SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

"Thày là Sự Sống"

 

Mục Tử Thần Linh

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần IV Phục Sinh

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

   Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh

(cho các Chúa Nhật)

 

Nếu "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) là chủ đề chính yếu của toàn Mùa Phục Sinh, trong đó, chủ đề "Thày là sự sống lại" cho nguyên Tuần Bát Nhật Phục Sinh là thời điểm 8 ngày có các bài Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc hoàn toàn liên quan đến các lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra mà thôi, thì chủ đề "Thày là sự sống" là chủ đề cho những ngày còn lại, bao gồm cả Chúa Nhật lẫn ngày trong tuần.

 

Vậy chủ đề "Thày là sự sống" ở Phụng Vụ Lời Chúa cho cả Chúa Nhật lẫn các ngày trong tuần lễ Thứ IV của Mùa Phục Sinh như thế nào, nếu không phải, so sánh với nội dung của phụng vụ Lời Chúa cho các tuần trước và các tuần còn lại, thì nội dung của Phụng Vụ Lời Chúa cho Tuần IV Phục Sinh này cho thấy chủ đề "Thày là sự sống" liên quan đến chiều kích Mục Tử Thần Linh.

 



Chúa Nhật IV Phục Sinh: S
ự Sống - Mục Tử Thần Linh

Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh bao giờ cũng được Giáo Hội chọn làm Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, và vì thế càng làm sáng tỏ chủ đề "Thày là sự sống" trong Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Trong Chúa Nhật này, cả 3 chu kỳ phụng vụ A-B-C đều được trích từ Phúc Âm Thánh Gioan, đoạn 10, về Vị Mục Tử Nhân Lành thật lòng yêu thương chiên của mình và muốn cho chiên được sự sống và là một sự sống viên mãn (Năm A), đến độ dám hiến mạng sống của mình cho chiên (Năm B), để chiên có thể được sự sống đời đời trường sinh bất tử (Năm C).

Năm A 
Sự Sống xuất phát từ vị Mục Tử Thần Linh thật lòng yêu thương chiên của mình và muốn cho chiên được sự sống và là một sự sống viên mãn. 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Cv 2, 14a. 36-41

"Thiên Chúa đã tôn Người làm Chúa và làm Ðấng Kitô".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết chắc rằng: Thiên Chúa đã tôn Ðức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Ðấng Kitô".

Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng, nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: "Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?" Phêrô nói với họ: "Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em nhận lãnh ơn Thánh Thần. Vì chưng, đó là lời hứa cho anh em, con cái anh em, và mọi người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến". Phêrô còn minh chứng bằng nhiều lời khác nữa, và khuyên bảo họ mà rằng: "Anh em hãy tự cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này". Vậy những kẻ chấp nhận lời ngài giảng, đều chịu phép rửa, và ngày hôm ấy có thêm chừng ba ngàn người gia nhập đạo.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 20b-25

"Anh em đã trở về cùng Ðấng canh giữ linh hồn anh em".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, khi làm việc lành, nếu anh em phải nhẫn nhục chịu đau khổ, đó mới là ân phúc trước mặt Thiên Chúa. Anh em được gọi làm việc đó, vì Ðức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Ðấng xét xử công minh; chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 10, 1-10

"Ta là cửa chuồng chiên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ". Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".

Ðó là lời Chúa. 




Suy Niệm Lời Chúa

Chủ đề "Thày là sự sống" của toàn Mùa Phục Sinh, ngoại trừ Tuần Bát Nhật, đã được tiếp nối từ tuần 2, với điều kiện cần "phải được tái sinh bởi trời" (các bài Phúc Âm thứ 2-5 Tuần II), nhờ đó mới có thể thưởng thức "Bánh Sự Sống" (các bài Phúc Âm từ Thứ Sáu tuần II tới hết Thứ Bảy tuần III), và "Bánh Sự Sống" đó chính là tấm bánh được bẻ ra, cũng chính là Chúa Kitô khổ nạn và tử giá, một vị chủ chiên "đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào" (Bài Phúc Âm Chúa Nhật IV Năm A hôm nay).

Một chi tiết trong lời Chúa Giêsu nói ở bài Phúc Âm hôm nay, có liên hệ với đề tài "Thày là sự sống" nơi "Bánh Sự Sống" tuần trước, với "sự sống" được Người là vị chủ chiên ban cho chiên ở Chúa Nhật tuần này, đó là: "Tôi là cửa chuồng chiên", một ngõ lối duy nhất và bất khả thiếu cho những "ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân", nghĩa là tìm thấy "sự sống", bằng không, sẽ chẳng bao gặp được "sự sống".

Tuần trước Chúa Kitô nói về Bánh Sự Sống, và "bánh" cũng mang ý nghĩa phương tiện, cũng giống như "cửa" mang tính cách phương tiện, để nhờ phương tiện này con người mới có được "sự sống". Và đó là lý do Chúa Kitô, trong bữa tiệc ly, mới khẳng định về mình theo thứ tự như sau: "Thày là đường, là sự thật và là sự sống" (Gioan 14:6). "Đường" trước "sự sống" sau, vì "đường" (hay "bánh" hoặc "cửa" đều là phương tiện) dẫn đến nguồn mạch "sự sống" hay thông ban "sự sống".

"Thày là cửa chuồng chiên" đây, đối với các vị được Chúa Kitô chọn làm mục tử thay Người để chăn dắt chiên của Người, lại là chính gương sống mục tử của Người. Bởi vậy, mà Người đã khẳng định ngay trong bài Phúc Âm hôm nay rằng: "ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp". Nghĩa là, bất cứ vị chủ chiên nào được Người chọn để thay Người tiếp tục chăn dắt đoàn chiên của Người thì cũng phải như Người, ở chỗ biết chiên của mình: "gọi đích danh từng con chiên của mình", nhờ đó cũng biết cả bản chất và nhu cầu của chúng, hầu đáp ứng một cách hợp tình hợp lý những gì chiên cần hay thiếu: "Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau".

"Thày là cửa chuồng chiên" đây, đối với chung Kitô hữu là môn đệ của Chúa Kitô, cũng ám chỉ cả Phép Rửa nhân danh Chúa Kitô (Tông Vụ 2:38) nữa. Vì chỉ khi nào thành phần dự tòng được lãnh nhận Phép Rửa nhân danh Chúa Kitô rồi, nhờ đó, đã trở thành Kitô hữu đích thực rồi, thì họ từ đấy mới "ra vào và tìm thấy của nuôi thân", nghĩa là mới có quyền tham hưởng "sự sống" của Chúa Kitô và từ Chúa Kitô thông ban cho, như thân nho thông nhựa sống thần linh sang cho họ, qua các Bí Tích Thánh, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Khi còn là dự tòng, những Kitô hữu tân tòng chỉ được phép tham dự vào phần phụng vụ Lời Chúa thôi, chứ không được phép tham dự vào phần phụng vụ Thánh Thể là như thế.


Đó là lý do, ở Bài Đọc 2 hôm nay, Thánh Phêrô mới nhắc nhở đặc ân được làm chiên của Chúa Kitô, nhờ đó, được Người chăm sóc đặc biệt: "Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em". Thật vậy, Kitô hữu chúng ta, nhờ ơn Chúa, "đã trở về cùng vị mục tử", Đấng trong Bài Phúc Âm hôm nay cũng đã tự nhận mình đồng thời cũng là "cửa chuồng chiên", và như chúng ta đã suy diễn trên đây, "cửa chuồng chiên" ám chỉ gương sống của Người nữa. Do đó, Thánh Phêrô đã khuyên Kitô hữu là chiên của Người trong cùng Bài Đọc 2 như sau:

"Ðức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Ðấng xét xử công minh; chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành".

Ở trong Bài Đọc 1, trích sách Tông Vụ, Thánh Phêrô còn nói với 3 ngàn dự tòng ở bài giảng tiên khởi của Người sau biến cố Thánh Thần Hiện Xuống, về điều kiện "qua cửa chuồng chiên mà vào", đó là "chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được tha tội" như sau: "Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em nhận lãnh ơn Thánh Thần. Vì chưng, đó là lời hứa cho anh em, con cái anh em, và mọi người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến".

Và nhờ qua cửa Chúa Kitô nơi Phép Rửa mà vào như thế, chẳng những họ là người Do Thái, là dân Chúa chọn để tỏ mình ra trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, mà còn cả dân ngoại nữa, thành phần được vị trưởng tông đồ đoàn Phêrô ám chỉ trong Bài Đọc 1 hôm nay: "mọi người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến", nhờ đó, cuối cùng, đúng như vị chủ chiên "đến cho chiên được sự sống và là một sự sống viên mãn hơn" mong muốn và đã tiên báo: "chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên", như trong Bài Phúc Âm cùng tuần lễ IV Phục Sinh này mà Năm B.

Chính vì được thương yêu kêu gọi một cách nhưng không hoan hưởng một "sự sống và sự sống viên mãn hơn" từ Vị Chủ Chiên Nhân Lành là Chúa Giêsu Kitô Vượt Qua này, mà Kitô hữu chúng ta không thể không vang lên tâm tình của bài Thánh Vịnh 22 ở Bài Đáp Ca hôm nay:

1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

 

 

 

 

Năm B 
Sự Sống xuất phát từ vị Mục Tử Thần Linh đã yêu thương chiên của mình đến độ dám hiến mạng sống của mình cho chiên

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: Cv 4, 8-12

"Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô được đầy Thánh Thần, đã nói: "Thưa chư vị Thủ lãnh toàn dân và Kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng, không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để phải nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu độ".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 8-9. 21-23. 26 và 28cd và 29

Ðáp: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường (c. 22).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa ở loài người. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương. - Ðáp.

2) Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe con, và đã trở nên Ðấng cứu độ con. Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. - Ðáp.

3) Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Ngài muôn thuở. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 1-2

"Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 10, 11-18

"Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta".

Ðó là lời Chúa.

 

 


Suy Niệm Lời Chúa


Nếu Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm A đọc phần Phúc Âm cùng đoạn 10 của Thánh Gioan nhấn mạnh đến vai trò Chúa Kitô "là cửa chuồng chiên", thì bài Phúc Âm cho cùng Chúa Nhật IV Năm B này liên quan đến Chúa Kitô chính là "Chủ Chiên nhân lành", một vị chủ chiên nhân lành, như Chúa Kitô minh định, thì phải là vị chủ chiên dám "thí mạng sống vì chiên".

Ở Bài Phúc Âm hôm nay, cho Chúa Nhật IV của cùng Phúc Âm Thánh Gioan, đoạn 10, như Năm A và Năm C, về cùng một vị chủ chiên, nhưng là cho Năm B, chúng ta vẫn thấy Chúa Kitô, như bài Phúc Âm Năm A, so sánh mình là vị "mục tử nhân lành" với thành phần không phải là chủ chiên đích thực: "Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên".

Nếu trong bài Phúc Âm Năm A, Chúa Kitô là vị chủ chiên đích thực khác với, hay không phải là, thành phần
"kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ", tức thành phần "không qua cửa mà vào", thì trong bài Phúc Âm hôm nay, Người so sánh người là vị chủ chiên đích thực với thành phần "làm thuê không phải là chủ chiên", thành phần cũng chẳng hơn gì thành phần trộm cắp, chỉ gây hại cho chiên hơn là mang lại lợi ích cho chiên, nhất là "khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát".

Chúa Kitô cố ý sử dụng 2 hình ảnh "kẻ trộm" ở bài Phúc Âm Năm A và "chăn thuê" ở bài Phúc Âm Năm B là để cho chúng ta thấy rằng, Người không có tính cách tiêu cực như thế. Bởi "Con Người đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì hư hoại" (Luca 19:10), vì "Con Người đến không phải để được hầu hạ mà là hầu hạ và hiến mạng sống mình cho phần rỗi của nhiều người" (Mathêu 20:28).

Đồng thời, qua bài Phúc Âm Năm B này, cũng như bài Phúc Âm Năm A về người chủ chiên đích thực là Người, Người cũng muốn nhắc nhở thành phần chủ chiên, thành phần có trách nhiệm đến phần rỗi của người khác, chẳng hạn như thành phần biệt phái và luật sĩ thông luật và dạy luật, những người bấy giờ đang được Người nhắm tới nói cho biết, nhưng cũng gián tiếp nhắc khéo các tông đồ là những vị sau này lãnh đạo đàn chiên của Người, về sứ vụ chăn chiên đích thực, để nhờ đó họ sống động cùng tác hành xứng đáng đúng với sứ vụ và vai trò giảng dạy "ngồi trên tòa Moisen / chair of Moses" (Mathêu 23:2) của họ, hay ngồi trên "ngai tòa Phêrô / Chair of Peter" của các vị giáo hoàng thừa kế Thánh Phêrô, hay các vị giám mục thừa kế các tông đồ.

Một trong những tính chất chính yếu của vị chủ chiên đích thực, một tính chất tiên khởi và bất khả thiếu, trước khi vị chủ chiên đích thực, cũng chính là "vị chủ chiên tốt lành", có thể dám thí mạng sống mình vì chiên, đó là vị chủ chiên này phải "biết chiên" của mình, và đồng thời cũng được "chiên biết" tới:
"Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta".

"Biết chiên"
nghĩa là không phải chỉ biết nó là gì và cần chi, mà còn biết thương cảm chiên của mình nữa, đến độ bị ảm mùi chiên như nó. Không phải hay sao, Chúa Kitô đã không sống chung đụng với đàn chiên 12 tông đồ của Người, đến độ trở nên như họ, khiến khó phân biệt được Người với họ, nên muốn bắt Người cần phải có nội công Giuđa Íchca, với cái hôn làm dấu của người môn đệ đáng thương này vào Đêm Thứ Năm Tuần Thánh ở trong Vườn Cây Dầu âm u tăm tối hay sao? (xem Mathêu 26:48-49).

"Chiên biết", bao gồm cả dân ngoại lẫn dân Do Thái, ở chỗ, ngay khi vị "Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên" trên Thánh Giá thì con chiên trộm cướp đã "nhận biết" Người (xem Luca 23:42-43), và cả con chiên đại đội trưởng Roma dân ngoại đã "nhận biết" Người (xem Luca 23:47), lẫn con chiên dân chúng Do Thái ở hiện trường Canvê bấy giờ cũng "nhận biết" Người (xem Luca 23:48).

Và lý do chính yếu để Người được "chiên biết", đó là vì Người không làm theo ý của mình, mà là ý Cha là Đấng đã sai Người: "Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống". Và nếu "sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Giêsu Kitô là Đấng Cha sai" (Gioan 17:3), thì quả thực chính nhờ việc Người tuân phục mà "khi hoàn thành, Người đã trở nên nguồn mạch cứu độ cho những ai tín phục Người" (Do Thái 9:28).

Đó cũng là lý do ở Bài Đọc 1, trích từ Sách Tông Vụ hôm nay, Thánh Phêrô đã khẳng định về vị chủ chiên nhân lành thí mạng sống cho chiên được sự sống này rằng: "Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng, không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để phải nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu độ".

Qua vai trò chủ chiên nhân lành thí mạng sống vì chiên này của Chúa Kitô, đàn chiên của Người cũng nhận biết được cả Đấng đã sai Người nữa, bởi sự sống đời đời bao gồm việc nhận biết cả Cha lẫn Con, như chính Chúa Kitô đã cho các môn đệ của Người biết khi Người dâng lời nguyện hiến tế và lời cầu hiệp nhất lên Cha của Người vào cuối bữa tiệc ly, như được trích dẫn trên đây (xem Gioan 17:3), một vị "Thiên Chúa đã yếu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian, để ai tin vào Người thì được sự sống" (Gioan 16:3), đúng như Thánh Gioan đã lập lại trong Thư 1 của ngài được Giáo Hội chọn đọc cho Bài Đọc 2 hôm nay: "tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế".

Những lời của Thánh Vịnh 117 ở Bài Đáp Ca hôm nay là những tâm tình tri ân cảm tạ cả Cha lẫn Con mà Kitô hữu chúng ta là đàn chiên của Chúa trong lòng Giáo Hội cần phải đồng thanh vang lên rằng:

1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa ở loài người. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương.

2) Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe con, và đã trở nên Ðấng cứu độ con. Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

3) Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Ngài muôn thuở.

 


 

Năm C 
Sự Sống xuất phát từ vị Mục Tử Thần Linh đến để cho chiên của mình có thể được sự sống đời đời trường sinh bất tử.

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: Cv 13, 14. 43-52

"Ðây chúng tôi quay về phía các dân ngoại".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Có nhiều người Do-thái và tòng giáo theo các ngài, được các ngài khuyên bảo bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa.

Ðến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: "Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: "Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất". Nghe vậy các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng.

Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo và các thân hào trong thành bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 5

Ðáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ; hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Ðáp.

3) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Kh 7, 9. 14b-17

"Chiên Con sẽ thống trị họ, và dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan, đã xem thấy một đám đông không thể đếm được, họ thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói, đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên; họ mặc áo trắng dài, tay cầm lá vạn tuế.

Và một bô lão đã nói với tôi: "Ðây là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy nó trắng trong máu Con Chiên. Vì thế, họ ở trước ngai vàng Thiên Chúa, và ngày đêm phụng sự Người trong đền thánh Chúa, Ðấng ngự trên ngai vàng đặt ở giữa họ. Họ sẽ không còn đói khát; mặt trời và nóng bức sẽ không làm khổ họ, vì Con Chiên đứng trước ngai vàng sẽ thống trị họ, sẽ dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống, và Thiên Chúa sẽ lau hết mọi giọt lệ nơi mắt họ.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 10, 27-30

"Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một".

Ðó là lời Chúa.




Suy Niệm Lời Chúa


Hình ảnh chiên được Chúa Kitô nói đến trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, cũng như trong Tuần IV Phục Sinh, là hình ảnh của thành phần được cứu rỗi. Bởi vì, chiên được liệt kê ở bên phải (khác với dê ở bên trái) của Vị Quan Phán Chung Thẩm (xem Mathêu 25:33), và chiên cũng là hiện thân của "Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian" (Gioan 1:29), một con chiên hiền lành bị dẫn đi sát tế (xem Isaia 53:7; 1Phero 1:19-20).

Chiên là hiện thân của Vị Mục Tử nhân lành vì như chủ chiên của nó bị mang đi sát tế thế nào thì nó cũng là thành phần bị sát hại như thế, như nó đã được giặt áo của mình trong máu của Con Chiên, như Bài Đọc 2 hôm nay cho thấy (xem Khải Huyền 7:14). Chiên có một bản tính hiền lành dễ dạy trước sự lành, bảo sao nghe vậy: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta", nhưng lại hoàn toàn chịu thua trước kẻ dữ, ở chỗ không phản ứng lại với kẻ dữ là những con sói rừng cắn xé nó.

Thế nhưng, chính vì chiên của Chúa Kitô là thành phần được cứu rỗi, thành phần được Người hằng quan tâm lưu ý và yêu thương cùng chăm sóc: "Ta biết chúng", nên "không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta"; hơn nữa, sở dĩ Người "biết chúng" những con chiên rất ư là cao trọng và cao quí của Người, như chính sinh mạng của Người, bởi chúng từ Cha mà đến: "Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta".

Và chính vì những gì của Cha cũng chính là của Người: "Ta và Cha Ta là một", nên Người không thể nào để mất một con nào: "Tôi đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư vong" (Luca 19:10), trái lại, Người phải tìm kiếm cho bằng được con chiên lạc cuối cùng (xem Luca 15:4-5), cho dù có phải thí mạng sống mình vì chiên (xem Gioan 10:11).

 

 

 

Thứ Hai

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Cv 11, 1-18

"Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, các tông đồ và anh em ở Giuđêa nghe tin rằng cả dân ngoại cũng đã đón nhận lời Thiên Chúa. Khi Phêrô lên Giêrusalem, các người đã chịu cắt bì trách móc người rằng: "Tại sao ngài vào nhà những kẻ không chịu cắt bì và ăn uống với họ?" Phêrô trình bày cho họ sự việc từ đầu đến cuối theo thứ tự sau đây: "Tôi đang ở tại thành Gióp-pê, lúc cầu nguyện, trong một thị kiến, tôi thấy một vật gì giống chiếc khăn lớn túm bốn góc, từ trời thả xuống sát bên tôi. Tôi chăm chú nhìn và thấy những con vật bốn chân, những mãnh thú, rắn rết và chim trời. Tôi nghe tiếng phán bảo tôi: "Phêrô, hãy chỗi dậy giết mà ăn". Tôi thưa: "Lạy Chúa, không được, vì con không khi nào bỏ vào miệng con những đồ dơ nhớp hay bẩn thỉu". Tiếng từ trời nói lần thứ hai: "Vật gì Thiên Chúa cho là sạch, ngươi đừng nói là dơ nhớp". Ba lần xảy ra như thế, và mọi sự lại được kéo lên trời.

"Và ngay lúc đó, ba người từ Cêsarêa được sai đến nhà tôi ở. Thánh Thần truyền dạy tôi đừng ngần ngại đi với họ. Sáu anh em cùng đi với tôi, và chúng tôi vào nhà một người. Anh thuật lại cho chúng tôi biết: anh đã thấy thiên thần hiện ra thế nào; thiên thần đứng trong nhà anh và nói với anh rằng: "Hãy sai người đến Gióp-pê tìm Simon có tên là Phêrô; người sẽ dạy ngươi những lời có sức làm cho ngươi và cả nhà ngươi được cứu độ". Lúc tôi bắt đầu nói, Thánh Thần ngự xuống trên họ như ngự trên chúng ta lúc ban đầu. Bấy giờ tôi nhớ lại lời Chúa phán: "Gioan đã rửa bằng nước, còn các con, các con sẽ được rửa bằng Thánh Thần". Vậy, nếu Thiên Chúa ban cho họ cũng một ơn như đã ban cho chúng ta, là những kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà có thể ngăn cản Thiên Chúa?"

Nghe những lời ấy, họ thinh lặng và ca tụng Thiên Chúa rằng: "Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 41, 2. 3; 42, 3. 4

Ðáp: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống (Tv 41, 3a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi. - Ðáp.

2) Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống; ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời! - Ðáp.

3) Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài. - Ðáp.

4) Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ mừng vui. Với cây cầm thụ, con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con. - Ðáp.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Chúng con biết rằng Ðức Kitô đã thật sự sống lại từ cõi chết: Lạy Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 10, 1-10

"Ta là cửa chuồng chiên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ".

Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".

Ðó là lời Chúa.

 

Trong Năm A, bài Tin Mừng dưới đây được đọc thay bài Tin Mừng trên:

Phúc Âm: Ga 10, 11-18

"Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy Niệm Lời Chúa

 

Chủ đề "Thày là sự sống" theo chiều kích Mục Tử Thần Linh cho Tuần IV Phục Sinh chẳng những được tỏ hiện rõ ràng ở bài Phúc Âm Chúa Nhật, cũng được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bài phúc âm cho cả ba chu kỳ phụng vụ A, B và C, mà còn cho cả các bài đọc ở các ngày thường trong tuần lễ này nữa. Rõ ràng nhất là bài Phúc Âm cho ngày Thứ Hai hôm nay, cũng chính là bài Phúc Âm cho Chúa Nhật IV Năm A hôm trước, bài Phúc Âm được chính Chúa Kitô khẳng định Người chẳng những là cửa đàn chiên mà còn đến để mang lại sự sống cho chiên nữa: 

 

"Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".

 

Trong bài phúc âm hôm nay, ở phần đầu, Chúa Giêsu còn cho thấy các đặc tính chứng tỏ ai là mục tử đích thực, ai là kẻ trộm cướp phá hoại nữa: 1- "qua cửa mà vào chuồng chiên", chứ không "trèo vào lối khác" như "kẻ trộm cướp", không phải mục tử; 2- nhờ đó, họ "được người giữ cửa mở cho và chiên nghe theo tiếng của kẻ ấy"; 3- và vì là mục tử chân thực nên họ biết chiên của họ, đến độ có thể "gọi đích danh từng con chiên của mình mà dẫn ra", nghĩa là họ để ý đến từng con chiên của mình để chăm sóc cho từng trường hợp của mỗi con; 4- "Khi lùa chiên ra ngoài thì kẻ ấy đi trước chiên", chứ không đi sau chiên, như để canh chừng chiên hơn là tin tưởng chiên, vì "đi trước chiên" có nghĩa là làm gương cho chiên và mở đường dẫn lối cũng như sẵn sàng liều mình che chở bảo vệ chiên trước tất cả mọi nguy khốn dù có phải hiến mạng sống mình cho chiên được sống.

 

Tuy nhiên, nếu bài Phúc Âm trên đây đã được đọc trong Chúa Nhật IV theo chu kỳ Phụng Vụ Năm A thì có thể đọc bài Phúc Âm của Chúa Nhật IV Năm B, một bài phúc âm cũng vẫn theo chủ đề “Thày là sự sống”, nhưng liên quan đến bản chất nhân lành của vị mục tử:

 

"Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống mình vì chiên... Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta".


Căn cứ vào hai câu Chúa Giêsu nói về Người là vị mục tử tốt lành, thì vị mục tử tốt lành cần 2 yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly, đó là dám chết vì chiên, cũng như chẳng những biết chiên mà còn được chiên biết đến nữa. Chỉ có những vị mục tử nào biết chiên và được chiên biết đến mới dám liều mạng sống mình vì chiên.


Tuy nhiên, nếu biết chiên mà không được chiên biết thì cũng không phải hay chưa phải là mục tử tốt lành, bởi chưa biết chiên thực sự, hay chỉ biết những cái xấu của chiên để mà sửa phạt, chứ không thông cảm và nâng đỡ, hoặc biết những cái tốt của chiên nhưng lại không sử dụng, trái lại, còn coi thường và tẩy chay, chỉ sợ mất uy tín của mình v.v.

Một vị chủ chiên tốt lành thì được chiên mộ mến lắng nghe, tuy nhiên, nếu vị chủ chiên ấy lợi dụng lòng mộ mến của chiên để mà cạnh tranh với các chủ chiên khác, hay đàn áp những con chiên dám nói thẳng những gì cần được xây dựng chính đáng, hoặc tỏ ra bất tuân phục thẩm quyền của mình, hay nể nang mị dân không dám dẫn dắt chiên theo đúng tinh thần và đường lối của Chúa v.v., thì cũng chỉ là những chủ chiên tốt lành giả hình, mang tinh thần của kẻ trộm cướp mà thôi, và chắc chắn sẽ không dám liều mạng sống vì chiên.

 

Bài Đọc I (Tông Vụ 11:1-18):

 

Nếu trong bài Phúc Âm, Chúa Kitô là "cửa chuồng chiên", tức là vị mục tử gương mẫu, mà nếu ai không "qua cửa mà vào", nghĩa là không theo gương Người mà chăn chiên "đều là trộm cướp", phá hoại chiên, thì hành động của Tông Đồ Phêrô trong bài đọc I hôm nay cũng quả thực là ngài đã "qua cửa mà vào", chứ không bị thành kiến Do Thái giáo ngăn chặn không cho ngài đến với dân ngoại:

 

"Khi Phêrô lên Giêrusalem, các người đã chịu cắt bì trách móc người rằng: 'Tại sao ngài vào nhà những kẻ không chịu cắt bì và ăn uống với họ?' Phêrô trình bày cho họ sự việc từ đầu đến cuối theo thứ tự sau đây: '... ngay lúc đó, ba người từ Cêsarêa được sai đến nhà tôi ở. Thánh Thần truyền dạy tôi đừng ngần ngại đi với họ. Sáu anh em cùng đi với tôi, và chúng tôi vào nhà một người. Anh thuật lại cho chúng tôi biết: anh đã thấy thiên thần hiện ra thế nào; thiên thần đứng trong nhà anh và nói với anh rằng: 'Hãy sai người đến Gióp-pê tìm Simon có tên là Phêrô; người sẽ dạy ngươi những lời có sức làm cho ngươi và cả nhà ngươi được cứu độ'".

 

Nếu Chúa Kitô là Mục Tử Thần Linh đến cho chiên được sự sống và là một sự sống viên mãn thì vị tông đồ được Người trao cho sứ vụ Mục Tử Thần Linh thay Người chăn dắt chiên của Người (xem Gioan 21:15-17), vì đã "qua cửa mà vào chuồng chiên", cũng làm cho chiên được sự sống và sự sống viên mãn, đúng như bài đọc 1 cho thấy:

 

"Lúc tôi bắt đầu nói, Thánh Thần ngự xuống trên họ như ngự trên chúng ta lúc ban đầu. Bấy giờ tôi nhớ lại lời Chúa phán: 'Gioan đã rửa bằng nước, còn các con, các con sẽ được rửa bằng Thánh Thần'. Vậy, nếu Thiên Chúa ban cho họ cũng một ơn như đã ban cho chúng ta, là những kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà có thể ngăn cản Thiên Chúa?' Nghe những lời ấy, họ thinh lặng và ca tụng Thiên Chúa rằng: 'Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống'".

 

 

 

Thứ Ba

 

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: Cv 11, 19-26

"Họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do-thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 86, 1-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa (Tv 116, 1a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Chúa yêu cơ sở Ngài thiết lập trên núi thánh; Ngài yêu cửa nhà Sion hơn mọi cư xá nhà Giacóp. Hỡi thành trì của Thiên Chúa, thiên hạ đang nói những điều hiển hách về ngươi. - Ðáp.

2) Ta sẽ kể Rahab và Babel vào số người thờ phượng Ta, kìa Philitinh, Tyrô và dân Êthiôpi: những người này đã sinh ra tại đó. Và thiên hạ sẽ nói về Sion rằng: "Riêng từng người và hết mọi người đã sinh tại đó, chính Ðấng Tối Cao đã củng cố thành này". - Ðáp.

3) Chúa sẽ ghi chép vào sổ sách của chư dân rằng: "Những người này đã sinh ra tại đó". Và khi ca vũ, người ta sẽ ca rằng: "Mọi nguồn vui thú của tôi đều ở nơi ngươi". - Ðáp.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Chúa Kitô, Ðấng tác tạo mọi loài, đã sống lại và đã xót thương nhân loại. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 10, 22-30

"Tôi và Cha Tôi là một".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do-thái vây quanh Người và nói: "Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết". Chúa Giêsu đáp: "Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một".

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

Suy Niệm Lời Chúa

Khía cạnh "Mục Tử Thần Linh" trong chủ đề "Thày là sự sống" trong Mùa Phục Sinh hậu Tuần Bát Nhật Phục Sinh cũng vẫn tiếp tục được tỏ hiện trong bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Ba trong Tuần IV Phục Sinh. Ở chỗ, Chúa Kitô cho biết lý do tại sao chiên của Người cao quí đến độ xứng đáng để Người thí mạng sống mình cho chiên, đó là vì chiên chẳng những ngoan hiền ở chỗ nhận biết Người và theo Người mà nhất là vì chiên thuộc về Cha của Người là Đấng đã trao chúng cho Người nữa:

"Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do-thái vây quanh Người và nói: 'Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết'. Chúa Giêsu đáp: 'Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một'".

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, đã minh định chiên của Người có bản chất và khuynh hướng tự nhiên ra sao, đó là "nghe tiếng Tôi (tức tin vào Người) và theo Tôi", bởi thế, những ai không nghe tiếng Người, hay "không tin" vào Người, như Người đã nói thẳng vào mặt dân Do Thái bấy giờ "không tin" Người nên "không thuộc về đàn chiên của Tôi".

 

Ở đây Chúa Giêsu không hất hủi một ai, nhất là thành phần được Cha của Người tuyển chọn làm dân riêng, một dân tộc Người mang huyết thống khi hóa thành nhục thể. Người chỉ nói rằng họ vì không tin nên "không thuộc (đúng hơn chưa thuộc) về đàn chiên của Tôi" thôi, cho đến khi họ tin thì họ sẽ thuộc về đàn chiên của Người, và hành động đầy thiện chí của họ trong việc theo đuổi tìm hiểu về nguồn gốc của Người cho bằng được, như ở đầu bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: "Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết", đã đủ chứng tỏ họ muốn tin Người, cần Người nhẫn nại tỏ mình ra cho họ, theo cách thức mù tối và cứng lòng của họ để nhờ đó họ có thể tin vào Người.

 

Riêng đối với chiên của Người, nghĩa là đối với những ai tin vào Người và theo Người, thì như Người quả quyết: 1- "Tôi ban cho chúng sự sống đời đời", một sự sống thần linh liên quan đến mầu nhiệm nhập thể của Người, ở chỗ "ai chấp nhận Người, thì Người ban cho họ được quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12); 2- "Chúng sẽ không bao giờ hư mất", một hứa hẹn thần linh liên quan đến mầu nhiệm tử giá, ở chỗ: "Vì họ mà Con tự thánh hiến để họ được thánh hóa trong chân lý" (Gioan 17:19); và 3- "Không ai có thể cướp chúng khỏi tay Tôi", một quyền lực thần linh liên quan đến mầu nhiệm phục sinh của Người, bởi vì "Thày được toàn quyền trên trời dưới đất" (Mathêu 28:18).

 

Thật vậy, "chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi", thế nhưng, nếu "chúng theo Tôi", thì chúng còn cần phải được "Tôi biết chúng" nữa. Bởi vì, tự bản chất hiền lành của mình, chiên của Người cũng dễ bị sói dữ ăn thịt, nếu không có Người luôn ở với chúng, ở chỗ "biết chúng", như tỏ ra quan tâm đến chúng, đến từng nhu cầu của chúng, tỏ ra chăm sóc cho chúng, bằng cách đáp ứng nhu cầu của chúng, và sẵn sàng đi tìm kiếm chúng, một khi chúng bị lạc đàn.

 

Đời sống của Kitô hữu là một hành trình đức tin là như thế: trước hết ở chỗ "nghe tiếng Tôi" khi lãnh nhận Phép Rửa tái sinh; sau nữa ở chỗ được Đấng biết họ, "Tôi biết chúng" thông ban sự sống thần linh cho: "Vị Chủ Chiên nhân lành đến cho chiên được sống và sống viên mãn" (Gioan 10:10), và sau hết, ở chỗ, "chúng theo Tôi" để truyền đạt sự sống thần linh viên mãn nơi mình nhờ được hiệp thông thần linh với Cây Nho là Chúa Kitô (xem Gioan 15:4), như trường hợp của tông đồ Phêrô được Chúa Kitô là Đấng ủy thác cho ngài sứ vụ chăn dắt các chiên con chiên mẹ cho kèm theo số phận hy sinh cho chiên thì được Người kêu gọi "Hãy theo Thày" (Gioan 21:19).

Bài Đọc I (Tông Vụ 11:19-26):

 

Nếu trong bài Phúc Âm Chúa Kitô đã khẳng định tính chất của thành phần chiên của Người là "Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi",  "các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi", thì thành phần dân ngoại Hy Lạp ở Antiôkia trở lại theo lời rao giảng của những ai đã tin theo Chúa Kitô nhờ lời rao giảng của các tông đồ sau biến cố Hiện Xuống ở Giêrusalem, nhất là của nhị vị Barnabê và Phaolô, mà nếu so với đa số dân Do Thái và riêng thành phần lãnh đạo giáo quyền của họ đã tỏ ra hết sức cứng lòng tin, cho dù có được đích thân Chúa Kitô rao giảng và tỏ mình ra, thì thành phần dân ngoại Hy Lạp này quả thực đúng là "Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi":

 

"Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do-thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu".

 

Thứ Tư

 

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: Cv 12, 24 - 13, 5a

"Hãy dành Saolô và Barnaba riêng cho Ta".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, lời Chúa được lan rộng và tiến triển. Nhưng Barnaba và Saolô, sau khi hoàn tất sứ mạng, đã rời Giêrusa-lem, đem theo Gioan cũng gọi là Marcô.

Bấy giờ trong Hội Thánh Antiôkia có những tiên tri và tiến sĩ, trong số đó có Barnaba, Simon cũng gọi là Nigê, Luxiô người thành Xyrênê, Manahê bạn của vua Hêrôđê lúc còn thơ ấu, và Saolô. Ðang khi các ông làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo các ông rằng: "Hãy để riêng Saolô và Barnaba cho Ta, để làm công việc mà Ta đã chỉ định". Vậy sau khi ăn chay cầu nguyện, họ đặt tay trên hai ông và tiễn đưa hai ông lên đường.

Ðược Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xêlêucia, rồi từ đó vượt biển sang Cyprô. Khi đến Salamina, hai ông rao giảng lời Chúa trong các hội đường Do-thái.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8

Ðáp: Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài (c. 4).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ. - Ðáp.

2) Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu. - Ðáp.

3) Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài. Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Chúa Kitô đã sống lại và chiếu soi chúng ta, là những kẻ Người đã cứu chuộc bằng máu của Người. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 12, 44-50

"Ta là sự sáng đã đến thế gian".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: "Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Ðấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Ðấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Ðấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy Niệm Lời Chúa

 

Chủ đề "Thày là sự sống" về khía cạnh Mục Tử Thần Linh cho Tuần IV Phục Sinh vẫn còn được thấy tỏ hiện trong bài Phúc Âm của Thứ Tư trong Tuần IV Phục Sinh hôm nay. Ở chỗ, Vị Mục Tử Thần Linh là Chúa Kitô đây, sở dĩ yêu thương chiên của mình đến độ hiến mạng sống của mình cho chiên được sự sống và là sự sống viên mãn chẳng những vì chiên thuộc về Cha là chính Đấng đã trao chiên cho Người mà còn vì Người là Đấng Thiên Sai thật sự, Đấng vì được Cha sai nên luôn chỉ làm theo ý của Cha, đúng như những gì Cha muốn và cách thức Cha muốn, như Người đã tự chứng về bản thân Người với dân Do Thái trong bài Phúc Âm hôm nay:

 

"Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Ðấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Ðấng đã sai Ta. ...  Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Ðấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy".

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta còn thấy một điều rất quan trọng nữa, đó là nguyên tắc phán xét tối hậu, ở chỗ, Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân hậu, chỉ biết yêu thương - "đến độ đã ban Con Một mình" (Gioan 3:16), chỉ biết bày tỏ tình yêu của mình ra "cho đến cùng" (Gioan 13:1), cho đến hết cỡ - "không dung tha cho Con Một của Ngài, một phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Rôma 8:32), như ánh sáng không thể nào không soi chiếu như bản chất tự nhiên của mình, còn những gì được ánh sáng soi chiếu có tiếp nhận ánh sáng hay chăng, hoặc có được thừa hưởng ánh sáng hay chăng là tùy ở những thứ ấy. Đó là lý do Chúa Giêsu Kitô đã khẳng định và tuyên bố với thành phần thính giả nghe Người rằng:

 

"Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết". 

 

Do đó, để có thể dung hòa giữa 2 thái cực chủ trương một là có Lòng Thương Xót Chúa hai là có hỏa ngục chứ không thể nào có cả hai, hãy căn cứ vào nguyên tắc trong bài Phúc Âm hôm nay ngay trên đây. Nghĩa là có cả hai: Thiên Chúa không thể nào không yêu thương, không thương xót, vì đó là bản tính của Ngài, và kẻ nào không chấp nhận tình yêu thương vô cùng nhân hậu của Ngài thì tự họ bị hư đi, và chính tình yêu vô cùng nhân hậu bất diệt của Thiên Chúa sẽ trở thành hình phạt cho họ đời đời trong hỏa ngục, nơi họ chỉ còn khóc lóc và nghiến răng, khóc lóc vì đau khổ và nghiến răng vì hận mình (hơn là hối hận) nhưng đã quá muộn.

 

Kinh nghiệm làm người cũng đã cho thấy điều ấy. Ở chỗ, một khi con người chối bỏ lương tâm, thì chính lương tâm nơi họ sẽ trở thành quan án của họ và cắn rứt họ, đến độ họ không thể nào chịu được, có trường hợp phải tự ra đầu thú để bớt ray rứt lương tâm cho dù có bị tù đầy khổ sở xác thân và cuộc đời. Khi chết cũng vậy, chính lương tâm là tòa phán xét con người, và tự mình họ biết họ đi về đâu: Thiên Đàng hay hỏa ngục.

 

Bài Đọc I (Tông Vụ 12:24 - 13:5a):

 

Theo gương Mục Tử Thần Linh là "cửa chuồng chiên", đến chỉ làm theo ý muốn của Đấng đã sai mình, thành phần môn đệ trung thực của Người cũng luôn tuân theo tác động thần linh mà Thánh Thần của Đấng Phục Sinh và Thăng Thiên đã ban cho họ và sai đến với họ để Người có thể ở cùng họ cho đến tận thế (xem Mathêu 28:20), và qua họ tiếp tục vai trò Mục Tử Thần Linh của Người nơi dân ngoại, chẳng hạn qua nhị vị Saolô và Barnabê ở Antiôkia trong bài đọc một hôm nay:

 

"Bấy giờ trong Hội Thánh Antiôkia có những tiên tri và tiến sĩ, trong số đó có Barnaba, Simon cũng gọi là Nigê, Luxiô người thành Xyrênê, Manahê bạn của vua Hêrôđê lúc còn thơ ấu, và Saolô. Ðang khi các ông làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo các ông rằng: 'Hãy để riêng Saolô và Barnaba cho Ta, để làm công việc mà Ta đã chỉ định'. Vậy sau khi ăn chay cầu nguyện, họ đặt tay trên hai ông và tiễn đưa hai ông lên đường. Ðược Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xêlêucia, rồi từ đó vượt biển sang Cyprô. Khi đến Salamina, hai ông rao giảng lời Chúa trong các hội đường Do-thái".

 

 

 

Thứ Năm

 

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: Cv 13, 13-25

"Bởi dòng dõi Ðavít, Thiên Chúa đã ban Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Rời Paphô, Phaolô và các bạn vượt biển đến Perghê xứ Pamphy-lia; còn Gioan từ biệt các ngài, và trở về Giêrusalem. Hai ngài sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Sau khi đọc sách luật và các tiên tri, những thủ lãnh nhà hội đường sai người đến nói với các ngài rằng: "Hỡi anh em, nếu ai trong anh em có lời khuyên bảo dân chúng, xin hãy nói".

Phaolô đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và nói: "Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây. Thiên Chúa dân Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ còn cư ngụ trong nước Ai-cập và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra khỏi nước ấy. Trong thời gian bốn mươi năm, Người chịu đựng thói xấu họ trong hoang địa; và sau khi đã tiêu diệt bảy dân tộc trong đất Canaan, Người đã cho họ chiếm đất của các dân tộc ấy gần bốn trăm năm mươi năm; và sau đó, Người ban cho họ các thẩm phán cho đến tiên tri Samuel. Kế đó, họ xin một nhà vua và Thiên Chúa cho Saolê, con ông Cis, thuộc chi họ Bengiamin, cai trị họ bốn mươi năm. Sau khi loại bỏ Saolê, Chúa đã đặt Ðavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: "Ta đã gặp được Ðavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta".

"Bởi dòng dõi Ðavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ, Ðấng mà Gioan đã báo trước khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: "Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 21- 22. 25 và 27

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời", trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. - Ðáp.

2) Ta đã gặp Ðavít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người. - Ðáp.

3) Thành tín và ân sủng của Ta hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Tảng Ðá cứu độ của con". - Ðáp.

 

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! - Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 13, 16-20

"Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: "Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Ðấng đã sai Thầy".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy Niệm Lời Chúa

 

Khía cạnh "Mục Tử Thần Linh" của chủ đề "Thày là sự sống" trong Tuần Thứ IV Phục Sinh tiếp tục được chất chứa trong bài Phúc Âm của Thứ Năm hôm nay. Ở chỗ Chúa Kitô tỏ mình ra cho các tông đồ biết "Ta là cửa chuồng chiên... Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân...Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào", khi Người phục vụ các vị là chiên của Người bằng cách rửa chân cho các vị, và vì thế, để vào "qua cửa chuồng chiên" là Người thì các tông đồ cũng phải noi gương bắt chước Người thì mới thực sự phản ảnh vai trò Mục Tử Thần Linh của Người, nhờ đó mới mang lại cho chiên sự sống và là sự sống viên mãn. 

 

"Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: 'Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc...Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Ðấng đã sai Thầy".  

 

Bài Đọc I (Tông Vụ 13:13-25):

 

Đúng thế, vai trò Mục Tử Thần linh của Chúa Kitô Thiên Sai đã được tiếp nối bởi những ai được Người tuyển chọn và sai đi, thành phần như Người khẳng định trong bài phúc âm là "Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy", vì họ đã '"qua cửa chuồng chiên" là chính Người mà vào, nghĩa là đã noi gương bắt chước tinh thần phục vụ của Người, ở chỗ chỉ lo cho lợi ích của chiên, hơn là của mình, đến độ sẵn lòng hy sinh cho chiên được sống, nhờ đó, lời chứng đầy thâm tín của họ trở thành khả tín và có sức thuyết phục, như trường hợp của Tông Đồ Phaolô ở Antiôkia trong bài đọc thứ nhất hôm nay:

 

"Phaolô đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và nói: 'Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây... Bởi dòng dõi Ðavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ, Ðấng mà Gioan đã báo trước khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: 'Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người'".

 

 

 

Thứ Sáu

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Cv 13, 26-33

"Thiên Chúa đã làm trọn lời hứa khi cho Ðức Giêsu sống lại".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi Phaolô đến Antiôkia thuộc xứ Pisiđia, ông lên tiếng trong hội đường rằng: "Thưa chư huynh, con cháu Abraham, và những người kính sợ Thiên Chúa ở giữa chư huynh, lời cứu độ đó đã được rao giảng cho chư huynh. Những người cư ngụ ở Giêrusalem và các thủ lãnh của họ đã không nhìn nhận Ðức Giêsu và các lời tiên tri mà họ đọc mỗi ngày Sabbat; thế mà họ đã làm ứng nghiệm lời tiên tri khi lên án Người. Và dầu không thấy nơi Người lý do nào đáng phải chết, họ cũng xin Philatô cho giết Người. Và khi đã hoàn tất mọi điều đã chép về Người, họ đã tháo Người xuống khỏi cây thập giá và mai táng Người trong mồ. Nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba. Và trong nhiều ngày, Người đã hiện ra với những kẻ đã cùng với Người từ Galilêa lên Giêrusalem. Bây giờ những kẻ đó là những chứng nhân của Người trước mặt dân chúng.

"Phần chúng tôi, chúng tôi loan báo cho chư huynh hay rằng: lời hứa ban cho tổ phụ chúng ta, Thiên Chúa đã làm hoàn tất cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Ðức Giêsu sống lại, như đã chép trong thánh vịnh thứ hai rằng: 'Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con' ".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 2, 6-7. 8-9. 10-11

Ðáp: Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con (c. 7).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Chính Ta đã đặt vương nhi Ta trên Sion, núi thánh của Ta. Ta sẽ tuyên rao thánh chỉ của Chúa: Chúa đã phán bảo cùng Ta: "Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con". - Ðáp.

2) Hãy xin Cha và Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp, và cùng kiệt cõi đất làm gia tài. Con sẽ cai trị chúng bằng cây gậy sắt, như bình thợ gốm, Con đem nghiền nát chúng ra. - Ðáp.

3) Giờ đây, hỡi các vua, hãy nên hiểu biết, quân vương mặt đất nên giác ngộ. Hãy kính sợ làm tôi Chúa và hân hoan mừng Người, hãy khiếp run tỏ bày sự vâng phục Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Chúa Kitô đã sống lại ra khỏi mồ, Người đã chịu treo trên thập giá vì chúng ta. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 14, 1-6

"Thầy là đường, là sự thật và là sự sống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi". Ông Tôma thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy".

Ðó là lời Chúa.

 

Suy Niệm Lời Chúa

 

Khía cạnh "Mục Tử Thần Linh" trong chủ đề "Thày là sự sống" cho Mùa Phục Sinh hậu Bát Nhật Phục Sinh tiếp tục với bài Phúc Âm Thứ Sáu Tuần IV Phục Sinh hôm nay. Ở chỗ, Vị "Mục Tử Thần Linh" này tiếp tục tỏ mình ra là "cửa chuồng chiên", là đường lối đến với chiên của Người và sống cho chiên như Người. Nếu Vị "Mục Tử Thần Linh" "cửa chuồng chiên" ở nơi tấm gương "hiến mạng sống mình vì chiên" (Gioan 10:11) thì Người cũng muốn các môn đệ tiếp tục vai trò Mục Tử Thần Linh của Người cũng hiến mạng sống của họ vì chiên như thế, như Người đã ngầm nói trong bài Phúc Âm:

 

"Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi".

 

"Thày đi dọn chỗ cho anh em" đây là gì mà Người trước đó đã phải trấn an các môn đệ của Người rằng "anh em đừng xao xuyến", nếu không phải là Người "tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý" (Gioan 17:19), nghĩa là Người đi chịu chết, tự hiến "để họ được thánh hóa trong chân lý", tức là để họ nhận biết Người là ai, nhờ đó, họ cũng có thể chết vì Người và như Người để làm chứng cho Người, đúng như ý nghĩa sâu xa của câu Người nói với các tông đồ: "Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó". 

 

Bài Đọc I (Tông Vụ 13:26-33):

 

Nếu trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã tiên báo cho các tông đồ biết về số phận của Vị "Mục Tử Thần Linh" cần phải "đi để dọn chỗ cho anh em", tức là "tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý", hay hy sinh cho chiên được sống, trước hết là chính thành phần môn đệ được Người tuyển chọn ở với Người mà làm chứng nhân cho Người, thì trong bài đọc thứ nhất hôm nay, thành phần đã được Người tự hiến để thánh hóa họ trong chân lý ấy đã thực sự trở thành chứng nhân của Người và cho Người bằng chứng từ đầy xác tín và thuyết phục của họ:

 

"Thưa anh em, là con cái thuộc dòng giống Áp-ra-ham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta. Dân cư thành Giê-ru-sa-lem và các thủ lãnh của họ đã không nhận biết Đức Giê-su; khi kết án Người, họ đã làm cho ứng nghiệm những lời ngôn sứ đọc mỗi ngày sa-bát. Tuy không thấy Người có tội gì đáng chết, họ vẫn đòi Phi-la-tô xử tử. Sau khi thực hiện tất cả mọi điều Kinh Thánh chép về Người, họ đã hạ Người từ trên cây gỗ xuống và mai táng trong mồ. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Trong nhiều ngày, Đức Giê-su đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân. Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này : điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giê-su sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con".

 

 

 

Thứ Bảy

 

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: Cv 13, 44-52

"Ðây chúng tôi quay về phía các dân ngoại".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Ðến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: "Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất". Nghe vậy, các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng.

Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo, các thân hào trong thành, bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta (c. 3c).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Ðáp.

 

Alleluia: Cl 3, 1

Alleluia, alleluia! - Nếu anh em sống lại làm một với Ðức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Ðức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 14, 7-14

"Ai thấy Thầy là xem thấy Cha".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người".

Philipphê thưa: "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con". Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: "Philipphê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin, vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy Niệm Lời Chúa

 

Vai trò "Mục Tử Thần Linh" của Chúa Kitô là vai trò của một Đấng Thiên Sai, đến để làm theo ý Đấng đã sai chứ không phải theo ý của mình, đến độ làm cho thế gian nhờ mình mà nhận biết Cha, và đến độ bất cứ ai tin vào Người thì được sự sống, đúng như Người đã khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Bảy Tuần IV Phục Sinh về chủ đề "Thày là sự sống". 

 

"Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: 'Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha'?  Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.  Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm". 

 

Trong câu khẳng định trên đây của mình, Chúa Giêsu đã ngầm tái xác nhận lời tuyên xưng của Tông Đồ Phêrô “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mathêu 16:16) là chính xác. Vì là “Đức Kitô” Thiên Sai mà Người đến chỉ “nói” “làm” những gì Cha là Đấng đã sai Người muốn mà thôi, chứ không phải những gì Người muốn, và chính vì thế, Người cho thấy “Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày”, và cho thấy Người là “Con Thiên Chúa hằng sống”, “đồng bản thể với Cha” (Kinh Tin Kính), đến độ, “ai thấy Thày là thấy Cha”, nơi nhân tính của Người, qua những gì Người nói và làm trong bản tính của con người, một bản tính loài người được Người mặc lấy để “tỏ Cha ra” (Gioan 1:18), hay để Cha tỏ mình ra nơi Người và qua Người.

 

Nếu Chúa Giêsu tỏ mình ra là hiện thân của Cha như thế, thì thành quả hay tác dụng của niềm tin vào Vị Mục Tử Thần Linh Thiên Sai là ở chỗ làm cho kẻ tin vào Người được hiệp nhất nên một với Người, được Người biến đổi, thậm chí đến độ còn làm được những việc hơn Người làm nữa, như cành nho dính liền với thân nho thì sinh muôn vàn hoa trái nhờ nhựa sống từ thân cây, trong khi chính thân nho lại chẳng sinh hoa trái gì: 

 

"Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó". 

“Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” nghĩa là gì? Nếu không phải nghĩa là một khi Người Thăng Thiên "về cùng Cha" thì nhân tính của Người, một bản tính Người mặc lấy khi nhập thể vốn được Ngôi Hiệp với thần tính của Người trên thế gian, nhờ phục sinh đã trở thành linh thiêng,  bấy giờ được hoàn toàn hoan hưởng Thực Tại Thần Linh là Thánh Thần với Cha và như Cha. Bởi thế, ai tin vào Người thì được hiệp nhất nên một với Người là Đấng từ Cha sẽ sai Thánh Thần đến (xem Gioan 15:26) để nhờ đó họ có thể làm chứng về Người cho đến tận cùng trái đất (xem Tông Vụ 1:8).

"Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa" là vì thế - vì Chúa Kitô Phục Sinh và Thăng Thiên ở trong họ bằng Thánh Thần của Người, và "Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa" là như thế - ở chỗ nhờ Thánh Thần và cùng với Thánh Thần của Người họ có thể làm chứng về Người, nhờ đó Người được nhận biết và yêu mến khắp thế giới chứ không phải chỉ ở nơi dân Do Thái là thành phần vốn không tin Người cho dù Người đã tỏ hết mình ra cho họ, và nhờ đó Người là hạt lúa miến mục nát đi nơi mầu nhiệm khổ giá trổ sinh muôn vàn hoa trái là phần rỗi các linh hồn (xem Gioan 12:24).

Bài Đọc I (Tông Vụ ):

 

Vai trò Mục Tử Thần Linh của Chúa Kitô Thiên Sai tiếp tục sinh hoa trái nơi thành phần môn đệ được Người sai đi làm chứng về Người, như bài đọc một hôm nay cho thấy, đến độ, càng bị chống đối và thử thách, các vị càng sinh nhiều hoa trái như cành nho đã sinh trái thì cần được cắt tỉa đi cho càng sai trái hơn (xem Gioan 15:2):

"Tại I-cô-ni-ô cũng xảy ra như vậy: hai ông vào hội đường người Do-thái và giảng dạy, khiến rất đông người Do-thái và Hy-lạp tin theo. Nhưng những người Do-thái không tin theo thì xúi giục những người ngoại và làm cho họ có ác cảm với các anh em. Vậy hai ông ở lại một thời gian khá lâu, mạnh dạn vì dựa vào Chúa, là Đấng chứng nhận lời giảng về ân sủng của Người, khi cho tay các ông thực hiện những dấu lạ điềm thiêng".