SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 


Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 
Tuần XXVIII Thường Niên Năm C và Năm Lẻ

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL




Chúa Nhật

 

Bài Ðọc I: 2 V 5, 14-17

"Naaman trở lại gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa".

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: "Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông".

Tiên tri trả lời rằng: "Có Chúa hằng sống, tôi đang đứng trước mặt Người: Thật tôi không dám nhận đâu". Naaman cố nài ép, nhưng tiên tri không nghe. Naaman nói thêm rằng: "Tuỳ ý ông, nhưng tôi xin ông ban phép cho tôi, là đầy tớ của ông, được chở một ít đất vừa sức hai con la chở được, vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).

Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 2 Tm 2, 8-13

"Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Ðức Kitô".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Ðavít, đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Ðức Giêsu Kitô.

Ðây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 17, 11-19

"Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.

Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".

Ðó là lời Chúa.




Thứ Hai

 

 

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 1, 1-7

"Nhờ Ðức Kitô, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về đức tin".

Khởi đầu bức thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Ðavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu Kitô đã kêu gọi.

Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma, được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 11, 29-32

"Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa".

Ðó là lời Chúa.

 



Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai Tuần XXVIII Thường Niên, cũng là bài Phúc Âm cùng một nội dung được Thánh ký Mathêu thuật lại và được Giáo Hội chọn đọc cho Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên - Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XVI Thường Niên.

Tuy nhiên, bài Phúc Âm cùng nội dung này của Thánh ký Mathêu cho Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên được Giáo Hội chọn đọc chung với Bài Đọc 1 trong Cựu Ước, còn bài Phúc Âm cùng nội dung của Thánh ký Luca hôm nay được Giáo Hội chọn đọc chung với Bài Đọc 1 trong Tân Ước. 

Nội dung của Bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến điềm lạ Giona, một điềm lạ ám chỉ Chúa Kitô và cuộc vượt qua của Người là Đấng mà con người cần phải tin tưởng chấp nhận mới được cứu độ:

"Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: 'Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa'".

"Điềm lạ của tiên tri Giona" là gì, nếu không phải, như Bài Đọc 1 cho năm lẻ của các ngày Thứ Hai, Thứ Ba và Thứ Tư tuần trước cho thấy, là điềm lạ vị tiên tri này sẵn sàng bị ném xuống biển để cứu sinh mạng của những con người ở trên một con tầu bấy giờ đang bị bão tố sắp bị nhận chìm, nhưng chính vị tiên tri này cũng không chết mà tiếp tục tục sống trong bụng cá 3 ngày 3 đêm cho đến khi được nó nhả ra trên bãi biển, một điềm lạ như báo trước cuộc vượt qua của Chúa Kitô, Đấng cũng nằm trong lòng đất cho đến ngày thứ ba thì phục sinh vinh hiển.

Phải, Chúa Kitô Vượt Qua chính là điềm lạ cho riêng dân Do Thái là thành phần dân riêng của Người , thành phần chẳng những không chấp nhận Người (xem Gioan 1:11) mà còn sát hại Người cho bằng được, nhưng họ chẳng làm gì được Người vì Người là Đấng Thiên sai Con Thiên Chúa hằng sống bất từ không thể nào không sống lại để chiến thắng tội lỗi và sự chết, để làm chủ cả sự chết lẫn sự sống, để làm cho con người được sự sống và là một sự sống viên mãn hơn (xem Gioan 10:10).   

Nếu Chúa Kitô thực sự là điềm lạ Giona cho chung nhân loại mọi thời và cho riêng thành phần dân của Người thì điềm lạ ấy chính là tin mừng cứu độ của nhân loại và cho nhân loại, nhất là của những ai và cho những ai tin vào điềm lạ Giona cũng là tin vào Tin Mừng cứu độ ấy, như Thánh Phaolô Tông Đồ đã nói đến ngay khi mở đầu thư Rôma trong Bài Đọc 1 hôm nay:

"Tin mừng mà Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Ðavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu Kitô đã kêu gọi".

Bài Đáp Ca hôm nay phản ảnh bài Phúc Âm và Bài đọc 1 về ơn cứu độ của Thiên Chúa từ bi nhân ái nơi Đức Giêsu Kitô Vượt Qua, một ơn cứu độ chẳng những cho dân Do Thái mà còn cho muôn dân:

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. 

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. 

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! 


 

Thứ Ba


 

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 1, 16-25

"Dẫu loài người biết Thiên Chúa, họ không tôn vinh Người cho xứng với Thiên Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi không hổ thẹn đạo Phúc Âm: vì đó là sức mạnh của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. Vì trong đó, đức công chính của Thiên Chúa được tỏ ra bởi đức tin, nhằm vào đức tin, như có lời chép rằng: "Người công chính sống bởi đức tin".

Quả thực, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa từ trời cao hiện ra trừng phạt những người vô đạo, bất công, cầm giữ chân lý của Thiên Chúa trong đường tà: vì chưng hễ sự gì có thể biết được về Thiên Chúa, thì đã được biểu lộ trong họ rồi, bởi Thiên Chúa đã tỏ bày cho họ. Từ khi sáng tạo thế gian, qua những loài thụ tạo, họ đã có thể nhìn nhận, hiểu biết những sự không trông thấy được của Thiên Chúa, nhất là quyền năng đời đời và thiên tính của Người, nên họ không thể chữa mình được. Vì dẫu họ biết Thiên Chúa, họ không tôn vinh, không cảm tạ Người cho xứng với Thiên Chúa, song họ đã lầm lạc trong những hư tưởng của họ, và tâm trạng ngu muội của họ đã ra mù tối. Họ tự khoe là khôn ngoan, nhưng họ đã hoá ra điên dại. Họ đã hoán đổi vinh quang của Thiên Chúa bất hủ ra giống như hình ảnh của loài người hay chết và của loài chim, loài thú bốn chân và rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa để mặc cho họ buông theo lòng dục vọng tìm sự dâm ô, thậm chí làm ô nhục đến chính bản thân họ. Họ là những người đã hoán đổi sự chân thật của Thiên Chúa ra sự dối trá, đã thờ tự và phụng sự loài thọ tạo thay vì Ðấng Tạo Hoá, Người đáng chúc tụng muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5

Ðáp: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa (c. 2a).

Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. - Ðáp.

2) Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 11, 37-41

"Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa.

Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: "Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".

Ðó là lời Chúa.


 

Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, Thứ Ba Tuần XXVIII Thường Niên, tương tự như bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Thứ Ba Tuần V Thường Niên về vấn đề rửa tay trước khi ăn. 

Tuy nhiên, ở bài Phúc Âm Thánh ký Marco Tuần V Thường Niên, vấn đề không rửa tay trước khi ăn xẩy ra nơi một số môn đệ của Chúa Giêsu (xem Marco 7:2), trong khi ở bài Phúc Âm hôm nay lại xẩy ra với chính Chúa Kitô, như Thánh ký Luca thuật lại trong bài Phúc Âm hôm nay:

"Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa".

Chắc chắn Chúa Kitô đã biết cái thói lệ thông thường không phải là luật Chúa này của dân Do Thái mà lại là những gì những ai thông luật và giữ luật như thành phần biệt phái vốn coi trọng, nhưng có lẽ Người chủ ý không làm như vậy, không rửa tay trước khi ăn, để nhân cơ hội này dạy cho họ một bài học về những gì cần thiết và quan trọng hơn cả những gì là bề ngoài được họ đặt nặng:

"Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: 'Này quí vị, những người biệt phái, quí vị lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm quí vị lại đầy những tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Thế nhưng nếu quí vị bố thí đi những gì quí vị có thì mọi sự sẽ được tẩy sạch cho quí vị'".

Đúng thế, qua câu giáo huấn chí lý nhưng hết sức thực tế này của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rằng Người chú trọng đến nội tâm hơn hành động biểu hiện, đến tinh thần hơn hình thức bề ngoài. Cho dù vẫn cần đến hành vi cử chỉ bề ngoài và hình thức biểu hiệu đấy, nhưng chúng phải là những gì phản ảnh nội tâm, phản ảnh tinh thần, chứ không phải là những gì thuần hình thức và máy móc, bất xứng với con người là loài có tâm linh và ý thức.

Nếu bề ngoài dù có những hành vi cử chỉ tốt lành hay có những việc làm có vẻ đạo đức như "lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác" thì tất cả chỉ là giả hình che mắt thiên hạ, làm để lấy tiếng khen... Cho đến khi họ bị hiểu lầm hay chống đối hoặc bị chê bai bởi chính những việc giả hình họ làm, họ liền lộ cái chân tướng đầy kiêu căng tự ái của họ, thậm chí họ còn có những hành vi cử chỉ chọc gậy bánh xe, chống phá, thơ nặc danh v.v., như đã từng xẩy ra ở các cộng đoàn Việt Nam từ trước đến nay. 

Đó là lý do Chúa Giêsu đã dạy cho thành phần biệt phái cũng như cho chúng ta là thành phần môn đệ của Người, nhưng vẫn bị nhập nhiễm men giả hình giả tạo của họ, một nguyên tắc hay một đường lối làm cho chúng ta không còn sống giả hình mà là sống chân chính đúng như Thiên Chúa muốn, đó là hãy: "Bố thí đi những gì quí vị có thì mọi sự sẽ được tẩy sạch cho quí vị'".

Câu này của Chúa Giêsu có nghĩa là gì? Người khuyên chúng ta ra sao đây để có thể thực hành cho chính xác và có hiệu nghiệm?? Tại sao "bố thí đi những gì (mình) có" là phương cách duy nhất và hiệu nghiệm nhờ đó "mọi sự sẽ được tẩy sạch" cho chúng ta???

Phải chăng ở đây Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng để mọi việc làm của chúng ta, để mỗi một và tất cả mọi hành vi cử chỉ được bày tỏ ra bề ngoài của chúng ta được chân thực, hoàn toàn không có gì là giả tạo, bôi bác, hình thức v.v. chúng ta cần phải sống hết mình, phải ý thức những gì mình làm, phải dứt khoát từ bỏ, như "bố thí đi những gì mình có", những ý hướng xấu xa vị kỷ ham danh hơn là sống hoàn toàn vì Chúa và cho tha nhân v.v.!?

Trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, Thánh Tông Đồ Phaolô cũng cho chúng ta thấy chính vì con người chưa có đức tin, chưa nhận biết Thiên Chúa là những gì bề trong, nội tâm, thuộc tâm linh cao cả, như "Người công chính sống bởi đức tin", mà họ, cho dù theo tự nhiên vẫn có thể nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa trong trời đất: "Từ khi sáng tạo thế gian, qua những loài thụ tạo, họ đã có thể nhìn nhận, hiểu biết những sự không trông thấy được của Thiên Chúa, nhất là quyền năng đời đời và thiên tính của Người, nên họ không thể chữa mình được", vẫn hướng hạ, vẫn không thể nào sống theo sự thật, hoàn toàn sống phản lại sự thật đến độ đã biến đổi sự thật theo ý họ:

"Vì dẫu họ biết Thiên Chúa, họ không tôn vinh, không cảm tạ Người cho xứng với Thiên Chúa, song họ đã lầm lạc trong những hư tưởng của họ, và tâm trạng ngu muội của họ đã ra mù tối. Họ tự khoe là khôn ngoan, nhưng họ đã hoá ra điên dại. Họ đã hoán đổi vinh quang của Thiên Chúa bất hủ ra giống như hình ảnh của loài người hay chết và của loài chim, loài thú bốn chân và rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa để mặc cho họ buông theo lòng dục vọng tìm sự dâm ô, thậm chí làm ô nhục đến chính bản thân họ. Họ là những người đã hoán đổi sự chân thật". 

Bài Đáp Ca hôm nay âm vang nội dung của Bài Đọc 1 hôm nay về vấn đề Thiên Chúa đã tỏ mình ra qua thiên nhiên tạo vật của Ngài để con người có thể nhận biết Ngài mà đến với Ngài và ca tụng Ngài, nhờ đó, họ được chân lý giải phóng mà sống trong chân thật, chứ không sống giả dối như thành phần cho dù giữ luật Chúa vẫn đầy những giả hình như những người biệt phái trong bài Phúc Âm hôm nay:

1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. 

2) Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. 

Thứ Tư

 

 

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 2, 1-11

"Người sẽ trả lại cho ai nấy theo công việc họ đã làm, trước là những người Do-thái, sau là những người Hy-lạp".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Hỡi con người kia, hễ ngươi xét đoán, thì ngươi không thể chữa mình được đâu. Vì ngươi xét đoán kẻ khác thế nào, thì ngươi tự lên án mình như vậy: bởi lẽ ngươi cũng phạm điều ngươi lên án. Chúng ta đều biết Thiên Chúa căn cứ theo chân lý mà xét đoán những kẻ hành động như thế.

Hỡi con người kia, ngươi xét đoán những kẻ hành động thể ấy, mà chính mình ngươi cũng làm, ngươi nghĩ rằng: ngươi thoát khỏi án phạt của Thiên Chúa được sao? Hay là ngươi khinh thị lòng nhân hậu, nhẫn nại và khoan dung của Người? Ngươi chẳng biết rằng lòng nhân lành của Thiên Chúa phải thối thúc ngươi hối cải sao?

Thật bởi lòng ngươi chai đá, không chịu hối cải, ngươi chỉ tích trữ cho mình cơn thịnh nộ trong ngày thịnh nộ, ngày sẽ tỏ ra thẩm phán công bình của Thiên Chúa, Ðấng sẽ trả lại cho ai nấy tuỳ theo công việc họ đã làm, vì hễ những ai bền đỗ làm lành, tìm kiếm vinh quang, danh dự và ơn bất tử, thì sẽ được sống đời đời; còn những ai ương ngạnh, không vâng phục chân lý, mà lại tin theo sự gian ác, thì sẽ gặp cơn thịnh nộ và giận dữ.

Hễ kẻ nào làm sự dữ, thì mắc phải gian nan phiền muộn, trước là những người Do-thái, sau là những người Hy-lạp: vì Thiên Chúa không thiên tư tây vị ai cả.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 61, 2-3. 6-7. 9

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa sẽ trả công mỗi người theo như việc họ làm (c. 13b).

Xướng: 1) Duy nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi được an vui; do chính mình Người, tôi được ơn cứu độ. Phải, chính Chúa là Ðá tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng. - Ðáp.

2) Nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi ơi, hãy an vui, vì do Người, tôi được điều tôi trông đợi. Phải, chính Chúa là Ðá tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng. - Ðáp.

3) Hỡi dân tộc, hãy trông cậy Người luôn mọi lúc, hãy đổ giốc niềm tâm sự trước nhan Người, vì Thiên Chúa là nơi ta nương náu. - Ðáp.

 

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 11, 42-46

"Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!"

Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa". Người đáp lại rằng: "Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới".

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, Thứ Tư Tuần XXVIII Thường Niên, và bài Phúc Âm ngày mai của ngài, cả hai cộng lại dài 1/3 của đoạn 11 và cả hai đều ở vào cuối đoạn 11 này, một khúc Phúc Âm liên quan đến những lời khiển trách thậm tệ của Chúa Giêsu với thành phận biệt phái và luật sĩ trong dân Do Thái, những lời khiển trách này cũng đã được Thánh ký Mathêu giành nguyên đoạn 23 dài để thuật lại và đã được Giáo Hội chọn đọc cho 4 ngày liền: Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên - Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XX Thường Niên, và Thứ Hai, Thứ Ba cùng Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên -  Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XXI Thường Niên.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, trước hết Chúa Giêsu đã khiển trách thành phần biệt phái, thành phần trong bài Phúc Âm hôm qua vừa được Người vạch ra cho thấy họ chỉ sống vụ hình thức và bề ngoài mà nội tâm rỗng tuyếch và không có gì là chân thực. Người đã khiển trách họ 3 điều chính yếu theo thứ tự như sau:


1- Khuynh hướng giảm khinh - coi thường những gì chính yếu: "Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công b
ình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia". 

2- Lòng ham hố danh vọng - coi mình là đệ nhất thiên hạ: "Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ". 

3- Nội tâm như nấm mộ chứa đầy những "tham lam và gian ác" (Bài Phúc Âm hôm qua) - được che đậy bằng những dáng vẻ đạo đức bề ngoài che mắt thiên hạ: "Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống như những nấm mồ kín đáo mà người ta không biết dẵm bước lên trên!"

Chúa Giêsu chẳng những khiển trách thành phần biệt phái mà còn cả thành phần luật sĩ nữa, vì cả hai đều là thành phần thông luật, giữ luật và đóng vai trò làm thày dạy luật cho dân chúng. Bởi thế, nghe thấy Chúa Giêsu khiển trách thành phần biệt phái như thế thì "có một tiến sĩ luật" cảm thấy bị động lòng - như thể nghe về người khác thì nghĩ đến thân mình liền lên tiếng: "Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa". 

Lợi dụng cơ hội thuận lợi này, Chúa Giêsu liền vạch trần bộ mặt thật của thành phần luật sĩ ấy nữa như sau: "Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới". 

Nghĩa là thành phần luật sĩ này bị Chúa Giêsu khiển trách là họ đã tỏ ra nghiêm ngặt với người khác mà nới rộng với bản thân họ về vấn đề tuân giữ lề luậtỞ chỗ, họ bắt người ta tuân giữ kỹ càng và tỉ mỉ đủ mọi luật lệ, trong khi đó cái gì hợp với họ hay dễ giữ thì họ giữ, hoặc giữ để qua mắt thiên hạ, còn cái nào không hợp hay khó khăn thì bỏ qua, tùy theo cách giải thích luật một cách chủ quan vụ lợi của họ.

 

Ngày 14: Thánh Callistô I, Giáo Hoàng tử đạo

Thầy sáu Callistô là người cộng sự thân cận của Ðức Giáo Hoàng Zêphyrinô. Năm 217, ngài được chọn làm đấng kế vị lèo lái con thuyền Hội Thánh dưới thời hoàng đế Antonin Heliogabale. Theo chân vị tiền nhiệm khả kính, ngài đã cho sửa sang những nghĩa trang đầu tiên của cộng đoàn tín hữu Rôma trên đường Appia. Ðó là nơi yên nghỉ của hầu hết các Ðức Giáo Hoàng và các thánh tử đạo. Tuy nhiên, ngài cũng bị linh mục Hippolyte, một nhà tư tưởng nổi tiếng chống đối, nhưng với địa vị Giáo Hoàng, ngài cương quyết bảo vệ đức tin của Giáo Hội trước vấn đề mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Ngài bị bọn lạc giáo bắt và hành hạ: phải nhịn đói, đánh đòn nhiều lần, sau cùng ngài bị ném xuống giếng cho chết. Ngài lãnh triều thiên tử đạo năm 222 tại Transtévère dưới thời vua Alexandre.

 


Thứ Năm


 

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 3, 21-30a

"Con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải bởi việc làm theo lề luật".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, hiện giờ sự công chính của Thiên Chúa đã tỏ hiện không tuỳ vào lề luật, nhưng có lề luật và các tiên tri làm chứng. Sự công chính của Thiên Chúa nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô sẽ ban cho mọi kẻ tin vào Người, không có gì phân biệt: vì mọi người đều phạm tội và đã thiếu mất vinh quang của Thiên Chúa, họ được công chính hoá cách nhưng không, do ơn nghĩa của Người và nhờ sự cứu chuộc nơi Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Thiên Chúa đã đặt làm của lễ đền tội, nhờ tin vào máu của Người, để tỏ cho thấy đức công chính của Người, bởi Người tha thứ những tội đã phạm khi trước, trong thời kỳ nhịn nhục của Thiên Chúa, ngõ hầu tỏ ra đức công chính của Người trong lúc này, để tỏ ra chính Người là Ðấng công chính và công chính hoá người tin vào Ðức Giêsu Kitô.

Vậy đâu là việc tự hào của ngươi? Nó đã bị loại đi rồi. Bởi lề luật nào? Có phải lề luật chỉ việc làm không? Không phải, song là bởi lề luật đức tin. Quả thế, chúng tôi thâm tín rằng: con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải bởi việc làm theo lề luật. Hay là Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của người Do-thái thôi sao? Người không phải là Thiên Chúa các dân ngoại nữa sao? Ắt hẳn Người là Thiên Chúa các dân ngoại nữa: vì chỉ có một Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-5

Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giầu ơn cứu độ (c. 7).

Xướng: 1) Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu! Dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con. - Ðáp.

2) Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu. - Ðáp.

3) Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn con mong đợi Chúa, hơn người lính gác mong trời rạng đông. Hơn lính gác mong hừng đông dậy, Israel đang mong đợi Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 11, 47-54

"Sẽ bị đòi nợ máu của các tiên tri đã đổ ra, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa phán: "Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ. Bởi đó mà sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu. Khốn cho các ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khoá sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ lại".

Khi người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng.

Ðó là lời Chúa.


Hôm nay, Thứ Năm Tuần XXVIII Thường Niên, Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca được tiếp tục với bài Phúc Âm hôm qua là bài Phúc Âm thuật lại lời Chúa Giêsu khiển trách cả thành phần biệt phái lẫn thành phần luật sĩ về tính chất giả tạo và đời sống hình thức của họ. 

Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói với cả 2 thành phần này một lúc, những lời nói khiến họ cảm thấy bị hạ nhục một cách công khai trong khi họ là những bậc thày dạy về luật lệ trong dân chúng và cho dân chúng. Bởi thế, ở đoạn kết bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca đã cho chúng ta thấy phản ứng dữ dội nơi 2 thành phần này như sau:

"Khi người phán bảo cho các người biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng".

Vậy, sau khi khiển trách từng thành phần trong họ ở bài Phúc Âm hôm qua, Chúa Giêsu đã nói với cả hai thành phần này những gì nữa khiến họ đã tỏ ra căm tức quá như thế? Căn cứ vào những lời Chúa Giêsu nói với họ, thì Người cảnh báo rằng họ sẽ bị trả nợ máu:

"Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu".

Thực tế cho thấy họ chẳng giết hại tiên tri nào vào thời của họ hết, như vị vẫn được coi là tiên tri như Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, vị đã bị quận vương Hêrôđê giết chứ không phải họ. Thế nhưng, cũng căn cứ vào lời Chúa Giêsu khẳng định, thì việc họ xây mồ mả cho các vị tiên tri do cha ông của họ sát hại là việc họ, bề ngoài, như thể tỏ ra tôn kính các tiên tri, bù đắp cho các vị, nhưng gián tiếp họ đã tỏ ra công nhận là cha ông họ đã sát hại các vị tiên tri ấy:

"Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ". 

Thế nhưng, hành động xây mồ mả cho các vị tiên tri của họ, đối với Chúa Giêsu, không phải là việc họ bù đắp cho các vị tiên tri hay công nhận các vị tiên tri, cho bằng họ "làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi". Tại sao Chúa Giêsu lại có vẻ hiểu lầm họ một cách oan nghiệt như thế, như thể Người muốn ngăn chặn con đường ăn năn hoán cải của họ, bằng cách hoàn toàn phủ nhận công việc lành thánh họ muốn làm để bù đắp lỗi lầm cho cha ông của họ như vậy chứ?   

Phải chăng ở đây Chúa Giêsu muốn ngầm tiên báo cho họ biết trước rằng, cho dù họ có thiện chí xây dựng lại mồ mả cho các vị tiên tri nạn nhân của cha ông họ, họ cũng chẳng hơn gì cha ông của họ đâu, mà thậm chí họ còn tệ hơn cha ông của họ nữa, bởi họ có thực sự không sát hại các vị tiên tri như cha ông của họ đã làm, nhưng họ sẽ nhúng tay vào việc sát hại một vị đại tiên tri trên hết các tiên tri, Vị Thiên Sai của Thiên Chúa là chính bản thân Người!?! - "dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu" là thế! 

Đúng vậy, họ "sẽ bị đòi nợ máu" của chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế, như chính họ đã tự nguyện chấp nhận với Tổng Trấn Philatô: "hãy cứ để cho máu của hắn đổ lên chúng tôi và con cháu chúng tôi" (Mathêu 27:35), nhưng lại chính là máu đổ ra để cứu chuộc họ, đổ ra một cách nhưng không và vô cùng nhân ái, hoàn toàn không do công nghiệp của họ và cho dù họ cố tình nhúng tay vào việc sát hại Người chăng nữa, miễn là họ tin tưởng vào Người, chứ không tin vào việc tuân giữ lề luật của họ. 



Thứ Sáu


 

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 1-8

"Abraham đã tin vào Thiên Chúa và điều đó kể cho ông như sự công chính".

Trích thư Thánh Phaolô Tồng đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chúng ta phải nói gì về chuyện Abraham, tổ phụ theo huyết nhục của chúng ta đã gặp thấy? Nếu như Abraham nhờ việc làm mà được nên công chính, thì ông có lý mà tự hào, nhưng không phải tự hào trước mặt Thiên Chúa. Vì Thánh Kinh nói gì? Abraham đã tin vào Thiên Chúa, và điều đó được kể cho ông như sự công chính.

Ðối với người thợ làm việc, tiền công không kể được là ân huệ, nhưng là một món nợ. Còn đối với người không làm việc, nhưng tin vào Ðấng làm cho người ác nên công chính, thì đức tin của kẻ ấy được kể như là sự công chính, theo ơn Thiên Chúa phân định.

Cũng như Ðavít tuyên bố là phúc đức con người được Thiên Chúa kể là công chính, không cần có việc làm, mà rằng: "Phúc cho những ai được tha thứ sự gian ác, và được che lấp các tội lỗi. Phúc cho người Chúa không chấp nhất sự tội".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 11

Ðáp: Chúa là chỗ dung thân; Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ (c. 7).

Xướng: 1) Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian. - Ðáp.

2) Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: "Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con". - Ðáp.

3) Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa, và mọi người lòng ngay hãy hớn hở reo mừng! - Ðáp.

 

Alleluia: Dt 4, 12

Alleluia, alleluia! - Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và ý muốn của tâm hồn. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 12, 1-7

"Mọi sợi tóc trên đều các con cũng đã được đếm cả rồi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: "Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà.

"Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy.

"Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ".

Ðó là lời Chúa.

 


Bài Phúc Âm cho Thứ Sáu Tuần XXVIII Thường Niên hôm nay vẫn theo chiều hướng đức tin công chính là những gì được Bài Đọc 1 cho năm lẻ tiếp tục khai triển từ Thứ Hai đầu Tuần XXVIII Thường Niên này.

Trước hết, có một chi tiết hơi lạ ở ngay đầu bài Phúc Âm hôm nay, đó là chi tiết: "Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: 'Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình'...".

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao tình trạng dân chúng đông đảo đến độ chen lấn đạp cả lên nhau lại trở thành nguyên động lực thúc đẩy Chúa Giêsu lên tiếng giảng dạy các môn đệ của Người về việc ý tứ giữ mình cho khỏi men của những người biệt phái? Phải chăng hiện tượng chen lấn nhau, đến độ gây tổn hại cho nhau như thế là hình ảnh về một thứ môi trường có thể lây lan những cái xấu xa từ kẻ mạnh sang kẻ yếu!

Chính Chúa Giêsu đã xác định "men biệt phái, nghĩa là sự giả hình". Mà giả hình tức là những gì không thật, giả tạo, dối trá không thể nào tồn tại vĩnh viễn như chân lý bất diệt, tức là sẽ bị lộ ra trước ánh sáng, như chính Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay:  

"Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà".

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu chẳng những khuyên các môn đệ hãy tránh điều tiêu cực là sống giả hình như thành phần biệt phái, mà còn trấn an và thúc giục các vị hãy sống tích cực bằng lòng tin tưởng vào Thiên Chúa khi phải sống sự thật, tức là sống không giả tạo, không gian dối, không giả hình, cho dù có vì thế, vì chân lý mà bị bách hại và bị sát hại như Người:

"Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy. Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ".

Ở đây Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ rằng: 1- không một sự gì xẩy ra ngoài Thánh Ý Chúa quan phòng; 2- dù là một con chim sẻ chỉ có giác hồn, một sợi tóc vô hồn v.v., chẳng đáng già là bao, huống chi là con người vốn là loài linh ư vạn vật, cao trọng hơn chim sẻ nhiều; 3- Thiên Chúa là Đấng quan phòng thần linh sẽ gìn giữ tất cả mọi người và từng người theo ý định khôn ngoan và quyền năng vô cùng của Ngài; 4- bởi đó đừng lo âu sợ hãi nhất là sợ kẻ dữ vì họ cũng chỉ là một con người hữu hạn như mình, chứ không toàn quyền sinh tử đời đời như Thiên Chúa.

Tóm lại, hãy tin tưởng vào Thiên Chúa mà bằng an vui sống cho dù có phải gian nan khốn khó hoạn nạn đớn đau. Chính lòng tin tưởng vào Thiên Chúa là những gì làm cho con người sống chân thật và công chính, sống vượt lên trên mọi gian nan khốn khó, sống trước thánh nhan Thiên Chúa. 

 

 


Thứ Bảy

 

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 13. 16-18

"Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, như có lời chép rằng: "Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc". (Ông là cha chúng ta) trước mặt Thiên Chúa, Ðấng ông đã tin, Ðấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 104, 6-7. 8-9. 42-43

Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).

Xướng: 1) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu. - Ðáp.

2) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac. - Ðáp.

3) Vì Ngài đã nhớ lời thánh thiện của Ngài, lời Ngài đã ban bố cùng Abraham là tôi tớ Ngài. Ngài đã đưa dân tộc Ngài ra đi trong niềm vui vẻ, đưa những kẻ Ngài kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan. - Ðáp.

 

Alleluia: Dt 4, 12

Alleluia, alleluia! - Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và ý muốn của tâm hồn. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 12, 1-7

"Mọi sợi tóc trên đều các con cũng đã được đếm cả rồi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: "Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà.

"Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy.

"Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ".

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca cho Thứ Bảy cuối Tuần XXVIII Thường Niên hôm nay vẫn cùng với Bài Đọc 1 cho năm lẻ trong ngày tiếp tục đề tài về đức tin công chính hay về người lành sống bởi đức tin.

Thật vậy, theo lời Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm, thì người lành sống bởi đức tin là người tỏ ra hiên ngang làm chứng cho sự thật, tức làm chứng cho Chúa Kitô, không sợ hãi khi bị bách hại, hay sợ hãi kẻ bắt bớ mình, trái lại, họ sống như đang ở trước nhan Thiên Chúa là Đấng ngự trong họ bằng Thánh Thần của Ngài, để Ngài có thể tỏ mình ra trong họ và qua họ ở vào chính những cơn gian nan thử thách cần đến đức tin bất khuất của họ. 

Đó là tất cả ý nghĩa của những gì "Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha. Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào'". 

Trong đoạn "Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ" trên đây, có tất cả là 3 câu, nhưng hình như câu thứ hai hơi lạc đề, không dính dáng gì với câu trước và câu sau, đó là câu: "Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha". Chẳng lẽ câu này Người có ý cảnh báo cho các môn đệ của Người về hai thứ tội: một tội có thể tha được là tội phạm đến Con Người và một tội không thể tha được là tội phạm đến Thánh Thần?

Có nghĩa là nếu các môn đệ của Người chẳng may vì yếu đuối sợ hãi quá hoặc đau đớn quá không dám làm chứng cho Người, "chối bỏ Thầy trước mặt người đời", thì tội của họ vẫn có thể được tha thứ, như trường hợp đã xẩy ra cho tông đồ Phêrô sau này, vị tông đồ đã chối Thày 3 lần nhưng vẫn được tha, bởi ngài vẫn tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa sau khi ngài vừa chối lần thứ ba xong liền bắt gặp ánh mắt nhân hậu của Thày quay lại nhìn ngài (xem Luca 22:61).

Sở dĩ tội "phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha" là bởi vì, đối với chính Con Người là Chúa Giêsu Kitô, những ai phạm đến Người nhìn bề ngoài cũng chỉ là một con người tầm thường như họ, không thể nào là Thiên Chúa như họ nghĩ, đều là những con người hoàn toàn "lầm không biết việc mình làm" (Luca 23:34). 

Thậm chí dân Do Thái nói chung và thành phần lãnh đạo dân chúng nói riêng, bề ngoài nhất định chối bỏ Người, cố ý lên án tử cho Người và cương quyết xin Tổng Trấn Philato giết Người cho bằng được, vẫn được vị tông đồ đã chối Thày 3 lần là Phêrô tỏ ra hoàn toàn cảm thông trong bài giảng ở Giêrusalem sau khi ngài chữa lành cho một người què ở Cửa Đẹp, như sau: "Thưa anh em, tôi biết rằng anh em đã tác hành một cách vô thức, như các vị lãnh đạo của anh em đã làm vậy" (Tông Vụ 3:17).

Thế nhưng, một khi tình trạng "vô thức - ignorance" (Tông Vụ 3:17) ấy của con người, tình trạng "không biết - do not know" (Luca 23:34) ấy nơi con người, một tình trạng vẫn còn có thể được tha thứ, một tình trạng mà một khi đã được Thiên Chúa bù đắp cho bằng Thánh Thần của Ngài là Đấng thấu suốt mọi sự kể cả thâm tâm của Thiên Chúa (xem 1Corinto 2:10), để "Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào", con người vẫn không dám làm chứng cho sự thật, vẫn không dám làm chứng cho Chúa Kitô, vẫn chối Chúa Kitô, thì bấy giờ mới là tội "phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha".