SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Chúa Nhật
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: Is 25, 6-10a
"Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta. Ðây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài (c. 6cd).
Xướng: 1) Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo con hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, con sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Pl 4, 12-14. 19-20
"Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.
Anh em thân mến, tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi. Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi. Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Ðức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen!
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: x. Cv 16, 14b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 22, 1-10 {hoặc 1-14}
"Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: "Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới". Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: "Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới". Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.
{Ðoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: "Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?" Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít".}
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Dự Án Cứu Độ của Thiên Chúa có tính cách đại đồng
Nếu để ý các Bài Phúc Âm Giáo Hội cố ý chọn đọc cho các Chúa Nhật Thường Niên Năm A gần đây: Chúa Nhật XXV, XXVI và XXVII và chính Chúa Nhật XXVIII này, chúng ta thấy các bài Phúc Âm này không liên tục với nhau về văn tự, đoạn này liền với đoạn kia, câu này sát với câu nọ, mà là cách quãng, nhưng lại là một cách quãng liên tục và liên hệ với nhau một cách tài tình về ý nghĩa của nó.
Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXV ở đầu đoạn 20 (1-16, và bỏ các câu từ 17 đến 34 sau đó) về chủ vườn nho thuê thợ và trả lương. Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXVI và XXVII ở giữa đoạn 21 (28-32 và 33-43, nghĩa là bỏ 27 câu đầu và bỏ 3 câu cuối). Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXVIII tuần này ở đầu đoạn 22 (1-10 hay có thể tới câu 14).
Như đã nhận định, tuy bị cách quãng về văn tự như thế, 4 bài Phúc Âm cho 4 Chúa Nhật Mùa Thường Niên Năm A XXV, XXVI, XXVII và XXVIII theo Thánh ký Mathêu này vẫn liên tục và liên hệ với nhau một cách tài tình về ý nghĩa của nó. Ở chỗ nào? Ở chỗ: 1- Thành phần được Chúa Giêsu nói tới và nói tới là "các trưởng tế và các kỳ lão trong dân"; 2- Bài Phúc Âm nào Người cũng dùng dụ ngôn mà nói với họ để nhắc nhở về vai trò họ trong dự án cứu độ của Thiên Chúa, về vị thế của họ trong mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Có thể nói, nếu ở đoạn 13 Thánh ký Mathêu đã thuật lại một bộ dụ ngôn về Nước Trời nói chung thế nào, thì Người cũng nói riêng với thành phần đầu mục Do Thái một số dụ ngôn về "Nước Thiên Chúa" liên quan trực tiếp đến họ như vậy.
Đúng thế, bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVIII Thường Niên hôm nay Chúa Giêsu lại dùng một dụ ngôn khác, không còn liên quan đến ông chủ vườn nho như 3 bài Phúc Âm cho 3 Chúa Nhật XXV, XXVI và XXVII trước, mà là dụ ngôn: "Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: 'Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới'".
"Những người đã được mời dự tiệc cưới" đây là ai, nếu không phải là "các trưởng tế và các kỳ lão trong dân" nói riêng và thành phần luật sĩ và biệt phái Do Thái nói chung, bao gồm cả dân Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn. Thế nhưng, thành phần "những người đã được mời dự tiệc cưới" này đã đáp ứng ra sao, Chúa Giêsu đã tiếp tục cho biết trong Bài Phúc Âm hôm nay như sau: "Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi".
"Tiệc cưới cho hoàng tử" được "vị vua kia" tự mình mở tiệc thiết đãi khách được mời mà bị họ coi thường, thậm chí còn loại bỏ đi đây là gì, nếu không phải là mối hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, nhờ Con Ngài đã Nhập Thể và Vượt Qua, nghĩa là một mối hiệp thông thần linh với Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài.
Bữa tiệc cưới vô cùng cao trọng và quan trọng này đã được chính Thiên Chúa, qua miệng tiên tri Isai ở Bài Đọc 1 hôm nay đã tiên báo như sau: "Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta. Ðây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này".
Chính dân Do Thái, qua Thánh Vịnh gia ở Thánh Vịnh 22 về người mục tử nhân lành trong Bài Đáp Ca hôm nay đã cảm thức được Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của mình gần gũi với mình, quan tâm đến mình và chăm nuôi mình đến độ họ chẳng còn mong muốn gì hơn ngoài chính Ngài: "Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi", đến độ tin tưởng vào Ngài trong tất cả mọi sự: "dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con", nhờ đó đã được hoan hưởng một sự sống viên mãn: "đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa", một cảm thức tin tưởng và vô cùng hân hoan này được bộc lộ như sau:
1) Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. .
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo con hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, con sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.
Thế nhưng, ở cuối bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu lại cho thấy cái hậu không tốt, đó là "những người đã được mời dự tiệc cưới" kể như tự mình loại trừ khỏi mối hiệp thông thần linh với Thiên Chúa và chỗ mời danh dự của họ đã được thay thế bởi những người khác không được mời từ trước như họ, bởi tiệc cưới vô cùng cao trọng liên quan đến Ơn Cứu Độ vô cùng quí báu của Thiên Chúa cũng như đến Phần Rỗi vô cùng quan trọng đối với loài người này không thể nào vì họ mà dẹp bỏ một cách dễ dàng và nhanh chóng, trái lại, càng cần phải thực hiện một cách đại đồng và phổ quát hơn, có tính cách "công giáo" hơn, liên quan đến toàn thể nhân loại: "'Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới'. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc".
Thật vậy, nếu Tiệc Cưới Nước Trời đây là Ơn Cứu Độ, là mối hiệp thông thần linh với Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô Nhập Thể và Vượt Qua thì theo dự án cứu độ thần linh của Thiên Chúa, trước hết giành cho dân Do Thái và từ dân Do Thái, sau đó và trên hết, cho chung nhân loại như lời Thiên Chúa hứa với hai nguyên tổ (xem Khởi Nguyên 3:15). Bởi thế, dân ngoại đã được mời vào thế chỗ của dân Do Thái, hay đúng hơn chung hưởng với Dân Do Thái, như lời Thiên Chúa hứa với Tổ Phụ Abraham (xem Khởi Nguyên 22:18).
Vì thế, thành phần được mời đến trước đây là dân Do Thái nói chung, nhưng những ai không đến tham dự thì không áp dụng cho chung dân Do Thái mà là cho những ai trong họ không chịu chấp nhận Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Cũng thế, thành phần được mời đến sau, nói chung là dân ngoại, dân Tân Ước, bao gồm "bất cứ ai" và "bất luận tốt xấu", thì thành phần "xấu" đây bao gồm cả những nam nhân thu thuế gian tham như viên thu thuế Giakêu lùn, và các nữ nhân đĩ điễm nhục dục trong dân Do Thái, thành phần đã từng được đồng bàn với Chúa Giêsu trong nhà viên thu thuế Levi đã được Người tuyển gọi thành Tông Đồ Mathêu (xem Mathêu 9:10).
Tuy nhiên, cho dù được mời đến tham dự tiệc cưới do Thiên Chúa khoản đãi một cách trang trọng và bất ngờ cùng nhưng không như thế, thành phần dự tiệc cưới cũng cần phải làm sao tỏ ra xứng đáng với cái diễm phúc được mời này, ở chỗ mặc áo cưới đàng hoàng, bằng không, họ sẽ bị loại ra ngoài, như phần cuối của bài Phúc Âm hôm nay (không buộc đọc) cho thấy:
"Ðoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: 'Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?' Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: 'Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít'"
Ở đây, xét theo tự nhiên thì có vẻ vô lý và bất công. Khách mời đến sau bất ngờ tới tham dự tiệc cưới thì làm sao kịp sửa soạn mà có áo cưới để mặc trước khi đến tham dự chứ? Vậy thì tại sao bị loại khi không có áo cưới. Áo cưới đây có thể hiểu là đức tin, là đáp ứng ơn gọi Kitô hữu của mình. Kitô hữu được mời đến dự tiện cưới này nơi Phép Rửa, họ cần phải trung thành với chiếc áo trắng rửa tội là chính áo cưới được trao cho họ để họ mặc khi họ chấp nhận đến tham dự tiệc cưới mà họ không ngờ.
Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, tự thân là một người Do Thái lại còn là dân biệt phái nhiệt tâm nhưng giả hình trước nhan Chúa (xem Mathêu đoạn 23), quả thực đã mặc áo cưới trong khi ngài bất ngờ được mời đến tham dự tiệc cưới này, như chính ngài đã thú với giáo đoàn Philipphê, một giáo đoàn dân ngoại nhưng cũng tỏ ra xứng đáng hoan hưởng bữa tiệc Nước Trời khoản đãi họ, một bữa tiệc đã làm họ no nê đến độ có thể chia sẻ "sự phú túc vinh sang của Người trong Ðức Giêsu Kitô", trong Bài Đọc 1 hôm nay:
"Anh em thân mến, tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi. Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi. Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Ðức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen!"
Thứ Hai
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 1, 1-7
"Nhờ Ðức Kitô, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về đức tin".
Khởi đầu bức thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Ðavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu Kitô đã kêu gọi.
Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma, được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 29-32
"Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 1, 1-7
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Phúc Âm: Lc 11, 29-32
Chúa Giêsu Kitô - Điềm Lạ duy nhất
cho những ai tin vào Người
Bài Phúc Âm
hôm nay, Thứ
Hai Tuần XXVIII Thường Niên, cũng là bài Phúc Âm cùng một nội
dung được Thánh ký Mathêu thuật lại và được Giáo Hội chọn đọc cho Thứ
Hai Tuần XVI Thường Niên - Phụng
Vụ Lời Chúa - Tuần XVI Thường Niên.
Tuy nhiên, bài Phúc Âm cùng
nội dung này của Thánh ký Mathêu cho Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên được
Giáo Hội chọn đọc chung với Bài Đọc 1 trong Cựu Ước, còn bài Phúc Âm
cùng nội dung của Thánh ký Luca hôm nay được Giáo Hội chọn đọc chung với
Bài Đọc 1 trong Tân Ước.
Nội dung của Bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến điềm lạ Giona, một điềm lạ ám chỉ Chúa Kitô và cuộc vượt qua của Người là Đấng mà con người cần phải tin tưởng chấp nhận mới được cứu độ:
"Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: 'Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa'".
"Điềm lạ của tiên tri Giona" là gì, nếu không phải, như Bài Đọc 1 cho năm lẻ của các ngày Thứ Hai, Thứ Ba và Thứ Tư tuần trước cho thấy, là điềm lạ vị tiên tri này sẵn sàng bị ném xuống biển để cứu sinh mạng của những con người ở trên một con tầu bấy giờ đang bị bão tố sắp bị nhận chìm, nhưng chính vị tiên tri này cũng không chết mà tiếp tục tục sống trong bụng cá 3 ngày 3 đêm cho đến khi được nó nhả ra trên bãi biển, một điềm lạ như báo trước cuộc vượt qua của Chúa Kitô, Đấng cũng nằm trong lòng đất cho đến ngày thứ ba thì phục sinh vinh hiển.
Phải, Chúa Kitô Vượt Qua chính là điềm lạ cho riêng dân Do Thái là thành phần dân riêng của Người, thành phần chẳng những không chấp nhận Người (xem Gioan 1:11) mà còn sát hại Người cho bằng được, nhưng họ chẳng làm gì được Người vì Người là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa hằng sống bất từ không thể nào không sống lại để chiến thắng tội lỗi và sự chết, để làm chủ cả sự chết lẫn sự sống, để làm cho con người được sự sống và là một sự sống viên mãn hơn (xem Gioan 10:10).
Nếu Chúa Kitô thực sự là điềm lạ Giona cho chung nhân loại mọi thời và cho riêng thành phần dân của Người thì điềm lạ ấy chính là tin mừng cứu độ của nhân loại và cho nhân loại, nhất là của những ai và cho những ai tin vào điềm lạ Giona cũng là tin vào Tin Mừng cứu độ ấy, như Thánh Phaolô Tông Đồ đã nói đến ngay khi mở đầu thư Rôma trong Bài Đọc 1 hôm nay:
"Tin mừng mà Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Ðavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu Kitô đã kêu gọi".
Bài Đáp Ca hôm nay phản ảnh bài Phúc Âm và Bài đọc 1 về ơn cứu độ của Thiên Chúa từ bi nhân ái nơi Đức Giêsu Kitô Vượt Qua, một ơn cứu độ chẳng những cho dân Do Thái mà còn cho muôn dân:
1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!
Ngày 16: 1. Thánh Hedviga, nữ tu
2. Thánh Margarita Maria Alacoque, đồng trinh
Thánh Hedviga, Nữ Tu (1174-1243)
Thánh nữ Hedviga sinh năm 1174, trong một gia đình đạo đức thuộc hoàng tộc. Trong số 8 anh chị em, có hai anh làm Giám Mục, một em gái làm Bề Trên tu viện và một người là thánh nữ Elisabeth, hoàng hậu nước Hung. Từ nhỏ, thánh nữ đã tỏ ra thông minh và đạo đức. Khi tới tuổi trưởng thành, ngài kết hôn cùng Henri, quận công nước Ba Lan, năm 1186. Nhờ nhân đức và lòng đạo hạnh, ngài đã cải hóa được người chồng hoang đàng. Ngài sinh hạ được 7 người con, nhưng Chúa sớm cất về chỉ còn lại người con gái thứ 3 sau làm Bề Trên tu viện.
Thánh nữ ham thích cầu nguyện, ăn chay và hãm mình. Năm 1209, ngài và quận công Henri đã cùng nhau thề nguyền sống thủ tiết. Mỗi người vào một nhà dòng để thanh luyện tâm hồn và kết hợp với Chúa. Trong cuộc sống mới, ngài đã nêu cao tinh thần vui vẻ và phục vụ. Thấy ngài đã có tuổi nên Bề Trên nhà dòng, cũng là con gái thứ ba của ngài, muốn châm chước những luật nghiêm nhặt cho ngài. Nhưng ngài từ chối và xin được đối xử như mọi chị em khác. Thánh nữ còn là một mẫu gương sáng chói: ngài thường an ủi giúp đỡ những người nghèo khó. Chính ngài đã rửa vết thương và băng bó cho những người bị phong cùi.
Với đời sống thánh thiện, Chúa đã cho thánh nữ làm nhiều phép lạ và đã cho ngài biết trước giờ chết. Sau hai tuần lâm bệnh, ngài đã trút linh hồn trong tay Chúa vào ngày 15/10/1243.
Hai mươi bốn năm sau, ngài được Ðức
Giáo Hoàng Clêmentê IV phong lên bậc Hiển Thánh và được tôn làm quan thầy
các bà mẹ Công Giáo và toàn nước Ba Lan năm 1267.
Thánh Margarita Maria Alacoque, Ðồng Trinh (1647-1690)
Thánh Margarita Maria Alacoque sinh năm 1647 trong một gia đình quý phái miền Autun, nước Pháp. Ngay từ những năm thơ ấu, ngài đã có một lòng đạo đức sốt sắng. Ngài đặc biệt tôn kính Ðức Mẹ và Thánh Tâm Chúa. Chúa đã gửi cho ngài nhiều đau khổ để thử thách, nhưng ngài vẫn một lòng tin cậy vào Chúa. Ngày 20/6/1671, thánh nữ chính thức gia nhập dòng Ðức Mẹ Thăm Viếng, và ngày 26/10/1672, ngài được khấn trọn đời. Thấy ngài nhân đức, ma quỷ ra sức cám dỗ, nhưng ngài vẫn không hề thay đổi ý định. Ngài được Chúa cho xem nhiều thị kiến. Một lần kia, trong lúc chầu Thánh Thể, ngài thấy Thánh Tâm Chúa hiện ra với ngọn lửa bừng cháy và những gai nhọn đâm thâu vì quá yêu thương loài người, nhưng loài người lại hững hờ và xúc phạm đến Chúa. Chúa đã truyền cho ngài tổ chức việc tôn thờ Thánh Tâm cách công khai, và hứa sẽ ban nhiều đặc ân cho kẻ thành tâm thi hành việc đạo đức này (1675). Tuy nhiên, ngài gặp phải bao khó khăn vì chị em, vì Bề Trên không muốn chấp nhận. Ngài vẫn âm thầm chịu đựng và luôn kết hợp mật thiết với Chúa trong việc tôn sùng Thánh Tâm Ngài. Về sau, một chị bạn thân thiết với ngài lên làm Bề Trên. Vì hiểu rõ tâm hồn sốt mến của ngài, nên đã cho phép ngài được tổ chức việc tôn sùng này. Từ đó, việc tôn sùng này được phổ biến không những trong dòng mà còn lan dần cả thế giới.
Thánh nữ rất vui mừng và chỉ mong được chia sẻ mọi đau khổ để đền vì tội lỗi nhân loại. Ngày 1610/1690, ngài đã trút linh hồn bình an.
Thánh nữ được phong Hiển Thánh ngày 13/3/1920 dưới triều Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XV.
Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã truyền mừng
kính trọng thể lễ này trong toàn thể Giáo Hội năm 1929.
Thứ Ba
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 1, 16-25
"Dẫu loài người biết Thiên Chúa, họ không tôn vinh Người cho xứng với Thiên Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi không hổ thẹn đạo Phúc Âm: vì đó là sức mạnh của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. Vì trong đó, đức công chính của Thiên Chúa được tỏ ra bởi đức tin, nhằm vào đức tin, như có lời chép rằng: "Người công chính sống bởi đức tin".
Quả thực, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa từ trời cao hiện ra trừng phạt những người vô đạo, bất công, cầm giữ chân lý của Thiên Chúa trong đường tà: vì chưng hễ sự gì có thể biết được về Thiên Chúa, thì đã được biểu lộ trong họ rồi, bởi Thiên Chúa đã tỏ bày cho họ. Từ khi sáng tạo thế gian, qua những loài thụ tạo, họ đã có thể nhìn nhận, hiểu biết những sự không trông thấy được của Thiên Chúa, nhất là quyền năng đời đời và thiên tính của Người, nên họ không thể chữa mình được. Vì dẫu họ biết Thiên Chúa, họ không tôn vinh, không cảm tạ Người cho xứng với Thiên Chúa, song họ đã lầm lạc trong những hư tưởng của họ, và tâm trạng ngu muội của họ đã ra mù tối. Họ tự khoe là khôn ngoan, nhưng họ đã hoá ra điên dại. Họ đã hoán đổi vinh quang của Thiên Chúa bất hủ ra giống như hình ảnh của loài người hay chết và của loài chim, loài thú bốn chân và rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa để mặc cho họ buông theo lòng dục vọng tìm sự dâm ô, thậm chí làm ô nhục đến chính bản thân họ. Họ là những người đã hoán đổi sự chân thật của Thiên Chúa ra sự dối trá, đã thờ tự và phụng sự loài thọ tạo thay vì Ðấng Tạo Hoá, Người đáng chúc tụng muôn đời. Amen!
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5
Ðáp: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa (c. 2a).
Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. - Ðáp.
2) Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. - Ðáp.
Alleluia: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 37-41
"Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa.
Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: "Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 1, 16-25
Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5
Phúc Âm: Lc 11, 37-41
Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, Thứ Ba Tuần XXVIII Thường Niên, tương tự như bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Thứ Ba Tuần V Thường Niên về vấn đề rửa tay trước khi ăn.
Tuy nhiên, ở bài Phúc Âm Thánh ký Marco Tuần V Thường Niên, vấn đề không rửa tay trước khi ăn xẩy ra nơi một số môn đệ của Chúa Giêsu (xem Marco 7:2), trong khi ở bài Phúc Âm hôm nay lại xẩy ra với chính Chúa Kitô, như Thánh ký Luca thuật lại trong bài Phúc Âm hôm nay:
"Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa".
Chắc chắn Chúa Kitô đã biết cái thói lệ thông thường không phải là luật Chúa này của dân Do Thái mà lại là những gì những ai thông luật và giữ luật như thành phần biệt phái vốn coi trọng, nhưng có lẽ Người chủ ý không làm như vậy, không rửa tay trước khi ăn, để nhân cơ hội này dạy cho họ một bài học về những gì cần thiết và quan trọng hơn cả những gì là bề ngoài được họ đặt nặng:
"Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: 'Này quí vị, những người biệt phái, quí vị lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm quí vị lại đầy những tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Thế nhưng nếu quí vị bố thí đi những gì quí vị có thì mọi sự sẽ được tẩy sạch cho quí vị'".
Đúng thế, qua câu giáo huấn chí lý nhưng hết sức thực tế này của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rằng Người chú trọng đến nội tâm hơn hành động biểu hiện, đến tinh thần hơn hình thức bề ngoài. Cho dù vẫn cần đến hành vi cử chỉ bề ngoài và hình thức biểu hiệu đấy, nhưng chúng phải là những gì phản ảnh nội tâm, phản ảnh tinh thần, chứ không phải là những gì thuần hình thức và máy móc, bất xứng với con người là loài có tâm linh và ý thức.
Nếu bề ngoài dù có những hành vi cử chỉ tốt lành hay có những việc làm có vẻ đạo đức như "lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác" thì tất cả chỉ là giả hình che mắt thiên hạ, làm để lấy tiếng khen... Cho đến khi họ bị hiểu lầm hay chống đối hoặc bị chê bai bởi chính những việc giả hình họ làm, họ liền lộ cái chân tướng đầy kiêu căng tự ái của họ, thậm chí họ còn có những hành vi cử chỉ chọc gậy bánh xe, chống phá, thơ nặc danh v.v., như đã từng xẩy ra ở các cộng đoàn Việt Nam từ trước đến nay.
Đó là lý do Chúa Giêsu đã dạy cho thành phần biệt phái cũng như cho chúng ta là thành phần môn đệ của Người, nhưng vẫn bị nhập nhiễm men giả hình giả tạo của họ, một nguyên tắc hay một đường lối làm cho chúng ta không còn sống giả hình mà là sống chân chính đúng như Thiên Chúa muốn, đó là hãy: "Bố thí đi những gì quí vị có thì mọi sự sẽ được tẩy sạch cho quí vị'".
Câu này của Chúa Giêsu có nghĩa là gì? Người khuyên chúng ta ra sao đây để có thể thực hành cho chính xác và có hiệu nghiệm?? Tại sao "bố thí đi những gì (mình) có" là phương cách duy nhất và hiệu nghiệm nhờ đó "mọi sự sẽ được tẩy sạch" cho chúng ta???
Phải chăng ở đây Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng để mọi việc làm của chúng ta, để mỗi một và tất cả mọi hành vi cử chỉ được bày tỏ ra bề ngoài của chúng ta được chân thực, hoàn toàn không có gì là giả tạo, bôi bác, hình thức v.v. chúng ta cần phải sống hết mình, phải ý thức những gì mình làm, phải dứt khoát từ bỏ, như "bố thí đi những gì mình có", những ý hướng xấu xa vị kỷ ham danh hơn là sống hoàn toàn vì Chúa và cho tha nhân v.v.!?
Trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, Thánh Tông Đồ Phaolô cũng cho chúng ta thấy chính vì con người chưa có đức tin, chưa nhận biết Thiên Chúa là những gì bề trong, nội tâm, thuộc tâm linh cao cả, như "Người công chính sống bởi đức tin", mà họ, cho dù theo tự nhiên vẫn có thể nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa trong trời đất: "Từ khi sáng tạo thế gian, qua những loài thụ tạo, họ đã có thể nhìn nhận, hiểu biết những sự không trông thấy được của Thiên Chúa, nhất là quyền năng đời đời và thiên tính của Người, nên họ không thể chữa mình được", vẫn hướng hạ, vẫn không thể nào sống theo sự thật, hoàn toàn sống phản lại sự thật đến độ đã biến đổi sự thật theo ý họ:
"Vì dẫu họ biết Thiên Chúa, họ không tôn vinh, không cảm tạ Người cho xứng với Thiên Chúa, song họ đã lầm lạc trong những hư tưởng của họ, và tâm trạng ngu muội của họ đã ra mù tối. Họ tự khoe là khôn ngoan, nhưng họ đã hoá ra điên dại. Họ đã hoán đổi vinh quang của Thiên Chúa bất hủ ra giống như hình ảnh của loài người hay chết và của loài chim, loài thú bốn chân và rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa để mặc cho họ buông theo lòng dục vọng tìm sự dâm ô, thậm chí làm ô nhục đến chính bản thân họ. Họ là những người đã hoán đổi sự chân thật".
Bài Đáp Ca hôm nay âm vang nội dung của Bài Đọc 1 hôm nay về vấn đề Thiên Chúa đã tỏ mình ra qua thiên nhiên tạo vật của Ngài để con người có thể nhận biết Ngài mà đến với Ngài và ca tụng Ngài, nhờ đó, họ được chân lý giải phóng mà sống trong chân thật, chứ không sống giả dối như thành phần cho dù giữ luật Chúa vẫn đầy những giả hình như những người biệt phái trong bài Phúc Âm hôm nay:
1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia.
2) Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.
|
Thứ Tư
Lễ Kính Thánh Sử Luca 18/11
Thánh sử Luca là một trong các vị môn đệ của Thánh Phaolô. Ngài là một người dân ngoại chứ không phải dân Do Thái.
Nhờ ảnh hương thân học về ân sủng của Thánh Phaolô sư phụ, vị Tông Đồ Truyền Giáo cho dân ngoại, ngài viết Phúc Âm về Lòng Thương Xót Chúa cho dân ngoại (như Thánh ký Mathêu và Marco viết Phúc Âm cho dân Do Thái).
Bởi thế chỉ ở Phúc Âm Thánh Luca mới có các dụ ngôn về LTXC (như ở Phúc Âm Thánh Mathêu có các dụ ngôn về Nước Trời, Nước Thiên Chúa là thực tại đưoọc dân Do Thái trông đợi).
Ngoài ra, Thánh ký Luca còn đề cao nhấn mạnh đến vai trò của hai Đấng là Thánh Linh và Thánh Mẫu:
Thánh Linh là tác nhân truyền giáo, Đấng tỏ tường được thấy trong Phúc Âm của ngài (hơn Phúc Âm Thánh Mathêu và Marco), nhất là trong Sách Tông Vụ của ngài, vì Phúc Âm của ngài là phúc âm cho dân ngoại;
Thánh Mẫu Maria là Mẹ của Lời Nhập Thể, Đấng được Mẹ thụ thai bởi Thánh Linh, Đấng mặc lấy nhân tính của loài người nơi Mẹ, nên gia phả được ngài thuật lại trở về tới nguyên tổ Adong, chứ không phải chỉ tới tổ phụ Abraham như Phúc Âm Thánh ký Mathêu viết cho dân Do Thái.
Phụng Vụ Lời Chúa cho năm nào không trùng với Lễ Kính Thánh Sử Luca
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 2, 1-11
"Người sẽ trả lại cho ai nấy theo công việc họ đã làm, trước là những người Do-thái, sau là những người Hy-lạp".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Hỡi con người kia, hễ ngươi xét đoán, thì ngươi không thể chữa mình được đâu. Vì ngươi xét đoán kẻ khác thế nào, thì ngươi tự lên án mình như vậy: bởi lẽ ngươi cũng phạm điều ngươi lên án. Chúng ta đều biết Thiên Chúa căn cứ theo chân lý mà xét đoán những kẻ hành động như thế.
Hỡi con người kia, ngươi xét đoán những kẻ hành động thể ấy, mà chính mình ngươi cũng làm, ngươi nghĩ rằng: ngươi thoát khỏi án phạt của Thiên Chúa được sao? Hay là ngươi khinh thị lòng nhân hậu, nhẫn nại và khoan dung của Người? Ngươi chẳng biết rằng lòng nhân lành của Thiên Chúa phải thối thúc ngươi hối cải sao?
Thật bởi lòng ngươi chai đá, không chịu hối cải, ngươi chỉ tích trữ cho mình cơn thịnh nộ trong ngày thịnh nộ, ngày sẽ tỏ ra thẩm phán công bình của Thiên Chúa, Ðấng sẽ trả lại cho ai nấy tuỳ theo công việc họ đã làm, vì hễ những ai bền đỗ làm lành, tìm kiếm vinh quang, danh dự và ơn bất tử, thì sẽ được sống đời đời; còn những ai ương ngạnh, không vâng phục chân lý, mà lại tin theo sự gian ác, thì sẽ gặp cơn thịnh nộ và giận dữ.
Hễ kẻ nào làm sự dữ, thì mắc phải gian nan phiền muộn, trước là những người Do-thái, sau là những người Hy-lạp: vì Thiên Chúa không thiên tư tây vị ai cả.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 61, 2-3. 6-7. 9
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa sẽ trả công mỗi người theo như việc họ làm (c. 13b).
Xướng: 1) Duy nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi được an vui; do chính mình Người, tôi được ơn cứu độ. Phải, chính Chúa là Ðá tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng. - Ðáp.
2) Nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi ơi, hãy an vui, vì do Người, tôi được điều tôi trông đợi. Phải, chính Chúa là Ðá tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng. - Ðáp.
3) Hỡi dân tộc, hãy trông cậy Người luôn mọi lúc, hãy đổ giốc niềm tâm sự trước nhan Người, vì Thiên Chúa là nơi ta nương náu. - Ðáp.
Alleluia: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 42-46
"Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!"
Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa". Người đáp lại rằng: "Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 2, 1-11
Ðáp Ca: Tv 61, 2-3. 6-7. 9
Phúc Âm: Lc 11, 42-46
Các khuynh hướng đạo theo của thành phần biệt phái và luật sĩ Do Thái
Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, Thứ Tư Tuần XXVIII Thường Niên, và bài Phúc Âm ngày mai của ngài, cả hai cộng lại dài 1/3 của đoạn 11 và cả hai đều ở vào cuối đoạn 11 này, một khúc Phúc Âm liên quan đến những lời khiển trách thậm tệ của Chúa Giêsu với thành phận biệt phái và luật sĩ trong dân Do Thái, những lời khiển trách này cũng đã được Thánh ký Mathêu giành nguyên đoạn 23 dài để thuật lại và đã được Giáo Hội chọn đọc cho 4 ngày liền: Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên - Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XX Thường Niên, và Thứ Hai, Thứ Ba cùng Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên - Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XXI Thường Niên.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, trước hết Chúa Giêsu đã khiển trách thành phần biệt phái, thành phần trong bài Phúc Âm hôm qua vừa được Người vạch ra cho thấy họ chỉ sống vụ hình thức và bề ngoài mà nội tâm rỗng tuyếch và không có gì là chân thực. Người đã khiển trách họ 3 điều chính yếu theo thứ tự như sau:
1- Khuynh hướng giảm khinh - coi thường những gì chính yếu: "Khốn cho các
ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà,
vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình
và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ
những điều kia".
2- Lòng ham hố danh vọng - coi mình là đệ nhất thiên hạ: "Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ".
3- Nội tâm như nấm mộ chứa đầy những "tham lam và gian ác" (Bài Phúc Âm hôm qua) - được che đậy bằng những dáng vẻ đạo đức bề ngoài che mắt thiên hạ: "Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống như những nấm mồ kín đáo mà người ta không biết dẵm bước lên trên!"
Chúa Giêsu chẳng những khiển trách thành phần biệt phái mà còn cả thành phần luật sĩ nữa, vì cả hai đều là thành phần thông luật, giữ luật và đóng vai trò làm thày dạy luật cho dân chúng. Bởi thế, nghe thấy Chúa Giêsu khiển trách thành phần biệt phái như thế thì "có một tiến sĩ luật" cảm thấy bị động lòng - như thể nghe về người khác thì nghĩ đến thân mình liền lên tiếng: "Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa".
Lợi dụng cơ hội thuận lợi này, Chúa Giêsu liền vạch trần bộ mặt thật của thành phần luật sĩ ấy nữa như sau: "Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới".
Nghĩa là thành phần luật sĩ này bị Chúa Giêsu khiển trách là họ đã tỏ ra nghiêm ngặt với người khác mà nới rộng với bản thân họ về vấn đề tuân giữ lề luật. Ở chỗ, họ bắt người ta tuân giữ kỹ càng và tỉ mỉ đủ mọi luật lệ, trong khi đó cái gì hợp với họ hay dễ giữ thì họ giữ, hoặc giữ để qua mắt thiên hạ, còn cái nào không hợp hay khó khăn thì bỏ qua, tùy theo cách giải thích luật một cách chủ quan vụ lợi của họ.
Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, Thánh Phaolô Tông Đồ cũng cảnh báo Kitô hữu Giáo đoàn Rôma những điều Chúa Giêsu đã khiển trách thành phần luật sĩ trong bài Phúc Âm hôm nay. Thánh Phaolô viết: "Vì ngươi xét đoán kẻ khác thế nào, thì ngươi tự lên án mình như vậy: bởi lẽ ngươi cũng phạm điều ngươi lên án"; "ngươi xét đoán những kẻ hành động thể ấy, mà chính mình ngươi cũng làm".
Thật là những lời chí lý đúng ngay chóc thành phần luật sĩ, ở chỗ, họ bắt lỗi dân chúng không giữ luật này phép kia theo như họ hiểu và họ dạy, thế nhưng chính họ cũng lỗi luật như ai và còn hơn ai nữa kìa: "ngươi xét đoán những kẻ hành động thể ấy, mà chính mình ngươi cũng làm", và như thế họ thật sự là "xét đoán kẻ khác thế nào, thì (họ) tự lên án mình như vậy: bởi lẽ (họ) cũng phạm điều (họ) lên án".
Hậu quả của những con người sống giả hình, như thành phần biệt phái trong Phúc Âm hôm nay: sống theo khuynh hướng giảm khinh - coi thường những gì chính yếu; sống theo lòng ham hố danh vọng - coi mình là đệ nhất thiên hạ; sống tham lam gian ác bằng vỏ đậy đạo đức giả hình; hay như thành phần luật sĩ trong bài Phúc Âm hôm nay tỏ ra nghiệm ngặt với người mà rộng rãi với mình ở vấn đề giữ lề luật, đó là một thứ hậu quả, như Thánh Phaolô khẳng định và cảnh báo ở cuối Bài Đọc 1 hôm nay: "Hễ kẻ nào làm sự dữ, thì mắc phải gian nan phiền muộn", vì Thánh Phaolô cũng báo trước trong cùng Bài Đọc 1 hôm nay như sau:
"... trong ngày thịnh nộ, ngày sẽ tỏ ra thẩm phán công bình của Thiên Chúa, Ðấng sẽ trả lại cho ai nấy tùy theo công việc họ đã làm, vì hễ những ai bền đỗ làm lành, tìm kiếm vinh quang, danh dự và ơn bất tử, thì sẽ được sống đời đời; còn những ai ương ngạnh, không vâng phục chân lý, mà lại tin theo sự gian ác, thì sẽ gặp cơn thịnh nộ và giận dữ".
Bài Đáp Ca hôm nay có một nội dung như để giải quyết vấn đề "gian nan phiền muộn" của những "kẻ nào làm sự dữ", như thành phần biệt phái và luật sĩ trong Bài Phúc Âm hôm nay. Bởi vì:
1) Duy
nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi được an vui; do chính mình Người, tôi được ơn
cứu độ. Phải, chính Chúa là Ðá tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến
luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng.
2) Nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi ơi, hãy an vui, vì do Người, tôi được điều tôi trông đợi. Phải, chính Chúa là Ðá tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng.
3) Hỡi dân tộc,
hãy trông cậy Người luôn mọi lúc, hãy đổ giốc niềm tâm sự trước nhan Người,
vì Thiên Chúa là nơi ta nương náu.
Thứ Năm
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 3, 21-30a
"Con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải bởi việc làm theo lề luật".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, hiện giờ sự công chính của Thiên Chúa đã tỏ hiện không tuỳ vào lề luật, nhưng có lề luật và các tiên tri làm chứng. Sự công chính của Thiên Chúa nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô sẽ ban cho mọi kẻ tin vào Người, không có gì phân biệt: vì mọi người đều phạm tội và đã thiếu mất vinh quang của Thiên Chúa, họ được công chính hoá cách nhưng không, do ơn nghĩa của Người và nhờ sự cứu chuộc nơi Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Thiên Chúa đã đặt làm của lễ đền tội, nhờ tin vào máu của Người, để tỏ cho thấy đức công chính của Người, bởi Người tha thứ những tội đã phạm khi trước, trong thời kỳ nhịn nhục của Thiên Chúa, ngõ hầu tỏ ra đức công chính của Người trong lúc này, để tỏ ra chính Người là Ðấng công chính và công chính hoá người tin vào Ðức Giêsu Kitô.
Vậy đâu là việc tự hào của ngươi? Nó đã bị loại đi rồi. Bởi lề luật nào? Có phải lề luật chỉ việc làm không? Không phải, song là bởi lề luật đức tin. Quả thế, chúng tôi thâm tín rằng: con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải bởi việc làm theo lề luật. Hay là Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của người Do-thái thôi sao? Người không phải là Thiên Chúa các dân ngoại nữa sao? Ắt hẳn Người là Thiên Chúa các dân ngoại nữa: vì chỉ có một Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-5
Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giầu ơn cứu độ (c. 7).
Xướng: 1) Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu! Dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con. - Ðáp.
2) Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu. - Ðáp.
3) Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn con mong đợi Chúa, hơn người lính gác mong trời rạng đông. Hơn lính gác mong hừng đông dậy, Israel đang mong đợi Chúa. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 47-54
"Sẽ bị đòi nợ máu của các tiên tri đã đổ ra, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa phán: "Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ. Bởi đó mà sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu. Khốn cho các ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khoá sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ lại".
Khi người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng.
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 3, 21-30a
Ðáp Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-5
Phúc Âm: Lc 11, 47-54
Các thương tật đạo theo của thành phần biệt phái và luật sĩ Do Thái
Hôm nay, Thứ Năm Tuần XXVIII Thường Niên, Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca được tiếp tục với bài Phúc Âm hôm qua là bài Phúc Âm thuật lại lời Chúa Giêsu khiển trách cả thành phần biệt phái lẫn thành phần luật sĩ về tính chất giả tạo và đời sống hình thức của họ.
Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói với cả 2 thành phần này một lúc, những lời nói khiến họ cảm thấy bị hạ nhục một cách công khai trong khi họ là những bậc thày dạy về luật lệ trong dân chúng và cho dân chúng. Bởi thế, ở đoạn kết bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca đã cho chúng ta thấy phản ứng dữ dội nơi 2 thành phần này như sau:
"Khi người phán bảo cho các người biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng".
Vậy, sau khi khiển trách từng thành phần trong họ ở bài Phúc Âm hôm qua, Chúa Giêsu đã nói với cả hai thành phần này những gì nữa khiến họ đã tỏ ra căm tức quá như thế? Căn cứ vào những lời Chúa Giêsu nói với họ, thì Người cảnh báo rằng họ sẽ bị trả nợ máu:
"Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu".
Thực tế cho thấy họ chẳng giết hại tiên tri nào vào thời của họ hết, như vị vẫn được coi là tiên tri như Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, vị đã bị quận vương Hêrôđê giết chứ không phải họ. Thế nhưng, cũng căn cứ vào lời Chúa Giêsu khẳng định, thì việc họ xây mồ mả cho các vị tiên tri do cha ông của họ sát hại là việc họ, bề ngoài, như thể tỏ ra tôn kính các tiên tri, bù đắp cho các vị, nhưng gián tiếp họ đã tỏ ra công nhận là cha ông họ đã sát hại các vị tiên tri ấy:
"Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ".
Thế nhưng, hành động xây mồ mả cho các vị tiên tri của họ, đối với Chúa Giêsu, không phải là việc họ bù đắp cho các vị tiên tri hay công nhận các vị tiên tri, cho bằng họ "làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi". Tại sao Chúa Giêsu lại có vẻ hiểu lầm họ một cách oan nghiệt như thế, như thể Người muốn ngăn chặn con đường ăn năn hoán cải của họ, bằng cách hoàn toàn phủ nhận công việc lành thánh họ muốn làm để bù đắp lỗi lầm cho cha ông của họ như vậy chứ?
Phải chăng ở đây Chúa Giêsu muốn ngầm tiên báo cho họ biết trước rằng, cho dù họ có thiện chí xây dựng lại mồ mả cho các vị tiên tri nạn nhân của cha ông họ, họ cũng chẳng hơn gì cha ông của họ đâu, mà thậm chí họ còn tệ hơn cha ông của họ nữa, bởi họ có thực sự không sát hại các vị tiên tri như cha ông của họ đã làm, nhưng họ sẽ nhúng tay vào việc sát hại một vị đại tiên tri trên hết các tiên tri, Vị Thiên Sai của Thiên Chúa là chính bản thân Người!?! - "dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu" là thế!
Đúng vậy, họ "sẽ bị đòi nợ máu" của chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế, như chính họ đã tự nguyện chấp nhận với Tổng Trấn Philatô: "hãy cứ để cho máu của hắn đổ lên chúng tôi và con cháu chúng tôi" (Mathêu 27:35), nhưng lại chính là máu đổ ra để cứu chuộc họ, đổ ra một cách nhưng không và vô cùng nhân ái, hoàn toàn không do công nghiệp của họ và cho dù họ cố tình nhúng tay vào việc sát hại Người chăng nữa, miễn là họ tin tưởng vào Người, chứ không tin vào việc tuân giữ lề luật của họ.
Thánh Phaolô đã từng chủ trương công chính bởi giữ luật theo chiều hướng của một biệt phái nhiệt thành trước kia, nhưng nhờ ân sủng, ngài đã được công chính hóa khi nhận ra chân lý bằng đức tin tuân phục của ngài, nhờ đó ngài đã dấn thân rao giảng chân lý cứu độ chính yếu được ngài "thâm tín rằng: con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải bởi việc làm theo lề luật", như ngài đã viết trong Thư gửi Giáo đoàn Rôma ở Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay như sau:
"Anh em thân mến, hiện giờ sự công chính của Thiên Chúa đã tỏ hiện không tùy vào lề luật, nhưng có lề luật và các tiên tri làm chứng. Sự công chính của Thiên Chúa nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô sẽ ban cho mọi kẻ tin vào Người, không có gì phân biệt: vì mọi người đều phạm tội và đã thiếu mất vinh quang của Thiên Chúa, họ được công chính hoá cách nhưng không, do ơn nghĩa của Người và nhờ sự cứu chuộc nơi Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Thiên Chúa đã đặt làm của lễ đền tội, nhờ tin vào máu của Người, để tỏ cho thấy đức công chính của Người, bởi Người tha thứ những tội đã phạm khi trước, trong thời kỳ nhịn nhục của Thiên Chúa, ngõ hầu tỏ ra đức công chính của Người trong lúc này, để tỏ ra chính Người là Ðấng công chính và công chính hoá người tin vào Ðức Giêsu Kitô... ".
Bài Đáp Ca hôm nay cũng như hôm qua, vẫn tiếp tục âm vang nội dung của Bài Đọc 1 cho năm lẻ theo ngày của mình. Nếu Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay bày tỏ cảm nhận "mọi người đều phạm tội và đã thiếu mất vinh quang của Thiên Chúa, họ được công chính hoá cách nhưng không, do ơn nghĩa của Người và nhờ sự cứu chuộc nơi Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Thiên Chúa đã đặt làm của lễ đền tội, nhờ tin vào máu của Người", thì thành phần như biệt phái và luật sĩ trong bài Phúc Âm hôm nay cần phải làm sao có được tâm tình của Bài Đáp Ca cùng ngày sau đây:
1) Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu! Dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con.
2) Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu.
3) Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn con mong đợi Chúa, hơn người lính gác mong trời rạng đông. Hơn lính gác mong hừng đông dậy, Israel đang mong đợi Chúa.
Thứ Sáu
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 1-8
"Abraham đã tin vào Thiên Chúa và điều đó kể cho ông như sự công chính".
Trích thư Thánh Phaolô Tồng đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, chúng ta phải nói gì về chuyện Abraham, tổ phụ theo huyết nhục của chúng ta đã gặp thấy? Nếu như Abraham nhờ việc làm mà được nên công chính, thì ông có lý mà tự hào, nhưng không phải tự hào trước mặt Thiên Chúa. Vì Thánh Kinh nói gì? Abraham đã tin vào Thiên Chúa, và điều đó được kể cho ông như sự công chính.
Ðối với người thợ làm việc, tiền công không kể được là ân huệ, nhưng là một món nợ. Còn đối với người không làm việc, nhưng tin vào Ðấng làm cho người ác nên công chính, thì đức tin của kẻ ấy được kể như là sự công chính, theo ơn Thiên Chúa phân định.
Cũng như Ðavít tuyên bố là phúc đức con người được Thiên Chúa kể là công chính, không cần có việc làm, mà rằng: "Phúc cho những ai được tha thứ sự gian ác, và được che lấp các tội lỗi. Phúc cho người Chúa không chấp nhất sự tội".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 11
Ðáp: Chúa là chỗ dung thân; Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ (c. 7).
Xướng: 1) Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian. - Ðáp.
2) Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: "Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con". - Ðáp.
3) Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa, và mọi người lòng ngay hãy hớn hở reo mừng! - Ðáp.
Alleluia: Dt 4, 12
Alleluia, alleluia! - Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và ý muốn của tâm hồn. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 1-7
"Mọi sợi tóc trên đều các con cũng đã được đếm cả rồi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: "Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà.
"Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy.
"Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 1-8
Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 11
Phúc Âm: Lc 12, 1-7
Thứ men giả hình của thành phần biệt phái và luật sĩ Do Thái
Bài
Phúc Âm
cho Thứ Sáu Tuần XXVIII Thường Niên hôm nay vẫn
theo chiều hướng đức tin công chính là những gì được Bài Đọc 1 cho năm lẻ
tiếp tục khai triển
từ
Thứ Hai đầu
Tuần XXVIII Thường Niên này.
Trước
hết, có một chi tiết hơi lạ ở ngay đầu bài Phúc Âm hôm nay, đó là chi tiết: "Khi
ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau,
nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: 'Các con hãy ý tứ giữ
mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình'...".
Vấn đề được đặt
ra ở đây là tại sao tình trạng dân chúng đông đảo đến độ chen lấn đạp cả lên
nhau lại trở thành nguyên động
lực thúc đẩy
Chúa Giêsu lên tiếng giảng dạy các môn đệ của Người về việc ý tứ giữ mình
cho khỏi men của những người biệt phái? Phải
chăng hiện tượng chen lấn nhau, đến độ gây tổn hại cho nhau như thế là
hình ảnh về một thứ môi trường có thể lây
lan những cái
xấu xa từ
kẻ mạnh sang kẻ yếu!
Chính Chúa Giêsu đã xác định "men biệt phái, nghĩa là sự giả hình". Mà giả hình tức là những gì không thật, giả tạo, dối trá không thể nào tồn tại vĩnh viễn như chân lý bất diệt, tức là sẽ bị lộ ra trước ánh sáng, như chính Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay:
"Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà".
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu chẳng những khuyên các môn đệ hãy tránh điều tiêu cực là sống giả hình như thành phần biệt phái, mà còn trấn an và thúc giục các vị hãy sống tích cực bằng lòng tin tưởng vào Thiên Chúa khi phải sống sự thật, tức là sống không giả tạo, không gian dối, không giả hình, cho dù có vì thế, vì chân lý mà bị bách hại và bị sát hại như Người:
"Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy. Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ".
Ở đây Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ rằng: 1- không một sự gì xẩy ra ngoài Thánh Ý Chúa quan phòng; 2- dù là một con chim sẻ chỉ có giác hồn, một sợi tóc vô hồn v.v., chẳng đáng già là bao, huống chi là con người vốn là loài linh ư vạn vật, cao trọng hơn chim sẻ nhiều; 3- Thiên Chúa là Đấng quan phòng thần linh sẽ gìn giữ tất cả mọi người và từng người theo ý định khôn ngoan và quyền năng vô cùng của Ngài; 4- bởi đó đừng lo âu sợ hãi nhất là sợ kẻ dữ vì họ cũng chỉ là một con người hữu hạn như mình, chứ không toàn quyền sinh tử đời đời như Thiên Chúa.
Tóm lại, hãy tin tưởng vào Thiên Chúa mà bằng an vui sống cho dù có phải gian nan khốn khó hoạn nạn đớn đau. Chính lòng tin tưởng vào Thiên Chúa là những gì làm cho con người sống chân thật và công chính, sống vượt lên trên mọi gian nan khốn khó, sống trước thánh nhan Thiên Chúa.
Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, Thánh Phaolô đã cho thấy một tổ phụ Abraham không trở thành công chính vì việc làm của ông mà là bằng lòng tin của ông đối với Vị Thiên Chúa là Đấng đã nhưng không tuyển chọn ông cũng như đã tự động ký kết giao ước với ông:
"Nếu như Abraham nhờ việc làm mà được nên công chính, thì ông có lý mà tự hào, nhưng không phải tự hào trước mặt Thiên Chúa. Vì Thánh Kinh nói gì? Abraham đã tin vào Thiên Chúa, và vì thế mà ông được kể là người công chính".
Thật ra không phải là tổ phụ Abraham không làm gì, chỉ hoàn toàn tin tưởng một cách thuần túy vào Thiên Chúa vô hình mà thôi, trái lại, vị tổ phụ này, chính vì hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa mà đã phải làm những gì quá sức và cam go hơn ai hết, khi ông phải hết sức đáp ứng ý muốn tối cao của Thiên Chúa, nhất là khi ông phải đích thân sát tế người con trai duy nhất của mình theo như ý muốn tối cao của Thiên Chúa, bằng tất cả lòng tin tưởng của ông.
Cái cốt lõi của việc tin vào Thiên Chúa nhờ đó mà được nên công chính là ở chỗ con người cần phải, trước hết và trên hết, biết chân nhận mình hèn hạ, yếu đuối, tội lỗi trước nhan Thiên Chúa là Đấng thứ tha và thánh hóa chúng ta, như Thánh Phaolô đã viết trong Thư gửi Giáo đoàn Rôma ở Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay:
"Đavít tuyên bố là phúc đức con người được Thiên Chúa kể là công chính, không cần có việc làm, mà rằng: 'Phúc cho những ai được tha thứ sự gian ác, và được che lấp các tội lỗi. Phúc cho người Chúa không chấp nhất sự tội'".
Với ý thức đó, chúng ta mới thấm thía cảm nghiệm được ý nghĩa của những lời trong Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Phúc thay người được tha
thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa
không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian.
2) Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: "Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con".
3) Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa, và mọi người lòng ngay hãy hớn hở reo mừng!
Thứ Bảy
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 13. 16-18
"Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, như có lời chép rằng: "Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc". (Ông là cha chúng ta) trước mặt Thiên Chúa, Ðấng ông đã tin, Ðấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 104, 6-7. 8-9. 42-43
Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).
Xướng: 1) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu. - Ðáp.
2) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac. - Ðáp.
3) Vì Ngài đã nhớ lời thánh thiện của Ngài, lời Ngài đã ban bố cùng Abraham là tôi tớ Ngài. Ngài đã đưa dân tộc Ngài ra đi trong niềm vui vẻ, đưa những kẻ Ngài kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan. - Ðáp.
Alleluia: Gc 1, 18
Alleluia, alleluia! - Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 8-12
"Trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha.
"Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 13. 16-18
Ðáp Ca: Tv 104, 6-7. 8-9. 42-43
Phúc Âm: Lc 12, 8-12
Tuyên xưng Con Người và phạm đến Con Người
Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca cho Thứ Bảy cuối Tuần XXVIII Thường Niên hôm nay vẫn cùng với Bài Đọc 1 cho năm lẻ trong ngày tiếp tục đề tài về đức tin công chính hay về người lành sống bởi đức tin.
Thật vậy, theo lời Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm, thì người lành sống bởi đức tin là người tỏ ra hiên ngang làm chứng cho sự thật, tức làm chứng cho Chúa Kitô, không sợ hãi khi bị bách hại, hay sợ hãi kẻ bắt bớ mình, trái lại, họ sống như đang ở trước nhan Thiên Chúa là Đấng ngự trong họ bằng Thánh Thần của Ngài, để Ngài có thể tỏ mình ra trong họ và qua họ ở vào chính những cơn gian nan thử thách cần đến đức tin bất khuất của họ.
Đó là tất cả ý nghĩa của những gì "Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha. Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào'".
Trong đoạn "Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ" trên đây, có tất cả là 3 câu, nhưng hình như câu thứ hai hơi lạc đề, không dính dáng gì với câu trước và câu sau, đó là câu: "Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha". Chẳng lẽ câu này Người có ý cảnh báo cho các môn đệ của Người về hai thứ tội: một tội có thể tha được là tội phạm đến Con Người và một tội không thể tha được là tội phạm đến Thánh Thần?
Có nghĩa là nếu các môn đệ của Người chẳng may vì yếu đuối sợ hãi quá hoặc đau đớn quá không dám làm chứng cho Người, "chối bỏ Thầy trước mặt người đời", thì tội của họ vẫn có thể được tha thứ, như trường hợp đã xẩy ra cho tông đồ Phêrô sau này, vị tông đồ đã chối Thày 3 lần nhưng vẫn được tha, bởi ngài vẫn tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa sau khi ngài vừa chối lần thứ ba xong liền bắt gặp ánh mắt nhân hậu của Thày quay lại nhìn ngài (xem Luca 22:61).
Sở dĩ tội "phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha" là bởi vì, đối với chính Con Người là Chúa Giêsu Kitô, những ai phạm đến Người nhìn bề ngoài cũng chỉ là một con người tầm thường như họ, không thể nào là Thiên Chúa như họ nghĩ, đều là những con người hoàn toàn "lầm không biết việc mình làm" (Luca 23:34).
Thậm chí dân Do Thái nói chung và thành phần lãnh đạo dân chúng nói riêng, bề ngoài nhất định chối bỏ Người, cố ý lên án tử cho Người và cương quyết xin Tổng Trấn Philato giết Người cho bằng được, vẫn được vị tông đồ đã chối Thày 3 lần là Phêrô tỏ ra hoàn toàn cảm thông trong bài giảng ở Giêrusalem sau khi ngài chữa lành cho một người què ở Cửa Đẹp, như sau: "Thưa anh em, tôi biết rằng anh em đã tác hành một cách vô thức, như các vị lãnh đạo của anh em đã làm vậy" (Tông Vụ 3:17).
Thế nhưng, một khi tình trạng "vô thức - ignorance" (Tông Vụ 3:17) ấy của con người, tình trạng "không biết - do not know" (Luca 23:34) ấy nơi con người, một tình trạng vẫn còn có thể được tha thứ, một tình trạng mà một khi đã được Thiên Chúa bù đắp cho bằng Thánh Thần của Ngài là Đấng thấu suốt mọi sự kể cả thâm tâm của Thiên Chúa (xem 1Corinto 2:10), để "Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào", con người vẫn không dám làm chứng cho sự thật, vẫn không dám làm chứng cho Chúa Kitô, vẫn chối Chúa Kitô, thì bấy giờ mới là tội "phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha".
Trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô Tông Đồ vẫn tiếp tục gương của tổ phụ Abraham là người công chính sống bởi đức tin, đến độ ông tuyệt đối tin vào tất cả những gì Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất đã tự động hứa với ông, thậm chí ông được Ngài hứa cho làm cha của một dân tộc, đông như sao trời cát biển, qua đứa con được sinh ra khi vợ ông đã hết thời sinh sản, mà lại là đứa con chính Ngài đã bảo ông phải sát tế cho Ngài, ông vẫn sẵn sàng sống đức tin tuân phục.
Chính vì thế Thánh Phaolô đã viết về ông trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay rằng: "mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: 'Dòng dõi ngươi sẽ như thế'", một dòng dõi xuất phát Đấng Thiên Sai Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô, Đấng được các tông đồ và Giáo Hội của Người "làm chứng cho đến tận cùng trái đất" (xem Tông Vụ 1:8).
Bài Đáp Ca hôm nay kêu gọi thành phần con cháu của tổ phụ Abraham, cha của các kẻ tin hãy tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng đã tự ý thiết lập giao ước với vị tổ phụ này và sẽ tiếp tục trung thành hiện thực với giao ước của Ngài với con cháu của ông cho đến cùng:
1) Hỡi miêu duệ Abraham là
tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được Ngài kén chọn, chính
Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa
cầu.
2) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac.
3) Vì Ngài đã nhớ lời thánh thiện của Ngài, lời Ngài đã ban bố cùng Abraham là tôi tớ Ngài. Ngài đã đưa dân tộc Ngài ra đi trong niềm vui vẻ, đưa những kẻ Ngài kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan.