SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014

 

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XXVI Thường Niên 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL




Chúa Nhật

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: Ed 18, 25-28

"Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, nó sẽ được sống".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa phán: "Các ngươi đã nói rằng: "Ðường lối của Chúa không chính trực". Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại đường lối của các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Chúa (c. 6a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, và con luôn luôn cậy trông vào Chúa. - Ðáp.

2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin đừng nhớ lỗi lầm khi con còn trẻ và tội ác, nhưng hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. - Ðáp.

3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho con nhận biết đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Pl 2, 1-5 {hoặc 1-11}

"Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, nếu có sự an ủi nào trong Ðức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau, chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác. Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô.

{Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong hoả ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.}

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 21, 28-32

"Nó hối hận và đi làm. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!" Nó thưa lại rằng: "Con không đi". Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: "Thưa cha, vâng, con đi". Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?" Họ đáp: "Người con thứ nhất". Chúa Giêsu bảo họ: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

99 con chiên lạc

 

Chiều hướng và ý nghĩa của phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm A tuần này tiếp tục phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật tuần trước, Tuần XXV Thường Niên Năm A, liên quan đến đường lối của Thiên Chúa với đường lối của nhân loại nói chung và thành phần biệt phái cùng luật sĩ Do Thái nói riêng, hoàn toàn khác biệt nhau một trời một vực.

 

Thật vậy, nếu phụng vụ Lời Chúa tuần XXV nói chung và Bài Phúc Âm nói riêng cho thấy đường lối Thiên Chúa, qua ông chủ vườn nho thuê thợ vào làm vườn nho cho mình trả công cho họ chẳng những một cách công bằng như đã giao kèo với họ, thành phần được thuê đến làm sớm, mà còn trả công theo lòng nhân hậu của mình nữa, cho thành phần đến làm muộn nhất, thì Bài Phúc Âm tuần XXVI này cũng được Chúa Giêsu nhấn mạnh đến đường lối nhân hậu của Thiên Chúa, nhưng không đề cao vai trò của Thiên Chúa cho bằng chính việc làm của con người.

 

Đúng thế, tự bản tính của mình là tình yêu vô cùng nhân hậu, Thiên Chúa bao giờ cũng thương xót đối với những tấm lòng tan nát khiêm cung, hoàn toàn tin tưởng vào Ngài, Đấng cứu độ của họ, cho dù cuộc đời của họ có tội lỗi đến thế nào chăng nữa, như thành phần "đứa con thứ nhất" trong Bài Phúc Âm hôm nay, thành phần "thu thuế và gái điếm", thoạt tiên tỏ thái độ bất tuân "con không đi", bằng những hành động gian tham của cải (thu thuế) hay bằng những đam mê nhục dục (gái điếm), "nhưng sau hối hận lại đi", như người đàn bà đĩ điếm tội lỗi trong thành đã xức dầu thơm cho Chúa (xem Luca 7:36-50), hoặc như viên trưởng ban thu thuế Giakêu lùn gian lận đã sẵn sàng đền bù cho những ai bị thiệt hại vì chàng gấp 4 lần (xem Luca 19:1-10).

 

Trong khi đó, thành phần tự phụ tự cho mình là công chính, nhờ việc tuân giữ lề luật của Thiên Chúa, như "đứa con thứ hai" trong Bài Phúc Âm hôm nay, ám chỉ chung thành phần biệt phái cùng các kinh sư luật sĩ và riêng "các thượng tế (tiếng Việt thường dịch không đúng, thay vì các trưởng tế - chief priests lại cứ dịch là "các thượng tế - high priests", vì trong Hội Đồng Đầu Mục Do Thái chỉ có 1 vị thượng tế duy nhất chứ không có "các thượng tế" như trong bài Phúc Âm hôm nay hay một số bài Phúc Âm khác vẫn thường thấy) và các kỳ lão trong dân" là đối tượng được Chúa nói với như để nhắc nhở họ về mới nguy sai lạc lầm lẫn của họ đối với phần rỗi đời đời của họ liên quan đến Lòng Thương Xót Chúa, đến ân sủng cứu độ của Chúa hơn là công trạng cứu độ của họ:

 

"Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài".

 

Trong Bài Đọc 1 hôm nay, qua miệng tiên tri Êzêkiên, Thiên Chúa cũng đã nói một cách rõ ràng về những gì được Ngài nói một cách bóng bẩy bằng dụ ngôn trong Bài Phúc Âm hôm nay về hai thành phần tội lỗi thống hối và thành phần công chính tội lỗi:

 

"Các ngươi đã nói rằng: 'Ðường lối của Chúa không chính trực'. Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại đường lối của các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết'".

 

"Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết" ở đây, theo chiều hướng và ý nghĩa của dụ ngôn trong Bài Phúc Âm thì không phải là "người công chính...phạm tội ác, nó phải chết" chỉ ở chỗ họ gây ra những hành động gian tham như thành phần thu thuế hoặc tội lỗi như thành phần gái điếm, mà còn ở chỗ họ tự phụ, coi mình hơn Thiên Chúa, coi công trạng giữ luật của mình là yếu tố chính yếu để được cứu độ mà coi thường hay khinh khi ơn cứu độ của Thiên Chúa chính là những gì cứu độ họ, chẳng khác gì "người công chính từ bỏ lẽ công chính".

 

Đó là lý do trong dụ ngôn đi tìm kiếm 1 con chiên lạc duy nhất trong đàn chiên 100 con, cuối cùng Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: "Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn" (Luca 15:7). "Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông" là thế đó.

 

Câu này Chúa Giêsu cũng nhắm đến "những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư" (Luca 15:2), thành phần nghĩ mình không phải là tội nhân, không cần phải ăn năn thống hối, trái lại, họ thậm chí còn có thể tự động trở thành thẩm phán chí công bất cứ lúc nào, trong việc sử dụng chính lề luật như cục đá ném chết thành phần tội nhân ghê tởm nữa (xem Gioan 8:1-11).

 

Như thế, con chiên lạc đây phải nói là chính là 99 con chiên "bị" vị mục tử bỏ lại đằng sau hơn là con chiên "được" vị mục tử nhắm đến tìm kiếm, vì nó tuy là một người con phung phá nhưng còn biết tìm về nhà cha, trong khi đứa con cả "không làm mất lòng cha" theo như nó nghĩ nhờ tuân giữ lề luật lại hoang đàng hơn ai hết, vì ở ngay trong nhà của cha đó mà chẳng hiểu cha của nó gì hết, cứ tác hành như một tên đầy tớ, làm gì cũng phải được trả công xứng đáng, chẳng hiểu "tất cả của cha là của con" (xem Luca 15:11-32).

 

Chúa Giêsu xác định rằng Người không cần "chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn" như thế, và đó chính là lý do Người đã sẵn sàng bỏ 99 con chiên công chính sống một cách bất chính ấy mà quan tâm tới một con duy nhất trong đàn và đi tìm cho bằng được con chiên lạc tội lỗi nhưng có lòng thống hối ăn năn, một con chiên lạc được tiêu biểu trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện. Đó là con chiên mà trong khi người biệt phái "đứng riêng một mình cầu nguyện rằng: 'Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia'", thì người thu thuế "đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: 'Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi'". (Luca 18:13)

 

Chính vì con chiên lạc đây là chính là 99 con chiên "bị" vị mục tử bỏ lại đằng sau hơn là con chiên "được" vị mục tử nhắm đến tìm kiếm, mà Chúa Kitô Mục Tử mới nhẫn nại tiếp tục tìm kiếm họ. Ở chỗ, Người tìm cách khai tâm mở trí cho họ, hết lần này đến lần khác, chẳng những bằng chính việc làm của Người, như Người ngồi đồng bàn với "bọn thu thuế và tội lỗI" ở nhà viên thu thuế Mathêu sau khi chàng được Người kêu gọi (xem Mathêu 9:9-13), mà còn bằng huấn dụ của Người, mỗi lần bị họ theo dõi bắt bẻ trách móc Người, điển hình là Người đã dùng dụ ngôn để hướng dẫn họ như dụ ngôn trong Bài Phúc Âm hôm nay.

 

Chính vì thế, Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, trong Thư gửi Giáo Đoàn Philiphê ở Bài Đọc 2 hôm nay mới khuyên Kitô hữu của ngài ở đó hãy tránh lánh thái độ của thành phần biệt phái tự cao tự đại (mà chính bản thân ngài vốn là biệt phái trước khi bị quật ngã xuống khỏi ngựa cũng đã mang tâm thức bất chính đầy hoang tưởng như thế) rằng: "Chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác. Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô".

 

Có như thế, như lời khuyên dạy đầy kinh nghiệm của Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong Bài Đọc 1 hôm nay, Kitô hữu chúng ta mới thấm thía những tâm tình đầy thâm tín của Thánh Vịnh 24 trong Bài Đáp Ca hôm nay, và sử dụng chính những lời lẽ đầy Thánh Linh của Thánh Vịng gia mà thân thưa cùng Chúa rằng:

 

1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, và con luôn luôn cậy trông vào Chúa.

 

2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin đừng nhớ lỗi lầm khi con còn trẻ và tội ác, nhưng hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.

 

3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho con nhận biết đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.

 

 


Thứ Hai


Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Dcr 8, 1-8

"Ta sẽ cứu dân Ta khỏi đất phía mặt trời mọc và phía mặt trời lặn".

Trích sách Tiên tri Dacaria.

Có lời Chúa các đạo binh phán rằng: "Ðây Chúa các đạo binh phán: Ta đã ghen tức Sion với lòng ghen tức cực độ; Ta đã ghen tức nó với cơn phẫn nộ quá sức".

Chúa các đạo binh còn phán như thế này: "Ta trở về Sion, và sẽ ngự giữa Giêrusalem; Giêrusalem sẽ được gọi là Thành chân lý, và núi Chúa các đạo binh sẽ được gọi là Núi thánh".

Chúa các đạo binh lại phán như thế này: "Sẽ còn có lão ông lão bà cư ngụ trên phố phường Giêrusalem, mỗi người cầm gậy trong tay, vì họ đã cao niên. Các ngả đường thành phố đầy những trẻ nam trẻ nữ chơi trên đường phố".

Chúa các đạo binh phán thêm rằng: "Trong những ngày ấy, nếu điều đó làm chướng mắt những kẻ còn sót lại trong dân, chớ thì nó sẽ làm chướng mắt Ta sao?" Chúa các đạo binh phán như vậy. Chúa các đạo binh còn phán rằng: "Này đây Ta sẽ cứu dân Ta thoát khỏi đất phía mặt trời mọc và phía mặt trời lặn. Ta sẽ dẫn chúng về cư ngụ giữa Giêrusalem: Chúng sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, trong chân lý và công chính".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 101, 16-18. 19-21. 29 và 22-23

Ðáp: Chúa sẽ tái lập Sion, và xuất hiện trong vinh quang sáng lạng (c. 17).

Xướng: 1) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài; khi Chúa sẽ tái lập Sion, Chúa xuất hiện trong vinh quang sáng lạng; Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van. - Ðáp.

2) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. - Ðáp.

3) Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Ngài ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ, và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 9, 46-50

"Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất".

Gioan lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con".

Ðó là lời Chúa.

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Một em bé vô tư giải quyết chuyện phức tạp người lớn

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Dcr 8, 1-8
Ðáp Ca: Tv 101, 16-18. 19-21. 29 và 22-23
Phúc Âm: Lc 9, 46-50

 

Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên, là bài Phúc Âm tiếp ngay sau bài Phúc Âm của Thứ Bảy tuần trước liên quan đến lời Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ thân tín của Người biết lần thứ hai về cuộc vượt qua của Người. 

Tuy nhiên, trong bài Phúc Âm hôm nay, bao gồm 2 đoạn trên và dưới, chúng ta thấy cả hai phần đều trùng hợp với hai bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho 2 Chúa Nhật XXV Năm B vừa rồi. Phần trên của bài Phúc Âm hôm nay, về sự kiện các tông đồ tỏ ra tranh chấp nhau về ngôi thứ, trùng với Bài Phúc Âm của Thánh Ký Marco cho Chúa Nhật XXV tuần trước, và phần dưới của bài Phúc Âm hôm nay, về sự kiện tông đồ Gioan ngăn cản một người lấy danh Thày của ngài mà trừ quỉ, trùng với Bài Phúc Âm của Thánh Ký Marco cho Chúa Nhật XXVI Năm B tuần này. 

Trong bài Phúc Âm hôm nay chúng ta thấy bản chất hết sức trần tục của các nhân vật được Chúa Giêsu cầu nguyện thâu đêm để tuyển chọn làm tông đồ của Người, ở chỗ, về nội bộ, "các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất", và về đối ngoại, cũng theo chiều hướng tranh chấp cố hữu ấy, các vị tỏ ra chuyên chế độc quyền khi "thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ...", các vị "đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con".

Trước hết, về việc tranh chấp nội bộ giữa các tông đồ liên quan đến vấn đề "ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất", một vấn đề các vị chắc chắn biết rằng không hợp với Thày của các vị, nên các vị chỉ âm thầm với nhau mà thôi, nhưng "Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông", và Người đã rất cảm thông với các vị, không hề khiển trách các vị gì hết, như đã thậm tệ quở trách tông đồ Phêrô đơn sơ chân thành một cách ngây thơ (xem Mathêu 16:23), trái lại, Người đã tỏ ra hết sức nhẫn nại và dịu dàng giáo huấn thành phần được Người cố ý tuyển chọn để làm chứng nhân cho Người. Bằng cách "dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng:... kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất'".


Tại sao vậy? Tại vì chỉ khi nào các vị biết sống bé nhỏ, tức là đơn sơ dễ dạy thì các vị mới được Thiên Chúa chiếm đoạt, làm chủ và sử dụng trong việc thực hiện tất cả những gì Ngài muốn, nhờ đó, các vị mới trở thành chứng nhân đích thực của Chúa Kitô và thành chứng nhân sống động cho Người, như ý nghĩa sâu xa của lời Người khẳng định với các vị trong bài Phúc Âm hôm nay rằng: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy".

Ở đây Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến tính chất "cao trọng nhất" về sự sống thần linh, về mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa, mối liên hệ với chính Người là Lời Nhập Thể Vượt Qua. Và chỉ khi nào thành phần môn đệ của Người biết sống hiệp nhất nên một với Người họ mới có thể cảm thương và phục vụ như Người, như trường hợp của chính vị lãnh đạo tông đồ đoàn Phêrô, vị đã phải tuyên xưng yêu Thày 3 lần mới được Thày trao phó cho sứ vụ chăn dắt phục vụ đàn chiên lớn nhỏ của Người (xem Gioan 21:15-17). Làm đầu là làm tôi tớ và làm tôi tớ tức là làm đầu là ở chỗ ấy, như chính Chúa Giêsu đã khẳng định trong bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Chúa Nhật XXV tuần trước: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người".

Bởi vậy, nếu có tinh thần phục vụ hơn là hưởng thụ, thành phần môn đệ của Chúa Kitô sẽ chẳng những không còn có khuynh hướng và những thái độ tranh chấp nội bộ mà còn cởi mở tiếp nhận tất cả mọi người nữa, ở chỗ, họ sẽ phản ứng theo tinh thần hợp tác như Chúa Kitô dạy: "ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con"

Vì ai dấn thân phục vụ không hưởng thụ thì không thể nào xuất phát từ ma quỉ kiêu căng tự phụ hay từ bản thân vị kỷ của họ, mà từ chính Vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu, qua tác động của cùng Vị Thần Linh đã luôn ở cùng Đấng "đến không phải để được hầu hạ mà là hầu hạ và hiến mạng sống mình cho nhiều người" (Mathêu 20:28). 

Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, qua Tiên Tri Giacaria, vị tiên tri được liệt kê áp cuối cùng trong sổ bộ 12 sách Tiên Tri của Cựu Ước, Thiên Chúa đã báo trước một chân trời rạng rỡ về một tân Giêrusalem tái thiết sau thời lưu đầy, ở đó:

"Sẽ còn có lão ông lão bà cư ngụ trên phố phường Giêrusalem, mỗi người cầm gậy trong tay, vì họ đã cao niên. Các ngả đường thành phố đầy những trẻ nam trẻ nữ chơi trên đường phố... Này đây Ta sẽ cứu dân Ta thoát khỏi đất phía mặt trời mọc và phía mặt trời lặn. Ta sẽ dẫn chúng về cư ngụ giữa Giêrusalem: Chúng sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, trong chân lý và công chính".

Đúng thế, cộng đồng dân Chúa là gì, nếu không phải là nơi Thiên Chúa ngự, là Thành Thánh của Ngài, và chính Ngài đã, đang và làm hết cách để họ trở thành thành thánh của Ngài, làm nơi Ngài ngự, "trong chân lý và công chính". Đó là lý do Ngài không muốn xẩy ra cạnh tranh và chia rẽ nơi họ, như khuynh hướng cùng thái độ của các tông đồ ở Bài Phúc Âm hôm nay, cả về nội bộ của các vị cũng như về phương diện đối ngoại của các vị. 


Theo dự án thần linh của mình, Thiên Chúa "sẽ cứu dân Ta thoát khỏi đất phía mặt trời mọc và phía mặt trời lặn", những nơi Ngài đã "sai" họ đi bằng cuộc lưu đầy đền tội, để nhờ đó, "từ đông sang tây", tức từ "phía mặt trời mọcđến "phía mặt trời lặn" Thiên Chúa có thể tỏ mình ra cho chư dân, cho dân ngoại, và cũng nhờ đó, "từ đông sang tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ábraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời" (Mathêu 8:11; Luca 13:29).

 


Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa những cảm nhận và tâm tình đại đồng hơn là duy Do Thái giáo, đúng như dự án thần linh của Thiên Chúa là Đấng đã tuyển chọn dân Do Thái để nhờ đó Ngài cho xuất hiện một Đấng Thiên Sai của Ngài, đến để hoàn thành sứ mệnh của một Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, cứu chuộc tất cả loài người thuộc mọi dân nước trên thế giới này:


1) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài; khi Chúa sẽ tái lập Sion, Chúa xuất hiện trong vinh quang sáng lạng; Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van. 

2) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. 

3) Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Ngài ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ, và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa.


 


Thứ Ba

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Dcr 8, 20-23

"Nhiều dân tộc đến tìm kiếm Chúa tại Giêrusalem".

Trích sách Tiên tri Dacaria.

Ðây Chúa các đạo binh phán: "Sẽ có các dân tộc đến đây, trú ngụ trong nhiều thành phố; các dân cư sẽ ra đi, người này bảo người kia rằng: "Chúng ta hãy đi cầu khẩn tôn nhan Chúa và tìm kiếm Chúa các đạo binh; còn ta, ta cũng ra đi". Sẽ có nhiều dân tộc và những cường quốc đến tìm kiếm Chúa các đạo binh ở Giêrusalem, và khẩn cầu tôn nhan Chúa". Chúa các đạo binh còn phán thế này: "Trong những ngày ấy, sẽ có mười người thuộc mọi tiếng nói các dân tộc nắm lấy gấu áo một người Do-thái mà thưa rằng: "Chúng tôi cùng đi với các ông, vì chúng tôi nghe nói rằng Thiên Chúa ở cùng các ông".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 86, 1-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Thiên Chúa ở cùng chúng tôi (c. Dcr 8,23).

Xướng: 1) Chúa yêu cơ sở Người thiết lập trên núi thánh. Người yêu cửa nhà Sion hơn mọi cư xá nhà Giacóp. Hỡi thành trì của Thiên Chúa, thiên hạ đang nói những điều hiển hách về ngươi. - Ðáp.

2) Ta sẽ kể Rahab và Babel vào số người thờ phượng Ta, kìa Phi-litinh, Tyrô và dân Êthiôpi: những người này đã sinh ra tại đó. Và thiên hạ sẽ nói về Sion rằng: "Riêng từng người và hết mọi người đã sinh tại đó, chính Ðấng Tối Cao đã củng cố thành này". - Ðáp.

3) Chúa sẽ ghi chép vào sổ sách của chư dân rằng: "Những người này đã sinh ra tại đó". Và khi ca vũ, người ta sẽ ca rằng: "Mọi nguồn vui thú của tôi đều ở nơi Người". - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 18, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, giới răn Chúa làm hoan lạc tâm can, mệnh lệnh Chúa sáng soi con mắt. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 9, 51-56

"Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?" Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: "Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta". Và các Ngài đi tới một làng khác.

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm I) Dcr 8, 20-23
Ðáp Ca: Tv 86, 1-3. 4-5. 6-7

Phúc Âm: Lc 9, 51-56

 

 

Người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mà cũng có lúc dữ dội như con cái sấm sét vậy


Hôm nay, Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên, bài Phúc Âm của Thánh ký Luca lại liên quan đến vị tông đồ được Chúa Giêsu yêu là Thánh Gioan lần nữa, lần này không phải chỉ riêng ngài mà còn bao gồm cả người anh Giacôbê của ngài.

Thật vậy, từ Galilêa thuộc miền bắc nước Do Thái, muốn lên Giêrusalem là thủ đô cũng chính là giáo đô của dân Do Thái ở Giuđêa thuộc miền nam của đất nước này, phải đi qua miền trung là Samaria. Đáng lẽ, theo địa dư phải nói là đi "xuống" Giêrusalem, vì từ bắc xuống nam, nhưng ở đây lại nói đi "lên" Giêrusalem, vì Giêrusalem là giáo đô của Do Thái giáo, tất cả mọi tín đồ đều phải hướng về và tiến "lên" nơi Thiên Chúa ngự này.

Thánh ký Luca đã ghi lại cuộc hành trình băng qua Samaria trung phần này của Chúa Giêsu: "Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem", nhưng vị thánh ký còn thêm: "và sai những người đưa tin đi trước Người". 

Chúng ta không biết lý do tại sao Chúa Giêsu lại "sai những người đưa tin đi trước Người" như vậy để làm gì, chắc chỉ để dọn đường cho Người về mặt tinh thần mà thôi, chứ không phải tìm nơi trú ngụ cho thày trò của Người. Chắc cũng không phải vì Người sợ lộ chân tướng là "Đức Kitô" của Người, một thực tại thần linh vô cùng tế nhị liên quan đến cả tôn giáo lẫn chính trị bấy giờ, nên Người vẫn cấm không cho các môn đệ của Người nói ra. Mà có thể cũng là để thăm dò xem "dân chúng bảo Thày là ai?", như vấn đề được Người đặt ra trong bài Phúc Âm Thứ Sáu tuần trước. Nhưng đúng nhất có thể là vì Người muốn âm thầm kín đáo lên Giêrusalem, nơi Người đã tiên báo 2 lần rằng ở đó sẽ xẩy ra cuộc vượt qua của Người, như Thánh ký Gioan (7:1-10) thuật lại trong đoạn Phúc Âm của ngài là đoạn dường như có liên quan đến bài Phúc Âm của Thánh Luca hôm nay:

"Sau đó, Đức Giêsu thường đi lại trong miền Galilê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giuđê, vì người Do-thái tìm giết Người. Lễ Lều của người Do-thái gần tới, anh em Đức Giêsu nói với Người: 'Thày hãy bỏ đây mà sang miền Giuđê đi, để cả môn đệ của Thày cũng được nhìn thấy những việc Thày làm, vì không ai muốn nổi danh mà lại hoạt động âm thầm cả. Nếu Thày làm những việc ấy, thì hãy tỏ mình ra cho thiên hạ biết'. Thật thế, anh em Người không tin vào Người. Đức Giêsu nói với họ: 'Thời của tôi chưa đến, nhưng thời của các anh lúc nào cũng thuận tiện. Thế gian không thể ghét các anh, nhưng tôi thì nó ghét, vì tôi làm chứng rằng các việc nó làm thì xấu xa. Các anh cứ lên dự lễ đi; còn tôi, tôi không lên dự lễ này, vì thời của tôi chưa chín muồi'. Nói thế rồi, Người ở lại miền Ga-li-lê. Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật".

"Những người đưa tin đi trước Người" ấy, tuy không được Thánh ký Luca xác định là ai, nhưng chắc không ai khác ngoài các tông đồ môn đệ của Chúa Kitô, trong đó có hai anh em Gioan và Giacôbê. Mục đích đi trước của các vị là gì, nếu không phải là "để chuẩn bị mọi sự cho Người", bao gồm cả miền trung Samaria là miền đất được người Do Thái cho là đã bị lai căng về về cả huyết thống lẫn tôn giáo giữa dân Do Thái chính tông và dân ngoại, xẩy ra từ thời lưu đầy của dân này. Do đó, dân Samaria hầu như bị tuyệt thông với chính ngạch Do Thái giáo ở Giêrusalem, cho dù họ cũng có cùng một niềm trông đợi Đấng Thiên Sai một cách chính thống Thánh Kinh như những người Do Thái khác ở Giuđêa hay ở Galilêa. 

Thế nhưng, Đấng Thiên Sai của dân Do Thái ấy là ai, như thế nào, hầu hết họ, (ngoại trừ người phụ nữ cùng dân làng của chị đã được diễm hạnh gặp Người một lần duy nhất ở bờ giếng Gia cóp - xem Gioan 4:28-30,39-42), có thể chưa bao giờ gặp Người hay có gặp cũng chẳng biết Người là ai. Bởi thế, chẳng lạ gì họ tỏ thái độ không nghênh đón Người khi phái đoàn của Người đến với họ, với lý do chính yếu đó là "bởi Người đi lên Giêrusalem". 

Tuy nhiên, thái độ của dân xứ Samaria này lại làm phật lòng hai trong ba môn đệ thân cận nhất của Chúa Giêsu, hai vị thừa biết Thày mình là ai, "là Đức Kitô của Thiên Chúa", như tông đồ Phêrô tuyên xưng trong Bài Phúc Âm Thánh Luca Thứ Sáu tuần trước, một Đấng cao trọng đầy quyền uy như thế mà dân này không chịu nghênh đón thì thật là lếu láo, phạm thượng, đáng chết. 

Nóng mặt lên, điên tiết lên, hoàn toàn vì Thày, "hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: 'Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?'" Thế nhưng, như tông đồ Phêrô, cho dù có được một niềm tin chính xác về căn tính của Thày mình là Đức Kitô, các vị tông đồ vẫn chưa nắm bắt được chính tinh thần của Người, chưa nhận diện được chân dung lưỡng diện của Người, một chân dung hết sức từ bi nhân hậu của Người, nên vẫn vấp phạm vì Người, vẫn bị Người thậm tệ quở trách, lần này Người "quay lại quở trách" hai người môn đệ nhiệt tình với Người nhưng lại tỏ ra hung dữ tàn bạo với dân chúng: "Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta".

Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay vẫn tiếp tục chiều hướng đại đồng của ơn cứu độ, một "ơn cứu độ xuất phát từ dân Do Thái" (Gioan 4:22), bởi Chúa Kitô mang huyết thống Do Thái và là giòng dõi của Dân Cựu Ước, tiền thân của Dân Tân Ước, hoàn toàn ngược lại với tinh thần của tông đồ Gioan và Giacôbê trong bài Phúc Âm hôm nay cũng như hôm qua. Đó là lý do, qua Tiên Tri Giacaria, Thiên Chúa đã cho dân Do Thái được Ngài tuyển chọn biết trước rằng:

"Sẽ có các dân tộc đến đây, trú ngụ trong nhiều thành phố; các dân cư sẽ ra đi, người này bảo người kia rằng: 'Chúng ta hãy đi cầu khẩn tôn nhan Chúa và tìm kiếm Chúa các đạo binh; còn ta, ta cũng ra đi'. 'Sẽ có nhiều dân tộc và những cường quốc đến tìm kiếm Chúa các đạo binh ở Giêrusalem, và khẩn cầu tôn nhan Chúa'. Chúa các đạo binh còn phán thế này: 'Trong những ngày ấy, sẽ có mười người thuộc mọi tiếng nói các dân tộc nắm lấy gấu áo một người Do-thái mà thưa rằng: 'Chúng tôi cùng đi với các ông, vì chúng tôi nghe nói rằng Thiên Chúa ở cùng các ông'".

Trong cảm thức và tâm tình đại đồng ấy của ơn Thiên Chúa cứu độ muôn dân cùng với dân Do Thái, Bài Đáp Ca hôm nay đã có lý mà vang lên rằng: 

1) Chúa yêu cơ sở Người thiết lập trên núi thánh. Người yêu cửa nhà Sion hơn mọi cư xá nhà Giacóp. Hỡi thành trì của Thiên Chúa, thiên hạ đang nói những điều hiển hách về ngươi. 

2) Ta sẽ kể Rahab và Babel vào số người thờ phượng Ta, kìa Phi-litinh, Tyrô và dân Êthiôpi: những người này đã sinh ra tại đó. Và thiên hạ sẽ nói về Sion rằng: "Riêng từng người và hết mọi người đã sinh tại đó, chính Ðấng Tối Cao đã củng cố thành này". 

 

3) Chúa sẽ ghi chép vào sổ sách của chư dân rằng: "Những người này đã sinh ra tại đó". Và khi ca vũ, người ta sẽ ca rằng: "Mọi nguồn vui thú của tôi đều ở nơi Người". 

 


Thứ Tư


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Nkm 2, 1-8

"Nếu đức vua thấy tốt đẹp, xin sai thần đến thành phố của thân phụ thần, và thần sẽ xây cất lại thành phố".

Trích sách Nơkhemia.

Việc xảy ra trong tháng Nisan, năm thứ hai mươi triều vua Artexerxê, là trước mặt vua có để rượu, tôi liền nâng rượu dâng lên nhà vua, và bấy giờ tôi tỏ vẻ buồn rầu trước long nhan, nên vua hỏi tôi rằng: "Cớ sao mặt ngươi buồn sầu thế, mặc dầu trẫm không thấy ngươi có bệnh? Sự việc này chẳng phải vô cớ, chắc trong lòng ngươi có điều chi bất an mà trẫm không biết".

Tôi quá sợ hãi, liền tâu vua rằng: "Thánh hoàng vạn vạn tuế! Lẽ nào mặt thần không lo buồn, vì thành phố nơi có phần mộ tổ tiên của thần bị bỏ hoang, và các cửa thành bị lửa thiêu rụi?" Vua mới hỏi tôi rằng: "Ngươi thỉnh nguyện điều gì?"

Tôi cầu nguyện cùng Chúa Trời, rồi tâu vua rằng: "Nếu đức vua thấy tốt đẹp, và tôi tớ đức vua đẹp lòng trước long nhan, thì xin hãy sai thần về Giuđêa, đến thành phố nơi có phần mộ tổ phụ của thần, thần sẽ xây cất lại".

Lúc đó có hoàng hậu ngồi bên cạnh vua, nên vua hỏi tôi rằng: "Ngươi đi bao lâu, và chừng nào trở về?" Vua bằng lòng sai tôi đi, và tôi định kỳ hạn với nhà vua.

Tôi tâu vua rằng: "Nếu đức vua thấy tốt đẹp, xin đức vua ban chiếu chỉ cho thần, để thần xuất trình cho các quan cai vùng bên kia sông, hầu các ngài đưa thần đến Giuđêa; lại xin ban chiếu chỉ cho Asaph quan cai rừng cây của đức vua, để người cấp gỗ cho thần hầu có thể làm cửa tháp đền, tường thành và nhà thần cư ngự". Vua ban cho tôi theo như tay nhân lành Chúa ở với tôi.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6

Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).

Xướng: 1) Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ lại thành thánh Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi. - Ðáp.

2) Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: Hãy vui mừng, hãy ca hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion. - Ðáp.

3) Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét. - Ðáp.

4) Lưỡi tôi dính vào cuống họng nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 8ab

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, những giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 9, 57-62

"Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng: "Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu". Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm I) Nkm 2, 1-8
Ðáp Ca: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6
Phúc Âm: Lc 9, 57-62

 

Đồng Hành lên Giêrusalem với Chúa Kitô không phải chuyện dễ đâu!

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Tư Tuần XXVI hôm nay tiếp theo ngay sau bài Phúc Âm hôm qua, bài Phúc Âm về cuộc hành trình của Chúa Giêsu bắt đầu tiến về Giêrusalem là đích điểm cho cuộc hành trình tỏ mình ra của Người với vai trò là Đấng Thiên Sai Cứu Thế. 

Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại 3 trường hợp liên quan đến việc theo Người, Đấng đang tiến về Giêrusalem. Trong 3 trường hợp liên quan đến việc theo Người trong bài Phúc Âm hôm nay, trường hợp 1 và 3 là do con người tình nguyện, còn trường hợp 2 do chính Người kêu gọi. 

Trường hợp tình nguyện xin theo theo Người thứ 1: "Khi ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng: 'Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy'. Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: 'Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu'". 

Trường hợp được Người kêu gọi đi theo Người: "Người bảo một kẻ khác rằng: 'Hãy theo Ta'. Người ấy thưa: 'Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã'. Nhưng Người đáp: 'Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa'".

Trường hợp tình nguyện xin theo Người thứ 2: "Một người khác thưa Người rằng: 'Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã'. Nhưng Chúa Giêsu đáp: 'Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa'".

Trường hợp tình nguyện xin theo theo Người thứ 1 gián tiếp liên quan đến chính cuộc hành trình về Giêrusalem của Chúa - "Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy". Trường hợp sau đó được Người kêu gọi đi theo Người cũng dính dáng đến Hành Trình Giêrusalem của Người, vì chính trong cuộc hành trình này mà Người đã kêu gọi một người nào đó rằng: "Hãy theo Ta". Trường hợp tình nguyện viên xin theo Người thứ 2 cũng có thể liên quan đến Hành Trình Giêrusalem của Người, vì tình nguyện viên này có thể biết được điểm đến của Người là Giêrusalem nên đã hứa "tôi sẽ theo Thầy".

Không biết trường hợp của 2 tình nguyện viên muốn theo Người có biết Hành Trình Giêrusalem của Người như thế nào hay chăng, một cuộc Hành Trình Vượt Qua chung kết của Người, rất kinh hoàng khủng khiếp đến độ chính các môn đệ tông đồ của Người đã từng theo Người cũng bị tan tác như chiên không người chăn? Hay là họ tưởng rằng với tiếng tăm lừng lẫy của Người, như họ đã từng được nghe về Người, Người sẽ được dân chúng nghênh đón một cách long trọng vinh quang như là một vị anh hùng của dân tộc, nhờ đó thành phần theo Người như họ cũng được nở mày nở mặt và được hưởng ké vinh quang của Người.

Có thể vì thế, biết được ước nguyện ngấm ngầm của họ như vậy mà Chúa Giêsu đã cảnh báo cho họ biết trước những gian nan khốn khó họ phải chịu trong việc theo Người, những gì Người chẳng bao giờ đề cập tới khi kêu gọi các tông đồ của Người trước đó. Chúng ta không biết 2 tình nguyện viên này, bao gồm cả kẻ được Người kêu gọi, phản ứng ra sao sau khi nghe thấy những gì Người nói với họ về trường hợp của mỗi người trong họ.

Thế nhưng, căn cứ vào 3 câu nói này của Chúa Kitô liên quan đến việc theo Người, chúng ta thấy rõ ràng là có 3 điều kiện bất khả thiếu để có thể theo Chúa Kitô nhất là trong cuộc Hành Trình Giêrusalem trọng đại của Người, đó là: 1- tin tưởng dù không biết đi đâu - ở trường hợp của tình nguyện viên thứ nhất: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu"; 2- dấn thân theo đuổi lý tưởng - ở trường hợp của người được Người kêu gọi theo Người: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa"; 3- trung thành không luyến tiếc trần gian - ở trường hợp của tình nguyện viên thứ hai: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".

Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay cũng cho thấy cuộc Hành Trình Giêrusalem của Nehemiah, một tín đồ Do Thái giáo, chứ không đóng vai tư tế như Ezra trong Bài Đọc 1 cho Thứ Hai, Thứ Ba và Thứ Tư tuần trước, hay trong Bài Đọc 1 ngày mai. Cuộc hành trình này của nhân vật giáo dân có lòng tha thiết và nhiệt tình với đạo giáo của mình đã được chính Thiên Chúa can thiệp để nó có thể bắt đầu bằng việc chẳng những được phép mà còn được hỗ trợ của một vị vua dân ngoại, như được Sách Nehemiah thuật lại như sau: 

"Việc xảy ra trong tháng Nisan, năm thứ hai mươi triều vua Artexerxê,.. 'Thánh hoàng vạn vạn tuế! Lẽ nào mặt thần không lo buồn, vì thành phố nơi có phần mộ tổ tiên của thần bị bỏ hoang, và các cửa thành bị lửa thiêu rụi?' Vua mới hỏi tôi rằng: 'Ngươi thỉnh nguyện điều gì?' Tôi cầu nguyện cùng Chúa Trời, rồi tâu vua rằng: 'Nếu đức vua thấy tốt đẹp, và tôi tớ đức vua đẹp lòng trước long nhan, thì xin hãy sai thần về Giuđêa, đến thành phố nơi có phần mộ tổ phụ của thần, thần sẽ xây cất lại'. Lúc đó có hoàng hậu ngồi bên cạnh vua, nên vua hỏi tôi rằng: 'Ngươi đi bao lâu, và chừng nào trở về?' Vua bằng lòng sai tôi đi, và tôi định kỳ hạn với nhà vua. Tôi tâu vua rằng: 'Nếu đức vua thấy tốt đẹp, xin đức vua ban chiếu chỉ cho thần, để thần xuất trình cho các quan cai vùng bên kia sông, hầu các ngài đưa thần đến Giuđêa; lại xin ban chiếu chỉ cho Asaph quan cai rừng cây của đức vua, để người cấp gỗ cho thần hầu có thể làm cửa tháp đền, tường thành và nhà thần cư ngự'. Vua ban cho tôi theo như tay nhân lành Chúa ở với tôi".

Cảm nhận đạo giáo cùng tâm tình của tín đồ Do Thái giáo Nehemiah hướng về và quan tâm đến giáo đô Giêrusalem của mình, như Đấng Thiên Sai Cứu Thế Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay cũng đang hành trình tiến về đích điểm sứ vụ của Người là Giêrusalem, đã được phản ảnh và bày tỏ trong Bài Đáp Ca hôm nay.

1) Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ lại thành thánh Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi.


2) Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: Hãy vui mừng, hãy ca hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion. 

 

3) Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét. 

 

4) Lưỡi tôi dính vào cuống họng nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả.


Lễ Nhớ Thánh Phanxicô Khó Khăn 4/10

 

27/1/2010 - Bài 103 vể Thánh Phanxicô Khó Khăn (ĐTC Biển Đức XVI - Bài Giáo Lý chủ đề Tông Truyền)


Thứ Năm


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Nkm 8, 1-4a. 5-6. 7b-12

"Thầy Esdra mở sách luật ra, chúc phúc cho dân và toàn dân đáp lại: Amen! Amen!"

Trích sách Nơkhemia.

Trong những ngày ấy, toàn dân mọi người như một, tụ họp lại ở phố trước cửa Nước, họ xin thầy Esdra mang ra sách Luật của Môsê mà Chúa đã truyền cho dân Israel. Vậy thầy tư tế Esdra mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật.

Thầy thư ký Esdra đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdra chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, Amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Các thầy Lêvi khiến dân chúng thinh lặng để nghe đọc Lề Luật: Dân chúng mỗi người đứng nơi mình. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc.

Nơkhemia là tổng trấn, Esdra là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: "Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta: anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc". Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật.

Họ nói với dân chúng rằng: "Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gởi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn lũy của chúng ta".

Các Thầy Lêvi khiến toàn dân thinh lặng mà rằng: "Anh chị em hãy thinh lặng, vì hôm nay là ngày thánh, nên chớ lo buồn". Vì thế toàn dân đi trở ra ăn uống, gởi phần cho những người không có, và đầy hân hoan vui mừng, vì người ta hiểu rõ những lời mình nghe giảng dạy.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11

Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).

Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.

2) Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. - Ðáp.

3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy. - Ðáp.

4) Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng; ngọt hơn mật, và hơn cả mật chảy tự tàng ong. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Pr 1, 25

Alleluia, alleluia! - Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 10, 1-12

"Sự bằng an của các con sẽ đến trên người ấy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: "Bình an cho nhà này". Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

"Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: "Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi". Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: "Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần". Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm I) Nkm 8, 1-4a. 5-6. 7b-12
Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11
Phúc Âm: Lc 10, 1-12

 

 

Dù part time như môn đệ hay full Time như tông đồ đều được sai đi

 


Hôm nay, Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên, bài Phúc Âm của Thánh ký Luca tiếp tục bài Phúc Âm hôm qua thuật lại về Hành Trình Giêrusalem của Chúa Giêsu.

Trong cuộc hành trình này, như bài Phúc Âm hôm qua cho biết, xẩy ra 3 trường hợp liên quan đến việc theo Chúa Kitô. Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại sự kiện "Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới".

Chúng ta không biết được rằng trong số 72 người nữa này nơi thành phần môn đệ của Chúa Kitô có 3 người ở bài Phúc Âm hôm qua hay chăng, trong đó có 2 người tình nguyện theo Chúa và 1 người được Người kêu gọi. Và chúng ta cũng không biết được rằng thành phần 72 môn đệ này có thường trực ở với Người như 12 tông đồ hay chăng, hay tùy họ muốn theo sát Người hay chăng theo hoàn cảnh của họ. Thay vì full time như các tông đồ thì chỉ part time thôi.

Có thể là không, bằng không thì cũng mệt cho các nữ môn đệ của Người lắm trong việc phục dịch hằng ngày của các bà các chị (xem Phúc Âm Thứ Sáu Tuần XXIV Thường Niên - Luca 8:2-3). Vả lại, phái đoàn đông đảo của Chúa Giêsu gần cả trăm người (12 tông đồ + 72 nam môn đệ + 3 nữ môn đệ + "nhiều người khác nữa hỗ trợ các vị bằng phương tiện của mình" - Luca 8:3đi đâu cũng bất tiện, cũng rầm rộ, cũng phiền phức, không hợp với tính cách âm thầm của Chúa Giêsu. 

Nhưng có thể biết được lý do chính yếu mà Người đã phải chọn thêm 72 người môn đệ nữa là vì: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người". Có một điều không thể bỏ qua ở đây là cùng với Thánh ký Mathêu và Thánh ký Marco, Thánh ký Luca có thuật lại về cuộc truyền giáo của 12 tông đồ ở đầu đoạn 9, như ngài thuật lại về cuộc truyền giáo của 72 môn đệ ở đầu đoạn 10 trong bài Phúc Âm hôm nay. 

Sở dĩ Giáo Hội không chọn đọc đoạn Phúc Âm của Thánh ký Luca về sự kiện 12 tông đồ được sai đi truyền giáo là vì Giáo Hội đã chọn đọc bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô về cùng một sự kiện này ở Thứ Năm Tuần Thứ IV Thường Niên, cũng như đã chọn đọc bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu cũng sự kiện này ở Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên. 

So sánh với cuộc truyền giáo của 72 môn đệ trong bài Phúc Âm hôm nay và cuộc truyền giáo của 12 tông đồ ở đầu đoạn 9 cùng Phúc Âm Thánh ký Luca, chúng ta thấy mấy điểm khác nhau chính yếu sau đây: 

1- Không thấy nói Chúa Kitô chính thức ban quyền trừ quỉ và chữa lành cho 72 môn đệ này, như Người đã làm điều ấy cho 12 tông đồ, dù sau cuộc truyền giáo trở về các môn đệ cũng thuật lại cho Người biết rằng họ đã nhân danh Người mà khu trừ được ma quỉ (xem Luca 10:17). Quyền trừ quỉ bởi thế mới thuộc quyền các vị thừa kế các tông đồ là các vị giám mục, mà nếu cần các vị giám mục có thể chỉ định một linh mục nào đó làm việc này thay ngài.

2- Không thấy nói Chúa Giêsu sai các tông đồ đi rao giảng từng cặp như Người sai 72 môn đệ đi từng 2 người một trong bài Phúc Âm hôm nay. Chắc vì thế đã trở thành thói quen cho thành phần môn đệ, như trường hợp 2 môn đệ cùng nhau đi về làng Emmau (xem Luca 24:13), trong đó có một người tên là "Cleopas" (Luca 24:18). Tuy nhiên, nhóm 12 tông đồ cũng có 1 cặp luôn đi với nhau sau biến cố Chúa Kitô phục sinh và thăng thiên, đó là cặp Tông Đồ Phêrô và Gioan (xem Gioan 20:1-10; 21:20-23; Tông Vụ 3:1-10, 4:1-22).

3- Không thấy nói Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi rao giảng về chủ đề gì như chủ đề được các tông đồ ra đi loan báo là "Triều đại Thiên Chúa" (Luca 9:2), nhưng mục đích của các môn đệ được sai đi là để "gặt lúa của Người", tức là để làm cho những gì đã được các vị tiên tri trong Cựu Ước (nhất là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả) gieo vãi nơi dân chúng về một Đấng đến sau, Đấng Thiên Sai, được dân chúng nhận biết và chấp nhận, như dân chúng đã cảm nhận được phần nào về Người là một vị đại tiên tri, như bài Phúc Âm cho Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên tuần trước cho thấy.

Ngoài 3 điểm chính yếu khác nhau này, hai cuộc truyền giáo của 12 tông đồ trước và 72 môn đệ sau, theo Phúc Âm Thánh ký Luca này, có những điểm giống nhau về cách thức truyền giáo liên quan đến hành trang các vị cần phải mang theo "đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép", cũng như liên quan đến nơi trú ngụ các vị có thể ở: "Vào nhà nào... các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có... đừng đi nhà này sang nhà nọ", nhất là đến phản ứng của các vị nếu các vị không được tiếp đón: "Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: "Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi".

Cuộc sai thành phần 72 môn đệ này ra đi rao giảng trong bài Phúc Âm hôm nay quả thực liên quan đến Hành Trình Giêurusalem của Chúa Giêsu, một cuộc Hành Trình đầy gian nan khốn khó hướng về biến cố Vượt Qua của Người, nên ngay từ đầu Người đã cảnh báo 72 môn đệ của Người rằng: "Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng", và ở gần cuối bài Phúc Âm có câu Người bảo 72 môn đệ cảnh tỉnh những nơi không tiếp nhận các vị, đó là câu: "các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần'. Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".

Thật vậy, "Nước Thiên Chúa đã đến gần" đây là gì, nếu không phải là ơn cứu độ sắp được hoàn tất nơi Chúa Giêsu Kitô ở Giêrusalem, nơi mà Người cùng các tông đồ đang tiến "đến gần" để thực hiện, để tỏ hết mình ra cho dân chúng như thể Nước Thiên Chúa đã đến rồi vậy. Tuy nhiên, Giêrusalem là nơi Người tỏ hết mình ra ấy lại không nhận biết Người và không chấp nhận Người đến độ Người đã phải khóc thương nó (xem Luca 19:41), nên Người đã ám chỉ đến số phận của thành này khi nói: "Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".

Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay vẫn tiếp tục với Sách Nehemiah, trong đó, người ta thấy cảnh tượng dân chúng đang ở trong Thành Thánh Giêrusalem tỏ thái độ ăn năn thống hối muốn trở về với Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, trước sự chứng kiến của hai vị lãnh tụ đạo đời bấy giờ là Tư Tế Ezra và Tổng Trấn Nehemiah, nhưng các thày Levi đã phấn khích họ phải hân hoan vui mừng trong ngày được thánh hóa hôm ấy như sau:

"Nehemia là tổng trấn, Ezra là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: 'Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta: anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc'. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: 'Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gởi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn lũy của chúng ta'. Các Thầy Lêvi khiến toàn dân thinh lặng mà rằng: 'Anh chị em hãy thinh lặng, vì hôm nay là ngày thánh, nên chớ lo buồn'. Vì thế toàn dân đi trở ra ăn uống, gởi phần cho những người không có, và đầy hân hoan vui mừng, vì người ta hiểu rõ những lời mình nghe giảng dạy".

Đúng thế, dân Do Thái thời Chúa Giêsu sai 72 môn đệ của Người đi rao giảng và loan báo "Nước Thiên Chúa đã đến gần" là chính ơn cứu độ Người mang đến sắp được hiện thực và hoàn thành nơi chính bản thân của Người cũng thế, cũng phải là tin mừng cho họ và họ cần phải hớn hở tiếp nhận và hưởng ứng cùng đáp ứng. 

Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa cảm nhận của dân Do Thái về lề luật và giới răn của Chúa là những gì chân thật, bất biến, quí báu và thiện ích cho những ai biết tìm kiếm Thiên Chúa là Đấng luôn tỏ mình ra cho dân Ngài, mà tột đỉnh ở nơi Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài vào "thời điểm viên mãn" (Galata 4:4), Đấng đến không phải để hủy bỏ lề luật mà là làm cho nó nên trọn nơi cuộc Vượt Qua của Người (xem Mathêu 5:17):

 

 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. 

2) Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. 

 

3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy. 

 

4) Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng; ngọt hơn mật, và hơn cả mật chảy tự tàng ong.  




Thứ Sáu


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Br 1, 15-22

"Chúng ta đã phạm tội trước mặt Chúa và không tin tưởng vào Người".

Trích sách Tiên tri Barúc.

Sự công chính thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng ta, còn sự thẹn mặt thì thuộc về chúng ta: như ngày nay, nó thuộc về toàn cõi Giuđa: thuộc về dân cư Giêrusalem, vua chúa, quan quyền, tư tế, tiên tri và các tổ phụ chúng ta. Chúng ta phạm tội trước mặt Chúa là Thiên Chúa chúng ta, và chúng ta không tin tưởng, không cậy trông vào Người. Chúng ta không suy phục Người, không nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng ta, để chúng ta bước đi trong các giới răn Người đã ban cho chúng ta. Từ ngày Chúa dẫn các tổ phụ chúng ta ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, chúng ta chẳng tin tưởng vào Chúa là Thiên Chúa chúng ta: chúng ta vô tâm lìa xa Chúa để khỏi nghe tiếng Người. Chúng ta mắc phải nhiều tai hoạ và những lời chúc dữ mà Chúa đã báo cho Môsê tôi tớ Người, khi Người dẫn dắt tổ phụ chúng ta ra khỏi đất Ai-cập, để ban cho chúng ta đất chảy sữa và mật như ngày hôm nay. Chúng ta không nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng ta theo như mọi lời các tiên tri Chúa sai đến cùng chúng ta. Mỗi người chúng ta cứ theo lòng gian tà của mình, làm tôi các thần ngoại, thực hành các sự dữ trước mắt Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 78, 1-2. 3-5. 8. 9

Ðáp: Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con vì vinh quang danh Chúa (c. 9bc).

Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, ngoại bang đã xông vào gia nghiệp Chúa, họ làm ô uế thánh điện của Ngài, họ biến Giêrusalem thành nơi đổ nát! Họ ném tử thi thần dân Chúa làm mồi nuôi chim trời, và huyết nhục tín đồ Ngài cho muông thú đồng hoang. - Ðáp.

2) Họ đổ máu chư vị đó dường như nước lã quanh Giêrusalem, mà không có kẻ chôn vùi. Chúng con đã bị bêu ra cho láng giềng phỉ nhổ, cho lân bang chế diễu nhạo cười! Tới ngày nào, lạy Chúa, Chúa còn giận mãi? Và lòng ghen hận Chúa còn như lửa nấu nung? - Ðáp.

3) Xin đừng nhớ tội tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi! - Ðáp.

4) Ôi Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 10, 13-16

"Ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi.

"Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục.

"Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy".

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm I) Br 1, 15-22
Ðáp Ca: Tv 78, 1-2. 3-5. 8. 9
Phúc Âm: Lc 10, 13-16

 

Alter Christus - Another Christ: Một Chúa Kitô Khác

 

Trong bài Phúc Âm cho Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên hôm nay, một bài phúc âm liên tục với bài Phúc Âm hôm qua, Chúa Giêsu vẫn nói với 72 môn đệ trước khi sai các vị đi. Tuy nhiên, đối tượng được Người nói đến ở đây không phải là chính các môn đệ, mà là đến chính các nơi không tiếp nhận tin mừng của Người, một tin mừng được các môn đệ của Người loan báo về Người và thay Người. Thật vậy:

"Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: 'Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục. Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy".

Không biết có phải Chúa Giêsu sai 72 môn đệ của Người đến các thành được Người đề cập đến ở đây, trong bài Phúc Âm hôm nay hay chăng, mà dường như Người đã biết trước phản ứng tiêu cực của các thành ấy đối với sứ điệp được các môn đệ của Người truyền đạt, nên Người đã phải lên tiếng như ngăm đe các thành ấy trước? 

Thường không phải thế, bởi trong các thành được Người nhắc đến là Capharnaum ở Galilêa là nơi Người thường xuyên lui tới để gặp gỡ và giảng dạy cho dân chúng trong các hội đường, mà Người lại đã rời miền bắc Galilêa, băng qua miền trung Samaria (theo bài Phúc Âm Thứ Ba tuần này) để xuôi nam về Giêrusalem, thì ở đây Người ám chỉ đến những nơi chính Người đã hiện diện và tỏ mình ra trước đó, những nơi theo Người cho biết, chính vì sự hiện diện và tỏ mình ra của Người cho họ mà họ sẽ bị luận phạt nặng nề hơn các thành trong quá khứ, bởi họ không nhận biết và chấp nhận Người trong khi các thành quá khứ không được diễm phúc thấy Người và nghe Người. 

Vương quốc của Thiên Chúa cho dù được chính Người mạc khải cho biết qua lời giảng dạy, uy thế hay quyền năng phép lạ của Người, hay qua thành phần môn đệ của Người, được Người tin tưởng sai đi, đều có giá trị như nhau, đến độ, như Người khẳng định trong Bài Phúc Âm hôm nay về vai trò "thừa sai" nặng ký đại diện của các vị: "Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy".

Sở dĩ 72 môn đệ của Chúa Kitô có một vị trí ngang nhiên ngang hàng với Chúa Giêsu trong việc rao giảng như thế là vì các vị được chính Người tuyển chọn và sai đi, do đó, bất cứ ai không nghe các vị là không nghe Người, bất cứ ai coi thường khinh dể các vị là khinh dể coi thường Người là Đấng đã sai các vị, và gián tiếp khinh dể coi thường chính Thiên Chúa là Đấng đã sai Người. 

Tính cách đại diện của các vị này, tự bản chất, có giá trị ở chỗ thừa hành quyền bính giảng dạy, cho dù các vị về tư cách bất xứng, nhất là khi các vị lại còn gây gương mù gương xấu cho chính thành phần được mình giảng dạy và khuyên bảo. Bởi vậy, tác dụng giảng dạy của các vị có đạt được thành quả bao nhiêu một phần nào còn tùy vào đời sống gương mẫu chứng nhân của các vị. 

Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, được trích từ Sách Tiên Tri Baruc, cũng phân tích rõ hai yếu tố thần linh cao cả và nhân bản thấp hèn luôn đối nghịch nhau: "Sự công chính thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng ta, còn sự thẹn mặt thì thuộc về chúng ta". 
 
Nếu trong Bài Phúc Âm Chúa Giêsu đã nói đến các thành băng hoại bất chấp mạc khải thần linh, và vì thế họ bị trừng phạt bởi không chấp nhận mạc khải thần linh, nhất là không nhận biết Chúa Kitô là tất cả và là tột đỉnh của mạc khải thần linh được Thiên Chúa tỏ ra cho chung nhân loại và cho riêng dân Do Thái, một dân được Thiên Chúa là thần linh chân thật duy nhất liên lỉ tỏ mình ra cho họ trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, nhưng họ vẫn tiếp tục liên lỉ thất trung bội nghĩa với Ngài, như Tiên Tri Baruc đã chân thành cảm nhận trong Bài Đọc 1 hôm nay:

"Chúng ta phạm tội trước mặt Chúa là Thiên Chúa chúng ta, và chúng ta không tin tưởng, không cậy trông vào Người. Chúng ta không suy phục Người, không nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng ta, để chúng ta bước đi trong các giới răn Người đã ban cho chúng ta. Từ ngày Chúa dẫn các tổ phụ chúng ta ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, chúng ta chẳng tin tưởng vào Chúa là Thiên Chúa chúng ta: chúng ta vô tâm lìa xa Chúa để khỏi nghe tiếng Người. Chúng ta mắc phải nhiều tai hoạ và những lời chúc dữ mà Chúa đã báo cho Môsê tôi tớ Người, khi Người dẫn dắt tổ phụ chúng ta ra khỏi đất Ai-cập, để ban cho chúng ta đất chảy sữa và mật như ngày hôm nay. Chúng ta không nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng ta theo như mọi lời các tiên tri Chúa sai đến cùng chúng ta. Mỗi người chúng ta cứ theo lòng gian tà của mình, làm tôi các thần ngoại, thực hành các sự dữ trước mắt Chúa là Thiên Chúa chúng ta".

Bài Đáp Ca hôm nay là một lời nguyện hết sức thống thiết dâng lên Vị Thiên Chúa của giao ước từ một dân tộc đã được Ngài tuyển chọn nhưng cứ liên tục phạm đến Ngài nên bị Ngài bỏ rơi vào tay quân thù và đang van nài Ngài cứu vớt chỉ vì danh thánh của Ngài trước tấm lòng tan nát khiêm cung của họ:


1) Ôi Thiên Chúa, ngoại bang đã xông vào gia nghiệp Chúa, họ làm ô uế thánh điện của Ngài, họ biến Giêrusalem thành nơi đổ nát! Họ ném tử thi thần dân Chúa làm mồi nuôi chim trời, và huyết nhục tín đồ Ngài cho muông thú đồng hoang. 

2) Họ đổ máu chư vị đó dường như nước lã quanh Giêrusalem, mà không có kẻ chôn vùi. Chúng con đã bị bêu ra cho láng giềng phỉ nhổ, cho lân bang chế diễu nhạo cười! Tới ngày nào, lạy Chúa, Chúa còn giận mãi? Và lòng ghen hận Chúa còn như lửa nấu nung? 

 

3) Xin đừng nhớ tội tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi! 

 

4) Ôi Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài. 

 




Thứ Bảy


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Br 4, 5-12. 27-29

"Ðấng đã giáng hoạ trên các con, chính Người sẽ đem lại cho các con sự vui mừng".

Trích sách Tiên tri Ba-rúc.

Hỡi dân Thiên Chúa, Israel đáng ghi nhớ, hãy vững lòng. Các ngươi bị bán cho dân ngoại không phải để bị tiêu diệt, nhưng bởi các ngươi đã trêu chọc cơn thịnh nộ Thiên Chúa, nên các ngươi bị trao phó cho quân thù. Vì chưng, các ngươi đã khiêu khích Ðấng đã tạo thành các ngươi, là Thiên Chúa đời đời, các ngươi tế lễ cho ma quỷ, chớ không phải cho Thiên Chúa. Các ngươi đã bỏ quên Thiên Chúa, Ðấng đã nuôi dưỡng các ngươi, các ngươi đã làm phiền lòng vú nuôi các ngươi là Giêrusalem.

Nó đã chứng kiến cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, giáng xuống trên các ngươi, và nói rằng: "Hỡi những kẻ lân cận Sion, hãy nghe đây, vì Thiên Chúa đã đem đến cho ta cơn khóc lóc cả thể: ta đã nhìn thấy dân ta, con trai, con gái bị lưu đày do Ðấng Hằng Hữu trừng trị chúng. Ta đã vui mừng nuôi dưỡng chúng, nhưng ta đã khóc lóc phiền muộn tiễn chúng ra đi. Không một ai hân hoan cùng ta là kẻ goá bụa và âu sầu: tại tội lỗi con cái ta mà ta đã bị nhiều người lìa bỏ, vì chúng đã lánh xa lề luật Thiên Chúa.

"Các con ơi, hãy vững lòng, hãy kêu cầu cùng Chúa: vì Ðấng đã dẫn đưa các con, sẽ nhớ đến các con. Như lòng các con đã làm cho các con lạc đàng xa Thiên Chúa, thì khi ăn năn trở lại, các con sẽ tìm kiếm Người gấp mười lần. Vì Ðấng đã giáng hoạ trên các con, chính Người sẽ đem lại cho các con sự vui mừng vĩnh cửu cùng với ơn cứu độ".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 68, 33-35. 36-37

Ðáp: Chúa nghe những người cơ khổ (c. 34a).

Xướng: 1) Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù. Hãy ngợi khen Chúa, hỡi trời và đất, biển khơi và muôn vật sống động bên trong! - Ðáp.

2) Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion. Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, tại đây người ta cư ngụ và chiếm quyền sở hữu. Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư. - Ðáp. 

 

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 10, 17-24

"Các con hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, bảy mươi hai ông trở về vui mừng và nói rằng: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con". Người bảo: "Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời". Lúc đó, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng, lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. - Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết". Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều các con xem thấy, vì chưng, Thầy bảo các con: Có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều các con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe".

Ðó là lời Chúa.

 


Suy Nghiệm Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm I) Br 4, 5-12. 27-29
Ðáp Ca: Tv 68, 33-35. 36-37
Phúc Âm: Lc 10, 17-24


Niềm vui đích thực không phải những gì làm được ở đời này mà là hưởng ở đời sau


Bài Phúc Âm cho Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên hôm nay ghi lại thành quả của cuộc truyền giáo vừa được 72 môn đệ thực hiện theo bài sai được ban hành bởi Thày của các vị là Chúa KitôĐấng đã nhắc nhở họ về hạnh phúc thật mà các vị cần phải trân trọng hơn cả chính thành quả truyền giáo. 


Hạnh phúc về thành quả  truyền giáo vừa được 72 môn đệ gặt hái: "Khi ấy, bảy mươi hai ông trở về vui mừng và nói rằng: 'Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con'".


Hạnh phúc thật các vị cần phải trân trọng hơn cả thành quả truyền giáo: "Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời". 


Ở đây Chúa Giêsu không phủ nhận niềm vui của 72 môn đệ về điểm chính yếu được các vị thuật lại cho Người nghe là "cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con". Thật ra, ngay trước khi nghe các môn đệ thuật lại Người cũng "đã thấy" nên Người cũng công nhận quả thật "Satan từ trời sa xuống như luồng chớp". Bởi vì Người biết khả năng của các môn đệ Người tới đâu và có thể làm được ra sao, với những gì Người đã trang bị cho họ, như: "quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con".


Theo tâm lý tự nhiên bình thường của các bậc thày phàm nhân khác thì Người có thể sẽ lên tiếng khen các vị: "Thế à. Các con của thày giỏi quá. Các con đã làm cho danh thày được rực rỡ hơn bao giờ hết khi các con nhân danh thày để trừ quỉ. Danh thày của các con mà... Những gì thày trang bị cho các con quả là công hiệu khôn lường ... ". 


Ở đây, Chúa Giêsu chẳng những không vênh vang vì danh oai phong uy lực của Người, về những gì Người đã trang bị cho các môn đệ, và Người cũng không vồn vã khen các môn đệ của mình như để kích động tinh thần của họ để họ tiếp tục ở với Người và cộng tác làm việc phụng sự Người, trái lại, Người hướng các môn đệ lên cao hơn, vượt thoát những thành công trần thế tầm thường. 


Bởi đó, Người đã nhắc nhở các vị rằng: "Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời". 


Đúng thế, hạnh phúc thật là vinh danh Chúa ở trên trời, chứ không phải ở nơi những gì con người làm được một cách vẻ vang, nhưng đôi khi chúng lại trở thành dịp tội khiến con người bị ảo tưởng đâm ra tự phụ và cuối cùng mất lòng Chúa, mất hết mọi sự, hỏng hết mọi sự, dù là những sự tự bản chất của nó tốt lành. 


Nếu con người chỉ tìm vinh danh Chúa trên trời thì họ đã được hiệp thông thần linh với Người ở ngay đời này và được Ngài chúc phúc, được Ngài ở cùng như cả Thiên Đàng ở với họ, đúng như ý nghĩa của câu Chúa nói "tên các con đã được ghi trên trời". Bởi vì, nhờ đó, dù chưa lên trời, mắt của họ cũng "được xem những điều các con xem thấy..." và tai của họ "nghe những điều các con nghe thấy".


Phải chăng đó là lý do bài Phúc Âm không chấm dứt ở chỗ ấy, nhưng được tiếp theo bởi những lời Chúa Giêsu chúc tụng Cha Người trên trời đối với những tâm hồn đơn sơ bé nhỏ tiêu biểu nơi thành phần môn đệ của Người là những con người qua họ Cha của Người đã tỏ mình ra cho họ thấy qua chính bản thân Người:


"Lúc đó, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: 'Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng, lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. - Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết". 


Tinh thần đơn sơ bé nhỏ để Thiên Chúa có thể tỏ mình ra theo tinh thần của Bài Phúc Âm được phản ảnh trong bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, trong đó, Tiên Tri Baruc tiếp tục trấn an dân Chúa về tình trạng lỗi lầm của họ cùng án phạt vô cùng đớn đau ô nhục họ phải chịu bởi tội lỗi họ gây ra, nhưng vẫn phấn khích họ hãy tin tưởng vào Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất và thủy chung của họ, Đấng trừng phạt họ nhưng không bao giờ bỏ rơi họ, miễn là họ biết hạ mình xuống thật thấp hèn bé nhỏ bằng việc hết lòng thống hối ăn năn:


"Hỡi dân Thiên Chúa, Israel đáng ghi nhớ, hãy vững lòng. Các ngươi bị bán cho dân ngoại không phải để bị tiêu diệt, nhưng bởi các ngươi đã trêu chọc cơn thịnh nộ Thiên Chúa, nên các ngươi bị trao phó cho quân thù. Vì chưng, các ngươi đã khiêu khích Ðấng đã tạo thành các ngươi, là Thiên Chúa đời đời, các ngươi tế lễ cho ma quỷ, chớ không phải cho Thiên Chúa. Các ngươi đã bỏ quên Thiên Chúa, Ðấng đã nuôi dưỡng các ngươi, các ngươi đã làm phiền lòng vú nuôi các ngươi là Giêrusalem... 


Vì tội lỗi của mình mà họ chẳng những phải chịu giáng phạt đích đáng mà tội lỗi họ gây ra còn liên lụy cả đến Giêrusalem nữa, ở chỗ, người vú nuôi Giêrusalem trước kia "đã vui mừng nuôi dưỡng chúng, nhưng đã khóc lóc phiền muộn tiễn chúng ra đi. Không một ai hân hoan cùng ta là kẻ goá bụa và âu sầu: tại tội lỗi con cái ta mà ta đã bị nhiều người lìa bỏ, vì chúng đã lánh xa lề luật Thiên Chúa". 


Thế nhưng người vú nuôi Giêrusalem này chẳng những vẫn sẵn sàng chịu đựng mà còn phấn khích họ tiếp tục hy vọng nơi Đấng có thể cứu họ nữa, Đấng đã tỏ mình ra nơi Vị Thiên Sai của Ngài ở Hành Trình Giêrusalem Vượt Qua của Người: "hãy vững lòng, hãy kêu cầu cùng Chúa: vì Ðấng đã dẫn đưa các con, sẽ nhớ đến các con. Như lòng các con đã làm cho các con lạc đàng xa Thiên Chúa, thì khi ăn năn trở lại, các con sẽ tìm kiếm Người gấp mười lần. Vì Ðấng đã giáng hoạ trên các con, chính Người sẽ đem lại cho các con sự vui mừng vĩnh cửu cùng với ơn cứu độ".


Bài Đáp Ca hôm nay kêu gọi những tâm hồn khiêm cung và tìm kiếm Chúa, như thành phần 72 môn đệ trong Bài Phúc Âm hôm nay, hay thành phần dân Chúa đang phải chịu đựng khổ cực gây ra bởi lầm lỗi của họ trong Bài Đọc thứ 1 hôm nay, hãy tin tưởng vào Vị Thiên Chúa cứu độ là Đấng chỉ muốn làm cho dân của Ngài trở thành nơi Ngài ngự, như một Thành Thánh Giêrusalem được tái thiết:

1) Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù. Hãy ngợi khen Chúa, hỡi trời và đất, biển khơi và muôn vật sống động bên trong! 

 

2) Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion. Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, tại đây người ta cư ngụ và chiếm quyền sở hữu. Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư. 

 

 

7-10: Lễ Mẹ Mân Côi

 

Lễ Đức Bà Mân Côi: Lược Sử

 

Trong cuốn Thánh Mẫu Học do Brice xuất bản năm 1961, tập thứ 3, có một đoạn trình bày về Đức Bà Mân Côi của cha Juniper B. Carol, OFM, một vị linh mục quá cố đã từng nổi tiếng trên thế giới về Thánh Mẫu Học và là vị sáng lập Hội Thánh Mẫu Học Hoa KỳSau đây là đoạn về Đức Bà Mân Côi liên quan đến nguồn gốc việc thành hình Lễ Đức Mẹ Mân Côi được vị linh mục thánh mẫu này nghiên cứu biên soạn.


Những diễn tiền về lịch sử đáng ghi nhớ của ngày mùng 7 tháng 10 năm 1571, Ngày Chúa Nhật đầu tháng này, đã là những gì đưa đến việc xuất hiện lễ Đức Bà Mân Côi. Thế giới Tây phương đã phải đối diện với cuộc thảm họa và tàn phá toàn diện gây ra bởi những người Thổ Nhĩ Kỳ có một hạm đội dũng mãnh đã làm chủ hầu hết Địa Trung Hải và thực sự đang đe dọa Ý quốc. Thánh Giáo Hoàng Piô V và các vị lãnh đạo Kitô giáo khác, vì tin rằng chỉ có ơn trợ giúp siêu nhiên bấy giờ mới có thể chặn đứng cuộc xâm chiếm sắp sửa xẩy ra, đã hướng mắt về trời nài van Người Mẹ thiên đình chuyển cầu cho họ. Vị Thánh Giáo Hoàng cũng xin các Hiệp Hội Mân Côi hãy gia tăng việc họ tôn sùng này vào ngày 7/10 và cử hành việc tôn sùng này một cách trọng thể hơn.

 

Thật thế, chính vào ngày này, lực lượng hải quân của liên minh Kitô giáo đụng độ hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ vững chắc của Thổ Nhĩ Kỳ ở Vịnh Lêpantô. Truyện kể rằng trong khi trận chiến hết sức quan trọng này đang gay go thì Đức Piô V, được linh cảm thiên đình, đã kêu lên “Chiến thắng! Chiến thắng!” Thật thế, hạm đội của bên địch đã hoàn toàn thảm bại làm tan rã lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Vị Giáo Hoàng này không được đặc ân cử hành cuộc mừng kỷ niệm ân huệ lớn lao này của Thiên Chúa. Ngày cùng tháng tận của ngài đã đến, nhưng không xẩy ra trước khi ngài tuyên bố hiệu thành vào ngày 17/3/1572 về việc công khai tạ ơn Mẹ Maria và sâu xa tri ân Mẹ về việc Mẹ bảo vệ chở che, một cuộc tưởng niệm đặc biệt được giành cho Mẹ vào ngày 7/10 dưới tước hiệu Đức Bà Thắng Trận.

 

Đức Grêgôriô XIII, vị thừa nhiệm của ngài, đã thay đổi tước hiệu này thành Đức Bà Mân Côi, và vào ngày 1/4/1573, đã ban sắc chỉ truyền cử hành một thánh lễ mới vào ngày Chúa Nhật đầu Tháng Mười, ban phép cử hành ở những nhà thờ có bàn thờ mang tước hiệu ấy. Một trăm năm sau, theo lời yêu cầu của Nữ Hoàng Tây Ban Nha là Mary Anne, lễ này được lan rộng khắp Tây Ban Nha, và sau đó ít lâu, đến nhiều giáo phận ở Ý và các quốc gia khác. Vào ngày 3/10/1716, như một cách công nhận cuộc chiến thắng của Hoàng Tử Eugene của Savoy đối với quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Hung Gia Lợi vào ngày 5/8 dưới sự bảo hộ của Đức Mẹ Xuống Tuyết, Đức Clêmentê XI đã ban hành một văn kiện, một văn kiện được soạn thảo bởi vị tiền nhiệm của ngài là Đức Innocentê XI, nới rộng lễ Đức Mẹ Mân Côi ra khắp Giáo Hội hoàn vũ. Đức Lêô XIII đã nâng lễ này lên bậc lễ cao hơn. Sau cùng Đức Piô X, trong tự sắc Motu Proprio ngày 23/10/1913, đã chỉ định lễ này vào ngày 7/10 hằng năm (Cf. E. Campana, Maria nel culto cattolico, Torino, 1933, Vol. I, pp. 407-413).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch