâm bác ái.

Bài Giảng Phong Thánh cho Thày Pedro de San José de Becantur (1626-1667)

 

Thánh Lễ Phong Thánh đã được long trọng cử hành tại Trường Đua South Hippodrome của Guatemala Thành vào lúc 9 giờ sáng địa phương, Thứ Ba 30/7/2002, với trên 700 ngàn người tham dự. Cuối Thánh Lễ, vị thị trưởng thành phố và 2 vị đại diện đã trao cho ĐTC các chìa khóa của Cổ Thành Guatemala, nơi vị thánh này đã sống và qua đời. Sau đây là bài giảng của ĐTC trong Thánh Lễ Phong Thánh.

1. “Hãy đến hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc… Ta nói thật với các người là khi các người làm cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta là các người đã làm cho chính Ta” (Mt 25:34,40).

Hôm nay, trong việc thêm tên tuổi của Thày Pedro de San José de Becantur vào sổ bộ các Thánh, Tôi tin tưởng vào tầm quan trọng sứ điệp của Thày. Vị thánh mới này, khi hành trình với duy đức tin và lòng cậy trông vào Thiên Chúa, đã vượt qua Đại Dương Atlantic để đến chăm sóc cho người nghèo cũng như cho thổ dân Mỹ Châu: đầu tiên ở Cuba, sau đó đến Hunduras, và cuối cùng ở mảnh đất diễm phúc Guatemala này, “mảnh đất hứa” của Thày.

2. (ĐTC chào các chức sắc trong đạo ngoài đời, trong đó có 8 vị lãnh tụ quốc gia, và chào cả các thổ dân ở nước này)

3. “Được kiên cường bởi sức mạnh Thần Linh của Người trong lòng, và chớ gì Chúa Kitô ngự trong lòng anh em bằng đức tin… anh em hãy đâm rễ sâu vào tình yêu” (Eph 3:16-17). Những lời của Thánh Phaolô chúng ta nghe hôm nay ấy cho chúng ta thấy việc nội tâm gặp gỡ Chúa Kitô làm cho hữu thể con người được biến đổi ra sao, khiến họ tràn đầy lòng xót thương đối với tha nhân của họ.

Tại nơi sinh trưởng của mình, cũng như qua mọi đoạn đời của mình, Thày Pedro vốn là một con người cầu nguyện, nhất là ở nơi đây, ở nơi ẩn trú Canvê này, Thày đã chuyên chú tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa từng giây từng phút.

Bởi thế Thày là một gương mẫu nổi bật cho Kitô hữu hôm nay, thành phần Thày đã nhắc nhở là việc tập luyện nên thánh “cần phải có một đời sống Kitô hữu nổi bật nhất về nghệ thuật cầu nguyện” (Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ, đoạn 32). Do đó, Tôi xin lập lại huấn từ của Tôi cho tất cả mọi cộng đồng Kitô hữu Guatemala, cũng như ở các quốc gia khác, là hãy trở thành những học đường cầu nguyện thực sự, nơi mà tất cả mọi sinh hoạt đều tập trung vào việc cầu nguyện. Một đời sống đạo đức bao giờ cũng phải là một đời sống sinh muôn vàn hoa trái.

Thày Pedro đã làm mô phạm cho linh đạo của mình bằng đường lối này, nhất là bằng việc chiêm ngắm mầu nhiệm Bêlem và Thập Giá. Nếu Thày đã dìm mình vào thời sơ sinh và thơ ấu của Chúa Giêsu, một biến cố khiến Thày thực sự tự nhiên nhận thấy dung nhan của Thiên Chúa nơi con người, thì trong việc suy niệm về Thập Giá, Thày đã tìm được sức mạnh để anh hùng thực thi lòng thương xót với thành phần hèn kém nhất cũng như thành phần bị bỏ rơi nhất.

4. Hôm nay, chúng ta là những chứng nhân về sự thật sâu xa của những lời Thánh Vịnh chúng ta vừa đọc, đó là người công chính “sẽ không lo sợ… Họ tự do phân phát, họ đã ban tặng cho người nghèo, đức công minh của họ muôn đời bền vững” (112:8-9). Thứ công lý bền vững là thứ công lý được thực hành một cách khiêm tốn, biết xót thương thông cảm với số phận của anh em mình, biết gieo rắc tinh thần thứ tha và nhân hậu khắp nơi. Thày Pedro de Becantur đã nổi bật chính là do bởi tinh thần khiêm nhượng và sống đời khổ hạnh, nhờ đó Thày đã biết thực thi tình thương xót. Lời khuyên dụ của Thánh Phaolô sau đây đã ăn sâu vào tâm hồn của Thày: “Bất cứ làm gì, anh em hãy làm hết mình như thể phụng sự Chúa chứ không phải con người” (Col 3:23). Bởi thế, Thày thực sự là người anh em của mọi người sống trong bất hạnh và là người hiến mình cho phần rỗi của họ một cách tha thiết cũng như bằng một tình yêu bao la. Nhờ đó, với cả cuộc sống của mình, những công việc Thày làm đã chứng tỏ cho thấy Thày dấn thân cho người yếu bệnh ở bệnh viện nhở Đức Bà Bêlem, chiếc nôi của Dòng Bêlem.

5. Thày Pedro là hiện thân của “một gia sản không được làm mất đi; chúng ta luôn phải cám ơn về điều này và chúng ta phải lập lại việc chúng ta quyết tâm bắt chước nó” (Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ, đoạn 7). Gia sản này phải tác động nơi các Kitô hữu cũng như nơi tất cả mọi người công dân là hãy thực hiện việc biến đổi cộng đồng nhân loại thành một đại gia đình, trong đó, những mối liên hệ về xã hội, chính trị và kinh tế có thể xứng với con người, và trong đó, cái nhân phẩm của con người được cổ võ, bằng việc thực sự công nhận những quyền lợi bất khả xúc phạm của họ.

Tôi xin kết thúc bằng việc lập lại sự kiện là lòng tôn sùng đối với Trinh Nữ Maria đã giúp cho Thày Pedro sống đạo và thực thi lòng xót thương. Chớ gì Mẹ cũng hướng dẫn chúng ta nữa, để thắp sáng bằng tấm gương của “con người đã là đức bác ái”, chúng ta có thể tiến đến với Chúa Giêsu Con Mẹ. Amen.

Chúc tụng Chúa Giêsu Kitô.


Giới Trẻ Mễ Canh Thức Đón Mừng ĐTC và Tổng Quan về TGP Mexico City


Thành phần trẻ tham dự xưng mình là “thế hệ Gioan Phaolô II” đã tập trung ở Công Trường chính của Thành Phố Mexico là Constitution Square từ 2 giờ chiều tới 11 giờ đêm. Họ đã lần hạt Mân Côi, hát, xem trình diễn về đạo và học hỏi giáo lý. Bức thư họ trình lên ĐTC cũng được đọc vào đêm canh thức này và sẽ được dâng lên Ngài vào ngày hôm sau Thứ Tư 31/7/2002, khi Ngài chào giới trẻ từ chiếc Giáo Hoàng Xa của Ngài, vào khoảng 9 giờ sáng, trước Thánh Lễ Phong Thánh.
 

Thành Phố Mễ Tây Cơ hay cũng được gọi là Mexico City, xưa là Tenochtitlan (Thành Ánh Sáng), được bộ lạc Maxica thành lập năm 1325. Khi Herman Cortes người Tây Ban Nha xâm chiếm và ph1 hủy nó vào năm 1521, thì nó là một thành phố giầu có, thủ đô của đế quốc Aztec. Được tái thiết nhanh chóng, vào năm 1530, nó chiếm được đặc ân giống như của Burgos, rồi trở thành thủ đô của Castilla, và vào năm 1551 đã có một đại học ở đây. Qua giòng thời gian, những cuộc động đất đã gây ra nhiều thiệt hại cho vùng này. Cuộc động đất cuối cùng vào năm 1985 đã gây cho cả 10 ngàn người thiệt mạng. Hiện nay thành này có 8.489.000 cư dân. Hiện nay Mexico City có 8.591.000 dân cư. TGP Mexico City có 8.591.000 người, trong đó có 7.283.712 người Công Giáo, 425 giáo xứ, 211 thánh đường và các trạm truyền giáo, 473 học đường và 136 trung tâm bác ái, 712 linh mục giáo phận, 635 linh mục dòng tu, 1630 nam tu không có chức linh mục và 4251 nữ tu.

Tiểu Sử Thánh Juan Diego và Đền Thờ Đức Mẹ Guadalupe

Juan Diego (JD) sinh năm 1474, với tên là Cuautlatoatzin, nghĩa là “đại bàng phát ngôn”, không phải là người nô lệ, có đất xây nhà, là nông dân và làm chăn mền để bán. Sau khi Thày Toribio de Benavente giảng dạy cho những người Da Đỏ, Cuautlatoatzin đã trở lại Kitô giáo cùng với vợ của mình vào giữa năm 1524-1525. Bấy giờ Cuautlatoatzin mới lấy tên là Juan Diego và vợ là Maria Lucia; sau khi vợ chết năm 1529, JD đã đến ở với ông chú của mình là Juan Bernardino ở Tolpetlac, 14 cây số cách đền thờ Tlatilolco ở Tenochtitlan.

Vào ngày 1/12/1531, trong một cuộc cuốc bộ từ nhà tới Tenochtitlan, băng qua các cánh rừng và làng mạc, JD đã được Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên, nói chujyện với ông bằng thổ ngữ Nahuatl ở ngay địa điểm ngày nay gọi là Nguyện Đường của Ngọn Đồi Nhỏ”. Đức Mẹ đã xin ông xây tại chỗ ấy một thánh đường tôn kính Mẹ để Mẹ có thể tỏ tình yêu thương, ban ơn trợ giúp và tỏ lòng xót thương con người ta. Theo lời yêu cầu của Mẹ, JD đã trình lên Đức Giám Mục, nhưng ngài không tin trừ phi có chứng cớ. Ba ngày sau, Đức Mẹ lại hiện ra với ông một lần nữa và bảo ông hãy lên đỉnh núi Tepeyac là nơi ông sẽ thấy hoa hồng ở Castilla vốn không mọc trên núi, để mang về cho ĐGM. Khi JD mở vạt áo khoác đựng các bông hoa hồng ra trước mặt ĐGM thì thấy hiện lên hình Đức Mẹ lạ lùng in ở trên vạt áo, tấm hình đã được tôn kính gần 500 năm ở Đền Thánh Guadalupe.

JD chết năm 1548 thọ 74 tuổi, sau 37 năm được Đức Mẹ hiện ra. Năm 1737, Đức Mẹ Guadalupe được công bố là Quan Thày Nước Mễ và nằm 1919 làm Quan Thày của cả Mỹ Châu. Năm 1935, Phi Luật Tân cũng nhận Mẹ Guadalupe làm Quan Thày của họ. ĐTC Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho JD nằm 1990.

 

Đền Thờ Đức Mẹ Guadalupe ở cách Thành Phố Mễ Tây Cơ 15 cây số, cũng tại địa điểm của đền thờ cũ hồi thế kỷ 16. Hội Đồng Giám Mục Mễ tây Cơ, khi thấy nền đền thờ lung lay có thể gây nguy hiểm cho khách hành hương liền quyết định xây lại, và đặt viên đá đầu tiên vào ngày 12/12/1974, do kiến trúc sư Pedro Ramirez Vasquez và được khánh thành sau đó 2 năm. Đền Thờ Đức Mẹ Guadalupe ngày nay là một đền thờ lớn nhất và được viếng thăm nhiều nhất trên thế giới. Mỗi năm có 20 triệu người hành hương. Nhìn bên ngoài, đền thờ này trông giống như một chiếc lều tròn trong sa mạc để nhớ đến lều tạm của Moisen ở chân Núi Sinai, và được viền bằng những tấm đồng xanh lá cây đậm (mầu áo khoác của Đức Mẹ). Bên trong đền thờ được phủ bằng thông Canada (rộng 6 ngàn thước vuông), nền bằng cẩm thạch Mễ Tây Cơ và ở hàng giữa lòng đền thờ là một mảnh áo khoác của Thánh Juan Diego có hình Đức Mẹ.

Bài Giảng Phong Thánh cho Vị Thụ Khải Juan Diego

1. “Con tạ ơn Cha… vì Cha đã giấu kẻ khôn ngoan tri thức những điều này và Cha đã tỏ chúng cho những kẻ bé mọn” (Mt 11:25-26).

Anh Chị Em thân mến,

Những lời Chúa Giêsu nói đây trong bài Phúc Âm hôm nay là một lời rất đặc biệt mời gọi chúng ta hãy ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa về tặng ân có một vị Thánh bản xứ Mỹ Châu.

Tôi hết sức vui mừng được hành hương tới Đền Thờ Đức Mẹ Guadalupe, một trung tâm Thánh Mẫu của Mễ Tây Cơ và Mỹ Châu, để công bố thánh đức của Juan Diego Cuauhtlatoatzin, một người Da Đỏ đơn sơ khiêm tốn đã được chiêm ngưỡng dung nhan dịu dàng và uy nghi của Đức Bà Tepeyac rất thân yêu của nhân dân Mễ Tây Cơ.

2. (ĐTC cám ơn và chào các chức sắc trong đạo ngoài đời và cả dân bản xứ)
 

3. Juan Diego (JD) được ví giống như gì? Tại sao Thiên Chúa lại nhìn đến Ngài? Sách Sirach, như chúng ta vừa nghe, dạy chúng ta rằng chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng “toàn năng; Ngài được vinh danh bởi thành phần thấp hèn” (3:20). Những lời của Thánh Phaolô, cũng được công bố trong lễ hôm nay, đã làm sáng tỏ đường lối thần linh trong việc Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ của Ngài: “Thiên Chúa đã chọn những gì hèn kém và bị khinh thường trên thế gian…. Để không ai có thể huyênh hoang trước mặt Thiên Chúa” (1Cor 1:28-29).

Thật là cảm động khi đọc câu truyện được viết lên một cách tinh tế và dễ thương về Đức Mẹ Guadalupe. Nơi câu truyện này, Đức Trinh Nữ Maria, người tỳ nữ, Vị “tôn vinh Chúa” (Lk 1:46), đã tỏ mình cho JD như Mẹ thật của Thiên Chúa. Để làm bằng chứng, Mẹ đã cho JD những hoa hồng quí giá, và khi JD tỏ cho vị giám mục biết thì JD mới khám phá ra chiếc áo khoác của mình có thánh ảnh Đức Mẹ.

Như Hàng Giáo Phẩm Mễ Tây Cơ đã cho thấy: “Biến cố Guadalupe đã mở màn cho cuộc truyền bá phúc âm hóa với một nguồn sinh lực ngoài lòng mong ước. Sứ điệp qua Mẹ của Người, đã tiếp nhận những yếu tố chính nơi văn hóa bản xứ, thanh tẩy chúng và ban cho chúng ý nghĩa cứu độ tối hậu” (14/5/2002, đoạn 8). Như thế, Guadalupe và JD mang một ý nghĩa sâu xa về Giáo Hội và truyền giáo, và là một khuôn mẫu cho việc truyền bá phúc âm hóa hoàn toàn hội nhập văn hóa.

4. “Chúa từ trời nhìn xuống, Ngài thấy tất cả mọi con cái loài người” (Ps 33:13), chúng ta cùng với vị Tác Giả Thánh Vịnh đọc những lời này để một lần nữa tuyên xưng đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa, Đấng không phân biệt chủng tộc hay văn hóa. Trong việc chấp nhận sứ điệp của Chúa Kitô mà không đánh mất căn tính bản xứ của mình, JD đã khám phá thấy sự thật sâu xa về một nhân loại mới, đó là chúng ta được kêu gọi trở nên con cái Thiên Chúa. Như thế, ngài đã làm cho cuộc gặp gỡ tốt đẹp giữa hai thế giới thành dễ dàng, và ngài trở nên một nhà cải cách cho một thứ căn tính mới của Mễ Tây Cơ gắn liền với Đức Mẹ Guadalupe, Đấng có một bộ mặt lai, bộc lộ cho thấy vai trò từ mẫu thiêng liêng ôm ấp tất cả mọi người Mễ Tây Cơ của Mẹ. Đó là lý do tại sao cái chứng từ Ngài đã sống phải được tiếp tục là nguồn hứng khởi trong việc xây dựng một đất nước Mễ Tây Cơ, trong việc phấn khích tình huynh đệ nơi tất cả mọi con cái của nước này, và giúp vào việc hòa giải nước Mễ Tây Cơ với các gốc rễ, giá trị và truyền thống của nó.

Công việc cao cả xây dựng một nước Mễ Tây Cơ tốt đẹp hơn, công chính và đoàn kết hơn, đòi tất cả mọi người phải hợp tác với nhau. Đặc biệt, hôm nay đây, cần phải hỗ trợ các thành phần dân bản xứ theo khát vọng của họ, tôn trọng và bênh vực những giá trị chân chính của mỗi một nhóm thiểu số. Mễ quốc cần đến những người dân bản xứ này và những người dân bản xứ này cần đến Nước Mễ!

Anh Chị Em của mọi sắc tộc Mễ Quốc và Mỹ Châu thân mến, hôm nay, trong việc ca tụng JD người Da Đỏ, tôi muốn bày tỏ cho tất cả mọi người trong anh chị em thấy được sự gắn bó của Giáo Hội cũng như của vị Giáo Hoàng này, ở chỗ yêu thương ấp ủ anh chị em và phấn khích anh chị em hãy tin tưởng thắng vượt những lúc khó khăn anh chị em gặp phải.

5. Ở vào giây phút quyết liệt của lịch sử Mễ Quốc đây, một lịch sử đã bước qua ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba, Tôi ký thác cho lời cầu bầu quyền năng của Thánh JD các niềm vui và hy vọng, những nỗi sợ hãi và lo âu của nhân dân Mễ Quốc, một nhân dân Tôi ôm ấp trong lòng.

Hỡi Vị JD diễm phúc, một con người Kitô hữu Da Đỏ tốt lành, vị được người đời thường gọi là thánh! Chúng tôi xin ngài hãy đồng hành với Giáo Hội trong cuộc lữ hành ở Mễ Quốc, để Giáo Hội mỗi ngày có thể truyền bá phúc âm hóa hơn và truyền giáo hơn. Xin hãy phấn khích các vị giám mục, nâng đỡ các linh mục, khơi lên những ơn gọi mới và thánh hảo, giúp cho tất cả những ai hiến đời mình cho Chúa Kitô và cho việc truyền bá Nước Trời.

Hỡi Vị JD hạnh phúc, một con người chân thực và thành tín! Chúng tôi ký thác cho ngài anh chị em giáo dân của chúng tôi, để khi cảm nhận được ơn gọi nên thánh của mình, họ có thể làm cho mọi lãnh vực sinh hoạt xã hội được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm. Xin ngài chúc lành cho các gia đình, hãy làm cho các cặp vợ chồng kiên cường sống đời hôn nhân của họ, xin hãy nâng đỡ những nỗ lực của các bậc phụ huynh trong việc dưỡng dục con cái thành người Kitô hữu. Xin ngài hãy đoái nhìn đến nỗi thương đau của những ai đang khổ sở về phần xác hay trong tinh thần, đến những ai bị nghèo túng, lẻ loi, bị bỏ rơi hay bị quên lãng. Chớ gì tất cả mọi người, các vị lãnh đạo dân sự và thường dân, luôn luôn tác hành theo những đòi hỏi của công lý và tôn trọng nhân phẩm mỗi người, nhờ đó hòa bình được vững chắc.

Hỡi Vị JD yêu dấu, “con đại bàng phát ngôn”! Xin hãy tỏ cho chúng tôi con đường dẫn tới “Vị Trinh Nữ Đen”, Tepeyac, để Người nhận lấy chúng tôi trong thâm tâm của Người, vì Người là Mẹ ưu ái, xót thương, Đấng dẫn chúng tôi đến cùng Vị Thiên Chúa chân thật. Amen.

(Nguyên ngữ Tây Ban Nha, do Vatican Press Office phổ biến, bản tiếng Anh của Màn Điện Toán Zenit; Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch sang Việt Ngữ)